Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
U xơ tử cung
U xơ tử cung là u lành tính (không phải ung thư) thường gặp nhất ở tử cung. U xơ tử cung phát triển ở thành tử cung hoặc dính vào thành tử cung. Chúng có thể chỉ là một khối u hoặc có nhiều khối u hợp lại. U xơ tử cung có thể gây ra rong kinh, rong huyết, đau vùng chậu và tiểu lắt nhắt.
- Tình trạng này thấy ở 25% phụ nữ và nguyên nhân hàng đầu phải cắt tử cung ở Mỹ. Ở những phụ nữ trên 35 tuổi, cứ 5 người thì có 1 người bị u xơ tử cung. Ước lượng hằng năm có khoảng 600.000 trường hợp cắt tử cung tại Mỹ và u xơ tử cung chiếm 1/3 trong số đó. Hiện nay, có những loại thuốc và những phương pháp phẫu thuật mới ít xâm lấn hơn có thể ngăn chặn được sự phát triển của u xơ tử cung.
- U xơ tử cung xuất phát từ lớp cơ tử cung. Chúng phát triển vào trong lòng tử cung và vào sâu bên trong thành tử cung hoặc nằm ở mặt ngoải tử cung hướng vào khoang bụng. Mặc dù những khối u này được gọi là "u xơ" nhưng thuật ngữ "u xơ tử cung" bị dùng sai do thành phần của chúng là mô cơ chứ không phải là mô xơ.
NGUYÊN NHÂN
U xơ tử cung phát triển dưới sự kích thích của hormon estrogen được sản xuất tự nhiên trong cơ thể. Sự phát triển này có thể bắt đầu ở tuổi dậy thì khoảng 20 tuổi và thu nhỏ lại sau tuổi mãn kinh khi cơ thể ngưng sản xuất một số lượng lớn estrogen.
- U xơ tử cung có thể nhỏ và không gây triệu chứng nhưng chúng cũng có thể phát triển đến mức có thể nặng đến 3-4 kg. Chúng phát triển chậm. Một số phụ nữ bị nhiều u xơ có thể là do di truyền.
- Một số yếu tố liên quan đến sự phát triển của u xơ tử cung:
- Thừa cân, béo phì
- Chưa từng sinh con
- Có kinh nguyệt lần đầu trước 10 tuổi
- Người Mỹ gốc Phi (gấp 3-9 lần so với người Mỹ da trắng).
TRIỆU CHỨNG
Hầu hết u xơ tử cung, ngay cả khi chúng rất lớn, cũng có thể không có triệu chứng. Thường bạn sẽ phát hiện bệnh khi đi khám phụ khoa định kỳ.
Những triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Chảy máu âm đạo bất thường hoặc chảy máu kinh nhiều hơn bình thường, còn được gọi là rong kinh, rong huyết, đôi khi còn kèm theo máu cục.
- Tăng áp lực ở bàng quang có thể gây tiểu nhiều lần và có cảm giác muốn đi tiểu và đôi khi bí tiểu.
- Tăng áp lực ở trực tràng, dẫn đến táo bón.
- Tăng áp lực ở khung chậu, cảm thấy trằn bụng dưới, đau bụng dưới.
- Thấy bụng lớn ra, tăng vòng eo. (Có thể bạn phải nới rộng quần, tăng cỡ quần khi mặc nhưng không có dấu hiệu tăng cân rõ rệt)
- Vô sinh, được định nghĩa là tình trạng không thể có thai sau 1 năm cố gắng thụ thai và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.
- Khi bác sĩ khám bệnh có thể phát hiện ra một khối ở khung chậu.
KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP CỦA Y HỌC
Bạn nên đến bác sĩ khi có những biểu hiện sau:
- Kinh nguyệt không đều hoặc lượng máu ra nhiều hơn, xuất huyết giữa kỳ kinh.
- Đau khung chậu hoặc đau bụng.
- Sốt hoặc vã mồ hôi đêm
- Tăng vòng bụng
- Lo lắng về thai kỳ hoặc không có khả năng mang thai.
Hãy liên lạc với bác sĩ ngay lập tức hoặc đến phòng cấp cứu nếu có những biểu hiện sau:
- Máu kinh thấm qua nhiều hơn 3 miếng băng vệ sinh mỗi giờ.
- Đau bụng hoặc khung chậu nặng hoặc kéo dài
- Chóng mặt, choáng váng, thở gấp, hoặc đau ngực có liên quan đến chảy máu âm đạo.
- Chảy máu âm đạo có liên quan đến thai kỳ hoặc có khả năng mang thai.
LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG
Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi liên quan đến bệnh của bạn và khám lâm sàng, trong đó có cả thao tác khám âm đạo. Thông thường bác sĩ có thể cảm thấy có sự bất thường ở tử cung của bệnh nhân.
Nếu cần phải khám kỹ hơn, bác sĩ có thể sẽ chọn một trong những phương pháp sau để xác định bệnh và loại trừ những bệnh khác nghiêm trọng hơn:
- Siêu âm khung chậu hoặc qua ngã âm đạo để xác định số lượng, kích thước và hình dáng của u xơ. Sóng âm sẽ cung cấp cho bác sĩ những hình ảnh trong khung chậu của bạn. Đầu dò siêu âm được áp sát trên bụng bệnh nhân hoặc có thể đưa vào trong âm đạo.
- Sinh thiết nội mạc tử cung được thực hiện bằng cách lấy đi mẫu mô trong tử cung. Một dụng cụ nhỏ được đưa vào trong cổ tử cung để lấy đi những mẫu mô nhỏ nằm trong tử cung và sau đó được gửi đến phòng giải phẫu bệnh.
- Nội soi lòng tử cung: một camera nhỏ được đưa vào lòng tử cung qua cổ tử cung để ghi nhận những hình ảnh bên trong.
- Chụp tử cung và vòi trứng có cản quang (HSG - hysterosalpingography): tiêm thuốc cản quang vào tử cung và vòi trứng sau đó sẽ chụp X quang nhằm quan sát hình thái bên trong của những cấu trúc này.
- Nội soi ổ bụng thám sát: một camera nhỏ được đưa vào bụng để quan sát trực tiếp những cấu trúc bên trong.
ĐIỀU TRỊ
Điều trị u xơ tử cung phụ thuộc vào triệu chứng, kích thước và vị trí của khối u, tuổi của bạn (khoảng thời gian từ hiện tại cho đến lúc mãn kinh), ý muốn có con và thể trạng của bạn.
Chăm sóc tại nhà
Không có hướng dẫn điều trị đặc hiệu tại nhà đối với bệnh u xơ tử cung. Nhưng nếu bạn chảy máu âm đạo bất thường hoặc nhiều, bạn nên ghi nhận lại chu kỳ kinh của mình để có thể cung cấp thông tin cho bác sĩ biết.
Điều trị tại bệnh viện
Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị là không cần thiết, đặc biệt là nếu như bạn không có triệu chứng, khối u nhỏ hoặc bạn đã qua tuổi mãn kinh. Nếu bệnh nhân ra máu âm đạo nhiều do u xơ từ cung có thể cần phải áp dụng phương pháp nạo cầm máu buồng tử cung. Nếu không có bằng chứng ác tính (ung thư), thường có thể điều trị chảy máu âm đạo bằng thuốc hormon.
Dùng thuốc
Theo dõi: bác sĩ sẽ theo dõi kích thước và sự phát triển của khối u xơ theo thời gian để chắc chắn đó không phải là ung thư. Nếu bạn không có những triệu chứng như chảy máu âm đạo, vùng chậu và nếu khối u không phát triển nhanh, thì bạn không cần điều trị. Tuy nhiên, ban cũng phải tái khám và khám phụ khoa thường xuyên sau mỗi 6 tháng để kiểm tra sự thay đổi của khối u.
Thuốc: Bạn có thể được cho thuốc kháng viêm không streoid, thuốc tránh thai bằng đường uống, thuốc kháng tiết hormon gonadotropin hoặc RU - 486.
- Thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen (Advil hoặc một loại khác) có thể làm giảm đau vùng chậu do u xơ tử cung.
- Thuốc ngừa thai đường uống thường được sử dụng trong u xơ tử cung, Mặc dù những hormon (có bao gồm estrogen) trong thuốc ngừa thai có thể làm tăng kích thước khối u nhưng chúng thường giảm tình trạng ra máu âm đạo và đau vùng chậu.
- Thuốc kích thích tiết hormon gonatropin (GnRH) có tác dụng ức chế tuyến yên làm cơ thể giảm tiết estrogen. Sự sụt giảm nồng độ estrogen trong cơ thể làm giảm kích thước của khối u. Loại thuốc này thường được dùng trước phẫu thuật nhằm làm khối u co lại để giảm số lượng máu mất qua quá trình phẫu thuật hoặc cải thiện công thức máu trước phẫu thuật. Kích thước của khối u có thể giảm khoảng 50% trong 3 tháng sử dụng thuốc. Nhưng khổi u có thể phát triển trở lại nếu ngừng điều trị. Hạn chế sử dụng cách điều trị này lâu dài vì chúng có những tác dụng phụ gây ra do tình trạng giảm estrogen trong cơ thể (giống tình trạng mãn kinh do thuốc) như loãng xương, nóng bừng và khô âm đạo.
- Thuốc kháng hormon RU - 486 (mifepristone) có thể làm giảm khối u xuống khoảng phân nửa. Loại thuốc này còn cho thấy có tác dụng làm giảm đau vùng chậu, giảm áp lực ở bàng quang, và giảm đau vùng lưng dưới. Sử dụng liều thấp để làm giảm kích thước khối u trước phẫu thuật cắt bỏ. Thuốc còn có thể giúp tránh không phải phẫu thuật do nó có thể làm thu nhỏ kích thước khối u nên cũng giải quyết được vấn đề do khối u gây ra. Những tác dụng phụ của thuốc do giảm estrogen tương tự như tác dụng phụ của GnRH nhưng có thể ít gặp hơn. RU - 486 có thể gây sẩy thai do đó cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc nếu muốn có thai.
Phẫu thuật
Lựa chọn điều trị phẫu thuật vừa có những nguy cơ cũng như những lợi ích. Bạn nên chắc chắn rằng mình đã thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ cũng như những ích lợi mà bạn nhận được khi phẫu thuật. Một số cách phẫu thuật có thể sẽ không phù hợp với bạn do tính chất khối u cũng như những yếu tố khác về sức khỏe.
- Phẫu thuật bóc nhân xơ là hình thức phẫu thuật chỉ lấy đi khối u mà thôi. Phương pháp này có thể thực hiện qua nội soi buồng tử cung, nội soi ổ bụng và ít gặp hơn là mổ hở (rạch đường trên bụng). Cách thực hiện phụ thuộc vào kich thước và vị trí của u xơ tử cung. Điều trị trước phẫu thuật bằng thuốc GnRH có thể làm giảm lượng máu mất và giảm thời gian thực hiện cuộc phẫu thuật. Bóc nhân xơ cũng giảm làm tổn thương đại tràng, bàng quang hoặc niệu quản so với cắt tử cung. Tử cung không bị lấy đi và bạn vẫn có thể có thai.
- Cắt tử cung là phẫu thuật lấy đi toàn bộ tử cung (cùng với khối nhân xơ). Đây phương pháp thường thấy nhât trong điều trị u xơ tử cung và được xem là cách điều trị dứt điểm. Tùy thuộc vào kích thước của khối nhân xơ mà cuộc phẫu thuật có thể được thực hiện qua ngã âm đạo hay qua ngã bụng. Sử dụng GnRH có thể làm giảm kích thước của khối nhân xơ đến mức có thể phẫu thuật qua ngã âm đạo được.Trước đây người ta nhận thấy là phẫu thuật cắt tử cung mất ít máu hơn phẫu thuật bóc nhân xơ. Tuy nhiên điều này có thể thay đổi do bệnh nhân được điều trị trước phẫu thuật bằng hormon có thể hạn chế được lượng máu mất do khối u bị thu nhỏ lại. Nếu khối u là ung thư hoặc kèm theo u buồng trứng, tử cung sẽ được cất hoàn toàn cùng với buồng trứng và ống dẫn trứng.
- Chích xơ động mạch tử cung hoặc làm theo tắc các động mạch cung cấp máu cho nhân xơ là những phương pháp điều trị mới có thể cho kết quả hứa hẹn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa một ống nhỏ (catheter) vào một động mạch ở chân (động mạch đùi), sử dụng máy quay phim qua tia X để lần theo những động mạch cung cấp máu cho tử cung, sau đó làm tắc động mạch bằng một mẫu plastic nhỏ hoặc một miếng gạc gelatin nhỏ. Những chất này sẽ ngăn máu chảy đến nhân xơ và làm nó thu nhỏ lại. Phương pháp này có thể là một cách điều trị tốt nếu những phương pháp khác không hiệu quả hoặc bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc không thể phẫu thuật.
Những điều trị kèm theo
Táo bón và trĩ là những triệu chứng khác có thể xảy ra do khối nhân xơ phát triển về kích thước đè vào trực tràng làm tăng áp lực. Bạn có thể tránh được tình trạng này bằng cách ăn ngũ cốc hoặc cám còn vỏ, trái cây, rau và uống nhiều nước. Những phương thuốc nhuận tràng tự nhiên cũng có thể có ích.
NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO
Theo dõi
Tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ, nếu bạn bị u xơ tử cung, bác sĩ sẽ khám khung chậu sau mỗi 6 tháng.
Tự tìm hiểu về những cách điều trị khác nhau nếu bạn cần phải lựa chọn phụ thuộc vào sự tiến triển của phương pháp điều trị và của khối u.
Phòng ngừa
Tránh tăng cân sau 18 tuổi và cố gắng giữ cân nặng của mình phù hợp với chiều cao. Cân nặng của cơ thể có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng nồng độ của estrogen, do đó sẽ làm u xơ tử cung phát triển. Bạn nên tập thể dục để kiểm soát cân nặng và còn làm giảm sản xuất hormon kích thích phát triển u xơ tử cung.
Thuốc lá vẫn chưa được chứng minh là có liên quan đến tăng u xơ tử cung. Nhưng ngừng hút thuốc lá sẽ cải thiện sức khoẻ của bạn nếu bạn bị u xơ tử cung.
Bạn nên đi khám sức khoẻ định kỳ đặc biệt là khám phụ khoa nhằm phát hiện sớm bệnh
Tiên lượng
Tiên lượng và mức độ điều trị thành công phụ thuộc vào độ nặng của u xơ trước khi điều trị và lựa chọn phương pháp thích hợp. U xơ tử cung có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản nhưng nó còn phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Có nhiều phụ nữ bị u xơ tử cung trên 35 tuổi. Yếu tố tuổi tác và những yếu tố khác như giảm rụng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
U xơ tử cung hiếm khi phát triển thành ung thư. Nhưng nó gặp nhiều hơn ở những phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Dấu hiệu báo động thường gặp nhất là khối u phát triển nhanh và cần phải phẫu thuật.
Theo emedicinehealth - Y học NET dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net