Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Nổi hạch - Sưng hạch (bạch huyết)

Nổi  hạch - Sưng hạch bạch huyết

Hạch bạch huyết (được gọi lầm là tuyến bạch huyết) là một phần của hệ bạch huyết thuộc hệ miễn dịch của cơ thể. Nổi hạch (hạch bạch huyết sưng lớn lên) có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Bình thường, bên trong cơ thể chúng ta có một số nhóm hạch bạch huyết, chúng là những nốt mềm, nhỏ, có hình hạt đậu. Những hạch thường bị sưng hoặc phì đại nhất là những hạch nằm ở cổ, dưới cằm, nách và ở háng.

  • Hệ bạch huyết là một hệ thống bao gồm các hạch và những ống phân bố rộng khắp cơ thể. Chúng mang các dịch bạch huyết [là những dịch mô bao quanh các tế bào có chứa những tế bào máu (tế bào lympho), dịch từ các quai ruột (dịch dưỡng trấp), và một số ít các hồng cầu] quay ngược trở lại hệ tuần hoàn nhờ tĩnh mạch. Dịch bạch huyết mang tập hợp những chất gây nhiễm và những chất lạ đối với cơ thể (kháng nguyên).
  • Hạch bạch huyết là một cụm nhỏ các tế bào được bọc xung quanh bởi một bao và có các ống tuyến đi vào và đi ra khỏi chúng. Các tế bào trong hạch bạch huyết được gọi là các tế bào bạch huyết (tế bào lympho), chúng có chức năng tạo ra các kháng thể (là những hạt protein trói buộc các chất lạ lại bao gồm những hạt gây nhiễm trùng) và những đại thực bào sẽ tiêu hóa những mảnh vụn này. Chúng đóng vai trò các tế bào dọn dẹp của cơ thể.
  • Các hạch bạch huyết là những vị trí quan trọng khi những chất lạ và các tác nhân nhiễm trùng tương tác với các tế bào thuộc hệ miễn dịch. Cụm các hạch lympho lớn nhất của cơ thể là lách, ngoài những chức năng khác, lách còn giúp cơ thể chiến đấu chống nhiễm trùng và đáp ứng lại với các chất lạ đối với cơ thể.

NGUYÊN NHÂN

Có một số cơ chế có thể gây ra sự phì đại của các hạch bạch huyết (nổi hạch):

  • Nhiễm trùng: làm tăng số lượng các bạch cầu do chúng được nhân lên để đáp ứng với kích thích của các chất lạ (kháng nguyên).
  • Virus: phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng toàn thể của cơ thể chẳng hạn như nhiễm virus có thể xảy ra cùng với cúm cũng như những nhiễm trùng nặng hơn, chẳng hạn như HIV.
  • Viêm: sự thâm nhiễm các tế bào viêm do nhiễm trùng hoặc quá trình viêm xảy ra trong vùng của các hạch bạch huyết.
  • Ung thư: thâm nhiễm các tế bào ác tính (sự di căn) vào các hạch từ những dòng bạch huyết xuất phát từ khu vực của một số loại ung thư.
  • Ung thư máu: sự nhân lên không kiểm soát được và ác tính của các tế bào lympho, chẳng hạn như trong bệnh lymphoma hay bệnh bạch cầu.

TRIỆU CHỨNG

  • Triệu chứng tùy thuộc vào vị trí hạch và nguyên nhân gây phì đại hạch.
  • Bệnh nhân có thể có những triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên (chảy nước mũi, đau họng, sốt) và cảm thấy nổi một số hạch căng nhẹ ở dưới da xung quanh tai, dưới cằm, hoặc ở phần trên của cổ.
  • Đôi khi có thể có nhiễm trùng da, đỏ, hoặc đau họng, và bệnh nhân có thể cảm thấy hạch bạch huyết lân cận theo hướng về phía tim bị phì đại.
  • Sưng những hạch bạch huyết nằm sâu bên trong cơ thể có thể gây ra những hậu quả khác với những hạch bạch huyết nằm ngay dưới da. Tắc nghẽn dòng chảy của bạch huyết do bị sưng các hạch bạch huyết nằm sâu có thể gây ra sưng chân hoặc ho kéo dài, ngay cả khi bạn không cảm thấy được sự sưng lên của các hạch này.
  • Một số dạng nhiễm trùng (nhiễm trùng tăng bạch cầu đơn nhân, HIV, và nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng) có thể gây sưng hạch bạch huyết trên khắp cơ thể.
  • Một số rối loạn miễn dịch, chẳng hạn như lupus hay viêm khớp dạng thấp, cũng có thể gây sưng hạch khắp cơ thể.
  • Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể có một hạch hoặc một nhóm hạch lớn lên nhanh chóng và trở nên cứng và không thể đẩy di động được dễ dàng ở dưới da.

KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ

Nếu chỉ là những hạch viêm đơn thuần thì thường chúng không phải là mối quan tâm lớn, nhưng nếu bạn có những triệu chứng của những bệnh khác kèm theo phì đại hạch bạch huyết, bạn nên đi khám bệnh.

Hãy đi khám nếu như:

  • Hạch sưng từ 2 tuần trở lên hoặc bạn có những triệu chứng như sụt cân, vã mồ hôi đêm, mệt mỏi, hoặc sốt kéo dài.
  • Hạch cứng, dính chặt vào da, hoặc phát triển nhanh chóng.
  • Bạn cảm thấy sưng gần xương đòn hoặc ở phần dưới của cổ.
  • Vùng da phía trên hạch chuyển màu đỏ và viêm và bạn nghi ngờ có nhiễm trùng.

Chẩn đoán sưng hạch bạch huyết hiếm khi cần phải cấp cứu. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như nhiễm trùng da tiến triển cần phải điều trị, hạch bạch huyết nhiễm trùng nặng cần phải được dẫn lưu, hoặc đau đớn nặng nề.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

  • Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về những triệu chứng đi kèm theo và sau đó sẽ tiến hành khám.
  • Tùy thuộc vào mức độ lan tràn của bệnh, bác sĩ có thể cho xét nghiệm công thức máu, chụp X quang và CT scan những vùng bị ảnh hưởng.
  • Có thể cần phải sinh thiết hạch bị sưng. Mẫu mô lấy đi sẽ được gửi cho các nhà giải phẫu bệnh nghiên cứu dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân gây sưng hạch.

ĐIỀU TRỊ

Tại nhà

Nếu bệnh nhân có những triệu chứng cảm lạnh hoặc những nhiễm trùng nhẹ khác có thể cần hoặc không cần uống kháng sinh và nổi hạch trong vòng khoảng 2 tuần rồi sau đó trở về bình thường thì không cần phải điều trị đặc hiệu.

  • Nếu hạch nhỏ (nhỏ hơn 2cm), nằm ở háng, hoặc dưới cằm ở bệnh nhân trưởng thành trẻ thì được xem là bình thường.
  • Trẻ em thường có hệ bạch huyết hoạt động hơn người lớn nên có thể có cảm giác các hạch của chúng bị phì đại.

Tại bệnh viện

Nếu một hạch bạch huyết lớn nhanh trong vòng từ 1 đến 2 ngày thì nó thường có nguyên nhân và cách điều trị khác với những hạch bạch huyết bị sưng trong vòng vài tháng. Hãy trình bày mối lo lắng của mình với bác sĩ khi đi khám vì điều này có thể giúp bác sĩ thiết lập được chẩn đoán.

  • Cách điều trị chuẩn đối với những hạch bạch huyết bị phì đại có thể là dùng thuốc giảm đau và hạ sốt, chẳng hạn như ibuprofen và acetaminophen. Có thể đắp vải ấm để làm giảm sưng.
  • Nếu nguyên nhân gây sưng là nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê toa cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.
  • Nếu có ổ áp xe, có thể cần phải được dẫn lưu bằng cách rạch ra và trám đầy bằng gạc.
  • Nếu hạch sưng do nguyên nhân ác tính, có thể cần phải phẫu thuật, xạ trị, hay hóa trị.
  • Nếu bệnh nhân bị rối loạn miễn dịch, có thể sẽ được bác sĩ kê toa những loại thuốc phù hợp.

TIÊN LƯỢNG

Phần lớn những trường hợp nổi hạch đều tự khỏi mà không để lại di chứng gì.

Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases