Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Lách lớn

Lách lớn

Lách là cơ quan quan trọng thuộc hệ miễn dịch của cơ thể. Nó có hình hạt đậu, nằm ở góc phải-trên của ổ bụng, phía dưới cơ hoành, chèn vào giữa các xương sườn thứ 9 và thứ 11 ở giữa-sau. Thông thường lách nặng khoảng 150 gram ở người lớn và kích thước theo chiều dọc lớn nhất khoảng 11cm.

Bình thường chức năng chính của lách là lọc sạch các sinh vật xâm nhập trong máu (vi khuẩn) đến từ hệ tuần hoàn, sản xuất ra các kháng thể thuộc hệ miễn dịch và loại bỏ các tế bào máu bất thường.

Lách có thể lớn ra khi nó thực hiện những chức năng bình thường của mình để đáp ứng lại với những tình trạng bệnh lý khác của cơ thể. Một số nguyên nhân gây lách lớn có thể là một số loại bệnh nhiễm trùng, những bệnh ảnh hưởng đến các tế bào máu, tăng lưu lượng máu đến lách và những bệnh xâm lấn đến lách. Lách lớn không phải lúc nào cũng là hiện tượng bất thường, và kích thước của lách không nhất thiết là dấu hiệu có nhiều ý nghĩa khi nói lên chức năng của nó.

Khi khám bệnh, không thể sờ thấy lách được khi nó ở kích thước bình thường, ngoại trừ ở những người gầy. Nếu bệnh nhân bị lách lớn, có thể dễ dàng sờ thấy lách nếu khám bụng cẩn thận.

Lách nặng khoảng 500 gram hoặc có kích thước lớn nhất từ 11 đến 20 cm được xem là lớn. Lách lớn hơn 1000 gram hoặc dài hơn 20 cm được xem là lách lớn nặng.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY LÁCH LỚN

Có nhiều nguyên nhân gây lách lớn, có thể là những bệnh ác tính (ung thư), nhiễm trùng, xung huyết (tăng lưu lượng máu đến lách), lách bị thâm nhiễm từ những bệnh khác, tình trạng viêm, và những bệnh của tế bào máu.

Một vài nguyên nhân thường gặp nhất gây lách lớn bao gồm:

  • Bệnh gan (xơ gan do viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, gan nhiễm mỡ, nghiện rượu kéo dài)
  • Ung thư máu (lyphoma, bệnh bạch cầu, xơ tủy).
  • Nhiễm trùng (tăng bạch cầu đơn nhân, viêm màng trong tim do vi trùng, sốt rét, AIDS, nhiễm mycobacterium, leishmania)
  • Bất thường trong tưới máu và xung huyết (huyết khối tĩnh mạch lách, tắc nghẽn tĩnh mạch cửa, suy tim xung huyết).
  • Bệnh Gaucher (bệnh dự trữ lipid)
  • Những rối loạn của tế bào máu (thiếu máu hồng cầu hình liềm, thalasssemia, hồng cầu hình tròn)
  • Bệnh viêm (lupus, viêm khớp dạng thấp)
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn (ITP- idiopathic thrombocytopenic purpura); và
  • Tăng hồng cầu vô căn

TRIỆU CHỨNG

Lách lớn không gây ra những triệu chứng đặc trưng. Thường gặp nhất là đau bụng một cách mơ hồ và chướng bụng, nhưng chúng vẫn không phải là những triệu chứng đặc trưng. Một số người có lách rất lớn có thể cảm thấy đầy bụng (chán ăn) và những triệu chứng của trào ngược dạ dày do dạ dày bị đẩy và đè ép do lách lớn.

Mặt khác, nhiều triệu chứng đi kèm với lách lớn có liên quan đến những nguyên nhân gây ra sự phì đại này. Chúng có thể là:

  • Sốt
  • Vã mồ hôi đêm
  • Tái xanh
  • Yếu ớt
  • Mệt mỏi
  • Dễ bị thâm tím
  • Sụt cân

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Thông thường, những bệnh nhân bị lách lớn phải được chăm sóc bởi các bác sĩ điều trị những nguyên nhân gây ra. Chẳng hạn như các bác sĩ huyết học (điều trị những bệnh về máu), ung bướu (điều trị những bệnh về ung thư) và tiêu hóa (điều trị những bệnh của gan và ống tiêu hóa) là những bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân bị lách lớn do đáp ứng với những tình trạng bệnh khác của cơ thể.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà những bệnh nhân bị lách lớn có thể đi đến phòng cấp cứu nếu có dấu hiệu xuất huyết, nhiễm trùng không thể kiểm soát tốt nếu ở nhà, hoặc bị đau bụng nặng nề.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Vấn đề quan trọng nhất trong đánh giá lách lớn là tìm ra được nguyên nhân gây ra. Trong phần lớn trường hợp, lách lớn được phát hiện một cách tình cờ trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như CT scan, khi được thực hiện cho những mục đích khác.

Lách lớn có thể sờ thấy được bằng cách ấn sâu vào phần bụng phía trên bên trái khi khám bệnh, đặc biệt là khi bệnh nhân hít vào sâu vì khi đó cơ hoành sẽ đẩy lách đi sâu xuống ổ bụng. Lách lớn nhẹ có thể khám không phát hiện ra trừ phi được kiểm tra cẩn thận.

Nếu được phát hiện ra là có lách to, bệnh nhân sẽ được cho làm xét nghiệm công thức máu toàn phần và phết máu để xem số lượng, hình dạng và thành phần của bạch cầu, hồng cầu, và tiểu cầu. Một số loại xét nghiệm máu khác cũng có thể có ích bao gồm xét nghiệm chuyển hóa (hóa sinh máu) và chức năng gan.

Ngoài CT, những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác có thể dùng để đánh giá lách to bao gồm siêu âm bụng, chụp mạch máu và chụp gan-lách.

Những khám nghiệm sâu hơn có thể tâp trung vào mục tiêu xác định nguyên nhân gây lách to dưới gợi ý của lâm sàng. Chẳng hạn như:

  • Nếu lymphoma được nghi ngờ là nguyên nhân gây lách to, có thể bệnh nhân sẽ được cho chụp CT ngực và bụng hoặc sinh thiết hạch bạch huyết.
  • Hoặc nếu nghi ngờ có nhiễm trùng thì mục tiêu chính sẽ là truy tìm nguồn gốc của nhiễm trùng.

Có thể làm sinh thiết tủy xương nếu nghi ngờ bị nhiễm Mycobacterium, bệnh Gaucher, hoặc bệnh bạch cầu.

Sinh thiết lách hiếm khi được thực hiện, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, do nguy cơ chảy máu cao. Có thể các bác sĩ sẽ cắt lách và phân tích dưới kính hiển vi nếu nguy cơ do phẫu thuật thấp hơn giá trị của việc xác định chính xác nguyên nhân và phương pháp điều trị tiếp theo.

ĐIỀU TRỊ

Thuốc

Việc điều trị lách lớn phụ thuộc cơ bản vào nguyên nhân gây ra nó.

Trong nhiều trường hợp, lách lớn là do nó thực hiện chức năng sinh lý mình thường của mình để đáp ứng với một tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như xơ gan. Do đó mục tiêu chính của điều trị không nhất thiết phải tập trung vào việc giải quyết hiện tượng lách lớn vì nó chỉ là hệ quả của bệnh mà là điều trị nguyên nhân gây ra nó (xơ gan).

Trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như nhiễm trùng, lymphoma, bệnh bạch cầu, việc điều trị cũng nhắm hướng trực tiếp đến những rối loạn đó, chẳng hạn như sử dụng kháng sinh hoặc hóa trị.

Phẫu thuật

Đôi khi, phẫu thuật cắt lách có thể được thực hiện để kiểm soát tình trạng nguyên nhân. Một số tình trạng cần phải xem xét cắt lách bao gồm bệnh bạch cầu tế bào có lông, bệnh thalassemia, huyết khối tĩnh mạch lách, bệnh Gaucher, và ITP. Cần phải thận trọng cân nhắc giữa nguy cơ với lợi ích của phẫu thuật khi cắt lách.

Điều quan trọng cần lưu ý là cần phải tiêm phòng cho những bệnh nhân cắt lách. Những bệnh nhân không có lách sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng với các loại vi trùng như Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, và Hemophilus influenzae. Do đó, tiêm chủng phòng những loại vi trùng trên (pneumococcal vaccine, meningococcal vaccine, hemophilus vaccine) được đặc biệt khuyến cáo nên dùng đối với những bệnh nhân cắt lách.

BIẾN CHỨNG

Hầu hết những biến chứng của tình trạng lách to đều liên quan đến những bệnh lý gây ra lách to. Một trong những biến chứng nặng nề có thể là bị nhiễm trùng vượt quá mức kháng cự của cơ thể. Vỡ lách hoặc huyết khối do chấn thương cũng có thể là những biến chứng của lách to.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Phòng bệnh

Phòng ngừa lách lớn từ chính bản thân nó có thể không có ý nghĩa gì cả. Tuy nhiên, một số bệnh gây ra lách lớn có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như ngừng uống rượu để phòng ngừa xơ gan, hoặc dự phòng sốt rét khi chuẩn bị đi đến vùng dịch tễ.

Những biện pháp dự phòng khả năng vỡ lách cũng đáng chú ý. Tránh va chạm khi chơi thể thao và mang dây lưng khi ngồi xe là những biện pháp quan trọng để phòng vỡ lách.

Tiêm chủng phù hợp cho những bệnh nhân phải cắt lách cũng có ý nghĩa rất quan trọng.

Tiên lượng

Thông thường, tiên lượng của những bệnh nhân bị lách lớn tùy thuộc vào những bệnh gây ra nó.

Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases