Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Táo bón

Táo  bón

Táo bón là tình trạng giảm tần số đi cầu. Ở một số người, táo bón còn có nghĩa là khó đi cầu.

Phân của người bị táo bón cứng do nó có chứa ít nước hơn bình thường. Táo bón là một triệu chứng, không phải là một bệnh.

Thông thường rất khó định nghĩa táo bón một cách rõ ràng do nó là một triệu chứng có tính chất thay đổi khác nhau ở những người khác nhau.

  • Tần số đi cầu ở mỗi người có một sự khác nhau rất lớn, từ 3 lần mỗi ngày đến 3 lần mỗi tuần. Thông thường, nếu bạn không đi cầu được trong 3 ngày liên tiếp, phân sẽ cứng lại và bạn sẽ cảm thấy khó khăn, thậm chí đau đớn khi đi cầu.
  • Có một quan niệm sai lầm thường gặp về táo bón cho rằng những chất thải chứa trong cơ thể bạn sẽ bị hấp thu ngược trở lại và gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn, có thể làm tuổi thọ của bạn ngắn đi. Một số người có một nỗi ám ảnh rằng họ sẽ bị nhiễm độc bởi những chất thải từ chính cơ thể của mình (phân) nếu họ giữ chúng lại lâu quá một khoảng thời gian nhất định nào đó. Cả hai quan niệm trên đều không đúng.
  • Những người lớn tuổi có nguy cơ bị táo bón cao gấp 5 lần những người trẻ. Nhưng những chuyên gia lại cho rằng do những người lớn tuổi trở nên quá quan tâm đến tình trạng đi cầu mỗi ngày của mình và tình trạng táo bón ở lứa tuổi này được đánh giá cao hơn mức bình thường.

NGUYÊN NHÂN

Táo bón có thể là kết quả của tình trạng dinh dưỡng không đúng, thói quen ít đi cầu, hoặc có vấn đề trong việc đào thải phân do những nguyên nhân của cơ thể, chức năng hoặc tự ý.

Dưới đây là những nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất:

  • Tình trạng dinh dưỡng: ăn nhiều thức ăn có chất béo động vật (thịt, trứng) hoặc đường tinh chế và ăn ít chất xơ (trái cây, rau củ) có thể gây táo bón.
  • Thói quen ít đi cầu: bỏ qua khi có ý muốn đi cầu có thể khởi động chu trình táo bón
    • Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ không còn cảm giác muốn đi cầu nữa.
    • Điều này có thể dẫn đến táo bón tiến triển. Chẳng hạn như một số người tránh không dùng các nhà vệ sinh công cộng hoặc không đi cầu do đang bận một công việc nào đó.
  • Thuốc: có nhiều loại thuốc có thể gây ra táo bón
    • Thuốc kháng acid - những loại cho chứa aluminum hydroxide và calcium carbonate.
    • Thuốc chống co thắt.
    • Thuốc chống trầm cảm.
    • Thuốc sắt
    • Thuốc chống co giật
  • Những loại thuốc giảm đau chẳng hạn như những thuốc có chứa chất á phiện có thể ngăn cản chức năng của ruột.
  • Đi du lịch: thay đổi cách sống, uống ít nước, và ăn những thức ăn nhanh có thể gây táo bón.
  • Hội chứng ruột kích thích: đây là một trong những nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất. Nếu bạn bị bệnh này thì do sự thay đổi về chức năng ruột, bạn có thể sẽ bị đau bụng quặn, trướng hơi, phù nề, và táo bón.
  • Lạm dụng thuốc nhuận trường: sử dụng thuốc nhuận trường theo thói quen sẽ dần dần trở nên phụ thuộc chúng.
    • Cuối cùng bạn có thể sẽ cần phải gia tăng lượng thuốc đưa vào cơ thể mới có thể đi cầu được.
    • Trong một số trường hợp, ruột sẽ trở nên không còn nhạy cảm với thuốc nữa và không thể đi cầu được.
  • Mang thai: táo bón xuất hiện trong thai kỳ có thể do một số nguyên nhân. Mỗi một tình trạng được kể ra ở phía sau có thể gây đau khi đi cầu có thể dẫn đến sự co thắt phản ứng của cơ vòng hậu môn. Sự co thắt này làm chậm nhu động ruột và giảm sự thôi thúc muốn đi cầu để tránh cho hậu môn không bị đau.
    • Thai nhi nặng đè vào ruột tạo ra áp lực.
    • Những thay đổi hormon trong thai kỳ.
    • Những thay đổi về thức ăn và thức uống của thai phụ.
    • Nứt hậu môn
    • Trĩ
    • Hẹp hậu môn
  • Tắc ruột: sự đè nén cơ học làm ngăn cản các chức năng bình thường của ruột có thể xảy ra theo những cách sau:
    • Sự viêm dính của các mô.
    • Khối u ruột hoặc dị vật
    • Sỏi mật bị chèn bất động vào trong ruột.
    • Sự xoắn của ruột vào chính nó.
    • Lồng ruột: một phần của ruột bị trượt hoặc bị kéo vào một phần khác ngay phía dưới nó (xảy ra chủ yếu ở trẻ em)
    • Thoát vị: các vòng ruột bị tắt nghẽn.
    • Tổn thương các dây thần kinh bên trong ruột: u tủy sống, đa xơ cứng hoặc tổn thương tủy sống có thể gây táo bón do ngăn cản chức năng của các dây thần kinh điều khiển ruột.
    • Bệnh mô liên kết - chẳng hạn như các bệnh xơ cứng bì và lupus.
    • Chức năng tuyến giáp kém - giảm sản xuất thyroxin, là một loại hormon của tuyến giáp còn được gọi là suy giáp, cũng có thể gây táo bón.
    • Ngộ độc chì và những rối loạn chuyển hóa khác.
  • Tuổi tác: những người lớn tuổi thường bị táo bón nhiều hơn do những nguyên nhân sau:
    • Dinh dưỡng kém và không uống đủ nước.
    • Không tập luyện thể dục.
    • Những tác dụng phụ của các loại thuốc được kê toa để điều trị những bệnh khác.
    • Thói quen đi cầu kém.
    • Nằm trên giường lâu, chẳng hạn như sau một tai nạn hoặc sau khi bị bệnh.
    • Có thói quen sử dụng thuốc thụt tháo và thuốc nhuận trường.

TRIỆU CHỨNG

Bạn có thể gặp nhiều loại triệu chứng của táo bón tùy thuộc vào thói quen đi cầu bình thường của bạn, chế độ ăn và tuổi tác. Những vấn đề thường gặp nếu bạn bị táo bón bao gồm:

  • Gặp khó khăn trong việc bắt đầu và kết thúc đi cầu.
  • Đi cầu khó và không đều.
  • Đi ra phân cứng sau một thời gian gắng sức dài trong toilet.
  • Nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích, bạn sẽ gặp các triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơn, cảm giác đầy bụng, và thay đổi thói quen đi cầu.
  • Nếu bạn bị tắc ruột, bạn sẽ cảm thấy buồn nôn, nôn, không đi cầu được, và không trung tiện (đánh rắm) được.
  • Sưng căng bụng, nhức đầu, và ăn mất ngon.
  • Lưỡi đóng màng, hơi thở hôi và có vị khó chịu trong miệng.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH

Hãy đi khám bệnh nếu như bạn gặp những vấn đề sau:

  • Các triệu chứng trở nên nặng nề và kéo dài hơn 3 tuần.
  • Xuất hiện những thay đổi rõ rệt và gần đây trong tình trạng đi cầu, chẳng hạn như chuyển từ táo bón thành tiêu chảy.
  • Đau ở hậu môn khi đi cầu.
  • Triệu chứng của các bệnh khác kèm theo táo bón (VD như mệt mỏi, kém đáp ứng với trời lạnh có thể là dấu hiệu gợi ý cần phải kiểm tra chức năng tuyến giáp xem có bị suy giáp không).
  • Táo bón trong vòng 2 tuần hoặc lâu hơn kèm theo đau bụng có thể là dấu hiệu của ngộ độc chì.


Tình trạng cấp cứu: mặc dù táo bón có thể rất khó chịu nhưng nó thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu của những rối loạn nghiêm trọng hơn ẩn phía sau, chẳng hạn như ung thư ruột. Do táo bón có thể dẫn đến một số biến chứng nên bạn cần phải đến phòng cấp cứu ngay khi gặp những tình huống sau:

  • Chảy máu trực tràng
  • Đau hậu môn và trĩ
  • Nứt hậu môn hoặc đường nứt xuất hiện ở lớp niêm mạc (đau nặng nề khi đi cầu ở vùng hậu môn)
  • Phân đóng chặt ở những trẻ nhỏ và người già.
  • Sa trực tràng (đôi khi gắng sức có thể gây một lượng nhỏ niêm mạc ruột đi ra ngoài lỗ hậu môn có thể chế tiết chất nhầy làm dơ quần lót).
  • Nôn ói nhiều lần kèm theo táo bón và đau bụng (có thể là dấu hiệu gợi ý tắc nghẽn ở ruột và cần phải được điều trị khẩn cấp).


KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, khám cho bạn, và thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra những nguyên nhân khả dĩ có thể gây ra táo bón cho bạn.

  • Những câu trả lời của bạn cho các câu hỏi sau có thể sẽ giúp bác sĩ tiếp cận được tình trạng của bạn tốt hơn và lên kế hoạch điều trị
    • Thói quen đi cầu bình thường của bạn như thế nào?
    • Bạn cảm thấy khó khăn khi tống phân ra ngoài từ bao lâu rồi?
    • Lần cuối cùng bạn đi cầu là vào lúc nào?
    • Bạn có thể trung tiện được không?
    • Bạn có thấy những cơn đau xuất hiện ở bụng hay ở hậu môn hay không?
    • Bạn có thể dùng ngón tay để chỉ vị trí đau được không?
    • Bạn có thể mô tả cơn đau bụng của bạn được không?
    • Bạn có chú ý thấy những thay đổi về nhiệt độ cơ thể của mình không?
    • Bạn đã thử những loại thuốc nào? Nó có tác dụng không?
    • Bạn có thường phải dùng thuốc nhuận trường hay thụt rửa? Nếu có thì bạn thường dùng loại nào và bao nhiêu viên mỗi ngày?
    • Bạn có cảm thấy luôn phải cần dùng đến thuốc nhuận trường để có thể đi cầu được?
    • Bạn có những triệu chứng nào khác không?
    • Bạn có cảm thấy ăn mất ngon không?
    • Bạn có bị thay đổi cân nặng không?
    • Bạn có cảm thấy dễ chịu hơn sau khi đi cầu không?
    • Bạn có cảm thấy bệnh? Buồn nôn hay không?
    • Bạn có từng phải nhập viện hoặc phải đi khám bệnh do tình trạng tương tự bao giờ chưa?
    • Bạn có mang thai không?
    • Bạn có hút thuốc không? Bạn bắt đầu hút thuốc khi nào? Bạn hút bao nhiêu điếu một ngày?
    • Bạn có uống rượu, trà, cafe hay không?
    • Bạn có dùng thuốc gây nghiện hoặc những loại thuốc điều trị khác không?
    • Bạn có từng phải trải qua phẫu thuật không? Phẫu thuật gì? Khi nào?
    • Bạn có bị đau khớp, bệnh về mắt, đau lưng và cổ, hoặc những thay đổi về da hay không?
    • Bạn có thường cảm thấy thích khí hậu ấm hơn không?
    • Bạn có thường cảm thấy mệt mỏi không?
    • Có người thân nào của bạn bị táo bón hoặc ung thư ruột không?
  • Bác sĩ sẽ khám bụng, hậu môn, và những hệ cơ quan khác của cơ thể bao gồm hệ thần kinh, tuyến giáp (tìm bướu cổ), và hệ cơ xương. Bác sĩ sẽ khám những phần nào là tùy thuộc vào những câu trả lời của bạn ở phía trên và những tiền sử có thể gợi ý ra một số bệnh.
  • Bác sĩ sẽ quyết định xem cần phải thực hiện loại xét nghiệm nào dựa trên các triệu chứng, bệnh sử, và kết quả khám. Những xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ tìm ra được nguyên nhân thật sự của vấn đề. Những xét nghiệm thường được dùng nhất có thể bao gồm:
    • Trong phòng thí nghiệm:
      • Khám nghiệm phân dưới kính hiển vi.
      • Công thức máu toàn bộ và phết máu.
      • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp nếu như nghi ngờ suy giáp.
    • Hình ảnh:
      • Chụp phim X quang ngực và bụng thẳng có thể cho thấy khí tự do đi qua từ lỗ thủng ở ruột hoặc những dấu hiệu tắc nghẽn ở ruột.
      • Thụt tháo bằng barit: có thể cho thấy kích thước bình thường của ruột già.
      • Quan sát sự di chuyển của thức ăn - có thể chỉ ra được khoảng thời gian chuyển tiếp bị kéo dài hoặc chậm trễ.
    • Thủ thuật:
      • Soi trực tràng xích ma: có thể giúp phát hiện những bệnh trong trực tràng và phần thấp của đại tràng. Bác sĩ sẽ đưa một ống dẻo có gắn đèn vào hậu môn của bạn để quan sát trực tràng và phần thấp của ruột.
      • Soi đại tràng: bằng cách khám trong, bác sĩ có thể xác định được chẩn đoán bệnh nhân có bị hội chứng ruột kích thích hay không bằng cách loại trừ những tình trạng bệnh nguy hiểm hơn. Bác sĩ cũng sẽ lấy ra một mẫu mô để làm sinh thiết nhằm khảo sát sâu hơn để xác định những nguyên nhân ẩn phía sau triệu chứng của bạn.

ĐIỀU TRỊ

Nếu bạn không bị tắc ruột, bác sĩ có thể đặt ra những mục tiêu thực tế để điều trị:

  • Tất cả những trường hợp đều cần phải những lời hướng dẫn về chế độ ăn kiêng. Điều trị có thể khó khăn, đặc biệt ở những bệnh nhân bị táo bón mạn tính. Bác sĩ có thể kê toa những loại thuốc tạo khối phân để thêm vào những thay đổi về chế độ ăn của bệnh nhân.
  • Gia tăng hoạt đọng ở những người già và tập luyện thể dục thường xuyên ở những người trẻ có thể giúp cải thiện tình hình tốt hơn.


Chăm sóc tại nhà

  • Bổ sung thêm chất xơ cho bữa ăn.
  • Tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe của ruột.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc và nước trái cây. Uống 6-8 ly nước mỗi ngày ngoài những lần uống trong bữa ăn.
  • Đi cầu vào cùng một thời điểm mỗi ngày - có thể là sau bữa ăn - và lưu lại đó đủ thời gian.
  • Dùng những loại đường không dễ tiêu (lactulose) hoặc những dung dịch có công thức đặc biệt.
  • Tránh dùng những loại thuốc nhuận trường bán tự do ngoài hiệu thuốc. Tránh dùng những thuốc nhuận trường có chứa senna (Senokot) hoặc buckthorn (Rhamnus purshiana) do sử dụng chúng kéo dài có thể gây tổn thương lớp niêm mạc ruột và những đầu tận của các dây thần kinh đi đến ruột.
  • Cố gắng tập thể dục mỗi ngày chẳng hạn như tập tư thế gập gối. Những tư thế này có thể gây kích thích nhu động ruột. Giữ tư thế đó trong vòng từ 10 - 15 phút. Thở vào và ra sâu.

Bài tập gập duỗi gối

Tư thế gập gối

Thuốc

Nếu những biện pháp ban đầu phía trên thất bại, bác sĩ có thể cho bạn thử dùng những loại thuốc nhuận trường có thời gian tác dụng ngắn. Bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một trong những loại thuốc sau, đặc biệt là nếu sử dụng trong thời gian dài.

  • Dầu khoáng.
  • Natri docusate hoặc Canxi docusate sẽ có ích nếu như bạn không thể rặn được, chẳng hạn như trong trường hợp bạn bị bệnh tim mạch, có thai, hoặc sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
  • Thuốc nhuận trường là nước muối, chẳng hạn như hydroxide magne (Phillips Milk của Magnesia) hoặc Natri phosphate ((Phospho-Soda, Fleet enema) không được khuyến khích sử dụng nếu như bạn bị suy thận (thận không có khả năng hoặc giảm khả năng loại bỏ chất thải). Những loại thuốc nhuận trường này có thể gây ra những tác dụng phụ nặng nề nếu sử dụng trong thời gian dài.
  • Polyethylene glycol 3350 (Miralax) là một loại thuốc nhuận trường thẩm thấu không được dạ dày hấp thu. Nó giữ nước lại bên trong ruột làm cho phân mềm ra và có tác dụng nhuận trường. Nó có thể được sử dụng trong một thời gian ngắn để điều trị táo bón (trong vòng 2 tuần). Miralax là một loại thức uống được pha chế bằng cách hòa lẫn bột với 240mL nước.
  • Đường không hấp thu chẳng hạn như lactulose và sorbitol cũng có thể có tác dụng. Hơn nữa, chúng thường có thể sử dụng được trong một thời gian dài. Tuy nhiên chúng thường gây ra đau quặn bụng, tiêu chảy và mất cân bằng điện giải.
  • Cisapride (Propulsid) có thể có tác dụng đối với những bệnh nhân bị táo bón do di chuyển phân chậm. Tuy nhiên, nó đã bị rút ra khỏi thị trường Hoa Kỳ do nó có thể gây ra những tình trạng loạn nhịp tim chết người.

Bác sĩ sẽ điều trị những bệnh nền của bạn (tắc ruột, nứt hậu môn, trĩ, và ung thư ruột).

  • Nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích, bạn nên ngừng hút thuốc và tránh uống cafe và những thức ăn có sữa. Theo dõi những thức ăn hằng ngày có thể giúp bạn xác định xem loại thức ăn nào có thể làm cho những triệu chứng của bạn nặng thêm.
  • Bạn cũng có thể được cho uống thyroxin nếu bác sĩ xác định bạn bị suy giáp dựa vào những khám xét trên lâm sàng và những xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.


Những cách điều trị khác
Nếu bạn chọn dùng những cách điều trị như vi lượng đồng căn, các loại thảo dược, những loại bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, giác hơi, xoa bóp dầu, và những phương pháp điều trị thay thế và bổ sung khác, bạn cần được biết rằng những sản phẩm và phương pháp trên thường không được chứng minh một cách khoa học rằng chúng có thể chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa hoặc trị khỏi bất kỳ bệnh nào. Những tương tác nặng nề của chúng với những loại thuốc được kê toa khác luôn có khả năng xảy ra. Hãy thông báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc và những chất giống như thuốc mà bạn sử dụng và hãy tìm đến bác sĩ khi bị bệnh trước khi tự ý dùng những loại thuốc hoặc cách điều trị nào đó để tự chữa.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

  • Nếu bạn đã có những rối loạn đặc hiệu như suy giáp, xơ cứng bì, và lupus, bạn nên được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ.
  • Những bệnh nhân già đã từng bị nghẹt phân và bị són phân nên được theo dõi thường xuyên để bảo đảm họ không bị những đợt tiếp theo.
  • Những người trẻ tuổi bị chứng biếng ăn thần kinh cần phải có một đội ngũ chuyên gia để tiếp cận và theo dõi những bệnh ẩn bên trong, cũng như hỗ trợ và giáo dục.


Phòng ngừa

  • Tập thói quen đi cầu thường xuyên. Dành một khoảng thời gian sau khi ăn sáng để đi cầu.
  • Không bỏ qua khi cơ thể có nhu cầu muốn đi cầu. Hãy đáp ứng lại tiếng gọi của cơ thể để làm trống ruột càng sớm càng tốt.
  • Ăn một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng bao gồm ngũ cốc, trái cây tươi, rau quả. Có những nghiên cứu gần đây cho thấy việc gia tăng chất xơ trong bữa ăn có thể có ích cho một số người bị phân cứng nhưng không nhất thiết phải có ích cho tất cả những người bị táo bón.
  • Uống nhiều nước và nước trái cây.
  • Tập thể dục thường xuyên. Đi bộ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
  • Tránh dùng những loại thuốc có thể gây táo bón. Bác sĩ sẽ giúp bạn trong vấn đề này.
  • Dùng thuốc nhuận trường có thể làm trong tình trạng táo bón xấu đi về lâu dài do đó cần phải tránh.
  • Nếu bạn có những bệnh đặc biệt như suy giáp, xơ cứng bì, và lupus, bạn có thể cần phải được tái khám thường xuyên.


Tiên lượng

Phần lớn những người bị táo bón không có bệnh thực thể của hệ tiêu hóa từ trước và cũng không có những bệnh toàn thân nào có liên quan đến táo bón. Hầu hết táo bón là do thói quen ăn uống không cân bằng, uống ít nước và ít vận động.

  • Đối với những người bị táo bón do bệnh, sự phục hồi sẽ giúp xác định mức độ bệnh của bạn.
  • Bạn thường sẽ phục hồi tốt nếu tình trạng táo bón của bạn được gây ra bởi trĩ hoặc nứt hậu môn.


Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch

1 nhận xét:

  1. Nặc danh says

    Informative blog. Constipation refers to bowel movements that are infrequent or hard to pass. Here I observed reasons and symptoms of this constipation. Also you have discussed different treatment methods to prevent this disease like eat a balanced diet and exercise regularly, etc. Really this is a very useful blog. Along with this article I always recommended Springdale clinic to get instruction on mental health issues.


Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases