Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Nhức đầu do áp lực

Nhức đầu do áp lực

Tại Hoa Kỳ có hơn 10 triệu lượt người đến phòng khám hoặc phòng cấp cứu do nhức đầu. Với một bệnh sử đầy đủ và thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và điều trị được phần lớn các trường hợp nhức đầu.

Nhức đầu do áp lực (nhức đầu căng) là loại nhức đầu thường gặp nhất.

  • Khoảng 69% nam giới và 88% nữ giới bị nhức đầu do áp lực ít nhất 1 lần trong đời.
  • Nhức đầu áp lực có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi thiếu niên và người trưởng thành trẻ với tần xuất cao nhất trong độ tuổi từ 20 - 50 tuổi.
  • Có đến hơn 300 loại bệnh khác nhau đã được xác định có thể gây nhức đầu. Vào năm 1988, Hiệp Hội Nhức Đầu Quốc Tế (International Headache Society) đã đưa ra bảng phân loại nhức đầu. Có 13 nhóm nhức đầu được chia ra làm 129 nhóm nhỏ. Các loại nhức đầu được phân ra làm nhức đầu nguyên phát và thứ phát.
    • Nhức đầu nguyên phát bao gồm nhức đầu migraine, nhức đầu do áp lực và nhức đầu chùm. Hơn 90% bệnh nhân đến khám bệnh vì nhức đầu thuộc một trong số những loại trên. Nhức đầu nguyên phát thường vô hại nhưng nó có thể tái đi tái lại nhiều lần.
    • Nhức đầu thứ phát thường là kết quả của một bệnh nào đó mà nhức đầu chỉ là một triệu chứng.
  • Hiệp Hội Nhức Đầu Quốc Tế còn chia nhức đầu áp lực ra làm nhức đầu từng hồi hay nhức đầu mạn tính và có hay không có nhạy cảm đau của các cơ quanh sọ (đau bên ngoài hộp sọ).
    • Những bệnh nhân nhức đầu áp lực từng hồi là những bệnh nhân trước đây có ít nhất 10 đợt nhức đầu kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày và diễn ra ít hơn 180 lần mỗi năm. Cơn nhức đâu phải có ít nhất 2 trong số những tính chất sau:
      • Ép/xiết chặt, ở cả 2 bên đầu.
      • Cường độ từ nhẹ đến trung bình
      • Không nặng thêm khi thực hiện những động tác sinh hoạt hằng ngày
      • Không nôn hoặc buồn nôn
      • Có thể nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng động nhưng không nhạy cảm với cả hai cùng lúc
    • Những bệnh nhân nhức đầu áp lực mạn tính là những bệnh nhân có tần số trung bình của các cơn nhức đầu là 15 ngày mỗi tháng hoặc 180 ngày mỗi năm trong 6 tháng và đồng thời cũng phải thỏa mãn những điều kiện chẩn đoán của nhức đầu từng hồi phía trên (có 2 trong số những tính chất được liệt kê phía trên). Ngoài ra, những người bị nhức đầu áp lực mạn tính phải là những người không có những bệnh lý khác và được chứng minh bằng kết quả khám lâm sàng và khám thần kinh.

NGUYÊN NHÂN

  • Nhiều bệnh nhân có cơn nhức đầu khởi phát do stress hoặc do gặp những tình huống gây rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, những yếu tố này vẫn chưa được chứng minh là có khả năng gây ra co cơ hoặc làm giảm lượng máu đến. Tuy rằng có thể nhiều bệnh nhân nhức đầu áp lực bị nhạy cảm đau ở những cơ xung quanh đầu nhưng nhức đầu áp lực không phải là hậu quả của sự co cơ kéo dài.
  • Gần đây nhất có những chứng cứ rất thuyết phục cho rằng nhức đầu nguyên phát có nguyên nhân từ những bất thường chức năng của hệ thần kinh trung ương. Do đó, những cơn đau nhức cơ của nhức đầu do áp lực được cho là do kết quả của sự gia tăng cảm giác của hệ thần kinh trung ương và đau do những sự mất cân bằng tạm thời hoặc kéo dài của các hóa chất có trong não còn được gọi là những chất dẫn truyền thần kinh (serotonin, dopamine, norepinephrine, enkephalins).
    • Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng một số bệnh nhân bị nhức đầu nguyên phát đáp ứng với những loại thuốc có tác dụng và ảnh hưởng tập trung vào serotonin. Những bệnh nhân trên hầu hết đều bị migraine hoặc nhức đầu chùm. Hầu hết bệnh nhân không bị nhức đầu migrainenhức đầu chùm đều không đáp ứng với những loại thuốc có tác dụng tập trung vào serotonin. hoặc
    • Những bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực mạn tính có thể cũng bị mất cân bằng hóa học trong hệ thần kinh. Thật tế, chứng suy nhược tinh thần cũng có thể là nguyên nhân gây nhức đầu do áp lực mạn tính ở một số người. Suy nhược tinh thần và một số rối loại giấc ngủ có liên quan đến serotonin.

TRIỆU CHỨNG

Thông thường, nhức đầu do áp lực có thể gây cảm giác bị ép, đè xiết lan tỏa chứ không tập trung ở một vị trí nhất định. Đôi khi các cơ xung quanh đầu trở nên nhạy đau (đau khi chạm vào).

  • Cơn đau có thể xuất hiện ở cả 2 bên đầu, hoặc gây ra cảm giác đau hay đè xiết ở vùng trán, thái dương hoặc phía sau đầu và lan đến cổ và vai. Cơn đau thường có cường độ trung bình, không nặng đến mức cản trở những công việc thường ngày của bệnh nhân, và không liên quan đến những triệu chứng thường gặp của nhức đầu thể migraine, chẳng hạn như nôn, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng hay tiếng động.
  • Cơn đau thường khởi phát từ từ và không có triệu chứng báo trước hay không có khoảng thời gian mà người bệnh có thể cảm giác được cơn đau đang đến gần.
  • Bệnh nhân thường cảm thấy thời điểm khởi phát của cơn đau có liên quan đến khoảng thời gian trong khi hoặc sau khi bị stress và thường vào lúc cuối ngày.
  • Nếu nhức đầu do áp lực kéo dài hơn 15 ngày mỗi tháng hoặc kéo dài hơn 6 tháng, thường nó được xem là thể mạn tính hơn là thể nhức đầu từng hồi.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Đến phòng khám

  • Bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực mạn tính hay từng hồi nếu có cảm giác có sự thay đổi về độ nặng hoặc tần xuất của cơn đau nên đến bác sĩ để khám bệnh.
  • Những bệnh nhân trước đây chưa từng bị nhức đầu và lớn hơn 50 tuổi nếu thấy đau ở vùng thái dương nên đến gặp bác sĩ để khám xem mình có bị viêm động mạch thái dương hay không. Ngoài ra, những bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi nếu mới khởi phát một đợt nhức đầu mới nên được khám để đánh giá xem có nguyên nhân ác tính hay không.
  • Khi bị nhức đầu kèm với những dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, phát ban, hoặc cứng cổ, bạn nên đến gặp bác sĩ để có thể loại trừ những bệnh như viêm màng não, viêm não hoặc bệnh Lyme.
  • Những bệnh nhân mới bị nhức đầu và có yếu tố nguy cơ bị nhiễm HIV, hoặc những bệnh nhân bị nhiễm HIV hay ung thư nên được thực hiện những kỹ thuật khảo sát hình ảnh để loại trừ viêm màng não, áp xe não hoặc sự lan rộng của ung thư (di căn).

Đến bệnh viện

Một số trường hợp nhức đầu có thể là dấu hiệu của một tình trạng rất nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, bệnh nhân nên đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

  • Những người đã từng hoặc chưa từng bị nhức đầu trước đây và bị một cơn nhức đầu nặng nề nhất từ trước đến giờ nên được đưa đến phòng cấp cứu, đặc biệt là khi bệnh nhân cảm thấy cơn nhức đầu như bị nổ tung và xuất hiện bất ngờ. Hiện tượng này có thể là gợi ý của tình trạng chảy máu bên trong hoặc xung quanh não. Nhức đầu khởi phát bất ngờ, chưa cần tính đến độ nặng của cơn đau, cũng là dấu hiệu báo động cho bệnh nhân nên đi khám bệnh.
  • Những bệnh nhân bị nhức đầu cùng với những triệu chứng kèm theo như không nhìn thấy ở một mắt, yếu ở một bên người, nói líu ríu hoặc nói sai, hoặc không thể hiểu và làm theo mệnh lệnh nên được đi khám ngay lập tức.
  • Bất kỳ ai, đặc biệt là những người già, bị chấn thương ở bất kỳ dạng nào kèm với khởi phát nhức đầu nên được đưa đến phòng cấp cứu để đánh giá.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Hầu hết bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực đều có thể được chẩn đoán dựa trên bệnh sử toàn diện và quá trình thăm khám. Không cần phải thực hiện các xét nghiệm nếu bệnh nhân không có các dấu hiệu bất thường về thần kinh khi khám và khỏe mạnh ở những phương diện khác.

Ngược lại, những bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực mạn tính, bất kể là có hay không có những dấu hiệu bất thường về thần kinh khi thăm khám, đều nên được chụp CTMRI. Tuy rằng những khảo sát hình ảnh này không giúp chẩn đoán được những hội chứng nhức đầu đặc biệt nhưng nó có thể cung cấp những bằng chứng vô giá để loại trừ những nguyên nhân khác của nhức đầu. Đánh giá chức năng tuyến giáp, công thức máu và theo dõi chuyển hóa cũng nên được thực hiện.


ĐIỀU TRỊ

Tại nhà

Hầu hết những bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực đều có thể cảm thấy giảm triệu chứng khi dùng những thuốc thông dụng như aspirin, acetaminophen và những thuốc kháng viêm không steroid khác (NSAID - Nonsteroidal anti-inflammatory drug).

  • Một số người có thể cần dùng đến những loại thuốc giảm đau mạnh hơn do bác sĩ kê toa trong những giai đoạn nhức đầu đặc biệt nặng nề.
  • Dùng thường xuyên những loại thuốc điều trị triệu chứng nhức đầu thật chất có thể làm nhức đầu do áp lực từng hồi trở thành nhức đầu mạn tính một cách tự nhiên.

Tại bệnh viện

Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc giảm đau thông dụng như aspirin, acetaminophen và những thuốc kháng viêm không steroid khác. Những thuốc này có thể làm giảm nhức đầu ở hầu hết những bệnh nhân nhức đầu do tăng áp lực.

Thuốc

Những thuốc giảm đau mạnh cần có toa bác sĩ sẽ được cho khi bác sĩ đã hiểu rõ hơn về tình trạng nhức đầu của bệnh nhân cũng như những bệnh khác kèm theo. Tuy nhiên các bác sĩ cũng sẽ cẩn thận để phòng ngừa tình trạng phụ thuộc thuốc của bệnh nhân đối với những loại thuốc có tính chất gây nghiện, đặc biệt là khi cơn nhức đầu cứ tái đi tái lại nhiều lần.

Đối với những cơn nhức đầu không thể kiểm soát được bằng thuốc giảm đau, các bác sĩ có thể kê toa những thuốc phòng ngừa như thuốc chống trầm cảm, chẹn beta, hoặc thuốc chống co giật.


NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhức đầu do áp lực nên sử dụng thuốc trực tiếp và sắp xếp lịch tái khám với bác sĩ trong 1-2 tuần kế tiếp. Vào lúc đó, bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh thuốc hoặc cho một chẩn đoán chính xác hơn nếu chẩn đoán ban đầu vẫn chưa chắc chắn.

  • Nên đi khám bệnh ngay lập tức nếu xuất hiện triệu chứng mới hoặc có sự thay đổi sâu sắc trong những triệu chứng hiện có.
  • Nếu bệnh nhân bị trầm cảm hoặc lo lắng, hoặc nếu lạm dụng thuốc, cần phải khử độc trước khi bắt đầu điều trị. Trong những trường hợp phức tạp có thể cần phải phối hợp thuốc. Trong những trường hợp này, có thể bác sĩ sẽ cần phải tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tâm lý, hoặc gây mê.

Phòng ngừa

Những thuốc được dùng để phòng ngừa nhức đầu do áp lực bao gồm thuốc chống trầm cảm, chẹn beta, và chống co giật. Những loại thuốc này chỉ có tác dụng thử nghiệm nhưng chúng có vẻ như hiệu quả ở những bệnh nhân bị nhức đầu migraine hoặc nhức đầu chùm. Hầu hết các bác sĩ lựa chọn khởi đầu điều trị với những thuốc chống trầm cảm thế hệ mới vì có ít tác dụng phụ hơn và sau đó tăng liều dần dần đến liều có khả năng điều trị. Thuốc chống trầm cảm có thể được dùng để điều trị thử trong 1 - 2 tháng để xác định xem có hiệu quả không.

Tiên lượng

Nhức đầu do áp lực là một rối loạn sức khỏe vô hại và đáp ứng tốt với những loại thuốc giảm đau thường hay được sử dụng những khi bất chợt bị nhức đầu. Một số bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực từng hồi nếu lạm dụng thuốc có thể làm cho nhức đầu tiến triển thành mạn tính.

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào phát hiện ra mối liên hệ của nhức đầu do áp lực với những bệnh diễn tiến nặng hơn hoặc đe dọa mạng sống. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào đánh giá chuyên biệt nhức đầu do áp lực thể mạn tính. Tiên lượng của những bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực thể mạn tính vẫn chưa được hiểu rõ.

Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases