Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Nhức đầu

Nhức đầu

Nhức đầu được định nghĩa là triệu chứng đau ở vùng đầu và phần cổ trên và là một trong những vị trí đau thường gặp nhất trên cơ thể do nhiều nguyên nhân gây ra.

Có nhiều nguyên nhân gây nhức đầu, vào năm 2007, Hiệp hội nhức đầu quốc tế (International Headache Society) đã thống nhất hệ thống phân loại nhức đầu đã được cập nhật. Do có rất nhiều người đã từng bị nhức đầu và do đôi khi điều trị nhức đầu khá khó khăn do đó hệ thống phân loại mới giúp cho các nhân viên y tế có thể hiểu được những chẩn đoán đặc hiệu hoàn thiện hơn để có thể điều trị được tốt hơn và hiệu quả hơn.

Có ba nhóm nhức đầu chính:

  1. Nhức đầu nguyên phát
  2. Nhức đầu thứ phát, và
  3. Đau dây thần kinh sọ, đau mặt và những loại nhức đầu khác

Nhức đầu nguyên phát

Nhức đầu nguyên phát bao gồm nhức đầu migraine, nhức đầu do áp lựcnhức đầu chùm, cùng với rất nhiều loại nhức đầu khác ít gặp hơn.

Nhức đầu nguyên phát có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống. Một số người thỉnh thoảng bị nhức đầu có thể tự khỏi nhanh chóng nhưng cũng có một số người bị nhức đầu làm cho yếu hẳn đi. nhức đầu do áp lực, nhức đầu migrainenhức đầu chùm không ảnh hưởng đến mạng sống.

Nhức đầu thứ phát

Nhức đầu thứ phát là nhức đầu do những bất thường cấu trúc bên trong đầu và cổ gây ra. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhức đầu loại này bao gồm chảy máu não, u bướu, hay viêm màng nãoviêm não.

Đau dây thần kinh sọ, đau mặt và những loại nhức đầu khác

Đau dây thần kinh sọ là một nhóm triệu chứng nhức đầu gây ra bởi những dây thần kinh bên trong đầu và phần trên cổ bị viêm. Nhức mặt và nhiều loại nguyên nhân gây nhức đầu khác cũng được xếp vào nhóm này.

NHỨC ĐẦU DO ÁP LỰC

(Xem thêm bài Nhức đầu do áp lực)

Nhức đầu do áp lực là loại nhức đầu thường gặp nhất, nguyên nhân của nó vẫn chưa được rõ. Nguyên nhân có vẻ chính xác nhất là do sự co thắt của các cơ bao phủ quanh hộp sọ. Khi các cơ này phải chịu áp lực, chúng sẽ co thắt và gây nhức đầu. Vị trí thường gặp là ở sàn sọ, đó là vị trí của cơ thang ở cổ, và vùng thái dương là vị trị của các cơ giúp hàm chuyển động, và vùng trán.

Có một nghiên cứu nhỏ để xác định nguyên nhân chính xác gây ra nhức đầu do áp lực. Nhức đầu do áp lực có nguyên nhân do những áp lực về thể chất và tâm lý tác động lên cơ thể. Những áp lực thể chất bao gồm những công việc lao động khó khăn và kéo dài, hoặc ngồi ở bàn hoặc ở máy vi tính trong một thời gian dài. Những áp lực tâm lý cũng có thể gây nhức đầu do áp lực bằng cách gây co những cơ xung quanh sọ.

Triệu chứng

Những triệu chứng của nhức đầu do áp lực bao gồm:

  • Cơn đau bắt đầu từ vùng sau đầu và vùng cổ trên giống như có một dải băng xiết chặt xung quanh hoặc bị đè ép.
  • Cơn đau được mô tả như có một dải áp lực xiết quanh đầu và đau dữ dội nhất là ở vùng lông mày.
  • Cơn đau thường nhẹ (không đủ để gây cản trở những công việc thường ngày) và hai bên.
  • Thường không liên quan đến triệu chứng thoáng qua và không gây buồn nôn, nôn hoặc nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động.
  • Thường thỉnh thoảng mới xảy ra nhưng ở một số người có thể xảy ra thường xuyên và thậm chí là xảy ra hằng ngày.
  • Hầu hết những người bị nhức đầu do áp lực đều có thể sinh hoạt được bình thường.

Chẩn đoán

Bí quyết giúp chẩn đoán bất kỳ trường hợp nhức đầu nào là bệnh sử của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi thích hợp để tìm hiều xem triệu chứng nhức đầu bắt đầu khi nào, tính chất, số lượng và thời gian kéo dài của cơn đau, và hỏi thêm những triệu chứng liên quan. Bệnh sử nhức đầu do áp lực sẽ bao gồm các tính chất sau: cơn đau từ nhẹ đến vừa, xuất hiện ở cả hai bên đầu, được mô tả như sự xiết chặt không nghe tiếng mạch đập và không tăng lên khi hoạt động. Không có những triệu chứng kèm theo như nôn ói, nhạy cảm với ánh sáng.

Khám lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán do có thể khẳng định được rằng bệnh nhân bị nhức đầu do áp lực nếu lúc khám không phát hiện được dấu hiệu nào cả. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là bệnh nhân có thể có cảm giác căng căng ở sọ hoặc ở cơ cổ. Nếu bác sĩ phát hiện ra bất thường khi khám thì có thể là bệnh nhân không bị nhức đầu do áp lực mà là do một nguyên nhân nào đó khác.

Điều trị

Nhức đầu do áp lực khá đau và thông thường bệnh nhân sẽ cảm thấy bất ngờ khi chẩn đoán "chỉ là" nhức đầu do căng thẳng. Mặc dù nó không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nhức đầu do áp lực có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Hầu hết mọi người có thể tự điều trị thành công bởi những loại thuốc giảm đau thông dụng. Những thuốc sau có tác dụng tốt ở hầu hết mọi người:

  • Aspirin
  • Ibuprofen (Motrin, Advil)
  • Acetaminophen (Panadol, Tylenol), và
  • Naproxen (Aleve)

Nếu những thuốc trên thất bại, có thể có những biện pháp điều trị khác. Nếu nhức đầu tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên đi bác sĩ khám bệnh. Có thể sử dụng các biện pháp như massage, phản hồi sinh học và kiểm soát stresss để giúp kiểm soát các cơn nhức đầu.

Điều quan trọng cần nhớ là những thuốc thông dụng có thể mua tại quầy thuốc mà không cần đến toa bác sĩ tuy an toàn nhưng có thể có những tác dụng phụ và phản ứng với những thuốc khác. Nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn có thắc mắc về những loại thuốc trên và công dụng của chúng. Điều này đặc biệt quan trọng do những bệnh nhân nhức đầu dùng chúng rất thường xuyên.

Đọc kỹ danh mục những thành phần có trong thuốc giảm đau cũng rất quan trọng. Thông thường các loại thuốc giảm đau hay phối hợp các thành phần lại với nhau và những thành phần thứ hai, thứ ba chứa trong thuốc có khả năng gây phản ứng thuốc hoặc chống chỉ định dùng chung với những loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Chẳng hạn như:

  • Một số loại thuốc giảm đau có chứa caffein có thể kích thích tim đập nhanh ở một số bệnh nhân.
  • Ở những loại thuốc dùng ban đêm, diphenhydramine (Benadryl) có thể được thêm vào. Thành phần này có thể gây ra tình trạng lơ mơ, ngủ gà, do đó không nên sử dụng khi đang lái xe hay điều khiển những máy móc nặng.

Một số trường hợp khác cần thận trong bao gồm:

  • Aspirin không nên dùng ở trẻ em hoặc tuổi mới lớn do nguy cơ bị hội chứng Reye, bệnh có thể gây hôn mê, tổn thương não và tử vong do những bệnh tương tự như nhiễm siêu vi và sử dụng aspirin.
  • Aspirin và ibuprofen có thể kích thích dạ dày và gây chảy máu. Nên thận trọng khi sử dụng với những bệnh nhân bị loét dạ dày hoặc những bệnh nhân dùng thuốc tán huyết như warfarin (Coumadin) và clopidogrel bisulfate (Plavix).
  • Acetaminophen nếu được dùng với lượng lớn có thể gây tổn thương hay suy gan. Nên dùng thận trọng đối với những bệnh nhân uống rượu nhiều hoặc bị bệnh gan.
  • Một nguyên nhân gây nhức đầu do áp lực là sử dụng quá liều thuốc giảm đau. Khi sử dụng thuốc giảm đau trong một thời gian dài, cơn đau đầu có thể quay trở lại do tác dụng của việc bỏ thuốc. Do đó trong trường hợp này, hức đầu là một triệu chứng của hội chứng cai thuốc.

NHỨC ĐẦU CHÙM

(Xem thêm bài Nhức đầu chùm)

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nhức đầu chùm vẫn chưa chắc chắn. Có thể là do một phần nào đó của não bắt đầu bị rối loại chức năng do một nguyên nhân nào đó không rõ. Vùng hạ đồi, khu vực nằm ở sàn sọ chịu trách nhiệm điều khiển đồng hồ sinh học của cơ thể và cũng có thể là khu vực não gây ra nhức đầu. Khi scan não ở những bệnh nhân đang bị nhức đầu chùm, người ta phát hiện ra những hoạt động bất thường ở vùng hạ đồi.

Nhức đầu chùm còn:

  • Có khuynh hướng xuất hiện ở những người trong gia đình và do đó có thể có nguyên nhân di truyền.
  • Có thể xuất hiện khi thay đổi giờ giấc ngủ.
  • Có thể xuất hiện khi sử dụng một số loại thuốc (chẳng hạn như nitroglycerin được dùng để điều trị bệnh tim).

Nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn dễ bị nhức đầu chùm, những yếu tố như hút thuốc lá, uống rượu và một số loại thức ăn (vd như chocolate) có thể gây ra cơn nhức đầu.

Triệu chứng

Nhức đầu chùm là những cơn nhức đầu kéo dài thành từng chuỗi (chùm) kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng tách biệt nhau bằng những khoảng thời gian không bị nhức đầu kéo dài vài tháng hay vài năm.

  • Trong khoảng thời gian bệnh nhân bị nhức đầu chùm, cơn đau đầu thường diễn ra một hay hai lần mỗi ngày, nhưng một số bệnh nhân có thể bị nhức đầu trên 2 lần mỗi ngày.
  • Mỗi cơn nhức đầu kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng rưỡi.
  • Các cơn có khuynh hướng xảy ra vào cùng một thời điểm trong ngày và thường làm bệnh nhân tỉnh dậy lúc nửa đêm khỏi một giấc ngủ ngon.
  • Cơn đau thường khu trú xung quanh hoặc phía sau một mắt.
  • Một số bệnh nhân mô tả cơn đau giống như cảm giác có một que cời lửa nóng bên trong mắt. Mắt bị ảnh hưởng có thể đỏ, viêm và chảy nước.
  • Mũi ở bên bị ảnh hưởng có thể bị nghẹt và chảy nước mũi.

Không giống như những bệnh nhân bị nhức đầu migraine, những bệnh nhân bị nhức đầu chùm thường không chịu ngồi yên. Họ đi lại quanh nhà, đập đầu vào tường v.v... Nhức đầu chùm thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.

Chẩn đoán

Chẩn đoán nhức đầu chùm cần dựa vào bệnh sử và triệu chứng của bệnh nhân. Lời mô tả của bệnh nhân về cơn đau và tính chất tái phát chính xác ở một thời điểm nào đó trong ngày thường đủ để có thể chẩn đoán được.

Nếu khám trong lúc bệnh nhân đang trong cơn (đang bị nhức đầu), thường sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, chảy nước mũi và nước mắt như đã mô tả ở trên. Nếu khám trong lúc bệnh nhân ở ngoài cơn (không bị nhức đầu), thường sẽ cho kết quả bình thường và việc chẩn đoán sẽ dựa vào bệnh sử của bệnh nhân.

Điều trị

Nhức đầu chùm rất khó điều trị và cần phải áp dụng phương pháp thử-sai để tìm ra được chế độ điều trị đặc hiệu riêng cho mỗi bệnh nhân. Do nhức đầu tái đi tái lại mỗi ngày nên việc điều trị cần tiến hành hai việc. Cần phải kiểm soát cơn đau ở giai đoạn đầu tiên, sau đó phòng ngừa những cơn đau kế tiếp.

Khởi đầu điều trị có thể bao gồm những lựa chọn sau:

  • Hít oxy nồng độ cao (có thể sẽ không có tác dụng nếu cơn nhức đầu quá nặng).
  • Tiêm tryptan, vd như sumatriptan (Imitrex), zolmitriptan (Zomig), và rizatriptan (Maxalt), là những thuốc cũng thường được dùng để điều trị nhức đầu migraine.
  • Tiêm lidocaine, là thuốc tê tại chỗ, vào mũi.
  • Dihydroergotamine (DHE, Migranal), là loại thuốc gây co mạch máu.
  • Caffeine.

Điều trị ngăn ngừa những cơn nhức đầu tái phát có thể bao gồm những lựa chọn sau:

  • Thuốc chẹn kênh Calci [vd như verapamil (Calan, Verelan, Verelan PM, Isoptin, Covera-HS), diltiazem (Cardizem, Dilacor, Tiazac)]
  • Prednisone (Deltasone, Liquid Pred)
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Lithium (Eskalith, Lithobid)
  • valproic acid, divalproex (Depakote, Depakote ER, Depakene, Depacon), và topiramate (Topamax) (thường được dùng để điều trị tai biến).

Phòng bệnh

Do những giai đoạn của nhức đầu chùm có thể cách nhau đến vài năm và do cơn nhức đầu đầu tiên của một đợt bệnh mới không thể tiên đoán trước được nên ngay cả việc dùng thuốc hằng ngày có thể không bảo đảm.

Có thể thay đổi lối sống để giúp giảm thiểu nguy cơ gây nhức đầu chùm. Bỏ thuốc và giới hạn uống rượu có thể phòng ngừa những cơn nhức đầu chùm trong tương lai.

NHỨC ĐẦU THỨ PHÁT

Có thể nhức đầu là một triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Triệu chứng nhức đầu tự bản thân nó có thể là nhức đầu tiên phát nhưng nhức đầu thứ phát có thể là do những bệnh khác nhau hoặc những tổn thương cần phải được chẩn đoán và điều trị. Cần phải điều trị triệu chứng nhức đầu ngay tại thời điểm thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán. Một vài nguyên nhân gây nhức đầu thứ phát có thể đe dọa mạng sống và gây tử vong. Điều căn bản là cần phải chẩn đoán và điều trị sớm nếu tổn thương được giới hạn.

Hiệp hội nhức đầu quốc tế đã liệt kê được 8 nhóm nhức đầu thứ phát. Dưới đây là một vài ví dụ chưa hoàn chỉnh của mỗi nhóm:

Chấn thương đầu và cổ

  • Chấn thương đầu có thể gây chảy máu vào trong khoang nằm giữa các lớp mô bao quanh não (chảy máu dưới màng cứng, ngoài màng cứng và dưới màng nhện) hoặc vào trong chính mô não.
  • Chấn động não, tổn thương não không gây chảy máu.
  • Triệu chứng chấn thương do đụng dập và tổn thương não.

Do bất thường mạch máu ở đầu và cổ

  • Đột quỵ hoặc cơn thiếu máu thoáng qua
  • Dị tật động tĩnh mạch cũng có thể gây nhức đầu.
  • Động mạch cảnh ở cổ có thể bị viêm và gây đau.
  • Viêm động mạch thái dương.

Những nguyên nhân không phải do mạch máu ở não

  • U não, có thể là nguyên phát, xuất phát từ não hoặc do di căn từ một ung thư có khởi nguồn từ một cơ quan khác.
  • Tai biến
  • Tăng áp lực nội sọ tự phát, còn được gọi là giả u sọ, do áp lực dịch não tủy bên trong ống tủy quá lớn.

Nguyên nhân do điều trị và do thuốc (bao gồm cả hội chứng cai nghiện những loại thuốc trên)

Nhiễm trùng

Thay đổi bên trong môi trường của cơ thể

Những bệnh của mắt, tai, mũi, họng, răng và cổ

Những rối loạn tâm lý

Chẩn đoán

Nếu có thời gian, công việc chẩn đoán một bệnh nhân nhức đầu thứ phát cần bắt đầu bằng cách hỏi bệnh đầy đủ, sau đó bệnh nhân sẽ được khám và cho làm các xét nghiệm cùng với những khảo sát hình ảnh học cần thiết.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị nhức đầu dữ dội kèm với giảm ý thức và dấu hiệu sinh tồn không ổn định. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ quyết định điều trị những nguyên nhân đặc hiệu mà không cần phải chờ kết quả các xét nghiệm để xác định chẩn đoán.

Chẳng hạn như nếu bệnh nhân có những dấu hiệu như nhức đầu, sốt, cổ gượng, và lú lẫn gợi ý đến bệnh viêm màng não. Do viêm màng não có thể gây tử vong rất nhanh nên cần phải bắt đầu điều trị kháng sinh trước khi xét nghiệm máu và chọc dò tủy sống để xác định chẩn đoán.

Khám và xét nghiệm

Bệnh sử và khám lâm sàng cung cấp cho bác sĩ những phương tiện tốt nhất để xác định nguyên nhân gây nhức đầu thứ phát. Do đó, những bệnh nhân bị nhức đầu nặng nề nhất thiết phải đi đến các cơ sở y tế để giúp các bác sĩ có được cơ hội tiếp cận được bệnh. Những xét nghiệm có thể có ích giúp chẩn đoán những bệnh gây nhức đầu bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • CT scan
  • MRI đầu và
  • Chọc dò tủy sống

Những xét nghiệm đặc hiệu sẽ được thực hiện tùy thuộc vào những nguyên nhân có thể xảy ra mà bác sĩ và bệnh nhân muốn nhắm đến.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp cung cấp những thông tin hữu ích liên hệ với bệnh sử và kết quả khám lâm sàng để xác định chẩn đoán. Chẳng hạn như quá trình viêm hoặc nhiễm trùng trong cơ thể có thể gây tăng số lượng bạch cầu, tỷ lệ hồng cầu cặn (ESR - Erythrocyte sedimentation rate) hoặc C-reactive protein (CRP). Xét nghiệm máu cũng giúp xác định rối loạn điện giải cũng như chức năng của nhiều cơ quan khác nhau như gan, thận và tuyến giáp.

CT scan đầu

CT scan giúp phát hiện ra vùng chảy máu, phù nề và khối u. Nó còn cho ta thấy được vết tích của những lần đột quỵ trước. Nếu tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch, nó còn giúp các bác sĩ quan sát được các động mạch bên trong não.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) đầu

MRI có khả năng cho hình ảnh tốt hơn về giải phẫu não, màng não (các lớp bao xung quanh não và tủy sống). Tuy chính xác hơn nhưng nó cũng đòi hỏi thời gian thực hiện tương đối dài hơn so với CT scan, ngoài ra MRI không phải ở bệnh viện nào cũng có thể thực hiện được.

Chọc dò tủy sống

Dịch não tủy là dịch xung quanh não và tủy sống. Có thể dùng kim đâm vào cột sống từ phía sau lưng ở dưới thấp để rút dịch não tủy ra. Kiểm tra dịch não tủy có thể giúp phát hiện nhiễm trùng (vd như viêm màng não do vi khuẩn, virus hoặc do lao) hoặc phát hiện ra máu trong ổ tụ máu. Trong hầu hết các trường hợp, CT scan có thể được thực hiện trước khi chọc dịch não tủy để bảo đảm không có chảy máu, phù nề hoặc u bướu bên trong não.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Nên đi khám bệnh nếu như cơn nhức đầu có những tính chất sau:

  • Bị nhức đầu nặng nề nhất từ trước đến giờ
  • Khác với những lần nhức đầu trước đó
  • Xuất hiện đột ngột hoặc nặng hơn khi gắng sức, ho, tựa người ra trước hoặc khi quan hệ tình dục.
  • Kết hợp với nôn ói kéo dài
  • Kết hợp với sốt hoặc cứng cổ
  • Kết hợp với tai biến
  • Kết hợp với những lần chấn thương đầu hoặc té ngã gần đây
  • Kết hợp với sự thay đổi thị lực, chức năng nói hoặc thay đổi hành vi.
  • Kết hợp với yếu liệt hoặc thay đổi giác quan
  • Không đáp ứng với điều trị hoặc diễn tiến xấu hơn
  • Cần phải tăng liều thuốc giảm đau
  • Cản trở đến công việc và chất lượng cột sống

TÓM TẮT

  • Đầu là một trong những vị trí thường bị đau nhất trên cơ thể.
  • Những loại nhức đầu thường gặp nhất có thể chia ra làm 3 nhóm: 1) Tiên phát, 2) Thứ phát, và 3) Đau dây thần kinh, đau mặt và những kiểu nhức đầu khác.
  • Những loại nhức đầu tiên phát thường gặp nhất là 1)Do áp lực, 2) Migraine và 3) Nhức đầu chùm.
  • Nhức đầu do áp lực là loại nhức đầu tiên phát thường gặp nhất và thường có thể điều trị được bằng những thuốc giảm đau thông thường.
  • Nhức đầu thứ phát là triệu chứng của chấn thương hoặc những bệnh khác.
  • Bệnh nhân nên đi khám bệnh ngay nếu như bị một cơn nhức đầu mới xuất hiện, sốt, cổ gượng, thay đổi hành vi, nôn ói, yếu liệt hoặc thay đổi giác quan.

Theo MedicineNET - Y học NET dịch

1 nhận xét:

  1. Unknown says

    Đôi khi đau đầu cũng là do mang thai đấy http://benhvienphathai.vn


Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases