Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Sỏi thận

Sỏi  thận

Thận đóng vai trò là một bộ lọc máu cho cơ thể, tạo ra nước tiểu và loại bỏ những chất thải ra khỏi cơ thể. Nó còn giúp điều hòa nồng độ các chất điện giải là một yếu tố quan trọng cho chức năng của cơ thể. Nước tiểu đi từ thận xuống đến bàng quang thông qua một ống hẹp được gọi là niệu quản. Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu sẽ tạo cảm giác muốn đi tiểu (mắc tiểu), lúc đó bàng quang sẽ tống nước tiểu qua niệu đạo, là một ống rộng hơn niệu quản nhiều, để đi ra ngoài.

Ở một số người, các chất hóa học kết tinh trong nước tiểu và tạo thành những tiền chất của sỏi thận. Những viên sỏi này lúc mới được tạo ra rất nhỏ, nhỏ hơn một hạt cát, nhưng dần dần nó sẽ lớn lên đến khoảng 2,5 mm hoặc hơn. Kích thước của sỏi không quan trọng bằng vị trí của nó. Khi sỏi nằm ở thận, hiếm khi gây ra triệu chứng, nhưng khi nó bị rơi xuống niệu quản thì nó sẽ có vai trò giống như một cái đập ngăn nước. Do thận tiếp tục chức năng tạo nước tiểu của mình nên áp lực sẽ dần tăng lên ở phía sau viên sỏi và làm cho thận phù nề lên. Áp lực này là nguyên nhân gây ra các cơn đau ở những bệnh nhân bị sỏi thận tuy nhiên nó cũng giúp đẩy viên sỏi chạy đi dọc theo niệu quản. Khi viên sỏi rơi vào lòng bàng quang, áp lực ở niệu quản được giải phóng và những triệu chứng của sỏi thận sẽ biến mất.

NGUYÊN NHÂN

Các chuyên gia vẫn chưa nhất trí về nguyên nhân gây ra sỏi thận

  • Di truyền: Một số người dễ bị sỏi thận hơn những người khác. Phần lớn sỏi thận có thành phần cấu tạo là canxi, và bệnh tăng canxi niệu (có nồng độ canxi trong nước tiểu cao) là một yếu tố nguy cơ. Đặc điểm dễ bị nồng độ canxi niệu cao có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số bệnh di truyền khác cũng làm cho một số người dễ bị sỏi thận. Chẳng hạn như trong đó bao gồm những người bị acid hóa ống thận và những người gặp những vấn đề về chuyển hóa của nhiều chất trong cơ thể trong đó có cystine (một loại amino acid), oxalate (một loại muối) và acid uric (chẳng hạn như trong bệnh Gout).
  • Vị trí địa lý: vị trí địa lý có thể đóng một vai trò nào đó trong việc hình thành sỏi thận. Có một vùng được gọi là "vành đai sỏi thận" ở Hoa Kỳ, những người sống ở phía Nam Hoa Kỳ bị gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận do yếu tốt khí hậu nóng và ít uống nước khiến cho cơ thể người dân ở khu đó tương đối bị thiếu nước làm cho nước tiểu trở nên cô đặc hơn nên các chất hóa học bên trong nằm sát gần nhau hơn nên dễ tạo ra tiền chất của sỏi dễ dàng hơn.
  • Chế độ ăn: chế độ ăn có thể có đóng góp vào sự hình thành sỏi hoặc không. Ở một người dễ hình thành sỏi thận thì thức ăn chứa nhiều canxi có thể làm gia tăng nguy cơ, tuy nhiên ở những người không có khuynh hướng dễ hình thành sỏi thì chế độ ăn sẽ không làm thay đổi gì yếu tố nguy cơ cả.
  • Thuốc: những người sử dụng thuốc lợi tiểu và những người sử dụng quá nhiều thuốc kháng acid có chứa canxi có thể làm tăng canxi trong nước tiểu và có khả năng gia tăng nguy cơ hình thành sỏi. Dùng quá nhiều vitamin A và D cũng có liên quan đến tình trạng tăng nồng độ canxi trong nước tiểu. Những bệnh nhân bị HIV có sử dụng thuốc indinavir (Crixivan) có thể tạo ra sỏi indinavir. Một số loại thuốc được bác sĩ kê toa khác cũng có liên quan đến sự hình thành sỏi bao gồm dilantin và các loại kháng sinh như ceftriaxone (Rocephin) và ciprofloxacin (Cipro).
  • Những bệnh nền: Một số bệnh mạn tính có liên quan đến sự hình thành sỏi bao gồm bệnh xơ nang, bệnh acid hóa ống thận, bệnh viêm ruột.

SỎI THẬN Ở TRẺ EM

Hiếm khi gặp sỏi thận ở trẻ em. Ở những nước mà protein có trong bữa ăn có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như vùng Đông Nam Á, Vùng Trung Đông, Ấn Độ và Đông Âu, tần số bị sỏi thận ở trẻ em tăng. Ở những nước đang phát triển, thường gặp sỏi bàng quang được tạo thành từ acid uric.

Triệu chứng cũng tương đương với sỏi thận ở người lớn, tuy nhiên trẻ càng nhỏ thì càng khó lý giải được nguồn gốc của sự khó chịu của trẻ. Triệu chứng ban đầu ở một trẻ sơ sinh có thể là khóc khó dỗ được.

TRIỆU CHỨNG

Khi một cấu trúc dạng ống trong cơ thể bị tắc nghẽn sẽ gây ra những cơn đau có dạng sóng cuộn do cơ thể cố gắng giải phóng vị trí tắc nghẽn đó. Những đợt sóng cảm giác đau đó được gọi là đau quặn. Ngược lại với những cơn đau không có dạng sóng, chẳng hạn như viêm ruột thừa, viêm tụy, ở những cơn đau kiểu này thì sự di chuyển sẽ làm cảm giác đau tăng lên làm cho bệnh nhân cố gắng ngồi/nằm yên.

  • Cơn đau quặn thận là một biểu hiện kinh điển báo hiệu viên sỏi đang được di chuyển đi.
    • Cơn đau dữ dội và xuất hiện đột ngột, nó có thể tăng hoặc giảm nhưng luôn luôn có một cảm giác đau âm ỉ đáng kể kéo dài liên tục giữa các cơn đau quặn.
    • Vị trí đau thông thường nằm ở vùng mạn sườn hoặc ở một bên lưng và lan xuống háng.
    • Bệnh nhân không thể tìm được tư thế để giảm đau và có thể đau đến mức lăn lộn.
  • Thường bệnh nhân sẽ bị vã mồ hôi, buồn nôn và nôn.
  • Có thể có máu trong nước tiểu vì viên sỏi có thể kích ứng niệu đạo. Tuy nhiên, tiểu máu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của sỏi thận mà có thể có những nguyên nhân khác chẳng hạn như nhiễm trùng thận và bàng quang, chấn thương hoặc khối u. Phân tích nước tiểu dưới kính hiển vi có thể phát hiện ra máu ngay cả khi không nhìn thấy được bằng mắt thường. Đôi khi sỏi gây bít tắc hoàn toàn đường niệu thì sẽ không nhìn thấy máu trong nước tiểu do máu không thể vượt qua được viên sỏi để đi xuống phía dưới và thải ra ngoài.

KHÁM VÀ CÁC XÉT NGHIỆM

Triệu chứng kinh điển của sỏi thận là cơn đau quặn thận kèm với tiểu máu. Tuy nhiên có nhiều loại bệnh khác cũng có những biểu hiện tương tự do đó bác sĩ có thể cần phải cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm để khẳng định lại chẩn đoán. Chẳng hạn như biểu hiện cơn đau lan ra sau lưng có thể làm cho bác sĩ nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng bóc tách.

Thông thường, khám lâm sàng ít khi hữu ích đối với những bệnh nhân bị sỏi thận ngoại trừ triệu chứng tăng nhạy cảm đau ở vùng hông lưng. Thường khám lâm sàng chủ yếu nhắm đến mục tiêu để loại trừ những bệnh có khả năng gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Chẳng hạn như khi khám bụng, bác sĩ có thể quan sát xem có một khối ở ổ bụng đập theo nhịp mạch hay không vì đó có thể là dấu hiệu của phình động mạch chủ bụng. Nhạy cảm đau ở bờ dưới khung xương sườn bên phải có thể là dấu hiệu của bệnh túi mật. Nhạy cảm đau ở 1/4 dưới bụng có thể là do viêm ruột thừa, viêm túi thừa hoặc bệnh của buồng trứng.

Kiểm soát triệu chứng rất quan trọng và những loại thuốc giúp giảm đau và nôn ói có thể được sử dụng trước khi chẩn đoán được xác định.

Kết quả phân tích nước tiểu giúp phát hiện máu có trong nước tiểu. Ngoài ra, phân tích nước tiểu còn giúp tìm ra bằng chứng của nhiễm trùng, là một biến chứng của sỏi thận.

Thông thường xét nghiệm máu ít khi được sử dụng trừ phi bác sĩ còn đang băn khoăn về chẩn đoán hoặc lo lắng về những biến chứng của sỏi thận.

CT scan ổ bụng không có thuốc cản quang đường uống hoặc đường tĩnh mạch là một khảo sát về hình ảnh thường được dùng giúp tái hiện lại hình ảnh của thận, niệu quản, bàng quang và có thể giúp phát hiện ra sỏi, vị trí, kích thước của nó, và xác định xem sỏi có gây dãn niệu quản và viêm thận hay không. CT còn giúp đánh giá nhiều cơ quan khác trong ổ bụng, bao gồm ruột thừa, túi mật, gan, tụy, động mạch chủ, và ruột. Tuy nhiên do không sử dụng thuốc cản quang nên cũng sẽ có một số giới hạn trên hình ảnh khi quan sát.

Siêu âm là một phương tiện khảo sát bằng hình ảnh khác có thể phát hiện ra sỏi thận và sự tắc nghẽn và có thể hữu ích nếu muốn tránh những tác hại của phóng xạ do CT scan gây ra (chẳng hạn như trong trường hợp những phụ nữ đang mang thai). Siêu âm cần thiết phải được thực hiện bởi một bác sĩ đã được huấn luyện chuyên sâu do đó không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán là sỏi thận từ trước, có thể chụp phim X quang để theo dõi sự di chuyển của nó từ niệu quản xuống đến dưới bàng quang.

ĐIỀU TRỊ

Tại nhà

  • Phòng bệnh luôn là phương pháp được yêu thích nhất. Cố gắng không để cho cơ thể thiếu nước và làm cho nước tiểu loãng ra sẽ giúp ngăn ngừa không cho sỏi thận hình thành.
  • Những người chưa từng trải qua cơn đau do sỏi thận có thể sẽ không đánh giá được đúng độ nặng của các triệu chứng. Chỉ có một số ít người có thể tự chịu đựng được cơn đau và triệu chứng nôn ói tại nhà, là những triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc với sỏi thận, mà không đi đến phòng cấp cứu. Nếu đây là lần đầu tiên và trước đó bạn chưa từng được chẩn đoán sỏi thận thì điều quan trọng là bạn nên đến bác sĩ để được khám và xác nhận chẩn đoán.
  • Đối với những người đã được chẩn đoán là sỏi thận trước đó thì có thể được điều trị tại nhà. Hầu hết các loại sỏi thận nếu có thời gian thì sẽ tự trôi ra ngoài và việc điều trị chủ yếu nhằm vào việc làm giảm các triệu chứng do viên sỏi gây ra. Bệnh nhân nên được hướng dẫn uống nhiều nước. Có thể dùng Ibuprofen cho tác dụng kháng viêm nếu không có chống chỉ định. Nếu cần phải sử dụng những loại thuốc giảm đau mạnh hơn, các bác sĩ có thể sẽ kê toa cho bạn những loại thuốc giảm đau có chứa á phiện.
  • Lưu ý, nếu bệnh nhân bị sốt kèm theo với sỏi thận thì đây là một tình trạng cấp cứu và phải được nhập viện ngay. Viêm đường tiểu kèm với sỏi thận thường cần phải được các bác sĩ niệu khoa can thiệp kịp thời để loại bỏ viên sỏi đi.

Tại bệnh viện

  • Tại phòng cấp cứu của bệnh viện, bệnh nhân có thể sẽ được truyền dịch để cung cấp nước và giúp đưa thuốc vào cơ thể để giảm các triệu chứng đau và buồn nôn. Ketorolac (Toradol), là một loại thuốc kháng viêm đường tiêm, và các loại thuốc giảm đau có chứa á phiện có thể được sử dụng để giảm đau với mục tiêu làm giảm sự khó chịu chứ không nhất thiết là làm cho bệnh nhân hết đau hoàn toàn. Buồn nôn và/hoặc nôn có thể được điều trị bằng những loại thuốc chống nôn như ondansetron (Zofran), promethazine (Phenergan) hoặc droperidol (Inapsine).
  • Quyết định có cho bệnh nhân về nhà hay không tùy thuộc vào sự đáp ứng với thuốc. Nếu cơn đau khó kiểm soát hoặc nếu nôn ói kéo dài, bệnh nhân cần phải được nhập viện. Ngoài ra, nếu có tình trạng nhiễm trùng kèm theo, nên xem xét cho bệnh nhân được nhập viện.
  • Kiểm soát cơn đau tại nhà theo hướng dẫn của điều trị tại bệnh viện. Thuốc ibuprofen phổ thông được dùng với tác dụng kháng viêm, thuốc giảm đau có chứa á phiện cũng có thể được sử dụng. Những loại thuốc chống nôn ói có thể được cho bệnh nhân sử dụng qua đường miệng hoặc viên đạn nhét hậu môn. Tamsulosin (Flomax, là một loại thuốc giúp tiểu dễ dàng hơn ở những nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến) có thể được dùng để giúp viên sỏi đi xuống dưới bàng quang dễ dàng hơn.
  • Một số viên sỏi không thể tự trôi xuống được mà không cần có sự can thiệp do vị trí và kích thước của nó. Nếu viên sỏi nằm cao trong niệu quản, gần thận, và có kích thước lớn, các bác sĩ có thể sử dụng máy tán sỏi hoặc EWSL (shock wave therapy) để nghiền viên sỏi ra thành từng mảnh nhỏ để giúp nó trôi xuống dưới bàng quang dễ dàng hơn. EWSL là cách làm cho nước tiểu xung quanh viên sỏi rung lên làm cho viên sỏi vỡ ra từng mảnh. Đối với những viên sỏi nằm gần bàng quang không có nước tiểu bao quanh nên không thể thực hiện cách này được.
  • Nếu viên sỏi không nằm ở vị trí mà máy tán sỏi có thể hoạt động được hoặc cần phải giải phóng sự bít tắc khẩn cấp (chẳng hạn như trong trường hợp có nhiễm trùng), các bác sĩ niệu khoa có thể sẽ phải dùng phương pháp nội soi niệu quản bằng cách dùng các thiết bị luồn vào bên trong lòng niệu quản để giúp bác sĩ đặt stent (một dụng cụ hình ống, nhỏ và có lòng rỗng) xuyên qua niệu đạo, vào bàng quang và đi vào niệu quản để tạo một đường vòng vượt qua viên sỏi gây bít tắc. Stent có thể được đặt trong một thời gian dài. Đôi khi, các bác sĩ có thể dùng dụng cụ để gắp viên sỏi và lấy nó ra ngoài.

Các biến chứng

  • Do hầu hết bệnh nhân đều có 2 quả thận nên sự bít tắc tạm thời một thận không gây ra một sự khác biệt đáng kể. Đối với những bệnh nhân chỉ có một quả thận thì nếu viên sỏi gây bít tắc có thể là một trường hợp cấp cứu thật sự và cần phải giải phóng tắc nghẽn một cách cấp thiết. Nếu thận bị tắc nghẽn hoàn toàn trong một thời gian dài có thể ngừng hoạt động.
  • Nhiễm trùng đi kèm với sỏi thận gây tắc nghẽn cũng là một tình huống cấp cứu khác. Khi nước tiểu bị nhiễm trùng và không thể chảy ra ngoài được, nó tương tự như một ổ abscess và có thể lan tràn nhiễm trùng khắp cơ thể. Sốt là triệu chứng chính của nhiễm trùng, nhưng kết quả phân tích nước tiểu có thể giúp xác định tình trạng nhiễm trùng và giúp bác sĩ quyết định đặt stent hoặc loại bỏ viên sỏi.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

  • Ở những người mới bị sỏi thận lần đầu tiên, nên tìm cách lấy được viên sỏi bằng cách lọc nước tiểu để gửi đi phân tích. Viên sỏi có thể nhỏ đến mức không thể phát hiện được. Hầu hết sỏi thận đều tạo ra từ canxi oxalate, tuy nhiên sỏi cũng có chứa những chất khác. Có thể ngăn không cho sỏi tái hình thành lại trong tương lai bằng cách sử dụng thuốc.
  • Uống nhiều nước giúp đẩy viên sỏi trôi qua niệu quản xuống đến bàng quang và làm nó mau tống xuất ra ngoài.
  • Cần phải tái khám trong vòng 1 đến 2 tuần sau lần khám đầu tiên là thời gian giúp viên sỏi tự đào thải ra ngoài.
  • Bệnh nhân nên gọi cho bác sĩ hoặc quay trở lại phòng cấp cứu nếu thuốc giảm đau không có tác dụng hoặc triệu chứng nôn ói vẫn còn hoặc triệu chứng sốt xuất hiện.

Phòng ngừa

  • Tuy sỏi thận và cơn đau quặn thân không thể phòng ngừa được nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ hình thành sỏi bằng cách tránh không để cơ thể thiếu nước. Đi tiểu thường xuyên giúp cho những tinh thể hóa học trong nước tiểu không vướng lại trong cơ thể và hình thành ra tiền chất của sỏi.
  • Có những loại thuốc được các bác sĩ kê toa để điều trị một số loại sỏi và việc sử dụng thuốc là bắt buộc để giảm nguy cơ bị những đợt đau tương tự trong tương lai.

Tiên lượng
Một khi bệnh nhân đã từng bị sỏi thận, có nhiều nguy cơ bệnh nhân sẽ bị thêm một lần nữa trong cuộc đời sau này. Do sỏi thận cũng có thể có yếu tố di truyền nên nó cũng có thể kéo dài sang đến những thế hệ sau. Những bệnh nhân đã từng bị sỏi thận thì rất khó quên cảm giác đau do nó gây ra nên thường sẽ đến gặp bác sĩ thường xuyên. Những bệnh nhân bị sỏi thận tái đi tái lại nhiều lần có thể sẽ được cho thuốc uống tại nhà để sử dụng khi triệu chứng tái phát.

Theo EmedicineHealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases