Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Phản xạ
Phản xạ: là phản ứng của cơ thể đối với những tác động của môi trường bên ngoài hoặc trạng thái bên trong cơ thể. Các tác động này có thể do các yếu tố vật lý, yếu tố lý-hóa, yếu tố hóa học (xt. kích thích) gây ra.
PX được thực hiện qua cung phản xạ (CPX). CPX là đường thần kinh, theo đó các xung động thần kinh từ thụ cảm thể truyền qua hệ thần kinh trung ương đến cơ quan thực hiện.
CPX được cấu tạo từ các thành phần sau:
1) thụ cảm thể,
2) nơ-ron hướng tâm,
3) nơ-ron trung gian,
4) nơ-ron ly tâm,
5) cơ quan thực hiện.
Phụ thuộc vào số lượng các nơ-ron tham gia vào phản xạ mà có CPX đơn giản và CPX phức tạp.
CPX đơn giản nhất được cấu tạo từ hai nơ-ron: nơ-ron hướng tâm và nơ-ron ly tâm, giữa chúng có một synap.
CPX như vậy được gọi là CPX hai nơ-ron hay CPX một synap, vd CPX căng cơ hay phản xạ duy trì trạng thái tĩnh cơ (xt. phản xạ duỗi chéo, phản xạ gấp).
CPX của đa số các phản xạ phức tạp được cấu tạo không phải là từ hai nơ-ron mà với số lượng lớn các nơ-ron, trong đó có một hay nhiều nơ-ron hướng tâm tạo thành vùng phản xạ hay trường thụ cảm, nhiều nơ-ron trung gian tạo các trung tâm nằm trong hệ thần kinh trung ương, nhiều nơ-ron ly tâm chạy đến các cơ quan thực hiện khác nhau (cơ, tuyến, mạch máu).
Trong CPX phức tạp, mỗi nơ-ron hướng tâm có thể tiếp xúc với nhiều nơ-ron trung gian và mỗi nơ-ron trung gian có thể tạo synap trên một hay nhiều nơ-ron ly tâm.
Các trung tâm nằm trong CPX phức tạp được phân bố ở nhiều nơi trong hệ thần kinh trung ương, vd phản xạ đáp ứng lại kích thích gây đau: dưới tác dụng của kích thích gây đau, hưng phấn phát sinh từ các thụ thể được truyền vào các trung tâm ở tủy sống, các cấu trúc dưới vỏ và trong vỏ các bán cầu đại não (xt. cảm giác đau).
Kết quả là cùng với sự xuất hiện cảm giác đau, luôn kèm theo hàng loạt các phản ứng thực vật như thay đổi nhịp tim, nhịp thở, trương lực mạch máu...
Mức độ tham gia của các nơ-ron trong CPX phức tạp phụ thuộc vào cường độ và thời gian tác dụng của kích thích cũng như trạng thái của hệ thần kinh trung ương.
Trong nhiều CPX phức tạp, ví dụ phản xạ điều tiết trương lực cơ ở mức tủy sống, ngoài 5 thành phần nói trên, còn có một thành phần nữa được gọi là đường hướng tâm ngược. Hưng phấn phát sinh từ thụ cảm thể nằm trong cơ (suốt cơ) khi cơ co được truyền theo đường này đến các nơ-ron vận động ở tủy sống để điều chỉnh trương lực cơ.
Nhờ đường hướng tâm ngược mà hệ thần kinh trung ương nhận biết được mức độ hoạt động của cơ quan thực hiện và nếu cần sẽ gửi thông tin đến điều chỉnh, làm cho đáp ứng chính xác, đầy đủ theo nhu cầu của cơ thể.
Trên lâm sàng, các thầy thuốc thường thăm khám các phản xạ để phát hiện các tổn thương ở hệ thần kinh, vd: một số phản xạ căng cơ bao gồm phản xạ cơ nhị đầu, cơ tam đầu ở chi trên và PX bánh chè hay cơ tứ đầu và gân Achilles ở chi dưới, phản xạ da bụng, da gan bàn chân...
Dựa vào sự hình thành PX được phân thành hai loại: phản xạ không điều kiện (PXKĐK) và phản xạ có điều kiện (PXCĐK).
PXKĐK là PX bẩm sinh, được di truyền qua các thế hệ, có ở tất cả các động vật cùng loài, tương đối ổn định trong suốt đời sống cá thể, được thực hiện nhờ cung phản xạ có sẵn từ lúc con vật mới sinh.
Vd phản xạ mút (bú) ở các động vật có vú có đủ các tính chất nói trên của PXKĐK.
Các PXKĐK có thể rất đơn giản, vd phản xạ chớp mắt khi có vật chuyển động gần mắt. Đồng thời có các PXKĐK rất phức tạp, vd trong phản xạ tự vệ được gây ra bằng kích thích điện mạnh thì cùng với động tác nhằm tránh khỏi kích thích điện còn xuất hiện những biến đổi khác như thở nhanh và mạnh, tim đập nhanh, biến đổi các yếu tố hữu hình trong máu.
Có một số PXKĐK liên quan với chức năng vận động, phản xạ sinh dục chỉ xuất hiện sau khi sinh một thời gian dài.
Có thể phân các PXKĐK thành các nhóm sau: phản xạ dinh dưỡng, phản xạ tự vệ, phản xạ sinh dục, phản xạ duy trì tư thế và vận động, phản xạ định hướng, phản xạ duy trì tính hằng định của nội môi.
PXCĐK là phản ứng của cơ thể được hình thành trong quá trình phát triển cá thể trên cơ sở "kinh nghiệm sống".
PXCĐK mang tính cá thể, không được di truyền, không có sẵn cung phản xạ, không ổn định (tùy theo điều kiện sống, phản xạ có thể hình thành, được củng cố hoặc bị mất đi). Các PXCĐK được hình thành trên cơ sở của PXKĐK.
Có nhiều cách phân loại PXCĐK, một trong các cách đó là dựa vào đặc điểm của kích thích hay tín hiệu có điều kiện ta có: PXCĐK tự nhiên và PXCĐK nhân tạo.
PXCĐK tự nhiên là phản xạ được hình thành với các dấu hiệu/đặc điểm tự nhiên của kích thích không điều kiện, vd mùi vị của thức ăn; mùi, hình dạng, tiếng kêu của động vật.
Các kích thích có điều kiện tự nhiên gần gũi với môi trường sinh sống tự nhiên, phù hợp với điều kiện sống của động vật, do đó, các PXCĐK tự nhiên dễ thành lập với các kích thích có điều kiện tự nhiên và rất bền vững.
Một lần nào đó chó được ăn thịt, sau đó ngửi thấy mùi thịt là ở chó xuất hiện ngay phản xạ tiết nước bọt.
PXCĐK nhân tạo là phản xạ được thành lập với các kích thích hay tín hiệu có điều kiện nhân tạo (ánh sáng bóng điện, tiếng chuông...) phối hợp với tác dụng của kích thích không điều kiện, vd thức ăn.
Ví dụ kinh điển về phản xạ này là phản xạ tiết nước bọt có điều kiện ở chó được thành lập trong phòng thí nghiệm của Pavlov.
Để thành lập PXCĐK, vd phản xạ dinh dưỡng có điều kiện, cần các điều kiện sau:
1) tác dụng của tín hiệu có điều kiện (không liên quan với thức ăn) được bắt đầu khoảng 2-3 giây trước tác dụng của kích thích không điều kiện (thức ăn),
2) lặp lại tác dụng của kích thích có điều kiện và không điều kiện theo trình tự nói trên. Điều kiện quan trọng để hình thành PXCĐK là "mở đường" liên hệ giữa hai cứ điểm hưng phấn được phát sinh dưới tác dụng của các tín hiệu có điều kiện và không điều kiện.
Cơ chế "mở đường" trong quá trình thành lập PXCĐK giống như cơ chế hình thành phản ứng ưu thế: trung khu hưng phấn mạnh hơn có khả năng ức chế và lôi cuốn hưng phấn từ trung khu hưng phấn yếu hơn về phía nó, do đó mở ra con đường nối liền hai trung khu này.
Các PXCĐK có ý nghĩa sinh học rất lớn. Nhờ phối hợp với các PXKĐK mà các kích thích trước đó không liên quan với hoạt động sống đã trở thành tín hiệu báo trước những gì sắp xảy ra nên các động vật và con người kịp thời chuẩn bị để có những đáp ứng cần thiết có lợi cho cuộc sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net