Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Chu kỳ kinh nguyệt
CHU KÌ KINH NGUYỆT: là hiện tượng chảy máu ở niêm mạc tử cung ra ngoài qua đường âm đạo, xảy ra theo định kỳ, lặp đi lặp lại.
Đây là kết quả biến đổi về cấu trúc-chức năng của niêm mạc tử cung dưới tác dụng của các hormon hướng sinh dục được bài tiết từ thùy trước tuyến yên và các hormon sinh dục nữ do buồng trứng bài tiết.
Độ dài của mỗi CKKN được tính bằng khoảng cách thời gian giữa hai ngày chảy máu đầu tiên của hai chu kỳ kế tiếp nhau.
Ở người phụ nữ bình thường, độ dài trung bình của CKKN là 28 ± 2 ngày, có thể dao động trong khoảng từ 25-40 ngày, 40 ngày là chu kỳ dài.
Thời gian chảy máu trung bình là 4 ± 2 ngày, lượng máu mất trung bình là 35 đến 80 ml. Tuy nhiên độ dài của CKKN rất hay thay đổi ngay cả với một người.
Sự thay đổi độ dài của CKKN chủ yếu do thay đổi độ dài của giai đoạn tăng sinh.
CKKN chia ra hai giai đoạn:
Giai đoạn tăng sinh và giai đoạn chế tiết, được đặc trưng bởi sự thay đổi về mô học của lớp chức phận ở niêm mạc tử cung.
Giai đoạn tăng sinh (giai đoạn estrogen) là giai đoạn thứ nhất ở nửa đầu CKKN: Niêm mạc tử cung lớp chức phận bị hoại tử và bong ra ở cuối CK trước được tái tạo dưới tác dụng của estrogen do nang noãn bài tiết (Các tế bào mô đệm và biểu mô tăng nhanh, niêm mạc tử cung dày dần, các tuyến dài và mạch máu phát triển).
Cuối GĐTS, nồng độ estrogen huyết tương tăng cao gây tác dụng điều hoà ngược dương tính, kích thích tuyến yên làm tăng bài tiết FSH và LH (x.FSH và LH).
Nồng độ hai hormon này đạt tới đỉnh gây ra hiện tượng phóng noãn. Ở người bình thường, noãn thường được phóng vào thời điểm 14 ngày trước ngày có kinh của CK sau.
Hiện tượng phóng noãn kết thúc giai đoạn đầu của CKKN.
Giai đoạn chế tiết (giai đoạn progesteron) là giai đoạn thứ hai ở nửa sau CKKN.
Trong GĐCT, dưới tác dụng của progesteron và estrogen do hoàng thể (x.hoàng thể) bài tiết, niêm mạc tử cung lớp chức phận đã được tái tạo và phát triển ở GĐTS nay càng phát triển mạnh, dày nhanh; tuyến của niêm mạc dài ra, cong queo và chế tiết dịch; mạch máu nuôi dưỡng niêm mạc xoắn lại.
Những thay đổi này tạo ra kiểu niêm mạc tử cung được chuẩn bị đủ điều kiện về cấu trúc và dinh dưỡng để đón trứng vào làm tổ và phát triển trong tử cung. Kiểu niêm mạc này được gọi là niêm mạc hoài thai.
Sau phóng noãn, nếu không có hiện tượng thụ tinh thì khoảng 2 ngày cuối của CK, hoàng thể đột nhiên bị thoái hoá, nồng độ estrogen và progesteron giảm đột ngột đến mức rất thấp và gây ra hiện tượng chảy máu ở niêm mạc tử cung (kinh nguyệt).
Như vậy KN là hiện tượng cuối cùng của CKKN, nhưng để dễ tính người ta coi là mốc đầu tiên của CKKN.
Tuổi có KN lần đầu của thiếu nữ Việt Nam là 13 -14 tuổi, sớm hơn những thập kỷ trước khoảng 2 năm.
Rối loạn chức năng buồng trứng dẫn đến rối loạn KN (cg chảy máu tử cung bất thường: CM ngoài phạm vi bình thường về tần suất, thời gian CM và/hoặc lượng mất máu) có/không kèm theo rối loạn phóng noãn.
Quyết định đánh giá tình trạng bệnh nhân và tiến hành điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và tần suất của kiểu CM bất thường.
Trường hợp bị cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ dẫn đến mất KN, cần được điều trị bằng liệu pháp hormon thay thế, đặc biệt với những người còn trẻ để tránh các rối loạn như: Khô âm đạo dẫn tới khó khăn khi giao hợp, loãng xương, xơ vữa mạch do tăng cholesterol máu...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net