Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
BỤI: (cg: Bụi bặm) Những hạt chất rắn nhỏ, thường có kích thước dưới 75 micromet, tự lắng xuống do trọng lượng của chúng nhưng vẫn có thể lơ lửng trong không khí một thời gian.
Nguồn gốc B rất phức tạp, có thể phát sinh từ sự vỡ các chất rắn do tác động cơ học hoặc có sẵn trong tự nhiên.
B phát tán vào trong không khí bằng các lực tự nhiên như gió, núi lửa phun, động đất và bằng cơ học hoặc các quá trình nhân tạo như đập, nghiền, xay, khoan, làm bóng, xúc, ủi, vận chuyển, sàng, đóng gói và quét dọn...
Ngoài tác hại trực tiếp, B còn là phương tiện vận chuyển mầm bệnh vào cơ thể. Hệ hô hấp là cơ quan nội tạng thông ra bên ngoài nên B gây tác hại chủ yếu ở cơ quan này (mũi, họng, khí quản, phế quản và phế nang). Chỉ có các hạt B hô hấp (kích thước dưới 5 micromet) mới vào sâu trong phổi (tới phế nang).
Ngoài ra, B còn gây tác hại đối với da, niêm mạc, đường tiêu hóa (do ăn uống hoặc nuốt đờm có chứa B).
B dạng sợi (B amiăng, B bông, sợi thủy tinh…) là B có tỉ số chiều dài trên chiều rộng tối thiểu phải bằng 3/1.
Tác hại của B: Gây ra nhiều bệnh như:
(1) Các bệnh B phổi: nhóm bệnh gây ra do sự thâm nhập và lắng đọng tại chỗ của các hạt bụi hô hấp. (xt bệnh B phổi silic, bệnh B phổi amiăng, bệnh talc nghề nghiệp).
(2) Bệnh nhiễm độc hệ thống: B đi qua hệ hô hấp vào hệ tuần hoàn và tích lũy ở các cơ quan nội tạng của cơ thể sau khi bị hòa tan. Tại đây, các chất này gây nhiễm độc hệ thống mô và cơ quan. (xt bệnh nhiễm độc chì, bệnh nhiễm độc mangan, bệnh nhiễm độc thuỷ ngân).
(3) Ung thư: B sau khi thâm nhập vào đường hô hấp có thể gây ung thư như asen và các hợp chất của asen, crom, các hạt có chứa hydrocacbua thơm đa vòng, B có chứa niken, B amiăng (xt bệnh nhiễm độc asen, bệnh bụi phổi amiăng).
(4) Các tổn thương viêm phổi. Các hạt B gây kích thích có thể gây viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi và phù phổi. Chúng bao gồm: các B cadimi, berili, hợp chất crom, hóa chất trừ sâu,…và một số B thảo mộc như B chè, gỗ có lẫn một số hóa chất ở bên trong.
(5) Dị ứng và những đáp ứng nhạy cảm khác. Viêm phế nang dị ứng ngoại lai. Ở nhóm bệnh này, B là một dị nguyên và có thể gây hen phế quản, nổi mày đay, sốt rơm….
Thành phần B gồm nhiều chất hữu cơ có nguồn gốc động vật, thực vật, vi sinh vật. B nhà cũng có thể là dị nguyên đối với một số người nhất định.
(6) Bệnh B phổi bông do một số bụi thực vật như bông, đay, gai, lanh…gây ra.
(7) Bệnh sốt hơi kim loại do tiếp xúc với hơi kim loại sinh ra trong điều kiện lạnh như oxit kẽm và magiê.
(8) Bệnh nhiễm khuẩn do thở hít phải B có chứa nấm, vi khuẩn, virút hoặc các mầm bệnh. B đóng vai trò quan trọng trong lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn.
(9) Bệnh than thể phổi rất nguy hiểm do thở hít phải B có chứa bào tử than. Trong chiến tranh sinh học, khủng bố, đây là một nguy cơ.
(10) Tổn thương da và niêm mạc, gây kích thích da và bệnh ngoài da, viêm da. Berili gây viêm hạt dưới da.
Asen và hợp chất của asen gây ung thư da. Mù axit cromic gây thủng vách ngăn mũi và “lỗ crom” trên da. Dị ứng da do tiếp xúc với B một số chất dẻo, gỗ, sợi, đay, bã mía. Một số loại B gây viêm màng kết hợp.
(11) Tổn thương dạ dày, ruột và đường tiêu hóa do tiếp xúc và ăn, uống, nuốt phải B có chứa kim loại độc, chất gây ung thư.
Phòng bệnh: Làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động.
Thay thế các nguyên, vật liệu có chứa nhiều chất độc hại (silic, amiăng, chì…) bằng các chất ít hoặc không độc trong phạm vi cho phép.
Các nguồn phát sinh B cần được che chắn kín và có hệ thống xử lí B tại nguồn hoặc phải cách li (về không gian và thời gian). Giảm tiếp xúc với B trong lao động bằng giải pháp cơ giới hóa, tự động hóa.
Tăng cường thông gió (tự nhiên hoặc nhân tạo). Phun nước, làm ẩm nguyên, vật liệu trước khi gia công cơ học (xay, nghiền, khoan, mài, tẩy gỉ…) hoặc sử dụng quạt phun sương làm ẩm không khí có B.
Tránh tiếp xúc với B (mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, đeo kính bảo hộ lao động, tắm rửa sau khi lao động…), thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ lao động tại nơi làm việc.
Thường xuyên kiểm tra môi trường lao động. Lấy mẫu, đo và phân tích thành phần B theo quy định.
Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm B để đề xuất các giải pháp khắc phục.
Tổ chức khám tuyển, khám sức khỏe định kì và khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định. Việc điều trị bệnh nghề nghiệp do B thường rất khó khăn và ít kết quả.
Vì vậy, cần chú ý các giải pháp hạn chế khả năng bệnh phát triển nặng thêm, phòng ngừa biến chứng, tăng cường phục hồi các chức năng của cơ thể.
Nếu bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì phải chuyển người lao động sang làm công việc khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net