Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Bệnh thận mạn tính
Thận là hai cơ quan hình hạt đậu nằm ở hai bên cột sống, dưới các xương sườn thấp nhất. Mỗi thận nặng khoảng 100 gram và chứa khoảng 1 triệu đơn vị lọc máu gọi là cầu thận. Mỗi cầu thận gồm tiều cầu thận và ống thận. Tiểu cầu thận là một hệ thống lọc thu nhỏ hay có thể được xem là một hệ thống sàng lọc còn ống thận là một ống có đường kính nhỏ gắn vào tiều cầu thận.
Thận được nối với bàng quang bằng niệu quản. Nước tiểu được chứa ở bàng quang cho đến khi bàng quang đầy. Bàng quang dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể qua niệu đạo.
Chức năng chính của thận là lấy các sản phẩm không cần thiết và lượng nước thừa ra khỏi máu. Thận có thể lọc xử lý được 200 lít máu mỗi ngày và tạo ra khoảng 2 lít nước tiểu. Những chất thải này được tạo ra từ những quá trình chuyển hóa bình thường bao gồm sự hủy của các mô hoạt động, thức ăn và những chất khác. Thận giúp tiêu hủy nhiều loại thức ăn, thuốc, vitamin, các thực phẩm hỗ trợ và lượng dịch thừa trong cơ thể để những sản phẩm độc hại của chúng không tích tụ bên trong cơ thể lên đến nồng độ nguy hiểm. Thận cũng có vai trò quan trọng trong điều chỉnh nồng độ của nhiều loại khoáng chất như canxi, natri, kali trong máu.
-
Đầu tiên, máu được phân phối đến các tiều cầu thận nhờ những mao mạch nhỏ. Ở đây, máu đươc lọc những chất cạn bã và huyết tương ra ngoài trong khi hồng cầu, protein và những phân tử lớn được giữ lại trong mao mạch. Ngoài ra, những chất có ích cũng được lọc ra ngoài. Những phần được lọc ra này được thu thập trong bao Bowman và dẫn vào ống thận.
-
Tiếp đến là sự hoạt động của các ống thận. Các ống thận được lát bên trong bằng các tế bào được chức năng hóa cao để lọc máu, tái hấp thu nước và các chất có lợi vào có thể và thải ra ống thận những sản phẩm không cần thiết.
-
Thận cũng sản xuất ra một số hormon có vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm:
-
Vitamin D dưới dạng hoạt động (calcitriol or 1,25 dihydroxy-vitamin D) điều hòa sự hấp thụ canxi và phospho trong thức ăn nhằm giúp xương vững chắc hơn.
-
Erythropoietin (EPO) kích thích tủy xương tạo ra hồng cầu
-
Renin điều chỉnh thể tích máu và huyết áp.
Sự khác nhau giữa suy thận và bệnh thận
Suy thận
-
Suy thận là khi thận mất đi một phần hoặc toàn bộ chức năng hoạt động bình thường của chúng.
-
Điều này rất nguy hiểm vì nước, chất thải và những độc chất tích tụ trong có thể mà đáng lẽ trong điều kiện bình thường chúng được thải ra ngoài cơ thể qua thận.
-
Ngoài ra nó còn có thể dẫn đến một số bệnh lý khác như thiếu máu, tăng huyết áp, toan hóa máu (lượng acid có quá nhiều trong dịch của cơ thể), các bệnh lý về cholesterol và các acid béo và những bệnh lý về xương do thận giảm sản xuất các hormon.
Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính là khi bệnh nhân bị mất chức năng thận dần dần và thường là vĩnh viễn. Quá trình này diễn tiến từ từ, thường từ vài tháng đến vài năm. Bệnh thận mạn tính được chia thành 5 độ theo độ nặng. Suy thận mạn tính giai đoạn 5 còn được gọi là bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, khi đó gần như toàn bộ hoặc toàn bộ thận bị mất chức năng và bệnh nhân cần phải chạy thận nhân tạo hoặc thay thận để có thể tiếp tục sống.
Không giống như bệnh thận mạn tính, suy thận cấp tiến triển nhanh chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần.
-
Suy thận cấp thường phát triển do đáp ứng với những bệnh có tác động trực tiếp đến thận, sự tưới máu của thận và sự thải nước tiểu của nó.
-
Suy thận cấp không gẩy tổn thương thận vĩnh viễn. Nếu được điều trị đúng nguyên nhân, thận sẽ được phục hồi hoàn toàn.
-
Ở một số trường hợp, nó có thể tiến triển thành bệnh thận mạn tính.
Bảng 1: Các giai đoạn của bệnh thận mạn tính
ĐỘ | MÔ TẢ | GFR ml/phút/1.73 m2 |
1 | Tổn thương thận nhẹ, lọc thận bình thường hoặc tăng | >90 |
2 | Chức năng thận giảm nhẹ | 60 – 89 |
3 | Chức năng thận giảm vừa phải | 30 – 59 |
4 | Chức năng thận giảm nặng | 15 – 29 |
5 | Suy thận cần phải lọc thận nhân tạo và ghép thận | <15 |
GFP (glomerular filtration rate): độ lọc cầu thận, đơn vị dùng để đo chức năng thận.
NGUYÊN NHÂN
Mặc dù bệnh thận mạn tính đôi khi là kết quả của những bệnh nguyên phát từ chính bản thân thận, nhưng nguyên nhân chính vẫn là đái tháo đường và tăng huyết áp.
-
Đái tháo đường type I và II gây ra một tình trạng được gọi là bệnh thận do đái tháo đường (diabetic nephropathy) là nguyên nhân gây bệnh thận hàng đầu tại Mỹ.
-
Tăng huyết áp, nếu không được kiểm soát, có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn.
-
Viêm cầu thận là tình trạng viêm và tổn thương hệ thống lọc của thận và có thể gây suy thận. Tình trạng hậu nhiễm trùng và lupus là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận.
-
Thận đa nang là một trong những nguyên nhân có tính di truyền gây bệnh thận mãn tính, khi bị bệnh này cả hai thận đều có nhiều nang.
-
Những thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Motrin, Advil) được sử dụng đều đặn trong một thời gian dài có thể gây tổn thương thận. Một số thuốc khác cũng có thể làm tổn thương thận tương tự.
-
Sự tắc nghẽn và xơ vữa động mạch thận có thể gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cho các vi cầu thận và là nguyên nhân gây tổn thương thận tiến triển.
-
Sự tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu do sỏi, phì đại tiền liệt tuyết, hẹp hoặc ung thư cũng có thể dẫn đến bệnh thận.
-
Những nguyên nhân khác gây ra bệnh thận mạn tính gồm có nhiễm HIV, hồng cầu hình liềm, nghiện heroin, bệnh tạo keo, sỏi thận, nhiễm trùng thận mạn tính và một số ung thư.
Nếu bạn có một trong những bệnh lý sau, bạn đang có yếu tố nguy cơ phát triển thành bệnh thận mạn tính do đó cần phải kiểm tra chức năng thận thường xuyên:
-
Đái tháo đường type I hoặc II
-
Tăng choslesterol
-
Bệnh lý tim mạch
-
Bệnh gan
-
Bệnh thận
-
Bệnh tạo keo
-
Lupus ban đỏ hệ thống
-
Bệnh lý về mạch máu như viêm động mạch, viêm vi mạch, loạn sản cơ.
-
Trào ngược bàng quang niệu quản.
-
Những bệnh lý về có xương khớp đòi hỏi phải dùng các thuốc kháng viêm thường xuyên.
-
Bệnh lý thận di truyền.
TẦN SUẤT
-
Hiện nay bệnh thận mạn ngày càng gia tăng ở Mỹ. Một báo cáo của trung tâm kiểm soát bệnh tật (Centers for Disease Control – CDC) đã xác định có 16.8% người trên 20 tuổi mắc bệnh thận mãn tính. Thật vậy, cứ 6 người thì có 1 người mắc bệnh thận mạn và khoảng 400,000 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo và cần phải ghép thận, khoảng 67,000 người chết vì bệnh thận mạn mỗi năm.
-
Tỷ lệ bệnh thận mạn tính tăng 16% so với thập niên trước. Sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì và dân số già làm cho bệnh thận cũng tăng theo.
-
Bệnh thận mạn thường gặp nhất từ tuổi 60 trở lên (chiếm 39.4%)
-
Bệnh thận thường gặp ở những người gốc Latin, người Mỹ gốc Phi. Châu Á hoặc khu vực Thái Bình Dương và những người gốc Mỹ.
TRIỆU CHỨNG
Thận là một cơ quan rất kỳ diệu. Chúng có khả năng làm việc bù trừ khi gặp vấn đề về chức năng. Vì vậy bệnh thận mạn có thể tiến triển một cách âm thầm mà không có triệu chứng gì trong một thời gian dài cho đến khi chức năng thận chỉ còn ở mức tối thiểu.
Vì thận đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể nên bệnh thận có thể tác động đến cơ thể bằng rất nhiều cách khác nhau. Nhiều hệ cơ quan bị ảnh hưởng và triệu chứng rất đa dạng. Đáng kể nhất là hầu hết bệnh nhân đều không có tình trạng giảm lượng nước tiểu ngay cả khi bệnh thận đã tiến triển rất nặng.
-
Mệt mỏi và suy nhược (có thể do tình trạng thiếu máu hoặc tích tụ các chất thải trong cơ thể).
-
Chán ăn, buồn nôn và nôn
-
Cảm thấy mắc tiểu thường xuyên, đặc biệt vào buổi tối.
-
Sưng chân và cảm thấy nặng vùng quanh mắt (tích tụ dịch)
-
Đau đầu, tê bàn tay hoặc bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên), rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính tình (bệnh não do tích tụ các chất thải hoặc các chất độc từ nước tiểu) và bệnh chân động.
-
Tăng huyết áp, đau ngực do viêm màng ngoài tim.
-
Thở nhanh do có dịch trong phổi
-
Xuất huyết (do rối loạn đông máu)
-
Đau và dễ bị gẫy xương
-
Giảm ham thích tình dục và rối loạn cương.
KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM
Có một số dấu hiệu và triệu chứng có thể gợi ý những biến chứng của bệnh thận mạn tính. Bận nên đi khám bác sĩ ngay nếu như có những triệu chứng sau:
-
Thay đổi mức năng lượng cơ thể hoặc sức khỏe.
-
Tăng lượng tích tụ dịch (nặng hoặc sưng) ở chân, vùng quanh mắt, những vùng khác trong cơ thể hoặc tăng cân nhanh.
-
Thở nhanh hoặc thay đổi nhịp thở bình thường.
-
Chóng mặt
-
Đau xương hoặc khớp nặng
-
Dễ bị bầm
Nếu bị đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc các bệnh lý thận mà nghi ngờ hoặc biết mình đang mang thai, bạn hãy đi khám bác sĩ ngay
Bạn nên đi khám theo lịch hẹn để được theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp và tăng cholesterol.
Một số dấu hiệu và triệu chứng sau báo hiệu khả năng xuất hiện biến chứng nặng của bệnh thận mạn tính và cần phải đi đến phòng cấp cứu tại bệnh viện ngay bao gồm:
-
Thay đổi mức độ ý thức - ngủ nhiều (ngủ gà) hoặc khó đánh thức
-
Ngất
-
Nôn và buồn nôn nặng
-
Xuất huyết nặng (từ bất cứ đâu trên cơ thể).
-
Suy nhược trầm trọng.
LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG
Ở giai đoạn sớm, bệnh thận mạn thường không có triệu chứng. Chỉ có những xét nghiệm mới phát hiện ra những tiến triển của bệnh. Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bị bệnh thận mạn nên được kiểm tra một cách đều đặn nhằm theo dõi bất kỳ sự phát triển nào của bệnh.
-
Xét nghiệm nước tiểu, máu và phương tiện chẩn đoán hình ảnh (X quang) được sử dụng để phát hiện bệnh thận cũng như theo dõi diễn tiến của nó.
-
Tuy nhiên tất cả những xét nghiệm này đều có những mặt hạn chế. Các xét nghiệm này thường được phối hợp với nhau để phác thảo diễn tiến của bệnh cũng như xác định mức độ của bệnh.
-
Thông thường, những xét nghiệm này có thể thực hiện cho những bệnh nhân điều trị ngoại trú.
Xét nghiệm nước tiểu
-
Tổng phân tích nước tiểu (TPTNT): Phân tích nước tiểu có thể cho ta một cái nhìn tổng quát về chức năng thận. Đầu tiên, người ta sử dụng que nhúng (dipstick). Dipstick có những thuốc thử để kiểm tra sự hiện diện của nhiều thành phần bình thường và bất thường có trong nước tiểu trong đó có protein. Sau đó, soi nước tiểu dưới kính hiển vi để tìm hồng cầu, bạch cầu, khuôn và những tinh thể có trong nước tiểu.
-
Bình thường trong nước tiểu chỉ có một lượng rất nhỏ albumin (protein) hiện diện. Kết quả dương tính trên dipstick được xem là bất thường. Xét nghiệm đánh giá lượng albumin (protein) và creatinine trong nước tiểu có tính nhạy cảm cao hơn dùng dipstick. Tỷ lệ albumin (protein) và creatinin trong nước tiểu cho ta sự đánh giá tốt hơn về lượng albumin thải ra mỗi ngày.
-
Xét nghiệm nước tiểu trong 24h: Để thực hiện xét nghiệm này, bệnh nhân phải thu thập chính xác tất cả luợng nước tiểu ra trong 24h liên tiếp. Nước tiểu được phân tích các chất thải (urea, nitrogen và creatinine) và protein. Sự hiện diện của protein có trong nước tiểu cho thấy thận bị tổn thương. Số lượng creatinin và urea được thải ra trong nước tiểu được dùng để tính chức năng thận và độ lọc cầu thận (GFR – glomerular filtration rate).
-
Độ lọc cầu thận (Glomerular filtration rate – GFR): độ lọc cầu thận là phương tiện cơ bản để diễn tả toàn bộ chức năng của thận. Khi bệnh thận tiển triển, GFR sẽ giảm. GRF bình thường trong khoảng 100 – 140 mL/phút ở nam và 85 – 115 mL/ phút ở nữ và giảm đi theo tuổi ở hầu hết mọi người. GFR được tính dựa vào các sản phẩm thải ra trong nước tiểu 24h hoặc bằng cách dùng các chất đánh dấu đặc biệt khi lấy máu tĩnh mạch. Sau đó bệnh nhân sẽ được phân ra thành 5 độ của bệnh dựa vào bảng 1.
Xét nghiệm máu
-
Creatinin và urea trong máu (BUN): BUN và creatinin trong huyết thanh là 2 giá trị thường được dùng nhất để tầm soát và theo dõi ở những bệnh nhân có bệnh thận. Creatinin là sản phẩm thoái hóa khi cơ bị phân hủy. Ure là sản phẩm thải của sự phân hủy protein. Nồng độ của những chất này tăng lên trong máu khi chức năng thận xấu đi.
-
Độ lọc cầu thận ước lượng (Estimated GFR – eGFR): phòng xét nghiệm hoặc bác sĩ có thể ước lượng được độ lọc cầu thận dựa trên những thông số có trong xét nghiệm máu. Nó rất quan trọng để đánh giá được độ lọc cầu thận ước lượng và giai đoạn của bậnh thận mạn. Bác sĩ cũng có thể dựa vào thông tin về giai đoạn bện thận để đưa ra những xét nghiệm cần thiết khác và đề ra cách kiểm soát bệnh.
-
Ion đồ và thăng bằng kiềm-toan: Bất thường chức năng thận gây ra sự mất cân bằng ion trong cơ thể, đặc biệt là Kali, phospho và canxi. Tăng kali máu được quan tâm nhiều nhất. Thăng bằng kiềm toan trong máu thường cũng bị phá vỡ.
-
Sự giảm sản xuất vitamin D dạng hoạt động dẫn đến giảm nồng độ canxi trong máu. Mất khả năng thải phospho do chức năng của thận yếu làm tăng nồng độ phospho trong máu. Nồng độ hormon sinh dục cũng bất thường.
-
Công thức máu: Do bệnh thận ngăn sản xuất và giảm thời gian sống của các hồng cầu nên số lượng hồng cầu và lượng hemoglobin trong máu có thể giảm (thiểu máu). Một số bệnh nhân có thể bị thiếu sắt do máu mất qua đường tiêu hóa.Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng làm giảm sản xuất hồng cầu.
Những xét nghiệm khác
-
Siêu âm: Siêu âm cũng thường được dùng trong chẩn đoán bệnh thận. Siêu âm là một phương pháp cận lâm sàng không xâm lấn. Thông thường thận sẽ teo trong bệnh thận mạn tính tuy nhiên chúng có thể bình thường hoặc thậm chí là lớn trong trường hợp thận đa nang ở người lớn, bệnh thận do đái tháo đường hoặc bệnh tạo keo. Siêu âm cũng được sử dụng trong chẩn đoán tắc nghẽn hệ niệu, sỏi thận và đánh giá lượng máu đến thận.
-
Sinh thiết thận: Đôi khi cần phải sinh thiết thận trong trường hợp không xác định được nguyên nhân gây bệnh và được thực hiện dưới tác dụng của gây tê tại chỗ và sau đó đâm kim xuyên qua da vào đến thận. Thủ thuật này thường được thực hiện ở những bệnh nhân ngoại trú, tuy nhiên có một số cơ sở y tế đòi hỏi bệnh nhân phải ở lại bệnh viện qua đêm.
ĐIỀU TRỊ
Tự chăm sóc tại nhà
Bệnh thận mạn tính là một bệnh cần phải có sự kiểm soát chặt của bác sĩ. Bạn không thể tự điều trị tại nhà.
-
Tuy nhiên, có một số cách quan trọng trong chế độ ăn mà bạn có thể thực hiện theo để gíp làm chậm tiến triển của bệnh và giảm khả năng xuất hiện biến chứng.
-
Đây là một công đoạn phức tạp và thay đổi theo từng người, thường dưới sự giúp đỡ của bác sĩ và những chuyên gia dinh dưỡng.
-
Say đây là những hướng dẫn dinh dưỡng chung:
-
Hạn chế protein: Giảm lượng protein ăn hằng ngày có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn tính được chính xác lượng protein thích hợp hằng ngày của bạn.
-
Hạn chế muối: Bạn nên dùng khoảng 4 – 6 gam mỗi ngày để tránh giữ nhiều nước trong cơ thể và giữ cho huyết áp ổn định đối với những người bị tăng huyết áp.
-
Lượng dịch đưa vào cơ thể: đưa nhiều nước vào cơ thể không giúp ngăn ngừa bệnh thận. Sự thật là bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn hạn chế uống nước.
-
Hạn chế kali: điều này rất cần thiết trong ở những bệnh nhân trong giai đoạn tiến triển do thận giảm chức năng và không thể thải kali ra ngoài được. Khi kali tăng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim. Một số loại thức ăn có nhiều kali là chuối, cam, ngũ cốc, khoai tây.
-
Hạn chế phospho: giảm lượng phospho nhập vào trong cơ thể để bảo vệ xương. Những thức ăn có nhiều phospho là: trứng, đậu, cocacola, các sản phẩm từ sữa.
Một số cách khác mà bạn có thể thực hiện:
-
Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng được bác sĩ chỉ định một cách cẩn thận để kiểm soát huyết áp và/hoặc đái tháo đường.
-
Ngưng hút thuốc.
-
Giảm lượng cân thừa.
Trong bệnh thận mãn, một số thuốc có thể gây độc cho thận cần phải tránh hoặc cần phải được cho với liều được đã được điều chỉnh. Khi cần sử dụng những thuốc không cần kê toa, bạn nên tránh hoặc dùng một cách cẩn thận những loại sau:
-
Một số loại thuốc giảm đau – Aspirin, thuốc kháng viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs – NSAIDs chẳng hạn như ibuprofen (Motrin))
-
Những chất thụt rửa có phosphosoda hay Bisacodyl do chúng có chứa nhiều phospho.
-
Thuốc nhuận trường và kháng acid có chứa Mg và nhôm như Malox, Alumina …
-
Thuốc kháng thụ thể H2: cimetidine (Tagamet), ranitidine (Zantac) (giảm liều trong bệnh thận)
-
Những thuốc làm thông mũi như Fexofenadine và pseudoephedrine (Sudafed) đặc biệt là khi bạn có huyết áp cao.
-
Alka Seltzer, do nó có chứa rất nhiều muối.
-
Những thuốc có nguồn gốc thảo mộc
Nếu bạn bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol đi kèm với bệnh thận mãn, khi dùng bất kỳ thuốc nào bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ và phải tái khám theo lịch để được theo dõi thường xuyên.
Dùng thuốc
Không có cách chữa khỏi bệnh thận mãn. Có 4 mục tiêu trong điều trị bệnh thận mãn:
-
Làm chậm sự phát triển bệnh
-
Điều trị nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
-
Điều trị biến chứng của bệnh
-
Thay thế chức năng thận bị mất
Những phương pháp làm chậm diễn tiến của bệnh và điều trị những bệnh nền bao gồm:
-
Kiểm soát đường huyết: duy trì lượng đường ổn định trong máu là rất quan trọng. Bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát được mức độ đường trong máu có nguy cơ cao đối với tất cả những biến chứng của đái tháo đường, trong đó bao gồm cả bệnh thận mạn tính.
-
Kiểm soát huyết áp: cũng có thể làm chậm diễn tiến của bệnh. Nên giữ huyết áp dưới 130/80 mmHg nếu bị bệnh thận mạn. Việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà là rất hữu ích. Những thuốc hạ áp như ức chế men chuyến (angiotensin converting enzyme – ACE), ức chế angiotensin (ARB) có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ thận.
-
Chế độ ăn: kiểm soát chế độ ăn là việc cơ bản để làm chậm tiến triển của bệnh thận mãn và nên được thực hiện dưới sự tư vấn sát của các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ.
-
Những biến chứng của bệnh thận mãn có thể cần phải điều trị bằng thuốc:
-
Tích tụ dịch: có thể được điều trị bằng thuốc lợi tiểu có tác dụng loại bỏ lượng dịch thừa trong cơ thể. Tuy nhiên, những loại thuốc này không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả bệnh nhân.
-
Thiếu máu: được điều trị bằng những tác nhân kích thích tạo hồng cầu. Đây là một nhóm thuốc thay thế sự thiếu hụt erythropoietin mà bình thường được sản xuất bởi thận khi còn mạnh khỏe. Thông thường, bệnh nhân được điều trị với những loại thuốc này có thể cần phải uống sắt qua đường miệng hoặc đôi khi thậm chí là qua đường tĩnh mạch.
-
Bệnh lý về xương xuất hiện do bệnh nhân không có khả năng thải lượng phospho thừa ra ngoài và giảm tạo vitamin D dạng hoạt động. Ở những trường hợp này, bác sĩ có thể kê toa những thuốc có tác dụng giữ phosphor tại ruột hoặc cho bệnh nhân uống vitamin D ở dạng hoạt động.
-
Nhiễm toan: có thể xảy ra ở bệnh thận. Tình trạng này có thể gây ra sự phân huỷ protein, bệnh lý viêm hoặc bệnh về xương. Nếu tình trạng nhiễm toan acid tương đối nặng, bác sĩ có thể sử dụng một số thuốc như NaHCO3.để điều trị.
Khi bệnh thận đã đi đến giai đoạn cuối, người ta có thể thay thế chức năng thận bằng thẩm phân hoặc ghép thận. Bạn sẽ biết nhiều thông tin hơn về ghép thận ở phần sau. Có hai loại thẩm phân: chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc.
Chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo là đưa máu tuần hoàn qua một máy lọc. Máu được lọc lấy đi những chất thải và nước thừa, làm cân bằng lại nồng độ acid và tính cô đặc của các chất khoáng như natri, kali trong máu trở lại bình thường. Sau đó máu sẽ được đưa trở lại cơ thể.
-
Nếu cần phải thẩm phân trong một thời gian dài, cần phải có một mạch máu để từ đó máy lấy và đưa máu trở lại cơ thể. Người ta có thể sử dụng catheter hoặc đường thông nối hay một mảnh mô ghép thông nối động tĩnh mạch.
-
Catheter có thể được đặt tạm thời hoặc vĩnh viễn. Vị trí đặt catheter có thể ở cổ hoặc háng, nơi có những mạch máu lớn đi qua. Những catheter này dễ bị nhiễm trùng và có thể gây huyết khối hoặc hẹp mạch máu.
-
Phương pháp được ưa chuộng hơn trong chạy thận nhân tạo là đường nối thông động tĩnh mạch, nơi mà động mạch được nối trực tiếp vào tĩnh mạch. Cần từ 2 đến 4 tháng để đường nối rộng và phát triển đủ để có thể sử dụng. Khi đó, người ta sẽ đưa 2 cây kim vào đường tĩnh mạch. Một kim được dùng để rút máu ra để đưa vào máy lọc.Kim thứ hai đưa máu đã được làm sạch trở lại cơ thể.
-
Mô ghép thông động tĩnh mạch được sử dụng ở những bệnh nhân có tĩnh mạch nhỏ hoặc đường nối động tĩnh mạch không phát triển được. Mảnh mô này được làm từ những vật chất nhân tạo và kim được đưa vào một cách trực tiếp.
-
Thiết bị đặt tĩnh mạch thường được đặt vào cơ thể dưới gây tê cục bộ ở những bệnh nhân điều trị ngoại trú.
-
Thông thường chạy thận nhân tạo mất khoảng 3 đến 5 giờ mỗi lần và 3 lần mỗi tuần.
-
Việc chạy thận cần phải được thực hiện ở các trung tâm.
-
Trong một số trường hợp có thể chạy thận tại nhà được tuy nhiên cũng cần phải có người hỗ trợ. Người hỗ trợ có thể là một thành viên trong gia đình hoặc bạn thân của bệnh nhân, đôi khi bệnh nhân cũng có thể thuê một người chuyên nghiệp để trợ giúp. Chạy thận nhân tạo tại nhà cũng được thực hiện 3 lần mỗi tuần theo cách truyền thống, chạy trong thời gian dài qua đêm hoặc trong thời gian ngắn hằng ngày. Cách này có thể có lợi trong việc cải thiện chất lượng sống và kiểm soát tốt hơn các bệnh tăng huyết áp, thiếu máu và bệnh về xương.
Thẩm phân phúc mạc
Thẩm phân phúc mạc sử dụng màng bụng (phúc mạc) như là một màng lọc để lọc máu và lấy đi lượng dịch thừa trong cơ thể. Một catheter được cấy vào bụng dưới một cuộc tiểu phẫu. Thẩm phân phúc mạc có thể tự thực hiện bằng tay hoặc bằng máy vào ban đêm.
-
2 đến 3 lít dịch thẩm phân được truyền vào trong ổ bụng qua catheter. Chất dịch này có chứa những chất có khả năng kéo những chất thải và lượng nước thừa của cơ thể ra các mô lận cận.
-
Dịch này được giữ lại từ 2 đến vài giờ trước khi được dẫn ra ngoài kéo theo các chất thải và lượng nước không cần thiết ra ngoài cùng với nó.
-
Thông thường cần phải thay dịch 4 đến 5 lần mỗi ngày.
-
So với chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc mang đến cho bệnh nhân nhiều tự do hơn, bệnh nhân không cần đến các trung tâm chạy thận để điều trị. Bạn có thể duy trì những sinh hoạt hằng ngày của mình trong suốt quá trình điều trị. Phương pháp này cũng có thể thích hợp với trẻ em.
Hần hết các bệnh nhân đều có thể sử dụng được cả hai phương pháp này. Chúng chỉ khác nhau chút ít về hiệu quả điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị một phương pháp tốt nhất tùy vào bệnh sử và tiền căn phẫu thuật của bệnh. Cách tốt nhất là hãy lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với mình sau khi đã hiểu rõ từng phương pháp và xét xem chúng có phù hợp với cách sống, hoạt động hằng ngày, lịch làm việc, khoảng cách từ nhà bạn đến nơi điều trị, các sự hỗ trợ và ý thích ... của mình hay không.
Ghép thận
Ghép thận cho kết quả tiên lượng tốt nhất và cho chất lượng sống cao nhất. Các ca ghép thận thành công diễn ra hằng ngày tại Hoa Kỳ. Thận được ghép có thể từ những người thân, những người tự nguyện hoặc những người chết vì những bệnh lý khác. Ở những bệnh nhân đái tháo đường type I, ghép thận và ghép tụy kết hợp với nhau thường là lựa chọn tốt nhất.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có khả năng ghép thận. Bệnh nhân cần trải qua nhiều cuộc xét nghiệm để có thể chắc chắn họ đủ yêu cầu ghép thận. Ngoài ra, do số lượng thận ghép có hạn nên bạn cũng có thể cần phải chờ từ vài tháng đến vài năm trước khi đến lượt mình.
Một bệnh nhân cần được ghép thận phải trải qua một số cuộc kiểm tra để nhận xác định tính chất của hệ thống miễn dịch của mình. Người nhận chỉ có thể nhận một quả thận tương thích với hệ thống miễn dịch của mình. Sự tương đồng này càng nhiều thì cơ hội thành công càng lớn. Nếu thận được cho từ những người cùng huyết thống còn sống sẽ cho kết quả tốt nhất.
Phẫu thuật ghép thận là một cuộc đại phẫu và thường phải nằm viện từ 4 đến 7 ngày. Tất các bệnh nhân được ghép thận phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch suốt đời để phòng ngừa hiện tượng thải ghép. Khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân cần được kiểm tra công thức máu thường xuyên và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và một số loại ung thư.
CÁC BƯỚC TIẾP THEO
Theo dõi
Nếu bạn bị bệnh thận mạn, các bác sĩ sẽ sắp xếp cho bạn một lịch hẹn tái khám đều đặn.
-
Trong những lần tái khám, bạn sẽ được thực hiện những xét nghiệm để kiểm tra những bệnh nền và đánh giá chức năng của thận.
-
Bạn sẽ được thực hiện những xét nghiệm máu và nước tiểu thường xuyên và có thể thực hiện những khảo sát về chẩn đoán hình ảnh để có những đánh giá tốt hơn.
Phòng ngừa
Bệnh thận mãn không thể phòng ngừa trong hầu hết các trường hợp. Bạn có thể bảo vệ thận không bị tổn thường hoặc làm giảm tiến triển của bệnh bằng các kiểm soát các bệnh nền.
-
Những bệnh lý về thận thường rất khó phát hiện ở những giai đoạn đầu, khi đã xuất hiện triệu chứng là lúc bệnh thận đã ở giai đoạn nặng. Nếu bạn có nguy cơ cao phát triển thành bệnh thận mạn, bạn nên đến khám bác sĩ thường xuyên để được tầm soát.
-
Nếu bạn có những bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp hoăc tăng cholesterol máu, bạn nên theo hướng dẫn điều trị của các bác sĩ. Tái khám thường xuyên để theo dõi. Điều cơ bản đối với những bệnh này là cần phải được điều trị tích cực.
Tránh sử dụng một số thuốc thường xuyên như NSAIDs (nonsteroidal anti-inflammatory drugs – kháng viêm không steroide), dược phẩm, cũng như một số độc chất khác.
Tiên lượng
Bệnh thận không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà nó sẽ diễn tiến một cách tự nhiên cho đến khi bệnh nhân cần phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
-
Những bệnh nhân bị bệnh thận mãn thường có nguy cơ bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim cao hơn người bình thường.
-
Những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo có tỉ lệ sống còn sau 5 năm là 32%. Những bệnh nhân lớn tuổi và đái tháo đường thường có tiên lượng xấu hơn.
-
Những bệnh nhân được ghép thận từ những người cùng huyết thống còn sống có tỉ lệ sống sau 2 năm cao hơn 90%.
-
Những bệnh nhân được ghép thận từ những người đã chết có tỷ lệ sống sau 2 năm khoảng 88%.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net