Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
U não
Não là một khối mô mềm, sáp được bảo vệ bởi các xương sọ và 3 lớp màng mỏng được gọi là màng não. Lớp dịch đệm xung quanh não được gọi là dịch não tủy. Lớp dịch này chảy qua những khoảng trống giữa các màng não và những khoảng trống bên trong não được gọi là các não thất.
Một mạng lưới các dây thần kinh có chức năng truyền thông tin qua lại giữa não và những phần còn lại của cơ thể. Một số dây thần kinh chạy trực tiếp từ não đến mắt, tai, và những phần khác của đầu. Các dây thần kinh khác chạy qua tủy sống để nối não với những phần còn lại của cơ thể. Bên trong não và tủy sống, các tế bào thần kinh đệm bao bọc quanh các tế bào thần kinh và giữ chúng ở tại chỗ.
Não điều khiển những hoạt động chúng ta muốn làm (chẳng hạn như đi và nói) và những hoạt động mà cơ thể thực hiện không cần suy nghĩ (như thở). Não cũng chịu trách nhiệm cho các giác quan (nhìn, nghe, sờ, nếm và ngửi), trí nhớ, cảm xúc, và tính cách.
Có 3 phần chính của não kiểm soát những hoạt động khác nhau:
- Đại não: Là phần lớn nhất của não, nằm phía trên cùng. Nó sử dụng những thông tin thu thập được từ các giác quan để thông báo cho chúng ta biết những gì đang xảy ra xung quanh và hướng dẫn cơ thể cách đáp ứng lại với chúng như thế nào. Nó kiểm soát chức năng đọc, suy nghĩ, học hỏi, nói chuyện và cảm xúc.
Đại não được chia ra làm 2 bán cầu não: phải và trái kiểm soát những hoạt động khác nhau. Bán cầu não phải kiểm soát các cơ ở phía bên trái cơ thể còn bán cầu não trái kiểm soát các cơ ở phía bên phải cơ thể.
- Tiểu não: Tiểu não nằm phía dưới đại não ở phần sau của não. Tiểu não có chức năng kiểm soát thăng bằng và những động tác phức tạp như đi và nói.
- Thân não: Thân não nối não với tủy sống. Nó kiểm soát cảm giác đói và khát. Ngoài ra nó còn kiểm soát hô hấp, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, và những chức năng cơ bản của cơ thể.
TÍNH CHẤT CỦA U NÃO
Ung thư
Ung thư có khởi nguồn từ các tế bào, là những khối cơ bản tạo thành các mô. Các mô tạo thành các cơ quan của cơ thể.
Bình thường các tế bào lớn lên và phân chia để tạo ra các tế bào mới khi cần thiết. Khi các tế bào già đi, chúng sẽ chết và những tế bào mới thay thế chỗ của chúng.
Đôi khi tiến trình này bị trục trặc. Các tế bào mới được tạo ra ngay cả khi cơ thể không cần đến và các tế bào cũ không chết đi. Những tế bào thừa ra này có thể tạo ra một khối mô được gọi là các khối u.
U não lành tính và ác tính
U não có thể lành tính hoặc ác tính.
- U não lành tính là những u não không chứa các tế bào ung thư:
- Thông thường các u não lành tính có thể được lấy ra ngoài và thường không phát triển trở lại.
- Bờ hay đường viền của các u não lành tính có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng. Các tế bào của u lành không xâm hại các mô xung quanh và cũng không phát triển lan sang những phần khác của cơ thể. Tuy nhiên, u lành có thể đè ép lên những vùng nhạy cảm của não và gây ra những vấn đề nghiêm trọng.
- Không giống như u lành ở hầu hết những khu vực khác của cơ thể, u lành của não đôi khi cũng có thể gây đe dọa tính mạng.
- Rất hiếm gặp trường hợp u não lành tính trở nên ác tính.
- U não ác tính là những u não có chứa các tế bào ung thư:
- U não ác tính thường nghiêm trọng hơn và đe dọa mạng sống.
- Chúng có thể phát triển nhanh chóng và xâm lấn những mô não bình thường xung quanh.
- Trong một số ít trường hợp, các tế bào ung thư có thể lan ra ngoài khối u sang những phần khác của não, đến tủy sống, hoặc thậm chí đến cả những khu vực khác của cơ thể. Sự lan rộng của ung thư được gọi là sự di căn.
- Đôi khi, u ác không xâm lấn vào mô lành. Khối u có thể nằm trong một lớp mô. Hoặc xương sọ hay những cấu trúc khác bên trong đầu có thể giam hãm nó lại bên trong. Đây là những loại khối u có vỏ bọc.
Độ biệt hóa
Các bác sĩ đôi khi phân loại u não theo độ biệt hóa (grade), từ biệt hóa thấp (biệt hóa độ I - grade I) đến biệt hóa cao (biệt hóa độ IV - grade IV). Độ biệt hóa của khối u dựa vào hình ảnh của tế bào được nhìn thấy dưới kính hiển vi. Những tế bào từ khối u có độ biệt hóa cao sẽ có hình dạng bất thường hơn và thường phát triển nhanh hơn những tế bào từ những khối u có độ biệt hóa thấp.
CÁC LOẠI U NÃO
U não nguyên phát
Những khối u có khởi nguồn từ mô não được gọi là u nguyên phát của não. U não nguyên phát được đặt tên dựa vào loại tế bào hoặc khu vực của não nơi bắt nguồn của khối u.
U não nguyên phát thường gặp nhất là u thần kinh đệm, chúng có bắt nguồn từ các tế bào thần kinh đệm bao gồm nhiều loại:
- U sao bào (Astrocytoma) - Khối u xuất phát từ những tế bào thần kinh đệm có hình ngôi sao được gọi là u sao bào. Ở người lớn, u sao bào thường gặp ở đại não. Ở trẻ em, chúng thường gặp ở thân não, đại não, và tiểu não. U sao bào độ III đôi khi được gọi là u sao bào mất biệt hóa (anaplastic astrocytoma). U sao bào độ IV thường được gọi là u nguyên bào thần kinh đệm đa hình (glioblastoma multiforme).
- U thần kinh đệm thân não - Khối u xuất hiện ở phần thấp của não, thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ và những người ở độ tuổi trung niên.
- U màng nội tủy (Ependymoma) - Khối u xuất phát từ các tế bào lớp mặt trong thân não hoặc ống trung tâm của tủy sống. Thường gặp nhất ở trẻ em và người trẻ.
- U thần kinh đệm ít nhánh - Loại u hiếm gặp này thường bắt nguồn từ các tế bào tạo thành lớp mỡ bao xung quanh và bảo vệ cho các dây thần kinh. Loại u này thường xuất hiện ở đại não. Chúng phát triển chậm và thường không lan sang các mô não xung quanh. Chúng thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên.
Một số loại u não không có xuất xứ từ các tế bào thần kinh đệm. Những loại thường gặp nhất là:
- U nguyên tủy bào - Thường xuất hiện ở tiểu não và là loại u não thường gặp nhất ở trẻ em. Đôi khi nó còn được gọi là u ngoại bì thần kinh nguyên thủy (primitive neuroectodermal tumor)
- U màng não - U xuất phát từ màng não, thường tiến triển chậm.
- U tế bào Schwann - Là loại u có nguồn gốc từ tế bào Schwann. Đây là các tế bào phủ dây thần kinh kiểm soát thăng bằng và chức năng nghe. Dây thần kinh này nằm bên trong tai. Khối u này còn có tên là u dây thần kinh thính giác. Nó xuất hiện nhiều nhất ở người lớn.
- U sọ hầu - Phát triển ở vùng nền sọ, gần tuyến yên, thường gặp ở trẻ em.
- U tế bào mầm - Khối u có nguồn gốc từ tế bào mầm. Hầu hết u tế bào mầm ở não gặp ở những người trẻ hơn 30 tuổi. Loại thường gặp nhất của u tế bào mầm là u mầm (germinoma).
- U vùng tuyến tùng - Hiếm gặp, xuất phát tại hoặc gần tuyến tùng. Tuyến tùng nằm giữa đại não và tiểu não.
U não thứ phát
Khi ung thư lan từ vị trí khởi đầu của nó đến những vùng khác của cơ thể, những khối u mới sẽ xuất hiện có cùng một loại tế bào bất thường và cùng một tên với khối u nguyên thủy. Ung thư lan đến não từ những vùng khác của cơ thể khác với các u não nguyên phát. Khi các tế bào ung thư lan đến não từ những cơ quan khác (chẳng hạn như phổi hoặc vú), các bác sĩ có thể sẽ gọi những khối u não này là u thứ phát hoặc u di căn. U não thứ phát ở não ít gặp hơn nhiều so với những u nguyên phát.
NGUYÊN NHÂN VÀ NGUY CƠ
Không ai biết chính xác nguyên nhân gây u não. Các bác sĩ đôi khi giải thích cho bệnh nhân lý do vì sao người này lại bị u não còn người kia lại không. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là u não không lây nhiễm. Một người không thể bị nhiễm bệnh u não từ một người khác.
Các nghiên cứu cho thấy những người có một số yếu tố nguy cơ dễ bị u não hơn những người khác. Yếu tố nguy cơ là bất kỳ điều gì làm gia tăng khả năng xuất hiện bệnh.
Những yếu tố nguy cơ sau có liên quan đến sự gia tăng khả nặng bị u não nguyên phát:
- Nam giới - Thông thường, u não thường gặp ở nam hơn nữ. Tuy nhiên, u màng não lại gặp ở nữ nhiều hơn nam.
- Chủng tộc - U não thường gặp ở những người da trắng nhiều hơn những chủng tộc khác.
- Tuổi - Hầu hết các trường hợp u não được phát hiện ra ở những bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên. Tuy nhiên, u não lại là loại ung thư nhiều thứ 2 ở trẻ em (sau ung thư máu). U não thường gặp ở trẻ dưới 8 tuổi nhiều hơn các trẻ khác.
- Tiền căn gia đình - Những người có người thân bị u tế bào đệm dễ bị u não hơn.
- Tiếp xúc với phóng xạ hoặc một số chất hóa học trong khi làm việc:
- Chất phóng xạ - Những công nhân ở các nhà máy hạt nhân có nguy cơ cao bị u não.
- Formaldehyde - Những nhà bệnh học và những người ướp xác làm việc với formaldehyde bị gia tăng nguy cơ ung thư não. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được sự gia tăng nguy cơ bị ung thư não ở những dạng tiếp xúc với formaldehyde khác.
- Vynyl chloride - Những công nhân làm nhựa có thể bị tiếp xúc với vynyl chloride làm tăng nguy cơ bị u não.
- Acrylonitrile - Những công nhân dệt và nhựa có thể bị tiếp xúc với acrylonitrile làm tăng nguy cơ bị ung thư não.
Các nhà khoa học hiện đang điều tra xem điện thoại di động có thể gây u não không. Tuy nhiên các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa phát hiện được sự gia tăng nguy cơ bị u não ở những người dùng di động.
Các nhà khoa học cũng đang tiếp tục nghiên cứu xem chấn thương đầu có phải là yếu tố nguy cơ của não không. Cho đến nay, những nghiên cứu này vẫn chưa phát hiện được sự gia tăng nguy cơ ở những người đã từng bị chấn thương đầu.
Hầu hết những người có các yếu tố nguy cơ đã được biết nhưng lại không bị ung thư não. Mặt khác, nhiều người bị ung thư não nhưng lại không có yếu tố nguy cơ nào cả. Nếu bạn nghĩ bạn đang có nguy cơ bị ung thư, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị một số cách để làm giảm nguy cơ và đề ra một lịch khám kiểm tra thường xuyên cho bạn.
TRIỆU CHỨNG
Những triệu chứng của u não tùy thuộc vào kích thước, loại và vị trí của khối u. Những triệu chứng cũng có thể xảy ra khi khối u đè vào dây thần kinh hoặc làm tổn thương một số khu vực của não. Chúng cũng có thể xảy ra do não bị phù nề hoặc do dịch tích tụ bên trong sọ.
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất của u não:
- Nhức đầu (thường nặng hơn vào buổi sáng)
- Nôn hoặc buồn nôn
- Thay đổi giọng nói, thị giác, hoặc thính giác.
- Gặp vấn đề về giữ thăng bằng khi đi lại.
- Thay đổi tâm trạng, tính cách, hoặc khả năng tập trung.
- Gặp vấn đề về trí nhớ.
- Co giật hay co rút cơ (cơn tai biến hoặc cơn co giật)
- Tê hoặc ngứa ở cánh tay hay chân
Những triệu chứng này không phải là dấu hiệu chắc chắn của u não mà cũng có thể gặp ở những bệnh khác. Nếu gặp những triệu chứng trên, bạn nên đi khám bệnh ngay khi có thể. Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và điều trị được chúng.
CHẨN ĐOÁN
Nếu bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ u não, các bác sĩ có thể sẽ thực hiện một hoặc nhiều thủ thuật sau đây:
- Khám tổng quát - bác sĩ sẽ kiểm tra những dấu hiệu sức khỏe thông thường
- Khám thần kinh - bác sĩ sẽ khám sự tỉnh táo, sức cơ, sự phối hợp, phản xạ và đáp ứng với cảm giác đau. Bác sĩ cũng sẽ khám mắt để xem có bị phù nề do khối u chèn ép vào dây thần kinh nối giữa mắt và não hay không.
- CT scan - Máy X quang kết hợp với vi tính để chụp một loạt hình ảnh chi tiết bên trong đầu. Bệnh nhân có thể được tiêm chất cản quang để não có thể hiện rõ ràng trên hình. Hình chụp có thể cho thấy những khối u bên trong não.
- MRI - Một nam châm rất mạnh nối với máy vi tính để cho ra một loạt những hình ảnh chi tiết của những khu vực bên trong cơ thể. Những hình ảnh này có thể quan sát trên màn ảnh hoặc in ra ngoài. Đôi khi có thể cần phải tiêm thuốc cản quan để giúp phân biệt các mô khác nhau trong não. Hình chụp có thể cho thấy những khối u hoặc những vấn đề khác của não.
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số phương pháp khác như:
- Chụp mạch máu - tiêm thuốc cản quang vào máu trong các động mạch của não để chúng có thể hiện ra trên X quang. Nếu có khối u, bác sĩ có thể thấy được nó trên X quang.
- Chụp sọ - Một số loại u não gây ứ đọng calci bên trong não hoặc thay đổi xương sọ. Các bác sĩ có thể kiểm tra những sự thay đổi trên bằng X quang.
- Chọc dò dịch não tủy - Các bác sĩ sẽ lấy đi một mẫu dịch não tủy (là chất dịch bên trong khoang bao xung quanh não và tủy sống). Thủ thuật này được thực hiện dưới gây tê cục bộ. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim dài và nhỏ để rút dịch ra khỏi cột sống. Thủ thuật này kéo dài khoảng 30 phút. Bệnh nhân phải nằm trên mặt phẳng ngang trong 6,7 giờ sau đó để không bị nhức đầu. Dịch não tủy sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem có tế bào ung thư hoặc những dấu hiệu bất thường hay không.
- Chụp cột sống - Chụp hình ảnh x quang của cột sống. Các bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào dịch não tủy của bệnh nhân, sau đó bệnh nhân sẽ nghiêng người để chất cản quang hòa vào dịch não tủy. Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra xem có khối u bên trong cột sống hay không.
- Sinh thiết - Sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô ra để quan sát xem có tế bào u hay không. Các nhà giải phẫu bệnh sẽ quan sát các tế bào qua kính hiển vi để tìm các tế bào bất thường. Sinh thiết có thể tìm ra ung thư, những thay đổi của mô có thể dẫn đến ung thư, và những bệnh khác. Sinh thiết là cách duy nhất giúp chẩn đoán chắc chắn u não.
- Các nhà phẫu thuật có thể lấy một mẫu mô để tìm các tế bào u theo 3 cách:
- Sinh thiết qua kim - Các phẫu thuật viên sẽ rạch một đường nhỏ ở sọ và khoang một lỗ nhỏ vào xương sọ. Sau đó bác sĩ sẽ đưa kim qua lỗ này để lấy ra một mẫu mô từ khối u não.
- Sinh thiết định vị 3 chiều - Một thiết bị hình ảnh, có thể là CT hoặc MRI, hướng dẫn đưa kim vào bên trong lỗ của xương sọ để đến vị trí của khối u. Phẫu thuật viên sau đó sẽ lấy ra một mẫu mô qua kim.
- Sinh thiết trong lúc mổ - Đôi khi phẫu thuật viên sẽ lấy mẫu mô khi đang phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Đôi khi không thể sinh thiết được. Nếu khối u nằm ở thân não hoặc những vị trí nhất định khác, phẫu thuật viên sẽ không thể lấy đi một mẫu mô từ khối u mà không làm tổn thương những mô não bình thường. Các bác sĩ sẽ phải dùng MRI, CT hay những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác để thay thế.
Những bệnh nhân cần sinh thiết có thể sẽ muốn hỏi bác sĩ những câu hỏi sau:
- Tại sao tôi cần phải sinh thiết? Sinh thiết có ảnh hưởng gì đến kế hoạch điều trị của tôi không?
- Tôi sẽ phải sinh thiết theo kiểu nào?
- Thời gian làm sinh thiết kéo dài trong bao lâu? Tôi có được tỉnh táo trong thời gian thực hiện thủ thuật không? Có đau không?
- Nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc chảy máu sau khi sinh thiết như thế nào? Có những nguy cơ nào khác không?
- Sau bao lâu thì tôi biết kết quả?
- Nếu tôi bị u não, ai sẽ là người điều trị cho tôi? Khi nào?
ĐIỀU TRỊ
Nhiều bệnh nhân bị u não có mong muốn được đóng vai trò chủ động trong quyết định phương pháp điều trị cho mình. Họ muốn tìm hiểu tất cả những gì có thể được về bệnh của mình và những lựa chọn điều trị. Tuy nhiên, do bị shock và stress sau khi nghe chẩn đoán về căn bệnh của mình có thể sẽ làm cho bệnh nhân khó suy nghĩ được điều gì thấu đáo để trao đổi với bác sĩ. Do đó sẽ rất có ích nếu bệnh nhân lập một danh sách các câu hỏi trước khi đi khám. Để có thể nhớ những gì bác sĩ nói, bệnh nhân có thể cần phải ghi chú lại hoặc hỏi xem họ có thể dùng máy thu âm được không. Một số bệnh nhân cũng cần có người thân hoặc bạn bè ở bên cạnh khi nói chuyện với bác sĩ để tham gia vào cuộc bàn luận, để ghi chú hoặc chỉ đơn giản là để lắng nghe.
Các bác sĩ có thể sẽ chuyển bệnh nhân đến những bác sĩ chuyên khoa thích hợp, hoặc bệnh nhân cũng có thể đòi hỏi chuyện này. Những bác sĩ chuyên khoa có thể điều trị được u não bao gồm: các bác sĩ ngoại thần kinh, ung bướu, và những bác sĩ khoa xạ ung bướu. Bệnh nhân cũng có thể sẽ được giới thiệu đến các chuyên gia về sức khỏe khác để phối hợp với nhau, bao gồm: y tá, chuyên gia dinh dưỡng, tư vấn tâm lý, chuyên gia vật lý trị liệu v.v... Trẻ em có thể sẽ phải cần đến người giám hộ khi đi học.
Chuẩn bị điều trị
Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân những lựa chọn điều trị và thảo luận về những kết quả có thể thu được từ mỗi phương pháp điều trị đó. Bác sĩ và bệnh nhân có thể làm việc với nhau để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Cách điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại, vị trí, kích cỡ và độ biệt hóa của khối u. Đối với một số loại ung thư não, bác sĩ có thể cần phải biết xem có sự hiện diện của tế bào ung thư bên trong dịch não tủy hay không.
Có một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể sẽ muốn hỏi các bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị:
- Tôi bị loại u não nào?
- Nó lành tính hay ác tính?
- Độ biệt hóa của khối u của tôi như thế nào?
- Những lựa chọn điều trị của tôi là gì? Bác sĩ có khuyên tôi nên chọn cách nào không? Tại sao?
- Những lợi ích của mỗi phương pháp điều trị?
- Nguy cơ và những tác dụng phụ có thể xảy ra của mỗi phương pháp điều trị?
- Chi phí điều trị khoảng bao nhiêu?
- Việc điều trị ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của tôi như thế nào?
Bệnh nhân cũng không cần phải hỏi tất cả các câu hỏi hay hiểu tất cả các câu trả lời một lúc mà sẽ có thêm nhiều cơ hội khác để yêu cầu bác sĩ giải thích những chỗ chưa hiểu hoặc để hỏi thêm thông tin.
Các phương pháp điều trị
Bệnh nhân bị u não có một số lựa chọn điều trị. Phụ thuộc vào loại, độ biệt hóa của khối u mà bệnh nhân có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị. Một số bệnh nhân được điều trị phối hợp những cách trên.
Ngoài ra, tại bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, bệnh nhân cũng có thể được điều trị giảm đau và những triệu chứng khác của ung thư, bệnh nhân cũng sẽ được điều trị làm giảm những tác dụng phụ của những phương pháp điều trị ung thư, và để làm giảm những rối loạn tinh thần do bệnh gây ra. Loại điều trị này được gọi là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ.
Bác sĩ sẽ là người tốt nhất để giải thích những lựa chọn điều trị và bàn luận về những kết quả có thể thu được từ những lựa chọn điều trị đó cho bệnh nhân.
Phẫu thuật là cách điều trị thường được sử dụng nhất cho hầu hết các loại u não. Phương pháp phẫu thuật dùng để mở hộp sọ ra được gọi là phẫu thuật mở sọ. Nó được thực hiện dưới gây mê toàn thể. Trước khi bắt đầu phẫu thuật, tóc của bệnh nhân sẽ được cạo sạch. Sau đó phẫu thuật viên dùng một lưỡi cưa đặc biệt để rạch một đường ở sọ và lấy mảnh xương đó ra ngoài. Sau khi cắt bỏ một phần hay toàn thể khối u, phẫu thuật viên sẽ phủ lỗ hổng ở sọ bằng mảnh xương đã được lấy ra lúc trước hoặc bằng mảnh kim loại. Sau đó phẫu thuật viên sẽ đóng vết cắt ở sọ lại.
Sau đây là một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi phẫu thuật:
- Tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau phẫu thuật?
- Bác sĩ sẽ làm gì nếu tôi bị đau?
- Tôi sẽ ở lại bệnh viện trong bao lâu?
- Tôi có bị những ảnh hưởng lâu dài nào không? Tôi có mọc tóc lại được không? Có những tác dụng phụ nào do dùng kim loại thay thế xương sọ không?
- Bao lâu thì tôi có thể quay lại sinh hoạt bình thường được?
- Cơ hội phục hồi hoàn toàn của tôi là bao nhiêu?
Đôi khi phẫu thuật là không cần thiết. Nếu khối u ở thân não hoặc ở một số vị trí nhất định khác, phẫu thuật viên sẽ không thể lấy khối u ra ngoài mà không làm tổn thương những mô não bình thường. Bệnh nhân không thể phẫu thuật được có thể cần phải xạ trị hoặc những cách điều trị khác.
Xạ trị
(xem thêm bài Xạ trị)
Xạ trị là cách sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào u. Phóng xạ có thể bắt nguồn từ tia X, tia gamma, hoặc proton. Một cỗ máy lớn sẽ chiếu tia xạ vào khối u và những mô gần đó. Đôi khi, tia xạ sẽ được hướng trực tiếp đến toàn bộ não hoặc đến tủy sống.
Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật. Tia xạ sẽ tiêu diệt những tế bào u còn sót lại. Đôi khi, những bệnh nhân không thể phẫu thuật được sẽ được điều trị bằng tia xạ để thay thế.
Bệnh nhân sẽ cần phải đến bệnh viện để được xạ trị. Lịch điều trị tùy thuộc vào loại và kích thước của khối u cùng với tuổi của bệnh nhân. Mỗi đợt điều trị kéo dài chỉ khoảng vài phút.
Bác sĩ sẽ thực hiện những bước sau để bảo vệ những mô lành xung quanh khối u:
- Điều trị cách quãng - Thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân xạ trị 5 ngày mỗi tuần trong 6, 7 tuần. Xạ đủ liều trong một khoảng thời gian được kéo dài ra sẽ giúp bảo vệ những mô lành ở khu vực khối u. Thậm chí trong mỗi ngày, bệnh nhân sẽ được điều trị 2 hoặc 3 đợt với liều được phân ra nhỏ hơn thay vì điều trị liều lớn 1 đợt duy nhất trong ngày.
- Xạ trị có định vị - Những chùm tia hẹp sẽ được nhắm trực tiếp đến khối u theo nhiều góc khác nhau. Để thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ phải mang một vòng đeo đầu cứng. MRI hoặc CT sẽ tạo ra hình ảnh chính xác vị trí của khối u. Bác sĩ sẽ dùng máy vi tính để quyết định liều xạ cần thiết cũng như kích thước và góc của chùm tia.
- Xạ trị qua tạo hình không gian 3 chiều - Máy vi tính sẽ tạo ra hình ảnh 3 chiều của khối u và khu vực mô não xung quanh. Bác sĩ sẽ hướng chùm tia xạ đến đúng hình dạng chính xác của khối u. Tiêu điểm chính xác của tia xạ giúp bảo vệ mô não bình thường.
- Xạ trị bằng tia proton - Nguồn xạ là proton nhiều hơn tia X. Bác sĩ sẽ hướng chùm tia proton đến khối u. Tia proton có thể đi xuyên qua những mô lành mà không làm tổn thương chúng.
Dưới đây là một số câu mà bệnh nhân có thể sẽ muốn hỏi bác sĩ trước khi được xạ trị:
- Tại sao tôi cần phải điều trị bằng cách này?
- Khi nào thì bắt đầu điều trị? Khi nào thì kết thúc?
- Trong thời gian điều trị tôi sẽ cảm thấy thế nào? Có những tác dụng phụ nào không?
- Tôi cần phải làm gì để tự bảo vệ bản thân trong khi điều trị?
- Làm sao chúng ta biết được rằng xạ trị sẽ có kết quả?
- Tôi có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường trong khi xạ trị không?
Hóa trị
Hóa trị là cách sử dụng thuốc để tiêu diệt những tế bào ung thư. Thuốc có thể được cho qua đường uống hoặc tiêm, sau đó thuốc sẽ vào máu và đi khắp cơ thể. Thuốc thường được cho đều đặn theo chu kỳ để cho có những giai đoạn phục hồi sau mỗi giai đoạn điều trị.
Hóa trị có thể được thực hiện ở khu vực ngoại trú của bệnh viện, tại phòng mạch, hoặc tại nhà. Hiếm khi bệnh nhân mới cần phải ở lại bệnh viện.
Trẻ em thường cần phải hóa trị hơn người lớn. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể cần phải hóa trị sau phẫu thuật và xạ trị.
Một số bệnh nhân bị ung thư não tái phát, phẫu thuật viên có thể lấy khối u ra và cấy vào đó một túi có chứa thuốc để hóa trị. Túi thuốc có kích thước khoảng bằng 1 đồng xu. Trong vòng vài tuần, túi thuốc sẽ phân rã và phóng thích thuốc vào não để tiêu diệt tế bào ung thư.
Bệnh nhân có thể sẽ muốn hỏi những câu sau trước khi hóa trị:
- Tại sao tôi lại cần cách điều trị này?
- Tôi sẽ phải làm gì?
- Tôi có bị những tác dụng phụ nào không? Tôi cần phải làm gì với chúng?
- Khi nào thì việc điều trị bắt đầu? Lúc nào thì kết thúc?
- Bao lâu thì tôi cần phải đi kiểm tra lại?
TÁC DỤNG PHỤ CỦA ĐIỀU TRỊ
Do những phương pháp dùng để điều trị u não có thể làm tổn thương những tế bào và mô lành xung quanh nên rất thường xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. Những tác dụng phụ xuất hiện dựa vào nhiều yếu tố trong đó bao gồm vị trí của khối u cùng với loại và phạm vi điều trị. Các tác dụng phụ có thể không giống nhau ở mỗi bệnh nhân và thậm chí cũng không giống nhau ở những giai đoạn điều trị khác nhau trên cùng một bệnh nhân. Trước khi bắt đầu điều trị, các bác sĩ sẽ giải thích những tác dụng phụ có thể xảy ra và đề nghị cách hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát chúng.
Phẫu thuật
Bệnh nhân thường sẽ thấy nhức đầu hoặc khó chịu trong vòng vài ngày đầu sau phẫu thuật. Tuy nhiên, có thể dùng thuốc để giảm đau do đó bạn nên đề nghị được sử dụng thuốc giảm đau với bác sĩ hoặc y tá.
Bệnh nhân cũng thường cảm thấy yếu hoặc mệt. Mỗi bệnh nhân có một khoảng thời gian hồi phục kéo dài khác nhau.
Ngoài ra, trong một số ít trường hợp có thể xảy ra biến chứng. Dịch não tủy hoặc máu có thể tích tụ bên trong não. Tình trạng này được gọi là phù não. Các bác sĩ sẽ theo dõi những dấu hiệu của biến chứng phẫu thuật trên bệnh nhân. Bệnh nhân có thể được cho corticoid để làm giảm phù. Có thể phải phẫu thuật lần 2 để dẫn lưu dịch ra ngoài. Các bác sĩ có thể đặt một ống dài và hẹp (shunt) vào não thất bệnh nhân. Ống sẽ được luồn dưới da đến một vùng khác của cơ thể, thường là bụng. Lượng dịch thừa sẽ được dẫn từ não chảy xuống bụng. Đôi khi dịch có thể được dẫn lưu xuống tim.
Một biến chứng khác sau phẫu thuật có thể gặp là nhiễm trùng, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống kháng sinh để điều trị biến chứng này.
Quá trình phẫu thuật cũng có thể làm tổn thương mô não bình thường. Tổn thương não có thể rất nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể gặp vấn đề trong các chức năng như suy nghĩ, nhìn, hoặc nói. Bệnh nhân cũng có thể thay đổi tính cách hoặc tai biến. Hầu hết những vấn đề trên có thể giảm đi hoặc biến mất sau một khoảng thời gian. Nhưng đôi khi não cũng có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Bệnh nhân sẽ cần phải được vật lý trị liệu, tập nói v.v...
Xạ trị
Một số bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn nôn vài giờ sau điều trị. Các bác sĩ có thể sẽ đề nghị cách giúp bệnh nhân đối phó với tình trạng này. Xạ trị cũng có thể làm bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi khi tiếp tục điều trị. Khi đó nghỉ ngơi là quan trọng, nhưng các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên năng động hết mức có thể.
Ngoài ra, xạ trị còn thường gây rụng tóc. Tóc thường mọc lại sau vài tháng. Xạ trị cũng gây ảnh hưởng đến da ở vùng được điều trị. Da đầu và tai có thể đỏ, khô, và nhạy cảm. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị cách để làm giảm những biến chứng này.
Đôi khi xạ trị có thể làm mô não bị phù. Bệnh nhân có thể bị nhức đầu hoặc nặng đầu. Các bác sĩ sẽ theo dõi những dấu hiệu của biến chứng này và cho thuốc để làm giảm sự khó chịu.
Xạ trị đôi khi cũng có thể tiêu diệt những mô não lành. Hiện tượng này được gọi là hoại tử do xạ trị. Hoại tử có thể gây nhức đầu, tai biến, hoặc thậm chí là tử vong.
Ở trẻ em, xạ trị có thể làm tổn thương tuyến yên và những khu vực khác làm trẻ gặp vấn đề trong học tập hoặc chậm lớn và phát triển. Ngoài ra, xạ trị lúc nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ bị u thứ phát sau này khi lớn lên. Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem có thể sử dụng hóa trị để thay thế xạ trị để điều trị u não ở trẻ nhỏ hay không.
Các tác dụng phụ có thể trở nên nặng nề hơn nếu hóa trị và xạ trị được thực hiện đồng thời.
Hóa trị
Những tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc phần lớn vào loại thuốc được sử dụng. Tác dụng phụ thường gặp nhất là sốt và run, buồn nôn và nôn, chán ăn, và yếu ớt. Một số tác dụng phụ có thể giảm đi nhờ thuốc.
Những bệnh nhân được cấy thuốc vào não sẽ được các bác sĩ theo dõi tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật. Nhiễm trùng có thể được điều trị bằng kháng sinh.
ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ
Ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, bệnh nhân u não cũng đều có thể nhận được sự điều trị hỗ trợ để ngăn ngừa hoặc kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chất lượng sống trong giai đoạn điều trị. Bệnh nhân có thể được điều trị giảm đau và những triệu chứng khác của u não, những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị và làm giảm những vấn đề về tâm lý.
Một số điều trị hỗ trợ thường gặp cho bệnh nhân u não bao gồm:
- Corticoid: hầu hết các bệnh nhân u não cần dùng corticoid để giảm phù não.
- Thuốc chống co giật
- Shunt - Nếu dịch tích tụ bên trong não, bác sĩ sẽ phải đặt shunt để dẫn lưu dịch.
Nhiều bệnh nhân u não điều trị hỗ trợ cùng với điều trị chính với ý định làm giảm tiến trình bệnh. Một số bệnh nhân quyết định không điều trị chống u não và chỉ điều trị hỗ trợ để làm giảm triệu chứng mà thôi.
CÁC BƯỚC TIẾP THEO
Tái phục hồi sau điều trị u não
Giai đoạn tái phục hồi là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình điều trị. Mục tiêu của giai đoạn này phụ thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân và mức độ ảnh hưởng của khối u đến những sinh hoạt hằng ngày. Một số cách trị liệu sau có thể có ích:
- Vật lý trị liệu - u não và quá trình điều trị u não có thể gây liệt. Chúng cũng có thể gây yếu và những vấn đề về thăng bằng. Tập vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân lấy lại được sức lực và thăng bằng.
- Tập nói - giúp bệnh nhân gặp rắc rối trong vấn đề nói, diễn đạt ý nghĩ, hoặc nuốt.
- Chuyên gia trị liệu các sinh hoạt hằng ngày (occupational therapist) - giúp bệnh nhân học lại những sinh hoạt hằng ngày như ăn, đi vệ sinh, tắm và thay quần áo.
Trẻ em bị u não có thể cần sự trợ giúp đặc biệt. Đôi khi trẻ cần phải có người giám hộ ở bệnh viên hoặc ở nhà. Những trẻ gặp vấn đề trong học tập hoặc ghi nhớ những gì học được có thể cần giám hộ hoặc học những lớp đặc biệt khi quay trở lại trường.
Kế hoạch sau điều trị
Bệnh nhân cần phải tái khám thường xuyên để theo dõi sau khi được điều trị. Bác sĩ sẽ kiểm tra sát để bảo đảm khối u không xuất hiện trở lại. Tái khám có thể bao gồm khám tổng quát và khám thần kinh. Bệnh nhân có thể cần chụp lại MRI hoặc CT. Nếu bệnh nhân có gắn shunt, bác sĩ sẽ kiểm tra xem shunt có hoạt động tốt không. Bác sĩ cũng có thể giải thích kế hoạch tái khám của bệnh nhân chẳng hạn như bệnh nhân phải tái khám bao nhiêu lần và cần làm những xét nghiệm gì.
TÓM TẮT
- U não có thể lành tính hoặc ác tính
- Nguyên nhân gây u não vẫn chưa được biết chính xác
- U não có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào
- U não nguyên phát là u não ban đầu hình thành từ mô não
- U não thứ phát là những ung thư lan đến mô não từ những mô khác của cơ thể
- Những triệu chứng của u não tùy thuộc vào kích thước, vị trí của khối u bên trong não
- U não được các bác sĩ chẩn đoán dựa vào bệnh sử, kết quả khám và kết quả của nhiều loại xét nghiệm khác nhau trên não và trên hệ thần kinh.
- Điều trị u não phụ thuộc vào loại, vị trí, kích thước của khối u cũng như tuổi tác và sức khỏe của bệnh nhân.
Theo Medicine NET - Y học NET dịch
1 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net
có những triệu chứng gì nên đi chẩn đoán hình ảnh u não