Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Viêm não

Viêm não

Mặc dù thuật ngữ "viêm não" dùng để chỉ đến tình trạng viêm của não nói chung nhưng nó thường được dùng để chỉ tình trạng viêm của não được gây ra bởi virus. Những thể nặng và có khả năng đe dọa mạng sống của bệnh này khá hiếm. Những chuyên gia cho rằng tỷ lệ thật sự của viêm não có lẽ là cao hơn thực tế nhiều nhưng do hầu hết những người bị viêm não đều có những dấu hiệu và triệu chứng khá nhẹ nên có nhiều trường hợp không được phát hiện ra.

Viêm não có 2 thể - thể tiên phát và thể thứ phát. Viêm não tiên phát là tình trạng nhiễm virus trực tiếp vào não và tủy sống. Ở viêm não thứ phát, virus ban đầu xâm nhập vào một khu vực khác của cơ thể rồi sau đó mới di chuyển đến não.

Đi khám bệnh và nhận sự điều trị đều đặn là rất quan trọng do khó đoán trước được tiến triển của bệnh.

TRIỆU CHỨNG

Hầu hết những bệnh nhân bị nhiễm virus gây viêm não có những triệu chứng nhẹ như nhức đầu, kích thích hoặc mệt mỏi, cũng có thể bệnh nhân không thấy có triệu chứng gì và bệnh cũng không kéo dài lâu. Những trường hợp bệnh nặng sẽ gây ra các triệu chứng như:

Những dấu hiệu và triệu chứng báo động ở người lớn có thể bao gồm thay đổi mức độ ý thức hoặc rối loạn tâm thần. Ở nhũ nhi, dấu hiệu chỉ điểm là cổ gượng và thóp phồng. Ở những trẻ lớn hơn, hãy tìm các dấu hiệu như nhức đầu nặng, thay đổi tính tình đột ngột, lơ mơ và nhạy cảm với ánh sáng.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân gây ra viêm não thường gặp nhất là nhiễm virus, trong đó có một số loại virus như: herpes virus, arbovirus lây truyền qua muỗi, ve và những côn trùng khác, virus dại lây truyền qua vết cắn của động vật.

Viêm não có 2 thể được chia ra dựa vào 2 đường lây nhiễm của virus vào não:

  • Viêm não nguyên phát. Là tình trạng viêm não mà virus xâm nhập trực tiếp vào não và tủy sống. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong năm hoặc ở thời điểm có dịch viêm não.
  • Viêm não thứ phát. Là tình trạng viêm não mà virus ban đầu lây nhiễm ở một bộ phận khác của cơ thể rồi sau đó mới đi vào não.

Ngoài ra, nhiễm vi trùng, chẳng hạn như bệnh Lyme, đôi khi cũng có thể gây viêm não, nhiễm ký sinh trùng (chẳng hạn như toxoplasmosis) cũng có thể gây viêm não nhất là ở những người suy giảm hệ miễn dịch.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm não thường gặp:

Herpes virus

Một số Herpes virus gây nhiễm trùng thông thường cũng có thể gây viêm não, bao gồm:

  • Herpes simplex virus. Có 2 loại herpes simplex virus (HSV). HSV type 1 (HSV-1) thường gây ra những vết lở loét hoặc phồng rộp ở xung quanh miệng hơn. HSV type 2 (HSV-2) thường gây herpes sinh dục hơn. HSV-1 là nguyên nhân quan trọng nhất gây viêm não có khả năng dẫn đến tử vong tại Hoa Kỳ, nhưng hiếm gặp.
  • Varicella-zoster virus. Là loại virus gây bệnh thủy đậu và zona. Nó có thể gây viêm não ở người lớn và trẻ em nhưng thường nhẹ.
  • Epstein-Barr virus. Là loại virus herpes gây nhiễm trùng tăng tế bào đơn nhân. Nếu bị viêm não thì thường bệnh ở thể nhẹ nhưng có thể gây tử vong ở một số ít trường hợp.

Nhiễm trùng ở trẻ em

Ở một số ít trường hợp, viêm não thứ phát có thể xảy ra sau khi nhiễm những loại virus đã được ngăn ngừa bằng vaccine ở trẻ em, bao gồm:

  • Sởi (Rubeola)
  • Quai bị
  • Rubella

Ở những trường hợp này, nguyên nhân gây viêm não có thể là do tình trạng quá mẫn - sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với những chất lạ.

Arbovirus

Những loại virus lây truyền qua muỗi và ve (arbovirus) trong những năm gần đây đã gây ra nhiều dịch viêm não nổi tiếng. Mặc dù vậy, loại viêm não này cũng khá ít gặp. Dưới đây là chu trình lây nhiễm của virus:

Những loài mang bệnh từ một ký chủ này đến một ký chủ khác được gọi là các vector. Muỗi là vector lây truyền viêm não từ các sinh vật nhỏ - thường là chim và loài gặm nhấm - đến cho con người.

Những loài chim sống gần trung tâm vùng nước tù đọng, chẳng hạn như đầm lầy, rất dễ bị nhiễm những virus gây viêm não. Khi chim bị nhiễm, nó mang trong máu một số lượng lớn virus trong một thời gian ngắn trước khi phục hồi và phát triển miễn dịch với bệnh. Nếu chim bị muỗi đốt, con muỗi đó sẽ trở thành vật mang bệnh. Muỗi sẽ truyền bệnh đến con chim kế tiếp mà nó cắn, sau đó bệnh sẽ tiếp tục lây truyền qua nhiều con muỗi khác nữa.

Thông thường thì chu trình truyền bệnh trên sẽ xảy ra mà không gây ra tác động nghiêm trọng nào đối với các sinh vật đó và không ảnh hưởng đến con người. Điều này một phần là do ký chủ ưu tiên của muỗi là chim và những loài động vật có vú nhỏ, muỗi chỉ xem con người là lựa chọn thứ nhì để đốt. Nhưng đôi khi những bất thường ở môi trường như sự thay đổi khí hậu hay môi trường sẽ làm gia tăng số lượng chim bị nhiễm cũng như gia tăng số lượng muỗi, và khi đó con người có thể sẽ bị nhiễm. Ở Việt Nam điển hình là viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào mùa hè khi mà lượng muỗi trong môi trường sống đạt mật độ cao nhất trong năm.

Tại Hoa Kỳ, những loại viêm não sau đây có nguồn gốc từ muỗi:

  • Viêm não loài ngựa phía Đông. Thường lây nhiễm cho muỗi và chim, đặc biệt là chim sống gần vùng đầm lầy ao tù nước đọng. Nó cũng ảnh hưởng đến con người tuy rất ít. Dịch viêm não gây ra do virus này thường xảy ra nhất ở vùng phía Đông Hoa Kỳ. Mặc dù có một số trường hợp bệnh chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ, nhưng nó có thể gây tử vong ở khoảng phân nửa số người bị những triệu chứng nặng. Triệu chứng thường xuất hiện từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi cắn.
  • Viêm não loài ngựa phía Tây. Hầu hết những báo cáo về viêm não loài ngựa phía Tây đều có nguồn gốc từ những người da đỏ ở vùng trung tâm và miền tây Hoa Kỳ. Cũng giống như viêm não loại ngựa phía Đông, nhiễm trùng ảnh hưởng đến ngựa và đôi khi đến người. Nó phát triển ở những loài chim sống gầy những khu vực hoặc nông trại bị ảnh hưởng. Triệu chứng xuất hiện vào giữa khoảng ngày thứ 5 đến thứ 10 sau khi bị cắn. Viêm não loài ngựa phía Tây ít gây tử vong hơn người anh em của nó ở phía Đông nhưng có thể gây tổn thương não và những biến chứng nặng nề khác, đặc biệt là ở trẻ nhũ nhi.
  • Viêm não St.Louis. Virus truyền đến muỗi qua chim. Loài muỗi truyền bệnh viêm não St.Louis sinh sản ở những khu vực ao tù nước đọng như ao nước tù, những hào, rãnh nước 2 bên đường, và những hồ chứa như bồn tắm chim, chậu cây cảnh v.v... Khoảng 40 trường hợp bệnh được báo cáo mỗi năm tại Hoa Kỳ, nhưng cũng có một số trận dịch lớn ảnh hưởng đến trên 3000 người mỗi năm. Các triệu chứng xuất hiện trong vòng từ 1 tuần đến 10 ngày. Tuy nhiều bệnh nhân trẻ chỉ bị nhẹ hoặc không có triệu chứng gì cả nhưng bệnh có thể nặng ở những bệnh nhân trên 60 tuổi. Tỷ lệ tử vong trong khoảng 3 đến 20%, và tỷ lệ này cao hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi.
  • Viêm não La Crosse. Virus được đặt theo tên La Crosse, Wis, là nơi đầu tiên phát hiện ra nó vào năm 1963. Nó thường gặp nhất ở những khu vực rừng cây gỗ cứng. Không giống như những dạng viêm não do virus khác, loại virus này xâm nhập vào muỗi từ loài sóc chuột và sóc. Viêm não La Crosse thường gặp ở trẻ em và hiếm khi gây tử vong. Có khoảng 100 trường hợp được báo cáo mỗi năm. Triệu chứng xuất hiện từ 5 đến 15 ngày sau khi bị cắn bởi muỗi bị nhiễm.
  • Viêm não miền Tây sông Nile. Loại virus này lần đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 1999 và lan ra gần như khắp nước trong vài năm kế tiếp. Nó cũng được tìm thấy ở Châu Phi, Trung Đông và một phần Châu Âu, Nga, Ấn Độ và Indonesia. Nó tương tự như những loại virus khác ở chỗ chim cũng là loài ký chủ chính của nó. Tuy nhiên, ở một số ít trường hợp, bệnh có thể lây từ người sang người thông qua ghép tạng, truyền máu, cho con bú hoặc từ mẹ đến đứa trẻ vẫn còn đang nằm trong bụng. Những triệu chứng mà nó gây ra thường nhẹ, nhưng bệnh có thể trở nặng, đặc biệt là ở những người lớn tuổi và những người có hệ tự miễn bị suy yếu. Những triệu chứng xuất hiện trong vòng từ 5 đến 15 ngày sau khi bị muỗi cắn. Có ít hơn 1% những người bị nhiễm virus miền Tây sông Nile bị viêm não nặng. Những người có nguy cơ cao nhất là những người trên 50 tuổi và những người có hệ miễn dịch bị ức chế.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Muỗi không phân biệt đối xử khi đốt do đó bất kỳ ai cũng có thể bị viêm não. Tuy nhiên có một số yếu tố làm cho bạn có nguy cơ nhiều hơn là:

  • Tuổi tác. Một số loại viêm não có tỷ lệ và độ nặng cao hơn ở trẻ em và người lớn tuổi.
  • Hệ miễn dịch suy yếu. Nếu bạn bị suy yếu hệ miễn dịch - chẳng hạn như ở những người bị AIDS hay HIV - hoặc bạn đang được điều trị ung thư hay ghép tạng, bạn sẽ dễ bị viêm não hơn.
  • Vùng địa lý. Đi đến hoặc sống ở những nơi có nhiều muỗi mang bệnh thường làm tăng nguy cơ bị viêm não.
  • Hoạt động ngoài trời. Nếu bạn có công việc hoạt động ngoài trời hoặc thích những nơi thoáng khí, chẳng hạn như làm vườn, đi bộ, chơi gold, bạn nên thật cẩn thận chú ý trong mùa dịch viêm não.
  • Mùa trong năm. Những tháng nóng của mùa hè là thời gian giao phối chính của chim và muỗi. Do đó, những bệnh có nguồn gốc từ muỗi cũng có tỷ lệ cao vào thời điểm này.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Hãy đi khám ngay khi có thể nếu bạn hoặc con bạn có những dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ viêm não do bệnh có thể rất nặng và đe dọa tính mạng.

KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán viêm não có thể bao gồm những phương pháp sau:

  • Chọc dịch não tủy. Một cách thường được dùng để chẩn đoán viêm não là phân tích dịch não tủy bao quanh não và tủy sống. Người ta sẽ đưa 1 cây kim vào phần thấp của cột sống (phía dưới tủy sống) để lấy ra một mẫu dịch não tủy đem đến phòng xét nghiệm phân tích. Việc phân tích này có thể phát hiện ra được sự hiện diện của nhiễm trùng hoặc tăng số lượng bạch cầu (là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của bạn đang chiến đấu chống lại nhiễm trùng). Dịch não tủy có thể hơi lẫn máu nếu như có xuất huyết. Chẩn đoán viêm não do herpes simplex có thể khó khăn, nhưng những tiến bộ trong việc sử dụng phương pháp DNA có thể cho phép phát hiện ra loại virus này trong dịch não tủy.
  • Điện não đồ (Electroencephalography - EEG). Là phương pháp đo các sóng hoạt động điện của não, thường được dùng để chẩn đoán và kiểm soát các bệnh gây tai biến. Một số điện cực nhỏ sẽ được gắn vào đầu bằng hồ hoặc bằng một nón dẻo. Bạn cần ngồi yên trong khi do, tuy nhiên cũng có những lúc bác sĩ có thể yêu cầu bạn thở sâu và đều trong vòng vài phút hoặc nhìn chăm chú vào một bảng được trang trí. Cũng có những thời điểm, bạn sẽ thấy có ánh sáng chớp bên trong mắt. Những động tác trên có mục đích kích thích não. Các điện cực sẽ mang những tín hiệu từ não đến máy EEG, máy sẽ ghi nhận lại và vẽ ra thành biểu đồ trên giấy. Kết quả EEG bất thường có thể gợi ý đến viêm não tuy nhiên nếu nó cho kết quả bình thường thì cũng không thể loại trừ được viêm não.
  • Chụp hình não. CT hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy sự phù nề bên trong não. Hoặc nó cũng giúp tìm ra những bệnh khác có những dấu hiệu và triệu chứng tương tự như viêm não, chẳng hạn như lú lẫn. Nếu nghi ngờ viêm não, thường các bác sĩ sẽ cho chụp hình não trước khi chọc dịch não tủy để tìm bằng chứng có sự tăng áp lực nội sọ.
  • Sinh thiết não. Trong một số ít trường hợp, nếu như không thể chẩn đoán được viêm não do herpes simplex khi dùng phương pháp DNA hoặc CT hay MRI, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ của não ra để phân tích xem có virus bên trong hay không. Bác sĩ cũng có thể điều trị thử với những thuốc kháng virus trước khi thực hiện sinh thiết não.
  • Xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể xác định sự hiện diện của virus miền Tây sông Nile bên trong cơ thể bạn bằng cách lấy một mẫu máu để đưa đến phòng xét nghiệm kiểm tra. Nếu có loại virus này bên trong cơ thể, kết quả phân tích máu sẽ cho thấy có sự gia tăng nồng độ kháng thể của virus, xét nghiệm DNA cho kết quả (+) hoặc kết quả cấy máu (+).

BIẾN CHỨNG

Những thể viêm não do virus nặng có thể gây ngưng thở, hôn mê và tử vong. Nó cũng có thể để lại di chứng suy giảm tâm thần, bao gồm mất trí nhớ, mất khả năng nói mạch lạc, mất sự phối hợp cơ, liệt, hoặc giảm sức nghe, nhìn.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị đối với những trường hợp nhẹ chủ yếu là nghỉ ngơi và chế độ ăn, bao gồm uống nhiều nước, để giúp cho hệ miễn dịch chiến đấu chống lại virus. Sử dụng acetaminophen (Panadol, Tylenol v.v...) có thể làm giảm nhức đầusốt. Những thuốc kháng viêm có thể giúp giảm phù nề và giảm áp lực bên trong não. Nếu bạn bị tai biến, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống co giật. Ở một số trường hợp, bạn cần phải được điều trị vật lý trị liệu và tập nói.

Viêm não có thể rất khó trị do những loại virus gây ra nó thường không đáp ứng với thuốc. Tuy nhiên, một số loại virus, đặc biệt là herpes simplex và varicella-zoster, đáp ứng với những loại thuốc kháng virus như acyclovir (Zovirax). Nếu bạn bị một trong những loại viêm não kể trên, bác sĩ có thể sẽ bắt đầu điều trị với acyclovir ngay lập tức. Một loại thuốc kháng virus khác đôi khi được sử dụng là ganciclovir (Cytovene).

Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách điều trị bằng interferon - một cách điều trị bằng tế bào miễn dịch - đối với viêm não gây ra do virus St.Louis và miền Tây sông Nile. Một nghiên cứu thí điểm đã cho thấy những bệnh nhân được điều trị bằng cách này phục hồi tốt hơn những bệnh nhân không được điều trị như vậy. Tuy nhiên, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi cách điều trị này được công nhận.

PHÒNG NGỪA

Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm não là tránh những loại virus gây ra nó, bao gồm thực hiện các bước ngừa herpes sinh dục, bảo đảm bạn và con bạn đã được tiêm ngừa đầy đủ bệnh thủy đậu, sởi (rubeola), quai bị và rubella.

Để tự bảo vệ mình và gia đình chống lại viêm não do muỗi cắn, trong suốt thời gian có thể xảy ra dịch bạn nên:

  • Mặc quần áo bảo vệ. Bạn nên mặc áo tay dài và quần dài khi đi ra ngoài trời vào khoảng thời gian từ lúc chạng vạng tối đến bình minh.
  • Dùng thuốc đuổi muỗi. Cơ quan bảo vệ môi trường phát hiện ra rằng chỉ có 2 sản phẩm là DEET và picaridin là có hiệu quả trong việc chống côn trùng cắn. Khi bạn đi ra ngoài trời, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ lúc chạng vạng tối đến lúc bình minh là thời điểm mà muỗi hoạt động mạnh nhất, hãy bôi những sản phẩm có thành phần là một trong những chất trên ở bên ngoài áo quần và ở vùng da không bị che chắn. Đừng xịt lên mặt mà hãy xịt vào tay rồi sau đó mới bôi lên mặt. Đừng bôi DEET lên tay trẻ con vì chúng có thể bỏ tay vào miệng hoặc quẹt lên mắt. Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyên những bật cho mẹ không nên sử dụng thuốc đuổi côn trùng trên trẻ nhũ nhi nhỏ hơn 2 tháng tuổi. Thay vào đó, hãy che chắn cho trẻ hay xung quanh xe đẩy thật cẩn thận khi ra ngoài.
  • Tránh muỗi. Cố tránh những hoạt động ở những khu vực có nguy cơ gặp muỗi nhiều nhất nếu không cần thiết. Ngoài ra, nên tránh đi ra ngoài trời từ lúc chạng vạng đến bình minh nếu có thể vì đây là khoảng thời gian muỗi hoạt động mạnh nhất.
  • Ngăn không cho muỗi vào nhà. Lấp lại những lỗ ở cửa ra vào và cửa sổ.
  • Giải phóng những khu vực nước tù đọng quanh nhà. Vì đây có thể là nơi muỗi đẻ trứng. Làm sạch cống rãnh, bồn hoa, và tất cả những thùng chứa có thể có chứa nước lâu ngày v.v...
  • Nuôi những động vật ăn muỗi. Chẳng hạn như bỏ vào hồ cá những loài cá có thể ăn muỗi.
  • Quan sát bên ngoài để phát hiện ra những dấu hiệu của nhiễm virus. Nếu bạn chú ý thấy có chim bị chết, hãy báo cho nhân viên y tế địa phương.

Có loại vaccine để tiêm phòng cho ngựa chống lại virus miền Tây sống Nile. Tuy nhiên không có vaccine cho người, các nhà khoa học đang nghiên cứu để phát triển một loại vaccine như vậy.

Theo Mayo Clinic - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases