Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Viêm gan siêu vi A

Viêm gan siêu vi A

Viêm gan là thuật ngữ chung chỉ tình trạng viêm của gan. Gan có thể viêm do nhiễm trùng, do tiếp xúc với những chất có cồn, các loại thuốc, các chất hóa học hoặc chất độc, hoặc từ những rối loạn của hệ miễn dịch.

Viêm gan siêu vi A là từ dùng để chỉ tình trạng viêm gan được gây ra do bệnh nhân nhiễm virus viêm gan A (HAV - hepatitis A virus). HAV là một trong một số loại virus có thể gây viêm gan và là một trong 3 loại thường gặp nhất tại Hoa Kỳ. Hai loại còn là là virus viêm gan B và virus viêm gan C.

Không giống như viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C, viêm gan siêu vi A không dẫn đến bệnh mạn tính (diễn ra lâu, kéo dài). Mặc dù gan vẫn bị viêm và sưng to ra, nhưng nó sẽ lành hoàn toàn ở hầu hết mọi người mà không gây ra những tổn thương lâu dài nào. Một khi bạn đã bị nhiễm virus gây viêm gan siêu vi A, bạn sẽ có miễn dịch suốt đời với loại virus này và không bao giờ bị thêm một lần nữa.

Do cách lây lan của nó, viêm gan siêu vi A có thể tạo thành dịch và những cơn bùng nổ. Khoảng 1/3 dân số Hoa Kỳ có kháng thể với HAV, có nghĩa là bấy nhiêu đó người đã từng tiếp xúc với virus nhưng hầu hết không gây ra bệnh. Số trường hợp bị viêm gan siêu vi A tại Hoa Kỳ thay đổi ở những cộng đồng khác nhau và không còn gây ảnh hưởng đáng kể từ khi có vaccine chủng ngừa viêm gan siêu vi A từ những năm đầu của thập niên 90.

NGUYÊN NHÂN

  • Virus gây viêm gan A được tìm thấy trong phân của những người bị viêm gan siêu vi A. Nó được lây truyền khi một người đưa một thứ gì đó đã bị nhiễm phân của người bệnh vào miệng. Hiện tượng này được gọi là lây qua đường phân-miệng.
    • Nếu thức ăn hoặc nước uống trở nên bị nhiễm phân của người bệnh (do rửa tay không đủ sạch hoặc do tình trạng mất vệ sinh), virus có thể lây lan một cách nhanh chóng đến những người uống hoặc nuốt những thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn.
    • Virus cũng có thể lây truyền bởi ăn những loài giáp xác (tôm, sò, ốc v.v...) trong tình trạng còn sống hoặc nấu chưa chín được lấy từ nguồn nước bị nhiễm bởi chất thải hoặc nước cống.
    • Virus gây viêm gan A cũng có thể lây truyền qua đường truyền máu nhưng những trường hợp này rất hiếm.
  • Những người bị nhiễm có thể bắt đầu có khả năng lây truyền sau khoảng 1 tuần tính từ lần tiếp xúc với nguồn bệnh lần đầu tiên của họ. Những người không có biểu hiện triệu chứng vẫn có thể lây truyền virus. Tình trạng nhiễm virus gây viêm gan siêu vi A được biết là đã xảy ra khắp nơi trên thế giới.
    • Nguy cơ bị nhiễm cao nhất ở những nước đang phát triển với tình trạng vệ sinh kém hoặc tiêu chuẩn vệ sinh cá nhân kém.
    • Tỷ lệ nhiễm cũng cao ở những khu vực dễ xảy ra lây truyền trực tiếp theo đường phân - miệng, chẳng hạn như những trung tâm chăm sóc, nhà tù và bệnh viện tâm thần.
  • Những người có thể gia tăng nguy cơ bị nhiễm virus gây viêm gan siêu vi A là:
    • Những người sống trong cùng 1 nhà với người bệnh.
    • Những bạn tình của người đã bị nhiễm.
    • Nam giới quan hệ tình dục với nam giới.
    • Những người dùng các loại thuốc bất hợp pháp (theo đường tiêm hoặc không theo đường tiêm).
    • Những người tiếp xúc với virus gây viêm gan siêu vi A trong công việc.
  • Những người làm việc trong các ngành như y tế, thực phẩm, và quản lý rác thải, cống rãnh không có nguy cơ bị nhiễm cao hơn những người bình thường.
  • Những người sống hoặc làm việc gần nơi ở tập trung nhiều người, chẳng hạn như các nhà ở tập thể, nhà tù có thể gia tăng nguy cơ bị nhiễm chỉ khi vệ sinh cá nhân chặt chẽ không được tôn trọng.

TRIỆU CHỨNG

Nhiều người bị nhiễm HAV hoàn toàn không có triệu chứng gì. Đôi khi, những triệu chứng diễn ra rất nhẹ đến mức họ không nhận biết được. Những người lớn tuổi hơn có khả năng thể hiện ra thành triệu chứng nhiều hơn trẻ em. Những người không có triệu chứng gì cả vẫn có thể lây truyền virus.

  • Những triệu chứng của viêm gan siêu vi A thường xuất hiện trong vòng từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm. Những triệu chứng này thường không quá nặng nề và có thể tự khỏi theo thời gian. Những triệu chứng thường gặp nhất có thể là:
    • Buồn nôn, nôn
    • Tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em
    • Sốt nhẹ
    • Chán ăn
    • Nổi ban
    • Mệt mỏi
    • Vàng mắt, vàng da.
    • Nước tiểu màu nâu sậm, giống như nước coca hoặc nước trà đậm.
    • Đau ở vùng gan - ở bên phải của bụng, ngay phía dưới lồng ngực.
  • Nếu bệnh nhân nôn nhiều có thể dẫn đến mất nước. Những triệu chứng của mất nước bao gồm:
    • Cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi, hoặc nói nhiều.
    • Lú lẫn hoặc không thể tập trung được.
    • Tim đập nhanh.
    • Nhức đầu
    • Tiểu ít hơn bình thường
    • Kích thích, bứt rứt.
  • Những triệu chứng trên thường kéo dài ít hơn 2 tháng, đôi khi chúng có thể kéo dài đến 9 tháng. Khoảng 15% người bị viêm gan siêu vi A có triệu chứng đến và đi trong vòng từ 6 đến 9 tháng.
  • Một người không thể bị viêm gan nếu chỉ đơn giản ở gần những người bị bệnh tại nơi làm việc hoặc tại trường học.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Cần đi khám nếu gặp một trong những triệu chứng sau:

  • Buồn nôn và nôn không giảm trong vòng 1-2 ngày.
  • Vàng da hoặc vàng mắt.
  • Nước tiểu sậm màu.
  • Đau quanh rốn.

Những tình huống sau cũng khuyến cáo bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ:

  • Bạn có những triệu chứng và bạn nghĩ rằng mình có tiếp xúc với người bị viêm gan.
  • Bạn có những bệnh khác và bạn nghĩ bạn bị viêm gan.
  • Bạn có tiếp xúc gần gũi với những người đã được chẩn đoán là viêm gan.

Nếu bạn không thể đi khám được, hoặc nếu bạn có một trong những dấu hiệu sau, hãy đến phòng cấp cứu của bệnh viện:

  • Nôn và không thể uống nước được.
  • Đau nặng nề hoặc sốt cao.
  • Lú lẫn, mê sảng, hoặc khó đánh thức.

KHÁM VÀ CÁC XÉT NGHIỆM

Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về bệnh. Bạn sẽ được hỏi về những triệu chứng của mình và về những khả năng có thể tiếp xúc với viêm gan.

Nếu bác sĩ xác định rằng bạn có thể có nguy cơ bị nhiễm viêm gan siêu vi, bạn sẽ được cho rút máu.

  • Máu sẽ được thử để xác định xem chức năng gan như thế nào.
  • Một xét nghiệm sẽ được làm để tìm kháng thể kháng virus gây viêm gan siêu vi A. Xét nghiệm này cũng cho phép biết được bạn có tiếp xúc với HAV trong thời gian gần đây hay không.
  • Bạn cũng sẽ được thử máu để tìm virus viêm gan siêu vi B và virus viêm gan siêu vi C.

Nếu bạn bị nôn một lượng lớn và không thể uống thêm nước, các chất điện giải trong máu của bạn có thể bị mất cân bằng. Tình trạng này sẽ được kiểm tra lại bằng xét nghiệm sinh hóa máu.

ĐIỀU TRỊ
Không có thuốc đặc hiệu để trị dứt hẳn viêm gan siêu vi A. Hầu hết mọi người đều không cần phải điều trị trừ việc cần làm giảm triệu chứng.
Nếu bạn đã tiếp xúc với người bị nhiễm HAV, có thể bạn cần phải được điều trị bằng globulin miễn dịch để ngăn không bị nhiễm. Cách điều trị này sẽ cho hiệu quả cao hơn khi được sử dụng trong vòng 2 tuần sau tiếp xúc.

Tại nhà

Bạn có thể thực hiện những cách sau tại nhà để cảm thấy đỡ hơn mỗi khi gặp triệu chứng.

  • Thư giãn; giảm bớt những hoạt động bình thường và dùng nhiều thời gian để nghỉ ngơi ở nhà hơn.
  • Uống nhiều nước sạch để tránh bị mất nước.
  • Tránh những loại thuốc và chất có thể gây hư tổn cho gan, chẳng hạn như acetaminophen (Panadol) và những thuốc có chứa acetaminophen.
  • Tránh những thức uống có cồn do chúng có thể làm gia tăng tác động của HAV trên gan.
  • Tránh vận động kéo dài và căng thẳng cho đến khi cảm thấy triệu chứng của mình đỡ hơn.

Hãy gọi cho bác sĩ nếu những triệu chứng của bạn trở nên xấu đi hoặc có những triệu chứng khác xuất hiện.
Cần lưu ý vệ sinh cá nhân để tránh đường lây phân-miệng với những thành viên khác sống cùng nhà.

Tại bệnh viện

  • Nếu bạn bị mất nước, bác sĩ có thể sẽ cho bạn truyền dịch qua đường tĩnh mạch để khỏe hơn.
  • Nếu bạn bị buồn nôn và nôn nặng, bạn có thể sẽ được nhận thuốc để kiểm soát những triệu chứng này.
  • Những bệnh nhân kiểm soát tốt được triệu chứng có thể được chăm sóc tại nhà.
  • Nếu bạn bị mất nước cũng như bị những triệu chứng khác ở mức độ nặng nề, hoặc lơ mơ, khó đánh thức, bạn cần phải được nhập viện.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

Tuân thủ hết những lời khuyên của bác sĩ:

  • Thư giãn, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
  • Uống nhiều nước sạch
  • Tránh những thức uống có cồn
  • Tránh những loại thuốc như acetaminophen (Paracetamol, Panadol) vì chúng có thể gây tổn hại đến gan của bạn.
  • Tránh những bài tập thể dục kéo dài hoặc nặng nề cho đến khi triệu chứng của bạn cải thiện hơn.
  • Hãy gọi cho bác sĩ nếu triệu chứng của bạn trở nên xấu đi hoặc có những triệu chứng mới xuất hiện.

Phòng ngừa
Nếu bạn bị viêm gan siêu vi A, bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc về vệ sinh cá nhân và rửa tay sạch sẽ để tránh truyền bệnh sang cho những người khác.

  • Rửa tay sạch sẽ mỗi lần sử dụng nhà tắm, trước khi chạm vào hoặc chuẩn bị đồ ăn, và trước khi chạm vào người khác. Rửa tay sạch sẽ với xà bông và nước ấm rồi lau khô hoàn toàn.
  • Những bề mặt bị nhiễm nên được lau sạch với thuốc tẩy để diệt virus.
  • Hâm nóng thức ăn hoặc nước uống đến trên 85°C để tiêu diệt virus.

Nếu bạn không bị viêm gan siêu vi A, bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bằng cách:

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà bông và nước ấm vài lần mỗi ngày, bao gồm những lần sử dụng phòng tắm, thay băng vệ sinh, và trước khi chuẩn bị thức ăn.
  • Không ăn đồ biển và giáp xác sống hoặc nấu chưa chín chẳng hạn như sò, ốc được lấy từ những vùng nghi ngờ về mặt vệ sinh.
  • Những người đi du lịch không nên uống nước lạ, hoặc ăn trái cây và rau củ trừ phi nó đã được nấu chính hoặc gọt vỏ.

Có những loại vaccine có tác dụng phòng ngừa viêm gan siêu vi A.

  • Havrix và VAQTA không có chứa virus còn sống và rất an toàn. Không có tác dụng ngược nghiêm trọng được phát hiện ở những người sử dụng. Một số bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng tiêm trong vòng vài ngày.
  • Vaccine sẽ được chia ra làm 2 lần chích. Lần thứ 2 sẽ được chích từ 6 - 18 tháng sau lần chích đầu tiên. Có thể chích cùng lúc với các loại vaccine khác.
  • Khả năng bảo vệ của vaccine sẽ bắt đầu trong vòng từ 2 - 4 tuần sau lần chích đầu tiên. Liều thứ 2 nhằm đảm bảo cho sự bảo vệ lâu dài.
  • Vaccine được cho là có khả năng bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng trong ít nhất 20 năm.
  • Vaccine phải được chích trước khi tiếp xúc với virus. Sau khi tiếp xúc thì vaccine không còn hiệu lực.

Không phải ai cũng cần phải tiêm vaccine ngừa viêm gan siêu vi A. Tuy nhiên, vaccine được khuyến khích tiêm ngừa cho những nhóm người sau:

  • Tất cả những trẻ em trên 2 tuổi sống trong các cộng đồng có số lượng nhiễm HAV cao một cách bất thường hoặc tiên đoán có một địch viêm gan siêu vi A sắp xảy ra (Vaccine không được khuyến khích ở những trẻ nhỏ hơn 2 tuổi do không an toàn).
  • Những người dễ tiếp xúc với HAV trong công việc. Nhóm người duy nhất có nguy cơ cao hơn những người còn lại là những người làm trong cách phòng xét nghiệm nghiên cứu, là nơi HAV được dự trữ và xử lý. Không khuyến cáo tiêm chủng định kỳ cho các nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, chăm sóc người ốm, công nhân cầu cống và nước thải.
  • Nam giới có quan hệ tình dục với nam giới.
  • Những người sử dụng thuốc bất hợp pháp - nhóm này có tỷ lệ bị nhiễm HAV cao hơn mức trung bình.
  • Những người bị sẽ bị rất nặng nếu như họ bị nhiễm HAV - nhóm này bao gồm những người có hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc có bệnh về gan mạn tính.
  • Những người bị rối loạn đông máu có sử dụng yếu tố đông máu.

Nếu bạn chưa từng bị nhiễm HAV và đã tiếp xúc với virus, hãy đi khám ngay lập tức. Có những cách điều trị có thể ngăn không cho bạn bị nhiễm. Nó được gọi là globulin miễn dịch viêm gan B (BayHep B, Nabi-HB).

  • Globulin miễn dịch là những kháng thể có thể chiến đấu chống lại virus trong cơ thể.
  • Nó được tiêm duy nhất 1 lần.
  • Nên tiêm trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc để có được sự bảo vệ tối đa.
  • Globulin miễn dịch có thể sử dụng được một cách an toàn ở những trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Globulin miễn dịch có thể sử dụng được ở những phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Globulin miễn dịch có thể cho sự bảo vệ ngắn hạn khỏi nhiễm trùng nếu được cho trước khi tiếp xúc. Sự bảo vệ này không kéo dài hơn 3 tháng.

Nếu bạn bị viêm gan siêu vi A đã được xác nhận lại bởi xét nghiệm máu, bạn không thể bị lại thêm lần nữa. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa để ngăn không lây bệnh cho những người khác.

Tiên lượng

Những triệu chứng của viêm gan siêu vi A thường nhẹ và có thể tự khỏi.

  • Hiếm khi chúng phát triển thành những biến chứng như viêm gan tái phát hoặc suy gan.
  • Viêm gan tái phát có nghĩa là những triệu chứng đã cải thiện rồi sau đó quay ngược trở lại.
  • Hiếm khi gặp trường hợp tử vong do viêm gan siêu vi A.
  • Những người lớn tuổi, trẻ quá nhỏ, và những người bị bệnh gan mạn tính giai đoạn năng, chẳng hạn như viêm gan siêu vi C có nguy cơ cao nhất bị những biến chứng do viêm gan siêu vi A.

Theo EmedicineHealth - Y học NET dịch.

1 nhận xét:

  1. Tiểu Cường says

    trường cao đẳng dược tp hcm https://duocsaigon.com.vn/ dùng những phương pháp hiện đại trong xét nghiệm những bệnh nhân vị viên gan rất chính xác, biết được sức đề kháng của một người bệnh để điều trị chính xác


Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases