Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Chảy máu mũi

Chảy máu mũi

Chảy máu mũi có thể rất ghê gớm và đáng sợ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chảy máu mũi đều không nghiêm trọng và có thể tự giải quyết được tại nhà, nhưng đôi khi cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ. Các kiểu chảy máu mũi được phân thành 2 loại dựa trên điểm xuất phát của nó là chảy máu mũi trước (máu chảy bắt nguồn từ phía trước của mũi) hoặc chảy máu mũi sau (máu chảy bắt nguồn từ phía sau của mũi).

  • Chảy máu mũi trước chiếm hơn 90% tất cả các trường hợp chảy máu mũi. Máu chảy thường bắt nguồn từ các mạch máu ở vách mũi. Chảy máu mũi trước thường dễ kiểm soát bằng những cách có thể thực hiện được tại nhà hoặc tại phòng khám của bác sĩ.
  • Chảy máu mũi sau ít gặp hơn so với chảy máu mũi trước rất nhiều. Chúng có khuynh hướng xảy ra ở người già nhiều hơn. Máu chảy thường bắt nguồn từ động mạch ở phần sau của mũi. Những trường hợp chảy máu mũi dạng này phức tạp hơn và thường cần phải nhập viện và được điều trị bởi bác sĩ tai mũi họng.

Cứ 7 người thì có 1 người đã từng bị chảy máu mũi 1 lần trong đời. Chảy máu mũi thường xảy ra hơn khi khí hậu trở nên lạnh và khô. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường gặp nhất là ở những trẻ từ 2 đến 10 tuổi và người lớn từ 50 đến 80 tuổi. Người ta để ý rằng chảy máu mũi thường xảy ra nhất vào buổi sáng tuy nhiên lý do vẫn chưa được khám phá ra.

NGUYÊN NHÂN

Hầu hết các trường hợp chảy máu mũi đều khó xác định nguyên nhân. Tuy nhiên chấn thương mũi là một nguyên nhân thường gặp gây chảy máu mũi. Chấn thương từ bên ngoài mũi do bị đập vào mặt hoặc chấn thường từ bên trong mũi do móc mũi bằng tay hay các dụng cụ nhọn đều có thể gây chảy máu mũi. Những kích ứng tại chỗ bên trong mũi do viêm mũi hoặc viêm xoang cũng có thể gây chảy máu mũi.

Ít gặp hơn là những bệnh hoặc những loại thuốc gây chảy máu mũi hoặc làm cho tình trạng chảy máu mũi khó kiểm soát hơn.

  • Tình trạng máu không thể đông được thường gặp nhất là do dùng những loại thuốc tan huyết như warfarin (Coumadin) hoặc aspirin.
  • Bệnh gan cũng có thể gây cản trở quá trình đông máu
  • Những mạch máu bất thường ở mũi và ung thư hốc mũi là những nguyên nhân gây chảy máu mũi hiếm gặp.
  • Tăng huyết áp có thể góp phần gây chảy máu mũi nhưng hầu như không bao giờ là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này.

TRIỆU CHỨNG

Máu thường chỉ chảy từ một bên mũi. Nếu máu chảy nhiều, nó có thể làm đầy một bên mũi và tràn vào vùng hầu mũi (khu vực nằm bên trong mũi là nơi giao nhau của 2 lỗ mũi), gây chảy máu đồng thời cả mũi bên kia. Máu cũng có thể nhỏ vào phần sau họng hoặc xuống đến dạ dày làm bệnh nhân khạc nhổ hoặc thậm chí nôn ra máu.

Những dấu hiệu do mất máu quá nhiều bao gồm:

  • Chóng mặt
  • Yếu ớt
  • Lú lẫn
  • Ngất xỉu

Tình trạng mất máu nhiều do chảy máu mũi không thường xuyên xảy ra.

KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ

Hãy liên lạc với bác sĩ nếu gặp những tình huống sau:

  • Chảy máu mũi lặp đi lặp lại nhiều lần
  • Ngoài chảy máu mũi ra còn chảy máu ở những nơi khác, chẳng hạn như máu trong phân, hoặc máu trong nước tiểu.
  • Dễ bị thâm tím
  • Bệnh nhân chảy máu mũi khi dùng những loại thuốc làm tan huyết như aspirin hoặc warfarin (Coumadin).
  • Bệnh nhân chảy máu mũi bị những bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu như bệnh gan, bệnh thận, hoặc bệnh máu khó đông.
  • Bệnh nhân chảy máu mũi và được hóa trị trong thời gian gần đây.

Hãy đến bệnh viện nếu tình trạng chảy máu mũi:

  • tiếp tục kéo dài sau khi đã bịt mũi trong 10 phút
  • lập đi lập lại trong một khoảng thời gian ngắn
  • cảm thấy chóng mặt hoặc muốn ngất đi
  • kèm theo nhịp tim nhanh hoặc khó thở
  • khạc hoặc nôn ra máu
  • bị nổi mẩn hoặc nhiệt độ lớn hơn 38.5 C hoặc
  • bác sĩ đề nghị đến phòng cấp cứu.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

  • Để khám mũi, bác sĩ sẽ đặt thuốc vào lỗ mũi, thường bằng cách đưa một miếng gạc tròn nhỏ có thấm thuốc vào mũi để gây tê vùng phía trong của mũi cũng như là co các mạch máu ở vùng này. Thuốc tê giúp cho quá trình khám ít đau hơn. Thuốc co mạch giúp các mô ở mũi co nhỏ lại để kiểm soát chảy máu giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong hốc mũi dễ dàng hơn để có thể xác định chính xác vị trí chảy máu.
  • Bệnh nhân thường sẽ được chẩn đoán là chảy máu mũi sau nếu như sau khi đã dùng những biện pháp để kiểm soát chảy máu mũi trước nhưng thất bại. Nhìn được nguồn gốc chảy máu mũi sau gần như là điều không thể thực hiện được.
  • Thông thường không cần phải làm xét nghiệm. Đối với những trường hợp chảy máu mũi nặng có thể cần xét nghiệm công thức máu để đánh giá lượng máu mất. Đối với những bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng những thuốc tan huyết có thể phải cần thực hiện thêm những xét nghiệm máu khác.

ĐIỀU TRỊ

Tại nhà

Chảy máu mũi lượng ít chỉ cần can thiệp tối thiểu. Chẳng hạn như đối với những bệnh nhân bị cúm hoặc viêm xoang khi xì mũi mạnh và chú ý thấy có một ít máu dính theo thì chỉ cần tránh xì mũi mạnh, tránh hắt xì hoặc ngoáy mũi là đủ để ngăn tình trạng chảy máu không trở nên nặng hơn.

Cách làm ngừng chảy máu mũi

  • Giữ bình tĩnh
  • Ngồi thẳng
  • Cúi đầu ra phía trước. Ngửa đầu ra phía sau chỉ làm cho bạn nuốt phải máu mà thôi.
  • Bịt hai lỗ mũi lại bằng ngón cái và ngón trỏ trong 10 phút. Kiếm một người khác canh giờ giúp bạn để tránh không bỏ tay ra khỏi mũi sớm hơn.
  • Nhổ hết máu ra khỏi miệng. Nuốt máu vào dạ dày chỉ làm cho bạn nôn ra mà thôi.

Làm gì sau khi máu ngừng chảy

  • Khi máu đã ngừng chảy, cố gắng phòng ngừa những đợt kích thích khác đối với mũi sau này, chẳng hạn như hắt xì, bị đập vào mũi hoặc căng thẳng trong vòng 24 giờ kế tiếp.
  • Nước đá không giúp ích được gì.
  • Tiếp xúc với không khí khô có thể góp phần làm nặng hơn tình trạng này. Thêm độ ẩm vào không khí bằng máy phun hơi hoặc dụng cụ làm ẩm có thể giúp mũi tránh bị khô và kích thích chảy máu nhiều hơn. Một cách khác là đặt mở quạt nước gần nguồn phát nhiệt để giúp nước bay hơi và làm tăng độ ẩm cho không khí.

Tại bệnh viện

Chảy máu mũi trước

  • Chảy máu mũi nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì cả. Thông thường, cơ thể sẽ tạo ra khối máu đông tại vị trí chảy máu để làm máu ngưng chảy.
  • Nếu nguồn gốc chảy máu là từ những mạch máu dễ thấy, các bác sĩ có thể sẽ đốt nó (để hàn mạch máu lại) bằng một loại hóa chất có tên là Nitrate bạc sau khi gây tê cục bộ bên trong mũi. Đốt bằng hóa chất là cách hiệu quả nhất khi nguồn gốc chảy máu xuất phát từ vùng phía trước của mũi.
  • Ở những trường hợp phức tạp hơn, có thể cần phải nhét meche vào mũi để làm máu ngừng chảy. Meche sẽ tạo một áp lực trực tiếp lên phía trong mũi để tăng đông máu và ngừng chảy máu. Ngoài meche có tẩm vaseline ra còn có một số dạng nhét mũi khác có chức năng tương tự, chẳng hạn như meche mũi bằng bóng hoặc miếng xốp tổng hợp có khả năng nở ra khi bị thấm nước. Quyết định dùng loại nào để nhét mũi còn tùy thuộc vào bác sĩ.
    • Hầu hết những bệnh nhân được nhét mũi vẫn phải giữ như vậy khi về nhà. Do những dụng cụ nhét mũi này chặn đường thoát của các xoang nên có thể bắt đầu dùng kháng sinh để phòng viêm xoang. Meche thường được giữ lại trong mũi bệnh nhân trong vòng từ 48 đến 72 giờ.

Chảy máu mũi sau

  • Chảy máu mũi sau thường không tự khỏi mà cần phải nhập viện do loại chảy máu này có thể rất nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể được các bác sĩ nhét meche mũi sau để cầm máu. Có nhiều loại meche mũi được sử dụng, nhưng loại meche mũi bằng bóng được dùng nhiều nhất.
  • Không giống như nhét meche mũi trước, nhét meche mũi sau khó chịu hơn rất nhiều và thường cần phải dùng thuốc an thần và giảm đau. Ngoài ra, những biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng và bít tắc đường thở có thể được tính đến khi nhét meche mũi sau. Do đó, bệnh nhân cần phải được nhập viên để theo dõi sát.
  • Meche mũi sau được được đặt trong mũi từ 48 đến 72 giờ. Nhưng nếu không làm ngưng chảy máu được có thể cần phải làm tắc động mạch hoặc thực hiện một số phẫu thuật chuyên biệt.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

  • Hầu hết các bệnh nhân đều có thể đến và sau đó về nhà từ phòng khám hoặc phòng cấp cứu sau khi được điều trị chảy máu mũi. Nếu được nhét meche mũi, bệnh nhân không nên cố tìm cách lấy nó ra.
  • Cố gắng tránh những kích thích trên mũi. Không đánh vào mũi. Không hắt xì hoặc ho nếu có thể được. Tránh những hoạt động căng thẳng, chẳng hạn như nâng nhấc vật nặng hoặc tập thể dục.
  • Nếu có thể, tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng ngăn đông máu. Đó có thể là những loại thuốc như aspirin, hoặc thuốc kháng viêm như ibuprofen (Motrin hoặc Advil) hoặc naproxen (Aleve hoặc Naprosyn). Nếu bệnh nhân sử dụng những loại thuốc trên, hoặc những loại khác như warfarin (Coumadin) hoặc clopidogrel bisulfate (Plavix) để điều trị những bệnh mạn tính, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Có thể sử dụng acetaminophen (Panadol) để hạ sốt hoặc giảm đau.

Phòng ngừa

  • Hầu hết các trường hợp chảy máu mũi xảy ra vào mùa đông với khí hậu lạnh khô. Những người dễ bị chảy máu mũi nên có máy làm ẩm để ở nhà. Kem bôi vaseline, dầu kháng sinh hoặc nước muối dùng xịt mũi có thể dùng để giữ cho mũi được ẩm.
  • Tránh ngoáy mũi hoặc đập vào mũi quá mạnh.
  • Nếu chảy máu mũi do một bệnh khác, chẳng hạn như bệnh gan hoặc bệnh xoang mạn tính, hãy tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát được chúng.

Tiên lượng

Nếu được điều trị đúng, phần lớn bệnh nhân chảy máu mũi sẽ phụ hồi mà không để lại những hậu quả lâu dài nào.

Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases