Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Đau ngực

Đau  ngực

Nếu bạn cảm thấy đau dữ dội, đau như bóp nghẹt, đè ép, nặng, nghẹt, đè nghẹn ở ngực kéo dài hơn vài phút, hoặc nếu cơn đau lan lên cổ, vai trái, hàm dưới, xuống cánh tay, bạn nên đến phòng cấp cứu ngay, không nên tự lái xe một mình, hãy để một người khác chở đi hoặc gọi xe cấp cứu.

Đau ngực là một trong những triệu chứng kinh khủng nhất mà con người đã từng trải qua. Đôi khi, rất khó để chẩn đoán nguyên nhân của đau ngực hoặc xác định xem nó có nguy hiểm đến tính mạng hay không.

  • Bất kỳ các bộ phận nào của lồng ngực cũng có thể là nguyên nhân gây đau, bao gồm tim, phổi, thực quản, cơ, xương và da.
  • Do sự phân bố phức tạp của hệ thống thần kinh bên trong cơ thể, nên nguyên nhân thật sự của đau ngực cũng có thể bắt nguồn từ những khu vực khác của cơ thể.
  • Dạ dày hoặc những bộ phận khác trong bụng cũng có thể gây ra đau ngực.

Những nguyên nhân gây đau ngực có thể ảnh hưởng đến tính mạng bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim xuất hiện khi động mạch cung cấp máu cho tim (động mach vành) bị tắc nghẽn. Do lượng máu đến tim giảm nên cơ tim không nhận đủ oxy. Điều này có thể làm tổn thương, hư, chết cơ tim.
  • Đau thắt ngực: là đau ngực có liên quan đến sự mất cần bằng giữa nhu cầu oxy của tim và sự cung cấp oxy qua máu do hẹp hoặc tắc nghẽn của những mạch máu cung cấp máu cho tim. Đau thắt ngực khác với nhồi máu cơ tim ở chỗ các động mạch không bị tắc hoàn toàn, ít hoặc không gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho tim. Đau thắt ngực “ổn định” là những cơn đau xuất hiện với tính chất giống nhau ở những lần khác nhau và có thể đoán trước được, chẳng hạn như chúng sẽ xuất hiện mỗi khi gắng sức (lao động quá khả năng cho phép, stress tâm lý, sốt cao…) và hết khi nghỉ ngơi. Đau thắt ngực “không ổn định” là cơn đau xuất hiện không thường xuyên và không đoán trước được, không hết hoàn toàn khi nghỉ ngơi, hoặc cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Bóc tách động mạch chủ: động mạch chủ là động mạch chính cung cấp máu cho các cơ quan sinh tồn của cơ thể như não, tim, thận, phổi, ruột. Bóc tách nghĩa là rách lớp niêm mạc bên trong động mạch chủ. Điều này có thể gây ra khối máu tụ bên trong và cản trở dòng máu đển nuôi các cơ quan.
  • Tắc mạch phổi: là tắc nghẽn một trong những mạch máu chính cung cấp máu cho phổi. Đây là nguyên nhân gây đau ngực có thể
  • ảnh hưởng đến tính mạng không liên quan đến tim.
  • Tràn khí màng phổi nguyên phát: thường được gọi là xẹp phổi, đây là tình trạng khí xuất hiện ở trong khoảng trống giữa thành ngực và nhu mô phổi. Bình thường, áp suất âm trong lồng ngực cho phép phổi nở ra. Khi bị tràn khí màng phổi nguyên phát, không khí đi vào trong lồng ngực dẫn đến mất cân bằng áp suất làm phổi không thể nở ra được, và do đó sẽ làm mất đi sự cung cấp oxy bình thường trong cơ thể.
  • Thủng tạng rỗng: Thủng tạng rỗng là tình trạng một lỗ thủng hay vết rách xuất hiện ở trên thành của bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa. Nó sẽ làm cho khí vào trong ổ bụng, kích thích cơ hoành và có thể gây ra đau ngực.
  • Cocaine: cocaine làm cho các mạch máu trong cơ thể co lại, giảm lượng máu đến tim gây ra đau ngực. Cocaine cũng làm tiến triển bệnh xơ vữa động mạch và là một trong những nguy cơ gây ra nhồi máu cơ tim.

Những nguyên nhân gây đau ngực không ảnh hưởng đến tính mạng ngay tức thì

  • Viêm màng ngoài tim cấp: đây là tình trạng viêm màng ngoài tim (màng ngoài tim là một túi bao quanh tim).
  • Sa van 2 lá: là một trong những bất thường của van tim. Lá van sẽ lồi lên trên buồng tim nằm phía trên (tâm thất trái) khi tim bơm máu ra động mạch chủ để cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể (thời kỳ tâm thu). Khi đó, một lượng máu nhỏ sẽ chảy ngược trở lại vào tim. Có một số ý kiến cho rằng đây có thể là nguyên nhân gây ra đau ngực ở một số người, tuy nhiên điều này vẫn chưa được chứng minh một cách chắc chắn.
  • Viêm phổi: là nhiễm trùng nhu mô phổi. Đau ngực xuất hiện do lớp biểu mô của phổi bị viêm.
  • Những bệnh của thực quản: đau ngực do những bệnh của thực quản có thể gây hoang mang lo sợ vì nó giống như những cơn đau ngực của nhồi máu cơ tim.
    • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD, chứng ợ nóng) xuất hiện khi acid trong dạ dày đi ngược lên thực quản đôi khi cũng gây ra những cơn đau ngực.
    • Viêm thực quản.
    • Co thắt thực quản: được định nghĩa là một tình trạng co thắt quá mức một cách bất thường của cơ trơn thực quản.
  • Viêm sụn sườn: đây là hiện tượng viêm của các sụn nằm giữa các xương sườn. Cơn đau thường ở vị trí giữa ngực, âm ỉ, và nhói lên khi hít thở sâu, di chuyển và ấn sâu vào lồng ngực.
  • Herpes zoster: đây là thể tái phát của bệnh thủy đậu, những mụn nước thường xuất hiện ở một bên cơ thể. Đau rất d dội, thường giới hạn ở những vùng có mụn nước. Cơn đau có thể xuất hiện trước mụn nước từ 4 – 7 ngày. Những yếu tố nguy cơ bao gồm những tình trạng làm giảm sức đề kháng của cơ thể chẳng hạn như lớn tuổi, HIV hoặc ung thư. Herpers zoster rất dễ lây cho những người chưa mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm ngừa trong khoảng thời gian trước và sau 5 ngày xuất hiện mụn nước.

Những nguyên nhân gây nhồi máu

Những nguyên nhân gây nhồi máu bao gồm bệnh tim mạch và bệnh mạch vành. Những bệnh lý về tim mạch thường do ứ đọng cholesterol trong động mạch vành, do những cục máu đông hoặc do co thắt các động mạch cung cấp máu cho tim.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim:

  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường
  • Hút thuốc
  • Nồng độ cholesterol trong máu cao
  • Trong gia đ
  • ình có ng
    ười bị nhồi máu cơ tim trước 60 tuổi, trước đây đã từng có 1 hay nhiều cơn đau thắt ngực, nam giới.
  • Béo phì
  • Phụ nữ sau tuổi mãn kinh có nguy cơ cao hơn những người tiền mãn kinh. Người ta cho rằng nguyên nhân là do thiếu tác dụng bảo vệ của hormon estrogen trong giai đoạn mãn kinh. Trước đây người ra điều trị thay thế hormon cho những phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh (hormone replacement therapy – HRT). Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu đã thay đổi cách suy nghĩ về HRT và HRT đã không còn được áp dụng nữa.
  • Sử dụng cocain và các chất kích thích khác.

Những nguyên nhân gây đau thắt ngực

  • Đau thắt ngực có thể là do co thắt, hẹp hoặc tắc nghẽn một phần động mạch cung cấp máu cho tim.
  • Nguyên nhân phổ biến nhất là do bệnh lý mạch vành, những cục máu đông hoặc những mảng xơ vữa bên trong mạch máu chỉ làm giảm lượng máu chảy qua chứ không làm tắc hoàn toàn mạch máu.
  • Đau thắt ngực có thể khởi phát do gắng sức hay do stress về mặt tinh thần, hoặc do một số rối loạn nhịp tim làm tim đập rất nhanh.

Bóc tách động mạch chủ

  • Bóc tách động mạch chủ xảy ra do những nguyên nhân gây tổn thương niêm mạc bên trong động mạch chủ, bao gồm: bệnh tăng huyết áp không kiểm soát được, những bệnh về mô liên kết, sử dụng cocaine, người lớn tuổi, mang thai, bệnh tim bẩm sinh và thông tim (một phương pháp can thiệp y học).
  • Đàn ông có nguy cơ cao hơn phụ nữ.
  • Một bệnh tương tự là phình động mạch chủ. Một phần của động mạch chủ bị phình rộng ra, có thể bị vỡ, gây đau và chảy máu. Chỗ phình có thể xuất hiện ở động mạch chủ vùng ngực hoặc vùng bụng.

Tắc mạch phổi

Những yếu tố nguy cơ gây tắc mạch phổi bao gồm:

  • Những người ít vận động
  • Béo phì
  • Bất động trong một thời gian lâu
  • Gẫy xương đùi
  • Mang thai
  • Ung thư
  • Trước đây bị huyết khối, hoặc trong gia đình có người bị huyết khối.
  • Rối loạn nhịp tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy tim xung huyết
  • Những phụ nữ sử dụng thuốc viên ngừa thai hay hút thuốc có nguy cơ cao hơn những phụ nữ chỉ sử dụng 1 trong hai loại trên hoặc không sử dụng (đặc biệt là những phụ nữ trên 35 tuổi).

Tràn khí màng phổi nguyên phát

Tràn khí màng phổi nguyên phát xuất hiện khi mất cân bằng áp lực trong khoang màng phổi và áp lực không khí bên ngoài.

  • Nguyên nhân thường gặp nhất là những vết thương ở lồng ngực xuyên vào khoang màng phổi.
  • Đó có thể là do chấn thương, như tai nạn xe, té nặng, vết thương do súng đạn hoặc dao, hoặc trong lúc phẫu thuật.
  • Những người gầy và cao có thể bị tràn khí màng phổi nguyên phát do nhu mô phổi bị kéo căng và bất thường của các phế nang ở phần trên của phổi. Những bất thường này có thể khiến các phế nang bị rách ngay cả khi chỉ mới hắt hơi và ho dữ dội.
  • Những yếu tố nguy cơ khác có thể làm tràn khí màng phổi bao gồm: viêm phổi ở bệnh nhân AIDS, khí phế thủng, bệnh suyễn nặng, u xơ, ung thư, sử dụng cần sa, cocain và các chất kích thích khác.

Thủng tạng rỗng

Thủng tạng rỗng có thể do những tổn thương trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Trong trường hợp này, cơ hoành bị kích thích từ phía dưới lồng ngực. Cơ hoành giúp chúng ta hít thở. Nó nằm ở dưới các xương sườn và phân chia ranh giới giữa lồng ngực và ổ bụng. Bất kỳ sự kích thích nào lên cơ hoành, ngay cả khi kích thích từ phía dưới cũng có thể gây đau ngực.

Những yếu tố nguy cơ không liên quan đến chấn thương:

  • Loét không được điều trị.
  • Nôn vọt hoặc kéo dài.
  • Nuốt vật lạ
  • Ung thư
  • Viêm ruột thừa
  • Sử dụng steroid trong một thời gian dài
  • Nhiễm trùng đường mật
  • Sỏi mật.
  • AIDS

Viêm màng ngoài tim

Nguyên nhân gây ra viêm ngoài tim có thể dvirus, vi trùng, ung thư, bệnh mô liên kết. thuốc, do một số loại thuốc, xạ trị, và suy thận mãn.

Một biến chứng đe dọa đến tính mạng của viêm màng ngoài tim là tràn dịch màng ngoài tim.

  • Tràn dịch màng ngoài tim là sự tích tụ dịch xung quanh tim. Nó ngăn tim bơm máu một cách hiệu quả cho toàn cơ thể.
  • Những triệu chứng của tràn dịch màng ngoài tim bao gồm đột ngột bị hụt hơi ngất và đau ngực.

Viêm phổi

Viêm phổi có thể do virus, vi trùng, nấm ở phổi.

Những nguyên nhân liên quan đến thực quản

Đau ngực xuất phát từ thực quản có thể là do:

  • Trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) có thể do bất kỳ nguyên nhân nào làm giảm áp lực ở phần dưới của thực quản, giảm hoạt động của thực quản, hay kéo dài thời gian làm trống dạ dày. Những tình trạng trên có thể là do các nguyên nhân sau:
    • Ăn thức ăn có hàm lượng chất béo cao
    • Sử dung nicotine
    • Sử dụng chất có cồn
    • Caffein, mang thai
    • Một số thuốc như nitrate, ức chế kênh canxi, kháng cholinerngic, estrogen, progesterone.
    • Đái tháo đường
    • Bệnh xơ cứng bì

  • Viêm thực quản có thể do nấm, ký sinh trùng, virus, vi trùng hoặc do kích thích của thuốc.

  • Co thắt thực quản có thể do cơ trơn thực quản co bóp một cách quá mức. Tình trạng này có thể là do buồn bã hoặc nuốt thức ăn hay thức uống quá nóng hoặc quá lạnh.


Triệu chứng của nhồi máu cơ tim

Một cơn nhồi máu cơ tim điển hình xuất hiện ở khoảng từ giữa ngực đến bên hông trái và cũng có thể lan rộng ra đến vai trái, tay trái, hàm dưới, dạ dày và lưng.

  • Những triệu chứng đi kèm bao gồm: hụt hơi, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn.
  • Những triệu chứng thay đổi tùy theo từng người.
  • Phụ nữ có thể có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim như nam giới (đau ngực) nhưng cũng có thể có những triệu chứng ít điền hình hơn. Những triệu chứng không điển hình bao gồm:
    • Đau ở:
      • Cổ
      • Hàm dưới
      • Trên thắt lưng
    • Khó chịu ở bụng
    • Hụt hơi
    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Đau bụng
    • Ợ nóng
    • Vã mồ hôi
    • Chóng mặt
    • Choáng váng
    • Mệt không rõ nguyên nhân

Triệu chứng của đau thắt ngực

Đau thắt ngực tương tự như nhồi máu cơ tim nhưng xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi hoặc khi uống thuốc nitroglycerin.

  • Đau thắt ngực sẽ đe dọa đến tính mạng nếu cơn đau xuất hiện khi đang nghỉ ngơi, tăng về tần số và cường độ hoặc không giảm khi đã dùng ít nhất 3 viên nitroglycerin cách nhau mỗi 5 phút.
  • Điều này gợi ý đến một cơn đau thắt ngực không ổn định, có thể là triệu chứng báo hiệu một cơn nhồi máu cơ tim sắp diễn ra.

Triệu chứng của bóc tách động mạch chủ

Đau ngực liên quan đến bóc tách động mạch chủ xuất hiện đột ngột và được mô tả tính chất như là một cơn đau “xé”.

  • Đau có thể lan ra sau lưng hoặc giữa hai vai.
  • Vì động mạch chủ cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể nên bóc tách động chủ có thể bao gồm những triệu chứng sau:
    • Đau kiểu nhồi máu cơ tim.
    • Hụt hơi
    • Ngất
    • Đau bụng
    • Hoặc các triệu chứng của tai biến mạch máu não.

Thuyên tắc đông mạch phổi

Những triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi bao gồm:

  • Đột ngột thở hụt hơi
  • Thở nhanh
  • Đau nhói giữa ngực và tăng khi hít sâu.

Tràn khí màng phổi

Những triệu chứng của tràn khí màng phổi bao gồm:

  • Đột ngột thở hụt hơi
  • Đau nhói ở ngực
  • Nhịp tim nhanh
  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Ngất

Thủng tạng rỗng

Triệu chứng của thủng tạng rỗng xuất hiện bất ngờ với các biểu hiện như đau bụng, ngực và/ hoặc lưng dữ dội. Đau bụng có thể tăng khi di chuyển hoặc hít thở và có thể kèm với dấu hiệu thành bụng cứng và chắc như gỗ.

Viêm màng ngoài tim

Cơn đau đặc trưng của viêm màng ngoài tim được miêu tả như sau: đau nhói hoặc đau như dao đâm ở giữa ngực và nặng thêm khi hít sâu.

  • Đau có thể tương tự như nhồi máu cơ tim do nó có thể lan ra sau lưng trái hoặc vai trái.
  • Dấu hiệu phân biệt là nếu viêm màng ngoài thì cơn đau sẽ tăng khi nằm thẳng và giảm khi nghiêng người ra phía trước. Khi nằm thẳng, màng tim bị viêm sẽ tiếp xúc trực tiếp với tim và gây ra đau. Khi nghiêng người ra phía trước, sẽ tạo ra một khoảng trống giữa màng tim và tim do đó bệnh nhân sẽ giảm đau.
  • Nhiều người cho biết họ bị lạnh, sốt, thở hụt hơi hoặc đau khi nuốt trước khi phát hiện viêm ngoài màng tim.

Sa van 2 lá

Sa van 2 lá thường không có triệu chứng nhưng một số người cảm thấy đánh trống ngực (cảm giác tim đập mạnh hoặc nhanh) và đau ngực.

  • Đau ngực do sa van 2 lá khác với đau thắt ngực là đau nhói, không lan và không liên quan đến gắng sức.
  • Những triệu chứng khác bao gồm mệt, choáng váng và hụt hơi.
  • Những biến chứng gồm nhiễm trùng van tim, trào ngược ở van 2 lá (một dòng máu bất thường chảy ngược vào các buồng tim), và nhịp tim bất thường, đôi khi có thể gây đột tử.

Viêm phổi

Đau ngực do viêm phổi xuất hiện khi bị ho o dài hoặc mạnh.

Đau ngực thường ở 1 bên và nặng thêm khi ho.

Những triệu chứng khác có liên quan bao gồm sốt, ho có đàm, và thở hụt hơi.

Những triệu chứng liên quan đến thực quản

Đối với những trường hợp đau ngực xuất phát từ thực quản, những triệu chứng phụ thuộc vào các nguyên nhân sau:

  • Những triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản:
    • Ợ nóng
    • Nuốt đau
    • Tiết nhiều nước bọt quá mức
    • Cảm thấy khó chịu ở ngực
    • Cảm giác đè nặng ngực
    • Đau thắt theo chiều dọc ở giữa ngực
    • Bạn cảm thấy khó chịu hoặc cảm thấy:
    • Những triệu chứng khác bao gồm:
      • Đau họng
      • Cảm thấy dắng hoặc chua ở miệng hay họng
      • Khàn tiếng
      • Ho khan kéo dài
    • Đau do GERD thường giảm với thuốc kháng acid.
  • Những triệu chứng của viêm thực quản gồm nuốt khó, nuốt đau, hoặc những triệu chứng của GERD. Đau ngực có thể xuất hiện đột ngột và không giảm với thuốc kháng acicd.
  • Đau trong co thắt thực quản thường không liên tục và mơ hồ. Thường đau ở giữa ngực có thể lan ra sau lưng, lên cổ hoặc vai.

Nếu bạn có những triệu chứng của đau ngực đặc biệt là lần đầu tiên, bạn nên đi đến bệnh viện.

  • Bạn có thể gọi xe cấp cứu hoặc nhờ ai đó chở đến phòng cấp cứu gần nhất. Không nên tự lái xe một mình.

  • Vì nhiều nguyên nhân đau ngực thường tương tự như nhồi máu cơ tim hoặc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng khác nên cần phải để các bác sĩ can thiệp nhanh nhất trong mức có thể.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhồi máu cơ tim hoặc những cơn đau ngực nguy hiểm đến tính mạng, hãy gọi xe cấp cứu và đi đến bệnh viện ngay. Không cố gắng tự lái xe một mình.

  • Nếu bạn bị nhồi máu cơ tim, thời gian rất quan trọng. Thời gian bạn chờ đợi để được chẩn đoán và điều trị càng lâu thì càng có nhiều cơ tim bị tổn thương.

  • Nếu bạn bị đau ngực do một nguyên nhân nghiêm trọng đang diễn ra, các bác sĩ có thể sẽ can thiệp sớm bằng những biện pháp hiệu quả để làm giảm nguy cơ dẫn đến tử vong hoặc các hậu quả nặng nề. Những phương pháp điều trị này có thể có hiệu quả tốt trong chất lượng sống lâu dài của bạn.

Nếu không phải nhồi máu cơ tim hoặc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng:

  • Bạn sẽ không thể khẳng định được chắc chắn cho đến khi các bác sĩ tìm ra được nguyên nhân đau ngực của bạn. Do đó, đừng nên tự lo lắng một cách quá mức.

  • Nếu triệu chứng đau ngực của bạn không nguy hiểm đến tính mạng, bạn không nên cảm thấy bối rối hoặc nghĩ rằng mình đang làm mất thời gian của mọi người. Dù kết quả có thế nào đi chăng nữa, bạn luôn luôn phải đi đến bệnh viện hoặc phòng cấp cứu gần nhất.

  • Khi bị đau ngực, bất kể nó có phải là do những nguyên nhân có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân hay không thì cũng đều cần phải được các bác sĩ đánh giá một cách kỹ lưỡng. Hãy chắc chắn rằng mình đã có một quyết định đúng đắn và cảm thấy thoải mái khi đến phòng cấp cứu mỗi khi bạn bị đau ngực.

Nhồi máu cơ tim

Tại phòng cấp cứu, bác sĩ sẽ thực hiện 3 thủ thuật để chẩn đoán xác định xem bệnh nhân có bị nhồi máu cơ tim hay không:

  • Đầu tiên, thu nhập những triệu chứng của bệnh nhân.

  • Thứ hai, thực hiện ECG (điện tâm đồ), đây là một phương pháp để đo điện học các hoạt động của tim. ECG có thể cho ta biết được những mạch máu nào bị tắc hoặc bị hẹp.

  • Thứ ba, đo các enzyme do cơ tim sản xuất khi chúng không nhận đủ oxy. Những enzyme này có thể được nhận biết bằng xét nghiệm máu và được gọi là men tim.

Đau thắt ngực

Các bác sĩ cũng sử dụng những phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim để chẩn đoán đau thắt ngực.

  • Trong đau thắt ngực, các xét nghiệm cho thấy không có sự tổn thương vĩnh viễn của cơ tim.

  • Chẩn đoán chỉ được xác định sau khi đã có đủ bằng chứng để loại trừ nhồi máu cơ tim, thường là kết quả âm tính ở cả 3 lần thực hiện xét nghiệm men tim.

  • Mặc dù ECG có thể cho thấy có bất thường, những thay đổi này có thể trở về bình thường.

  • Một phương pháp khác để chẩn đoán đau thắt ngực là stress test: những xét nghiệm này sẽ ghi nhận ECG trong khi tập luyện hoặc những gắng sức khác nhằm khẳng định có những chỗ hẹp trong mạch máu của tim.

  • Thông tim được sử dụng để xác định chỗ hẹp. Đây là phương pháp chụp X – quang chuyên biệt. Phương pháp này sử dụng một loại thuốc nhuộm vô hại để làm nổi bật những chỗ hẹp hoặc những bất thường khác của mạch máu.

Bóc tách động mạch chủ

Chẩn đoán bóc tách động mạch chủ dựa trên những triệu chứng mà bệnh nhân mô tả, X – quang ngực, và các chẩn đoán hình ảnh chuyện biệt khác.

  • Trên X – quang ngực, động mạch chủ sẽ có những đường viền bất thường hoặc xuất hiện những chỗ phình ra.

  • Siêu âm tim qua ngã thực quản là phương pháp siêu âm đặc biệt. Ở phương pháp này, người ta đưa đầu dò siêu âm vào bên trong thực quản để quan sát tim. Kỹ thuật này được thực hiện sau khi cho thuốc giảm đau hoặc gây mê.

  • Bóc tách động mạch chủ có thể được xác định chắc chắn nhờ vào CT scan ngực hoặc chụp mạch máu.

Thuyên tắc mạch máu phổi

Chẩn đoán thuyên tắc mạch máu phổi có thể được xác định dựa trên nhiều dữ kiện khác nhau:

  • Sự miêu tả các triệu chứng của bệnh nhân, kết quả trên ECG và X – quang ngực có thể góp phần chẩn đoán nhưng không phải là yếu tố quyết định

  • Những bệnh nhân được chẩn đoán xác định nếu có những triệu chứng do cục máu đông ở chân.

  • Bác sĩ sẽ lấy máu động mạch để đo nồng độ oxy và các chất khí có trong máu bệnh nhân (khí máu động mạch). Những bất thay đổi thường về nồng độ các chất khí trong máu cho biết phổi gặp vấn đề trong việc cung cấp đủ lượng oxy cho cơ thể.

  • V/Q scan (ventilation-perfusion scan) được dùng để so sánh lượng máu chảy qua với lượng oxy nhận vào ở những phần khác nhau của phổi. Nếu có bất thường chỉ ở một phần nào đó của phổi cũng có thể chẩn đoán là tắc mạch phổi.

  • Có thể chụp CTScan ở phổi thay vì V/Q scan để chẩn đoán xác định bệnh nhân có tắc mạch phổi hay không.

Tràn khí màng phổi nguyên phát

Chẩn đoán tràn khí màng phổi nguyên phát dựa trên khám lâm sàng và X – quang ngực. CTScan có thể có ích trong việc xác định những vùng tràn khí nhỏ.

Thủng tạng rỗng

Thường được xác định bằng X – quang ngực với tư thế đứng hoặc X – quang bụng với tư thế nằm nghiêng sang trái.

  • Chụp X – quang ở những tư thế này có làm cho khí đi về phía cơ hoành, giúp phát hiện ra dễ dàng.

  • Những triệu chứng, kết quả khám lâm sàng và những xét nghiệm khác cũng hổ trợ chẩn đoán.

Viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim cấp được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng của bệnh nhân, ECG chuỗi, và siêu âm tim. Một số xét nghiệm khác cũng có ích trong việc xác định nguyên nhân.

Viêm phổi

Viêm phổi được chẩn đoán dựa vào những triệu chứng của bệnh nhân, bệnh sử, khám lâm sàng và X – quang ngực.

Những bệnh liên quan đến thực quản

Những bệnh liên quan đến thực quản gây đau ngực đuợc chẩn đoán dựa trên nguyên tắc loại trừ. Chẩn đoán sẽ được xác định dựa trên những triệu chứng của bệnh nhân, bệnh sử và sau khi đã loại trừ các nguyên nhân từ tim và theo dõi xem bệnh nhân có giảm đau khi sử dụng thuốc kháng acid hay không.


Chăm sóc tại nhà

Nhồi máu cơ tim

Nếu bạn nghĩ bạn hay ai đó có thể bị nhồi máu cơ tim, hãy gọi xe cấp cứu ngay hoặc đến bệnh viện gần nhất.

  • Trong khi chờ xe cấp cứu, cho bệnh nhân nhai 2 viên aspirin của trẻ em hoặc tổi thiểu ½ viên aspirin thông thường – tổi thiểu 160mg. Không có bằng chứng cho thấy dùng nhiều aspirin hơn sẽ có hiệu quả hơn mà ngược lại còn có thể gây ra những tác dụng phụ đối với bệnh nhân.

  • Điều quan trọng là nhai aspirin trước khi nuốt vì sẽ giảm thời gian thuốc chuyển hóa trong cơ thể đến khi có tác dụng.

  • Nhai aspirin trong giai đoạn sớm của nhồi máu cơ tim có thể làm giảm nguy cơ tử vong và giảm độ nặng của cơn nhồi máu.

Đau thắt ngực

Nếu bệnh nhân bị đau thắt ngực và có sẵn nitroglycerin, hãy ngậm 1 viên dưới lưỡi. Thuốc có thể giúp tăng lượng máu tới những động mạch bị tắc hoặc hẹp.

  • Nếu đau ngực vẫn còn sau 5 phút, ngậm tiếp 1 viên khác dưới lưỡi.

  • Sau khi sử dụng 3 viên nitroglycerin mà bệnh nhân vẫn không giảm đau, ngay lập tức gọi xe cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

Can thiệp y học

Nhồi máu cơ tim

Điều trị nhồi máu cơ tim nhằm mục tiêu tăng lưu lượng máu bằng cách thông những động mạch bị tắc nghẽn hoặc hẹp do máu đông.

  • Những thuốc được sử dụng cho mục đích trên bao gồm aspirin, heparin và những thuốc làm tan máu.

  • Những thuốc khác có thể được sử dụng để làm chậm nhịp tim do đó sẽ làm giảm khối lượng làm việc của tim và giảm đau.

  • Nong mạch vành là phương pháp làm thông động mạch. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được chụp mạch máu để xác định vị trí bị tắc hoặc bị hẹp. Một ống nhựa dẻo có đường kính nhỏ được gọi là catheter được luồn vào trong mạch vành, sau đó một quả bong bóng nhỏ ở cuối ống được bơm phồng lên. Nó sẽ làm cho mạch vành mở rộng ra , tạo một lối đi rộng hơn cho dòng máu. Sau đó bóng được xả và lấy ra ngoài. Đôi khi, người ta dùng một khung đỡ nhỏ bằng kim loại (stent) được đặt vào trong mạch vành để giữ cho những mạch máu được mở rộng.

  • Cần phải phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc thất bại, bao gồm nong mạch vành hoặc thay tim.

Đau thắt ngực

Mục tiêu điều trị đau thắt ngực là làm giảm đau ngực do lượng máu đến tim giảm.

  • Nitroglycerin được sử dụng rộng rãi nhất có tác dụng làm giãn mạch vành, thường được ngậm dưới lưỡi.

  • Đau thắt ngực được điều trị với 3 liều nitroglycerin cách nhau 5 phút.

  • Nếu vẫn còn đau, dùng nitroglycerin tiêm tĩnh mạch và cho bệnh nhân nhập viện để được theo dõi nhằm loại trừ nhồi máu cơ tim.

  • Sau khi điều trị giai đoạn đầu của đau thắt ngực, điều trị lâu dài tập trung vào mục tiêu làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.

Bóc tách động mạch chủ

Mục tiêu điều trị bóc tách động mạch chủ là làm giảm huyết áp.

  • Những thuốc làm giảm nhịp tim và giãn mạch được sử dụng rộng rãi nhất.

  • Theo dõi huyết áp thường xuyên tránh để huyết áp thấp quá, như vậy sẽ rất nguy hiểm.

  • Cần phải phẫu thuật nếu bị bóc tách phần lên của động mạch chủ.

Thuyên tắc động mạch phổi

Những người nghi ngờ hoặc được ghi nhận là thuyên tắc động mạch phổi được đề nghị nhập viện.

  • Điều trị bao gồm tăng cung cấp oxy, cho thuốc kháng đông như heparin.

  • Nếu chỗ thuyên tắc quá lớn, thuốc làm tan máu đông được sử dụng trong một số trường hợp.

  • Một số người phải trải qua phẫu thuật để đặt một tấm lọc có dạng giống như cái dù vào mạch máu để ngăn không cho cục máu đông đi từ chi dưới lên phổi.

Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi được xem là không có triệu chứng là khi bệnh nhân được theo dõi ở bệnh viện trong vòng 6 giờ và chụp X – quang ngực nhiều lần.

  • Nếu kích thước của vùng tràn khí không thay đổi, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vòng 24 giờ.

  • Nếu xuất hiện triệu chứng hoặc vùng tràn khí lớn hơn, bệnh nhân sẽ được nhập viện để phẫu thuật đặt catheter nhằm dẫn lưu chất khí hoặc hoặc đặt một ống luồn vào lồng ngực để phục hồi áp suất âm trong lồng ngực.

Thủng tạng rỗng

Thủng ruột rất nguy hiểm đến tính mạng và cần phải được phẫu thuật ngay lập tức.

Viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim do virus được điều trị từ 7 – 12 ngày với thuốc kháng viêm nonsteroid như aspirin và ibuprofen.

Viêm phổi

Viêm phổi được điều trị với kháng sinh và thuốc giảm đau khi bệnh nhân bị nhạy cảm ở thành ngực.

Viêm sụn sườn

Thường được điều trị với kháng viêm nonsteroid như inbuprofen.

Những bệnh của thực quản

Có 3 bệnh chính của thực quản gây ra đau ngực: 1) trào ngược dạ dày thực quản (GERD), 2) viêm thực quản, 3)co thắt thực quản, đều được điều trị với thuốc kháng acid, kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm, thuốc giãn cơ thực quản hoặc kết hợp những thuốc trên.


Theo dõi

Bất kể nguyên nhân đau ngực là gì bạn nên đi tái khám thường xuyên. Việc này sẽ giúp sức khỏe của bạn hồi phục và tránh tình trạng xấu đi.

Phòng ngừa

Nhồi máu cơ tim

Cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực là có một lối sống tốt để có một trái tim khỏe mạnh. Giảm những yếu tố nguy cơ cho thấy rất có hiệu quả.

  • Không hút thuốc

  • Giữ cân nặng lý tưởng.

  • Ăn những thức ăn dinh dưỡng, ít béo với lượng vừa phải.

  • Nếu bạn uống những chất có cồn, chỉ sử dụng với lượng vừa phải (tốt nhất rượu 1 ly nhỏ/ngày, bia 1 lon/ngày, rượu vang 150ml).

  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

  • Kiểm soát huyết áp và lượng cholesterol trong máu.

  • Nếu bạn bị tiểu đường, cần kiểm soát lượng đường trong máu hằng ngày.

Bóc tách động mạch chủ

Có thể phòng ngừa bóc tách động mạch chủ bằng cách kiểm soát huyết áp và theo dõi thường xuyên hơn nếu bệnh nhân có tiền căn gia đình về bệnh này.

Thuyên tắc động mạch phổi

Cách phòng ngừa thuyên tắc động mạch phổi là có một lối sống tốt để có 1 trái tim khỏe mạnh

  • Không nên hút thuốc, đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao đối với thuốc lá là phụ nữ trên 35 tuổi và có sử dụng thuốc ngừa thai.

  • Khi phải ngồi trong một thời gian dài (như đi ôtô, xe lửa, máy bay…) hoặc bất động chân lâu, bạn nên duỗi thẳng chân ra, đứng dậy và đi lại. Xoa bóp bắp chân cũng rất có ích nếu bạn không thể đi lại.

  • Nếu chân bị sưng, đặc biệt mất cân xứng giữa 2 chân, bạn nên đi khám bác sĩ.

  • Bạn nên uống thuốc kháng đông phòng ngừa sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật chỉnh hình.

Tràn khí màng phổi nguyên phát

Ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ tràn khí màng phổi nguyên phát.

Thủng tạng rỗng

Điều trị loét dạ dày tá tràng và tránh nuốt những vật lạ có thể giảm nguy cơ thủng tạng rỗng.

Viêm màng ngoài tim

Vì nhiều trường hợp viêm màng ngoài tim có nguyên nhân là virus nên việc rửa tay sạch sẽ có thể làm giảm nguy cơ lây truyền virus.

Viêm phổi

Rửa tay sạch sẽ và giữ vệ sinh tốt sẽ làm giảm sự lây truyền virus và vi trùng có thể gây viêm phổi.

Sa van 2 lá

Không có biện pháp phòng ngừa

Những bệnh liên quan đến thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở một số trường hợp:

  • Tránh thức ăn và những chất gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng, đặc biệt là những thức ăn có nhiều dầu mỡ.

  • Ngưng hút thuốc.

  • Hạn chế sử dụng thức uống có cồn.

  • Tránh ăn quá nhiều.

  • Tránh ăn trước khi ngủ ít hơn 3 tiếng.

  • Tránh nằm nghiêng sang phải sau khi ăn.

  • Nằm đầu cao.

Tiên lượng

Can thiệp y học sớm có thể cải thiện được khả năng sống còn đối với những bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng có triệu chứng đau ngực.

Nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực không ổn định: những bệnh tim bao gồm nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người trưởng thành tại Mỹ. Theo báo cáo của Hiệp Hội Tim Mạch Mỹ, gần 900,000 ngừời chết mỗi năm do bệnh mạch vành. Khả năng sống sau nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân nhận được sự điều trị, vùng bị tổn thương và mức độ lan rộng của tổn thương cùng với những yếu tố nguy cơ khác.

Bóc tách động mạch chủ: Đây là một tình trạng gây nguy hiểm đến tính mạng rất cần phải điều trị. Nếu không được điều trị, 33% bệnh nhân chết trong 24 giờ đầu và 50% bệnh nhân chết trong vòng 48 giờ. Tỷ lệ tử vong trong vòng 2 tuần lên đến khoảng 75% ở những bệnh nhân bị bóc tác phần lên của động mạch chủ không được chẩn đoán. Một nghiên cứu của đại học Michigan cho thấy 90% bệnh nhân ở tình trạng nặng nhất còn sống sau khi được đưa đến phòng cấp cứu và được nhập viện có thể sống tiếp 3 năm sau đó.

Thuyên tắc mạch máu phổi: Ngay cả khi được điều trị sớm, 1/10 bệnh nhân thuyên tắc mạch máu phổi vẫn tử vong trong vòng 1 giờ đầu. Thống kê của Hiệp Hội Tim Mạch Mỹ cho thấy có 600,000 người Mỹ bị thuyên tắc mạch máu phổi và khoảng 60,000 người chết vì nó. Bệnh có thể được điều trị nếu diễn tiến không nhanh và phát hiện sớm. Bệnh nhân thường được điều trị bằng cách làm loãng máu.

Tràn khí màng phổi: Hầu hết bệnh nhân bị bệnh này đều có thể hồi phục hoàn toàn sau một thời gian điều trị nếu không có những tổn thương ảnh hưởng đến tính mạng khác (như trong tai nạn giao thông). Nó xảy ra ở hấu hết những người trẻ, ốm, cao, không có bệnh phổi. Những bệnh nhân bị tràn khí màng phổi nguyên phát, có nguy cơ tái phát khoảng 50%. Những bệnh khác gây tràn khí màng phổi và có những biến chứng do đặt dẫn lưu có thể làm bệnh nặng và kéo dài hơn.

Thủng tạng rỗng: Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, tiên lượng bệnh sẽ tốt ở những người khỏe mạnh. Nếu tình trạng sức khỏe xấu, tiên lượng bệnh cũng sẽ xấu đi.

Viêm màng ngoài tim cấp: mặc dù diễn tiến bệnh khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên tiên lượng bệnh vẫn tốt nếu bệnh được điều trị ngay lập tức. Hầu hết các trường hợp sẽ khỏi bệnh trong vòng 2 tuần đến 3 tháng.

Viêm phổi: ở người trưởng thành trẻ tuổi khỏe mạnh, tiên lượng viêm phổi tốt nếu được điều trị đúng. Tiên lượng xấu hơn đối với những bệnh nhân lớn tuổi, và ở những người có tình trạng suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS.

Đau ngực do những bệnh thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ảnh hưởng đến ¼ những người trưởng thành và có tỉ lệ tử vong rất thấp. Viêm thực quản có thể dẫn đến loét, tạo sẹo, hoặc hẹp thực quản. Ngoại trừ thủng thực quản có tỉ lệ tử vong rất cao, tất cả những bệnh trên đều có tiên lượng tốt kể cả co thắt thực quản.

Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases