Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Rong kinh
Chảy máu nhiều khi hành kinh ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; mất nhiều máu và đau bụng nhiều ở tất cả các lần hành kinh làm cho không thể duy trì được những sinh hoạt hằng ngày. Thuật ngữ dùng để chỉ chung những tình trạng như vậy (chảy máu nhiều hoặc kéo dài hoặc cả hai) là rong kinh.
Mặc dù xuất huyết nặng khi hành kinh là một vấn đề thường gặp ở những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, nhưng một số phụ nữ mất máu nhiều đến mức có thể được xếp vào tình trạng rong kinh. Nếu lượng máu mất trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn quá nhiều khiến cho bạn cảm thấy sợ hãi mỗi lần hành kinh, bạn có thể trao đổi với bác sĩ vì có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng rong kinh này.
TRIỆU CHỨNG
Ở chu kỳ kinh nguyệt bình thường:
- Hành kinh sau mỗi 21 đến 35 ngày.
- Kéo dài từ 4 đến 5 ngày.
- Lượng máu mất di động từ 2 đến 3 muống canh (30 đến 44 ml).
Kinh nguyệt không xảy ra theo một cách giống nhau ở tất cả mọi phụ nữ. Chu kỳ kinh nguyêt của bạn có thể đều hoặc không, hành kinh ít hoặc nhiều, đau hoặc không đau, thời gian ngắn hoặc kéo dài nhưng tất cả đều vẫn có thể được xem là bình thường. Rong kinh là khi lượng máu mất khi hành kinh lên đến 5,5 muỗng canh (81 ml) hoặc nhiều hơn.
Những dấu hiệu và triệu chứng rong kinh bao gồm:
- Lượng máu kinh làm thấm ướt từ 1 băng vệ sinh hoặc tampon trở lên trong mỗi giờ trong vòng 6, 7 giờ kế tiếp nhau.
- Cần phải dùng đến băng vệ sinh đôi để kiểm soát máu kinh chảy ra ngoài.
- Cần phải thay băng vệ sinh trong đêm.
- Thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
- Máu kinh chảy ra có những cục máu đông lớn
- Máu kinh chảy ra nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
- Mệt mỏi, khó thở (là những triệu chứng của thiếu máu).
Khi nào cần đến gặp bác sĩ:
Thông thường các bác sĩ hay khuyên tất cả những phụ nữ đang trong độ tuổi hoạt động tình dục và những phụ nữ trên 21 tuổi đi khám phụ khoa hằng năm và làm Pap định kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mình bị chảy máu âm đạo nặng hoặc không đều, hãy lên lịch gặp bác sĩ và ghi nhận lại những thời điểm bị chảy máu trong tháng của mình. Nếu bạn bị xuất huyết âm đạo nặng - thấm ướt ít nhất là 1 băng vệ sinh trong 1 giờ và tình trạng này kéo dài hơn vài giờ - hãy đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ. Hãy gọi cho bác sĩ bất cứ khi nào bạn bị xuất huyết âm đạo nặng sau khi đã mãn kinh.
Trong một số trường hợp có thể không tìm thấy nguyên nhân gây rong kinh, nhưng có một số tình trạng có thể gây ra rong kinh. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Mất cân bằng hormon. Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự cân bằng giữa hormon estrogen và progesterone giúp điều hòa sự dày lên của lớp niêm mạc lót mặt trong tử cung (nội mạc tử cung), là lớp sẽ bị bong tróc ra trong khi hành kinh. Nếu sự mất cân bằng xảy ra, lớp nội mạc sẽ tăng sinh (dày lên) quá mức và cuối cùng là bong tróc ra gây chảy máu nặng nề.
- Rối loạn chức năng của buồng trứng. Không rụng trứng có thể gây mất cân bằng hormon và dẫn đến rong kinh.
- U xơ tử cung. Những khối u lành tính (không phải ung thư) của tử cung xuất hiện trong độ tuổi sinh đẻ. U xơ tử cung có thể gây ra tình trạng hành kinh nặng nề hoặc kéo dài hơn bình thường.
- Polyp. Là những vùng tăng sinh nhỏ, lành tính của lớp niêm mạc thành tử cung (polyp tử cung), và chúng có thể gây ra tình trạng chảy máu kinh nặng nề và kéo dài. Polyp tử cung thường xuất hiện ở những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ và là kết quả của sự gia tăng nồng độ hormon trong cơ thể.
- Lạc nội mạc tử cung. Đây là tình trạng các tuyến của nội mạc tử cung nằm bên trong cơ tử cung gây ra chảy máu nặng nề và đau đớn. Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra nhất ở những phụ nữ ở độ tuổi trung niên và có nhiều con.
- Dụng cụ tử cung. Rong kinh đã được biết là một tác dụng phụ khi sử dụng dụng cụ tử cung để tránh thai. Khi nó gây rong kinh nặng, có thể bạn sẽ cần phải lấy nó ra.
- Biến chứng thai kỳ. Một đợt hành kinh nặng nề, đơn độc và xuất hiện trễ có thể là do sẩy thai. Tuy nhiên, nếu hiện tượng xuất huyết xảy ra trùng với thời điểm hành kinh thì sẩy thai có thể không phải là nguyên nhân. Thai lạc chỗ - trứng đã được thụ tinh và làm tổ ở vòi trứng chứ không phải ở tử cung - cũng có thể gây ra rong kinh.
- Ung thư. Trong một số trường hợp hiếm gặp, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung có thể gây rong kinh.
- Những rối loạn gây xuất huyết do di truyền. Một số rối loạn về đông máu - chẳng hạn như bệnh Willebrand, là tình trạng một yếu tố đông máu quan trọng bị thiếu hoặc suy giảm - có thể gây ra chảy máu kinh bất thường.
- Thuốc. Một số loại thuốc, bao gồm những thuốc kháng viêm và kháng đông (để ngừa đông máu), có thể góp phần gây hành kinh kéo dài hoặc nặng nề. Sử dụng thuốc có chứa hormon không đúng cách có thể gây ra rong kinh.
- Một số loại bênh khác. Có một số loại bệnh, bao gồm bên viêm vùng chậu, bệnh tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung, và những bệnh về gan và thận cũng có thể gây rong kinh.
Rong kinh có nguyên nhân thường gặp nhất là sự mất cân bằng hormon gây ra bởi những chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng. Ở một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, trứng sẽ được phóng thích ra khỏi buồng trứng và hiện tượng này kích thích cơ thể sản xuất ra progesterone, là một loại hormon nữ chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc giữ cho chu kỳ kinh nguyệt được đều đặn. Nếu không có trứng được phóng thích ra, progesterone có thể sẽ gây ra chảy máu nặng trong khi hành kinh.
Những chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng thường gặp nhất trong 2 nhóm người sau đây:
- Những cô gái tuổi mới lớn và vừa mới bắt đầu có kinh nguyệt. Những người này thường có những chu kỳ không rụng trứng trong một năm rưỡi đầu tiên tính từ sau chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của cuộc đời.
- Những phụ nữ lớn tuổi sắp mãn kinh. Những phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 50 là những người bị gia tăng nguy cơ thay đổi hormon dẫn đến những chu kỳ không rụng trứng.
Rong kinh có thể dẫn đến những rối loạn về sức khỏe, bao gồm:
- Thiếu máu thiếu sắt. Đây là loại thiếu máu thường gặp nhất, là tình trạng máu có nồng độ hemoglobin thấp, hemoglobin là một chất giúp các hồng cầu có thể mang oxy đến cho các mô. Nồng độ hemoglobin thấp có thể là kết quả của tình trạng thiếu sắt. Rong kinh làm giảm nồng độ sắt đủ để gia tăng nguy cơ bị thiếu máu thiêu sắt. Những dấu hiệu và triệu chứng bao gồm xanh nhợt, yếu ớt và mệt mỏi. Mặc dù chế độ ăn cũng đóng vai trò trong bệnh thiếu máu thiếu sắt, nhưng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn nếu có rong kinh. Hầu hết những trường hợp bị thiếu máu đều nhẹ, nhưng ngay cả khi bị thiếu máu nhẹ cũng có thể gây yếu ớt và mệt mỏi. Thiếu máu từ trung bình đến nặng có thể gây khó thở, tăng nhịp tim, choáng váng và nhức đầu.
- Đau nhức nặng. Rong kinh thường đi kèm với đau bụng kinh. Đôi khi cơn đau xuất hiện kèm với rong kinh có thể nặng đến mức bệnh nhân cần phải được bác sĩ cho thuốc hoặc phẫu thuật.
Nếu giai đoạn hành kinh của bạn quá nặng nề khiến hạn chế những hoạt động bình thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ.
Dưới đây là một số thông tin giúp bạn có thể chuẩn bị cho cuộc gặp được tốt nhất và những gì bạn mong chờ được từ bác sĩ.
Những gì bạn cần làm:
- Hỏi bác sĩ xem bạn có thể chuẩn bị trước những gì cho cuộc đi khám. Khi gọi cho bác sĩ để hẹn ngày khám, bạn cũng có thể hỏi xem bạn cần phải chuẩn bị những gì. Chẳng hạn như bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi lại ngày tháng, độ dài, và độ nặng của những lần hành kinh của bạn trên lịch.
- Ghi nhận lại những triệu chứng mà bạn cảm nhận được, và thời gian kéo dài của chúng. Ngoài thông tin về tần số và lượng máu kinh chảy ra trong một chu kỳ của bạn, bạn cũng cần phải nói cho bác sĩ biết những triệu chứng khác thường xảy ra gần với khoảng thời gian hành kinh của mình, chẳng hạn như triệu chứng căng, tức ngực hoặc đau vùng chậu.
- Ghi nhận lại những thông tin trong đời sống cá nhân, chẳng hạn như những thay đổi hoặc những áp lực xảy ra gần đây trong cuộc sống của bạn. Những yếu tố này cũng có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Ghi nhận lại những thông tin về sức khỏe và bệnh tật của mình, bao gồm những bệnh bạn đang được điều trị và tên những loại thuốc, những loại vitamin hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng.
- Viết lại những câu hỏi mà bạn cần bỏi bác sĩ. Tạo ra trước danh sách các câu hỏi mà bạn cần hỏi bác sĩ để có thể tận dụng được tối đa khoảng thời gian bạn đến khám bệnh.
Đối với rong kinh, một số câu hỏi cơ bản mà bạn có thể hỏi bác sĩ bao gồm:
- Chu kỳ của tôi có diễn ra nặng quá mức bình thường không?
- Những xét nghiệm hoặc thủ thuật nào cần làm để chẩn đoán được tình trạng của tôi?
- Bác sĩ thấy tôi nên thử cách điều trị nào đầu tiên?
- Nếu cách điều trị đầu tiên không có tác dụng, tôi phải thử đến cách điều trị nào?
- Những cách điều trị trên có gây ra những tác dụng phụ nào hay không?
- Những cách điều trị trên có ảnh hưởng đến khả năng có con sau này của tôi không?
- Tôi có thể thực hiện những thay đổi nào về cách sống để có thể làm giảm hoặc kiểm soát được những triệu chứng của mình?
- Bác sĩ có nghĩ rằng những triệu chứng của tôi sẽ thay đổi theo thời gian không?
Ngoài những câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn, đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác trong suốt cuộc khám bệnh vào bất kỳ thời điểm nào mà bạn nghĩ bạn chưa hiểu một điều gì đó.
Bác sĩ sẽ làm những gì:
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy sẵn sàng để trả lời chúng để có thể tận dụng thời gian cho những vấn đề khác mà bạn quan tâm nhiều nhất. Bạn có thể sẽ được hỏi những câu hỏi sau:
- Bạn bắt đầu có kinh lần đầu tiên vào năm mấy tuổi?
- Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thay đổi theo thời gian không?
- Bạn có cảm thấy căng tức vú hoặc đau ở vùng chậu trong chu kỳ kinh nguyệt không?
- Chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài trong bao lâu?
- Tần số thay đổi băng vệ sinh hoặc tampoon mỗi lần hành kinh?
- Có khi nào bạn cần phải dùng băng vệ sinh hoặc tampon đôi trong cùng 1 thời điểm khi hành kinh hay không?
- Bạn có bị đau bụng nặng nề khi hành kinh không?
- Bạn có cảm thấy mệt mỏi mỗi khi hành kinh không?
- Mức độ tập thể dục của bạn?
- Cân nặng của bạn trong thời gian gần đây có thay đổi không?
- Gần đây bạn có gặp những áp lực hoặc những khó khăn về cảm xúc, tình cảm nào hay không?
- Bạn có quan hệ tình dục không?
- Bạn có người thân trong gia đình (cùng huyết thống) bị những rối loạn về chảy máu không?
- Những triệu chứng có làm cản trở (giới hạn) khả năng hoạt động của bạn hay không? Chẳng hạn như bạn có phải nghỉ học hoặc nghỉ làm trong những ngày hành kinh hay không?
- Ở thời điểm hiện tại hoặc gần đây bạn có từng được điều trị những loại bệnh nào khác hay không?
Bạn có thể làm gì trong thời gian chờ đợi:
Trong khi chờ đợi đi khám bệnh, bạn có thể kiểm tra xem những thành viên trong gia đình mình (cùng huyết thống) có ai đã được chẩn đoán là bị những rối loạn về chảy máu hay không. Ngoài ra, bạn cũng có thể ghi chú lại số lần và số lượng xuất huyết của bạn mỗi lần hành kinh. Để theo dõi lượng máu mất, bạn có thể đếm số băng vệ sinh hoặc số tampon bị thấm ướt trong một chu kỳ kinh nguyệt trung bình.
KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN
Thường thì các bác sĩ sẽ hỏi bạn về diễn tiến bệnh và những thông tin về chu kỳ kinh nguyệt. Bạn cũng có thể được yêu cầu ghi lại nhật ký những ngày có xuất huyết và những ngày không, bao gồm những ghi chú về mức độ nặng của kinh nguyệt và bao nhiêu băng vệ sinh cần thiết để kiểm soát nó. Bác sĩ sẽ khám cho bạn và cho làm một hoặc nhiều xét nghiệm hoặc thủ thuật, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu. Bạn sẽ được rút một mẫu máu để đánh giá trong trường hợp bạn bị mất máu quá nhiều đến mức trở nên thiếu máu. Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để kiểm tra xem bạn có bị những rối loạn về tuyến giáp hoặc về khả năng đông máu hay không.
- Xét nghiệm Pap. Bác sĩ cũng có thể thu thập những tế bào ở cổ tử cung của bạn để quan sát trên kính hiển vi giúp phát hiện ra viêm, nhiễm trùng hoặc những biến đổi có khả năng là ung thư hoặc có thể dẫn đến ung thư.
- Sinh thiết nội mạc tử cung. Bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu mô ở bên trong tử cung của bạn để khảo sát dưới kính hiển vi.
- Siêu âm. Đây là phương tiện khảo sát hình ảnh học dùng sóng âm để dựng lại hình ảnh của tử cung, buồng trứng và khung chậu của bệnh nhân.
Dựa trên kết quả của những xét nghiệm và khảo sát ban đầu kể trên, bác sĩ có thể cho làm những khảo sát sâu hơn, bao gồm:
- Siêu âm kèm bơm nước buồng tử cung. Là thủ thuật siêu âm bệnh nhân sau khi đã bơm nước qua một ống nhỏ vào bên trong tử cung qua đường âm đạo và cổ tử cung. Cách này giúp cho các bác sĩ có thể khảo sát được những bất thường ở niêm mạc tử cung.
- Soi buồng tử cung. Một ống nhỏ với đèn sáng được đưa xuyên qua âm đạo và cổ tử cung để đi vào buồng tử cung giúp cho bác sĩ có thể quan sát được bên trong tử cung.
- Nạo buồng tử cung. Khi thực hiện thủ thuật này, các bác sĩ sẽ mở (làm dãn) cổ tử cung ra và đưa vào bên trong đó một thiết bị có hình dạng như cái muỗn (curret) để lấy một số mẫu mô từ lớp nội mạc tử cung rồi khảo sát chúng trong phòng thí nghiệm.
Các bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán một cách chắc chắn bệnh nhân bị rong kinh chỉ sau khi đã loại trừ hết những rối loạn về kinh nguyên khác, những bệnh và những loại thuốc có thể gây xuất huyết hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết.
CÁC CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ NHỮNG LOẠI THUỐC
Điều trị đặc hiệu rong kinh dựa vào một số yếu tố, bao gồm:
- Tình trạng sức khỏe chung và bệnh sử của bạn.
- Nguyên nhân và độ nặng của tình trạng bệnh.
- Khả năng chịu đựng của bạn đối với những loại thuốc, thủ thuật hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu.
- Khả năng chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ trở nên ít nặng nề hơn trước khi kéo dài.
- Kế hoạch sinh con trong tương lai của bạn.
- Tác động của bệnh lên cuộc sống của bạn.
- Ý kiến và lựa chọn cá nhân của bạn.
Những loại thuốc dùng cho các phụ nữ bị rong kinh có thể bao gồm:
- Thuốc cung cấp chất sắt. Nếu rong kinh đi kèm với thiếu máu, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên sử dụng những loại thuốc cung cấp thêm chất sắt thường xuyên. Nếu nồng độ sắt trong cơ thể của bạn thấp nhưng bạn vẫn chưa bị thiếu máu, bạn cũng nên bắt đầu sử dụng thuốc bổ sung sắt hơn là chờ đợi cho đến lúc rơi vào tình trạng thiếu máu.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs - Nonsteroidal anti-inflammatory drug). Các loại thuốc NSAID, chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin, và những loại khác), có thể giúp làm giảm mất máu khi hành kinh. NSAID còn giúp làm giảm những cơn đau bụng kinh.
- Thuốc tránh thai đường uống. Ngoài tác dụng tránh thai, những thuốc tránh thai đường uống còn có chức năng giúp điều hòa các chu kỳ kinh nguyệt và làm giảm số lần hành kinh kéo dài và ra máu nhiều.
- Progesterone đường uống. Nếu được uống trong vòng từ 10 ngày trở lên trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, hormon progesterone có thể giúp điều chỉnh lại sự mất cân bằng hormon của cơ thể và làm giảm rong kinh.
- Dụng cụ tử cung phóng thích hormon. Loại dụng cụ tử cung này có tác dụng phóng tích một loại progestin được gọi là levonorgestrel làm cho nội mạc tử cung mỏng lại và làm giảm lượng máu mất khi hành kinh cũng như làm bớt đau bụng kinh.
Nếu bạn bị rong kinh do sử dụng những loại thuốc có chứa hormon, bạn và bác sĩ có thể giải quyết tình trạng này bằng cách thay đổi hoặc ngừng sử dụng thuốc.
Bạn có thể được phẫu thuật để điều trị rong kinh nếu như liệu pháp dùng thuốc không thành công. Những lựa chọn điều trị bao gồm:
- Nạo buồng tử cung. Khi thực hiện cách điều trị này, bác sĩ sẽ mở (làm dãn) cổ tử cung của bạn ra rồi nạo hoặc hút các mô từ trong nội mạc tử cung để làm giảm chảy máu. Mặc dùng phương pháp này hay được sử dụng và thường có thể điều trị được rong kinh thành công nhưng bạn cũng có thể cần phải làm lại thêm lần nữa nếu bị rong kinh tái phát.
- Phẫu thuật nội soi tử cung. Các bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ có gắn đèn (ống soi tử cung) để quan sát buồng tử cung và có thể hỗ trợ giúp phẫu thuật cắt bỏ polyp trong tử cung vì nó có thể là một nguyên nhân gây ra xuất huyết nhiều khi hành kinh.
- Nạo nội mạc tử cung. Được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, bác sĩ sẽ phá hủy vĩnh viễn toàn bộ nội mạc tử cung của bạn. Sau khi nạo, hầu hết phụ nữ sẽ chỉ có rất ít hoặc hoàn toàn không còn máu kinh. Nạo nội mạc tử cung cũng làm giảm khả năng có thai của bạn.
- Cắt bỏ nội mạc tử cung. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách dùng một vòng dây điện phẫu thuật để loại bỏ nộ mạc tử cung. Cả hai phương pháp nạo nội mạc tử cung và cắt bỏ nội mạc tử cung đều có lợi cho những phụ nữ bị rong kinh rất nặng. Cũng giống như nạo nội mạc tử cung, cắt bỏ nội mạc tử cung cũng làm giảm khả năng có thai.
- Cắt tử cung. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cổ tử cung gây mất khả năng sinh con và chấm dứt kinh nguyệt vĩnh viễn. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê và bệnh nhân cần phải được nhập viện. Cắt bỏ thêm buồng trứng hai bên có thể gây ra mãn kinh sớm ở những phụ nữ trẻ.
Ngoại trừ cắt tử cung, những phương pháp còn lại thường được thực hiện ở những bệnh nhân ngoại trú (bệnh nhân không cần phải nhập viện). Mặc dù có thể bạn cần phải sử dụng một ít thuốc mê nhưng bạn vẫn có thể về nhà ngay trong ngày.
Nếu rong kinh là dấu hiệu của một triệu chứng khác, chẳng hạn như bệnh của tuyến giáp, thì việc điều trị những bệnh này có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt của bệnh nhân nhẹ nhàng hơn.
THAY ĐỔI SINH HOẠT HẰNG NGÀY
Cân nhắc những lời khuyên sau đây để có thể tự chăm sóc bản thân nếu bạn bị rong kinh:
- Nghỉ ngơi. Có thể các bác sĩ sẽ khuyên bạn nghỉ ngơn nếu như bạn bị chảy máu quá nhiều và gây cản trở những sinh hoạt hằng ngày của mình.
- Lập bảng ghi nhận. Ghi nhận là số lượng băng vệ sinh và tampon mà bạn dùng để bác sĩ có thể xác định được mức độ chảy máu của bạn. Thay đổi tampon thường xuyên, ít nhất là sau mỗi 4 đến 6 giờ.
- Tránh sử dụng Aspirin. Do aspirin làm ngăn cản quá trình đông máu. Tuy nhiên, những loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) khác chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin, và những loại khác), và naproxen (Aleve), thường rất có hiệu quả trong việc làm giảm những khó chịu do kinh nguyệt.
Theo Mayo Clinic - Y học NET dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net