Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Mất ngủ

Mất  ngủ

Mất ngủ được định nghĩa là tình trạng gặp khó khăn khi khởi đầu hoặc duy trì giấc ngủ, hoặc cả hai mặc dù đã có đủ cơ hội và thời gian để ngủ dẫn đến giảm hiệu quả các hoạt động ban ngày. Mất ngủ có thể do giảm chất lượng hoặc số lượng giấc ngủ.

Mất ngủ rất thường gặp và xảy ra trong khoảng từ 30% đến 50% dân số chung. Xấp xỉ 10% dân số bị mất ngủ mạn tính (kéo dài).

Mất ngủ xảy ra ở mọi độ tuổi kể cả trẻ em, tuy nhiên nó thường gặp ở người lớn hơn và tần xuất của nó tăng lên theo tuổi. Thông thường, phụ nữ bị mất ngủ thường xuyên hơn nam giới.

Mất ngủ được chia ra làm 3 nhóm dựa trên độ kéo dài của triệu chứng:

  • Mất ngủ kéo dài 1 tuần trở xuống được gọi là mất ngủ thoáng qua.
  • Mất ngủ ngắn hạn là mất ngủ kéo dài hơn 1 tuần nhưng khỏi trước 3 tuần.
  • Mất ngủ dài hạn hoặc mất ngủ mạn tính là mất ngủ kéo dài hơn 3 tuần.

Mất ngủ cũng có thể được phân loại dựa vào nguyên nhân gây mất ngủ chẳng hạn như vệ sinh giấc ngủ, bệnh tật, rối loạn giấc ngủ, áp lực v.v...

Ngoài ra cũng cần phân biệt giữa mất ngủ và một số tình trạng tương tự: ngủ ít và thiếu ngủ.

  • Ngủ ít có thể là tình trạng bình thường ở một số người chỉ cần ngủ trong một thời gian ngắn hơn người khác nhưng không cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày (là triệu chứng chủ yếu trong định nghĩa mất ngủ).
  • Những người mất ngủ là những người có đủ thời gian và cơ hội để ngủ còn những người thiếu ngủ là những người không ngủ được do thiếu cơ hội hoặc thời gian để ngủ do tránh né giấc ngủ một cách có chủ tâm.


NGUYÊN NHÂN

Mất ngủ có nhiều nguyên nhân và, như đã nói ở trên, nó có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân gây mất ngủ.

Những áp lực và tình huống gây mất ngủ có thể bao gồm:

  • Sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài.
  • Những sự khó chịu do nguyên nhân vật lý (nóng, lạnh, ánh sáng, tiếng ồn, lạ chỗ).
  • Làm việc theo những ca khác nhau
  • Những tình huống gây stress trong cuộc sống (ly dị hoặc chia tay, người yêu bị chết, mất việc, chuẩn bị cho một kỳ thi).
  • Dùng những thuốc bất hợp pháp
  • Hút thuốc
  • Uống cafe trước khi lên giường
  • Nhiễm độc hoặc cai nghiện rượu
  • Một số loại thuốc.

Hầu hết những yếu tố trên có thể là ngắn hạn hoặc thoáng qua, do đó tình trạng mất ngủ có thể được giải quyết khi những yếu tố gây ra nó bị loại bỏ hoặc điều chỉnh.

Vệ sinh giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ có thể đóng vai trò quan trọng trong triệu chứng mất ngủ. Vệ sinh giấc ngủ kém có thể bao gồm những yếu tố vật lý sau:

  • Sử dụng giường để làm những việc khác với ngủ.
  • Ăn hoặc tập thể dục trước khi ngủ
  • Để bụng đói đi ngủ
  • Ngủ trong phòng có quá nhiều tiếng ồn hoặc ánh sáng
  • Làm việc trên giường

Các bệnh và vấn đề tâm lý

Các bệnh và vấn đề tâm lý cũng có thể góp phần gây mất ngủ. Có thể bao gồm một số bệnh sau:

Một số vấn đề tâm lý có thể gây mất ngủ bao gồm:

  • Trầm cảm
  • Rối loạn tâm thần
  • Nghiện
  • Lo lắng
  • Rối loạn stress sau sang chấn.

Một số tình trạng sinh lý có thể dẫn đến mất ngủ như:

Một số nguyên nhân gây mất ngủ khác có thể liên quan đến rối loạn giấc ngủ bao gồm:

  • Mộng du
  • Ngừng thở lúc ngủ
  • Hội chứng chân không nghỉ (cảm giác râm ran ở chân khi ngủ, giảm đi bằng cách cử động chân)
  • Rối loạn vận động chân theo chu kỳ (lập lại những cử động chân không tự ý trong khi ngủ)
  • Rối loạn giờ ngủ (không thể ngủ được do rối loạn đồng hồ sinh học)

Những nguyên nhân khác

Ngoài những tình trạng kể trên, còn có một số loại mất ngủ khác không thật sự có nguyên nhân. Dưới đây là một số loại mất ngủ thường gặp trong nhóm này:

  • Mất ngủ do tâm sinh lý hay còn gọi là mất ngủ nguyên phát là loại mất ngủ do hành vi ngăn trở giấc ngủ. Những người bị tình trạng này không thể thư giãn được đầu óc (suy nghĩ lan man) hoặc gia tăng chức năng tâm thần khi cố gắng chìm vào giấc ngủ. Đây có thể trở thành vấn đề lâu dài và việc đi lên giường sẽ gắn liền với gia tăng mức độ lo lắng và khuấy động tâm thần dẫn đến mất ngủ mạn tính. Tình trạng này có thể hiện diện ở khoảng 15% người tham gia những nghiên cứu chính thức về giấc ngủ để đánh giá tình trạng mất ngủ mạn tính.
  • Mất ngủ tự phát (không có nguyên nhân thấy được) (mấy ngủ khởi phát từ lúc còn nhỏ hoặc mất ngủ suốt đời) là một dạng mất ngủ ít gặp hơn (1% người trẻ trưởng thành hoặc vị thành niên) bắt đầu lúc còn nhỏ và kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Những người này gặp khó khăn trong việc bắt đầu và duy trì giấc ngủ do đó sẽ cảm thấy mệt mỏi kéo dài vào ban ngày. Cần phải đánh giá những loại mất ngủ hay gặp hơn để loại trừ trước khi chẩn đoán xác định là bệnh nhân bị mất ngủ tự phát. Tình trạng này có thể có tính chất gia đình.
  • Mất ngủ nghịch lý còn được gọi là mất ngủ chủ quan hoặc nhận thức sai về tình trạng ngủ. Là những trường hợp bệnh nhân thông báo và phàn nàn rằng mình bị mất ngủ nhưng lại có một chu kỳ ngủ bình thường khi được thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ trong đêm.

Những yếu tố nguy cơ

Không có yếu tố nguy cơ đặc trưng cho mất ngủ do có nhiều loại nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến mất ngủ. Những bệnh và trạng thái tâm lý được liệt kê phía trên có thể được xem là những yếu tố nguy cơ của mất ngủ nếu không được điều trị hoặc khó điều trị. Một số tình trạng cảm xúc và môi trường được lưu ý phía trên cũng có tác động như là một yếu tố nguy cơ của mất ngủ.

TRIỆU CHỨNG

Suy giảm những hoạt động ban ngày được xem là định nghĩa và là triệu chứng thường gặp nhất của mất ngủ.

Những triệu chứng hay gặp khác bao gồm:

  • Mệt mỏi vào ban ngày
  • Buồn ngủ vào ban ngày
  • Thay đổi cảm xúc
  • Giảm chú ý và tập trung
  • Thiếu năng lượng
  • Lo lắng
  • Giảm những hoạt động xã hội
  • Nhức đầu
  • Mắc lỗi và sai lầm nhiều hơn

Khi nào nên gọi bác sĩ

Thông thường, những trường hợp mất ngủ liên quan đến những yếu tố tình huống thoáng qua có thể tự khỏi khi các yếu tố gây ra bị loại bỏ hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên, cần phải có sự đánh giá của bác sĩ nếu như mất ngủ kéo dài hoặc bị cho rằng có liên quan đến một bệnh hoặc một bất thường tâm lý.

Cũng có những bác sĩ chuyên khoa đánh giá và điều trị mất ngủ và những rối loạn giấc ngủ khác. Ngưng thở lúc ngủ có thể được đánh giá và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Những bác sĩ khác có thể đánh giá và điều trị những rối loạn giấc ngủ là các bác sĩ chuyên khoa thần kinh.


CHẨN ĐOÁN

Quá trình đánh giá và chẩn đoán mất ngủ có thể bắt đầu bằng việc hỏi bệnh sử và tâm lý. Như đã nói ở trên, nhiều tình trạng bệnh và trạng thái tâm lý có thể là thủ phạm gây mất ngủ.

Việc khám thực thể tổng quát để tìm ra những bất thường cũng rất quan trọng bao gồm tìm hiểu trạng thái tâm thành và chức năng thần kinh, khám tim, phổi, bụng, tai, mũi và họng, đánh giá đánh giá chu vi cổ và kích thước thắt lưng. Kiểm tra những loại thuốc dùng thường ngày và những loại thuốc bất hợp pháp, rượu, thuốc lá hoặc cafe cũng là một phần quan trọng trong quá trình khám. Xét nghiệm máu hoặc những xét nghiệm khác thích hợp với những tình trạng trên cũng có thể được khảo sát.

Người thân trong gia đình và người ngủ cùng giường cũng cần được hỏi về chu trình ngủ của bệnh nhân, hiện tượng ngáy hoặc những cử động trong khi ngủ.

Một số câu hỏi liên quan đến thói quen và chu kỳ ngủ cũng là một phần quan trọng để chẩn đoán. Bệnh sử về giấc ngủ tập trung vào những điểm sau:

  • Độ dài giấc ngủ
  • Thời điểm ngủ
  • Thời điểm chìm vào giấc ngủ
  • Số lần và độ dài khoảng thời gian thức giấc
  • Thời điểm và độ dài của những giấc ngủ ngắn vào ban ngày

Có thể ghi lại nhật ký giấc ngủ cho mục đích này để ghi nhận những tính chất trên mỗi ngày để có thể chẩn đoán chính xác hơn.

Quá trình hỏi bệnh thường bao gồm những câu hỏi về những triệu chứng có thể xảy ra gắn với mất ngủ. Các bác sĩ có thể sẽ hỏi về những hoạt động vào ban ngày, sự mệt mỏi, rắc rối về khả năng tập trung và chú ý, những triệu chứng thường gặp khác của mất ngủ.

Một số khảo sát để chẩn đoán khác có thể được thực hiện mặc dù có thể chúng không cần thiết đối với tất cả những bệnh nhân bị mất ngủ.

Đa ký giấc ngủ (polysomnography) là một khảo sát được thực hiện ở trung tâm khảo sát giấc ngủ nếu nghi ngờ bệnh nhân bị ngừng thở lúc ngủ. Khi khảo sát, bệnh nhân sẽ được yêu cầu trải qua suốt đêm tại trung tâm trong lúc được theo dõi nhịp tim, sóng não, hô hấp, cử động, nồng độ oxy và những thông số khác trong khi đang ngủ. Sau đó dữ liệu sẽ được phân tích bởi các bác sĩ đã được huấn luyện chuyên môn để chẩn đoán hoặc loại trừ chứng ngưng thở lúc ngủ.

Động ký là một khảo sát khách quan hơn có thể được thực hiện trong một số tình huống nhưng không thường xuyên là một phần trong quá trình đánh giá mất ngủ. Động đồ là một máy dò chuyển động có thể cảm nhận được những chuyển động của người trong khi ngủ và lúc thao thức. Nó được mang tương tự như mang đồng hồ ở cổ tay, và những dữ liệu về các chuyển động sẽ được ghi nhân và phân tích để xác định quá trình ngủ và những chuyển động lúc ngủ. Khảo sát này có thể hữu ích trong những trường hợp bị mất ngủ nguyên phát, rối loạn nhịp sinh học hoặc mất ngủ chủ quan.


ĐIỀU TRỊ

Điều trị mất ngủ tùy thuộc phần lớn và nguyên nhân gây mất ngủ. Trong trường hợp nguyên nhân gây mất ngủ là những yếu tố có thể nhận biết được, hãy điều chỉnh hoặc loại bỏ chúng để giải quyết tình trạng mất ngủ. Chẳng hạn như nếu mất ngủ do những tình huống chịu áp lực thoáng qua như ngồi máy bay lâu, sắp phải thi thì triệu chứng mất ngủ sẽ khỏi khi những tình huống này không còn.

Thông thường, điều trị mất ngủ có thể được chia ra làm 2 loại: không dùng thuốc hoặc điều chỉnh hành vi và loại dùng thuốc. Cả 2 cách đều cần thiết để điều trị mất ngủ thành công, và nếu kết hợp lại với nhau có thể đem lại hiệu quả cao hơn là sử dụng riêng lẻ từng cách.

Khi mất ngủ liên quan đến những tình trạng tâm lý hoặc bệnh tật đã được biết, ưu tiên hàng đầu là giải quyết chúng kèm theo với những biện pháp điều trị đặc hiệu cho chính bản thân triệu chứng mất ngủ. Nếu không xác định được nguyên nhân một cách thích đáng, tình trạng mất ngủ có thể sẽ tiến triển bất chấp người bệnh đã thực hiện những biện pháp tích cực để điều trị bằng những cách dùng thuốc và cả không dùng thuốc.

Những biện pháp điều trị không dùng thuốc

Có một số kỹ thuật dùng để điều trị mất ngủ. Những chiến lược điều trị không cần dùng thuốc thường được khuyên luyện tập tại nhà kết hợp với những loại thuốc khác như những thuốc điều trị mất ngủ và điều trị những bệnh hoặc rối loạn tâm lý gây mất ngủ.

Một vài biện pháp quan trọng trong số đó bao gồm: vệ sinh giấc ngủ, kiểm soát các tác nhân kích thích, những kỹ thuật thư giãn và hạn chế giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ là một trong những thành phần của phương pháp điều trị mất ngủ không dùng thuốc bao gồm những bước đơn giản có thể cải thiện khả năng bắt đầu và duy trì giấc ngủ. Vệ sinh giấc ngủ bao gồm:

  • Ngủ nhiều nhất có thể để cảm thấy thư giãn sau đó đi ra khỏi giường (không ngủ quá giấc).
  • Duy trì lịch ngủ thường xuyên.
  • Không cố gắng ngủ
  • Không uống cafe vào buổi chiều hoặc tối
  • Không uống rượu trước khi ngủ
  • Không hút thuốc, đặc biệt là vào buổi tối
  • Điều chỉnh không khí phòng ngủ để dễ ngủ
  • Không để bụng đói đi ngủ
  • Giải quyết các stress và lo lắng trước khi đi ngủ
  • Tập thể dục thường xuyên, những không tập trong vòng 4-5 giờ trước khi ngủ.

Kiểm soát các tác nhân kích thích

Là những kỹ thuật để giúp bắt đầu giấc ngủ. Những kỹ này được dùng để điều chỉnh không khí trong phòng ngủ giúp cải thiện giấc ngủ. Một số bước đơn giản bao gồm:

  • Chỉ dùng giường để quan hệ tình dục và ngủ, không làm việc, đọc sách, xem TV, ăn uống hoặc những hoạt động kích thích tâm thần khác trên giường.
  • Chỉ leo lên giường khi bạn sẵn sàng để ngủ
  • Tắt đèn và tất cả những tiếng động xung quanh phòng ngủ
  • Thức dậy cùng một thời điểm mỗi buổi sáng và tránh ngủ quá giấc
  • Nếu bạn không thể ngủ được sau khi lên giường quá 20 phút, hãy ngồi dậy và thử một vài động tác thư giãn cho đến khi sẵn sàng ngủ trở lại

Những động tác thư giãn cũng là một phần của biện pháp điều trị không thuốc bao gồm ngồi hoặc nằm thoải mái và thư giãn cơ. Có thể kết hợp với thở sâu, nhẹ nhàng để tăng độ thư giãn của cơ thể.

Hạn chế giấc ngủ

Hạn chế giấc ngủ là liệu pháp điều trị hành vi không dùng thuốc bằng cách giới hạn thời gian nằm trên giường chỉ để ngủ. Nhiều người bị mất ngủ có thể nằm lại trên giường trong một thời gian dài sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng. Hiện tượng ngủ quá giấc này có thể phá hỏng đồng hồ sinh hoạt dẫn đến khó bắt đầu giấc ngủ hơn vào đêm kế tiếp.

Nhật ký giấc ngủ được dùng để ghi lại khoảng thời gian ngủ thật sự mỗi tối, và giảm dần thời gian nằm trên giường cho đến khi bằng chính xác khoảng thời gian ngủ thật sự bằng cách giảm dần tổng thời gian nằm trên giường. Phương pháp này có thể giúp giảm dần và hạn chế ngủ quá giấc. Nó cũng làm tăng khả năng chìm vào giấc ngủ và làm giấc ngủ hiệu quả hơn khi thời gian nằm trên giường gần bằng với khoảng thời gian ngủ.

Những biện pháp điều trị dùng thuốc

Những nhóm thuốc chính được dùng để điều trị mất ngủ là thuốc an thần và thuốc ngủ, chẳng hạn như benzodiazephine và thuốc an thần không benzodiazepine.

Một số loại thuốc trong nhóm benzodiazepin có thể được dùng để điều trị mất ngủ thành công và những loại thường gặp nhất bao gồm:

  • quazepam (Doral),
  • triazolam (Halcion),
  • estazolam (ProSom),
  • temazepam (Restoril),
  • flurazepam (Dalmane), và
  • lorazepam (Ativan).

Một loại benzodiazepine thường gặp khác là diazepam (Valium) thường không được dùng để điều trị mất ngủ do tác dụng an thần kéo dài của nó.

Những loại thuốc an thần không phải benzodiazepine cũng thường được dùng để điều trị mất ngủ bao gồm hầu hết những loại thuốc mới. Một số loại thường dùng nhất là:

  • zaleplon (Sonata),
  • zolpidem (Ambien or Ambien CR, Zolpimist), và
  • eszopiclone (Lunesta).

Melatonin là một chất hóa học được phóng thích ra từ não để gây ngủ cũng được thử dùng dưới dạng thuốc hỗ trợ để điều trị mất ngủ. Nó thường không có tác dụng trong điều trị một số loại mất ngủ thường gặp, trừ những trường hợp mất ngủ do giảm melatonin. Melatonin có thể được bán ở tiệm thuốc mà không cần toa bác sĩ.

Ramelteon (Rozerem) là một loại thuốc ngủ có tác dụng tương tư như melatonine, là một loại thuốc mới được dùng điều trị hiệu quả trong một số nhóm bệnh nhân mất ngủ.

Cũng có những loại thuốc khác không thuộc nhóm an thần hoặc thuốc ngủ cũng được dùng để điều trị mất ngủ. Thuốc an thần kháng histamin, diphenhydramine (Benadryl) cũng được dùng để hỗ trợ giấc ngủ do tác dụng an thần của chúng; tuy nhiên, những loại thuốc này cũng như các thuốc tương tự khác không được khuyến khích dùng do nó có nhiều tác dụng phụ và gây tình trạng ngầy ngật trong ngày kế tiếp.

Một số thuốc chống trầm cảm [chẳng hạn như trazodone (Desyrel), amitriptyline (Elavil, Endep), doxepin (Sinequan, Adapin)] có thể được dùng điều trị mất ngủ hiệu quả ở những bệnh nhân có khả năng bị trầm cảm. Một số thuốc chống loạn thần cũng được dùng để điều trị mất ngủ, mặc dù chúng không được khuyến khích dùng thường xuyên cho mục đích này.

Bác sĩ là người có thể thảo luận tốt nhất với bạn về những loại thuốc khác nhau và quyết định nên dùng loại thuốc nào là tốt nhất trong từng trường hợp. Nhiều loại thuốc trên có nguy cơ gây nghiện hoặc lạm dụng và cần phải dùng cẩn thận. Không có loại thuốc nào trong những thuốc trên được dùng mà không có sự giám sát của bác sĩ kê toa.


TIÊN LƯỢNG

Mất ngủ nói chung có tiên lượng tốt. Nhiều trường hợp mất ngủ do những tình huống stress thoáng qua và có thể phục hồi dễ dàng khi tình huống được giải quyết. Trong những trường hợp mất ngủ mạn tính, cần phải tìm ra những bệnh hoặc rối loạn tâm lý là nguyên nhân gây mất ngủ để điều trị. Những cách điều trị bao gồm cả dùng thuốc và không dùng thuốc thông thường có thể điều trị mất ngủ thành công.


TÓM TẮT

  • Mất ngủ là một tình trạng đặc trưng bởi giảm chất lượng và số lượng giấc ngủ mặc dù đã có đủ cơ hội để ngủ có thể dẫn đến giảm hoạt động vào ban ngày.
  • Nhiều bệnh và rối loạn tâm lý có thể là nguyên nhân gây mất ngủ.
  • Mất ngủ có thể đôi khi không liên quan đến những nguyên nhân nào cả.
  • Có một số kỹ thuật thay đổi hành vi không dùng thuốc có thể điều trị mất ngủ.
  • Các loại thuốc được dùng rộng rãi để điều trị mất ngủ kết hợp với những chiến lược không dùng thuốc.
  • Các chuyên gia về giấc ngủ và những bác sĩ là những người đóng vai trò quan trọng trong đánh giá và điều trị mất ngủ mạn tính.

Theo MedicineNET - Y học NET dịch

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases