Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Ho

Ho

Ho là hành động của cơ thể tống xuất những chất gây kích thích đường thở ra ngoài. Đường thở là đường dẫn không khí mà bạn hít thở đi từ mũi và miệng xuống đến phổi.

Triệu chứng ho xảy ra khi một số tế bào đặc biệt nằm dọc theo đường thở bị kích thích và khởi động một chuỗi các sự kiện xảy ra và kết quả là không khí bên trong phổi được tống ra ngoài với một áp lực lớn. Bạn có thể tự ho (ho có chủ ý) hoặc cơ thể tự gây ra cơn ho (không có chủ ý).


NGUYÊN NHÂN

Danh sách những nguyên nhân có khả năng gây ho rất dài và rất thay đổi. Các bác sĩ chia triệu chứng ho ra thành 2 loại: cấp tính và mạn tính. Nhiều bác sĩ định nghĩa ho cấp tính là ho kéo dài ít hơn 3 tuần. Ho mạn tính là ho kéo dài nhiều hơn 3 tuần.

  • Ho cấp tính có thể chia ra làm các loại ho do nhiễm trùng và các loại ho không do nhiễm trùng.
    • Ho cấp tính do nhiễm trùng thường có nguyên nhân là nhiễm virus đường hô hấp trên (cúm), viêm xoang, viêm phổi, và ho gà.
    • Ho không do nhiễm trùng thường có nguyên nhân là do những đợt bùng phát của các bệnh mạn tính sau: viêm phế quản mạn, khí phế thũng, hen, và dị ứng với môi trường.
  • Cách dễ nhất để đơn giản hóa các nguyên nhân gây ho mạn tính là chia chúng theo vị trí tương quan với phổi. Chúng được chia ra thành các loại: những chất kích ứng từ một trường, những bệnh của phổi, những bệnh dọc theo đường dẫn khi từ phổi đến môi trường, những bệnh bên trong lồng ngực nhưng nằm bên ngoài phổi và những bệnh tiêu hóa.
    • Bất kỳ chất nào từ môi trường có khả năng gây kích thích đường dẫn khí hoặc phổi đều có thể gây ho mạn tính nếu bệnh nhân phải tiếp tục tiếp xúc với chúng. Khói thuốc lá là nguyên ngân gây ho mạn tính thường gặp nhất. Những chất kích thích gây ho khác bao gồm: bụi, phấn hoa, các vảy từ da hoặc lông vật nuôi trong nhà, những chất đặc hiệu, các hóa chất và chất gây ô nhiễm công nghiệp, khói thuốc từ xì gà và tẩu thuốc và độ ẩm của môi trường thấp.
    • Bên trong phổi cũng có những nguyên nhân ít gặp và thường gặp gây ho mạn tính. Những nguyên nhân thường gặp bao gồm hen phế quản, khí phế thũng, và viêm phế quản mạn tính. Những nguyên nhân ít gặp hơn gây ho mạn tính của phổi là ung thư, sarcoidosis, những bệnh của nhu mô phổi, và suy tim sung huyết kèm tích tụ dịch mạn tính trong phổi.
    • Đường nối phổi với môi trường bên ngoài được gọi là đường hô hấp trên. Viêm xoang mạn tính, chảy nước mũi sau mạn tính, những bệnh của ống tai ngoài, nhiễm trùng họng, và sử dụng thuốc ức chế men chuyển để điều trị tăng huyết áp đều có thể liên quan đến tình trạng ho mạn tính.
    • Ngoài những bệnh diễn tiến trong phổi và các đường dẫn khí, những bệnh nằm ở các nơi khác trong lồng ngực cũng có thể gây ho mạn tính. Những bệnh bên trong ngực được xác định là nguyên nhân gây ho mạn tính bao gồm: ung thư, sự phát triển bất thường của các hạch lympho, sự lớn bất thường của động mạch chủ, là mạch máu chính xuất phát từ tim.
    • Một nguyên nhân hay bị bỏ qua là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD xảy ra khi acid từ dạ dày đi lên thực quản gây kích thích thực quản và thanh quản gây phản ứng ho.


TRIỆU CHỨNG

Tuy rằng chính bản thân ho đã là một triệu chứng, nhưng bệnh nhân còn có những triệu chứng khác đi kèm giúp phân biệt nguyên nhân gây ho. Một yếu tố quan trọng khác giúp xác định nguyên nhân gây ho là tính chất cấp tính hay mạn tính của nó.

  • Ho cấp tính được chia làm ho do nhiễm trùng và ho không do nhiễm trùng
    • Các dấu hiệu và triệu chứng giúp nghĩ đến nguyên nhân nhiễm trùng bao gồm sốt, ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, đau họng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, tăng áp lực ở các xoang (gây cảm giác nặng đầu), chảy nước mũi, vã mồ hôi đêm, và chảy nước mũi sau. Khạc đàm đôi khi có thể là triệu chứng báo hiệu có nhiễm trùng, nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở các nguyên nhân không do nhiễm trùng.
    • Các dấu hiệu và triệu chứng giúp nghĩ đến nguyên nhân không do nhiễm trùng bao gồm ho khi tiếp xúc với một số chất hóa học hoặc chất gây kích ứng trong môi trường, ho kèm thèm hắt xì, ho thường xuyên nặng hơn khi đến một số khu vực nhất định hoặc làm một số việc nhất định, hoặc đỡ ho hơn khi sử dụng các loại thuốc xịt hoặc thuốc dị ứng.
  • Những dấu hiệu và triệu chứng của ho mạn tính có thể khó chẩn đoán do có nhiều nguyên nhân gây ho mạn tính có những dấu hiệu và triệu chứng chồng chéo lên nhau.
    • Nếu triệu chứng ho của bạn liên quan đến những tác nhân kích thích của môi trường, nó sẽ nặng hơn khi tiếp xúc với những tác nhân đó. Nếu bạn bị dị ứng với môi trường, bạn có thể sẽ đỡ ho hơn khi dùng các loại thuốc dị ứng. Nếu bạn ho do khói thuốc, triệu chững ho sẽ giảm đi nếu bạn ngừng hút thuốc và tăng lên khi đang hút.
    • Nếu bạn bị những bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, khí phế thũng, hoặc viêm phế quản mạn, bạn có thể sẽ bị ho dai dẳng hoặc cơn ho nặng hơn khi đến một nơi chốn hoặc làm một việc nhất định nào đó. Bạn có thể có hoặc không có khạc đàm cùng lúc với ho và thường đỡ ho hơn khi dùng các thuốc corticoid đường xịt hoặc đường uống hoặc những thuốc dạng xịt khác.
    • Nếu cơn ho gây ra bởi viêm xoang mạn tính, chảy nước mũi mạn tính, hoặc chảy nước mũi sau mạn tính, bạn thường sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng đi chung với những bệnh trên. Bạn cũng có thể nhận thấy cơn ho của mình nặng nề hơn khi bệnh nặng hơn và cơn ho thường đỡ hơn khi những bệnh trên được điều trị.
    • Nếu triệu chứng ho gây ra bởi thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển, bạn có thể sẽ bắt đầu ho sau khi bắt đầu sử dụng những loại thuốc nghi ngờ. Thường là ho khan và đỡ hơn khi ngừng thuốc.
    • Ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường đi kèm với cảm giác nóng rát dọc theo ngực. Loại ho này nặng hơn trong ngày hoặc khi bạn đang nằm ngửa trên mặt phẳng. Ngoài ra, một số ít người bị ho do GERD sẽ không cảm thấy có những triệu chứng của trào ngược, nhưng hầu hết bệnh nhân đều đỡ ho hơn khi triệu chứng trào ngược được điều trị hợp lý.
    • Nếu triệu chứng ho là dấu hiệu báo động của ung thư, bạn có thể gặp một nhóm các triệu chứng. Nếu là ung thư phổi hoặc ung thư đường dẫn khí, bạn có thể bị ho ra máu. Những dấu hiệu và triệu chứng khác có thể là báo động của ung thư bao gồm mệt mỏi ngày càng nặng hơn, ăn mất ngon, sụt cân không rõ nguyên nhân, hoặc giảm khả năng nuốt những thức ăn cứng hoặc lỏng.


KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH

Biết được lúc nào nên đi khám bệnh do triệu chứng ho có thể là một quyết định khó khăn.

  • Thông thường, bạn nên gặp bác sĩ nếu gặp những triệu chứng sau:
    • Ho kèm theo sốt và khạc đàm.
    • Ho không giảm sau khi những triệu chứng khác biến mất hoặc đỡ hơn.
    • Thay đổi tính chất ho.
    • Những cách điều trị thử nghiệm không cho thấy có dấu hiệu thuyên giảm.
    • Bắt đầu ho ra máu
    • Triệu chứng ho gây cản trở những sinh hoạt hằng ngày hoặc cản trở giấc ngủ.
  • Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu như bạn cảm thấy mình bị khó thở.

Đa số các cơn ho không làm cho bệnh nhân đến phòng cấp cứu. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần phải được đánh giá tại phòng cấp cứu.

  • Nếu bạn bị ho do những bệnh mạn tính, hãy trao đổi với bác sĩ để biết khi gặp những dấu hiệu và triệu chứng nào thì bạn nên đến phòng cấp cứu.
  • Nếu bạn bị khó thở nặng cùng với ho, bạn có thể bị một số bệnh nghiêm trọng cần phải được can thiệp khẩn cấp.
  • Những người lớn tuổi hoặc những người có hệ mễn dịch bị suy yếu bị ho và sốt cao nên được đưa đến phòng cấp cứu nếu không thể gặp bác sĩ.
  • Nếu bạn đang bị những bệnh về phổi đã được các bác sĩ chẩn đoán và cơn ho diễn ra nặng hơn một cách cấp tính và không đáp ứng với các cách điều trị tại nhà, bạn nên đến phòng cấp cứu.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Quá trình chẩn đoán ho dựa phần lớn vào những thông tin mà bạn cung cấp. Những thông tin cần thiết để giúp chẩn đoán chính xác bao gồm: độ dài của cơn, những dấu hiệu và triệu chứng kèm theo, những hoạt động hoặc địa điểm làm cho cơn ho nặng hơn hoặc đỡ hơn, mối liên hệ giữa cơn ho và những thời điểm trong ngày, những bệnh đã bị trước đây, và bất kỳ cách điều trị nào tại nhà mà bạn đã thử.

  • Trong trường hợp ho cấp tính, các bác sĩ có thể chẩn đoán đơn giản bằng cách hỏi bệnh và thực hiện các thao tác khám. Nếu bạn bị ho cấp tính, thường bạn sẽ được chụp X quang để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh. Những người lớn tuổi, những người có hệ miễn dịch bị suy yếu (thường là do ung thư, đái tháo đường, hoặc AIDS), và những người được các bác sĩ phát hiện ra âm thanh bất thường trong phổi khi khám có thể cần phải chụp X quang để kiểm tra xem có bị viêm phổi hay không.
  • Trong trường hợp ho mạn tính, các bác sĩ thường dựa trên những thông tin thu được trong quá trình hỏi bệnh và khám để đưa ra các khảo sát cận lâm sàng phù hợp để giúp chẩn đoán bệnh. Nhiều bệnh nhân sẽ được chụp X quang ngực để tìm nguyên nhân. Ngoài ra, một số khảo sát khác có thể được thực hiện theo phán đoán của bác sĩ và dựa trên quá trình hỏi bệnh và khám.
  • Điều quan trọng là bạn nên đóng vai trò chủ động trong nhiệm vụ tự chăm sóc mình và trao đổi với bác sĩ mục đích của những xét nghiệm được thực hiện và ý nghĩa những kết quả của chúng.

ĐIỀU TRỊ

Tại nhà

Điều trị ho tại nhà thường nhắm trực tiếp đến điều trị những nguyên nhân gây ra.

  • Nếu bạn bị ho cấp tính và không phải đến bác sĩ, bạn có thể thử dùng các loại thuốc cảm bán không cần toa để làm giảm triệu chứng. Nếu nghi ngờ bị cảm cúm, những loại thuốc này có thể làm triệu chứng thuyên giảm cho đến khi tình trạng nhiễm trùng tự hồi phục. Những cơn ho cấp tính có nguyên nhân dị ứng thường khỏi với những thuốc chống dị ứng, và ho do những chất kích ứng từ môi trường sẽ đỡ hơn khi giảm tiếp xúc với chúng.
  • Điều trị tại nhà đối với tình trạng ho mạn tính với nguyên nhân đã được biết trước nhắm trực tiếp đến nguyên nhân gây ho. Quá trình này nên được thực hiện dưới sự tư vấn chặt chẽ của bác sĩ. Mặc dù không phải tất cả các cơn ho mạn tính đều có thể được giới hạn, nhưng nhiều bệnh nhân có thể thấy giảm ho bằng cách theo sát những hướng dẫn của bác sĩ.

Tại bệnh viện

Điều trị ho tùy thuộc phần lớn vào độ nặng của nó và những nguyên nhân gây ra.

  • Điều trị ho cấp tính chủ yếu nhắm trực tiếp vào mục tiêu giảm ho thêm vào đó là điều trị những triệu chứng ẩn phía sau.
    • Triệu chứng ho có thể được làm giảm bằng những thuốc ho bán không cần toa và những thuốc phải kê toa.
    • Ho nặng hoặc ho gây cản trở giấc ngủ có thể cần những loại thuốc bao gồm cả các thuốc gây nghiện. Nếu được kê toa những loại thuốc này, cố gắng tránh uống rượu, lái xe, phẫu thuật và điều khiển máy móc nặng.
    • Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng, bác sĩ thường kê toa các loại thuốc kháng sinh. Kháng sinh không có tác dụng đối với những bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm virus, những người này sẽ chỉ cần điều trị trực tiếp triệu chứng ho.
    • Những người lớn tuổi, những người bị nhiễm trùng hoặc nhiễm virus nặng, và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có thể cần phải nhập viện để được theo dõi bệnh.
  • Điều trị ho mạn tính cũng có thể nhắm trực tiếp đến bệnh gây ra nó. Điều quan trọng cần phải biết là quá trình điều trị có thể sẽ khó khăn, cần phải áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, và cũng có thể không làm hết ho hoàn toàn.
    • Nếu bạn bị ho do thuốc lá, dị ứng, hoặc những chất kích thích từ môi trường, bạn có thể cảm thấy đỡ hơn nếu hạn chế tiếp xúc với những chất đó. Có thể phải mất vài tuần bác sĩ mới biết được đáp ứng của cách điều trị này do cần phải có đủ thời gian cho các tổn thương ở phổi và đường dẫn khí hồi phục.
    • Nếu bạn bị bệnh phổi, bạn thường cần phải được điều trị kéo dài những bệnh này. Những phương pháp được sử dụng để điều trị tùy thuộc phần lớn vào loại bệnh mà bạn mắc phải. Thường cần phải dùng nhiều phương pháp trị liệu cùng một lúc để giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh nhân. Theo sát cách điều trị được lựa chọn là điều kiện cần thiết để làm chậm diễn tiến của bất kỳ loại bệnh nào và làm giảm triệu chứng. Trong trường hợp điều trị tại nhà không hiệu quả và các triệu chứng ngày càng nặng hơn, bạn có thể cần phải nhập viện để được điều trị tăng cường và tích cực hơn.
    • Nếu triệu chứng ho của bạn được cho là do thuốc gây ra, bạn sẽ cho thấy có sự cải thiện khi ngừng sử dụng loại thuốc đang bị nghi ngờ. Khi đó, triệu chứng ho thường mất vài tuần để khỏi hoàn toàn. Bạn cần phải dùng một loại thuốc khác để thay thế loại thuốc mà bạn đã ngừng.
    • Nếu nghi ngờ bạn bị ho do GERD, hướng điều trị của bạn có thể sẽ nhắm trực tiếp vào giảm lượng acid trào ngược từ dạ dày. Điều này thông thường được thực hiện bằng cách thay đổi chế độ ăn và thuốc. Để điều trị thành công có thể cần nhiều thời gian và phối hợp nhiều cách điều trị.

CÁC BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

Những trường hợp ho cấp tính thường tự khỏi và không cần phải theo dõi. Nhiều trường hợp ho mạn tính phải mất vài tuần đến vài tháng để thuyên giảm mặc dù đã theo sát các phương pháp điều trị, do đó cần phải sắp xếp lịch theo dõi trong khoảng thời gian này. Đối với những cơn ho không thuyên giảm khi điều trị bằng những phương pháp chuẩn, có thể bệnh nhân sẽ được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất.

Phòng ngừa

Phòng ngừa ho bằng cách tránh bị những loại bệnh gây ho.

Hướng phòng ngừa quan trọng nhất là ngừng hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị hen phế quản, bệnh phổi mạn tính, và dị ứng với môi trường.

Đối với những bệnh nhân bị GERD, cách phòng ngừa hướng đến việc thay đổi chế độ ăn, ngủ để đầu cao, và uống tất cả những loại thuốc được kê toa.

Đối với những người đang được điều trị bệnh phổi mạn tính, cách phòng ngừa tốt nhất là theo sát những cách điều trị của bác sĩ.

Tiên lượng

Tiên lượng tùy thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ho. Sau khi đã xác định được nguyên nhân, hầu hết các trường hợp ho cấp tính sẽ thuyên giảm trong vòng 2-3 tuần. Những người hút thuốc khi bị ho có thể phải mất một khoảng thời gian lâu hơn. Những trường hợp bị ho mạn tính cho nhiều kết quả khác nhau, và những người bị bệnh phổi mạn tính thường có những giai đoạn thuyên giảm thêm vào những giai đoạn ho nặng hơn. Một lần nữa, hút thuốc có thể làm cho tình trạng ho mạn tính kéo dài lâu hơn và nên tránh.

Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases