Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Kinh nguyệt
Kinh nguyệt là một hiện tượng bình thường diễn ra hằng tháng ở hầu như tất cả mọi người phụ nữ, tuy nhiên nó cũng gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người phụ nữ mỗi tháng.
Do đó, để phòng tránh hoặc giảm bớt những triệu chứng khó chịu này, chúng ta cần phải hiểu rõ về nó. Dưới đây là một bài viết tương đối đầy đủ về chu kỳ kinh nguyệt đã được Y học NET chuyển dịch từ trang Feminist Women's Health Center nhằm giúp bạn đọc có được một cái nhìn rõ ràng hơn về hiện tượng tự nhiên này.
Bắt đầu
Bạn có biết khi mới sinh ra trong cơ thể của bé gái đã có đủ số lượng trứng dùng trong suốt cuộc đời, và thậm chí còn nhiều hơn số đó rất nhiều, có lẽ vào khoảng 450,000 trứng? Chúng được dự trữ trong 2 buồng trứng và mỗi trứng nằm trong một túi riêng được gọi là các nang noãn. Khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều loại hormon để làm cho trứng trưởng thành. Và đây là thời điểm bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của một bé gái, chu kỳ này sẽ lặp đi lặp lại từ thời điểm đó cho đến khi mãn kinh.
Chúng ta bắt đầu xem xét từ vùng dưới đồi. Vùng dưới đồi là một tuyến nằm trong não chịu trách nhiệm điều khiển các cảm giác khát, đói, giấc ngủ, ham muốn tình dục và những chức năng nội tiết khác của con người. Nó chế tiết ra một chất truyền tin hóa học có tên là FSH-RF (Follicle Stimulating Hormone Releasing Factor, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Yếu tố làm phóng thích FSH) để ra lệnh cho tuyến yên, là một tuyến khác cũng nằm trong não, tiết ra FSH (Follicle Stimulating Hormone, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Hormon kích thích nang noãn) và một ít LH (Leutenizing Hormone, Hormon hoàng thể hóa), chúng sẽ đi vào máu và làm cho các nang noãn bắt đầu trưởng thành.
Các nang noãn đang trưởng thành sau đó sẽ tiết ra một loại hormon khác là estrogen. Khi các nang noãn chín sau khoảng 7 ngày, chúng sẽ chế tiết ra ngày càng nhiều estrogen vào máu. Estrogen làm cho lớp niêm mạc tử cung dày lên và làm thay đổi lớp chất nhầy ở cổ tử cung. Khi nồng độ estrogen đạt đến một ngưỡng nhất định, nó sẽ làm cho vùng dưới đối tiết ra LH-RF (Leutenizing Hormone Releasing Factor, Yếu tố làm phóng thích LH) để ra lệnh cho tuyến yên tiết ra một lượng lớn LH. Sự gia tăng nồng độ của LH này làm cho một nang noãn có độ trưởng thành cao nhất vỡ ra và phóng thích trứng ra ngoài. Hiện tượng này được gọi là sự rụng trứng (có nhiều loại thuốc tránh thai hoạt động bằng cách ngăn không cho sự gia tăng nồng độ LH xảy ra, do đó cũng làm ức chế luôn sự rụng trứng).
Sự rụng trứng
Khi rụng trứng, lượng máu đến nuôi buồng trứng sẽ gia tăng và các dây chằng sẽ co lại, kéo buồng trứng lại gần vòi trứng hơn, giúp trứng khi được phóng thích ra có thể tìm được đường đi vào vòi trứng. Ngay trước khi rụng trứng, cổ tử cung sẽ tiết ra một lớp chất nhầy trong suốt với lượng nhiều. Lớp chất nhầy này giúp cho tinh trùng có thể di chuyển đến trứng dễ dàng hơn. Một số phụ nữ dùng cách theo dõi lớp chất nhầy này hằng ngày để xác định xem khi nào họ dễ có thai nhất. Vào giữa chu kỳ, một số người sẽ cảm thấy co thắt hoặc một số cảm giác khác. Nhiệt độ cơ bản của cơ thể sẽ gia tăng một chút ngay sau khi rụng trứng và giữ ở mức đó cho đến vài ngày trước khi chu kỳ kế tiếp diễn ra.
Bên trong vòi trứng, trứng sẽ được mang đến tử cung nhờ các nhung mao (là những sợi nhỏ như tóc nhô ra bên trong lòng vòi trứng), và sẽ được thụ tinh nếu như có sự hiện diện của tinh trùng [có thai trong vòi trứng, được gọi là thai lạc chỗ, là một tình trạng hiếm gặp khi trứng làm tổ bên trong vòi trứng. Đó là một tình trạng nguy hiểm có thể gây đe dọa mạng sống nếu trứng bắt đầu phát triển và lớn lên thành phôi thai bên trong vòi trứng, khi đó vòi trứng sẽ vỡ ra và gây xuất huyết nội đòi hỏi phải được phẫu thuật. Nếu thai được phát hiện ra trước khi vỡ vòi trứng, có thể dùng thuốc (Methotrexate) để làm ngừng sự phát triển của phôi thai].
Những thay đổi của tử cung
Trong khoảng thời gian từ giữa chu kỳ cho đến lúc hành kinh, nang noãn (nơi trứng đã được phóng thích ra) trở thành hoàng thể (thể vàng). Khi nó lành lại, nó sẽ sản xuất ra hormon estrogen và progesterone với số lượng lớn cần cho sự duy trì thai kỳ. Vào giai đoạn sau của quá trình lành lại, nếu thai kỳ không diễn ra, nang não sẽ hóa thành màu trắng và được gọi là bạch thể (thể trắng).
Estrogen và progesterone đôi khi được gọi là các hormon nữ, nhưng cả nam và nữ đều có loại hormon này nhưng ở những nồng độ khác nhau.
Progesterone có tác dụng làm cho bề mặt của tử cung, lớp nội mạc tử cung, được bao phủ bởi lớp chất nhầy được chế tiết từ các tuyến bên trong nội mạc. Nếu trứng không được thụ tinh và làm tổ, những động mạch xoắn bên trong lớp nội mạc sẽ đóng lại, ngừng cung cấp máu cho bề mặt tử cung. Khi đó máu sẽ tụ lại thành các "hồ tĩnh mạch" và khi đầy nó sẽ vỡ ra rồi bị tống xuất ra ngoài cùng với lớp nội mạc tử cung tạo ra hiện tượng hành kinh. Hầu hết thời gian hành kinh thường kéo dài từ 4 đến 8 ngày, nhưng khoảng thời gian này có thể thay đổi tùy theo tuổi tác và tùy theo người.
Một số nhà nghiên cứu còn quan niệm rằng sự hành kinh hàng tháng chính là sự làm sạch của tử cung và âm đạo khỏi các tinh trùng và vi khuẩn mà chúng đang mang.
Triệu chứng co thắt và những dấu hiệu khác
Phụ nữ có thể có nhiều cảm giác khác nhau trước, trong, và sau khi hành kinh. Những khó chịu thường gặp là đau lưng, đau phía bên trong hông, phù nề, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, nhức đầu, căng đau ở vú, kích thích, và những thay đổi về tâm tính khác.
Sự co thắt tử cung là một trong những cảm giác khó chịu thường gặp nhất ở phụ nữ khi hành kinh. Có 2 loại co thắt. Co thắt không liên tục có thể là do prostaglandin, là một chất hóa học ảnh hưởng đến trương lực cơ. Một số loại prostaglandin gây dãn cơ, một số loại gây co cơ. Chế độ ăn có nhiều acid linoleic và liblenic, thường thấy ở các loại rau quả và cá, làm gia tăng prostaglandin gây dãn cơ.
Co cơ xung huyết làm cho cơ thể giữ lại dịch và muối. Để chống co cơ xung huyết, tránh ăn những thực phẩm từ lúa mì và bơ sữa, chất có cồn, cafe, và đường tinh chế.
Những phương pháp tự nhiên làm giảm co thắt
- Tăng tập luyện thể dục làm tăng lượng máu và oxy tuần hoàn khắp cơ thể, trong đó có cả vùng chậu.
- Tránh dùng tampon. Nhiều phụ nữ phát hiện ra rằng tampon gây tăng co thắt. Đừng chọn sử dụng dụng cụ tử cung (IUD - Intrauterine device) làm phương pháp tránh thai của mình.
- Tránh ăn thịt đỏ, đường tinh luyện, sữa, và những thức ăn béo.
- Ăn nhiều rau quả tươi, ngũ cốc nguyên chất (đặc biệt là nếu như bạn bị táo bón hoặc ăn không tiêu), các loại đậu, hạt, và trái cây.
- Tránh các loại thực phẩm có chứa cafein. Nó sẽ làm cho mạch máu gây tăng trương lực.
- Tập thiền, massage.
- Đạt cực khoái trong tình dục (một mình hoặc với bạn tình).
- Uống trà rễ gừng (đặc biệt là nếu như bạn cảm thấy mệt mỏi).
- Bỏ tiêu cayenne vào thứ ăn. Nó là một chất dãn mạch có thể giúp cải thiện tuần hoàn.
- Thở sau, thư giãn, chú ý xem bạn đang gồng cứng, giữ áp lực ở chỗ nào trên cơ thể và giải phóng nó.
- Dành thời gian cho riêng mình.
Những hormon trong cơ thể chúng ta đặc biệt nhạy cảm với chế độ ăn và dinh dưỡng. Hội chứng tiền hành kinh và co thắt khi hành kinh không phải là bệnh mà được cho là những triệu chứng do dinh dưỡng kém nhiều hơn.
Hội chứng tiền hành kinh
Hội chứng tiền hành kinh đã được biết đến từ rất nhiều năm nay và là một tính chất bình thường của chu kỳ kinh của phụ nữ. Tuy nhiên trong vòng 30 năm trở lại đây, các công ty dược phẩm đã nhắm mục tiêu và tạo ra những sản phẩm để điều trị chúng như thể chúng là một loại bệnh nào đó. Những công ty này sẽ thu lợi được từ những loại thuốc được bán ra.
Hội chứng tiền hành kinh là một tập hợp các triệu chứng hoặc cảm giác mà mọi phụ nữ nhận thấy do nồng độ hormon tăng cao trước, và đôi khi trong khi hành kinh.
Một kiểu hội chứng tiền hành kinh được đặc trưng bởi các triệu chứng như lo âu, kích thích, và tâm tính thay đổi bất thường. Những cảm giác này thường sẽ hết khi bắt đầu chảy máu. Có vẻ như là loại hội chứng này có liên quan đến sự cân bằng giữa estrogen và progesterone. Nếu estrogen chiếm ưu thế thì sẽ gây ra lo âu. Ngược lại nếu progesterone chiếm ưu thế thì sẽ gây ra trầm cảm.
Những chuyện hoang đường về kinh nguyệt
- Mọi chu kỳ kinh của phụ nữ đều phải và nên phải kéo dài trong vòng 28 ngày.
- Mọi phụ nữ đều phải hoặc nên phải chảy máu kinh mỗi tháng.
- Mọi phụ nữ đều phải hoặc nên phải rụng trứng trong tất cả các chu kỳ.
- Khi phụ nữ đang hành kinh thì cô ta không thể có thai được.
- Phụ nữ không thể rụng trứng hoặc có thai khi cô ta đang hành kinh.
Những điều trên đây đều là những lời đồn thổi sai lạc về kinh nguyệt, do mỗi phụ nữ đều có những chu kỳ kinh khác nhau.
Đúng là hầu hết phụ nữ đều có chu kỳ kinh kéo dài trong khoảng 28 ngày. Nhưng một phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường cũng có thể chỉ có 3 hoặc 4 chu kỳ kinh mỗi năm [Tuy nhiên, có thể những trường hợp này là khỏe mạnh và bình thường nhưng chúng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng ẩn phía sau. Chẳng hạn như có một bài viết mới đây nghi ngờ rằng chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể là một dấu hiệu tiên đoán cho bệnh đái tháo đường].
Sự rụng trứng xảy ra trong khoảng từ 14-16 ngày trước khi hành kinh (không phải 14 ngày sau ngày đầu tiên hành kinh). Nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, tính từ thời điểm rụng trứng đến thời điểm hành kinh, có thời gian kéo dài tương đối giống nhau, nhưng nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt thì lại thay đổi khác nhau tùy theo từng người và tùy theo từng chu kỳ. Trong một số ít trường hợp, có những phụ nữ rụng trứng 2 lần trong 1 tháng, mỗi lần từ một buồng trứng khác nhau.
Sự thụ tinh chỉ có thể xảy ra sau khi rụng trứng. Khi được phóng thích ra khỏi buồng trứng, trứng sẽ có thể tiếp tục sống thêm khoảng 24 giờ nữa. Tinh trùng có thể sống trong cơ thể phụ nữ khoảng 3 - 4 ngày, nhưng có thể kéo dài khoảng 6 - 7 ngày. Nếu một cặp quan hệ tình dục trước hoặc sau khi rụng trứng, họ có thể có thai do tinh trùng sống đã hiện diện bên trong cơ thể phụ nữ khi sự rụng trứng xảy ra. Do đó, một người phụ nữ có thể có thai khi quan hệ trong khoảng từ 7 đến 10 ngày giữa chu kỳ.
Canh ngày rụng trứng là một biện pháp kiểm soát sinh sản bằng cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hằng ngày để xác định thời điểm rụng trứng. Họ sẽ học cách dự đoán được ngày rụng trứng để ngăn hoặc tạo cơ hội thụ thai. Cách này cần phải được tập luyện và ghi nhận một cách chăm chỉ.
Cũng có một số phụ nữ có thể có thai và tiếp tục hành kinh trong cùng một thời điểm. Cũng có những trường hợp phụ nữ bị mang thai khi đang hành kinh.
Mãn kinh
Ở hầu hết phụ nữ, thời kỳ mãn kinh xảy ra vào khoảng độ tuổi từ 40 đến 60 và kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm.
Thường sẽ có nhiều thay đổi về kinh nguyệt, một số xảy ra từ từ một số xảy ra đột ngột trước khi ngừng lại hoàn toàn. Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu trở nên thất thường, gần lại với nhau hoặc diễn ra xa hơn, có thể có 1 hay 2 lần không hành kinh, hoặc chảy một ít máu ngoài thời gian hành kinh.
Cảm giác thường gặp nhất là mất máu với số lượng lớn khi hành kinh và do cục máu đông lớn. Khi một người phụ nữ sắp đến thời điểm mãn kinh, cô ta có thể không còn rụng trứng trong 1 chu kỳ nào đó hoặc trong 1 vài chu kỳ. Trong trường hợp này, lớp nội mạc tử cung không được nhận những tín hiệu hóa học ra lệnh cho nó ngừng dày thêm lên. Do đó, nó sẽ tiếp tục lớn lên dầy cho đến khi tích tụ lại với khối lượng lớn và chảy máu nhiều.
Những dấu hiệu của mãn kinh bao gồm những cơ đỏ bừng mặt, thay đổi trong giấc ngủ, nhức đầu hay nhức đầu migraine, nhiều năng lượng, nhiều sự sáng tạo, và/hoặc thay đổi tâm tính. Cũng giống như đối với hội chứng tiền hành kinh, một số triệu chứng là do sự mất cân bằng hormon do dinh dưỡng kém.
Bạn có biết
- Trung bình một phụ nữ có thể mất từ 20 đến 80 cc máu trong một chu kỳ kinh bình thường.
- 1/6 trứng được thụ tinh bị sẩy, một số là do sự tái hấp thu của cơ thể và người phụ nữ không nhận ra được là mình đã có thai.
- Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ (số ngày từ ngày đầu tiên của 1 chu kỳ kinh cho đến ngày đầu tiên của chu kỳ kinh kế tiếp) được xác định bằng số ngày cần thiết để buồng trứng phóng thích ra 1 trứng. Khi trứng được phóng thích ra thì thời gian còn lại tính đến ngày hành kinh vào khoảng 14 ngày ở gần như hầu hết mọi phụ nữ.
Theo Feminist Women's Health Center - Y học NET dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net