Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Estrogen

Estrogen

Estrogen có thể được xem là loại hormon được biết đến và bàn luận rộng rãi nhất trong tất cả các loại hormon.

Thuật ngữ "estrogen" trong thực tế dùng để chỉ một loại bất kỳ trong số các hormon có tính chất hóa học tương tự nhau; hormon estrogen đôi khi bị hiểu lầm là loại hormon của nữ giới trong khi thực tế là trong cơ thể của cả nam lẫn nữ đều sản xuất ra loại hormon này. Tuy nhiên, vai trò của estrogen ở nam giới vẫn chưa hoàn toàn được rõ ràng.

Để hiểu vai trò của estrogen ở phụ nữ, điều quan trọng cần phải nắm là khái niệm hormon nói chung là gì. Hormon là những chất hóa học có vai trò sống còn ở cơ thể con người và động vật.

Thông thường chúng được xem như là "các chất truyền tin hóa học", hormon mang thông tin và các hướng dẫn từ một nhóm tế bào này đến một nhóm tế bào khác. Ở cơ thể người, hormon ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các loại tế bào, cơ quan, và chức năng. Chúng điều hòa quá trình phát triển, quá trình chuyển hóa, chức năng của mô, chức năng sinh dục, sinh sản, cách cơ thể sử dụng thức ăn, phản ứng của cơ thể đối với những tình huống khẩn cấp và thậm chí là đối với cảm xúc của chính chúng ta.

Estrogen làm được những gì?

Các hormon estrogen chịu trách nhiệm duy nhất cho sự lớn lên và phát triển của các đặc điểm giới tính nữ và sự sinh sản ở cả người và động vật. Thuật ngữ "estrogen" dùng để chỉ một nhóm các hormon có tính chất hóa học tương tự nhau bao gồm: estrone, estradiol (có nhiều nhất ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản) và estriol. Nói chung, estrogen được sản xuất ở buồng trứng, tuyến thượng thận, và các mô mỡ. Xét chi tiết hơn thì estradiol và estrone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng của những phụ nữ trước khi mãn kinh, còn estriol được sản xuất bởi nhau thai trong giai đoạn mang thai.

Ở phụ nữ, estrogen đi theo dòng máu đến gắn vào các thụ thể estrogen ở các tế bào tại mô đích, ảnh hưởng đến không chỉ tuyến vú, tử cung mà còn tác động đến não, xương, gan, tim, và các loại mô khác. Estrogen kiểm soát sự phát triển của nội mạc tử cung trong giai đoạn đầu của kinh nguyệt, gây ra những thay đổi của vú ở tuổi dậy thì và lúc mang thai, điều hòa nhiều quá trình chuyển hóa khác, bao gồm sự phát triển của xương và nồng độ cholesterol.

Estrogen và thai kỳ

Trong độ tuổi sinh sản, tuyến yên nằm bên trong não tạo ra những loại hormon làm cho trứng được phóng thích ra khỏi nang trứng mỗi tháng. Khi nang trứng phát triển, nó sản xuất ra estrogen làm cho lớp nội mạc của tử cung dày lên.

Sự sản xuất progesterone gia tăng sau khi rụng trứng vào giữa chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị sẵn sàng cho lớp nội mạc tử cung có thể nhận và nuôi dưỡng được trứng đã thụ tinh để nó có thể phát triển thành thai nhi. Nếu sự thụ tinh không xảy ra, estrogen và progesterone sẽ giảm xuống nhanh chóng, lớp nội mạc tử cung sẽ bị bong tróc ra và tạo thành kinh nguyệt.

Nếu sự thụ tinh xảy ra, estrogen và progesterone phối hợp với nhau để ngăn không cho các trứng khác rụng trong khi đang mang thai. Những thuốc ngừa thai đường uống lợi dụng đặc điểm này bằng cách điều hòa nồng độ hormon. Chúng còn làm cho lớp niêm mạc lát tử cung, còn được gọi là nội mạc tử cung, trở nên rất mỏng làm cho trứng đã thụ tinh không thể làm tổ được. Ngoài ra, chúng còn làm lớp chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại ngăn không cho tinh trùng đi vào cổ tử cung để thụ tinh với trứng.

Thuốc ngừa thai đường uống có chứa estrogen cũng làm giảm các cơn co thắt trong thời kỳ kinh nguyệt và một số triệu chứng tiền mãn kinh, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, có một số nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng, tử cung và đại trực tràng.

Estrogen và chứng loãng xương

Estrogen được buồng trứng sản xuất có thể phòng ngừa loãng xương và phối hợp với canxi, vitamin D, và những loại hormon khác cùng với chất khoáng để tạo xương. Loãng xương xảy ra khi xương trở nên quá yếu và dễ vỡ, không thể chịu đựng được các hoạt động bình thường hằng ngày.

Cơ thể của bạn liên tục xây dựng và tu sửa xương qua một quá trình được gọi là sự tái hấp thu và sự lắng đọng. Cho đến khoảng những năm 30 tuổi, cơ thể của bạn sẽ tạo ra nhiều xương mới hơn là phân hủy chúng. Nhưng khi nồng độ estrogen bắt đầu sụt giảm, quá trình này sẽ chậm lại.

Như vậy, sau tuổi mãn kinh, cơ thể của bạn bắt đầu phân hủy xương nhiều hơn tái tạo. Vào những năm ngay sau khi mãn kinh, phụ nữ có thể mất khoảng 20% khối lượng xương.

Estrogen và âm đạo và đường tiểu

Khi nồng độ estrogen xuống thấp, chẳng hạn như khi mãn kinh, âm đạo có thể trở nên khô hơn và thành âm đạo mỏng hơn là cho việc giao hợp trở nên đau đớn.

Ngoài ra, lớp niêm mạc lát bên trong niệu đạo (là một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài cơ thể) cũng trở nên mỏng đi. Một số ít phụ nữ có thể cảm thấy tăng nhiễm trùng tiểu và có thể giảm nhẹ khi được điều trị bằng estrogen qua đường âm đạo.

Giai đoạn tiền mãn kinh

Những thay đổi về cơ thể và tâm lý cùng với sự dao động trong nồng độ estrogen trong giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh được gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. Giai đoạn này thường kéo dài từ hai đến tám năm. Nồng độ estrogen có thể tiếp tục dao động trong những năm sau mãn kinh. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nóng bừng - cảm giác nóng đột ngột ở mặt, cổ, và ngực có thể làm cho bạn vã mồ hôi nhiều, tăng nhịp tim và làm bạn cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn. Cơn nóng bừng thường kéo dài khoảng từ 3 đến 6 phút, mặc dù cảm giác này có thể kéo dài lâu hơn và làm bạn tỉnh dậy vào nửa đêm.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
  • Nhạy cảm ở vú.
  • Tăng nhức đầu migraine
  • Són nước tiểu
  • Cảm xúc không ổn định.

Liệu pháp estrogen
Estrogen được dùng để điều trị một số bệnh, chẳng hạn như dậy thì chậm và những triệu chứng mãn kinh chẳng hạn như nóng bừng và teo âm đạo có triệu chứng. Teo âm đạo là tình trạng nồng độ estrogen xuống thấp làm cho âm đạo của phụ nữ trở nên hẹp, mất tính mềm dẻo và mất nhiều thời gian hơn để trở nên ẩm ướt.

Thiểu năng tuyến sinh dục nữ là tình trạng các buồng trứng sản xuất ít hoặc không sản xuất hormon, cũng như suy buồng trứng sớm, cũng có thể gây khô âm đạo, teo tuyến vú và giảm ham muốn tình dục cũng có thể được điều trị bằng estrogen.

Trong nhiều năm, liệu pháp estrogen và liệu pháp estrogen-progestin được các bác sĩ kê toa để điều trị cho các bệnh nhân có những triệu chứng mãn kinh, để ngừa loãng xương và cải thiện sức khỏe chung của phụ nữ.

Tuy nhiên, sau sự công bố của WHI (Women's Health Initiative) vào năm 2002 và tháng 3/2004, Cục Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA - Food and Drug Administration) hiện nay đã khuyên các bác sĩ nên sử dụng liệu pháp hormon để điều trị các triệu chứng mãn kinh ở liều thấp nhất và trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể được mà vẫn đạt được mục tiêu điều trị.

Cách điều trị này thông thường được duy trì để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh hơn là phòng ngừa các bệnh mạn tính. WHI đã nghiên cứu trên 27.347 phụ nữ ở độ tuổi từ 50 đến 79 (tuổi trung bình là 63) sử dụng liệu pháp estrogen hoặc liệu pháp estrogen/progestin.

Họ được theo dõi trong khoảng thời gian trung bình từ 5 năm rưỡi đến 7 năm. Và nghiên cứu này không thể ghi nhận được lợi ích vượt trôi hơn so với nguy cơ khi sử dụng liệu pháp hormon nhằm mục đích dự phòng, và khám phá ra rằng nguy cơ do hormon gây ra có thể thay đổi tùy theo độ tuổi của phụ nữ và số năm tính từ lúc mãn kinh.

Viện Ung Thư Quốc Gia đã phát hiện ra sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ ung thư vú phụ thuộc hormon ở phụ nữ, là loại ung thư vú thường gặp nhất, vào năm 2003. Ở một nghiên cứu xuất bản ở tờ New England Journal of Medicine vào tháng 4/2007, các nhà nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm này có liên quan trực tiếp đến một thực tế là có hàng triệu phụ nữ ngừng không sử dụng liệu pháp hormon nữa vào năm 2002 sau khi các kết quả của một cuộc nghiên cứu chính của chính phủ cho thấy việc điều trị này làm gia tăng nhẹ nguy cơ bị ung thư vú, bệnh tim mạch, và đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự sụt giảm các trường hợp ung thư vú này bắt đầu vào năm 2002 và khựng lại sau năm 2003. Sự sụt giảm xảy ra ở nhóm những phụ nữ trên 50 tuổi và rõ rệt ở những phụ nữ có khối u cho kết quả dương tính với thụ thể estrogen (ER - Estrogen receptor) - là loại ung thư cần phải có sự hiện diện của estrogen để phát triển.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy ngừng điều trị có thể phòng ngừa được sự phát triển của một số loại ung thư rất nhỏ dương tính với ER (và ở một số trường hợp còn có thể giúp chúng thoái lui) do chúng không có thêm estrogen cần thiết để phát triển.

Tuy nhiên, đối với những phụ nữ có triệu chứng mãn kinh hoặc những phụ nữ mãn kinh sớm, liệu pháp hormon vẫn là cách điều trị chứng nóng bừng hiệu quả nhất. Để biết nhiều thông tin hơn về nghiên cứu WHI, phác đồ điều trị mãn kinh bằng liệu pháp hormon và những nguy cơ tiềm ẩn cùng với lợi ích của nó, các bạn có thể ghé thăm website www.nhlbi.nih.gov.

Ngoài việc dùng để điều trị những triệu chứng liên quan đến mãn kinh, estrogen và những loại hormon khác được kê toa để điều trị những rối loạn về sức khỏe sinh sản và nội tiết (hệ nội tiết là một hệ thống trong cơ thể điều hòa sự sản xuất và chức năng của hormon).
Một số trường hợp cần sử dụng liệu pháp hormon là:

  • Dậy thì muộn
  • Ngừa thai
  • Kinh nguyệt không đều
  • Những triệu chứng mãn kinh

Do những rối loạn hormon có thể gây ra nhiều triệu chứng rất thay đổi và cũng có thể liên quan đến những bệnh khác nên cần phải đánh giá một cách cẩn thận các triệu chứng và sức khỏe tổng quát của mình, đặc biệt là khi bạn gặp những triệu chứng bất thường. Để có thể đi đến được chẩn đoán cuối cùng cho tình trạng của bạn, bác sĩ có thể sẽ muốn loại trừ một số bệnh nhất định.

Quá trình khác sẽ bao gồm một bệnh sử hoàn chỉnh, tiền căn gia đình và khám thực thể. Có thể cần phải làm các xét nghiệm máu và những xét nghiệm khác để đo nồng độ hormon. Chụp hình não đôi khi cũng được thực hiện để xác định những bất thường có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết, và kiểm tra DNA có thể phát hiện ra được những bất thường về di truyền.

Nồng độ estradiol hoặc của những loại hormon khác cũng có thể được kiểm tra để đánh giá sự dậy thì sớm ở bé gái (xuất hiện những dấu hiệu dậy thì trước 7 tuổi), dậy thì muộn và trong kỹ thuật sinh có hỗ trợ (ART - Assisted reproductive technology) để theo dõi sự phát triển của nang trứng trong những ngày trước khi thụ tinh trong ống nghiệm. Nồng độ hormon đôi khi còn được dùng để theo dõi trong khi điều trị bằng hormon liệu pháp.

Estrone và/hoặc Estradiol có thể được kiểm tra nếu bạn bị nóng bừng, vã mồ hôi đêm, mất ngủ và/hoặc vô kinh (không có kinh nguyệt trong một khoảng thời gian dài). Tuy nhiên, do sự dao động của nồng độ estradiol theo từng ngày và thậm chí là theo từng giờ nên chúng không có ích bằng theo dõi nồng độ FSH (follicle stimulating hormone) để đánh giá những tình trạng này. Xét nghiệm estradiol trong nước bọt cũng ít ổn định một cách xác thực và không có giá trị trong chẩn đoán và điều trị triệu chứng. Trong hầu hết các trường hợp thì độ tuổi của bệnh nhân, các triệu chứng và tính chất không đều của chu kỳ kinh nguyệt là đủ để thiết lập chẩn đoán.

Một chẩn đoán thích hợp về rối loạn hormon có tính chất quan trọng trong việc xác định được cách điều trị phù hợp, có thể bao gồm liệu pháp estrogen. Những tình trạng và triệu chứng sau là những rối loạn hormon thường gặp:

  • Dậy thì muộn. Dậy thì muộn có thể là do những hiện tượng ngừng sản xuất bình thường các hormon, bao gồm tổn thương hệ thần kinh trung ương, rối loạn tuyến yên, những quá trình tự miễn có ảnh hưởng đến buồng trứng và những tuyến nội tiết khác, những bệnh về chuyển hóa và nhiễm trùng, biếng ăn hoặc suy dinh dưỡng, tiếp xúc với những chất độc trong môi trường và luyện tập thể thao quá mức ở các vận động viên. Những dấu hiệu dậy thì muộn bao gồm:
    • Mô vú không phát triển vào khoảng 13 tuổi.
    • Không có kinh nguyệt trong vòng 5 năm sau khi vú bắt đầu phát triển, hoặc vào 16 tuổi.
    • Điều trị estrogen cho các bé gái bị dậy thì muộn cũng có phần gây tranh cãi; một số chuyên gia cho rằng nên điều trị, trong khi một số khác lại chọn cách theo dõi sát.
  • Kinh nguyệt không đều. Khi bác sĩ đã nhận định được rằng chu kỳ kinh không đều không phải do những nguyên nhân nghiêm trọng hay nguy hiểm gây ra, bệnh nhân có thể được cho uống thuốc tránh thai hoặc progesterone theo chu kỳ để điều hòa lại chu kỳ kinh nguyệt, cho rằng không có lý do gì làm bạn không thể dùng chúng được. Hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân thường gặp gây ra chu kỳ kinh không đều.
  • Thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai đường uống là một trong những phương pháp phổ biến nhất để kiểm soát sinh đẻ tại Hoa Kỳ. Những phương pháp dùng hormon khác bao gồm một số thiết bị đặt trong tử cung (IUD - Intrauterine device), miếng dán và vòng đặt trong âm đạo.
  • Những triệu chứng mãn kinh. Sự dao động hoặc sụt giảm của nồng độ estrogen và những loại hormon khác như testosterone có thể bắt đầu sớm vào những năm 30 tuổi. Những sự thay đổi về hormon này có thể dẫn đến nhiều sự thay đổi về thực thể lẫn tâm lý đi kèm với giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh. Đương nhiên rằng mãn kinh chỉ là một giai đoạn của cuộc đời chứ không phải bệnh tật, nhưng những triệu chứng đi kèm theo nó có thể gây khó chịu cho một số người.

Những thay đổi đó có thể bao gồm:

  • Kinh nguyệt không đều.
  • Nóng bừng (cảm giác ấm đột ngột, đôi khi kèm theo đỏ ứng mặt hoặc vã mồ hôi).
  • Vã mồ hôi đêm (do cơn nóng bừng xảy ra vào ban đêm, thường gây phá vỡ giấc ngủ).
  • Mệt mỏi (thường là do giấc ngủ bị rối loạn).
  • Cảm xúc thất thường.
  • Thức dậy sớm vào buổi sáng.
  • Khô âm đạo.
  • Đáp ứng và ham muốn tình dục không ổn định.
  • Khó ngủ.

Những tình trạng rối loạn liên quan đến mãn kinh có thể xảy ra ở nhiều dạng khác nhau. Hãy hỏi bác sĩ về bất kỳ những thay đổi nào làm bạn chú ý.

Đối với những phụ nữ mãn kinh có gây ra những triệu chứng khó chịu hoặc với những phụ nữ bị mãn kinh sớm, liệu pháp hormon hoặc liệu pháp estrogen vẫn còn là một tiêu chuẩn vàng để làm giảm triệu chứng nóng bừng mặt và những triệu chứng liên quan đến âm đạo.

Liệu pháp điều trị bằng estrogen đơn độc có thể được sử dụng đối với những phụ nữ đã cắt tử cung và do đó không có nguy cơ bị ung thư tử cung. Đối với những phụ nữ gặp các triệu chứng tiền mãn kinh, estrogen thường được cho trong một thời gian ngắn (từ 6 tháng cho đến 4 hoặc 5 năm) với mục tiêu giảm dần và cuối cùng là chấm dứt hẳn không dùng nữa.

Nếu bạn gặp những triệu chứng mãn kinh từ trung bình cho đến nặng hoặc các triệu chứng không giảm khi sử dụng các biện pháp không dùng hormon thì liệu pháp hormon có thể là một lựa chọn.

Ngày nay, có những dạng liệu pháp hormon mới với liều thấp hơn có thể được dùng để điều trị triệu chứng mãn kinh. FDA đã phê duyệt cho lưu hành trên thị trường các loại thuốc viên, miếng dán, gel, thuốc bôi và thuốc xịt với liều thấp. Dùng estrogen qua đường da ít có nguy cơ gây huyết khối ở chân hay ở phổi hơn dùng thuốc viên qua đường uống.

Liều sử dụng của estrogen trong liệu pháp hormon thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào những triệu chứng mà nó cần phải kiểm soát và lịch sử dụng. Hãy trao đổi với bác sĩ về những triệu chứng và những mối lo lắng của mình.

Vào năm 2003, FDA đã thông báo một khuyến cáo mới trên tất cả các sản phẩm estrogen được sử dụng ở những phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Cái được gọi là "hộp đen" là bước mạnh nhất mà FDA có thể thực hiện để cảnh báo người sử dụng về những nguy cơ của loại thuốc này. Nó khuyến cáo các bác sĩ nên cho thuốc estrogen với liều thấp nhất có thể và trong khoảng thời gian thấp nhất có thể.

Trong khi liệu pháp hormon cho đến năm 2002 vẫn được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh, nguy cơ đối với sức khỏe của liệu pháp hormon có thể trở nên vượt trội so với loại lợi ích này đối với nhiều phụ nữ. Do đó nên xem xét sử dụng những cách điều trị loãng xương khác trước khi nghĩ đến sử dụng liệu pháp hormon.

Mặc dù có những nghiên cứu quan sát được thực hiện trong nhiều năm cho thấy liệu pháp hormon có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch ở những phụ nữ sau tuổi mãn kinh, có những nghiên cứu placebo có kiểm soát gần đây cho thấy liệu pháp hormon này thật ra có thể làm gia tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, cơn đau tim và đột quỵ ở những phụ nữ lớn tuổi hơn, và không nên được dùng khởi đầu cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi chỉ với mục đích phòng ngừa bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, những nghiên cứu theo dõi đã cho thấy nguy cơ này xảy ra ở những phụ nữ sau mãn kinh lớn tuổi nhưng không xảy ra ở những phụ nữ sau mãn kinh trẻ hơn.

Hơn nữa, những phát hiện của các nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên) bắt đầu sử dụng liệu pháp hormon có tỷ lệ bị mất trí, trong đó có bệnh Alzheimer, tăng gấp 2 lần so với những phụ nữ không dùng thuốc.

Một nghiên cứu, là một phần của nghiên cứu WHIMS (Women's Health Initiative Memory Study) được công bố vào ngày 28/5/2003 ở tờ Journal of the American Medical Association, cho thấy có sự gia tăng nguy cơ bị mất trí trong một nghiên cứu trên những phụ nữ từ 65 tuổi trở lên có sử dụng Prempro.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng liệu pháp hormon không bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh giảm nhận thức nhẹ (MCI - mild cognitive impairment), là một dạng suy giảm nhận thức nhẹ hơn mất trí.

Có nhiều công thức và liều lượng estrogen và dạng phối hợp estrogen-progestin được bày bán trên thị trường hiện nay được dùng để điều trị những tình trạng do thiếu estrogen, kiểm soát sinh sản, và điều hòa những quá trình có liên quan đến hormon chẳng hạn như kinh nguyệt.

Tránh thai bằng hormon
Thuốc tránh thai đường uống

Hầu hết các dạng thuốc tránh thai phối hợp dùng qua đường uống có chứa từ 20 đến 50 mcg estrogen, thấp hơn so với những loại thuốc được bán cách đây 20 đến 30 năm (còn khoảng 1/4 hoặc ít hơn so với trước).

Thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen ngày nay được các bác sĩ kê toa còn vì những lợi ích khác ngoài mục đích tránh thai. Chẳng hạn như chúng có thể:

  • Điều hòa và làm ngắn lại chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
  • Làm giảm triệu chứng co thắt và chảy máu nặng nề.
  • Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
  • Giảm sự phát triển của u nang buồng trứng.
  • Bảo vệ chống lại tình trạng thai lạc chỗ.
  • Làm giảm nguy cơ ung thư (nội mạc) tử cung.
  • Làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh.

Miếng dán tránh thai và vòng âm đạo.
Miếng dán tránh thai và vòng đặt âm đạo có chứa những hormon tương tự như thuốc tránh thai đường uống và có nhiều ích lợi tương tự, mặc dù chúng dùng qua những đường khác nhau.

Dụng cụ tử cung có chứa hormon.
Dụng cụ tử cung (IUD - Intrauterine device) có chứa hormon giúp tránh thai và nếu như là Mirena IUD thì nó còn làm giảm đáng kể lượng máu chảy khi có kinh.

Có những tác dụng phụ và nguy cơ đi kèm khi dùng những loại thuốc tránh thai có chứa estrogen mặc dù đã giảm đi nhiều sau sự ra đời của những phiên bản thuốc liều thấp trong những năm gần đây. Chúng bao gồm: đau tim, đột quỵ, huyết khối, tắc mạch phổi, buồn nôn và nôn, nhức đầu, ra huyết bất thường, tăng cân hoặc sụt cân, nhạy cảm đau ở ngực và tăng kích cỡ ngực.

Theo một nghiên cứu vào năm 1997 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì hút thuốc lá khi dùng thuốc ngừa thai làm tăng đáng kể nguy cơ bị các cơn đau tim ở phụ nữ trên 35 tuổi. Thuốc lá nguy hiểm hơn nhiều đối với sức khỏe phụ nữ so với sử dụng thuốc ngừa thai, nhưng sự phối hợp giữa hút thuốc với dùng thuốc ngừa thai đường uống còn làm tăng nguy cơ bị đau tim cao hơn là tổng nguy cơ khi sử dụng hai thứ đơn độc cộng lại. Đối với phụ nữ ở mọi độ tuổi, hút thuốc lá tăng nguy cơ bị huyết khối và đột quỵ có liên quan đến sử dụng thuốc ngừa thai.

Nếu nguyên nhân chính khiến bạn dùng thuốc ngừa thai đường uống là để không cho có thai ngoài ý muốn và bạn lo lắng về những tác dụng phụ do estrogen có thể xảy ra, có một dạng thuốc viên mini có chứa progestin (là dạng tổng hợp của hormon progesterone tự nhiên) có thể là một lựa chọn cho bạn.

Liệu pháp hormon để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
Có 2 cách điều trị dùng để thay thế lượng hormon bị suy giảm khi bắt đầu mãn kinh hoặc bị thiếu hụt do một bệnh nào đó.

  • Estrogen-progestin: Liệu pháp điều trị bằng hormon sau mãn kinh cho đến gần đây được gọi với cái tên là liệu pháp hormon thay thế hoặc HRT (Hormone replacement therapy) hiện nay được gọi là liệu pháp hormon mãn kinh (MHT - Menopausal hormone therapy) hoặc đơn giản là liệu pháp hormon (HT - Hormone therapy). Liệu pháp hormon thông thường dùng để chỉ sự phối hợp giữ estrogen với dạng tổng hợp của progesterone (progestin) hoặc dạng tự nhiên của loại hormon này. Progesterone hoặc progestin cần thiết ở những phụ nữ có tử cung còn nguyên vẹn để làm giảm tác động kích thích của estrogen lên mô tử cung - là yếu tố nguy cơ cho ung thư tử cung.
  • Estrogen đơn độc:
    • Liệu pháp estrogen: dùng để chỉ cách dùng duy nhất một mình estrogen. Liệu pháp estrogen có thể được sử dụng ở những phụ nữ đã được cắt tử cung (do đó không có nguy cơ bị ung thư tử cung). Có nhiều loại thuốc estrogen chứa nhiều loại estrogen có thể mua được. Chúng bao gồm thuốc viên, miếng dán, thuốc tiêm, thuốc nước bôi, gel, thuốc xịt, kem bôi âm đạo, vòng đặt, hoặc viên nén.
    • Estrogen kết hợp: Prematin là loại estrogen kết hợp thường được dùng nhất. Nó có chứa một vài loại estrogen kết hợp được lấy từ nước tiểu của ngựa cái. Dùng dưới dạng thuốc uống, thuốc tiêm tĩnh mạch và kem bôi âm đạo. Cenesin là một hỗn hợp được chiết xuất từ 9 loại cây, là sản phẩm estrogen kết hợp và được FDA thông qua dùng để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
    • Estrogen ester hóa: Những loại estrogen này có thể được làm từ nguồn gốc thực vật hoặc từ nước tiểu của ngựa đang mang thai. Tên của chúng là Estratab và Menest. Estratest là sản phẩm kết hợp giữa estrogen ester hóa và mythyltestosterone, là một loại hormon của nam giới. Nó là loại testosterone duy nhất hiện nay được FDA chấp nhận cho sử dụng trên phụ nữ. Tuy nhiên, testosterone dùng qua đường uống có thể dẫn đến sự suy giảm HDL, là một loại "cholesterol tốt", và nó có thể gây ra những tác dụng phụ như nổi mụn và mọc lông mặt nhiều. Do đó, cho đến khi những tác dụng có ích của những loại thuốc bổ sung testosterone được khẳng định bằng những nghiên cứu sâu hơn thì hầu hết các bác sĩ không khuyến khích bệnh nhân sử dụng chúng để điều trị các triệu chứng sau mãn kinh. Và bạn không nên dùng những loại thuốc này nếu bạn đang mang thai hoặc đang chuẩn bị kế hoạch có thai.
    • Estradiol: Loại estrogen này, bình thường được cơ thể sản xuất khi đang trong độ tuổi sinh sản, được bày bán dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau được dùng qua đường uống hoặc qua da. Estradiol dùng qua đường uống có thể mua được dưới một số tên sản phẩm đã được FDA thông qua bao gồm Femtrace, Estrace, Gynodiol và estradiol generic. Những miếng dán để thấm qua da bao gồm các nhãn hiệu sau: Alora, Climara, Esclim, Estraderm, và Vivelle. Một loại miếng dán mới có nồng độ estrogen cực thấp là Menostar đã được thông qua dùng để phòng ngừa bệnh loãng xương. Thuốc bôi Estradiol (Estrogel) là một loại gel dùng để ngấm qua da; Estrasorb là một loại thuốc nước dùng để bôi giúp thuốc ngấm qua da. Femring là loại vòng đặt ở âm đạo cung cấp estradiol acetate dưới dạng liều đầy đủ dùng trong liệu pháp estrogen hệ thống. Estring là một loại vòng đặt âm đạo phóng thích một lượng estradiol rất thấp và chỉ được dùng trong điều trị âm đạo tại chỗ. Viên nén đặt âm đạo Vagifem cung cấp liều estradiol cực thấp để điều trị cục bộ.
    • Estrone: đây là loại hormon tự nhiên ưu thế ở những phụ nữ tuổi mãn kinh và là sản phẩm chuyển hóa của estradiol. Một số dạng estrone hiện diện dưới dạng kết hợp và estrogen ester hóa cũng như dưới dạng kết hợp với piperazine.
    • Estropipate (Ogen, Ortho-Est) là estrogen tự nhiên dưới dạng viên.
    • Ethinyl estradiol (Estinyl) là dạng estrogen tổng hợp dưới dạng viên nén.
    • Estrogen kết hợp tổng hợp, B (Enjuvia). Là loại estrogen kết hợp tổng hợp có nguồn gốc thực vật bao gồm thành phần estrogen cộng thêm dưới dạng delta 8,9-dehydroestrone sulfate.

Liệu pháp estrogen cục bộ qua đường âm đạo
Có một số loại estrogen dưới dạng kem bôi ở âm đạo dùng để điều trị teo âm hộ và âm đạo. Chúng bao gồm: kem estrogen kết hợp (Premarin), estradiol micron hóa (Estrace), dienestrol (Ortho dienestrol), và kem estropipate (Ogen).

Estradiol cũng được bán dưới dạng vòng đặt âm đạo (Estring) dùng để điều trị các triệu chứng trên cùng với triệu chứng viêm niệu đạo, và dưới dạng thuốc viên đặt âm đạo (Vagifem).

Liệu pháp hormon kết hợp: estrogen và progestin
Sử dụng estrogen mỗi ngày và progestin trong vòng 2 tuần mỗi tháng có thể dẫn đến xuất huyết âm đạo tương tự như kinh nguyệt. Nhiều phụ nữ thích dùng cả 2 loại hormon hằng ngày để hạn chế xuất huyết âm đạo thường ngừng lại sau 3 đến 6 tháng điều trị liệu pháp kết hợp mỗi ngày.
Một số loại thuốc kết hợp bao gồm:

  • 17 beta-estradiol and norgestimate (Ortho-Prefest) estrogen liên tục và progesterone từng đợt.
  • Estrogen kết hợp và medroxyprogesterone (Prempro: 3 liều khác nhau; Premphase: progestin theo chu kỳ).
  • Estradiol và norethindrone acetate (Activella)
  • Ethinyl estradiol và norethindrone acetate (Femhrt).

Một số ví dụ về các sản phẩm kết hợp dùng qua đường da là:

  • Miếng dán estradiol và norethindrone acetate (CombiPatch)
  • Miếng dán estradiol và levonorgestrel (Climara Pro)

Bất kỳ loại nào kể trên cũng đều có thể được kê toa để điều trị các triệu chứng mãn kinh, bao gồm teo âm hộ và âm đạo.

Estrogen đồng nhất sinh học, tự nhiên hoặc pha chế.
Thuật ngữ "estrogen đồng nhất sinh học" dùng để chỉ những loại hormon tương tự với dạng hormon được cơ thể sản xuất ra. Chúng cũng có thể được gọi là các hormon tự nhiên. Đôi khi các loại hormon được bán ở các hiệu thuốc sau khi đã pha chế được gọi là "tự nhiên (natural) hay đồng nhất sinh học (bioidentical). Tất cả những loại estrogen hay progesterone này được làm ra trong phòng thí nghiệm và sau đó hòa lẫn với cream hay ép lại thành dạng viên.

Không có bằng chứng cho thấy những loại hormon pha chế này an toàn hơn hay hiệu quả hơn những loại hormon được FDA thông qua. Có nhiều loại estrogen và progesterone đồng nhất sinh học được FDA thông qua được bán ở chợ và có nhiều liều khác nhau để lựa chọn. Những sản phẩm được FDA thông qua được giám sát nghiêm ngặt hơn về độ tinh khiết và tính đồng nhất của sản phẩm hơn những loại pha chế.

Bạn không nên dùng bất kỳ dạng gì của estrogen nếu như bạn đang mang thai hoặc bị:

  • Ung thư vú, tử cung, hay buồng trứng.
  • Xuất huyết tử cung bất thường không rõ nguyên nhân (cho đến khi phát hiện ra được nguyên nhân gây xuất huyết).
  • Nồng độ triglyceride rất cao (trong trường hợp này, một số người có thể sử dụng estrogen qua miếng dán, thuốc nước bôi, hoặc gel).
  • Bệnh gan đang hoạt động.
  • Huyết khối hoặc tắc mạch phổi.

Những phụ nữ dùng estrogen đơn độc hoặc estrogen cộng với progestin được khuyên nên đi khám vú và chụp nhũ ảnh mỗi năm. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị bằng liệu pháp estrogen hay liệu pháp hormon bao gồm tăng nguy cơ huyết khối, bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ, ung thư vú. Những tác dụng phụ khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Xuất huyết âm đạo (mới bắt đầu hoặc tái phát).
  • Nhạy cảm đau ở vú (thường biến mất sau khoảng 3 tháng).
  • Buồn nôn (thường khỏi sau khi cơ thể đã dung nạp được thuốc).
  • Tụ dịch (phù nề)
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Suy nhược
  • Tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng và bệnh túi mật.
  • Thay đổi thị giác, trong đó có không chịu được kính sát tròng.

Estrogen có thể phản ứng lại với nhiều loại thuốc khác, bao gồm hormon giáp, do đó hãy bảo đảm bạn đã thông báo với bác sĩ về tất cả những loại thuốc bạn đang sử dụng kể cả thực phẩm bổ sung/ thay thế.

Để quyết định được khi nào nên dùng estrogen để điều trị bệnh, bạn và bác sĩ sẽ phải trao đổi với nhau sơ lược về tình trạng sức khỏe của bạn. Cuộc trao đổi này sẽ giúp xem xét xem bạn có khả năng bị gia tăng nguy cơ gặp một số tác dụng phụ hoặc biến chứng khi sử dụng estrogen hay không.

  1. Estrogen được sản xuất ở buồng trứng, tuyến thượng thận và mô mỡ. Nó có chức năng chuẩn bị có cơ quan sinh dục sẵn sàng thụ tinh và mang thai. Estriol, một dạng estrogen, được sản xuất bởi nhau thai trong quá trình mang thai.
  2. Chức năng của estrogen trong cơ thể rất phức tạp. Chúng ta đã khám phá ra được nhiều những vẫn còn nhiều thứ khác nữa cần phải khám phá.
  3. Sự sụt giảm estrogen hay tình trạng nồng độ estrogen thấp có thể gây ra những triệu chứng thực thể như nóng bừng, vã mồ hôi đêm, và khô âm đạo.
  4. Vào giai đoạn mãn kinh, cơ thể bạn sẽ chỉ sản xuất khoảng 1/3 lượng estrogen mà nó sản xuất trong suốt tuổi sinh sản.
  5. Những loại thuốc bổ sung estrogen được dùng sau mãn kinh không chứng tỏ cho thấy có khả năng phòng ngừa bệnh tim mạch khi bắt đầu sử dụng ở những phụ nữ lớn tuổi sau khi đã mãn kinh được 6, 7 năm.
  6. Cục quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) và những cơ quan khác đã thông qua một kỹ thuật mới để mô tả chế độ hormon dùng để thay thế những hormon bị suy giảm khi bắt đầu mãn kinh hoặc bị thiếu hụt do một loại bệnh nào đó. Thuật ngữ "thay thế" được bỏ đi khỏi cụm từ "liệu pháp hormon thay thế". Thay vào đó, phương pháp điều trị bằng cách chỉ dùng estrogen đơn độc sẽ được gọi là liệu pháp estrogen, hoặc ET (Estrogen Therapy), và liệu pháp dùng estrogen/progestin hay estrogen/progesterone được gọi là liệu pháp hormon hoặc HT (Hormone Therapy) hay liệu pháp hormon mãn kinh (MHT - menopausal hormone therapy).
  7. Thuật ngữ "estrogen" dùng để chỉ một nhóm hợp chất có tính chất hóa học gần giống nhau bao gồm estradiol, estrone, và estriol.
  8. Liệu pháp estrogen có thể được sử dụng để điều trị những trường hợp dậy thì muộn, teo sinh dục hoặc thiểu năng tuyến sinh dục nữ (chức năng của buồng trứng không hoàn chỉnh, gây ra những triệu chứng như khô âm đạo, teo tuyến vú, và giảm ham muốn tình dục).
  9. Có những bằng chứng mới cho thấy sử dụng liệu pháp hormon kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và có thể là ung thư phổi ở nữ giới.
  10. Một phát hiện mới từ một nghiên cứu nhỏ về trí nhớ thuộc WHI (Women's Health Initiative) cho thấy những phụ nữ lớn hơn 65 tuổi khi bắt đầu sử dụng liệu pháp hormon phối hợp bị gia tăng nguy cơ bị bệnh mất trí, trong đó bao gồm cả bệnh Alzheimer, so với những phụ nữ không sử dụng những loại thuốc này.

Hãy xem lại những câu hỏi sau đây về estrogen để bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng để hỏi bác sĩ khi đi khám bệnh.

  1. Có phải tôi đang gặp những triệu chứng khởi đầu của giai đoạn mãn kinh?
  2. Có những cách điều trị nào thích hợp đối với tôi để điều trị những triệu chứng tiền mãn kinh và sau mãn kinh, bao gồm luôn cả liệu pháp hormon và những cách điều trị khác?
  3. Có những cách nào mà tôi có thể thực hiện để bảo vệ cho tim và xương?
  4. Có vẻ như tôi bị giảm ham muốn tình dục. Có phải đây là hiện tượng buộc phải chấp nhận ở độ tuổi của tôi?
  5. Tôi có nguy cơ bị ung thư vú cao hay không? Và estrogen ảnh hưởng đến nguy cơ này như thế nào?
  6. Làm cách nào để biết được rằng hiện tượng chảy máu kinh chập chờn, không ổn định này của tôi là do rối loạn tiền mãn kinh hay là do một bệnh gì đó khác?
  7. Những tác dụng phụ nào mà tôi sẽ gặp phải khi sử dụng estrogen?
  8. Tôi nên dùng hormon trong bao lâu?
  9. Tình trạng són nước tiểu của tôi có dừng lại sau khi mãn kinh hay không? Hiện thời thì tôi có thể làm gì với nó?
  10. Tôi có thể lựa chọn những cách điều trị nào ngoài estrogen cho tình trạng của tôi? Những tác dụng phụ của những sản phẩm này là gì?
1. Những triệu chứng mãn kinh mà tôi gặp phải từ khi cắt bỏ buồng trứng trở nên nặng hơn mong đợi. Tại sao lại như vậy?
Sự sụt giảm không kiểm soát của nồng độ hormon ở phụ nữ bị mãn kinh do phẫu thuật có thể gây ra những triệu chứng nặng nề hơn những phụ nữ mãn kinh tự nhiên. Hãy trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc và cách thay đổi lối sống để có thể làm giảm bớt những triệu chứng này.

2. Tôi có nên cắt bỏ buồng trứng nếu như tôi phải cắt bỏ tử cung vì một bệnh lành tính?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng trừ phi bạn bị gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng hay ung thư vú, còn nếu không thì lợi ích của việc giữ lại buồng trứng có thể vượt trội hơn so với nguy cơ. Điều này đặc biệt đúng với những phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh ở thời điểm phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.

Một nghiên cứu gần đây xuất bản ở Obstetrics & Gynecology báo cáo rằng cắt bỏ cả 2 buồng trứng trong khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng và ung thư vú nhưng lại gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi, bệnh mạch vành và tử vong do những nguyên nhân khác, ngay cả ở những phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Hãy trao đổi với các bác sĩ về những phương pháp điều trị bằng phẫu thuật và lựa chọn kế hoạch phù hợp nhất đối với bạn.

3. Tôi nghe thấy người ta nói rằng estrogen có thể ảnh hưởng đến khả năng bị loãng xương của tôi. Nó ảnh hưởng bằng cách nào?
Estrogen giúp làm giảm tốc độ mất xương xảy ra trong quá trình tu sửa xương. Bình thường thì có sự cân bằng trong những hoạt động của các tế bào làm phân hủy xương và các tế bào xây dựng chúng trở lại. Bằng cách làm giảm hoạt động của các tế bào phân hủy xương, estrogen cho phép các tế bào xây dựng xương phát huy được tác dụng cao hơn. Khi nồng độ estrogen giảm xuống, sự cân bằng này sẽ thay đổi.

Liệu pháp hormon đã được chứng minh là có thể làm giảm gãy xương hông và xương sống, nó cũng làm gia tăng nguy cơ bị những bệnh khác, chẳng hạn như ung thư vú xâm lấn, đột quỵ, và huyết khối. Hãy trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ và lợi ích của cách điều trị này trước khi quyết định.

4. Những loại tác dụng phụ nào mà tôi có thể gặp phải khi sử dụng estrogen?
Những tác dụng phụ thường gặp nhất là nhạy cảm đau ở vú, tích tụ dịch và tiểu máu.

5. Liệu pháp hormon gây ảnh hưởng như thế nào đối v ới nguy cơ ung thư vú?
Một số nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng nhẹ nguy cơ bị ung thư vú ở những phụ nữ sử dụng estrogen. Nguy cơ xảy ra cao hơn ở những phụ nữ sử dụng liệu pháp estrogen-progestin. Liệu pháp hormon cũng làm gia tăng đậm độ của mô vú làm cho nhũ ảnh trở nên ít rõ ràng hơn.

6. Estrogen ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe tim mạch?
Đối lập với những nghiên cứu về liệu pháp hormon trước đó, những phát hiện gần đây từ WHI cho thấy liệu pháp estrogen-progestin khi khởi đầu sử dụng trên những phụ nữ lớn tuổi không giúp bảo vệ chống lại bệnh tim; sự thật là WHI cho thấy một dạng hormon, được bán dưới cái tên là Prempo, khi được kê toa cho những phụ nữ khỏe mạnh (có độ tuổi trung bình là 65) để giúp phòng ngừa bệnh tim thật sự làm gia tăng nguy cơ bị bệnh của họ. Tuy nhiên, những nghiên cứu theo dõi cho thấy nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng lên chỉ xảy ra ở những phụ nữ mãn kinh lớn tuổi chứ không xảy ra ở những phụ nữ mãn kinh trẻ tuổi hơn.

7. Những lợi ích của liệu pháp hormon trên xương là gì?
Loãng xương sau tuổi mãn kinh được đặc trưng bởi sự sụt giảm khối lượng xương, làm hư hỏng kiến trúc xương, làm xương dễ vỡ hơn, khiến cho nguy cơ gãy xương trở thành một mối lo lớn. Thiếu estrogen là yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh loãng xương thường gặp nhất ở phụ nữ.
Estrogen, được dùng chung hay không đối với progestin, được chứng minh là biện pháp bảo vệ hiệu quả chống lại loãng xương.

Tuy nhiên, khi xem xét lại những nguy cơ tiềm ẩn của estrogen được WHI phát hiện, chẳng hạn như tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch và ung thư vú, nó không còn được khuyến khích trở thành liệu pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên đối với loãng xương nữa.

Những cách khác để làm giảm nguy cơ bị loãng xương bao gồm tránh hút thuốc lá, gia tăng những bài tập thể dục mang vác nặng và luyện tập sức đề khác cùng với tiêu thụ đủ lượng canxi và vitamin D phù hợp.

Theo National Women's Health Resource Center - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases