Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Đau dây thần kinh sọ

Đau dây thần kinh sọ

Đau dây thần kinh sọ là triệu chứng đau liên quan đến các dây thần kinh của đầu cung cấp cảm giác và kiểm soát vận động ở mặt, da đầu, cổ và họng.

Cơn đau có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong những khu vực kể trên tùy thuộc vào dây thần kinh sọ nào bị ảnh hưởng. Một số giác quan như vị giác, khứu giác, thị giác hoặc thính giác có thể giảm do tổn thương hoặc viêm các dây thần kinh sọ.

Có 12 nhóm dây thần kinh sọ nên cũng có thể xảy ra nhiều loại đau dây thần kinh sọ khác nhau tùy thuộc vào dây nào bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như dây thần kinh sinh ba là dây thần kinh lớn nhất trong sọ, đau dây thần kinh sinh ba là loại đau thường gặp nhất trong các loại đau dây thần kinh sọ. Nó gây ra một cơn đau chói buốt đột ngột dọc theo một bên mặt có thể xuất hiện do bị sờ chạm.

Đau dây thần kinh thiệt hầu và dây lang thang có thể ảnh hưởng đến lưỡi, họng, cổ và tai. Một số loại khác bao gồm đau các dây thần kinh đau dây thần kinh chẩm, dây thanh quản và dây thần kinh trung gian.

Đau dây thần kinh sọ có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm dây thần kinh bị đè ép và chấn thương. Một số bệnh hoặc nhiễm trùng cũng có thể gây đau, bao gồm đái tháo đường, bệnh đa xơ cứng, bệnh Lyme. Trong một số trường hợp nguyên nhân gây đau dây thần kinh sọ vẫn chưa được tìm ra.

Triệu chứng chính của bệnh là đau ở cùng một vùng của đầu tái đi tái lại nhiều lần. Độ nặng của cơn đau có thể thay đổi rất nhiều. Cơn đau có thể nhạt dần nhưng hay quay trở lại và thường đau theo chiều dài của dây thần kinh sọ bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào loại dây thần kinh bị ảnh hưởng mà cơn đau có thể được mô tả khác nhau, chúng có thể là một cơn đau chói, đau rát hoặc đau đột ngột gây shock. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có cảm giác ngứa, tê hoặc yếu cơ.

Để chẩn đoán đau dây thần kinh sọ, ban đầu các bác sĩ phải loại trừ hết những nguyên nhân gây đau đầu và mặt có thể xảy ra. Thường sẽ cần phải xét nghiệm máu và khám thần kinh. Bệnh sử của bệnh nhân cũng có thể được xem xét lại để xác định những tác nhân có thể gây đau. Bệnh nhân cũng cần phải được khám răng để loại trừ những bệnh răng miệng có thể gây đau mặt.

Điều trị đau dây thần kinh mặt chỉ cần thiết khi cơn đau làm bệnh nhân trở nên yếu đi. Nếu cần phải điều trị, có một số lựa chọn điều trị có thể thực hiện. Nhiều thuốc giảm đau, trong đó có các thuốc chống trầm cảm và cống co giật, có thể được sử dụng để giảm đau ở những bệnh nhân này. Ngoài ra, có thể phẫu thuật để loại bỏ những cấu trúc (khối u, những thương tổn) gây đè ép dây thần kinh. Có thể điều trị thành công trong hầu hết các trường hợp bằng cách dùng một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.

TỔNG QUÁT

Đau dây thần kinh là cảm giác đau dọc theo dây thần kinh hoặc đường đi của dây thần kinh. Đau dây thần kinh sọ là loại đau thuộc kiểu này và liên quan đến các dây thần kinh ở đầu.

Có 12 cặp dây thần kinh sọ nối sàn sọ đến các cơ quan cảm giác và các cơ ở đầu. Các dây thần kinh chạy qua những lỗ nhỏ bên trong sọ, một dây đi bên phải và một dây đi bên trái đầu.

Các dây thần kinh sọ là một phần của hệ thần kinh ngoại biên. Chúng không xử lý các thông tin giống như não và tủy sống (hệ thần kinh trung ương). Thay vào đó, chúng mang những tín hiệu từ các giác quan đến não (neuron cảm giác) và truyền lệnh từ não đến các cơ và tuyến (neuron vận động).

Các dây thần kinh sọ được đặt tên theo các số La Mã. Chẳng hạn như dây thần kinh lớn nhất trong sọ (dây sinh ba) còn được gọi là dây thần kinh sọ số V. Chúng có thể là các neuron cảm giác, các neuron vận động hoặc hỗn hợp. 12 cặp dây thần kinh sọ bao gồm:

  • I. Dây thần kinh khứu giác. Neuron cảm giác liên quan đến ngửi

  • II. Dây thần kinh thị giác. Neuron cảm giác liên quan đến nhìn.

  • III. Dây thần kinh vận nhãn. Neuron vận động liên quan đến các cử động của mí mắt và mắt.

  • IV. Dây thần kinh ròng rọc. Neuron vận động liên quan đến các cử động của mắt.

  • V. Dây thần kinh sinh ba. Có chức năng hỗn hợp. Chức năng cảm giác cho vùng da mặt và chức năng vận động kiểm soát động tác nhai.

  • VI. Dây thần kinh vận nhãn ngoài. Neuron vận động liên quan đến các cử động của mắt.

  • VII. Dây thần kinh mặt. Chức năng hỗn hợp. Neuron cảm giác liên quan đến vị giác và neuron vận động liên quan đến các biểu hiện ở mặt và cử động miệng.

  • VIII. Dây thần kinh tiền đình - ốc tai. Neuron cảm giác liên quan đến nghe và giữ thăng bằng.

  • IX. Dây thần kinh thiệt hầu. Chức năng hỗn hợp. Vị giác và kiểm soát các tuyến ở miệng và những cơ nuốt.

  • X. Dây thần kinh lang thang. Chức năng hỗn hợp. Chức năng cảm giác liên quan đến da ở gần tai và kiểm soát vận động của các tuyến ở màng của các cơ quan trong ngực và ổ bụng (vd như: tim, phổi, ruột).

  • XI. Dây thần kinh phụ. Neuron vận động điều khiển hoạt động nuốt, những chuyển động của đầu và vai.

  • XII. Dây thần kinh hạ thiệt. Neuron vận động điều khiển chuyển động của lưỡi.

Hầu hết các trường hợp đau dây thần kinh là do tổn thương dây sinh ba, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ dây thần kinh sọ nào, chẳng hạn như các dây thần kinh thiệt hầu hoặc dây lang thang. Những tổn thương này có thể do đè ép, nhiễm trùng hoặc viêm các dây thần kinh, nhưng trong nhiều trường hợp đau, có thể không thấy có những thay đổi thực thể nào cả.

Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh chẩm cung cấp cảm giác cho phần sau của đầu nhưng nó lại không phải là dây thần kinh sọ. Nó đi ra khỏi tủy sống ở gần nơi gặp nhau của tủy sống và não. Đau dây thần kinh sọ có thể xảy ra ở bất kỳ dây nào trong số các dây kể trên và thường gây đau ở mặt, da đầu, cổ, họng, hoặc bên trong miệng.

Đau dây thần kinh sọ thường không gây nguy hiểm đến mạng sống, nó chỉ gây ra những cơn đau nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cảm thấy đau đến mức không làm việc được. Ngoài ra, một số trường hợp đau dây thần kinh sọ là hậu quả của những bệnh có thể gây tử vong (vd như u não) cần phải được điều trị. Do đó, những bệnh nhân bị nhức đầu hoặc đau mặt tái đi tái lại nhiều lần nên đến gặp bác sĩ được chẩn đoán và điều trị.

PHÂN LOẠI

Có nhiều loại đau dây thần kinh sọ tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị đau và kiểu đau. Các loại đau dây thần kinh sọ bao gồm:

  • Đau dây thần kinh sinh ba. Là loại thường gặp nhất. Dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh sọ V) là dây thần kinh sọ lớn nhất do đó đây cũng là loại đau gây ảnh hưởng đến sinh hoạt nhiều nhất. Bệnh nhân thường cảm thấy đau buốt chói đột ngột (thường kéo dài ít hơn 2 phút) xảy ra dọc theo một bên mặt. Cơn đau thường xuất hiện ở phần dưới mặt hoặc hàm (ít khi gặp ở thái dương hoặc trán). Nó có thể xuất hiện khi vùng da ở mặt bị sờ chạm, hoặc khi nhai, nói, nuốt, hoặc đánh răng. Tình trạng này còn được gọi là máy cơ mặt do cơn đau có thể gây ra phản ứng nhăn mặt ở nhiều bệnh nhân. Những trường hợp đau xảy ra thường xuyên ở những bệnh nhân bằng hoặc lớn hơn 50 tuổi.

  • Đau dây thần kinh thiệt hầu. Là loại ít gặp. Dây thần kinh này chạy bên trong lưỡi và họng. Bệnh nhân có thể có cảm giác đau như bị shock điện thường ở phía sau họng hoặc phía sau lưỡi. Cơn đau có thể xuất hiện khi nhai, hắt xì, nuốt, nói, ho, ngáp, ăn những thức ăn nhiều gia vị hoặc tiếp xúc với cổ hay tai. Nó thường xảy ra ở nam giới sau 40 tuổi. Ở một số trường hợp, đau dây thiệt hầu còn có thể làm chậm nhịp tim gây choáng.

  • Đau dây thần kinh lang thang và dây thần kinh thanh quản. Tương tự như cơn đau gây ra bởi dây thần kinh thiệt hầu, và hai dây này có thể đau cùng một lúc. Cơn đau xuất phát từ họng và lan đến tai hoặc mắt. Ở những trường hợp nặng, cơn đau có thể làm cho bệnh nhân không thể nói được. Nó có thể xuất hiện khi bệnh nhân ho, nuốt hoặc nói chuyện.

  • Đau dây thần kinh trung gian. Cơn đau được mô tả như cảm giác bị cắt sâu vào bên trong tai. Kiểu đau của nó tương tự như đau dây thần kinh thiệt hầu và một số bác sĩ còn tin rằng có thể chúng thật sự chỉ cùng một tình trạng. Chúng cũng có thể liên quan đến dây thần kinh sọ VII (dây thần kinh mặt).

  • Hội chứng Raeder. Giống như đau dây thần kinh sinh ba, hội chứng raeder cũng gây đau dọc theo dây thần kinh sọ số V. Nó ít xảy ra hơn đau dây thần kinh sinh ba và thường gặp ở nam giới lứa tuổi trung niên hoặc lớn hơn. Bệnh nhân có cảm giác rát kéo dài gần một mắt và giảm đi sau vài tuần hoặc vài tháng.

  • Hội chứng nhức đầu chùm - máy cơ. Là sự kết hợp của đau dây thần kinh sinh ba và nhức đầu chùm. Nhức đầu chùm là một nhóm các kiểu nhức đầu có vị trí gần mắt kéo dài trong vài tháng. Bệnh nhân có độ tuổi khoảng từ 20 đến 70 tuổi và có thể cảm thấy đau mạn tính hoặc tái phát rồi sau đó thuyên giảm.

Ngoài ra, còn có trường hợp đau dây thần kinh sau nhiễm herpes là loại đau thường gặp nhất có thể gây tổn thương các dây thần kinh sọ (Herpes zoster oticus) cũng như những dây thần kinh khác trong cơ thể. Bệnh gây ra do một loại virus gây bệnh thủy đậu và bệnh zona (varicella-zoster virus). Không giống như hầu hết các loại bệnh đau dây thần kinh sọ khác, herpes zoster oticus có thể ảnh hưởng đến nhiều dây thần kinh. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau tai và nổi mẩn ở đầu hoặc cổ. Khi kết hợp với liệt mặt, tình trạng này được gọi là hội chứng Ramsay Hunt.

Tổn thương dây thần kinh chẩm cũng có thể là nguồn gốc của của các cơn nhức đầu. Dây thần kinh cổ này rời khỏi đỉnh tủy sống và chạy phía sau đầu. Nếu bị tổn thương, nó sẽ gây cơn đau có tính chất nhức nhối, đè ép, như dao đâm, đau theo nhịp đập hoặc đau nhói. Nó xuất phát từ phía sau đầu gần cổ và thường lan đến trán và da đầu. Do nó cũng gây đau đầu, nên một số tổ chức y tế, trong đó có Hiệp Hội Nhức Đầu Quốc Tế (International Headache Society) đã xếp nó vào một trong những loại đau dây thần kinh sọ.


CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ NGUYÊN NHÂN

Đau dây thần kinh sọ có thể có nhiều nguyên nhân, mặc dù chúng có thể không xác định được. Trong một số trường hợp, các dây thần kinh sọ bị tổn thương do chèn ép. Các dây thần kinh có thể bị đè ép hoặc kẹp lại do những cấu trúc xung quanh như mạch máu hoặc khối u. Chúng cũng có thể bị tổn thương bởi chất độc, thuốc hoặc chấn thương (bao gồm luôn cả phẫu thuật) gây đau. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây đau dây thần kinh sọ của bệnh nhân không thể xác định được.

Một số bệnh hoặc một số tình trạng nhiễm trùng cũng có thể gây đau dây thần kinh sọ. Bệnh đái tháo đường làm tổn thương các mạch máu cung cấp cho các dây thần kinh có thể gây trục trặc trong chức năng của các dây thần kinh. Một số bệnh về thận và máu (vd như rối loạn chuyển hóa porphyrin) làm cho chất độc tích tụ trong máu có thể dẫn đến đau dây thần kinh.

Những bệnh khác có thể cũng liên quan đến đau dây thần kinh sọ bao gồm bệnh đa xơ cứng, viêm khớp, giang mai và bệnh Lyme. Herpes zoster oticus và đau dây thần kinh sau phẫu thuật cũng có thể là kết quả của tổn thương dây thần kinh do virus bệnh thủy đậu và zona.

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng thường xảy ra ở một số người nhất định. Nhiều thể bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi. Chẳng hạn như bệnh đau dây thần kinh thiệt hầu thường gặp ở những bệnh nhân trên 40 tuổi, bệnh đau dây thần kinh sinh ba thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi. Ngoài ra cũng có một số thể bệnh (vd như hội chứng Raeder) có thể xảy ra nhiều hơn hoặc chỉ xảy ra ở nam giới. Ngược lại, đau dây thần kinh sinh ba thường gặp ở phụ nữ. Ở một số trường hợp, đau dây thần kinh sinh ba xảy ra có tính cách gia đình, có thể là biểu hiện có sự liên quan di truyền.


NHỮNG DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH

Triệu chứng chính của bệnh là đau tái phát nhiều lần ở những khu vực nhất định ở đầu. Nó thường tái phát ở cùng một vị trí, và thường có cảm giác ở gần bề mặt da hoặc da đầu. Cơn đau có thể lan qua những vùng khác nhau của đầu và theo đường đi của dây thần kinh bị tổn thương. Đôi khi, bệnh nhân cũng có thể đau tai hoặc đau mắt. Ở nhiều trường hợp, những yếu tố kích thích cơn đau có thể xác định được và do đó có thể giúp bệnh nhân tránh được những yếu tố kích thích đó.

Những loại đau dây thần kinh sọ và đau mặt hoặc đầu có liên quan bao gồm:

  • Đau dây thần kinh sinh ba. Đau chói, đột ngột dọc theo một bên mặt, đặc biệt là ở phần dưới mặt hoặc hàm.

  • Đau dây thần kinh thiệt hầu. Đau như bị giật điện bắt nguồn từ họng và lan đến tai.

  • Đau dây thần kinh lang thang và dây thần kinh thanh quản trên. Cơn đau chủ yếu ảnh hưởng đến họng và hàm.

  • Đau dây thần kinh trung gian. Cảm giác bị cắt sâu bên trong tai.

  • Herpes zoster oticus. Đau nặng nề ở bên trong và xung quanh tai.

  • Hội chứng Raeder. Cảm giác nóng rát liên tục gần một bên mắt.

  • Hội chứng nhức đầu chùm - máy cơ. Là sự kết hợp giữ đau dây thần kinh sinh ba và nhức đầu chùm có vị trí gần mắt.

Cơn đau có liên quan đến những dạng nhức đầu khác có khuynh hướng ảnh hưởng đến những khu vực rộng lớn hơn ở đầu so với những cơn đau do dây thần kinh sọ. Ngoài ra, một số dạng đau dây thần kinh sọ có thể được đặc trưng bởi chu kỳ thuyên giảm rồi lại tái phát. Trong tiến triển của bệnh, thời gian thuyên giảm có thể trở nên ngắn hơn và ít xuất hiện hơn khi bệnh nặng hơn.

Những dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến đau dây thần kinh sọ có thể bao gồm:

  • Nhạy cảm với sờ chạm và thay đổi nhiệt độ.

  • Ngứa và tê.

  • Yếu cơ hoặc liệt cơ

  • Không đổ mồ hôi được

  • Cảm giác da bất thường

  • Mất cảm giác.


NHỮNG PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN

Bạn nên đến khám bệnh nếu nghi ngờ bị đau dây thần kinh sọ. Trước khi thiết lập chẩn đoán, các bác sĩ sẽ xem xét lại bệnh sử của bệnh nhân thực hiện khám thần kinh. Bệnh sử của bệnh nhân sẽ bao gồm những câu hỏi về các triệu chứng của người bệnh. Những yếu tố làm nhân lên số lần xuất hiện các triệu chứng có thể giúp xác định cơ chế kích thích các triệu chứng xảy ra.

Khám thần kinh thường bao gồm khám phản xạ của bệnh nhân, sự phối hợp và tình trạng thần kinh. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ tìm những khu vực bị nhạy cảm đau dọc theo đường đi của các dây thần kinh sọ và những bất thường chức năng của bất kỳ dân thần kinh nào nếu có, chẳng hạn như phản xạ bất thường.

Để xác định chẩn đoán đau dây thần kinh sọ, bác sĩ cần phải loại trừ hết những nguyên nhân gây nhức đầu khác có thể xảy ra, chẳng hạn như nhức đầu migraine hoặc những loại nhức đầu khác, viêm động mạch thái dương, nhiễm trùng, gãy xương, hoặc viêm khớp. Do đó cũng có thể cần một số phân tích cận lâm sàng khác, trong đó có xét nghiệm máu. Những xét nghiệm này có thể giúp xác định những nguyên nhân có thể gây đau dây thần kinh sọ như đường huyết cao và suy chức năng thận.

Điện cơ đồ (EMG - Electromyogram) và khảo sát tốc độ dẫn truyền thần kinh (NCS - Nerve Conduction Velocity Study) cũng có thể thực hiện để xác định xem những triệu chứng của bệnh nhân có phải là do tổn thương cơ hoặc dây thần kinh hay không, và tổn thương đã lan rộng đến đâu. Điện cơ đồ giúp xác định sức khỏe của các mô cơ và NCS giúp xác định tính hiệu quả của một số dây thần kinh. Trong một số trường hơp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu khám nha khoa để xác định xem có phải cơn đau là do vấn đề răng miệng hay không.

Có thể thực hiện các khảo sát hình ảnh bao gồm MRI (cộng hưởng từ) của não, có thể xác định xem có khối u hoặc những cấu trúc khác đè ép lên dây thần kinh sọ gây đau hay không. MRI cũng có thể giúp xác định những bất thường thần kinh có thể gây đau, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng. Trong những trường hợp trên, bệnh nhân cũng có thể sẽ được chọc dịch não tủy.


ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Trong một số trường hợp đau dây thần kinh, cơn đau có thể giảm dần theo thời gian mà không cần điều trị. Ở những trường hợp khác, có thể cần phải điều trị để làm giảm triệu chứng của bệnh nhân. Cách điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, độ nặng và vị trí của cơn đau.

Có nhiều loại thuốc có thể làm giảm những cơn đau dây thần kinh sọ. Nên khởi đầu điều trị với những loại thuốc giảm đau thông thường. Nếu chúng không có tác dụng, bác sĩ có thể kê toa cho bệnh nhân những loại thuốc giảm đau mạnh hơn, bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm. Những loại thuốc này giúp điều hòa những dẫn truyền thần kinh của não. Chúng thường được dùng để làm giảm những triệu chứng trầm cảm nhưng cũng có thể có tác dụng giảm đau do dây thần kinh sọ.

  • Thuốc chống co giật. Là những loại thuốc giảm những hoạt động điện của não. Chúng cũng giúp làm giảm đau do dây thần kinh sọ.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân và bác sĩ cần phải hợp tác với nhau để theo dõi những đáp ứng của bệnh nhân với thuốc. Có thể phải cần một khoảng thời gian mới tìm ra được loại thuốc và liều phù hợp để điều trị những triệu chứng của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, thuốc không thể chữa khỏi đau được nhưng có thể làm giảm đau. Trong những trường hợp này, có thể cần phải có những cách điều trị khác, có thể bao gồm:

  • Nghỉ ngơi. Là cách điều trị đơn giản nhất có thể làm giảm những stress thực thể và giúp cơ thể có thể phản ứng lại với nguyên nhân gây đau.

  • Thuốc tiêm. Dùng thuốc tê cục bộ tiêm vào khu vực gần dây thần kinh bị tổn thương có thể làm giảm đau.

  • Vật lý trị liệu. Các bài tập được các nhà vật lý trị liệu hướng dẫn có thể giúp làm giảm sự xuất hiện các cơn đau.

  • Massage. Những thao tác trên da và gân xung quanh dây thần kinh bị tổn thương có thể làm giảm sự chèn ép gây đau.

  • Phẫu thuật. Trong một ôố trường hợp, có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc điều chỉnh vị trí của những mạch máu chèn ép dây thần kinh. Cũng có những trường hợp phải lấy toàn bộ hoặc một phần dây thần kinh ra để giảm đau. Cách này thường hiệu quả nhưng bệnh nhân cũng có thể bị mất những cảm giác khác liên quan đến dây thần kinh bị lấy đi.

Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau do các dây thần kinh sọ có thể xuất hiện mà không báo trước và không thể phòng ngừa. Một ngoại lệ là herpes zoster oticus, đôi khi có thể phòng ngừa được bằng cách điều trị sớm bệnh zona. Tự chăm sóc tốt bản thân do những bệnh khác (chẳng hạn như bệnh nhân đái tháo đường theo dõi mức đường huyết của họ) có thể giúp phòng ngừa những trường hợp bị đau dây thần kinh sọ. Ở một số bệnh nhân, ghi lại lịch xuất hiện các cơn đau hằng ngày (lúc nào, ở đâu, một trường hoặc những yếu tố khác) có thể giúp xác định ra nguyên nhân gây khởi phát cơn đau để có thể phòng tránh trong tương lai


NHỮNG CÂU BẠN CÓ THỂ HỎI BÁC SĨ

Chuẩn bị các câu hỏi một cách kỹ lưỡng có thể giúp bệnh nhân thảo luận được tốt hơn với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình. Bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ những câu hỏi sau về cơn nhức đầu do dây thần kinh sọ của họ:

  • Tại sao bác sĩ lại nghĩ tôi bị đau dây thần kinh sọ?

  • Tôi bị đau loại dây thần kinh sọ nào?

  • Những nguyên nhân nào có thể gây ra cơn đau của tôi?

  • Có những xét nghiệm nào cần làm để xác định lại chẩn đoán của bác sĩ, hoặc đển xác định nguyên nhân gây đau? Tôi cần phải chuẩn bị những gì cho các xét nghiệm đó?

  • Cơn đau của tôi có thể sẽ diễn tiến theo hướng ngày càng nặng hơn không?

  • Những triệu chứng của tôi có phải là dấu hiệu của những bệnh nghiêm trọng hơn không?

  • Bệnh của tôi có di truyền không?

  • Tôi có thể lựa chọn những phương pháp điều trị nào? Bác sĩ có khuyên tôi điều trị theo cách nào không, và những nguy cơ hoặc tác dụng phụ có thể xảy ra?

  • Tôi sẽ cần phải điều trị theo cách này trong bao lâu?

  • Có bao nhiêu khả năng những triệu chứng của tôi sẽ xuất hiện lại sau khi được điều trị?

Theo iVillage - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases