Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Viêm tụy

Viêm tụy

Bệnh viêm tụy dùng để chỉ tình trạng viêm của tụy. Tụy nằm ở phần bụng trên, sau dạ dày, có vai trò quan trọng trong tiêu hóa. Tụy là một tuyến tiết ra hai loại chất chính: dịch tiêu hóa và hormon tiêu hóa.

  • Dịch tiêu hóa bao gồm enzyme và bicarbonate. Chúng đi qua ống tụy để vào tá tràng.

    • Ở đây, các enzyme cắt protein và chất béo trong thức ăn thành những phần nhỏ hơn giúp cơ thể có thể hấp thu được.

    • Bicarbonate giúp trung hòa acid của dạ dày.

  • Hormon tiêu hóa chủ yếu bao gồm insulin và glucagon. Chúng được tiết vào máu để điều khiển lượng đường trong máu (là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể).

Viêm tụy do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi tuyến tụy bị viêm, bệnh có thể biểu hiện thành sưng các ống tuyến và những mạch máu xung quanh, có thể chảy máu, nhiễm trùng và làm tổn thương tụy. Ở đây, dịch tiêu hóa bị giữ lại và làm “tiêu hóa” luôn cả tụy. Nếu tình trạng này kéo dài, tụy sẽ không còn khả năng thực hiện những chức năng bình thường của nó nữa.

Viêm tụy có thể cấp tính hoặc mãn tính. Cả 2 loại đều rất nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng, và đều có thể gây ra những biến chứng nặng.

  • Viêm tụy cấp thường khởi phát sớm sau một tổn thương tụy. Cơn viêm tụy này thường nhẹ nhưng có 20% trường hợp có thể rất nặng. Bệnh thường diễn ra trong một thời gian ngắn và thường hồi phục hoàn toàn và tụy trở về trạng thái bình thường. Một số người chỉ bị một cơn viêm tụy cấp nhưng cũng những người bị trên 1 cơn viêm tụy nhưng tụy luôn trở về tình trạng bình thường.

  • Viêm tụy mạn bắt đầu tương tự như việm tụy cấp. Nếu tụy bị hóa sẹo trong đợt cấp thì nó sẽ không thể trở về trạng thái bình thường được. Tổn thương tiếp tục tiến triển và xấu dần đi theo thời gian.

Mỗi năm, tại Mỹ có khoảng 80.000 trường hợp viêm tụy cấp. Viêm tụy xuất hiện ở mọi lứa tuổi tuy nhiên rất hiếm gặp ở trẻ em. Viêm tụy xuất hiện ở phụ nữ và nam giới, tuy nhiên viêm tụy mạn thường gặp ở nam nhiều hơn nữ

NGUYÊN NHÂN

Nghiện rượu và sỏi mật là hai nguyên nhân chính gây viêm tụy, chiếm khoảng 80 – 90% các trường hợp.

Viêm tụy do rượu thường xuất hiện ở những bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài, ít nhất từ 5 đến 7 năm. Hầu hết những trường hợp viêm tụy mãn đều do nghiện rượu. Thông thường tụy đã trở nên viêm mạn tính khi bệnh nhân đến khám bệnh lần đầu (thường lý do đến khám là vì một cơn đau dữ dội).

Sỏi mật thường được tạo ra từ những chất có trong túi mật, hoặc do những cơ quan khác trong ổ bụng (xem hình minh họa). Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn ống tụy làm dịch tụy không thể thoát ra khỏi ống tụy. Viêm tụy do sỏi mật thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi.

Ngoài ra, 10% - 20% trường hợp viêm tụy còn lại là do những nguyên sau:

  • Thuốc

  • Tiếp xúc với một số hóa chất

  • Tổn thương (chấn thương) do tai nạn xe hoặc té ngã gây chấn thương bụng

  • Những bệnh lý di truyền

  • Phẫu thuật và một số thủ thuật ngoại khoa

  • Bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như sởi (ít gặp)

  • Dị dạng tụy hay ruột

  • Mỡ trong máu cao

Có khoảng 15% trường hợp viêm tụy cấp và 40% trường hợp viêm tụy mãn không biết rõ nguyên nhân.

TRIỆU CHỨNG

Những triệu chứng của viêm tụy cấp

Đau là triệu chứng thường gặp nhất của viêm tụy cấp. Hầu như người nào bị viêm tụy cấp cũng đều có triệu chứng này.

  • Đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần. Nếu đau xuất hiện đột ngột, đó là một dấu hiệu thường gặp trong cách trường hợp nặng. Nếu đau diễn tiến từ từ, bệnh có thể khởi đầu nhẹ nhưng cũng có thể trở nên nặng.

  • Đau thường tập trung ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái. Đau có thể lan ra sau lưng

  • Đau thường kéo dài trong vài ngày.

  • Đau thường xuất hiện hoặc nặng hơn khi ăn.

  • Đau tăng lên khi nằm ngửa.

Những người bị viêm tụy cấp có thể cảm thấy mệt mỏi. Bên cạnh triệu chứng đau, bệnh nhân còn có thể có những triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn (một số người có thể nôn ra ngoài nhưng sau đó vẫn không làm giảm cảm giác buồn nôn)

  • Sốt , ớn lạnh, hoặc cả hai.

  • Bụng chướng và nhạy cảm khi chạm.

  • Nhịp tim nhanh (có thể do đau hoặc sốt, cũng có thể do phản xạ bù trừ khi bệnh nhân bị xuất huyết nội).

Trong những trường hợp nặng có nhiễm trùng hoặc chảy máu, bệnh nhân có thể bị mất nước và huyết áp thấp với những triệu chứng sau:

  • Yếu hoặc cảm thấy mệt

  • Hoa mắt, chóng mặt

  • Hôn mê

  • Dễ bị kích thích

  • Bồn chồn hoặc khó tập trung

  • Đau đầu

Nếu huyết áp thấp quá mức, những cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu nuôi để thực hiện những chức năng bình thường của chúng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm được gọi là sốc giảm thể tích.

Những triệu chứng của viêm tụy mạn

Đau thường ít gặp hơn trong viêm tụy mãn.

Một số bệnh nhân cảm thấy đau nhưng hầu hết sẽ không bị. Ở những bệnh nhân có triệu chứng đau, cơn đau thường âm ỉ, kéo dài, tuy nhiên, đau thường mất đi khi bệnh trở nên nặng hơn. Sự biến mất của cơn đau là một dấu hiệu xấu vì nó có thể đồng nghĩa với việc tụy đã ngừng hoạt động.

Một số triệu chứng khác trong viêm tụy mạn là do những biến chứng lâu dài của nó, chẳng hạn như:

  • Không sản xuất insulin (đái tháo đường)

  • Không có khả năng tiêu hóa thức ăn (giảm cân và thiếu chất dinh dưỡng)

  • Chảy máu (công thức máu cho giá trị thấp, hoặc thiếu máu)

  • Tổn thương gan (vàng da)

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH

Trong hầu hết các trường hợp đau và nôn xuất hiện cùng với viêm tụy là triệu chứng đủ nặng để khiến bạn đi khám bệnh. Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Không uống thuốc, uống nước và ăn được do buồn nôn hoặc nôn.

  • Đau bụng dữ dội không giảm với những thuốc giảm đau thông thường

  • Khó thở

  • Đau kèm theo sốt và ớn lạnh, nôn kéo dài, hoa mắt, chóng mặt, hoặc mệt mỏi.

  • Đau kèm với những vấn đề về sức khỏe khác, chẳng hạn như có thai.

Bác sĩ có thể sẽ khuyên bệnh nhân đến phòng cấp cứu ở bệnh viện. Nếu bệnh nhân không thể liên lạc được với bác sĩ hoặc triệu chứng trở nên nặng hơn sau khi khám bệnh, cần phải đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

KHÁM VÀ CÁC XÉT NGHIỆM

Khi các bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm tụy, bạn sẽ được hỏi những câu hỏi về triệu chứng của mình, lối sống và thói quen cùng với tiền sử bệnh và tiền sử các phẫu thuật mà bạn đã trải qua. Dựa trên những câu trả lời của bạn và kết quả khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ loại trừ những bệnh lý khác và chú ý đến chẩn đoán chính xác nhất.

Hầu hết các trường hợp cần phải làm các xét nghiệm. Những xét nghiệm nhằm kiểm tra những khả năng khác nhau, bao gồm:

  • Chức năng tụy, gan và thận (gồm nồng độ amylase tụy và lipase)

  • Dấu hiệu của nhiễm trùng

  • Công thức máu đánh giá dấu hiệu thiếu máu.

  • Xét nghiệm có thai

  • Đường huyết, ion đồ (mất cân bằng ở chỉ số này gợi ý tình trạng mất nước) và nồng độ canci

Kết quả các xét nghiệm máu có thể không giúp được cho chẩn đoán nếu tụy vẫn tiết ra dịch tụy và insulin

Chẩn đoán hình ảnh cần thiết để kiểm ra những biến chứng của viêm tụy trong đó có sỏi mật:

  • X –quang được đề nghị để tìm những biến chứng của viêm tụy cũng như những nguyên nhân khác gây ra sự khó chịu cho bệnh nhân.

  • CT scan tương tự như x quang nhưng cho nhiều chi tiết hơn. CT scan có thể thấy được hình ảnh tụy và những biến chứng có thể xảy ra của viêm tụy ở mức độ chi tiết hơn so với phim X – quang. CT scan có thể làm nổi bật được hình ảnh viêm hoặc sự phá hủy của tụy.

  • Siêu âm là phương pháp rất tốt để kiểm tra túi mật, ống dẫn mật, gan tụy và ruột non.

    • Phương pháp này cho thấy rõ những bất thường của hệ mật gồm sỏi và những dấu hiệu của viêm hoặc nhiễm trùng.

    • Siêu âm dùng những sóng âm không gây đau để tạo nên những hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể bằng cách dùng một đầu dò trượt trên bụng bệnh nhân. Đầu dò sẽ phát ra sóng âm và sẽ được phản hồi lại khi gặp những cơ quan khác nhau trong ổ bụng, sau đó những tín hiệu phản hồi sẽ được máy vi tính xử lý để cho ra hình ảnh. Phương pháp này cũng được dùng để khảo sát tình trạng thai nhi ở các thai phụ.

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopy retrograde cholangiopancreatography – ERCP) là một phương pháp hình ảnh học sử dụng một ống nội soi (một ống mỏng, dẻo với camera nhỏ ở đầu) để khảo sát tụy và những cấu trúc xung quanh.

    • ERCP thường được sử dụng trong những trường hợp viêm tụy mạn tính hoặc trong trường hợp viêm tụy do sỏi túi mật.

    • Để thực hiện ERCP, đầu tiên bệnh nhân sẽ được cho an thần. Sau khi dùng thuốc an thần, một ống nội soi được đưa vào miệng qua dạ dày xuống ruột non. Sau đó thuốc cản quang sẽ được bơm vào các ống nối gan, túi mật và tụy với nhau (ống mật). Chất cản quang giúp cho bác sĩ thấy dễ dàng sỏi hoặc những dấu hiệu tổn thương của các cơ quan. Trong một số trường hợp, sỏi có thể được lấy ra trong lúc nội soi.

ĐIỀU TRỊ

Chăm sóc tại nhà

Trong hầu hết các trường hợp, tự điều trị tại nhà không đủ để chữa khỏi viêm tụy. Bệnh nhân có thể có những biện pháp tự điều trị để giúp mình cảm thấy đỡ hơn trong những đợt cấp nhưng hầu hết bệnh nhân đều có thể tiếp tục bị những đợt cấp kế tiếp cho đến khi những nguyên nhân thật sự gây ra những triệu chứng trên được điều trị một cách thích đáng. Nếu triệu chứng nhẹ, bạn có thể theo những phương pháp phòng ngừa sau:

  • Ngưng tất cả các chất có cồn như rượu, bia

  • Tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, sữa bò, phô mai. Những thức ăn này có thể làm quá trình viêm tiến triển nặng hơn.

  • Sử dụng những thuốc giảm đau thông thường không cần kê toa.

Thuốc

Thuốc thường được tập trung dùng để làm giảm nhẹ các triệu chứng và phòng ngừa tình trạng xấu đi của tụy. Một số biến chứng của cả viêm tụy cấp lẫn mạn đều có thể cần phải phẫu thuật hoặc truyền máu.

Điều trị viêm tụy cấp

Trong viêm tụy cấp, việc lựa chọn điều trị được dựa vào độ nặng của cơn bệnh. Nếu không có biến chứng, điều trị thường nhằm làm giảm triệu chứng và nâng cao thể trạng để tụy có thể hồi phục lại .

  • Hầu hết những bệnh nhân đang trong cơn viêm tụy cấp được đề nghị nhập viện

  • Những bệnh nhân khó thở sẽ được cho thở oxy

  • Lập đường truyền tĩnh mạch, thường ở cẳng tay để có thể truyền thuốc và dịch qua đường này. Dịch được cung cấp để bù vào lượng nước đã mất do nôn hoặc bệnh nhân không uống nước được. giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn.

  • Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được cho thuốc chống nôn và giảm đau.

  • Kháng sinh được sử dụng nếu bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng.

  • Không được ăn hay uống bằng đường miệng trong vòng vài ngày để cho ruột có thời gian được nghỉ ngơi. Bằng cách này, ống tiêu hóa và tụy sẽ có cơ hội để bắt đầu hồi phục.

  • Một số bệnh nhân sẽ cần phải sử dụng ống sond mũi-dạ dày. Ống sond mũi-dạ dày là một ống nhựa dẻo được đặt xuyên qua mũi để đi xuống dạ dày để hút dịch dạ dày ra ngoài giúp ruột có thể nghỉ ngơi và tụy có thời gian hồi phục.

  • Nếu cơn đau kéo dài hơn vài ngày, thức ăn có thể sẽ được cung cấp qua đường tĩnh mạch.

Điều trị viêm tụy mạn

Trong viêm tụy mạn, điều trị chú ý vào giảm đau và tránh làm nặng thêm tình trạng của tụy. Những điều trị khác giúp làm tăng khả năng ăn và tiêu hóa của bệnh nhân.

  • Trừ phi có những biến chứng nặng hoặc trải qua những giai đoạn nguy kịch, nếu không, bệnh nhân có thể không cần phải ở lại bệnh viện.

  • Thuốc giảm đau trong trường hợp đau nặng.

  • Chế độ ăn giàu carbonhydrate it béo và chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần có thể ngăn không cho tình trạng của tụy tiến triển xấu đi. Nếu bệnh nhân cảm thấy rắc rối khi thực hiện chế độ ăn này, các enzyme tụy sẽ được cung cấp cho bệnh nhân dưới dạng thuốc viên để giúp tiêu hóa thức ăn.

  • Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy mãn sẽ được đề nghị ngưng uống rượu hoàn toàn.

  • Nếu tụy không sản xuất đủ insulin để điều hòa lượng đường trong máu, có thể cần phải sử dụng đến insulin theo đường chích.

Phẫu thuật

Nếu nguyên nhân của viêm tụy là do sỏi mật, có thể cần phải phẫu thuật đề cắt túi mật và lấy sỏi ra ngoài.

Nếu xuất hiện những biến chứng (tổn thương tụy lan rộng, chảy máu, nang giả tụy, hoặc áp xe), cần phải phẫu thuật để dẫn lưu, sữa chữa hoặc lấy đi những mô bị ảnh hưởng.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Những khuyến cáo sau đây có thể giúp phòng ngừa những đợt cấp kế tiếp hoặc làm cho tình trạng không trở nên nặng hơn:

  • Không uống những chất có cồn

  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Nếu cảm thấy đợt cấp sắp quay lại, tránh không ăn những thức ăn đặc trong vài ngày để tụy có thời gian lành lại.

  • Chế độ ăn có nhiều carbonhyrate và ít chất béo.

Phòng ngừa

Không uống rượu bia hoàn toàn là cách duy nhất để giảm nguy cơ bị những cơn viêm tụy mới, ngăn không cho tụy bị viêm nặng hơn và ngăn không cho biết chứng tiến triển có thể rất nặng hoặc thậm chí là gây nguy cơ tử vong.

Tiên lượng

Hầu hết những bệnh nhân viêm tụy cấp có thể hồi phục hoàn toàn. Tụy sẽ hoạt động lại bình thường mà không để lại những biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân không được loại trừ thì viêm tụy có thể tái phát.

5% - 10% bệnh nhân có thể bị viêm tụy nặng ảnh hưởng đến tính mạng và có thể để lại những biến chứng sau hoặc thậm chí là tử vong vì chúng:

Viêm tụy mạn không khỏi hoàn toàn giữa các cơn. Mặc dù các triệu chứng tương tự như viêm tụy cấp nhưng mức độ nghiêm trọng của viêm tụy mạn thì lại cao hơn do những tổn thương của tụy vẫn tiếp tục tiến triển. Những tổn thương tiến triển của tụy có thể dẫn đến những biến chứng sau:

  • Chảy máu trong hoặc xung quanh tụy: viêm đang tiến triển và những tổn thương các mạch máu xung quanh tụy có thể dẫn đến chảy máu. Chảy máu nhanh có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Chảy máu rỉ rả thường dẫn đến giảm số lượng các tế bào máu (thiếu máu).

  • Nhiễm trùng: hiện tượng viêm tiếp diễn có thể làm mô bị tổn thương bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể tạo thành ổ áp xe và rất khó điều trị nếu không phẫu thuật.

  • Nang giả tụy: những túi nhỏ chứa đầy dịch có thể hình thành bên trong tụy. Những túi này có thể bị nhiễm trùng hoặc vỡ vào trong khoang bụng dưới gây nên một tình trạng nhiễm trùng nặng được gọi là viêm phúc mạc.

  • Bệnh lý về đường hô hấp: những chất hóa học thay đổi trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến phổi làm giảm lượng oxy mà phổi có thể hấp thu được từ không khí mà người bệnh hít vào. Nồng độ oxy trong máu giảm xuống thấp hơn bình thường (giảm oxy máu).

  • Suy tụy: Tụy có thể bị tổn thương nặng đến mức có thể mất đi những chức năng bình thường của chúng. Sự tiêu hóa thức ăn và sự điều chỉnh nồng độ đường trong máu – vốn là những chức năng quan trọng của tụy – có thể bị ảnh hưởng. Đái tháo đường và sụt cân là kết quả rất thường gặp.

  • Ung thư tụy: Viêm tụy mạn tính có thể thúc đẩy sự phát triển của những tế báo bất thường bên trong tụy và có thể trở thành ung thư. Tiên lượng của ung thư tụy rất xấu.

Theo emedicinehealth – Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases