Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Trĩ
Bệnh trĩ là hiện tượng các mạch máu ở vùng trực tràng phình ra và gây đau.
Trĩ thường xuất hiện ở hai vị trí khác nhau. Có hai hệ thống tĩnh mạch có chức năng dẫn máu từ đoạn dưới trực tràng và vùng hậu môn.
- Các tĩnh mạch trĩ bên trong sưng to hình thành nên trĩ nội. Trĩ nội thường không thấy và cảm nhận được như trĩ ngoại trừ phi bệnh trở nên nặng nề.
- Tương tự, trĩ ngoại hình thành do các tĩnh mạch bên ngoài sưng lên. Trĩ ngoại có thể nhìn thấy được ở xung quanh vùng ngoài hậu môn và có thể cảm nhận được.
Bệnh trĩ rất thường gặp và thường xuất hiện ở 50% những người 50 tuổi.
NGUYÊN NHÂN
Có rất nhiều nguyên dẫn đến trĩ.
- Do nghề nghiệp: khi nghiên cứu về áp lực tĩnh mạch trĩ ở những người mắc bệnh trĩ, người ta nhận thấy ở tư thế nằm áp lực của tĩnh mạch trĩ là 25 cm nước và ở tư thế đứng tăng vọt lên 75 cm nước. Bệnh trĩ thường gặp nhiều ở những người đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại và ít vận động như người bán hàng, thợ may, người làm việc văn phòng, tài xế...
- Táo bón kinh niên: bệnh nhân mắc chứng táo bón kinh niên khi đi đại tiên phải rặn nhiều. Khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng gấp 10 lần. Nguyên nhân thường gặp là do chế độ ăn ít rau, trái cây và uống ít nước.
- Hội chứng lỵ: những người bị bệnh lỵ, mỗi ngày đai tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện lại bị quặn đau bụng, bắt buộc phải rặn. Rặn làm tăng áp lực lên ổ bụng rất nhiều lần.
- Hội chứng ruột kích thích: những người bị hội chứng này thường đi đại tiện nhiều lần trong ngày và mỗi lần đi phải rặn nhiều.
- Tăng áp lực trong ổ bụng: những bệnh nhân ho nhiều do viêm phế quãn mãn tính (COPD), do giãn phế quản, những bệnh phổi và đường mũi họng khác, suy tim, xơ gan... và những người lao động nặng nhọc. Tăng áp lực ổ bụng liên tục, cản trở máu tĩnh mạch của vùng hậu môn trở về hệ thống tuần hoàn chung.
- Thai phụ, ung thư đại trực tràng, ung thư tử cung, u xơ tử cung, các u vùng tiểu khung hay đáy chậu... khi to lên chèn ép, cản trở đường về của máu tĩnh mạch, làm cho các mạch máu trĩ bị phồng lên. Đặc biệt ở nam giới lớn tuổi, tiền liệt tuyến thường bị to lên trong lứa tuổi này dẫn đến tình trạng tiểu khó và phải rặn mỗi lần đi tiểu dẫn đến tăng áp lực trong ổ bụng và có thể bị trĩ.
PHÂN ĐỘ
Bệnh trĩ được phân ra thành các độ sau:
- Trĩ ngoại
- Trĩ nội
- Độ 1: trĩ cương tụ và chỉ có chảy máu khi đi cầu
- Độ 2: sa trĩ khi rặn, tự thụt lên sau khi đi tiêu
- Độ 3: sa trĩ khi rặn phải dùng tay đẩy trở lại vào hậu môn
- Độ 4: trĩ sa thường xuyên
- Trĩ hỗn hợp (trĩ nội + trĩ ngoại)
- Trĩ vòng: các búi trĩ chíng thường xuất hiện ở vị trí 3h, 7h, 11h đối với hậu môn ở tư thế nằm ngửa, ngoài ra còn xuất hiện thêm những búi trĩ phụ. Búi trĩ chính và phụ liên kết lại với nhau tạo thành trĩ vòng.
TRIỆU CHỨNG
- Những triệu chứng của bệnh khá đơn giản.
- Triệu chứng thường gặp của trĩ ngoại thường là chảy máu không đau. Các hình thức chảy máu rất khác nhau. Lúc đầu, bạn có thể thấy máu đỏ tươi theo sau phân, hoặc trên giấy vệ sinh sau khi chùi hoặc những giọt máu dính ở bồn cầu, máu chỉ xuất hiện khi táo bón, khi đại tiện phải rặn. Máu chảy thường không kéo dài.Về sau, máu chảy thương xuyên hơn và lượng máu cũng nhiều hơn. Lâu hơn nữa, bạn có thể thấy máu chảy mỗi lần đi đại tiện và khi quan sát bồn cầu sau mỗi lần đi cầu. Trong những trường hợp bệnh nặng, máu có thể chảy thành tia và bạn có những triệu chứng mất máu nghiêm trọng như ngất, hoa mắt, chóng mặt.Tuy nhiên máu chảy trong trĩ thường là máu đỏ tươi nhằm phân biệt với những nguyên nhân đi cầu ra máu khác không phải là trĩ. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân đều đi cầu ra máu.
- Trĩ có thể dẫn đến tình trạng gọi là trĩ sa.
- Tình trạng này xuất hiên khi búi trĩ nội sưng lên và lộ ra ngoài hậu môn.
- Từ bên ngoài bạn có thể cảm nhận thấy búi trĩ ở hậu môn.
- Sau khi đi đại tiện, bạn có thể nằm nghỉ để tự búi trĩ tự thụt lên hoặc có thể đẩy nhẹ nhàng búi trĩ trở lại bên trong
- Nếu búi trĩ không thể đẩy vào bên trong, sau đó chúng có thể sưng nhiều hơn và mắc kẹt ở ngoài hậu môn.
- Nếu búi trĩ bị kẹt lại ở ngoài hậu môn, bạn cần phải đi gặp bác sĩ.
- Bạn có thể bị ngứa ở hậu môn do búi trĩ sa.
- Trĩ ngoại có thể gây đau do thuyên tắc mạch máu trĩ.
- Khi cục máu đông xuất hiện ở búi trĩ, các búi trĩ có thể trở nên sưng to hơn. Chính tình trạng sưng này có thể làm đau nhiều hơn.
- Đau thường tăng lên khi đi cầu và thỉnh thoảng khi ngồi, khiến bạn không dám ngồi bằng cả hai mông hoặc ngồi kiểu cưỡi ngựa
- Nếu tắc mạch lâu, bạn sẽ có cảm giác kiểu đau chói, luôn luôn có cảm giác vương vướng cồm cộm, được ví như chân mang một đôi giày rộng trong đó có một viên sỏi nhỏ.
- Khi xuất hiện tình trạng này bạn nên đi khám và điều trị.
- Một số triệu chứng toàn thân khác: do tình trạng chảy máu kéo dài, da bạn có thể xanh xao, mệt mỏi...
KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP CỦA Y KHOA
Bạn nên đến bác sĩ khi
- Nếu ban vẫn bị chảy máu giữa các lần đi cầu hoặc số lượng máu chảy tương đối nhiều từ búi trĩ, bạn nên đi khám bệnh.
- Nếu bạn trên 40 tuổi hoặc trong gia đình bạn có người bị ung thư đại tràng, bạn nên đi khám bác sĩ khi đi cầu ra máu.
- Nếu bạn bị sa trĩ mà không thể đẩy vào hậu môn được hoặc bạn bị đau tương đối nhiều từ búi trĩ, bạn cũng nên đi khám bệnh.
- Có những nguyên nhân khác gây đi cầu ra máu nguy hiểm hơn trĩ. Bệnh viêm ruột và ung thư đại trực tràng có thể gây đi cầu ra máu. Hãy chú ý với bác sĩ về tình trạng đi cầu ra máu của bạn. Nếu bạn trên 40 tuổi, và trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, đi cầu ra máu kéo dài hoăc đang có những triệu chứng khác kèm theo, bạn không nên chần chừ đi khám bệnh.
Bạn nên đến bệnh viện khi
Hầu hết các trường hợp khi bị trĩ bạn chỉ cần đến khám tại phòng mạch bác sĩ. Chỉ có một số ít trường hợp cần phải đi cấp cứu.
- Nếu bạn đau nhiều, chảy máu hoặc sa trĩ không thể đẩy lên và bạn không thể đi đến phòng khám tư được, bạn nên đến bệnh viện để được khám.
- Nếu bạn chảy máu nhiều từ trực tràng, đến nỗi bị ngất xỉu, hoa mắt, chóng mặt, bạn nên được đi cấp cứu ngay.
LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ chỉ cần hỏi bệnh và khám lâm sàng để đánh giá tình trạng búi trĩ của bạn. Chỉ đôi khi bạn mới cần đến soi trực tràng.
- Trong soi trực tràng, một ông soi nhỏ được đưa vào hậu môn để có thể nhìn thấy toàn bộ hậu môn và đoạn dưới trực tràng. Phương pháp này có thể gây đôi chút khó chịu cho bạn nhưng có thể được thực hiện một cách dễ dàng tại phòng khám và không cần dùng đến thuốc giảm đau.
- Nếu bạn bị chảy máu tương đối nhiều hoặc có những triệu chứng do mất máu nặng, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra công thức máu để chắc chắn rằng bạn không bị thiếu máu.
ĐIỀU TRỊ
Tại nhà:
Điều trị trĩ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, điều trị cần được cẩn trọng và có thể thực hiện tại nhà.
- Ngâm hậu môn trong nước ấm
- Ngâm hâu môn trong nước ấm 3 lần mỗi ngày và sau mỗi lần đi cầu tối thiểu 15 phút.
- Ngồi khoảng vài inch vào nước ấm bên trong chậu.
- Đây là cách tốt nhất làm giảm sưng và đau.
- Nên chắc chắn làm khô vùng da xung quanh hậu môn sau mỗi lần tắm để nó không bị chà xát dẫn đến trầy.
- Thay đổi thói quen ăn uống
- Những chất làm mềm phân
- Bạn nên chú ý khi chọn sử dụng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón.
- Nếu thuốc nhuận tràng làm phân có nhiều nước và quá lỏng, nó có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hậu môn và không nên sử dụng,
- Hạn chế ngồi
- Một sô bác sĩ khuyên bệnh nhân bị trĩ không nên ngồi quá lâu trong một thời gian dài.
- Một số bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi ngồi trên những chiếc ghế rỗng đáy.
- Tránh những công việc nặng nhọc.
- Thói quen đi đại tiện:
- Tập thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày
- Tránh thức khuya, tập thể dục đều đặn, chơi thể thao vừa sức như bơi, đi bộ, tập dưỡng sinh...
- Một số thuốc sử dụng:
- Những thuốc dạng kem, thuốc mỡ hoặc thuốc hình viên đạn đặt hậu môn có thể được sử dụng để làm giảm đau (proctolog: đặt hậu môn 1 lần mỗi ngày sau khi đi đại tiện).
- Những thuốc này thường có tác dụng rất ít và thậm chí thỉnh thoảng có thể làm trĩ lâu lành vì vậy bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
- Tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng của bênh trĩ bạn nên đi khám bệnh chứ không nên tự điều trị tại nhà.
Tại bệnh viện:
- Trong một số trường hợp, trĩ do các bệnh khác gây ra, bạn nên điều trị các bệnh hiện có trước khi điều trị trĩ như viêm đại tràng mạn, hội chứng ruột kích thích, đặc biệt ở những người lớn tuổi như viêm phế quản mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, phì đại tiền liệt tuyến. Đối với phụ nữ mang thai, nếu bệnh trĩ nhẹ có thể sau khi sanh bệnh có thể tự hết.
- Thuốc: tuỳ theo tình trạng của bạn bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc sau:
- Tăng cường tính bền thành mạch: các chất chứa vitamin P họ flavonoide, rutoside, Daflon, Ginkor fort...
- Giảm đau và chống ngứa: paracetamol...
- Chống phù nề: alpha chymotrysine...
- Chống nhiễm trùng: các loại kháng sinh và các oxyt kim loại...
- Chống tắc mạch: heparin
- Trĩ thuyên tắc:
- Nếu bạn có cục máu đông trong búi trĩ (trĩ thuyên tắc), bạn sẽ có cảm giác đau.
- Nếu đau không nặng và sưng không nhiều, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn ngâm hậu môn trong nước ấm và những biện pháp làm giảm kích thước phân.
- Tuy nhiên, nếu cơn đau đến mức không chịu đựng được hoặc sưng nhiều, cần phải lấy cục máu đông ra ngoài. Phương pháp này có thể được thực hiện ở phòng mạch bác sĩ từ hoặc tại phòng cấp cứu của bệnh viện nhưng không nên thực hiện tại nhà.
- Khi cần phải lấy cục máu đông, búi trĩ sẽ được gây tê bằng thuốc.
- Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ cắt một vết nhỏ trên búi trĩ để lấy cục máu đông ra, giống như khi trám răng tại phòng mạch của nha sĩ.
- Một mảnh gạc nhỏ được giữ tại búi trĩ để làm ngừng chảy máu và giữ cục máu đông không quay trở lại.
- Một mảnh gạc khác sẽ được đặt bên ngoài búi trĩ. Sau đó bạn sẽ được bắt đầu ngâm nước ấm búi trĩ tại nhà, khi đó mảnh gạc sẽ được lấy ra lúc bạn bắt đầu ngâm lần đầu tiên trong vòng 6-12 giờ sau khi lấy cục máu đông.
- Hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy cảm giác đau giảm nhiều sau khi lấy cục máu đông ra và chỉ cần sử dụng acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen (Motrin) để giảm đau.
- Sa trĩ nội
- Nếu trĩ nội sa ra ngoài và bạn không thể đẩy chúng vào hậu môn được, khi đó bác sĩ có thể cần phải làm nhỏ chúng lại.
- Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể nhẹ nhàng đẩy chúng trở vào hậu môn được.
- Nếu búi trĩ sưng nhiều và không thể đẩy vào, bác sĩ có thể cần phải phẫu thuật để làm giảm sưng.
- Nếu búi trĩ vẫn sưng và bị mắc kẹt ngoài hậu môn và không được điều trị, chúng có thể thiếu máu nuôi và bị hoại tử.
- Trong trường hợp này, búi trĩ sẽ bị nhiễm trùng và vi trùng đi vào máu có thể làm bệnh của bạn nặng thêm.
Điều trị theo phương pháp y học cổ truyền:
- Y học cổ truyền có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ như uống thuốc làm búi trĩ teo lại và thụt vào ống hậu môn, thuốc đắp hoặc bôi cho búi trĩ nội sa ra ngoài và rụng đi.Một số thuốc có tác dụng sau: thanh nhiệt (làm mát), lương huyết (mát máu), hoạt huyết và hành huyết (lưu thông máu), chỉ huyết (cầm máu)
- Thuốc có nhiều dạng:
- Thuốc uống có các chất: thổ hoàng liên, rau má, kim ngân, cỏ nhọ nồi, lá vông, kim tiền thảo, cam thảo nam, huyết gác, tô mộc, trần bì, lá móng, mộc hương, nghệ, hậu phác
- Thuốc ngâm: hạt cau, hoàng bá, đảm phàn.
- Thuốc bôi: thạch tín, phèn phi, thần sa, ô mai, nha đạm tử, khô phàn, đảm phàn, bằng phiếm
- Tuỳ theo loại tổn thương, mức độ tổn thường, tình trạng của bạn mà phối hợp các loại thuốc theo từng dạng kể trên để thành những bài thuốc. Các bài thuốc uống thường được dùng kèm với thuốc ngâm và thuốc bôi trong những trường hợp nặng. Khi sử dụng thuốc y hoc cổ truyền bạn nên đi khám bác sĩ đông y tây y hoặc đến viện y học cổ truyền không nên uống theo lời người khác mách vì mỗi người sẽ có những dạng tổn thương và mức độ khác nhau.
- Nhược điểm của các loại thuốc bôi và đắp:
- Đau rất nhiều sau khi dùng thuốc. Nguyên nhân là do thuốc tác dụng lên vùng niêm mạc rất nhạy cảm của hâu môn.
- Hẹp hậu môn: sau nhiều tháng có khi vài năm, lỗ hậu môn bị hẹp lại làm bạn rất khó đi đại tiện. Mỗi khi đi phải rặn nhiều và đau. Nguyên nhân là do thuốc tác động lên cả chu vi ống hậu môn, lúc đầu niêm mạc ống hậu môn mất đi sau đó tạo thành sẹo và dẫn đến hẹp hậu môn.
Thủ thuật:
Những phương pháp này chỉ gây tê không gây mê và bạn không cần phải nằm viện.
- Chích xơ:
- Áp dụng cho trĩ nội độ 1 hoặc 2
- Chích vào búi trĩ những thuốc cầm máu, làm xơ teo các búi trĩ.
- Nhược điểm:
- Nếu chích quá nông có thể làm phù nề niêm mạc nhiều hơn vài ngày sau có thể bị hoại tử, lở loét và chảy máu
- Nếu chích quá sâu vào lớp cơ, vài ngày sau có thể bị hoại tử và gây áp xe.
- Có thể chích vài ba lần và cách nhau vài ngày.
- Thắt trĩ:
- Thường dùng cho những trường hợp những búi trĩ nội còn tách biệt nhau và không dùng trong trĩ vòng
- Dùng một dây thun thắt ở gốc búi trĩ để búi trĩ thiếu máu nuôi dưỡng, hoại tử và rụng đi
- Sau mổ có thể đau. Đau gặp trong 10% các trường hợp. Đau thường chỉ trong vài ngày. Nếu đau kéo dài nhiều ngày thường là do huyết khối hay do lở loét lan rộng xuống đến vùng lược.
- Chảy máu nặng rất ít gặp.
- Làm lạnh hoặc chiếu tia hồng ngoại, laser vào búi trĩ:
- Mục tiêu làm hoại tử búi trĩ.
- Sau khi làm thủ thuật vào buổi chiều hoặc tối, bạn có thể bị đau, cần dùng thuốc giảm đau và một ít thuốc ngủ. Chỗ chiếu có thể bị phù nề, chảy nước kéo dài trong vài ngày. Sau chừng một tuần búi trĩ bị hoại tử và rụng ra. Sau 2 tuần vết hoại tử lành và chừng 3 tuần thì khỏi hẳn. Kết quả chỉ đạt 50%.
Phẫu thuật:
Mục đích là lấy đi các búi trĩ.
Có rất nhiều phương pháp được thực hiện hiện nay
- Phẫu thuật cổ điển:
- Ưu điểm: triệt để
- Nhược điểm: để lại những biến chứng rất nặng nề
- Hẹp hậu môn: diễn tiến từ từ có thể kéo dài vài tháng đến vài năm. Hẹp hậu môn làm bệnh nhân rất khổ sở mỗi khi đi đại tiện. Đại tiện phải rặn rất nhiều và đau. Thường phải phẫu thuật lại làm rộng lỗ hậu môn. Phẫu thuật này thường rất phức tạp và nhiều khi không đưa lại kết quả. Kết quả trước mắt có thể tốt nhưng sau một thời gian có thể bị hẹp lại.
- Đại tiện rất mất tự chủ: cách sữa chữa biến chứng này rẩt khó khăn.
- Rỉ dịch ở hậu môn: quần bệnh nhân ẩm ướt rất khó chịu.
- Phẫu thuật mới: Longo
- Sử dụng trong trĩ độ 2, 3, 4 và trĩ vòng
- Búi trĩ được lấy đi nhờ vào máy khâu vòng (stapled hemorrhoidectomy) chỉ sử dụng một lần duy nhất trong mỗi lần phẫu thuật.
- Ưu điểm: ít đau, bệnh nhân ra viện sớm.
- Nhược điểm:
- Khó khăn khi điều trị trĩ hỗn hợp.
- Có nhiều mẫu da thừa.
- Quá đắt tiền
- Biến chứng chung và săn sóc sau mổ:
- Đau: vài ba giờ sau mổ, khi thuốc tê mất tác dụng. Đau là biến chứng thường thấy ở tất cả các bệnh nhân với những mức độ khác nhau. Sau mổ nên dùng thuốc giảm đau như paracetamol... và thêm một ít thuốc ngủ.
- Chảy máu: thường ít, máu thấm băng hay làm ướt băng. Máu có thể rỉ ít trong tuần lễ đầu, hoặc cũng có thể kéo dài hơn. Tại chỗ có thể bị phù nề, vướng víu khó chịu và nhiều khi đau thật sự, nhất là khi đi lại và đi đại tiện. Trường hợp máu chảy quá nhiều cần phải phẫu thuật.
- Bí tiểu và nhiễm trùng: Những bệnh nhân nam lớn tuổi có thể bí tiểu hay khó tiểu. Sau nhiều giờ, nếu không tự tiểu được phải đặt thông tiểu. Nhưng nếu đặt ống thông có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu.
- Nhiễm trùng tại chỗ: vài tuần đầu sau mổ, mỗi ngày 3 - 4 lần ngâm hậu môn vào nước ấm có chất sát trùng như thuốc tím hoặc betadine. Sau mỗi lần đi đại tiện, không nên chùi bằng khăn, giấy mà nên rửa, vừa sạch, vừa ít đau hơn không làm trầy sát vết mổ. Vệ sinh tốt tại chỗ sẽ ngăn cản được tình trạng nhiễm trùng vết mổ.
- Da thừa: thường gặp trong những trường hợp trĩ sa nhiều. Thường không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.
- Lộ niêm mạc: gây cho bệnh nhân nhiều khó chịu, làm cho đáy quần luôn ẩm ướt.
- Hẹp hậu môn: như đã nói ở trên
- Đại tiện mất tự chủ: như đã nói ở trên
- Nứt hậu môn, rò hậu môn, giả polyp cò thể xuất hiện sau cắt trĩ.
- Tái phát trĩ: rất thường gặp, có thể xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tỉ lệ tái phát phụ thuộc vào hoàn cảnh công việc, sinh hoạt của người bệnh.
Lựa chọn giữa các phương pháp:
- Trĩ ngoại không cần thiết phải điều trị bằng thủ thuật hay phẫu thuật trừ khi có biến chứng tắc mạch cấp tính.
- Trĩ nội
- Trĩ độ 1: điều trị không phẫu thuật hay thủ thuật nếu không có kết quả cần chích xơ.
- Trĩ độ 2: thắt trĩ
- Trĩ độ 3: thắt trĩ háy phẫu thuật cắt trĩ
- Trĩ độ 4: phẫu thuật cắt trĩ
- Trĩ hỗn hợp: phẫu thuật cổ điển, thường không để lại mẫu da thừa những cũng không thiếu da.
- Trĩ vòng: phẫu thuật cắt trĩ
NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO
- Ngâm hậu môn trong nước ấm 3 lần/ngày và sau khi đi cầu kết hợp với uống nước nhiều và tăng lượng rau và trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Các cơn trong bệnh trĩ có thể giảm bằng các thuốc giảm đau thông thường.
- Bạn có thể được kê toa thuốc làm mềm phân và nên được uống trực tiếp với sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu đau nhiều, chảy máu, sốt, đau bụng hoặc nôn sau khi điều trị, bạn nên đi khám hoặc đến phòng cấp cứu của bệnh viện.
PHÒNG NGỪA
Không có cách xác định để phòng tránh bệnh trĩ. Tuy nhiên uống nước nhiều, chế độ ăn nhiều chất xơ và tránh rặn khi đi đại tiện được cho là có thể giúp phòng ngừa bệnh trĩ nhưng không có cách nào có thể loại bỏ nguy cơ một cách triệt để.
Hầu hết các bệnh nhân có thể tự chẩn đoán được bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp trên. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đi khám bác sĩ. Trong một số trường hợp nặng, bạn cần phải được phẫu thuật.
Y học NET tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net