Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Bài giàng về mắt


Giáo trình bệnh mắt HVQY
KHÁM MẮT
1. Dụng cụ và phương tiện:
  • Đèn chéo kiểu Landolt với nguồn sáng 75w.
  • Lúp cầm tay.
  • Đèn soi đáy mắt.
  • Vài cái nâng mi, bông hấp ướt, cồn sát trùng.
  • Thuốc giãn đồng tử: Là loại thuốc giãn đồng tử nhanh (Homatropin 1%, Tropicamid …)
  • Một số thuốc cần dùng khác (Fluorescein 1%- 0,5%, Chlorocit 4%)
  • Gương soi bóng đồng tử.
  • Hộp kính Parent.
  • Một hộp kính thử.
  • Máy sinh hiển vi.
2. Trình tự khám:
Bệnh nhân ngồi đối diện, chân để so le với chân thầy thuốc. Đèn chéo ở bên tay phải của bác sĩ, lần lượt khám các chi tiết từ ngoài vào trong, từ trước ra sau.

2.1. Mi mắt:
Có thể thấy các dấu hiệu bệnh lý sau.

- Co quắp mi: Khe mi hẹp lại, bệnh nhân không thể tự mở rộng khe mi như trước khi bị bệnh. Thường kèm theo có sưng nề mi, chảy nước mắt giàn giụa. Đó là triệu chứng của viêm loét giác mạc, glocom cấp, viêm mống thể mi cấp, vết thương nhãn cầu.

- Sụp mi: Ở người bình thường trong tư thế nhìn thẳng đằng trước thì bờ tự do mi trên lấn xuống chừng 2mm quá rìa giác mạc phía 12giờ. Nếu bờ tự do mi trên ở thấp hơn giới hạn này thì đó là dấu hiệu sụp mi. Sụp mi có thể do bẩm sinh, do thứ phát sau nhược cơ, sau chấn thương hoặc do liệt dây III. Cần đánh giá chức năng cơ nâng mi trên có còn hay không và nếu còn thì ở mức độ nào.

- Hở mi: Khi bệnh nhân nhắm mắt hai bờ tự do mi trên và mi dưới không gặp nhau và để hở kết mạc nhãn cầu thì đó là chứng hở mi. Có thể gặp hở mi do lồi mắt trong bệnh Basedo và ở đây thường có kèm hiện tượng co rút cơ nâng mi. Co rút mi trên làm cho bờ tự do của mi không những không lấn xuống quá rìa giác mạc mà còn ở bên trên vùng rìa làm cho giác mạc bị lộ hoàn toàn ở khe mi. Dấu hiệu này gây cảm giác lồi mắt cho dù có thể thực sự là mắt không bị lồi. Hở mi còn được gặp trong liệt dây VII ngoại vi (dấu hiệu Charles-Bell (+)) hoặc do sẹo co kéo nhất là sẹo bỏng vùng mặt.

- Lộn mi:Thường gặp do sẹo co kéo nhất là sẹo bỏng vùng mặt. Đôi khi gặp lộn mi dưới do lão suy. Khi mi bị lộn, bờ tự do của mi không áp sát được vào nhãn cầu. Ở mức độ nặng hơn có khi kết mạc sụn bị lật hẳn ra ngoài. Kết mạc khi đó cương tụ đỏ do liên tục bị kích thích vì gió, bụi, và do không được nước mắt làm đủ ướt.

- Quặm và lông xiêu: Quặm có thể do bẩm sinh và thấy ở bệnh nhân còn nhỏ tuổi. Khi đó thường là quặm mi dưới, nặng hơn ở góc trong. Trên người lớn tuổi quặm thường do biến chứng của bệnh mắt hột. Khi bị quặm, cả hàng lông mi không mọc chĩa ngang ra trước mà cụp xuống và chọc vào bề mặt nhãn cầu. Lông xiêu cũng là do di chứng cuả bệnh mắt hột và của các sang chấn gây sẹo nhỏ ở mi mắt. Đó là một vài lông mi mọc cụp vào trong hoặc chọc vào nhãn cầu.

- Sưng tấy mi, u mi:
Hay gặp nhất là do chắp lẹo ở giai đoạn đầu. Bệnh nhân đến khám với mi mắt sưng mọng đỏ, sờ có điểm đau chói và đó chính là nơi mọc chắp hoặc lẹo. Sưng nề mi còn gặp trong trường hợp viêm da, viêm tổ chức hốc mắt do các nguyên nhân ví dụ như dị ứng ... Khi hết giai đoạn viêm tấy, chắp đã khu trú rõ hoặc gặp ổ chắp không nhiễm trùng ta sẽ thấy một u nhỏ không dính da, lật mi sẽ thấy mặt phía kết mạc có màu xám hoặc màu đỏ xẫm hoặc hơi trắng khi đã làm mủ.
U ở mi mà nhìn thấy rõ thường là u bã đậu, u dạng bì. Những u dạng này thường di động, ấn chắc và không đau. Nếu u to có thể đè ép làm cho nhãn cầu bị lệch. Riêng u tuyến lệ thấy ở góc trên ngoài, nằm dưới trần hốc mắt và đẩy lệch nhãn cầu xuống dưới, vào trong.
Cần lưu ý trường hợp u máu hoặc ứ máu do thông động mạch cảnh - xoang hang cũng làm cho mi sưng nề nhưng kèm theo hiện tượng ứ máu giật lùi, sờ vào u mềm và ấn thì có thể xẹp bớt, nghe vùng mắt có tiếng thổi.

- Lồi mắt:Độ lồi của mắt ở người bình thường có biên độ dao động rất cao. Số đo độ lồi trung bình ở người Việt Nam theo Ngô Như Hoà là 12±1,75mm. Khi khám độ lồi mắt chúng ta lưu ý ở chỗ bệnh nhân có sự thay đổi độ lồi khác thường so với trước đó. Lồi một mắt có thể gặp trong bệnh viêm hốc mắt, u hốc mắt, thông động mạch cảnh - xoang hang, cũng có thể lồi mắt do Basedow trong giai đoạn đầu. Lồi hai mắt hay gặp nhất là trong Basedow ...

2.2. Lệ bộ:
Gồm tuyến lệ chính, các tuyến lệ phụ và đường dẫn lệ.

- U tuyến lệ chính: Sờ thấy ở góc trên ngoài hốc mắt.

- Lỗ lệ: Ở gần góc trong mi trên và mi dưới. Lỗ lệ có thể tắc bẩm sinh hay thứ phát. Có thể gặp trường hợp lỗ lệ bị xé rách dọc bờ mi do tác động của việc thông lệ đạo không đúng nguyên tắc.

- Ấn vào vùng túi lệ: Xem tình trạng viêm mủ hay viêm mủ - nhày túi lệ.

- Thăm dò lệ đạo: Dùng bơm tiêm và kim tiêm đầu tù để bơm thuốc hoặc rỏ thuốc mắt sau đó hỏi cảm giác vị giác. Có thể dùng Fluorescein rỏ mắt và để cục bông vào ngách mũi dưới cùng bên để xem sự lưu thông thuốc qua lệ đạo.

2.3. Kết mạc:
Khám kết mạc nhãn cầu không chỉ ở phần hở của khe mi mà cần kéo mi kết hợp với động tác liếc mắt của bệnh nhân để quan sát cho tới tận túi cùng kết mạc. Khám kết mạc nhãn cầu và túi cùng kết mạc nhất thiết phải thành thạo động tác lật mi. Các dấu hiệu ở kết mạc tương đối phong phú:

- Cương tụ nông: Xung huyết kết mạc trên diện rộng, đỏ xẫm ở túi cùng, nhạt dần về phía rìa.

- Cương tụ rìa:
Kết mạc đỏ xẫm ở quanh rìa và nhạt dần về phía túi cùng kết mạc

- Phù nề kết mạc:
Kết mạc dày lên, mờ đục, khi phù nề nặng kết mạc có thể phòi qua khe mi (bỏng, viêm tổ chức hốc mắt, sau phẫu thuật bỏ mắt ...)

- Xuất huyết kết mạc: Do chấn thương, do cao huyết áp, do ho gà… thành mạch vốn yếu lại thêm tăng áp lực gây vỡ mạch xuất huyết.

- Hột và sẹo hột:Đây là tổn thương đặc hiệu của bệnh mắt hột nếu ở kết mạc mi trên. Hột nếu xuất hiện ở cùng đồ dưới có đặc điểm hột to, màu trong, xếp thành dãy và kẹp không vỡ và rất lâu thoái lui (hàng tháng). Loại hột này gặp trong bệnh viêm kết mạc bể bơi, bệnh hột ở trẻ em, viêm kết mạc mạc thành dịch (do Adenovirus) ...
Hột thực chất là những nang lympho nhỏ, ở nông, màu trắng đục, dễ vỡ nằm lẫn trong đám gai máu. Cách sắp xếp các tế bào lympho ở trong hột:
  • Trung tâm: Gồm những tế bào non sáng màu.
  • Ngoại vi: Gồm những tế bào lympho đã biệt hoá tạo thành một vành đai xẫm màu
-Thẩm lậu: là sự thâm nhiễm tế bào viêm từ lòng mạch biểu hiện bằng:
  • Kết mạc dày lên, che lấp các chi tiết ở phía sau của nó.
  • Nhú gai: Nằm san sát nhau thành một thảm đỏ.
-Sẹo: Những vệt trắng, đó là tổ chức xơ, kết qủa của một quá trình xơ hoá.
Trong các loại viêm kết mạc có tạo hột, chỉ có Trachoma mới tạo sẹo (dấu hiệu đặc hiệu tương đối)

- Màng máu mắt hột: ở người bình thường vùng rìa là một vùng xam xám, rộng hơn ở phía 12 giờ và 6 giờ. Màng máu là một vùng đục mờ hình bán đảo phát triển từ phía 12 giờ lấn xuống giác mạc. Màng máu gồm có 3 yếu tố cấu thành:
  • Thẩm lậu giác mạc
  • Tân mạch
  • Có thể có hột
Để xác định có đúng là thẩm lậu giác mạc cần biết ranh giới vùng rìa. Điểm giữa chiều cao vùng rìa, đó là nơi ngọn của những quai mạch hồi qui của kết mạc.

- Gai máu:
thường đi kèm thẩm lậu do viêm kết mạc. Trên sinh hiển vi thấy những nụ mao mạch mọc thẳng góc với bề mặt kết mạc. Mỗi nụ mao mạch là tâm của một gai. Các gai ở sát nhau và chèn ép nhau tạo nên hình ảnh như tấm thảm xù xì. Trong viêm kết mạc muà xuân các gai này phát triển mạnh tạo hình ảnh như đá lát ở sụn mi trên.

- Chất tiết ở kết mạc (dử mắt):
có các đặc điểm riêng tuỳ tác nhân gây bệnh.
  • Dạng nước dính: do nước mắt và dịch viêm thường gặp trong viêm kết mạc do virus.
  • Nhày mủ: Nước mắt kết hợp dịch viêm, chất nhầy và tế bào chết gặp trong viêm kết mạc do vi khuẩn. Mủ càng nhiều thì chứng tỏ vi khuẩn có độc tố càng mạnh (tụ cầu. lậu cầu )
  • Màng giả: Một lớp màng màu trắng đục ở trên bề mặt của kết mạc, rõ hơn ở kết mạc mi. Đó là do các vi khuẩn có độc tố mạnh gây viêm kết mạc đưa tới giãn mạch thoát fibrrin cùng tổ chức hoại tử kết chặt lại thành màng. Màng này khó bóc, bóc dễ chảy máu.
- U ở kết mạc;
  • Mộng thịt: được coi như là một u xơ của kết mạc. Mộng chính danh phát triển từ góc trong hoặc góc ngoài của kết mạc nhãn cầu. Ở đầu mộng là một vùng giác mạc thẩm lậu đục, có thể có những tổn thương nông ở biểu mô bắt màu fluorescein thành chấm. Những mộng giàu tân mạch tạo màu đỏ là mộng máu rất dễ tái phát sau mổ.
  • Nốt vàng ở kết mạc (pingueculum): Ở trên kết mạc vùng tương ứng khe mi sát rìa. Màu của nó vàng nhạt, hơi nhô lên khỏi bề mặt kết mạc xung quanh. . Cần chẩn đoán phân biệt với u nang bì thường ở vùng rìa phía dưới ngoài.
  • Các loại u kết mạc khác: Có thể gặp u biểu mô lành tính, u biểu mô ác tính (epithelioma), u sắc tố. Cần căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng, sự tiến triển, sự phân bố mạch máu và giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định.
2.4. Giác mạc :
- Bình thường giác mạc trong suốt, đường kính 11-12mm
- Hình thể : Giác mạc quá to trên một mắt trẻ em, đó có thể là do glocôm bẩm sinh.
Giác mạc hình chóp: bệnh bẩm sinh keratocone.
- Giác mạc đục: do thẩm lậu, do hoại tử, do thay đổi cấu trúc (sẹo) gặp trong
  • Viêm loét giác mạc.
  • Sẹo giác mạc.
- Cácvùng tổn thương giác mạc được thấy rõ bằng nhuộm Fluorescein natri 0,5%
- Các tổn thương ở giác mạc, tủa ở mặt sau giác mạc được xác định bằng đèn khe
- Cảm giác giác mạc: chia giác mạc thành 9 ô theo 3 đường đứng, 3 đường ngang tưởng tượng. Dùng bông vê nhỏ đầu chấm lên từng ô. Cảm giác giác mạc tốt là mắt phản xạ nhắm ngay lại. Lưu ý tránh để mắt nhìn thấy bông.

2.5. Tiền phòng:
- Độ sâu: tuỳ theo tuổi, giới, tật khúc xạ, tác giả và phương pháp đo.
  • Calmettes (1958): nam3,61mm, nữ 3,41mm (người từ 30 -50 tuổi).
  • Tornquist (1953): Đo trên nam giới ở các lứa tuổi.
    • Tuổi 19-21 34-36 49-51 64-66
    • Độ sâu 3,18 2,98 2,76 2.96
    • Như vậy, độ sâu tiền phòng giảm theo tuổi vì kích thước trước sau của thuỷ tinh thể tăng.
  • Reader (1922) đo ở người 40 tuổi:
    • Mắt viễn thị: 2,99mm.
    • Mắt chính thị ;3,14mm.
    • Mắt cận thị ;3,63mm
  • Khúc Thị Nhụn (1984):
    • Tuổi <> 40
    • Độ sâu 2,98 +0,28 2,81+ 0,29
    • Kết quả trung bình: 2,94 ± 0,29
- Tiền phòng £1mm thì 100% bị glocôm góc đóng .
- Tiền phòng quá sâu trong chấn thương lệch thể thuỷ tinh.
- Tiền phòng nông bất thường do: rò vết mổ, vết thương mất thuỷ dịch ...
- Đo độ sâu của tiền phòng: dùng đèn khe cắt qua giác mạc - tiền phòng. Gạt khe để đo kích thước (tạo hình vuông ABCD ).
  • AB là độ sâu của tiền phòng
  • AD là độ gạt đèn khe cho kích thước in sẵn ở kính
- Tiền phòng đục: Dùng đèn khe cắt qua tiền phòng thấy những hạt bụi lơ lửng trên đường đi của tia sáng (dấu hiệu Tyndall (+)). Biểu hiện một quá trình viêm mống mắt thể mi hoặc viêm màng bồ đào.
- Tiền phòng có máu: gặp trong chấn thương đụng dập, vết thương nhãn cầu.. Tiền phòng có mủ viêm loét giác mạc, viêm ống mắt thể mi, vết thương nhãn cầu...

2.6. Mống mắt đồng tử:
- Rách, đứt chân mống trong chấn thương đụng dập, vết thương nhãn cầu
- Bạc màu: do thoái hoá, viêm mống mắt, glocôm giai đoạn muộn.
- Dính mống mắt vào giác mạc: do viêm loét giác mạc nặng, dính mống mắt vào mặt trước thể thuỷ tinh do viêm mống mắt gây méo đồng tử. Rỏ thuốc giãn đồng tử thấy rõ ràng những chỗ dính.
- Rung rinh mống: lệch thể thuỷ tinh hoặc trên mắt đã mổ lấy bỏ thể thuỷ tinh.
- Những sợi như tơ nhện ở mặt trước mống mắt có thể bắc cầu qua đồng tử: di tích những mạch máu thể thuỷ tinh ở thời kỳ bào thai.
- Phản xạ đồng tử :
  • Phản xạ ánh sáng trực tiếp: chiếu ánh sáng vào mắt, đồng tử co lại.
  • Phản xạ đồng cảm: chiếu áng sáng vào mắt này, đồng tử mắt kia co lại.
2.7. Thuỷ tinh thể:
- phải giãn đồng tử dùng đèn khe để khám
- Dấu hiệu ruồi bay sớm, đơn độc.
- Đục thuỷ tinh thể ở các mức độ khác nhau.
- Lệch thuỷ tinh thể do chấn thương.
- Vỡ thuỷ tinh thể do chấn thương.

2.8. Dịch kính:

- Dùng đèn khe cắt: dịch kính có hình như những dải lụa chuyển động.
- Dùng đèn soi đáy mắt soi từ khoảng cách 40-50cm, chỉnh kính để thấy toàn thể một màu hồng. Nếu có đục thì xuất hiện những chấm đen lơ lửng. Nếu xuất huyết thì ánh đồng tử có màu xám.
- Dịch kính có thể phòi vào tiền phòng do chấn thương.
- Xuất huyết.
***************
VIÊM GIÁC MẠC
1. Khái niệm
  • Đây là những tổn thương của giác mạc do nhiều nguyên nhân gây ra.
  • Có thể chia ra làm hai nhóm chính:
    • Viêm loét giác mạc (viêm nông)
    • Viêm giác mạc nhu mô (viêm giác mạc sâu)
2. Nguyên nhân:
2.1 Chấn thương:
  • Rách, xước giác mạc, dị vật tác động.
  • Trong chiến tranh tác nhân có thể là những mảnh nhỏ, chất độc hoá học...
  • Trong thời bình: phoi tiện, bụi đá mài, hạt thóc, cọng rơm, bỏng hoá chất...
  • Chấn thương mở đường cho vi sinh vật xâm nhập vào tổ chức giác mạc, gây tổn thương hoại tử tổ chức. Có thể kể vào đây cả yếu tố sang chấn giác mạc do lông xiêu, lông quặm, sạn vôi...
2.2 Vi khuẩn:
  • Gặp nhiều nhất, đôi khi gây ra loét mà không rõ tiền sử sang chấn trước đó.
  • Các loại vi khuẩn hay được nhắc tới là: tụ cầu (vì sự phổ biến của nó), trực khuẩn mủ xanh, cầu khuẩn lậu (do tính chất nguy hiểm của hai loại vi khuẩn này )
2.3. Virus và các nguyên nhân khác:
  • Virus adeno ban đầu gây viêm kết mạc cấp, nếu sau 7-10 ngày chưa khỏi thì dễ gây tổn thương giác mạc (viêm giác mạc chấm nông).
  • Virus herpes gây viêm giác mạc là mặt bệnh rất khó điều trị.
  • Viêm loét giác mạc do nấm ít gặp nhưng cũng là mặt bệnh mà việc điều trị còn khó khăn và dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Còn có thể gặp viêm giác mạc do hở mi, do sẹo, do liệt thần kinh, do miễn dịch dị ứng, rối loạn chuyển hoá, viêm loét giác mạc do suy dinh dưỡng khô mắt (trẻ em nhà nghèo, bệnh nhân suy kiệt, bộ đội đóng quân ở nơi điều kiện sống thiếu thốn và gian khổ). Thiểu tiết nước mắt cũng là nguyên nhân gây viêm khô giác mạc hoặc viêm giác mạc sợi.

3. Triệu chứng:
3.1. Cơ năng :

  • Đau rức: Bệnh nhân nhức nhối âm ỉ, từng lúc dội lên, bất cứ một tác động nào cũng làm tăng cảm giác đau (ánh sáng, va chạm)
  • Chói, sợ ánh sáng: Bệnh nhân luôn nhắm nghiền mắt. Các bệnh nhi thì luôn chúi đầu vào lòng mẹ, không dám mở mắt.
  • Chảy nước mắt: Nếu bệnh nhân tự mở mắt, nước mắt chảy ràn rụa. Nếu thày thuốc vành mi, có thể toé nước mắt ra.
  • Thị lực: Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ và vị trí ổ loét giác mạc , có khi chỉ còn biết sáng tối (ST(+)). Thị lực giảm nhiều so với trước khi đau là một triệu chứng để chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc
3.2. Thực thể:
  • Mi: Co quắp rất khó mở, mắt sưng nề mọng.
  • Kết mạc: Cương tụ rìa đậm, nề phù làm phồng mọng kết mạc. Cá biệt có trường hợp kết mạc phồng mọng lên che kín giác mạc đến nỗi nhầm tưởng đã khoét bỏ nhãn cầu.
  • Giác mạc: Ổ loét bắt màu thuốc nhuộm (fluorescein, bleu methylen, mercurochrom ...) hình dạng, kích thước có thể từ những chấm li ti, nông trong viêm giác mạc chấm nông cho đến ổ lớn gần hết diện giác mạc. Bề mặt ổ loét là chất hoại tử, xung quanh đó là vùng thẩm lậu tế bào viêm và ngấm nước tạo hình ảnh mờ đục. Ổ loét có những đặc điểm riêng tuỳ tác nhân, ví dụ ổ loét do trực khuẩn mủ xanh ban đầu có hình móng ngựa, tiến triển rất nhanh ra diện rộng gây nhũn giác mạc, thủng mắt. Loét do nấm thường tạo thành đảo ở giữa ổ loét. Ổ loét do vi rút herpes hay có hình cành cây, hình bản đồ. Loét giác mạc do dị ứng có ổ loét tròn, nhỏ và ở vùng chu biên giác mạc. Viêm giác mạc sợi có ổ loét nhỏ bắt màu thuốc nhuộm và bên cạnh đó là một sợi tổ chức hoại tử có một đầu tự do, đầu kia còn bám vào giác mạc ...Viêm giác mạc sâu (viêm nhu mô) có vùng tổn thương nằm trong nhu mô, đó là những vết đục trắng có thể phân bố rải rác (viêm giác mạc đốm dưới biểu mô do virus) hoặc thành đám rộng (viêm giác mạc hình đĩa do zona, do herpes). Một đặc điểm của những tổn thương loại này là giác mạc không bắt màu thuốc nhuộm. Cắt đèn khe thấy giác mạc dày lên rất nhiều về phía sau ở vùng viêm hình đĩa với những nếp gấp của màng Descemet và nhiều chấm tủa ở mặt sau giác mạc.
  • Tiền phòng : Có thể có mủ tạo thành ngấn ngang phía dưới thấp. Hay gặp trong viêm loét giác mạc do nấm, do vi khuẩn.
  • Mống mắt - thể mi: Có thể bị viêm phản ứng gây giảm phản xạ ánh sáng, co đồng tử
4. Tiến triển:
  • Khỏi thành sẹo: Do sức chống đỡ của bản thân bệnh nhân và do điều trị tốt, nếu tổn thương viêm loét sâu thì sẹo dày, ảnh hưởng tới thị lực.
  • Loét sâu hoại tử rộng đến hết lớp nhu mô, phồng màng Descemet, doạ thủng hoặc thủng dẫn đến viêm mủ nội nhãn ngược dòng .
  • Viêm mủ nội nhãn: Có khi chưa thủng ổ loét nhưng đã gây viêm mủ nội nhãn, tiên lượng của những mắt này là rất xấu, nhiều khả năng phải bỏ mắt sau khi đã dùng cả kháng sinh tiêm vào buồng dịch kính .
5. Điều trị:

Lý tưởng nhất là điều trị theo nguyên nhân :
  • Viêm loét giác mạc do vi khuẩn: Điều trị bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nên phối hợp 2-3 loại kháng sinh, đường dùng toàn thân và tại chỗ .
  • Virus: Có những loại thuốc chống tất cả các virus nói chung như Idoxuridine (dung dịch 0,1%, mỡ 0,5%), Vira - A (mỡ 3%), Trifluridine (Viroptic - dung dịch 1%) ... Riêng với virus herpes , thuốc thường dùng là Acyclovir (zovirax ) 200 mg x 4 - 5 lần uống/ngày cách quãng đều nhau trong 24h kết hợp tra mắt mỡ Zovirax 3% cũng với nhịp độ như đường uống.
  • Nấm: Ở nước ta, loét giác mạc hay gặp do 2 loại nấm Aspergilus fumigatus và Cephalosporium falciformits. Bệnh cảnh loét giác mạc do Cephalosporium cấp diễn gần như loét do trực khuẩn mủ xanh vì chủng nấm này có tiết men chollagenase gây hoại tử giác mạc nhanh chóng.
    • Kháng sinh chống nấm thường dùng hiện nay là Sporan (Itraconazole) 100 mg x 2 viên/ngày uống 1 lần x 21 ngày kết hợp tra mắt dung dịch Natamycin (Natacyn) 5% cách 1h một lần .
    • Các kháng sinh chống nấm khác có thể kể tới như Nizoran, Amphotericin B, Nystatin ... nhưng tác dụng kém nhiều so với Sporan .
Phối hợp với kháng sinh chống nấm , cần dùng thêm :
  • Dung dịch IK 5% uống liều 2g/ngày tăng từng bậc 0,5g cho tới liều 5g/ngày trong vòng 2-5 tuần. Dung dịch IK hơi khó uống vì vậy nên chia ra nhiều lần trong ngày và uống vào lúc no. IK còn dùng dưới dạng dung dịch 1-2% để tra mắt hoặc điện di .
  • Dung dịch Lugol 5% dùng để chấm ổ loét hàng ngày. Lưu ý khi trước khi chấm Lugol cần thấm thật khô nước mắt để tránh lan thuốc ra vùng giác mạc lành .
Miễn dịch dị ứng:
  • Khi chưa biết rõ nguyên nhân cần dùng kháng sinh toàn thân và tại chỗ:
  • Đường toàn thân: Tiêm hoặc uống.
Tại chỗ:
  • Tiêm dưới kết mạc 100.000-200.000 đv Penicilin hoặc1/10g Steptomycin hoặc 40mg Gentamycin (1ml dung dịch) x 1lần/ngày hay cách ngày. Kết hợp tra mắt càng nhiều lần càng tốt các dung dịch kháng sinh, sát trùng. Thuốc mỡ tra mắt vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Thuốc nam : Lá rấp cá giã nhỏ đắp lên mắt qua một miếng gạc trong tư thế bệnh nhân nằm ngửa, mắt khi đó như được ngâm trong nước ép của lá rấp cá - một vị thuốc dân gian đã được chứng minh là có tác dụng kháng khuẩn tương đối tốt .
Chống hoại tử:
  • Dùng 0,5 ml huyết thanh tự thân hoặc máu tự thân pha lẫn dung dịch kháng sinh tiêm dưới kết mạc hàng ngày hoặc cách ngày. - macroglobulin ở trong huyết thanh có tác dụng ức chế hoạt động của men chollagenase. Cũng với mục đích này người ta còn dùng dung dịch EDTA 3% (etyl-diamin-tetra acetat) hoặc Acetylcysteine 10 – 20 % tra mắt, uống hoặc tiêm vitamin C liều cao 1g/ngày...
Chống dính và giảm đau:
  • Atropin 1% tra mắt 1lần / ngày.
  • Uống các thuốc chống nề phù như Danzen, Amitase, Alphachymotripsine...
  • Các thuốc giảm đau thông thường khác .
Tăng cường dinh dưỡng:
  • Uống các loại vitamin A, B2, C...
  • Tra dầu A,dung dịch CB2, băng che, đeo kính mát để giảm kích thích cho mắt.
Loại trừ các yếu tố sang chấn:
  • Mổ quặm, lông siêu, lấy sạn vôi ...
  • Tạo hình điều trị hở mi, nhiều trường hợp mi hở mà chưa tạo hình được cần phải khâu cò mi...
Xử trí các biến chứng:
  • Phồng màng Descemet: Khâu cò hoặc khâu phủ kết mạc.
  • Thủng giác mạc:
    • Tốt nhất là ghép giác mạc nóng.
    • Nếu không có điều kiện ghép giác mạc thì tiến hành khâu cò hoặc khâu phủ kết mạc tạm thời.
    • Ghép giác mạc còn được chỉ định khi các biện pháp điều trị bằng thuốc không có kết quả .
  • Mủ nội nhãn, thị lực ST (-):
    • Buộc phải chỉ định múc nội nhãn sau khi đã dùng kháng sinh tích cực, nhiều đường, kể cả đường tiêm vào buồng dịch kính .
    • Loét giác mạc là một bệnh nặng, điều trị khó khăn và thường để lại di chứng là sẹo đục giác mạc gây giảm thị lực. Cần phải đặc biệt lưu ý nhấn mạnh vấn đề phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.
    • Đối với các thày thuốc, có một điều cần nhớ là việc lạm dụng các chế phẩm chứa corticosteroid tra mắt (Polydexa, Dexachlor, Maxitrol,Tobradex...) hoặc dùng kéo dài những thuốc loại này sẽ gây giảm khả năng đề kháng của mắt đưa tới nguy cơ viêm loét giác mạc do nấm, do herpes. Chỉ định dùng những loại thuốc này phải thật chặt chẽ và thận trọng .
    • ..........
      1. Giải phẫu sinh lý cơ quan thị giác:


      2. Khám mắt:


      3. Bệnh mi mắt:


      4. Bệnh lý lệ đạo:


      5. Lác cơ năng và liệt vận nhãn:


      6. Viêm kết mạc:


      7. Bệnh mắt hột:


      8. Viêm loét giác mạc:


      9. Đục thủy tinh thể:


      10. Glocom cấp:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases