Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease – GERD) là tình trạng thực quản trở nên viêm tấy dưới tác dụng của acid đi từ dạ dày lên. Thực quản là một ống kéo dài từ họng đến dạ dày. Khi thức ăn được nuốt vào miệng sẽ đi xuống thực quản.

Dạ dày sản xuất ra acid chlohyric (HCl) sau bữa ăn để giúp tiêu hóa thức ăn.

  • Lớp niêm mạc ở phía trong dạ dày có tác dụng chống lại sự ăn mòn của acid. Các tế bào của lớp này tiết ra một số lượng lớn chất nhầy có tính chất bảo vệ.

  • Lớp niêm mạc của thực quản không có những tính chất này do đó có thể bị acid của dạ dày làm tổn thương.

Bình thường, vòng cơ ở dưới cùng của thực quản được gọi là cơ vòng thực quản dưới, có tác dụng ngăn sự trào ngược lên của acid.

  • Cơ vòng này giãn ra trong khi nuốt để thứ ăn đi qua. Sau đó nó sẽ xiết lại để ngăn không cho thức ăn quay ngược trở lại.

  • Tuy nhiên trong bệnh GERD, cơ vòng thực quản giãn ra giữa các lần nuốt và làm cho các chất trong dạ dày và acid ăn mòn trào lên và gây tổn thương cho lớp niêm mạc của thực quản.

GERD ảnh hưởng gần 1/3 người trưởng thành ở Mỹ với nhiều mức độ khác nhau, ít nhất là 1 tháng 1 lần. Hầu hết 10% người trưởng thành bị GERD hằng tuần hay hằng ngày.

Không chỉ người lớn mà thậm chí trẻ nhỏ và trẻ lớn cũng đều có thể bị GERD.

NGUYÊN NHÂN

Không ai biết được chính xác nguyên nhân của GERD. Những yếu tố sau góp phần làm yếu hoặc giãn cơ thắt thực quản dưới làm hiện tượng trào ngược trở nên nặng hơn:

  • Lối sống – sử dụng rượu, bia, thuốc lá, béo phì, đi khom lưng.

  • Thuốc – ức chế Calci, theophylline (Tedral, Hydrophed, Marax, Brochial, Quibron), nitrates, kháng histamine.

  • Chế độ ăn – nhiều mỡ và thức ăn chiên, sô cô la, tỏi, hành và thức uống có chứa caffein, thức ăn chua như trái cây thuộc giống cam quít, cà chua, thức ăn có nhiều gia vị, hương liệu bạc hà.

  • Thói quen ăn uống – ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc, ăn trước khi đi ngủ.

  • Và một số tình trạng khác như thoát vị hoành, mang thai, đái tháo đường, tăng cân nhanh.

Thoát vị hoành là một tình trạng một phần trên của dạ dày chui lên trên cơ hoành (một cơ vững chắc ngăn lồng ngực với ổ bụng).

  • Bình thường, cơ hoành hoạt động như một hàng rào hỗ trợ giúp cơ thắt thực quản dưới giữ acid ở trong dạ dày không bị trào ngược lên thực quản.

  • Thoát vị hoành làm cho acid đi lên trên một cách dễ dàng.

  • Thoát vị hoành có thể là do ho dai dẳng, ói, căng thẳng hoặc tăng áp lực (rặn) đột ngột. Béo phì và mang thai có thể làm cho tình trạng này xấu đi.

  • Thoát vị hoành rất thường gặp ở những người trên 50 tuổi.

  • Thoát vị hoành thường không cần điều trị, Trong trường hợp nặng, khi thoát vị hoành xoắn hoặc làm trào ngược nặng hơn thì cần phải phẫu thuật.

TRIỆU CHỨNG

Chứng ợ nóng dai dẳng là triệu chứng thường thấy nhất của GERD

  • Ợ nóng là cảm giác đau rát ở giữa ngực, sau xương ức. Nó thường xuất hiện ở thượng vị và lan lên cổ.

  • Đau có thể kéo dài đến khoảng 2 giờ.

  • Ợ nóng thường nặng hơn sau khi ăn.

  • Nằm xuống hoặc gập người xuống có thể gây ra ợ nóng họăc làm cho nó nặng thêm.

  • Đau thường không bẳt đầu hoặc nặng hơn khi hoạt động thể lực.

  • Chứng ợ nóng đôi khi được cho là do có sự tăng tiết quá mức của dạ dày.

  • Không phải tất cả mọi người bị GERD đều bị ợ nóng.

Những triệu chứng khác của GERD là:

  • Ợ ra acid đắng trong khi ngủ hoặc cuối gập người.

  • Thấy vị đắng trong miệng

  • Ho khan dai dẳng

  • Khàn giọng (đặc biệt vào buổi sáng)

  • Cả thấy khó chịu trong cổ họng, như có một mẫu thức ăn nằm ở đó.

  • Thở khò khè

Những triệu chứng thường gặp ở trẻ em là nôn nhiều lần, ho và những vấn đề về đường hô hấp.

KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP Y HỌC

Mặc dù nhiều người có thể làm giảm GERD bằng cách thay đổi thói quen và lối sống của họ, nhưng có một số người vẫn cần đến khám bác sĩ

  • Bạn nên đến khám bác sĩ khi các triệu chứng của GERD xuất hiện thường xuyên hơn, làm bạn mất ngủ, làm cản trở công việc hoặc các họat động khác của bạn.

Nếu bạn có những triệu chứng sau thì bạn cần nên đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức:

  • Đau hay cảm thấy đè nặng ở ngực dữ dội đặc biệt là có lan lên cổ, ra sau lưng hay xuống cánh tay.

  • Ói xuất hiện sau đau ngực.

  • Ói ra máu

  • Đi cầu phân đen, như nhựa đường.

  • Khó nuốt những loại thức ăn rắn hoặc lỏng.

KHÁM VÀ CẬN LÂM SÀNG

Bác sĩ thường chỉ cần dựa vào những triệu chứng của bạn là có thể chẩn đoán được.

  • Đầu tiên, có thể bác sĩ đề nghị bạn thay đổi lối sống và có thể kê toa thuốc antacid

  • Nếu triệu chứng vẫn còn tiếp diễn sau 4 tuần điều trị, bạn có thể được giới thiệu đến khám bệnh tại phòng mạch một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Bác sĩ tiêu hóa sẽ cho chụp hệ tiêu hóa trên có cản quang (upper GI series – UGI).

  • Đó là phương pháp chụp X – quang chuỗi thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non.

  • Trước khi chụp, bạn sẽ được uống một dung dịch cản quang màu trắng đục để tăng độ tương phản trên phim X – quang, để có thể quan sát một số chi tiết dễ dàng hơn.

  • Phương pháp này đôi khi được gọi là chụp barit cản quang do barit là một loại dung dịch cản quang được dùng.

  • Phương pháp này cho biết ít thông tin hơn so với nội soi nhưng đôi khi vẫn được thực hiện nhằm loại trừ những bệnh khác như loét hoặc tắc nghẽn thực quản. Tuy nhiên cũng có đôi lúc bác sĩ hoàn toàn không thực hiện thủ thuật này.

Bác sĩ tiêu hóa cũng có thể cho nội soi đường tiêu hóa trên (nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng – esophagogastroduodenoscopy – EGD), phương pháp này có thể được thực hiện ở phòng mạch tư.

  • Bạn được cho thuốc giảm đau, sau đó một ống dẻo có 1 máy quay nhỏ ở cuối được đưa vào miệng bạn qua cổ họng xuống thực quản.

  • Bác sĩ thấy tổn thương ở thực quản nhờ máy quay. Bằng cách này bác sĩ có thể thấy được độ nặng của GERD và loại trừ các biến chứng nặng.

  • Thực quản của bạn có thể bình thường nếu bạn bị GERD nhẹ.

  • Phương pháp này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán, tiếp cận với tổn thương và thực hiện sinh thiết nếu cần thiết, và thậm chí được điều trị ngay tại thời điểm nội soi nếu điều kiện cho phép.

Đo áp lực trong thực quản là một phương pháp đo chức năng của cơ vòng thực quản dưới và chức năng vận động của thực quản. Một ống được đưa qua họng cho đến khi đến thực quản , thường được thực hiện cùng với ống đo pH thực quản trong 24h.

Khi đo pH thực quản trong 24h, một ống có kích thước nhỏ được đưa xuống thực quản trong 24h, và ghi nhận nồng độ acid trào ngược lên thực quản trong ngày và trong khi ngủ.

ĐIỀU TRỊ

Mục tiêu điều trị là giảm trào ngược, làm dịu các triệu chứng và ngăn ngừa sự tổn thương thực quản.

Chăm sóc tại nhà

Nhiều người có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách thay đổi lối sống và thói quen. Những biện pháp sau nếu được tuân thủ có thể làm giảm trào ngược một cách có hiệu quả:

  • Không ăn trước giờ ngủ 3 tiếng để làm dạ dày trống và giảm tiết acid. Nếu bạn không ăn, cơ thể sẽ không tạo ra acid để tiêu hóa thức ăn.

  • Không nằm ngay sau khi ăn ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.

  • Nằm đầu cao khoảng 15 cm với gối. Trọng lượng sẽ giúp ngăn chặn sự trào ngược.

  • Không ăn quá nhiều. Ăn nhiều thức ăn một lúc có thể làm tăng lượng acid cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Ăn ít và chia nhỏ bữa ăn ra.

  • Tránh những thức ăn có nhiều mỡ, sô cô la, caffein, những thức ăn làm từ bạc hà hoặc có vị bạc hà, thức ăn có nhiều gia vị, thức ăn chua. Những thức ăn này làm giảm khả năng bảo vệ của lớp niêm mạc thực quản.

  • Tránh các thức uống có cồn. Cồn có thể làm tăng khả năng acid ở dạ dày trào ngược lên thực quản.

  • Ngưng hút thuốc, Hút thuốc làm yếu cơ vòng thực quản dưới và tăng trào ngược.

  • Giảm cân. Những người dư cân và béo phì dễ bị trào ngược hơn những người có cân nặng lý tưởng.

  • Đứng và ngồi thẳng lưng, giữ tư thế đúng. Điều này giúp thức ăn và acid đi xuống dạ dày thay vì ngược lên thực quản.

  • Báo với bác sĩ của bạn nếu bạn đang dùng các thuốc giảm đau như aspirin, ibprofen (Advil, Motrin) hoặc những thuốc loãng xương. Những thuốc này có thể làm nặng thêm tình trạng trào ngược ở một số người.

Một số thay đổi có thể sẽ rất khó khăn khi thực hiện. Bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn cần những lời khuyên về giảm cân và bỏ thuốc lá. Biết được rằng bạn sẽ giảm các triệu chứng có thể là một động cơ để cố gắng.

Những thuốc không cần kê toa:

Những thuốc này có thể làm giảm triệu chứng. Nên hỏi lại bác sĩ trước khi dùng thử.

Kháng acid (antacid): uống sau khi ăn 1 giờ và trước khi đi ngủ, vì nó có thể trung hòa acid đã có sẵn.

  • Một số thuốc thường được dùng là Gaviscon, Maalox, Mylanta và Tums.

  • Một số kết hợp với chất tạo bọt. Bọt ở trong dạ dày giúp ngăn acid trào ngược lên thực quản.

  • Những thuốc này rất an toàn khi sử dụng hằng ngày trong vài tuần nhưng nếu dùng trong một thời gian dài có thể gây ra những tác dụng phụ:

    • Tiêu chảy

    • Làm giảm sự chuyển hóa canxi của cơ thể.

    • Tích tụ magê trong cơ thể, có thể gây tổn thương thận.

  • Nếu dùng hằng ngày trên 3 tuần, bạn nên cho bác sĩ biết.

Kháng Histamin: có tác dụng ngăn sản xuất acid.

  • Kháng H2 chỉ có hiệu quả nếu dùng ít nhất 1 giờ trước bữa ăn do chúng không thể tác động lên acid đã có sẵn.

  • Những thuốc kháng histamin thường dùng là cimetidine (Tagamet), famotidine (Pepcid), ranitidine (Zantac), nizatidine (Axid).

Can thiệp y khoa

Nếu tự chăm sóc tại nhà và điều trị với những thuốc thông thường không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa với những thuốc kháng acid mạnh hơn. Những phương pháp điều trị này có thể chỉ cần dùng trong một thời gian ngắn hoặc trong một thời gian dài hơn trong khi bạn dần dần thay đổi lối sống của mình.

Thuốc

Các loại thuốc dùng những cơ chế khác nhau để làm giảm trào ngược.

Thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibition – PPI)

  • PPI bao gồm omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nẽium), lansoprazole (Prevacid), rabeprazole (Aciphex), pantoprazole (Protonix).

  • Chúng ngăn sự sản xuất 1 loại enzyme cần thiết để sản xuất acid dạ dày.

  • PPI ngăn sản xuất acid tốt hơn kháng histamin.

Thuốc bảo vệ dạ dày:

Sucralfate (Carafate) bọc lớp niêm mạc và chỗ loét để tăng thêm một lớp màng bảo vệ chống lại acid của dạ dày.

Phẫu thuật (xem thêm bài Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản)

Phẫu thuật không bao giờ là lựa chọn đầu tiên trong điều trị GERD. Thay đổi thói quen và lối sống, những thuốc kháng acid thông thường, những thuốc kê toa được dùng trước khi nghĩ đến phẫu thuật. Chỉ khi tẩt cả những phương pháp trên đều thất bại thì mới cần phẫu thuật. Bởi vì thay đổi lối sống và thuốc có hiệu quả ở hầu hết bệnh nhân, phẫu thuật chỉ được thực hiện ở một số ít bệnh nhân.

Phương pháp phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất để điều trị GERD được gọi là fundoplication.

  • Phẫu thuật fundoplication nhằm mục đích tăng áp lực tại cơ vòng thực quản dưới để giữ acid lại trong dạ dày.

  • Phẫu thuật viên bọc một phần của dạ dày xung quanh thực quản như một cổ áo và khâu nó lại để nâng cao hiệu quả “một-chiều” của van.

  • Phương pháp này được thực hiện qua nội soi, không cần phải rạch bụng một vết lớn. Phẫu thuật viên rạch 2 vết rất nhỏ ở bụng và đưa những thiết bị dài và hẹp cùng với 1 camera qua những lỗ nhỏ đó vào trong bụng bạn. Phương pháp này chỉ để lại những vết sẹo nhỏ và thời gian bình phục nhanh hơn rất nhiều so với thông thường.

  • Cũng như mọi phương pháp phẫu thuật khác, fundoplication không phải lúc nào cũng hiệu quả và có thể gây ra những biến chứng.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ về thuốc và lối sống.

  • Hãy trao đổi với bác sĩ về những biện pháp ngăn trào ngược của bạn và hiệu quả của nó.

  • Tái khám thường xuyên. Bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh phương pháp điều trị sau một khoảng thời gian nhất định hoặc quyết định giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa khác nếu biện pháp điều trị ban đầu thất bại.

  • Các bác sĩ chỉ có thể giúp được bạn nếu bạn khai bệnh đúng và thường xuyên phản hồi lại những triệu chứng của mình.

Phòng ngừa

Cách phòng ngừa tốt nhất và an toàn nhất đối với trào ngược là tác động đến các nguyên nhân gây ra nó:

  • Duy trì một cân nặng lý tưởng.

  • Tránh ăn nhiều và ăn cách giờ ngủ 3 tiếng.

  • Hạn chế những thức ăn có nhiều mỡ và chất béo, sô cô la, caffein, và những thức ăn kích thích khác

  • Tránh những thức uống có cồn.

  • Ngừng hút thuốc lá.

  • Giữ tư thế đúng đặc biệt là trong khi ngồi.

  • Tránh làm việc với cường độ nặng, tư thế cúi khom lưng (khuân vác), hoặc gập người xuống khi no.

Tiên lượng

GERD có thể điều trị được nhưng hay tái phát, đặc biệt nếu bạn không thay đổi lối sống.

  • Đối với những người bị từ nhẹ đến trung bình (độ 1 và độ 2), điều trị tại nhà và uống thuốc kháng H2 hiệu quả đến 60% trường hợp.

  • Nếu bị nặng thừờng phải sử dụng ức chế bom proton (PPI)

Nếu tái phát, cần phải điều trị kéo dài hoặc phẫu thuật để đề phòng biến chứng.

Hầu hết các biến chứng của GERD đều hiếm gặp, nhưng GERD lại là bước đầu tiên để đi đến chúng. Điều trị tổt nhất là phòng ngừa. Những biến chứng đó bao gồm:

  • Viêm loét thực quản – viêm, kích thích niêm mạc thực quản.

  • Trào ngược thanh khí quản – khi acid trong dạ dày đi vào trong họng sẽ gây ra khàn tiếng.

  • Chảy máu – do loét tại những tổn thương niêm mạc thực quản.

  • Hẹp thực quản – do những vết sẹo lâu ngày.

  • Những vấn đề về nuốt do hẹp

  • Vấn đề về đường thở - khi acid đi qua đường thở.

  • Thực quản barret – sự thay đổi niêm mạc của thực quản, đây là một tình trạng tiền ung thư.

  • Ung thư thực quản – có tỉ lệ mắc bệnh rất thấp.

Theo emedicinehealth - Y học NET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases