Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Suy tim
Tim giống như một cái bơm hoạt động cùng với phổi. Nó bơm máu đi theo 2 hướng.
- Tim bơm máu lên phổi để lấy oxy, sau khi đã được oxy hóa, máu lại quay ngược trở về tim.
- Sau đó, tim bơm máu vào hệ thống tuần hoàn của các mạch máu để mang máu đi khắp cơ thể.
Tim có 4 buồng.
- 2 buồng phía trên được gọi là tâm nhĩ, 2 buồng phía dưới là tâm thất.
- Tâm nhĩ phải và tâm thất phải nhận máu từ cơ thể chảy về qua các tĩnh mạch sau đó bơm máu lên phổi.
- Tâm nhĩ trái và tâm thất trái nhận máu từ phổi và bơm máu ra động mạch chủ để đi về các động mạch khác của cơ thể để nuôi sống toàn bộ các mô và cơ quan.
- Do tâm thất trái phải bơm máu đi khắp cơ thể nên nó mạnh hơn rất nhiều so với tâm thất phải.
Suy tim không có nghĩa là tim ngừng hoạt động như mọi người vẫn nghĩ. Thật ra, tim vẫn tiếp tục đập và bơm máu, tuy nhiên thuật ngữ "suy tim" chỉ tình trạng các mô của cơ thể không nhận đủ máu và oxy tạm thời. Với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị suy tim, ngành Y đã giúp các bệnh nhân sống tốt hơn và kéo dài tuổi thọ hơn.
- Suy tim được giới y học đánh giá là một bệnh nặng, tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa suy tim là tim ngừng hoạt động một cách đột ngột.
- Diễn tiến của suy tim có thể kéo dài từ từ qua nhiều năm, hoặc trở nặng một cách nhanh chóng sau một cơn cấp tính hoặc bệnh của cơ tim.
Suy tim là tình trạng hoạt động bơm của tim trở nên ngày càng yếu đi và không còn khả năng bơm máu tốt như lúc đầu nữa. Khi đó, máu không chảy một cách hiệu quả qua toàn bộ hệ thống tuần hoàn nữa và bắt đầu ứ đọng lại làm gia tăng áp lực lên cách mạch máu dẫn đến việc dịch từ các mạch máu đi vào trong mô cơ thể.
- Khi tim trái bị suy, dịch bắt đầu tích tụ ở phổi (phù phổi). Lượng dịch dư thừa bên trong phổi (sung huyết) chèn ép làm cho đường dẫn khí khó dãn nở hơn khi hít vào. Bệnh nhân bắt đầu khó thở, thở hụt hơi, đặc biệt là khi hoạt động hoặc lúc nằm xuống.
- Khi tim phải bị suy, dịch tích tụ ở bàn chân và cẳng chân. Khi tim suy nặng hơn, phần trên của chân bắt đầu sưng lên và cuối cùng là dịch sẽ tích tụ ở bụng (ascite - bụng báng). Số cân nặng cơ thể tăng lên có liên quan đến sự tích tụ dịch là thước đo tốt nhất để kiểm tra lượng dịch bị ứ đọng bên trong cơ thể. Phù (sưng) là một dấu hiệu của suy tim phải, nhất là dạng phù mềm ấn lõm. Phù mềm ấn lõm có nghĩa là khi ấn một ngón tay vào vùng chân bị phù rồi bỏ ra sẽ để lại dấu ngón tay ở vị trí ấn. Những dạng phù không ấn lõm không phải gây ra bởi suy tim.
Suy tim thường được phân loại thành suy tim tâm thu và suy tim tâm trương và tỷ lệ mắc phải tăng lên theo tuổi.
Suy tim tâm thu: hoạt đồng bơm của tim bị suy giảm hoặc yếu ớt. Trên lâm sàng, người ta dùng chỉ số EF (ejection fraction - phân xuất tống máu) để đánh giá. Phân xuất tống máu được tính bằng cách lấy lượng máu được tống ra khỏi tâm thất trái chia cho thể tích tối đa còn lại của tâm thất trái vào cuối kỳ tâm trương hay giai đoạn nghỉ. Phân xuất tống máu bình thường cao hơn 50%. Suy tim tâm thu sẽ làm giảm phân xuất tống máu xuống thấp hơn 50%.
Suy tim tâm trương: tim có thể co bình thường nhưng lúc nghỉ ngơi và đang chứa đầy máu thì nó bị cứng lại làm ngăn trở không cho máu về tim dẫn đến sự tích tụ máu bên trong phổi và gây ra triệu chứng suy tim xung huyết. Suy tim tâm trường thường gặp ở những bệnh nhân trên 75 tuổi, đặc biệt là ở những bệnh nhân nữ bị tăng huyết áp. Khi bị suy tim tâm trương thì phân xuất tống máu vẫn bình thường.
- Suy tim ảnh hưởng đến khoảng 1% trong số những người 50 tuổi, 5% trong những người trên 75 tuổi và 25% ở những người trên 85 tuổi.
- Suy tim là nguyên nhân thường gặp nhất khiến những bệnh nhân nhận bảo hiểm y tế đến bệnh viện.
- Do số người già tiếp tục tăng lên nên số người được chẩn đoán là suy tim sung huyết cũng tiếp tục gia tăng.
NGUYÊN NHÂN
Suy tim chỉ là một hội chứng chứ không phải là một bệnh, nó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Suy tim là tình trạng tim bị yếu đi do những vấn đề về tim và mạch máu ẩn đằng sau, thường là có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Yếu cơ tim
- Tổn thương van tim
- Tắc nghẽn mạch máu cung cấp cho cơ tim (động mạch vành) gây nhồi máu.
- Tiếp xúc với hóa chất như rượu hoặc thuốc phiện
- Nhiễm trùng
- Cao huyết áp dẫn đến dày cơ tim (phì đại thất trái)
- Bệnh màng ngoài tim, chẳng hạn như tràn dịch màng ngoài tim (một lượng lớn dịch tích tụ xung quanh tim ở khoảng giữa cơ tim và lớp dày của màng ngoài tim bao quanh tim) và/hoặc dày màng ngoài tim dẫn đến hậu quả là tim không được đổ đầy máu trong thì tâm trương.
- Bệnh tim bẩm sinh
- Loạn nhịp tim nặng và kéo dài
Các bệnh kể trên thường kết hợp với nhau gây suy tim, tuy nhiên cũng có nhiều lúc những nguyên nhân gây bệnh của cơ tim không được biết rõ, người ta gọi trường hợp này là bệnh cơ tim tự phát hoặc bệnh cơ tim không rõ nguyên nhân.
Suy tim đôi khi cũng là hậu quả của những thói quen hoặc cách sống sau:
- Những thói quen không tốt cho sức khỏe như hút thuốc, uống rượu nhiều.
- Béo phì và lười vận động cũng góp phần gây suy tim một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua những bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh mạch vành.
- Không kiểm soát huyết áp trong nhiều năm ở những bệnh nhân cao huyết áp có thể làm tổn thương tim và mạch máu
Đi kèm với yếu tố lối sống, một số bệnh (chẳng hạn như đái tháo đường, nhồi máu cơ tim và bệnh tim bẩm sinh) cũng có thể gây tổn thương cho tim và gây ra suy tim. Ngoài ra còn có trên 100 nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây ra suy tim bao gồm nhiều loại nhiễm trùng, tiếp xúc với những chất độc hại, biến chứng của các bệnh khác, tác dụng của độc chất và những yếu tố bẩm sinh liên quan đến di truyền.
Cho dù suy tim do nguyên nhân nào đi nữa thì hoạt động bơm của tim bị suy yếu là do một số cơ chế sau:
- Tổn thương cơ tim (bệnh cơ tim): cơ tim có thể trở nên yếu đi do bị tổn thương hoặc bệnh và do đó không thể co bóp hay ép lại mạnh mẽ như bình thường. Những tổn thương cơ này có thể gây ra bởi bệnh mạch vành dẫn đến nhồi máu, hay bệnh tăng huyết áp, nhiễm siêu vi, nghiện rượu, đái tháo đường và nhiều nguyên nhân ít gặp khác. Đôi khi người ta cũng không tìm ra nguyên nhân gây suy tim.
- Nhồi máu: gây ra đau ngực, thở hụt hơi, nôn ói, vã mồ hôi và/hoặc cảm thấy đe dọa tử vong. Cơn nhồi máu có thể dẫn đến tim ngừng đập hoặc tổn thương vĩnh viễn thất trái. Nếu như tổn thương này đủ nặng khiến cho tâm thất trái không còn hoạt động được bình thường thì sẽ dẫn đến suy tim.
- Tăng huyết áp: huyết áp tăng cao một cách bất thường làm thất trái phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp hệ tuần hoàn. Theo thời gian, sự gắng sức này của tim có thể làm tim bị tổn thương và yếu đi. Nếu hiện tượng này cứ tiếp tục diễn ra mà không được theo dõi và điều trị sẽ dẫn đến suy tim. Điều trị tăng huyết áp một cách hợp lý có thể ngăn ngừa phì đại thất trái và suy tim.
- Những bất thường van tim: lúc bình thường các van tim giúp máu chảy theo đúng hướng ở bên trong tim. Bất thường van tim gây cản trở dòng chảy theo 1 trong 2 cách:
- Hở van tim là tình trạng van tim đóng không kín khi cần thiết làm cho máu chảy ngược lại trở về tim. Và khi máu chảy sai hướng qua van, tim phải làm việc nặng hơn để giữ vững lưu lượng dòng chảy của máu vào cách động mạch được bình thường. Và cuối cùng sẽ dẫn đến có một lượng máu bị tích tụ lại bên trong phổi và ở cơ thể.
- Hẹp van tim là khi van không mở ra hoàn toàn khi cần thiết. Dòng máu sẽ bị cản trở khi đi qua lỗ mở bị hẹp làm tăng tải cho tim.
- Nhịp tim bất thường hoặc không đều: nhịp tim bất thường làm giảm hiệu suất bơm của tim. Nhịp tim có thể quá nhanh hoặc quá chậm hay không đều. Tim phải bơm mạnh hơn để thắng được những bất thường về nhịp đó. Nếu nhịp tim quá chậm hay quá nhanh kéo dài qua nhiều giờ, nhiều ngày hay nhiều tuần có thể làm tim bị yếu đi dẫn đến suy tim.
- Một số tình trạng khác có thể gây tổn thương cho tim như những bất thường của tuyến giáp (tiết ra hormon giáp quá nhiều hay quá ít) hoặc những biện pháp điều trị ung thư (xạ trị hay một số thuốc hóa trị).
TRIỆU CHỨNG
Những người bị suy tim đôi khi không nghi ngờ gì những triệu chứng về tim của họ.
- Những triệu chứng sớm thườn gặp là thở hụt hơi, ho, hoặc cảm thấy không thể thở sâu được.
- Nếu bạn bị những bệnh về hô hấp đã biết trước đó như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc khí phế thũng, có thể bạn sẽ nghĩ rằng mình đang bị cơn cấp hoặc trở nặng do những bệnh kể trên.
- Nếu bạn không thường bị những bệnh về hô hấp, có thể bạn sẽ nghĩ mình đang bị cảm, cúm hay viêm phế quản.
- Như thể để làm cho mọi việc trở nên xấu hơn, bất kỳ hay một vài bệnh trong số này có thể tồn tại song song với suy tim.
Suy tim có 3 triệu chứng chính:
- Mất khả năng hoạt động thể lực
- Bệnh nhân bị suy tim có thể mất khả năng chịu đựng với những hoạt động thể lực hoặc thậm chí đối với ngay những gắng sức nhẹ mà trước đây họ có thể làm được. Cơ thể cần oxy và chất dinh dưỡng khi hoạt động thể lực. Một quả tim bị suy không thể bơm đủ máu cung cấp những yếu tố trên cho cơ thể.
- Khả năng vận động, ngay cả chỉ là đi bộ với tốc độ bình thường, cũng bị giới hạn do mệt và hụt hơi.
- Những hoạt động thông thường như quét nhà, hút bụi, cắt cỏ, hoặc thậm chí là đi xung quanh nhà cũng trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được.
- Hiện tượng thở hụt hơi đi kèm với những hoạt động trên thường sẽ được cải thiện khi nghỉ ngơi.
- Thở hụt hơi
- Bệnh nhân suy tim có thể bị khó thở, đặc biệt là vào những lúc vận động
- Khi suy tim tiến triển nặng hơn, dịch sẽ tích tụ lại bên trong phổi và ngăn không cho oxy đi vào máu gây ra khó thở khi nghỉ ngơi và vào ban đêm (khó thở khi nằm).
- Khi bệnh nhân bị suy tim, họ có thể thức dậy lúc nửa đêm, thở hụt hơi và phải ngồi hoặc đứng dậy để cảm thấy khá hơn, tình trạng này được gọi là khó thở bộc phát về đêm.
- Kê thêm vài cái gối đầu khi nằm có thể sẽ giúp bệnh nhân ngủ dễ chịu hơn. Có người thích ngủ trên ghế tựa hơn là trên giường.
- Khi tình trạng dịch tích tụ trong phổi trở nên nặng nề, có thể bệnh nhân sẽ ho ra đàm có bọt hồng.
- Tích tụ dịch và phù nề
- Sưng phù ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân, đặc biệt là vào cuối ngày hoặc sau khi ngồi hay đứng lâu.
- Thông thường thì triệu chứng này sẽ dễ nhận thấy hơn ở mắt cá chân hay ở mặt trước phần dưới cẳng chân nơi mà xương nằm gần với da.
- Ấn vào da ở vùng bị phù sẽ cho thấy dấu ngón tay vẫn còn giữ lại khoảng vài phút sau khi đã rút tay ra. Người ta gọi triệu chứng này là phù mềm ấn lõm. Những trường hợp phù ấn không lõm không phải là do suy tim gây ra. Tuy nhiên, phù mềm ấn lõm cũng không đồng nghĩa với suy tim, vì nó còn có nhiều nguyên nhân khác như suy gan và suy thận.
- Phù có thể tiến triển lan lên đến mông, bìu, thành bụng và thậm chí ngay cả khoang bụng (bụng báng hay bụng ascite).
- Bắt buộc phải kiểm tra cân nặng hằng ngày đối với những bệnh nhân suy tim vì lượng dịch ứ đọng thường được phản ánh bởi sự gia tăng triệu chứng hụt hơi và tăng cân. Bệnh nhân buộc phải biết "cân năng khô" của họ là bao nhiêu (cân nặng khi họ cảm thấy khỏe mạnh và không bị phù mềm ấn lõm).
Suy tim thường không gây ra đau ngực. Nên nhớ rằng có những bệnh nghiêm trọng khác có thể gây đau ngực như đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim có thể tồn tại song song với suy tim.
KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP Y HỌC
Nếu bạn bị một trong những triệu chứng sau, hãy đến bác sĩ để khám bệnh. Nếu những triệu chứng này trở nên nặng nề hoặc xuất hiện một cách đột ngột, hãy đến ngay phòng cấp cứu:
- Khó thở và ngày càng xấu đi hoặc gây khó ngủ.
- Cảm thấy buồn ngủ nhưng thức dậy lúc nửa đêm do bị hụt hơi.
- Ngủ ngon ở tư thế nửa nằm nửa ngồi ở trên ghế tựa hơn là nằm thẳng trên giường.
- Khó thở tăng lên khi gắng sức nhẹ hay khó thở nhiều hơn mức bình thường.
- Mệt mỏi một cách bất thường và không đỡ hơn khi nghỉ ngơi.
- Ho khan một cách bất thường hoặc không đỡ.
- Bị phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân và không khỏi.
Ngoài ra, dưới đây là những triệu chứng mờ nhạt khác của suy tim có thể khiến bạn phải đi khám (đặc biệt là khi chúng liên hệ với bất kỳ những triệu chứng nào được liệt kê ở phía trên):
- Sưng hoặc khó chịu ở bụng
- Da nhợt nhạt kéo dài
- Ăn không ngon
Suy tim là nguyên nhân khiến dân Mỹ phải nhập viện nhiều nhất ngoài chuyện sinh con, đặc biệt là ở những người lớn hơn 65 tuổi. Điều này nhấn mạnh một sự thật là rất nhiều người bị suy tim đều sẽ phải có lúc cần nhập viện, nếu không phải là trong giai đoạn đầu của bệnh thì cũng sẽ là ở những giai đoạn sau đó.
Luôn luôn phải cảnh giác đối với những cơn đau ngực. Mặc dù suy tim không gây ra đau ngực nhưng một số bệnh nghiêm trọng khác đi kèm với suy tim thì có.
Nếu những triệu chứng sau tiến triển nhanh chóng, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức:
- Khó thở
- Đau ngực nặng nề và không thuyên giảm
- Chân bị phù bắt đầu đau, ngay cả khi chỉ đau ở một chân, đặc biệt là khi nó đi cùng với các dấu hiệu nhiễm trùng (đỏ, nóng khi sờ và sốt)
- Ngất
KHÁM & CẬN LÂM SÀNG
Suy tim có thể bị chẩn đoán lầm với những bệnh khác có thể gây khó thở, chẳng hạn như viêm phế quản, viêm phổi, khí phế thủng và hen phế quản. Hãy cùng trao đổi với bác sĩ, được khám và làm các xét nghiệm tại bệnh viện để có thể cho được một chẩn đoán chính xác.
X quang ngực: rất có ích trong việc xác định xem có dịch trong phổi hay không. Ngoài ra, tim thường bị to ra ở những bệnh nhân suy tim và có thể nhận biết được trên phim x quang.
Điện tâm đồ (ECG - Electrocardiogram): đây là một phương pháp đo những hoạt động điện học của tim và không gây đau đớn cho người bệnh.
- Nó có thể phát hiện ra một số vấn đề của tim có thể gây suy tim bao gồm: nhồi máu, rối loạn nhịp tim, trạng thái làm việc quá mức của tim trong một thời gian dài do cao huyết áp và một só bệnh về van tim khác.
- ECG có thể cho chúng ta một số manh mối để tìm ra những nguyên nhân ẩn đằng sau suy tim.
- Đo ECG chỉ mất khoảng vài phút, bạn sẽ được nằm lên bàn và được dán những điện cực lên da vùng ngực, cánh tay và chân.
- Tuy nhiên, ECG có thể cho kết quả bình thường ở những bệnh nhân suy tim.
Xét nghiệm máu: có thể bạn sẽ được rút máu để làm một số xét nghiệm sau:
- Công thức máu: thiếu máu có thể gây ra những triệu chứng tương tự với suy tim hoặc là một nguyên nhân góp phần gây ra suy tim.
- Nồng độ natri, kali và một số chất điện giải khác, đặc biệt là khi bệnh nhân đang được điều trị với thuốc lợi tiểu và/hoặc bị bệnh thận.
- Xét nghiệm kiểm tra chức năng thận.
- B-type natriuretic peptide (BNP):
- Đây là loại hormon được sản xuất nhiều do cơ tim bị suy. Đây là xét nghiệm tầm soát tốt do nồng độ của hormon này thường gia tăng cùng với độ nặng của suy tim.
- Có một điều thú vị là BNP có thể được sản xuất bằng kỹ thuật tái tổ hợp DNA (recombinant DNA technology) và có thể được dùng để điều trị suy tim tại bệnh viện.
Siêu âm tim: để kiểm tra nhịp tim và nhiều cấu trúc khác của tim
- Siêu âm tim có thể rất hữu ích trong việc xác định nguyên nhân suy tim (như những nguyên nhân của cơ tim, van tim hoặc màng tim) và nó cũng cung cấp cho chúng ta biết số đo chính xác của phân xuất tống máu.
- Đây là một kỹ thuật rất an toàn, không gây đau và tương tự như dạng siêu âm thai ở sản khoa.
MUGA scan: (multiple-gated acquisition scanning)
- Một lượng chất nhuộm phóng xạ nhẹ sẽ được tiêm vào tĩnh mạch để đi đến tim.
- Người ta sẽ chụp hình vào lúc tim tống máu có lẫn chất nhuộm bên trong ra ngoài để ghi nhận hình ảnh hoạt động của tâm thất phải và trái.
- Những người bị dị ứng với iod hoặc tôm cua có thể không được thực hiện kỹ thuật này vì chất nhuộm nói trên có chứa iod.
Nghiệm pháp gắng sức: nghiệm pháp gắng sức bằng thể lực hay bằng thuốc có thể sẽ được dùng để đánh giá nguyên nhân gây suy tim, đặc biệt là khi nghi ngờ có liên quan đến bệnh mạch vành. Nghiệm pháp này thường được kết hợp với chẩn đoán hình ảnh hoặc siêu âm tim để cho kết quả được tốt hơn.
ĐIỀU TRỊ
Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác gây suy tim, thông thường thì có thể điều trị một cách hiệu quả. Mục tiêu sau cùng của việc điều trị là điều chỉnh lại những nguyên nhân ẩn phía sau, làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa không cho bệnh tiến triển xấu hơn. Triệu chứng có thể giảm đi bằng cách rút lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, tăng tuần hoàn máu, cải thiện chức năng cơ tim và tăng phân phối oxy đến các mô.
Tại nhà
Suy tim là một tình trạng bệnh nghiêm trọng cần phải có sự can thiệp y học chuyên môn.
- Khi bạn đã được chẩn đoán là suy tim và đang được điều trị bởi các bác sĩ, bạn có thể và nên thực hiện một số việc tại nhà để có thể cảm thấy khỏe hơn và giảm nguy cơ bệnh nặng hơn.
- Thật ra thì nếu bạn càng nắm vai trò chủ động trong việc kiểm soát bệnh bao nhiều thì càng có nhiều khả năng làm tốt hơn bấy nhiêu.
- Việc thay đổi lối sông theo những điều đã được hướng dẫn ở đây có thể tạo ra một sự khác biệt thật sự. Chúng không chỉ khiến cho bạn cảm thấy khỏe hơn mà còn có thể giúp bạn tăng khả năng sống lâu hơn và mạnh khỏe hơn.
Điều trị phù bằng những biện pháp sau:
- Nâng bàn chân và chân lên cao khi bị phù.
- Giảm muối trong thực đơn hằng ngày của mình.
- Kiểm tra cân nặng mỗi ngày trước khi ăn sáng và ghi lại để có thể đưa lại cho bác sĩ xem.
Tránh làm những điều sau:
- Không uống thuốc theo toa.
- Hút thuốc (ở bất cứ dạng nào)
- Uống rượu (uống khoảng 1 ly mỗi ngày thường cho kết quả tốt, trừ phi bạn lạm dụng và uống quá nhiều).
- Xúc động quá mức và/hoặc và trầm cảm (những người bị trầm cảm với mức độ từ trung bình đến nặng có nguy cơ tử vong cao gấp đôi).
- Sống ở những vùng cao (bệnh nhân sẽ thở khó hơn do lượng oxy có trong khí quyển ít hơn)
- Thuốc đông y hoặc những thực phẩm chức năng khác mà không có hỏi ý kiến bác sĩ trước về tính an toàn của nó.
Ghi nhớ những điều sau:
- Những người bị đái tháo đường phải kiểm tra mức đường huyết hằng ngày. Biết được mức HbA1c của mình. Nó nên thấp hơn 7.0, tốt nhất là thấp hơn 6.5.
- Những người bị cao huyết áp nên đo huyết áp thường xuyên và nắm rõ chỉ số huyết áp của mình (huyết áp tâm thu phải dưới 140 mmHg đối với tất cả mọi người và dưới 130 mmHg ở những người bị tiểu đường).
- Những người có lipid máu cao (cholesterol và triglyceride) cần phải uống thuốc để giữ loại "cholesterol xấu" (LDL) thấp hơn 100, và triglyceride thấp hơn 150.
Các phương pháp điều trị
Nếu không tìm được nguyên nhân chính xác gây suy tim thì biện pháp điều trị sẽ bao gồm thay đổi lối sống và các loại thuốc.
- Những biện pháp thay đổi lối sống mà bác sĩ đề nghị với bạn có thể giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm tiến trình suy tim và gia tăng chất lượng sống.
- Các loại thuốc có thể giúp kiểm soát cả những nguyên nhân gây suy tim lẫn những triệu chứng. Thuốc là phần quan trọng nhất trong quá trình điều trị suy tim. Thông thường thì phải cần một vài loại thuốc để tấn công vào những sự mất cân bằng sinh lý trong cơ thể.
Các thủ thuật
Những phương pháp điều trị khác bao gồm các thủ thuật như tạo hình mạch máu hoặc đặt máy tạo nhịp có thể được thực hiện tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy tim.
Phẫu thuật tạo hình mạch máu: đây là biện pháp thay thế phẫu thuật bắc cầu mạch vành đối với một số bệnh nhân suy tim do bệnh mạch vành bị nhồi máu. Phẫu thuật tạo hình mạch máu dùng để điều trị những động mạch vành cung cấp máu cho tâm thất trái bị hẹp hoặc tắc.
- Một ống dài và nhỏ được gọi là catheter được đặt xuyên qua da đi vào mạch máu và lách vào động mạch có vấn đề. Thủ thuật này được thực hiện khi bệnh nhân đã được gây tê cục bộ.
- Khi đến điểm hẹp hoặc tắc do mảng xơ vữa, người ta sẽ bơm hoặc là bung một quả bóng nhỏ hay một cái stent bằng kim loại gắn ở phía cuối ống catheter lên.
- Khi đó mảng cholesterol gây bít tắc động mạch sẽ bị catheter ép sang một bên, nhờ vậy máu có thể chảy qua được một cách dễ dàng.
Máy tạo nhịp: là thiết bị dùng để kiểm soát nhịp tim.
- Máy tạo nhịp là một điện cực nằm ở đầu một dây kim loại thường được các bác sĩ tim mạch cấy vào bên trong tim bệnh nhân. Dây kim loại này sau đó sẽ được đưa vào tâm thất phải, thường là người ta sẽ đưa một dây kim loại thứ hai vào tâm nhĩ phải (máy tạo nhịp buồng đôi).
- Máy tạo nhịp có khả năng kích thích tim đập nhanh hơn ở những bệnh nhân có nhịp tim chậm, hoặc nó có thể kiểm soát được những rối loạn nhịp (đôi khi cần phải dùng thuốc để điều trị kết hợp với máy tạo nhịp). Ở một số trường hợp, người ta đặt máy khử rung gắn trong (intracardiac defibrillator - ICD) vào cùng với máy tạo nhịp. Máy khử rung có thể phát hiện ra những trường hợp rối loạn nhịp gây nguy hiểm đến tính mạng và tự động shock điện để đưa rối loạn nhịp đó trở về bình thường.
- Người ta cũng có thể dùng máy tạo nhịp để đồng bộ hoạt động bơm của tâm thất trái và phải (liệu pháp tái đồng bộ tim). Phương pháp này cần phải đặt thêm một điện cực ở phía sau tim ở tĩnh mạch vành nằm trên tâm thất trái. Đồng bộ hóa giúp tăng cường hiệu quả bơm của tim.
Thuốc
Những bệnh nhân suy tim thường phải uống một số loại thuốc khác nhau có tác dụng theo nhiều hướng khác nhau để làm giảm triệu chứng suy tim, ngăng không cho những bệnh nguyên nhân trở nên nặng hơn và kéo dài cuộc sống.
Thuốc lợi tiểu: dùng để giải quyết tình trạng tích tụ dịch bên trong cơ thể.
- Thuốc lợi tiểu làm cho thận thải ra ngoài những lượng muối thừa và nước có trong máu, do đó sẽ làm giảm lượng thể tích máu trong tuần hoàn. Khi thể tích máu giảm, tim sẽ không phải làm việc quá sức nữa. Tuy nhiên lượng tế bào bạch cầu và hồng cầu sẽ không thay đổi.
- Kết quả cuối cùng là cải thiện khả năng thở (do đã làm sạch lượng nước tích tụ trong phổi) và làm giảm phù ở phần thấp của thân.
- Hầu hết các thuốc lợi tiểu đều có xu hướng loại bỏ kali ra khỏi cơ thể, tuy nhiên có một số loại thuốc như triamterene hoặc spironolactone, có thể làm tăng lượng kali trong cơ thể lên, do đó cần phải theo dõi nồng độ kali cẩn thận.
- Một số loại lợi tiểu thường được sử dụng cho bệnh nhân suy tim bao gồm furosemide (Lasix), bumetanide (Bumex), hydrochlorothiazide (HydroDIURIL), spironolactone (Aldactone), plerenone (Inspra), triamterene (Dyrenium), torsemide (Demadex), or metolazone (Zaroxolyn) hoặc một số chế phẩm phối hợp như Dyazide.
- Spironolactone và eplerenone không chỉ có tác dụng lợi tiểu nhẹ khi được sử dụng kết hợp với những lợi tiểu mạnh hơn như furosemide (Lasix) mà khi sử dụng với liều thấp (không phải liều lợi tiểu), chúng còn cho thấy có tác dụng kéo dài đời sống khi sử dụng kết hợp thuốc ức chế men chuyển do chúng có một tác dụng cộng thêm trên cơ tim là ngăn ngừa tiến trình hóa sẹo và phì đại của cơ tim.
Thuốc làm tăng co bóp: những loại thuốc tăng co bóp tiêm mạch như dobutamine và milrinone là những tác nhân gây tăng khả năng co bóp của tim. Chúng được dùng để hỗ trợ tạm thời cho những bệnh nhân có thất trái quá yếu nên không thể đáp ứng được với liệu pháp điều trị suy tim chuẩn.
Digoxin (Lanoxin): đây là loại thuốc làm tăng khả năng bơm máu của tim, giúp tim bơm mạnh hơn. Tuy nhiên, digoxin có tác dụng tăng co rất yếu và hiện nay chỉ được dùng như là một biện pháp cộng thêm chung với thuốc ức chế men chuyển và chẹn beta.
- Mặc dù thường xuyên được dùng nhưng không phải ai cùng uống digoxin vì hiệu quả của nó kém hơn một số loại thuốc thuộc các nhóm khác được bàn luận trong bài viết này.
- Digoxin giúp làm giảm triệu chứng sau khi sử dụng các thuốc giãn mạch và lợi tiểu nhưng không hiệu quả.
- Digoxin là một loại thuốc lâu đời, nó được dùng từ cách đây hơn 200 năm và được chiết xuất từ cây mao địa hoàng.
- Digoxin cũng được dùng để kiểm soát nhịp tim (trong rung nhĩ).
- Lạm dụng digoxin sẽ làm nó tích tụ trong máu và có khả năng gây ra những rối loạn nhịp nguy hiểm. Nguy cơ rối loạn nhịp sẽ gia tăng khi dùng thuốc quá liều, hay khi thận bị suy yếu và không bài tiết digoxin ra khỏi cơ thể một cách bình thường được hay nồng độ kali trong cơ thể quá thấp (có thể là do uống thuốc lợi tiểu).
Thuốc dãn mạch: đây là những loại thuốc làm gia tăng kích thước những động mạch nhỏ và mao mạch do đó có thể làm giảm tải cho tâm thất trái trong kỳ tâm thu. Tim sẽ phải gắng sức ít hơn khi bơm máu đi ra ngoài các động mạch. Và điều này cũng thường làm giảm huyết áp.
- Ức chế men chuyển là loại thuốc giãn mạch được sử dụng rộng rãi nhất cho những bệnh nhân suy tim. Chúng có tác dụng ngăn chặn sự sản xuất angiotensin II vốn cao bất thường ở những bệnh nhân suy tim. Angiotensin II là chất gây co mạch do đó làm tăng tải cho thất trái và gây độc trực tiếp cho thất trái ở liều cao.
- Ức chế men chuyển rất quan trọng vì nó không chỉ cải thiện triệu chứng mà còn được chứng minh là kéo dài tuổi thọ của những người bị suy tim một cách có ý nghĩa do có khả năng làm chậm tiến trình hủy hoại cơ tim và trong một số trường hợp còn có thể cải thiện được chức năng của cơ tim.
- Một số thuốc ức chế men chuyển bao gồm: captopril (Capoten), enalapril (Vasotec), lisinopril (Zestril/Prinivil), benazepril (Lotensin), quinapril (Accupril), fosinopril (Monopril), and ramipril (Altace).
- Chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB - Angiotensin II receptor blocker) có tác dụng ngăn chặn hiệu quả của angiotensin II ở mức mô. Một số loại ARB: candesartan (Atacand), irbesartan (Avapro), olmesartan (Benicar), losartan (Cozaar), valsartan (Diovan), telmisartan (Micardis), và eprosartan (Teveten). Đây là những loại thuốc thường được kê toa cho những người không thể dùng ức chế men chuyển vì những tác dụng phụ của nó. Cả hai loại thuốc trên đều hiệu quả tuy nhiên ức chế men chuyển được sử dụng lâu hơn và có dữ liệu về các cuộc thử nghiệm lâm sàng và thông tin hướng dẫn nhiều hơn.
- Thuốc đối kháng kênh Calci: là loại thuốc giãn mạch không được dùng để điều trị suy tim một mình do những thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng nó không có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Thuốc đối kháng kênh Calci rất hữu ích trong việc hạ áp nếu nguyên nhân gây suy tim là tăng huyết áp và bệnh nhân không đáp ứng điều trị với các thuốc ức chế men chuyển và chẹn thụ thể Angiotensin II.
- Isosorbide dinitrate và hydralazine (BiDil) là dạng kết hợp với liều cố định của 2 loại thuốc: isosorbide dinitrate (20mg/viên) và hydralazine (37.5mg/viên) được chỉ định đối với những người suy tim da đen do ảnh hưởng của kết quả của thử nghiệm lâm sàng về suy tim ở những người Mỹ gốc Phi. Hai thử nghiệm lâm sàng trước đó về suy tim nặng trên dân số chung không tìm thấy ích lợi của thuốc tuy nhiên lại cho gợi ý về ích lợi của thuốc đối với những bệnh nhân da đen. So với nhóm dùng giả dược (placebo), loại thuốc này cho thấy giảm được 43% tỷ lệ tử vong và 39% số người phải nhập viện, ngoài ra nó còn làm giảm triệu chứng suy tim ở những người da đen.
Nitrate: là loại thuốc giãn tĩnh mạch có chứa isosorbide mononitrate (Imdur) và isosorbide dinitrate (Isordil). Nó có tác dụng yếu hơn ức chế men chuyển và chẹn thụ thể A2 và thường được dùng kết hợp với một loại dãn động mạch khác như hydralazine.
Hydralazine (Apresoline): là loại thuốc dãn cơ trơn động mạch đơn thuần có thể dùng điều trị suy tim. Những nghiên cứu gần đây cho thấy hydralazine đặc biệt hiệu quả đối với những người Mỹ gốc Phi, tuy nhiên nó không thể thay thế ức chế men chuyển và chẹn A2 được. Hydralazine đặc biệt có giá trị đối với những bệnh nhân bị suy yếu chức năng thận và/hoặc không dung nạp với ức chế men chuyển và chẹn A2.
Chẹn thụ thể Beta: đây là loại thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp và có tác dụng trực tiếp lên cơ tim để làm giảm tải cho tim. Những loại chẹn beta đặc hiệu như carvedilol (Coreg) và cho tác dụng kéo dài như metoprolol (Toprol XL) cho thấy có khả năng làm giảm triệu chứng, giảm khả năng phải nhập viện do suy tim và giảm tỷ lệ tử vong.
- Thụ thể beta nằm trên cơ tim và trên thành các động mạch. Hệ thần kinh giao cảm sản xuất ra một loại hóa chất có tên là norepinephrine có thể gây hại cho cơ tim nếu tác dụng lâu dài và liều cao.
- Thuốc chẹn beta có tác dụng ngăn chặn tác động của norepinephrine trên cơ tim. Trước đây, các bác sĩ điều trị suy tim cho rằng ngăn tác động của norepinephrine sẽ không có tác dụng tốt và làm cho tình trạng của tim xấu hơn vì norepinephrine là chất kích thích tim đập mạnh hơn. Tuy nhiên, qua các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh được rằng thuốc chẹn beta có thể cải thiện dần chức năng tâm thu của thất trái do đó cũng sẽ cải thiện triệu chứng và kéo dài cuộc sống.
- Nền tảng của phương pháp điều trị hiện đại đối với suy tim tâm thu là kết hợp ức chế men chuyển với chẹn beta. Nếu có thể, tất cả các bệnh nhân nên được cho uống cả 2 loại thuốc để cải thiện chức năng thất trái và kéo dài cuộc sống.
Natriuretic peptide: Nesiritide (Natrecor) hoặc B-type natriuretic-peptide (BNP) là một loại thuốc mới được tạo ra bằng kỹ thuật tái tổ hợp DNA. BNP bình thường được cơ tim sản xuất ra. Khi tâm thất trái và/hoặc thất phải phải làm việc quá mức, một lượng BNP lớn sẽ được tiết vào máu.
- Người ta vẫn không biết vì sao khi đưa thêm một lượng BNP vào cơ thể lại có thể cải thiện tình hình vì vốn dĩ lượng BNP được cơ thể sản xuất một cách tự nhiên đã tăng khi bệnh nhân bị suy tim rồi. Tuy nhiên, khi tiêm mạch thêm một lượng BNP sẽ làm hạ áp xuất trong phổi xuống và nó cũng có chức năng lợi tiểu nhẹ, do đó nước trong phổi sẽ được thải ra qua thận làm giảm xung huyết phổi.
- Nesiritide được tiêm vào trong tĩnh mạch để giúp ổn định tình trạng những bệnh nhân suy tim đột ngột trở nặng. Chúng được dùng trong các phòng cấp cứu để có thể ổn định tình trạng bệnh nhân một cách nhanh chóng hơn. Thậm chí một số bệnh nhân sau đó cũng không cần phải nhập viện.
Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ bao gồm những điều sau:
- Những loại thuốc khác chưa kể ở trên được kê toa tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc tình trạng của bệnh nhân.
- Theo dõi cân nặng hằng này và báo cho bác sĩ khi tái khám.
- Do bệnh nhân suy tim sẽ phải uống nhiều thuốc nên rất có khả năng sẽ gây ra những tương tác thuốc. Những loại thuốc điều trị những bệnh khác có thể tương tác với thuốc suy tim. Do đó, bệnh nhân sẽ luôn được khuyên là hãy mang theo danh sách tất cả những loại thuốc mà mình đang dùng hiện thời và những thuốc hỗ trợ và không kê toa khác mỗi khi đi khám bệnh. Lưu ý là có thể có nhiều loại thuốc có dạng kết hợp dưới những cái tên thương mại khác nhau.
- Nhận thuốc trực tiếp từ bác sĩ, nếu bác sĩ không hướng dẫn cách uống thì bạn nên hỏi ông/bà ta.
- Tuân theo những lời khuyên của các bác sĩ về chế độ ăn kiêng, tập thể dục và những thay đổi lối sống khác.
- Chắc chắn rằng mình được thông tin đầy đủ về thuốc đang uống.
- Lập kế hoạch với bác sĩ và gia đình về những gì nên làm nếu như các triệu chứng của bạn trở nặng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể giải quyết được một số nguyên nhân gây suy tim, chẳng hạn như bít tắc động mạch vành, bệnh van tim, dị tật tim bẩm sinh hoặc dày màng ngoài tim. Tuy nhiên, một khi khả năng bơm của tim bị tổn hại nặng nề, kéo dài và không thể hồi phục thì không phẫu thuật nào có thể giải quyết được. Phương pháp thay thế duy nhất là ghép tim. Đây là lựa chọn dành cho những bệnh nhân không lớn tuổi và không bị những bệnh khác có thể làm cho việc cấy ghép thất bại. Việc đánh giá có thể được thực hiện ở một trung tâm chuyên ngành.
- Một cái bơm bằng bóng được đặt vào bên trong động mạch chủ để hỗ trợ tạm thời cho thất trái, chẳng hạn như trong trường hợp bị nhồi máu, bơm sẽ hỗ trợ để cho tim có thời gian phục hồi.
- Thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD - Left ventricle assist device) là phẫu thuật cấy ghép để bắt cầu qua thất trái. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy biến chứng của phẫu thuật này quá cao và thiết bị không kéo dài đời sống một cách có ý nghĩa nếu được sử dụng trong một thời gian dài. Do đó, nó được dùng để hỗ trợ tạm thời cho thất trai trong lúc chờ ghép tim để giúp cho bệnh nhân có thể khỏi phải nằm trên giường.
- Phẫu thuật giảm thể tích thất trái để loại bỏ một phần của cơ tim bị chết và hiện tại đang trong quá trình thử nghiệm.
- Ghép tim nhân tạo hoàn toàn đối với những bệnh nhân bị suy tim nặng, giai đoạn cuối.
- Thiết bị này được dùng nhiều nhất để làm cầu nối tạm thời cho tim trong khi chờ đợi ghép tim.
- Kỹ thuật này hiện đang được phát triển tuy nhiên nó vẫn chỉ giới hạn ở những trung tâm chuyên ngành lớn và đang trong quá trình xem xét thử nghiệm.
Các biện pháp khác
Một phương pháp mới đang được phát triển nhanh chóng là liệu pháp tái tổ chức tim bao gồm máy tạo nhịp thất đôi.
- Một máy tạo nhịp được gắn ở tĩnh mạch vành phía sau tim, nằm trên thất trái. Một máy khác được đặt ở thất phải như thường lệ. Phương pháp này làm tăng sự phối hợp trong hoạt động co bóp giữa thất trái và thất phải, đặc biệt là khi bệnh nhân bị block nhánh trái.
- Máy tạo nhịp thất đôi đã được chứng minh là có thể cải thiện khả năng gắng sức của bệnh nhân và trong một thử nghiệm lâm sàng gần đây, nó cũng được cho thấy là có khả năng kéo dài tuổi thọ nữa.
- Phương pháp tái tổ hợp tim thường kết hợp với thiết bị khử rung gắn trong để shock điện bệnh nhân ra khỏi những loạn nhịp nguy hiểm đến tính mạng như loạn nhịp thất, rung thất. Chức năng thất trái càng có vấn đề thì càng có nhiều khả năng bệnh nhân bị đột tử thứ phát do loạn nhịp tim.
- Người ta vẫn chưa biết được máy tạo nhịp thất đôi có làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ sự hủy hoại của thất trái so với ghép tim hay không.
NHỨNG BƯỚC KẾ TIẾP
Theo dõi
Những bệnh nhân suy tim cần phải đi tái khám thường xuyên để điều chỉnh thuốc và theo dõi tác dụng phụ. Cố gắng sắp xếp lịch tái khám theo lời khuyên của bác sĩ vì suy tim là một bệnh cần phải theo dõi suốt đời. Tự tìm hiểu càng nhiều càng tốt về những dấu hiệu có thể đe dọa tính mạng.
- Tạo nên thói quen uống thuốc đúng hằng ngày và theo lịch.
- Theo dõi cân nặng mỗi ngày. Ghi nhận cân nặng mỗi buổi sáng sau đó đem đến cho bác sĩ xem mỗi khi đi tái khám.
- Nắm giữ danh sách tất cả các thuốc hiện đang dùng bao gồm tên gọi chính xác, liều lượng và tìm hiểu xem tác dụng của nó như thế nào. Mang danh sách này theo mỗi khi đi tái khám để bác sĩ có thể kiểm tra lại xem bạn có sử dụng đúng thuốc và đúng liều không.
- Chắc chắn giữ tất cả các loại thuốc tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Nhiều loại thuốc được kê toa cho bệnh nhân suy tim nguy hiểm hơn rất nhiều so với các loại thuốc khác nếu sử dụng quá liều.
Phòng ngừa
Suy tim có thể là kết quả cuối cùng của rất nhiều bệnh hoặc lối sống có thể làm tổn thương tim. Một số bệnh có thể phòng ngừa được. Một số bệnh không thể phòng ngừa nhưng có thể điều trị hết.
Một số ví dụ về bệnh và các sống có thể dẫn đến suy tim là:
- Bệnh mạch vành có bao gồm cả nhồi máu cơ tim.
- Tăng huyết áp không kiểm soát.
- Tăng cholesterol không kiểm soát.
- Đái tháo đường
- Bệnh tim bẩm sinh
- Nhiễm trùng (đặc biệt có một số virus thường gặp đôi khi lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên tim và không thể đoán trước và dự phòng được một cách hiệu quả).
- Tổn thương van tim (có thể là do dùng ma túy đường chích).
- Nghiện rượu
- Hút thuốc
Đối với một số trường hợp, có thể có tiền sử gia đình về suy tim. Nhiều trường hợp là sự kết hợp của nhiều yếu tố, và cũng có một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Nếu bạn bị suy tim, bạn cũng bị gia tăng nguy cơ bị viêm phổi. Do đó bạn nên chích vaccine ngừa viêm phổi và ngừa cúm hằng năm. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để chắc chắn hơn.
Tiên lượng
Suy tim là một vấn đề sức khỏe thường gặp. Hiện nay, số người sống qua khỏi những cơn nhồi máu và những bệnh về tim khác ngày càng tăng. Do đó họ có thể sống thêm nhiều năm nữa với chất lượng sống không đổi nhưng cuối cùng vẫn sẽ dẫn đến hậu quả là suy tim.
Trong những năm gần đây, những loại thuốc cho hiệu quả cao hơn đã được phát triển để cải thiện tiên lượng của bệnh nhân. Thuốc là nhân tố chính trong liệu pháp điều trị suy tim.
- Những phương pháp điều trị mới giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Kết quả đã được chứng minh bởi những thử nghiệm lâm sàng trong đó những người tình nguyện tham gia được cho thử phương pháp mới theo những quy tắc đạo đức nghiêm ngặt và được theo dõi một cách có khoa học.
- Máy tạo nhịp và máy khử rung đã được cải tiến và hiện nay đã cho khả năng kiểm soát những rối loạn nhịp hiếm gặp như có khả năng đe dọa tính mạng ở một số người.
Theo emedicinehealth - Y học NET dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net