SA THÀNH TRƯỚC TRỰC TRÀNG (rectocele) (STTTT):
là một chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ, do thoát vị của thành trước trực tràng qua vách ngăn âm đạo - trực tràng.
Các yếu tố nguy cơ:
đẻ nhiều lần;
rạch tầng sinh môn khi thai to;
mãn kinh;
táo bón mãn tính,…
Triệu chứng:
STTTT thể hiện triệu chứng dưới nhiều dạng bệnh lý:
có thể là triệu chứng ở cơ quan sinh dục như có một khối giả u ở âm đạo phối hợp với hiện tượng sa cơ quan niệu-sinh dục, hoặc triệu chứng về tiêu hoá dưới dạng táo bón, khó đi ngoài.
Ba triệu chứng điển hình nhất mà bệnh nhân thường kể cho người thầy thuốc là: táo bón, bệnh nhân rất khó rặn để tống cục phân qua hậu môn khi đi ngoài;
cảm giác đi ngoài không hết phân;
sờ thấy một khối đẩy lồi vào âm đạo từ thành sau trực tràng khi rặn, phải dùng ngón tay nắn bóp và đẩy tống cục phân qua lỗ hậu môn.
Các thăm khám cận lâm sàng cần thiết khác để đánh giá hình thái và chức năng tầng sinh môn, trực tràng - hậu môn, hệ tiết niệu (ghi hình khi đại tiện - défécographie, đo áp lực hậu môn trực tràng - manométrie anorectale và niệu động học - urodynamique).
STTTT chia 3 mức:
1/3 trên do sự yếu của đoạn trên thành âm đạo;
1/3 giữa thường gặp nhất và thường phối hợp với sự suy yếu của các tổ chức nâng đỡ sàn chậu;
1/3 dưới thường do chấn thương sản khoa.
Điều trị:
khi không có triệu chứng, không cần can thiệp ngoại khoa. Thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ, làm phân mềm, uống thuốc chống táo bón.
Chỉ phẫu thuật khi bệnh nhân có triệu chứng, thường túi sa lớn hơn 3 cm và sau khi điều trị bằng các phương pháp bảo tồn không kết quả (chống táo bón, thuốc, luyện tập…).
Sửa chữa STTTT thường được thực hiện qua đường dưới: hoặc qua đường hậu môn, hoặc qua đường tầng sinh môn - âm đạo (tạo hình vách trực tràng âm đạo cho vững chắc bằng kỹ thuật khâu gấp nếp hay đặt một tấm prolene tại vách trực tràng âm đạo).
Đường mở bụng chỉ được áp dụng khi cần có các phẫu thuật phối hợp ở cơ quan tiết niệu hoặc sinh dục. Kết quả sau phẫu thuật tốt nếu chỉ định đúng và thực hiện kỹ thuật chuẩn mực.
theo Tổng Hội Y Học VN