Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

NHIỄM NẤM CANDIDA ABICAN ÂM ĐẠO

NHIỄM NẤM CANDIDA ĐƯỜNG SINH DỤC

1. Đại cương.

Là bệnh thường gặp, so với các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thì bệnh chiếm tỉ lệ cao hơn lậu, chlamydia, trùng roi sinh dục …

Các yếu tố thuận lợi phát bệnh là: hoạt động tình dục, độ pH âm đạo, sử dụng kháng sinh và corticoid toàn thân hay tại chỗ kéo dài, mắc bệnh đái đường, có thai, dùng thuốc tránh thai…

Nấm có thể xâm nhập vào cơ thể qua quan hệ tình dục, do làm các thủ thuật y tế không tiệt trùng, do tắm nước ao hồ nhiễm nấm, dùng chung đồ lót với người mắc bệnh, làm việc trong môi trường ẩm ướt…

Người mắc bệnh tái phát nhiều lần, không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách bệnh có thể đưa đến những biến chứng nghiêm trọng và làm cho điều trị càng khó khăn hơn khi gặp tình trạng kháng thuốc.

2. Dich tễ học.

Bệnh được viết trong y văn từ thời Hypocrate và Galen. Năm 1792, Frank mô tả lâm sàng căn bệnh này. Năm 1894, Wilkinson xác định các triệu chứng lâm sàng của bệnh liên quan với căn nguyên là nấm.

Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện ở các phòng khám STIs, kế hoạch hoá gia đình, phòng khám sức khoẻ tình dục… gần đây cho thấy tỉ lệ nhiễm nấm sinh dục ở nữ5-15% tuỳ thuộc vào quần thể nghiên cứu.

Theo Klein Catherine (2002) thì có khoảng 70-75% phụ nữ nhiễm nấm sinh dục ít nhất 1 lần trong đời, trong số đó có 40-50% trường hợp tái phát.

Ở Anh , dữ liệu thống kê dịch tễ từnăm1976-1984, cho thấy tỉ lệ nhiễm nấm sinh dục nữlà 118-200/ 100.000.

Ở Mỹ , dữ liệu từ năm 1979-1981 cho thấy,nấm sinh dục là căn nguyên thứ hai gây nhiễm trùng âm đạo theo sau bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn (BV). Năm 1990 có khoảng 13 triệu người Mỹ bị nhiễm nấm sinh dục được công bố trong y văn.

Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 20-55% phụ nữ khoẻ mạnh nhiễm nấm sinh dục không có triệu chứng. Trong số những người có triệu chứng tiết dịch âm đạo được phân lập chẩn đoán xác định nấm chiếm 29,8%.

Ở Việt nam, theo Nguyễn Thị Đào (1987) tỉ lệ nhiễm nấm sinh dục ở người khoẻ mạnh là 25-30%, ở phụ nữ có thai tỉ lệ đó là 30-50%.

Theo báo cáo của Bệnh viện Daliễu Tp. HCM (1995), tỉ lệ nhiễm nấm C.albican âm đạo là 30%.

Theo tác giả Dương Thị Cương (1999), tỉ lệ nhiễm nấm âm đạo từ22-26% trong các trường hợp đến khám phụ khoa tại Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Trần Thị Phương Mai và Phan Kim Anh (2001), tỉ lệ nhiễm nấm âm đạo chiếm 11,1% trong số các trường hợp đến khám phụ khoa tại Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Huyền (2002), tỉ lệ nhiễm nấm âm đạo chiếm 24,4% trong số các trường hợp có hội chứng tiết dịch âm đạo đến khám tại Viện Da liễu Việt nam. Tương tự, nghiên cứu của Đỗ Thị Hằng (2003), cũng tại Viện Da liễu Việt nam, tỉ lệ đó là 28,3%.

3. Đặc điểm sinh vật học.

3.1. Đặc điểm của nấm Candida.

Tồn tại ở trạng thái đơn bào, hay gặp là hình tròn, hình trái xoan., kích thước gấp 10 lần vi khuẩn.

Sinh sản vô tính theo kiểu nảy chồi.

Khả năng thích nghi với môi trường đường cao.

Tồn tại trong thiên nhiên, trong các môi trường chứa đường như hoa quả, rau dưa, mật mía…

Có nhiều chủng Candida , trong đó Candida gây bệnh như: C. albicans, C.glabrata, C.tropicalis…;Ít gây bệnh hơn là các chủng như: C.krusei, C.parapsilosis, C.stellatoidea…

Có khoảng 80-90% các chủng phân lập được trong âm đạo là C.albican. C.glabrata (Torulopsis glabrata) về mặt lâm sàng gây bệnh giống nhưC.albican nhưng thường đề kháng với điều trị.

3.2. Tính chất gây bệnh.

Bình thường có thể tìm thấy Candida ký sinh trong họng, đường tiêu hoá, âm đạo, da mà không gây bệnh, chúng sống cộng sinh và cân bằng trong vi hệ bình thường.

Sự phát triển và gây bệnh của chúng chịu sự kiềm chế của các vi khuẩn sống trong vi hệ. Chúng trở nên gây bệnh khi điều kiện thuận lợi, giảm sức đề kháng (do nhiều căn nguyên), mất cân bằng trong vi hệ và do một số yếu tố thuận lợi khác.

Các loài Candida tồn tại được trong môi trường âm đạo, đầu tiên chúng phải bám dính được vào tế bào biểu mô âm đạo, sau đó xâm nhập vào tế bào biểu mô nhờ men gây phân huỷ protein đặc hiệu do Candida tiết ra.C.albican có khả năng bám dính và xâm nhập vào tế bào biểu mô âm đạo cao hơn loài C.tropicalis, C.krusei và C. keyfer. Điều này giải thích lý do vì sao nhiễm Candida âm đạo chủ yếu do loài C.albican.

Candida có thể gây bệnh ở nhiều tổ chức, cơ quan nông (da, niêm mạc) và sâu (hệ thống).

4. Lâm sàng.

4.1. Ở nam giới:thời kỳ ủ bệnh thường khó xác định.

4.1.1. Viêm quy đầu và rãnh quy đầu do Candida.

Hay gặp ở người bệnh đái đường.

Thường có quan hệ với phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo.

Thương tổn lâm sàng là một hay nhiều vết trợt ở quy đầu và da bao quy đầu. Vết trợt là đám hình tròn, màu đỏ tươi, giới hạn rõ, xung quanh có bờ.

Ngứa, có khi ngứa dữ dội.

4.1.2. Viêm niệu đạo do Candida.

Viêm niệu đạo cấp do Candida triệu chứng lâm sàng giống như lậu cấp ít gặp.

Biểu hiên lâm sàng là đái rắt, đái buốt, có khi đái ra máu, niệu đạo xuất tiết nhiều dịch mủ trắng đục giống lậu.Đái rắt thường kèm theo đau ở phần cuối.

Thông thường là viêm niệu đạo bán cấp. Người bệnh có cảm giác nóng bỏng dọc niệu đạo. Ngứa ở miệng sáo, nước tiểu có ít sợi bông, nhất là ở cốc đầu nếu làm nghiệm pháp 2 cốc.

Thăm khám tiền liệt tuyến thấy tiền liệt tuyến nhạy cảm.

Trường hợp đặc biệt có thể lan đến cả tuyến tiền liệt, túi tinh, mào tinh hoàn làm cho hình ảnh lâm sàng thêm phức tạp.

4.2. Ở nữ giới:

Viêm âm hộ, âm đạo do Candida.

Cơ năng.

Ngứa thường là triệu chứng nổi bật, ngứa dữ dội, cảm giác rát bỏng vùng âm hộ, âm đạo và nhất là trước khi hành kinh.

Đau khi giao hợp.

Đái buốt hiếm gặp

Thực thể:Khám từ ngoài vào trong thấy có những triệu chứng như:

Âm hộ :

Đỏ phù toàn bộ hoặc từng đám, bờ giới hạn rõ,

Môi lớn đỏ, rãnh giữa môi lớn, môi bé phủ dịch tiết trắng đục. Làm kỹ thuật lau sạch dịch tiết thấy niêm mạc màu đỏ sẫm, bóng, bờ không đều nham nhở, bên ngoài có một viền vảy đỏ.

Âm đạo:

Thành – niêm mạcâm đạo: phù nề và có màu đỏ tươi

Có dịch màu kem dính vào thành âm đạo,có khi không thấy rõ do xuất tiếtnhiều dịch, có khi lẫn mủ, nhưng triệu chứng thường gặp hơn là dịch âm đạo trắng đục và lổn nhổnnhư váng sữa. Cùng đồ sau dịch thường đọng lại giống như cặn sữa.

Đo pH dịch âm đạo thường dưới 4,5.

Mùi dịch bình thường, nghiệm pháp Sniff không có mùi cá ươn.

Cổ tử cung

Phù nề, có thể trợt loét, có khi lộ tuyến.

Thường thì cổ tử cungphủ một lớp màng trắng như màng giả lấy ra dễ dàng.

5. Chẩn đoán: Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng

Lâm sàng: ngứa và dịch âm đạo váng sữa, viêm đỏ âm đạo,âm hộ.

Cận lâm sàng: soi tươi và nhuộm Gram thấy có tế bào nấm hình quả xoan, hình con lật đật, hình giả sợi.

Nuôi cấy nhằm để phân lập chủng nấm, làm kháng đồ nhằm giúp cho việc chẩn đoán và điều trị có kết quả cao nhất.

6. Điều trị:

Loại bỏ các yếu tố thuận lợi.

6.1. Thuốc điều trị và phác đồ.

Họ

Tên khoa học

Dạng trình bày

Liều dùng

Imidazoles

Butoconazole

(Femstat)

Cream 2%

5 gamx 3 ngày

Clotrimazole

(gynelotromin, Mycelex)

Cream 1%

Cream 10%

Viên đặt 100mg

Viên đặt 500mg

5gam x 7-10 ngày

5 gam liều duy nhất

1 viên x 7 ngày

1 viên liều duy nhất

Miconazole

(Monistat)

Cream 2%

Viên đặt 100mg

Viên đặt 1200 mg

5 gam x 7 ngày

1 viên x 7 ngày

1 viên liều duy nhất

Econazole

Viên đặt 150 mg

1 viên x 3 ngày

Fenticonazole

Cream 2%

5gam x 7ngày

Tioconazole

(vagistat)

Cream 2%

Cream 6,5%

5 gamx 3 ngày

5 gam liều duy nhất

Terconazole

(terazol)

Cream 0,4%

Cream 0,8%

Viên đặt 80mg

5 gam x 7 ngày

5 gam x 3 ngày

1 viên x 3 ngày

Fluconazole

(Diflucan)

Viên uống 150 mg

1 viên liều duy nhất

Ketoconazole

(Nizoral )

Viên uống 200mg

2 viên x 5 ngày

Itraconazole

(sporonox)

Viên uống 100 mg

2 viên x 3 ngày

6.2. Phác đồ cho những trường hợp tái phát:

Clotrimazole 500mg x 1 viên liều duy nhất trong tuần

Fluconazole 150mg x 1 viên liều duy nhất trong tuần

Itraconazole 100mg x uống 2 lần/ngày, liều hàng tuần cho đến khi có hiệu quả.

6.3. Test kiểm tra: cần kiểm tra lại sau khi kết thúc liệu trình điều trị, sau 15 ngày, sau 3 tháng hoặc sau khi có quan hệ tình dục trở lại.

Đối với nam giới dùng Nitrate bạc 1% nhỏ hai giọt vào niệu đạo, sau 48 giờ nhỏ lại lần hai và lấy dịch ở niệu đạo soi tươi và nuôi cấy tìm nấm.

Đối với nữ giới dùng Nitrate bạc 2% bôi vào âm đạo, cổ tử cung, làm hai lần cách nhau 48 giờ, sau đó lấy bệnh phẩm soi tươi và nuôi cấy lại.

Tài liệu tham khảo:

1. Jack D. Sobel, Vulvovaginal candidiasis, Sexually transmitted disease, thir edi.pp 629.

2. Nguyễn Thị Đào (1987), Tình hình các bệnh nấm và các chủng nấm gây bệnh ở miền Bắc Việt nam (1972-1983), Tóm tắt công trình nghiên cứu khoa học chọn lọc ngành da liễu 1987.

3. Dương Thị Cương (1999), Tổn thương bệnh thường gặp ở cổ tử cung, Nhà xuất bản y học Hà nội.

4. Nguyễn Đình Lập và cộng sự (1995), Báo cáo của Bệnh viện Da liễu tp HCM, Điều trị nấm Candida albican âm đạo bằng Itraconazole đường uống.

5. TrầnThị Phương Mai và cộng sự (2001), Tần suất các nhiễm khuẩn sinh dục dưới ở phụ nữ đến khám tại một số phòng khám BVBMTE/KHHGĐ ở Hà nội, Tạp chí y học thực hành số 9 (402)

6. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2002), Tình hình, nguyên nhân và đặc điểm lâm sànghội chứng tiết dịch đường sinh dục dưới ở phụ nữ đến khám tại Viện Daliễu. Luận văn thạc sỹ y học.

7. Đỗ Thị Hằng (2003), Đặc điểm lâm sàngnhiễm nấm Candida âm đạo và bước đầu xác định độ nhạy cảm của các chủng nấm với kháng sinh chống nấm bằng Fungitest tại Viện Daliễu. Luận văn tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa cấp II.

Ths. Nguyễn Thị Thời Loan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases