Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

TÌM HIỂU VỀ BỆNH THIẾU MÁU

description

1.Định nghĩa:

Thiếu máu là hiện tư­ợng giảm lượng huyết sắc tố (Hemoglobin,Hb) và số lượng hồng cầu (Erythrocyte hay Red bloob cells,RBC) trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, trong đó giảm huyết sắc tố có ý nghĩa quan trọng nhất. Ở đây không đề cập đến tình trạng mất máu cấp do thoát mạch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa: thiếu máu xẩy ra khi mức độ huyết sắc tố lưu hành của một người nào đó thấp hơn mức độ của một người khoẻ mạnh cùng giới, cùng tuổi, cùng một môi trường sống.

Bởi vậy, thực chất thiếu máu là sự thiếu hụt lượng huyết sắc tố trong máu lưu hành. Số lượng hồng cầu và hematocrit là một chỉ số phản ánh không trung thành của thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố trung bình của mỗi hồng cầu, thể tích trung bình của hồng cầu dễ thay đổi theo tính chất thiếu máu và do những tác động của những yếu tố khác, ví dụ: tình trạng cô đặc máu (trong mất nước do tiêu chảy, nôn ói, bỏng), hoặc máu bị pha loãng do truyền dich...

Thiếu máu là một hội chứng hay gặp trong nhiều bệnh, nhất là các bệnh về máu. Chẩn đoán hội chứng thiếu máu, phân loại và tìm nguyên nhân phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, như­ng chủ yếu và quyết định phải dựa vào các xét nghiệm.

2.Một số đặc điểm về sinh lý hồng cầu và huyết sắc tố:

description

-Hồng cầu là những tế bào không nhân,ưa acid, xem tươi nh­ư những chiếc đĩa lõm hai mặt, màu vàng rạ. Trên phiến kính nhuộm giemsa thấy hồng cầu hình tròn, màu hồng, ở giữa nhạt hơn.
Kích thư­ớc: đ­ường kính 7-7,5 micromet , dày 2,3 micromet.
-Thể tích 90-100 m3.
-Đời sống trung bình: 100-120 ngày.

-Số lượng trung bình là: từ 3,5 đến 4 triệu / 1mm3 (tùy theo giới và độ cao nơi sinh sống).
-Nơi sinh sản: tủy xư­ơng.
-Nơi phân hủy: hồng cầu già bị phân hủy chủ yếu tại lách, tủy xư­ơng, gan. -Hàng ngày có khoảng 0,85-1% tổng số hồng cầu (già) bị phân hủy (huyết tán sinh lý) và một tỷ lệ t­ương tự hồng cầu trẻ đ­ược sinh ra để thay thế.
-Nhiệm vụ cơ bản của hồng cầu là vận chuyển oxy tới các tổ chức thông qua vai trò của huyết sắc tố chứa trong hồng cầu.
-Huyết sắc tố đ­ược cấu tạo bởi heme có chứa sắt và 4 chuỗi globine giống nhau từng đôi một (2 chuỗi alpha và 2 chuỗi beta). Tính chất hoá học chủ yếu của nó là có khả năng kết hợp hai chiều với phân tử oxy, vì thế nó đóng vai trò vận chuyển oxy tới các mô của các tổ chức.

-Sự tổng hợp nên Globin trong huyết cầu tố cần phải có Protein,vitamin B12,vá acid Folic.Cấu tạo của Heme lại cần vitamin B6 và sắt,vì thế thiếu một trong những chất trên sẽ là nguyên nhân thiếu máu.

description

3.Các nguyên nhân gây thiếu máu:

Có rất nhiều nguyên nhân tạo gây thiếu máu

a.thiếu máu dinh dưỡng:
- Thiếu máu do thiếu chất sắt: chiếm đến 25-35% các trường hợp thiếu máu, xảy ra trong những trường hợp mất máu lâu ngày, như phụ nữ ra máu nhiều khi có kinh; ung thư ruột già, nhiễm giun móc,loét dạ dày…làm cho máu chảy rỉ rả ngày này sang ngày khác (mất máu vi thể), dù mắt ta không nhìn thấy...

- Thiếu máu thiếu vitamin: chiếm 5-10% . Ngoài sắt, cơ thể còn cần có folate và vitamin B-12 để sản xuất đủ lượng tế bào hồng cầu bình thường. Chế độ ăn thiếu những chất trên và các chất dinh dưỡng chính yếu có thể làm giảm sản xuất hồng cầu. Ngoài ra, một số người còn không thể hấp thu hiệu quả được B-12.

b.Thiếu máu do bệnh mạn tính : cũng chiếm 25-35% các trường hợp thiếu máu,.Một số bệnh mạn tính như ung thư, HIV/AIDS, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn,bệnh lý gan,bệnh lý thân và những bệnh viêm mạn tính khác có thể ngăn chặn quá trình sản xuất hồng cầu của cơ thể dẫn đến thiếu máu mạn tính. Suy thận cũng có thể gây thiếu máu.

c.Thiếu máu do bất sản: Dạng thiếu máu này rất hiếm gặp và có thể đe dọa mạng sống,như suy tủy. Nguyên nhân của nó là do giảm khả năng sản xuất cả 3 loại tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu) của tủy xương. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây thiếu máu bất sản không được phát hiện ra nhưng người ta tin rằng nó thường là bệnh tự miễn.

d.Thiếu máu liên quan đến bệnh tủy xương: Chiếm 5-10% các trường hợp thiếu máu. Nhiều loại bệnh khác nhau như bệnh bạch cầu và loạn sản tủy, một tình trạng tiền bệnh bạch cầu, có thể gây thiếu máu do ảnh hưởng đến sự sản xuất máu trong tủy xương. Những loại ung thư và những bệnh tương tự ung thư này có thể gây ra những ảnh hưởng từ thay đổi nhẹ sự sản xuất máu đến ngừng hoàn toàn quá trình tạo máu có thể gây nguy hiểm đến mạng sống. Những loại ung thư máu hoặc tủy xương khác như đa u tủy, rối loạn tăng sinh tủy xương và lymphoma đều có thể gây thiếu máu.

e.Thiếu máu tán huyết:chiếm(hemolytic anemia, các hồng huyết cầu bị phá hủy): Chiếm 15% các trường hợp thiếu máu. Loại thiếu máu này xảy ra khi các hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn tốc độ sản xuất hồng cầu để thay thế của tủy xương. Một số loại bệnh về máu có thể làm tăng phá hủy hồng cầu. Những bệnh tự miễn có thể làm cơ thể sản xuất những kháng thể chống lại hồng cầu, tiêu diệt chúng trước khi trưởng thành. Một số thuốc, chẳng hạn như một số loại kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng, có thể phá vỡ các tế bào hồng cầu.

f.Thiếu máu tế bào hình liềm: Đây là dạng thiếu máu do di truyền, đôi khi có thể nặng nề, thường gặp hơn ở những người châu Phi, Ả Rập và vùng Địa Trung Hải. Nguyên nhân là do khiếm khuyết hình dạng của hemoglobin làm hồng cầu có hình dạng lưỡi liềm. Những hồng cầu có hình dạng bất thường này sẽ chết trước khi trưởng thành dẫn đến thiếu hồng cầu mạn tính.

g.Những dạng thiếu máu khác: Có một số dạng thiếu máu khác hiếm gặp hơn như thalassemia và những dạng thiếu máu gây ra do khiếm khuyết hemoglobin.

Đôi khi không phát hiện ra được nguyên nhân gây thiếu máu.

4.những yếu tố nguy cơ gây thiêu máu:

Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị thiếu máu bao gồm:

  • Bữa ăn nghèo dinh dưỡng. Bất kỳ ai, dù già hay trẻ, thường xuyên có chế độ ăn ít chất sắt và vitamin, đặc biệt là folate đều có nguy cơ bị thiếu máu. Cơ thể cần sắt, protein và các vitamin để sản xuất hồng cầu đầy đủ.
  • Những bệnh đường ruột. Bị bệnh đường ruột có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột non - ví dụ như bệnh Crohn và bệnh tiêu chảy phân mỡ - có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu. Phẫu thuật cắt bỏ hoặc thực hiện phẫu thuật trên những đoạn ruột non là nơi các chất dinh dưỡng được hấp thu có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng và thiếu máu.
  • Kinh nguyệt. Thông thường, phụ nữ có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt cao hơn nam giới do họ bị mất máu cùng với sắt mỗi tháng trong khi hành kinh.
  • Thai kỳ. Nếu bạn có thai, bạn cũng bị gia tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt do chất sắt dự trữ trong cơ thể bạn được dùng để tăng thể tích máu đồng thời cũng là nguồn cung cấp hemoglobin cho cái thai đang lớn bên trong bụng.
  • Những bệnh mạn tính. Chẳng hạn như nếu bạn bị ung thư, suy thận hoặc suy gan, hoặc những bệnh mạn tính khác, bạn cũng có nguy cơ thiếu máu. Những bệnh này có thể dẫn đến thiếu hồng cầu. Mất máu chậm, mạn tính do các vết loét hoặc những nguồn khác bên trong cơ thể có thể làm giảm dữ trữ sắt của cơ thể dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.
  • Tiền sử gia đình. Nếu gia đình bạn có người bị những bệnh thiếu máu do di truyền chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm, bạn cũng có thể tăng nguy cơ bị thiếu máu.

Những yếu tố khác

Một số bệnh nhiễm trùng, bệnh về máu và những rối loạn tự miễn, tiếp xúc với độc chất, và sử dụng một số loại thuốc có khả năng ảnh hưởng đến sự sản xuất hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.

Nhóm người có nguy cơ bị thiếu máu còn lại là những người bị đái tháo đường, những người nghiện rượu (cồn trong rượu có thể gây cản trở hấp thu chất dinh dưỡng) và những người ăn chay trường nên có thể không được cung cấp đủ sắt hoặc vitamin B12 trong bữa ăn.

5.Dấu hiệu để nhận biết thiếu máu:

5.1. Triệu chứng cơ năng:
+ Ù tai, hoa mắt, chóng mặt thư­ờng xuyên hay khi thay đổi t­ư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm nhất là khi thiếu máu nhiều.
+ Nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình (hay cáu gắt), tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay.
+ Hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trư­ớc tim do thiếu máu cơ tim
(ở những người lớn tuổi hay có bệnh lý tim mạch đi kèm).
+ Chán ăn, đầy bụng, đau bụng, ỉa lỏng hoặc táo bón.

5.2. Triệu chứng thực thể:
+ Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; có thể kèm theo vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; có thể kèm theo xạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hoá sắt. Chú ý khám da ở vị trí da mỏng, trắng nh­ư mặt, lòng bàn tay...khám niêm mạc mắt, môi, l­ưỡi, vòm miệng....màu sắc của niêm mạc phản ánh trung thành hơn màu sắc của da.
+ Lư­ỡi : màu nhợt, có thể nhợt vàng trong
tán huyết, bự bẩn trong thiếu máu do nhiễm khuẩn, l­ưỡi đỏ lừ và dày lên trong thiếu máu Biermer.
Gai lư­ỡi mòn hay mất làm l­ưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng, (thường gặp trong thiếu máu mạn và như­ợc sắc). Ngoài ra cần chú ý các nốt chảy máu ở l­ưỡi trong các bệnh xuất huyết, vết nứt, rộp loét, rách hãm lư­ỡi trong các trường hợp thiếu vitamin (B2, PP...).
+ Tóc rụng, móng tay giòn dễ gẫy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía, bở, dễ gãy, đặc biệt hay gặp trong thiếu máu thiếu sắt mạn tính.
+ Mạch nhanh, tim có tiếng thổi tâm thu thiếu máu, thư­ờng nghe rõ ở giữa tim, có thể nghe thấy ở mỏm tim, là tiếng thổi cơ năng do máu loãng gây ra. Thiếu máu lâu có thể dẫn đến suy tim.

+Một số một số dấu hiệu của các bệnh lý mãn tính gây thiếu máu,như hội chứng thận hư,suy thận mãn,……

6. Những điểm cần lưu ý khi hỏi và khám bệnh nhân có thiếu máu:

Thiếu máu là một hội chứng gặp nhiều trong các bệnh lý nhiễm,nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và chuyên khoa, vì nguyên nhân thiếu máu là rất đa dạng không chỉ gặp trong bệnh lý của máu và cơ quan tạo máu, bởi vậy khi hỏi và khám bệnh nhân bị thiếu máu cần lưu ý mấy điểm sau đây:
* Hỏi bệnh:
+ Nghề nghiệp bệnh nhân: làm ruộng? (dùng phân tươi dễ bị nhiễm giun móc); tiếp xúc các yếu tố độc hại như: benzen, chì, các bức xạ ion hoá (tia X, gama)...
+ Chế độ ăn uống.
+ Những hoá chất, thuốc đã sử dụng?: clorocid, các thuốc chống ung thư...
+ Gia đình có ai mắc bệnh tương tự hay không?
+ Các bệnh lý đã mắc: bệnh thận, các bệnh gây tình trạng chảy máu, dạ dày- tá tràng, các bệnh phụ khoa...
* Khám bệnh cần lưu ý:
Khám một cách toàn diện có hệ thống đối với tất cả các cơ quan, nhưng đặc biệt lưu ý tới:
+ Cơ quan tạo máu.
+ Gan, lách (hay gặp thiếu máu do cường lách hoặc huyết tán).
+ Bệnh lý của thận.
+ Bệnh lý dạ dày- tá tràng (liên quan đến tình trạng chảy máu).
+ Bệnh lý phụ khoa (liên quan đến tình trạng mất máu do kinh nguyệt kéo dài)...
Tóm lại: hội chứng thiếu máu bao gồm nhiều triệu chứng lâm sàng chủ yếu do thiếu oxy tổ chức gây nên. Muốn điều trị khỏi thiếu máu phải xác định được cơ chế và nguyên nhân của nó bằng nhiều thử nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp.

7.Cận lâm sàng chẩn đoán thiếu máu:

Công thức máu :

Xét nghiệm máu này đo nồng độ các tế bào bào hồng cầu hiện diện trong máu hematocrit (Hct) và nồng độ hemoglobin (Hb) trong máu. Giá trị hematocrit bình thường ở người trưởng thành nằm trong khoảng từ 32 đến 43%. Giá trị hemoglobin bình thường ở người trưởng thành thường nằm trong khoảng từ 12 đến 15g/dL.

Khảo sát hồng cầu:

Một số tế bào hồng cầu cũng có thể được khảo sát dưới kính hiển vi để biết được kích thước, hình dạng và màu sắc của chúng. Nhờ vậy có thể xác định được chẩn đoán. Chẳng hạn như trong thiếu máu thiếu sắt, các tế bào hồng cầu sẽ nhỏ hơn và có màu tái hơn bình thường. Trong thiếu máu do thiếu vitamin, hồng cầu sẽ lớn hơn nhưng có số lượng ít hơn.

Những xét nghiệm khác

Nếu đã được chẩn đoán là thiếu máu,có thể cho thực hiện thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Chẳng hạn như thiếu máu thiếu sắt có thể là do tình trạng chảy máu kéo dài từ một vết loét đã được biết hoặc chưa, từ polyp lành tính ở đại tràng, ung thư đại tràng, các khối u,thử phân tìm giun móc hoặc suy thận. tùy theo những yếu tố gợi ý nguyên nhân mà có thể khảo sát những tình tràng trên và những tình trạng khác có thể là nguyên nhân gây thiếu máu.

Đôi khi cần phải khảo sát một mẫu tủy xương (làm tủy đồ),nếu có nghi ngờ để chẩn đoán nguyên nhân thiếu máu.

Để chẩn đoán nguyên nhân thiếu máu đôi khi rất dễ dàng nhưng đa số là rất khó và phức tạp.

8.Chẩn đoán nguyên nhân và phân loại thiếu máu:

Có rất nhiều phương pháp sắp xếp các loại nguyên nhân thiếu máu, cho đến nay chưa có cách sắp xếp loại nào hoàn hảo. Dựa vào các kết quả các xét nghiệm đã làm và dựa vào các phần sinh lý, sinh hoá tế bào máu người ta đưa ra hai cách sắp xếp phân loại thiếu máu:

- Dựa vào hình thái.

- Dựa vào nguyên nhân.

1. Dựa vào hình thái, màu sắc hồng cầu.

1.1. Thiếu máu hồng cầu bình thường, huyết cầu tố bình thường (thiếu máu đẳng sắc).

Tất cả mọi tính chất của hồng cầu bình thường, hoặc hơi kém một ít. Chỉ có

số lượng hồng cầu giảm nhiều.

1.2. Thiếu máu hồng cầu to, huyết cầu tố nhiều (thiếu máu đa sắc).

Đặc điểm của loại này là:

- Hồng cầu to (d= 10-12 mm)

- Thể tích hồng cầu tăng nhiều: 110 – 140 mm3

- Giá trị hồng cầu lớn hơn 1.

1.3. Thiếu máu hồng cầu nhỏ và huyết cầu tố ít (thiếu máu nhược nhược sắc).

Đặc điểm:

- Hồng cầu nhỏ (d=5 – 6mm).

- Thể tích hồng cầu bé: 70mm3

- Giá trị hồng cầu bé hơn 1.

2. Theo nguyên nhân.

Cách sắp xếp trên hoàn toàn phù hợp với việc sắp xếp theo nguyên nhân.

2.1. Loại thiếu máu hồng cầu to (thiếu máu đa sắc).

Căn bản loại này là thiếu vitamin B12 hay axit Folic.Trong loại này có:

- Bệnh thiếu máu ác tính Biermer.

- Các bệnh thiếu máu Biermer (para-biermérience) do cắt đoạn dạ dày (mất yếu tố nội tại do vùng đáy dạ dày tiết ra nên có thể không hấp thụ được vitamin B12 là yếu tố ngoại.

- Bệnh Spru: tiêu hoá bị rối loạn, làm cơ thể không hấp thụ được vitamin B12.

2.2. Loại thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc.

Đa số loại này là do thiếu chất sắt. Trong loại này có:

- Mất máu kinh diễn: mỗi ngày mất một ít nhưng rỉ rả nhiều năm như trong trĩ, ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, u xơ tử cung, loét dạ dày tá tràng.

- Các bệnh về dạ dày, ruột. Khả năng hấp thu sắt ở ruột kém.

- Bệnh xanh lướt cũa thiếu nữ. Thường là những thiếu nữ trẻ, nguyên nhân có lẽ do nội tiết.

2.3. Thiếu máu hồng cầu bình thường, đẳng sắc: loại này chia làm ba nhóm:

- Thiếu máu do thiểu năng cơ quan huyết trung ương: bệnh suy tuỷ, xơ tuỷ.

- Thiếu máu do huỷ hoại quá mức hồng cầu của ngoại biên: các bệnh thiếu máu tan máu có thể do tiên thiên hay hậu phát: sốt rét, sốt vàng da có đái ra huyết cầu tố, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, (H2S và chì). Khi có huyết cầu tố bất thường trong máu.

- Thiếu máu do sau khi mất máu cấp.

2.4. Cuối cùng, còn một loại thiếu máu mà nguyên nhân rất khác nhau:

Có mang, bệnh nội tiết như phù niêm, xơ gan, viêm thận mạn tính, hội chứng nhiễm khuẩn, ung thư và các bệnh máu ác tính. Loại thiếu máu này có thể đẳng sắc, ưu sắc, hoặc nhược sắc. Cũng thuộc trong loại này có loại thiếu máu với hồng cầu non: bệnh tăng nguyên hồng cầu (érythroblastose) hoặc cả bạch cầu non: bệnh tăng hồng tuỷ cầu cấp (érythromýelose) hoặc cả bạch cầu non: bệnh tăng hồng tuỷ cầu cấp (érythromyelose aigue).

9.Điều trị thiếu máu:

Điều trị thiếu máu tùy thuộc vào nguyên nhân:

  • Thiếu máu thiếu sắt. Được điều trị bằng cách bổ sung sắt dưới dang Ferrous sulfate 200-300mmg,3 lần trong ngày (dạng viên hoặc nước), trong vòng vài tháng hoặc lâu hơn. Nếu nguyên nhân gây thiếu sắt là mất máu không phải do kinh nguyệt thì nguồn chảy máu phải được xác định và làm ngừng lại. Có thể cần phải phẫu thuật.
  • Thiếu máu do thiếu vitamin. Thiếu máu ác tính có thể được điều trị bằng các tiêm vitamin B12 (thường là suốt đời). Thiếu máu do thiếu acid folic có thể được điều trị bằng cách bổ sung acid folic.
  • Thiếu máu do bệnh mạn tính. Không có cách điều trị đặc hiệu cho loại thiếu máu này mà các bác sĩ sẽ tập trung điều trị bệnh gây ra thiếu máu. Bổ sung sắt và vitamin thường không hữu ích đối với loại thiếu máu này. Tuy nhiên, nếu triệu chứng thiếu máu nặng, có thể cần phải truyền máu hoặc erythropoietin tổng hợp, là một loại hormon được sản xuất tự nhiên ở thận, có thể giúp kích thích sản xuất hồng cầu và làm giảm mệt mỏi.
  • Thiếu máu do bất sản. Điều trị bằng cách truyền máu để tăng lượng hồng cầu. Bạn cũng có thể cần ghép tủy xương nếu tủy xương bị bệnh và không thể tạo ra những tế bào máu khỏe mạnh. Bạn cũng có thể cần sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể giúp cho tủy xương được ghép có thể bắt đầu hoạt động trở lại.
  • Thiếu máu liên quan đến bệnh tủy xương. Cách điều trị những loại bệnh khác nhau này có thể từ những thuốc đơn giản để hóa trị cho đến ghép tủy xương.
  • Thiếu máu tán huyết. Cách điều trị bao gồm tránh những loại thuốc gây tán huyết, điều trị những bệnh nhiễm trùng liên quan và uống những loại thuốc ức chế hệ miễn dịch. Điều trị ngắn hạn với corticoid, thuốc ức chế miễn dịch hoặc gamma globulin có thể giúp ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công các hồng cầu của bệnh nhân. Nếu tình trạng này gây lách to, có thể bạn cần phải cắt lách. Lách là một cơ quan tương đối nhỏ nằm dưới khung sườn phía bên trái có chức năng lọc và chứa những hồng cầu bị khiếm khuyết. Một số loại thiếu máu tán huyết có thể làm lách to với những hồng cầu bị tổn thương. Đôi khi lách cũng góp phần gây thiếu máu tán huyết do loại bỏ quá nhiều hồng cầu. Tùy thuộc vào độ nặng của thiếu máu, có thể cần phải truyền máu hoặc huyết tương tinh chế.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm. Phương pháp điều trị cho loại thiếu máu này có thể bao gồm cung cấp oxy, thuốc giảm đau, dung dịch cho qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch để giảm đau và phòng ngừa biến chứng. Các bác sĩ cũng thường cho truyền máu, bổ sung acid folic và kháng sinh. Ghép tủy xương có thể là cách điều trị hiệu quả trong một số trường hợp. Một loại thuốc trị ung thư có tên là hydroxyurea (Droxia, Hydrea) cũng được dùng để điều trị thiếu máu hồng cầu hình liềm ở người lớn.

10.phòng ngừa thiếu máu:

1- Biện pháp cải thiện chế độ ăn, đa dạng hoá bữa ăn, ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhất là nguồn thức ăn động vật (B12 không có hoặc có rất ít trong thực vật) có nhiều sắt như thịt, gan, trứng, tiết, các chế phẩm từ bơ sửa, thức ăn giàu vitamin C như rau quả.

2- Tăng cường sắt vào thực phẩm: Hiện nay nước ta đang nghiên cứu tăng cường sắt vào thức ăn như bánh bích qui, nước mắm, nhằm đưa một lượng sắt đủ cho nhu cầu qua những thức ăn này .

3- Phối hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, phòng chống nhiễm giun.

4- Bổ sung viên sắt cho các đối tượng có nguy cơ cao

· Phụ nữ lứa tuổi từ 13 trở lên, cần được uống viên sắt dự phòng, mỗi tuần uống một viên để tạo nguồn sắt dự trữ đầy đủ cho cơ thể. Khi có thai cần kết hợp ăn uống tốt với uống viên sắt đều đặn, mỗi ngày một viên (60mg sắt) trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh 1 tháng.

Bổ sung sắt cho trẻ em là rất cần thiết, nhưng cần có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases