Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Sẩy thai

Sẩy thai (hay còn gọi là thai kỳ bị chấm dứt ngoài ý muốn) là tình trạng thai kỳ bị chấm dứt một cách tự động trước khi thai có thể sinh ra và sống được. Bất kỳ hiện tượng chảy máu âm đạo nào xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ mà không có máu cục đều là dấu hiệu gợi ý dọa sẩy thai. Chảy máu âm đạo rất thường gặp trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Cứ khoảng 4 thai phụ thì có 1 người bị chảy máu âm đạo trong những tháng đầu và khoảng một nửa trong số này sẽ ngừng chảy máu và giai đoạn sau của thai kỳ hoàn toàn bình thường.

  • Dọa sẩy thai – Hiện tượng chảy máu âm đạo trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Trong dọa sẩy thai, chảy máu và đau thường nhẹ và cổ tử cung đóng. Bác sĩ có thể xác định được cổ tử cung có mở hay không bằng cách khám âm đạo. Thường thì không có mẫu mô nào đi ra từ tử cung. Tử cung và vòi trứng có thể mềm.

  • Sấy thai khó tránh – chảy máu âm đạo kèm với cổ tử cung mở. Thường sẽ chảy máu nặng nề hơn, sản phụ cũng hay bị đau bụng và chuột rút.

  • Sẩy thai không trọn – tống xuất một phần, nhưng không phải tất cả, các sản phẩm của sự thụ tinh ra ngoài trước khi thai được 20 tuần tuổi. Trong sẩy thai không trọn, sản phụ sẽ bị chảy máu nhiều hơn và hầu như luôn bị đau bụng. Cổ tử cung mở và thai đang được tống ra ngoài. Siêu âm có thể cho thấy những thành phần còn sót lại trong tử cung.

  • Sẩy thai hoàn toàn – Đúng như tên gọi của nó, sẩy thai hoàn toàn có nghĩa là khi cơ thể tống xuất hoàn toàn các sản phẩm của sự thụ tinh ra khỏi tử cung gồm thai và mô nhau. Chảy máu, đau bụng và có mẫu mô được tống ra ngoài âm đạo đều xảy ra nhưng chảu máu và đau thường sẽ chấm dứt. Khi bạn thấy thai trong máu chảy ra từ âm đạo có nghĩa là bạn đã bị sẩy thai. Siêu âm cho thấy hình ảnh tử cung trống rỗng.

Sẩy thai xảy ra khi thai kỳ bị chấm dứt mà không có nguyên nhân rõ ràng trước khi thai có thể sanh ra và có khả năng sống được, thường thì tương đương với thai ở tuần thứ 20 đến tuần thứ 22. Tuổi thai này được tính từ ngày đầu tiên của lần có kinh cuối cùng. Sẩy thai là một biến chứng thường gặp khi mang thai. Nó xảy ra ở khoảng 20% thai phụ.

NGUYÊN NHÂN

Sẩy thai gây ra bởi sự tách rời thai và nhau ra khỏi thành tử cung. Mặc dù người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân thực sự gây ra sẩy thai nhưng những lý do thường gặp bao gồm:

  • Những bất thường của thai là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp xẩy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt đầu). Bất thường về gen thường gây ra những bất thường của thai và gặp trong hơn ½ các trường hợp sẩy thai. Nguy cơ gen bị bất thường tăng lên theo độ tuổi của sản phụ, đặc biệt là sau 35 tuổi.

  • Sẩy thai ở tháng thứ tư đến tháng thứ sáu của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ 2) liên quan đến những bất thường của mẹ nhiều hơn là bất thường của thai.

    • Những bệnh lý mãn tính bao gồm đái tháo đường (trừ đái tháo đường đã được kiểm soát đường huyết tốt), tăng huyết áp nặng, bệnh thận, lupus hoặc cường giáp hay nhước giáp là những nguyên nhân thường gặp của sẩy thai. Kiểm tra sức khỏe trước sanh rất cần thiết vì đây là cơ hội để kiểm tra xem sản phụ có bị những bệnh kể trên hay không.

    • Những nhiễm trùng cấp tính như sởi, Herpes simples, CMV (cytomegalovirus), mycoplasma những vi trùng ít gặp khác cùng với tình trạng sốc nhiễm trùng nặng cũng có thể gây ra sẩy thai.

    • Những bệnh lý và những bất thường của cơ quan sinh dục nữ cũng có thể gây ra sẩy thai như tử cung bất thường (u xơ tử cung, dính lòng tử cung, tử cung 2 sừng, tử cung đôi, tử cung có vách ngăn), hở eo tử cung, sự phát triển bất thường của nhau thai, những chấn thương về thể xác và tâm lý (nghén nặng cũng có thể là stress đối cơ thể của bạn trong thời gian này), đa thai cũn là một loại stress đối với cơ thể bạn.

    • Nhữug yếu tố khác, đặc biệt là café, rượu bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác cũng có thể liên quan đến sẩy thai.

TRIỆU CHỨNG

Khi bị sẩy thai, ban có thể bị ra máu âm đạo, đau bụng và bị chuột rút.

  • Máu chảy ra có thể chỉ là những sợi máu hoặc có thể rất dữ dội. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về lượng máu chảy – số lượng băng vệ sinh bị ướt, bạn cũng sẽ được hỏi xem có thấy những cục máu hay các mẫu mô chảy ra ngoài âm đạo.

  • Đau và quặn ở bụng dưới, có thể ở một bên, cả hai bên hay ở giữa. Đau cũng có thể lan xuống vùng lưng dưới, mông, vùng sinh dục.

  • Khi bị sẩy thay, các dấu hiệu của thai kỳ như nôn ói, căng ngực sẽ không còn nữa.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ hay đã biết mình có thai cùng với những triệu chứng sau:

  • Ra máu âm đạo

  • Đau hay quặn bụng hoặc đau vùng lưng dưới

  • Mệt mỏi hay chóng mặt

  • Buồn nôn hoặc nôn nhiều hay không thể kiểm soát được

  • Những triệu chứng của đường tiểu như đi tiểu rát, tiểu nhiều lần hoặc tiểu đau.

Nên đi đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu có những dấu hiệu sau:

  • Bạn biết hoặc nghi ngờ mình có thai và ra máu âm đạo nhiều (ướt nhiều hơn 1 băng mỗi giờ) hoặc đau lưng hay bụng.

  • Bạn thấy có một vật gì đó trông như mô cơ thể bị tống xuất ra ngoài (đừng bỏ chúng đi mà hãy giữ lại, bảo quản trong túi nilon và mang theo đến bệnh viện).

  • Bạn đã từng bị thai ngoài tử cung (ở vòi trứng).

  • Bạn cảm thấy chóng mặt dữ dội hoặc bất tỉnh

  • Bạn đã được xác định có thai và bạn cảm thấy có cục máu hay vật gì đó đang di chuyển trong âm đạo ra bên ngoài.

  • Bạn sốt trên 38oC

  • Nôn nhiều nhưng không có gì ra ngoài.

KHÁM VÀ CÁC XÉT NGHIỆM

Bệnh sử: bạn sẽ được hỏi về thai kỳ của mình qua các câu hỏi như:

  • Bạn có thai bao lâu rồi?

  • Kinh cuối của bạn vào lúc nào?

  • Bạn đã mang thai bao nhiêu lần rồi?

  • Hiện giờ bạn có bao nhiêu đứa con còn sống?

  • Bạn bị sẩy thai bao nhiều lần?

  • Bạn có bị thai ngoài tử cung (ở vòi trứng) bao giờ chưa?

  • Bạn đã từng phá thai bao nhiêu lần?

  • Bạn có sử dụng phương pháp tránh thai khi đang mang thai lần này không?

  • Đây có phải là thai trong kế hoạch (không phải thai ngoài ý muốn) hay không?

  • Bạn có ý định giữ thai lần này không?

  • Bạn có đi khám thai định kỳ không?

  • Bạn có bệnh lý về đường tiết niệu không?

  • Bạn có đi siêu âm để xác định thai có lạc chỗ hay không chưa?

  • Bạn thuộc nhóm máu nào?

  • Bạn có những bệnh lý gì khác không?

  • Những thuốc hay thảo dược bạn dùng hằng ngày là gì?

Khám lâm sàng: Để khám khung chậu, bạn cần phải nằm ngửa, hai đầu gối co, chân chống lên bàn đạp.

  • Bạn có thể được khám bằng mỏ vịt – một dụng cụ bằng kim loại hoặc bằng nhựa được đặt vào âm đạo của bạn sau đó được mở ra, để banh hai thành âm đạo ra xa nhau giúp bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào bên trong cổ tử cung. Nếu có nhiều máu cục bác sĩ sẽ dùng kềm hoặc gạc để lấy chúng đi. Bạn sẽ không cảm thấy đau trong quá trình khắm mặc dù có thể bạn sẽ thấy lúng túng và không thoải mái.

Mỏ  vịt
Mỏ vịt
  • Có thể bạn ra máu âm đạo trước, trong và thậm chí là sau khi sẩy thai. Bác sĩ sẽ tiếp cận cổ tử cung đã mở, sau đó tùy thuộc vào những phát hiện sau khi khám, bác sĩ có thể nói cho bạn biết một cách chính xác hơn về giai đoạn sẩy thai của bạn.

  • Có thể bác sĩ sẽ đặt ngón tay đã được mang găng vào âm đạo và một tay khác cảm nhận trên bụng của bạn. Bác sĩ có thể phát hiện được xem cố tử cung có mở hay không, độ lớn của tử cung và các dấu hiệu nhiễm trùng hay thai nằm trong vòi trứng không. Kích thước của tử cung có thể nhỏ hơn so với một thai kỳ bình thường nếu bạn bị sẩy thai.

Xét nghiệm: gồm có những xét nghiệm về máu và nước tiểu. Nếu bạn đến khám với những triệu chứng báo động, các bác sĩ ở phòng cấp cứu hay bác sĩ điều trị sẽ làm việc một cách nhanh chóng để xác định xem bạn có thai hay không.

  • Xét nghiệm có thai bằng nước tiểu được thực hiện cùng lúc khi mẫu máu được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem bạn có bị thiếu máu hay không, nhóm máu, và nồng độ của hormon thai kỳ. Hormon này có tên gọi là hCG (human chorioic gonadotropin).

    • Nồng độ của hormon giảm quá thấp có thể gợi ý đến tình trạng bất thường của thai. Nồng độ giảm thấp (dưới 1000) gợi ý thai có bất thường mặc dù nó cũng có thể phản ánh rằng thai kỳ đang ở trong giai đoạn sớm.

    • Nồng độ rất cao ( trên 100,000) có thể cho một gợi ý mạnh mẽ rằng thai đang sống bình thường. Hầu hết những giá trị của của hCG không giúp được gì nhiều trong việc chẩn đoán nhưng cũng có thể so sánh với các xét nghiệm được làm cách nhau từ hai đến ba ngày để xem mọi thứ có đang phát triển bình thường hay không.

  • Công thức máu có thể được thực hiện. Nếu bị chảy máu nhiều, bạn có thể bị thiếu máu và cần được chăm sóc đặc biệt. Nếu có sốt, số lượng bạch cầu có thể gợi ý đến một tình trạng nhiễm trùng.

  • Bạn cũng sẽ được xác định nhóm máu.

  • Nếu bạn có những triệu chứng của nhiễm trùng tiểu, một mẩu nước tiểu sẽ được lấy đi để làm xét nghiệm.

Siêu âm: Nếu có thai, siêu âm sẽ được thực hiện để tìm ra bằng chứng xem thai có nằm bên trong tử cung hay không. Nếu bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phụ khoa, bác sĩ cấp cứu không tìm thấy thai trong tử cung, bạn sẽ được đánh giá kỹ hơn nữa để xem thai có nằm bên ngoài tử cung hay không. Khi trứng đã được thụ tinh làm tổ ở vòi trứng, người ta gọi trường hợp này là thai ngoài tử cung.

  • Để có thể siêu âm được, bạn cần phải uống nhiều nước để làm đầy bàng quang, hoặc kỹ thuật viên sẽ tiêm truyền dung dịch vào tĩnh mạch của bạn và yêu cầu bạn không được đi toilet cho đến khi được siêu âm xong.

  • Kỹ thuật viên sẽ bôi một ít gel lên bụng của bạn và lấy đầu dò nhấn xuống để quan sát những cơ quan nội tạng bên trong. Kỹ thuật viên siêu âm cũng có thể dùng đầu dò âm đạo đưa vào bên trong âm đạo để có thể quan sát được vòi trứng và buồng trứng tốt hơn. Cả hai phương pháp xét nghiệm này đều không gây đau đớn.

ĐIỀU TRỊ

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị sẩy thai, rất khó để có thể giữ thai lại được. Nếu bạn đang bị sẩy thai và bác sĩ không nghĩ rằng thai còn sống, bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ sản để được khuyên chấm dứt thai kỳ. Một thủ thuật nạo thai được gọi là D&C (Dilation and Curettage) sẽ được thực hiện hoặc bạn sẽ được tiếp tục theo dõi để tiến trình hủy thai xảy ra một cách tự nhiên.

  • Nếu bị nhiễm trùng tiểu, bạn sẽ được dùng kháng sinh an toàn cho thai kỳ.

  • Trong một số trường hợp, nhóm máu của bạn và thai nhi không hợp nhau. Nếu máu của bạn không có yếu tố Rh (rất hiếm gặp ở người Việt Nam), bạn sẽ được dùng thuốc (RhoGAM) để phòng ngừa khả năng tác động đến nhóm máu của thai nhi (có thể xảy ra khi nhóm máu của con có yếu tố Rh).

  • Bạn sẽ được tư vấn và đưa những phương tiện hoặc hướng dẫn suy nghĩ đến khả năng sẩy thai. Nếu cổ tử cung của bạn đóng, nếu bạn không ra máu quá nhiều, những kết quả xét nghiệm của bạn không có gì bất thường và siêu âm không cho thấy bạn bị thai ngoài tử cung, bạn có thể về nhà và làm theo những hướng dẫn sau:

    • Nghỉ ngơi hoàn toàn.

    • Tránh thụt rửa âm đạo và không quan hệ tình dục

    • Quan sát các chất tiết ra ở âm đạo có màu trằng hay xám. Đây có thể là các sản phẩm của quá trình thụ tinh.

    • Bạn nên đến bệnh viện ngay nếu bị chảy máu hoặc đau nhiều hơn hoặc nếu bị sốt, mệt hoặc chóng mặt nhiều hơn.

    • Bạn nên tái khám sau 48 giờ.

Khi nhập viện bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ. Tùy theo dạng sẩy thai, bạn sẽ được thực hiện những phương pháp điều trị khác nhau.Nhưng bạn sẽ được sử dụng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng và nạo làm sạch buồng tử cung tránh để sót các thành phần của thai.

Chăm sóc tại nhà

Nếu bạn không chắc mình có thai hay không, những test nhanh tại nhà có thể khẳng định hoặc loại trừ có thai trong hầu hết các trường hợp.

  • Nếu test cho kết quả âm tính, hãy trao đổi với bác sĩ về triệu chứng ra máu và quặn bụng của mình.

  • Nếu test cho kết quả dương tính và bạn bị ra máu âm đạo hoặc quặn bụng, bạn nên đến bệnh viện ngay.

  • Nghỉ ngơi hoàn toàn và tránh quan hệ tình dục

  • Bạn có thể sử dụng actaminophen trong thời gian mang thai nhưng KHÔNG ĐƯỢC DÙNG Aspirin, inbuprofen (Motrin hoặc Advil) hoặc naproxen (Aleve) nếu bạn đang mang thai.

CÁC BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của bạn cho đến khi thai kỳ được ổn định hoặc đến khi thai bị sẩy hòan toàn.

  • Tránh gắng sức. Bạn có thể cảm thấy khá hơn khi nghỉ ngơi mặc dù việc nghỉ ngơi không thể ngăn được sẩy thai.

  • Không thụt rửa hoặc chèn vật gì đó vào âm đạo, kể cả tăm bông (tampon).

  • Không quan hệ tình dục cho đến khi hết các triệu chứng trong vòng 1 tuần.

  • Quay trở lại phòng cấp cứu khi các triệu chứng sau phát triển nhiều hơn:

    • Chuột rút nhiều hơn

    • Ra máu nhiều hơn (thay nhiều hơn 1 miếng băng vệ sinh trong 1 giờ)

    • Bài tiết ra mẫu mô ở âm đạo

    • Sốt

    • Những dấu hiệu khác có thể làm bạn lo lắng

  • Với xét nghiệm máu, định lượng nồng độ β – hCG được thực hiện mỗi 48 – 72 giờ. Nồng độ này tăng hoặc giảm đều có ích trong việc dự báo trước khả năng sống hoặc chết của thai. Nếu nồng độ này giảm. thai kỳ có thể được chấm dứt.

  • Siêu âm theo dõi có thể được thực hiện ở một vài thời điểm nào đó.

Phòng ngừa

Không có cách nào có thể dự báo trước hoặc phòng ngừa sẩy thai. Tuy nhiên những phương pháp sau có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai.

  • Khám thai định kỳ và tuân theo lời khuyên của bác sĩ.

  • Tránh những đồ uống có cồn, nicotin và những thuốc gây nghiện khác, đặc biệt là cocain trong thời gian mang thai.

  • Tránh hoặc không uống cafe.

  • Kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết nếu bạn có bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.

  • Phát hiện và điều trị tốt những bệnh nhiễm trùng và nhiễm siêu vi.

Hơn một nửa thai phụ bị xuất huyết âm đạo trong 12 tuần đầu của thai kỳ ngừng chảy máu và có một thai kỳ hoàn toàn bình thường. Số khác bị chảy máu và chuột rút nhiều hơn và cuối cùng bị sẩy thai. Mặc dù về mặt cảm xúc có thể sẽ bị rối loạn, nhưng hầu hết các sản phụ đều có thể duy trì được thể chất bình thường.

Theo emedicinehealth – Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases