Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Hen phế quản

Hen là một loại bệnh ảnh hưởng đến đường dẫn khí của phổi (phế quản). Hen gây ra bởi quá trình viêm mạn tính (kéo dài) của phế quản. Nó làm cho phế quản, hoặc đường dẫn khí, của bệnh nhân trở nên nhạy cảm với nhiều tác nhân khác nhau.

  • Khi quá trình viêm bị kích thích bởi một số yếu tố bên trong và bên ngoài, đường thở sẽ phù nề và ứ đàm.
  • Các cơ của phế quản sẽ co lại làm cho phế quản hẹp hơn nữa.
  • Sự hẹp này làm cho khí khó có thể thoát ra được khỏi phổi (thở ra khó).
  • Hiện tượng kháng lại lực thở ra (thở ra khó) này là triệu chứng đặc trưng của bệnh hen.

Vì hen gây ra sự đề kháng, hoặc tắc nghẽn, luồng không khí thở ra, nên nó được gọi là bệnh phổi tắc nghẽn. Thuật ngữ y học chỉ tình trạng này là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD (chronic obstructive pulmonary disease). COPD là một nhóm bệnh trong đó bao gồm không chỉ có hen mà còn có viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng.

Cũng như các bệnh mạn tính khác, hen là một bệnh mà bạn phải chịu đựng nó hằng ngày trong suốt cuộc đời. Bạn có thể bị lên cơn hen bất cứ khi nào bạn tiếp xúc với một trong những dị nguyên của bạn. Không giống như các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khác, hen có thể phục hồi được.

  • Hen không thể chữa khỏi được nhưng có thể kiểm soát được.
  • Bạn có cơ hội kiểm soát được hen nhiều hơn nếu như được chẩn đoán sớm và bắt đầu điều trị ngay sau đó.
  • Nếu được điều trị thích hợp, bệnh nhân hen có thể sẽ ít lên cơn hen hơn và các cơn hen nếu có xảy ra thì cũng sẽ ít nặng nề hơn.
  • Nếu không được điều trị, có thể bệnh nhân sẽ lên cơn hen thường xuyên và nặng hơn và thậm chí có thể tử vong.

Hiện nay, hen gặp nhiều hơn ở các nước phát triển. Lý do chính xác vẫn chưa được biết rõ nhưng có thể có sự góp phần của những yếu tố dưới đây:

  • Chúng ta trải qua một tuổi thơ ít phải chịu tiếp xúc với những tác nhân nhiễm trùng như ông bà ta lúc trước nên hệ miễn dịch của chúng ta cũng trở nên ít nhạy cảm hơn.
  • Chúng ta ở nhà nhiều hơn thời trước nên tiếp xúc với các yếu tố dị ứng ở trong nhà nhiều hơn chẳng hạn như bụi nhà.
  • Không khí thời nay cũng bị ô nhiễm nhiều hơn thời xưa.
  • Cách sống hiện đại làm chúng ta ít vận động hơn trước và béo phì ngày càng phổ biến. Có một vài bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa béo phì và hen.

Tuy nhiên, tin tốt lành là những người bị hen hoàn toàn có thể sống cho đến cuối đời. Những cách điều trị hen hiện tại nếu được tuân thủ chặt chẽ sẽ giúp bệnh nhân hen giới hạn được số lần lên cơn. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ, bạn có thể kiểm soát được căn bệnh của mình.

NGUYÊN NHÂN

Chúng ta chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra hen.

  • Điểm chung của những bệnh nhân hen là đường dẫn khí của họ bị viêm mạn tính và quá mẫn với nhiều loại dị nguyên.
  • Các nghiên cứu tập trung vào vấn đề: "Tại sao người này có thể bị hen trong khi những người khác lại không bị ?"
  • Một số người khi mới sinh ra đã có khuynh hướng bị hen trong khi một số khác lại không có. Các nhà khoa học đang cố tìm ra các gen gây ra khuynh hướng này.
  • Môi trường mà bạn đang sống và cách sống của bạn xác định được một phần rằng bạn có bị lên cơn hen hay không.

Cơn hen là phản ứng của cơ thể đối với dị nguyên. Nó tương tự với phản ứng dị ứng ở nhiều điểm.

  • Phản ứng dị ứng là đáp ứng của hệ miễn dịch của cơ thể với những tác nhân lạ.
  • Khi các tế bào của hệ miễn dịch nhận thấy tác nhân lạ, chúng sẽ tạo ra một chuỗi những phản ứng giúp cơ thể chống lại.
  • Nếu chuỗi phản ứng này làm sản xuất dịch nhầy và co thắt phế quản chúng sẽ tạo ra những triệu chứng của một cơn hen.
  • Những tác nhân lạ trong bệnh hen được liệt kê ở bên dưới và chúng thay đổi tùy theo từng đối tượng.

Mỗi một bệnh nhân hen có những loại dị nguyên khác nhau. Có khi gần như tất cả những dị nguyên gây ra cơn hen ở một số người lại không gây ra triệu chứng gì ở những người còn lại. Một số dị nguyên thường gặp gây ra cơn hen có thể là:

  • Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc khói tạo ra bởi củi đốt.
  • Hít phải không khí ô nhiễm.
  • Hít phải những tác nhân kích thích đường hô háp khác chẳng hạn như nước hoa hoặc chất tẩy rửa.
  • Tiếp xúc với những chất kích thích đường hô hấp tại nơi làm việc.
  • hít phải những chất gây dị ứng (dị nguyên) chẳng hạn như mọt, bụi nhà hoặc lông súc vật.
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm cúm, viêm xoang hoặc viêm phế quản.
  • Thời tiết lạnh, khô.
  • Cảm xúc hưng phấn hoặc stress.
  • Vận động quá nhiều.
  • Trào ngược dịch dạ dày - còn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD - Gastroesophageal reflux disease)
  • Sulphit - một chất phụ gia của một số loại thức ăn và rượu.
  • Kinh nguyệt - ở một số phụ nữ (không phải là tất cả) có triệu chứng hen liên quan chặt chẽ đến chu kỳ kinh nguyệt.

Những yếu tố nguy cơ của hen

  • Sốt mùa cỏ khô (viêm mũi dị ứng) và một số chất dị nguyên khác.
  • Eczema (chàm) - một loại dị ứng khác ảnh hưởng trên da.
  • Di truyền - có cha mẹ hoặc anh chị em cũng bị hen

TRIỆU CHỨNG

Khi đường thở bị kích thích hoặc nhiễm trùng có thể gây khởi phát cơn hen. Cơn hen có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau vài ngày hay vài giờ. Những triệu chứng chính của cơn hen bao gồm:

  • Thở khò khè
  • Không thở được.
  • Co nặng ngực.
  • Ho
  • Nói khó

Những triệu chứng trên có thể xảy ra trong suốt ngày hoặc đêm. Nếu xảy ra ban đêm, có thể nó sẽ làm phá vỡ giấc ngủ của bạn.

Thở khò khè là triệu chứng thường gặp nhất của cơn hen.

  • Khò khè là tiếng rít đi kèm với nhịp thở.
  • Tiếng khò khè thường nghe thấy ở thì thở ra, tuy nhiên có cũng có thể nghe thấy được ở thì hít vào.
  • Không phải tất cả những bệnh nhân bị hen đều thở khò khè và không phải tất cả những người thở khò khè đều bị hen.

Những hướng dẫn chăm sóc cho bệnh nhân bị hen hiện nay bao gồm việc phân độ cho độ nặng của triệu chứng hen như sau:

  • Nhẹ - không liên tục: tần số xuất hiện cơn hen không quá 2 lần/tuần và triệu chứng về đêm không quá 2 tuần/tháng. Cơn hen kéo dài không quá vài giờ. Độ nặng của cơn thay đổi nhưng không có triệu chứng giữa các cơn.
  • Nhẹ - liên tục: tần số xuất hiện cơn hen nhiều hơn 2 lần/tuần nhưng không phải hằng ngày, triệu chứng về đêm nhiều hơn 2 lần/tháng. Cơn hen đôi khi có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
  • Trung bình - liên tục: tần số xuất hiện cơn hen và triệu chứng về đêm nhiều hơn 1 lần/tuần. Cơn hen xảy ra với cường độ nặng hơn và ít nhất là 2 lần/tuần và có thể kéo dài hằng ngày. Cần phải sử dụng thuốc tác dụng nhanh và thay đổi sinh hoạt hằng ngày.
  • Nặng - liên tục: cơn hen xảy ra thường xuyên, triệu chứng về đêm xảy ra liên tục và làm giới hạn những sinh hoạt hằng ngày.

Một bệnh nhân bị hen mức độ nhẹ hoặc trung bình cũng có thể bị lên cơn hen nặng. Độ nặng của hen có thể thay đổi theo thời gian trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn.

KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP CỦA Y HỌC

Nếu bạn nghĩ chính mình hoặc con bạn bị hen, hãy đến gặp bác sĩ. Một số dấu hiệu có thể giúp bạn nghĩ đến bệnh hen bao gồm:

  • Thở khò khè
  • Khó thở
  • Đau hoặc co ép ngực
  • Ho tái phát, không đều và nặng hơn về đêm.

Nếu bạn hay con bạn bị hen, cần phải có một bảng hướng dẫn bao gồm những việc phải làm khi cơn hen xuất hiện, khi nào thì cần gọi bác sĩ và khi nào thì cần đưa đến phòng cấp cứu.

  • Hít 2 liều thuốc đồng vận beta đường xịt cách nhau 1 phút. Nếu không đỡ, xịt thêm những liều kế tiếp cách nhau mỗi 5 phút. Nếu không có đáp ứng sau 8 lần xịt (trong vòng 40 phút) thì nên đưa người bệnh đến bác sĩ.
  • Nên gọi cho bác sĩ nếu bạn đang lên cơn hen và đã dùng steroid đường uống hay được xịt hoặc tác dụng của thuốc qua đường xịt không kéo dài quá 4 giờ.
  • Trên đây chi là những hướng dẫn chung, nếu bác sĩ đề nghị một kế hoạch điều trị khác thì hãy tuân thủ theo kế hoạch đó.

Mặc dù đây là bệnh có thể hồi phục được nhưng một cơn hen nặng cũng có thể gây tử vong.

  • Nếu bạn đang lên cơn hen và thở hơi ngắn hoặc không liên lạc được với bác sĩ thì bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất.
  • Không nên tự đến bệnh viện một mình, hãy đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Nếu bạn ở một mình, hãy gọi số điện thoại cấp cứu để được chở đến bằng xe của bệnh viện.

LÂM SÀNG & CẬN LÂM SÀNG

Nếu bạn được đưa đến phòng cấp cứu vì lên cơn hen, bác sĩ sẽ đánh giá độ nặng của cơn. Cơn hen sẽ được chia ra làm các độ: nhẹ, trung bình, nặng. Sự phân độ này dựa trên một số yếu tố sau:

  • Độ nặng và thời gian kéo dài của triệu chứng.
  • Mức độ tắc nghẽn đường thở.
  • Cơn hen có làm cản trở những sinh hoạt hằng ngày hay không.

Cơn nhẹ và trung bình thường bao gồm những triệu chứng sau, có thể diễn tiến từ từ:

  • Co nặng ngực
  • Ho hoặc khạc đàm
  • Khó ngủ hoặc ngủ không ngon.
  • Khò khè.

Cơn nặng ít gặp hơn. Thường bao gồm những triệu chứng sau:

  • Không thở được
  • Nói khó
  • Căng xiết cơ cổ
  • Môi và giường móng có màu xám nhẹ hoặc xanh.
  • Lồng ngực im lặng - không có tiếng rít khi hít vào hay thở ra.

Nếu bệnh nhân có thể nói được, các bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh và thuốc đã dùng. Cố gắng trả lời càng hoàn chỉnh càng tốt. Bác sĩ cũng sẽ khám và quan sát bệnh nhân lúc đang thở.

Nếu đây là lần đầu xảy ra cơn hen, hoặc đây là lần đầu bạn đến khám vì những triệu chứng của mình, các bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi và cho làm các xét nghiệm để tìm kiếm và loại trừ những nguyên nhân khác gây ra những triệu chứng đó.

Phương pháp đo khả năng thở của bạn bao gồm:

  • Phế dung ký: dùng để đo bạn hít vào bao nhiêu khí và bạn thở ra mạnh đến mức nào. Xét nghiệm này có thể được thực hiện trước và sau khi dùng thuốc xịt. Đo phế dung ký là một cách tốt để xác định xem chức năng thở của bạn đã suy giảm đến mức nào sau cơn hen.
  • Lưu lượng đỉnh: đây là một cách khác để đo độ mạch của hơi thở ra trong cơn hen.
  • Nồng độ oxy: một que thăm dò được đặt vào đầu ngón tay để đo nồng độ oxy có trong máu.

Không có một xét nghiệm máu nào có thể xác định chính xác nguyên nhân của hen.

  • Xét nghiệm máu có thể cần thiết vì là dấu hiệu của nhiễm trùng có thể là yếu tố góp phần gây ra cơn hen.
  • Ở cơn nặng, có thể cần phải lấy máu ở động mạch để xác định chính xác xem có bao nhiêu oxy và CO2 hiện diện trong cơ thể bạn.

X-quang ngực cũng có thể được thực hiện để loại trừ hầu hết những nguyên nhân khác gây ra những triệu chứng trên.

ĐIỀU TRỊ

Do hen là một bệnh mạn tính nên quá trình điều trị đòi hỏi phải kéo dài rất lâu. Một số người cần phải điều trị cho đến suốt đời. Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng của bạn và sống theo cách của bạn là tìm hiểu tất cả những gì có thể về bệnh hen của mình và những gì bạn có thể làm để cho nó tốt hơn.

  • Trở thành một cộng sự đối với bác sĩ của bạn. Dùng những tài liệu mà bác sĩ cung cấp cho bạn - thông tin, giáo dục và ý kiến chuyên môn - để có thể tự giúp mình.
  • Nhận thức rõ về những tác nhân dị ứng và làm tất cả những gì có thể để tránh chúng.
  • Tuân thủ đúng những biện pháp điều trị mà bác sĩ khuyên. Hiểu những biện pháp điều trị của mình. Biết được công dụng và cách dùng của từng loại thuốc.
  • Đến tái khám định kỳ theo đúng lịch.
  • Thông báo cho bác sĩ biết những thay đổi hoặc nếu các triệu chứng trở nến xấu đi một cách nhanh chóng.
  • Thông báo cho bác sĩ về những tác dụng phụ của thuốc mà bạn gặp phải.

Dưới đây là những mục tiêu của việc điều trị:

  • Phòng ngừa những triệu chứng đang tiến triển và gây khó chịu.
  • Phòng ngừa xảy ra cơn hen.
  • Phòng ngừa cơn hen nặng cần phải đến khám bệnh hay đến phòng cấp cứu hoặc phải nhập viện.
  • Tiếp tục duy trì những sinh hoạt hằng ngày.
  • Giữ chức năng phổi ở mức bình thường hoặc gần bình thường
  • Giới hạn những tác dụng phụ của thuốc xuống ít nhất trong khả năng cho phép.

Tại nhà

Chế độ điều trị hiện tại được xây dựng sao cho hạn chế đến mức tối thiểu những khó chịu, bất lợi và hạn chế hoạt động thể lực. Nếu bạn tuân thủ điều trị một cách chặt chẽ, có thể bạn sẽ tránh hoặc giảm được số lần đến khám bệnh ở bác sĩ hay số lần phải đến phòng cấp cứu.

  • Nhận biết được những tác nhân gây dị ứng của mình và làm mọi cách có thể để tránh được chúng.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Không dùng thuốc ho vì chúng không giúp ích được gì cho bệnh hen cả và còn có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nữa.
  • Aspirin và một số thuốc kháng viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen, có thể làm hen nặng hơn ở một số người. Do đó, những loại thuốc này không nên được dùng mà không có lời khuyên của bác sĩ.
  • Không dùng những loại thuốc xịt không cần kê toa. Chúng chứa những hợp chất có tác dụng rất ngắn nên có thể không đủ thời gian để thoát khỏi được cơn hen và có thể gây ra những ác dụng phụ không mong muốn.
  • Chỉ dùng những thuốc mà bác sĩ kê toa.
  • Không dùng những loại thuốc nam hoặc những thực phẩm bổ sung không được kê toa, ngay cả khi chúng hoàn toàn từ tự nhiên mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước. Một số loại trong đó có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn hoặc gây cản trở tác dụng của thuốc mà bạn đang sử dụng.
  • Nếu thuốc không hiệu quả, không dùng thêm thuốc quá mức giới hạn mà bạn được kê toa. Sử dụng quá liều những thuốc điều trị hen có thể gây nguy hiểm.
  • Chuẩn bị sẵn sàng cho bước kế tiếp trong bảng hướng dẫn của bác sĩ nếu cần thiết.

Nếu bạn nghĩ thuốc đang dùng không hiệu quả, hãy thông báo cho bác sĩ biết ngay lập tức.

Tại bệnh viện

Nếu bạn đang ở phòng cấp cứu, có thể bạn sẽ được bắt đầu điều trị ngay trong lúc các bác sĩ đang đánh giá bệnh.

  • Bạn có thể sẽ được cho thở oxy qua mặt nạ hoặc qua một ống gắn vào mũi.
  • Bạn có thể được cho thuốc đồng vận beta dạng phung qua mặt nạ hoặc qua máy phun khí dung, có thể có hoặc không có kèm theo kháng cholinergic.
  • Một phương pháp khác để cho bệnh nhân dùng thuốc đồng vận beta là dùng bình xịt có định liều (MDI: metered dose inhaler). MDI cung cấp một liều cơ bản của thuốc trong mỗi nhát xịt.
  • Nếu bạn đã được dùng thuốc steroid, hoặc mới ngừng thuốc steroid gần đây, hoặc cơn hen quá nặng, có thể bạn sẽ phải dùng đến steroid đường tĩnh mạch.
  • Nếu bạn đang dùng methylxanthine, chẳng hạn như theophylline hoặc aminophylline, nên kiểm tra nồng độ thuốc có trong máu và nên được cho qua đường tĩnh mạch.
  • Những người có đáp ứng kém với thuốc đồng vận beta đường phung có thể sẽ được cho thuốc dùng qua đường tĩnh mạch chẳng hạn như terbutaline hoặc epinephrine.
  • Bạn sẽ phải được theo dõi trong vòng ít nhất 7 giờ khi các xét nghiệm đã hoàn tất và có kết quả. Bạn sẽ được theo dõi các dấu hiệu tiến triển hoặc nặng hơn của bệnh.
  • Nếu đáp ứng tốt với điều trị, có thể bạn sẽ được xuất viện. Nên cảnh giác đề phòng các triệu chứng có thể quay lại trong vòng 7 giờ kế tiếp. Nếu các triệu chứng quay lại hoặc trở nặng hơn, hãy quay lại phòng cấp cứu ngay lập tức.
  • Đáp ứng của bạn với điều trị sẽ được theo dõi qua lưu lượng đỉnh.

Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ bị giữ lại bệnh viện để được theo dõi cẩn thận và điều trị để tình trạng không trở nên nặng hơn. Những tình huống cần phải nhập viện bao gồm:

  • Cơn hen rất nặng hoặc không đáp ứng tốt với điều trị.
  • Chức năng phổi kém trên phế dung ký.
  • Tăng nồng độ CO2 và giảm nồng độ Oxy trong máu.
  • Có tiền sử phải nhập viện hoặc phải dùng máy giúp thở trong cơn hen
  • Những bệnh nặng khác có thể gây nguy hiểm cho sự hồi phục của bạn
  • Những bệnh nặng về phổi hoặc tổn thương phổi, như viêm phổi hoặc tràn khí màng phổi (xẹp phổi).

Nếu bạn được chẩn đoán là hen lần đầu tiên, có thể bạn sẽ được bắt đầu chế độ điều trị và theo dõi. Bạn sẽ được cho 2 loại thuốc:

  • Thuốc dùng để kiểm soát: dùng để kiểm soát trong thời gian dài bệnh hen kéo dài, giúp làm giảm tình trạng viêm ở phổi, là nguyên nhân đứng sau gây ra những cơn hen. Bạn phải dùng những loại thuốc này hằng ngày cho dù là có triệu chứng hay không.
  • Thuốc dùng để cắt cơn: dùng để kiểm soát trong thời gian ngắn các cơn hen. Chỉ được dùng khi đang có triệu chứng hoặc có vẻ nhưng sắp lên cơn hen, chẳng hạn như khi bạn đang bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Kế hoạch điều trị cũng bao gồm những phần sau:

  • Nhận biết được những tác nhân gây dị ứng và tránh xa chúng hết mức có thể.
  • Tái khám thường xuyên.
  • Sử dụng lưu lượng đỉnh

Ở những lần tái khám, bác sĩ sẽ xem xét lại tình trạng của bạn

  • Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tần số và độ nặng của cơn hen, sử dụng thuốc điều trị, và giá trị lưu lượng đỉnh.
  • Cũng có thể bạn sẽ được kiểm tra chức năng phổi để xem mức độ đáp ứng của phổi đối với điều trị.
  • Đây cũng là thời điểm tốt nhất để thông báo về những tác dụng phụ của thuốc và những vấn đề mà bạn gặp phải đối với việc điều trị.

Bạn và bác sĩ phải cùng nhau xây dựng kế hoạch để đối phó với sự xuất hiện của các cơn hen. Bảng kế hoạch sẽ bao gồm những chi tiết sau:

  • Cách dùng thuốc kiểm soát
  • Cách dùng thuốc điều trị trong trường hợp có cơn hen
  • Nên làm gì nếu thuốc điều trị không có tác dụng ngay lập tức.
  • Khi nào cần gọi bác sĩ
  • Khi nào cần đến trực tiếp phòng cấp cứu.

Các loại thuốc

Những loại thuốc kiểm soát giúp làm hạn chế quá trình viêm có thể dẫn đến cơn hen cấp.

  • Thuốc đồng vận beta tác dụng kéo dài: loại thuốc này có tính chất hóa học tương tự như adrenaline, một loại hormon được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Thuốc đồng vận beta tác dụng kéo dài dạng xịt giúp giữ thông đường thở trong vòng 12 giờ hoặc hơn. Nó làm giãn các cơ của đường thở, giãn đường thở và giảm sức đề kháng của luồng khí thở ra, giúp thở dễ hơn. Chúng cũng giúp giảm viêm, nhưng không có tác dụng trên nguyên nhân thật sự của cơn hen. Tác dụng phụ của loại thuốc này là nhịp tim nhanh và run. Một số loại thuốc thuộc loại này là Salmeterol (Serevent) và formoterol (Foradil).
  • Corticoid dạng hít là loại thuốc chính trong nhóm này. Chúng có tác dụng cục bộ tập trung trên đường thở, với rất ít phản ứng phụ xảy ra ở ngoài phổi. Một số loại thuốc thuộc loại này là: Beclomethasone (Vancenase, Beclovent) và triamcinolone (Nasacort, Atolone).
  • Ức chế leukotrien. Leukotrien là một chất hóa học mạnh giúp tăng phản ứng viêm xuất hiện trong cơn hen cấp. Bằng các ức chế tác dụng của nó, thuốc sẽ làm giảm viêm. Thuốc ức chế leukotrien được xem là phòng tuyến thứ 2 chống lại hen và thường được dùng nếu hen không quá nặng đến mức cần phải cùng corticoids đường uống. Một số loại thuốc ức chế leukotrien bao gồm: Zileuton (Zyflo), zafirlukast (Accolate), và montelukast (Singulair).
  • Methylxanthine. Là nhóm thuốc có tính chất hóa học tương tự như như caffein. Methylxanthine là thuốc dãn phế quản tác dụng kéo dài. Đã từng có thời gian methylxanthine được dùng phổ biến để điều trị hen. Ngày nay, vì những tác dụng phụ tương tự như caffein biểu hiện một cách rõ rệt nên chúng ít được dùng hơn. Một số loại methylxanthine bao gồm Theophylline và aminophylline.
  • Natri Cromolyn là một loại thuốc khác có thể dùng để phòng ngừa sự phóng thích những chất hóa học gây ra quá trình viêm có liên quan đến hen. Loại thuốc này đặc biệt hữu ích cho những người lên cơn hen do tiếp xúc với một số chất gây dị ứng. Khi được sử dụng thường xuyên trước khi tiếp xúc với các dị ứng nguyên, Natri Cromolyn có thể ngăn ngừa tiến triển thành cơn hen. Tuy nhiên, không dùng loại thuốc này nếu như cơn hen đã khởi phát.

Những loại thuốc dùng để cắt cơn hen. Dùng khi cơn hen đã bắt đầu khởi phát. Không được dùng để thay thế những loại thuốc kiểm soát. Không được ngừng những loại thuốc dùng kiểm soát trong suốt đợt hen cấp.

  • Thuốc đồng vận beta tác dụng ngắn là loại thuốc được dùng phổ biến nhất trong nhóm này. Thuốc đồng vận beta tác dụng ngắn dạng xịt cho tác dụng rất nhanh chóng, trong vòng vài phút, giúp khai thông đường thở và tác dụng thường kéo dài trong 4 giờ. Albuterol (Proventil, Ventolin) thường được dùng nhiều nhất.
  • Thuốc kháng cholinergic: thuốc kháng cholinergic dạng xịt giúp mở thông đường thở, tương tự với tác dụng của thuốc đồng vận beta. Thuốc kháng cholinergic dạng xịt cho tác dụng hơi chậm hơn đồng vận beta nhưng tác dụng lại kéo dài hơn, thường được dùng chung với đồng vận beta để cho hiệu quả cao hơn là sử dụng một mình. Ipratropium bromide (Atrovent) là một loại thuốc kháng cholinergic hiện đang được sử dụng.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Tuân thủ điều trị

Nếu đang được điều trị tại phòng cấp cứu, bạn sẽ được xuất viện nếu như đáp ứng tốt với điều trị.

  • Bạn sẽ được yêu cầu đến tái khám tại phòng khám của bác sĩ chuyên khoa vào ngày hôm sau hoặc sau 2 ngày nữa.
  • Nếu triệu chứng quay trở lại, hoặc bạn bắt đầu cảm thấy tệ hơn, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc quay trở lại phòng cấp cứu.

Hen là một loại bệnh kéo dài nhưng có thể kiểm soát được. Sự tham gia của bạn trong quá trình điều trị mang tính chất rất quan trọng

  • Uống trực tiếp những thuốc được kê toa, cả những loại thuốc dùng để kiểm soát cũng như những loại thuốc dùng để cắt cơn.
  • Đến tái khám định kỳ theo lịch
  • Tránh những tác nhân gây dị ứng.
  • Bỏ hút thuốc
  • Bằng cách tuân thủ những bước trên, bạn có thể hạn chế được tần số và độ nặng của cơn.

Phòng ngừa

Bạn cần phải biết cách phòng ngừa và hạn chế sự xuất hiện của cơn trong tương lai

  • Nếu cơn hen xảy ra do những tác nhân gây dị ứng, nên tránh chúng hết mức có thể.
  • Tiếp tục sử dụng thuốc sau khi ra viện. Đây là điều tối quan trọng. Mặc dùng những triệu chứng của cơn hen cấp có thể đã hết sau khi được điều trị đúng cách nhưng bệnh hen thì không bao giờ khỏi được.

Tiên lượng

Hầu hết những bệnh nhân hen có thể kiểm soát được tình trạng của mình nếu hợp tác tốt với bác sĩ và tuân thủ chế độ điều trị một cách cẩn thận.

Những bệnh nhân không đến khám hoặc không tuân thủ đúng điều trị thường sẽ bị nặng hơn và bị suy giảm các chức năng bình thường của mình.

Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases