Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

TÌM HIỂU VỀ STRESS

description

Định nghĩa:

“Stress” trong y học có nghĩa là để chỉ một sức ép hay một sự tác động của một yếu tố nào đó vào con người gây ra các phản ứng căng thẳng về thể chất lẩn tinh thần ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Theo Dr. Eric Albert (nhà tâm lý,người sáng lập Viện nghiên cứu STRESS) thì: "STRESS là nỗ lực của cơ thể để thích nghi với những đổi thay. Stress là một thuật ngữ chỉ sự quá tải về mặt thể chất và tinh thần. Theo tiếng Anh, stress có nghĩa là sức căng, sức ép, sự cố gắng quá mức..."

Tại sao chúng ta bị stress?

description

Đây là một vấn đề xảy ra thường xuyên do rất nhiều nguyên nhân, có xu hướng ngày càng tăng trong cuộc sống hiện đại.

Stress rất đa dạng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong mọi tình huống. Chẳng hạn bị ốm hoặc vừa trải qua một tai nạn trong sinh hoạt, lao động...Sự căng thẳng trong cuộc sống gia đình; sự đòi hỏi phải nỗ lực đáp ứng với nhu cầu công tác. Quan hệ thoải mái với đồng nghiệp...Thậm chí tiếng chuông điện thoại giữa đêm khuya, tiếng ồn quá mức...đều là những nguyên nhân dẫn đến stress.

Thông thường stress tác động vào cơ thể thông qua các giác quan, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn tự vệ: hay còn gọi là giai đoạn thích nghi: nhiều chất nội tiết trong cơ thể có phản ứng nhanh nhạy với các kích thích.

Giai đoạn tiếp sau: là giai đoạn hưng phấn hay phản ứng đề kháng: cơ thể huy động khả năng thích ứng tối đa để vượt qua.

Giai đoạn ức chế: nếu kích thích với cường độ cao hoặc kích thích cường độ nhỏ nhưng kéo dài, sẽ dẫn đến giai đoạn ức chế quá mức, cơ thể vào tình trạng suy sụp.

Tình trạng stress kéo dài dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid, làm tăng cholesterol trong máu. Stress làm tăng tiết catecholamin mà chủ yếu là adrenalin, gây co mạch máu dẫn đến thiếu ôxy ở tim và thành mạch, thiếu ôxy ở các tổ chức.

Tăng catecholamim trong những điều kiện nhất định gây tình trạng thiếu ôxy tổ chức, loạn dưỡng và hoại tử cơ tim, thành mạch.

Trạng thái stress là nguyên nhân của phản ứng giao cảm - adrenalin, là một trong những yếu tố thần kinh thể dịch quan trọng gây rối loạn chuyển hóa lipid, tăng tính đông máu, rối loạn chuyển hóa điện giải và loạn dưỡng ở thành mạch. Có thể nói cholesterol và adrenalin là những yếu tố không đặc hiệu, thông qua các khâu thần kinh - thể dịch phức tạp cuối cùng dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid, loạn dưỡng, dẫn tới lắng đọng cholesterol ở thành mạch gây xơ vữa động mạch.

Người ta càng chú ý đến vai trò của stress cảm xúc tới sự phát sinh các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim ở những người làm việc căng thẳng.

Stress ảnh hưởng gì đến cơ thể ?

Sự ảnh hưởng của stress lâu dài và tái lập nhiều lần,tùy theo mức độ và giai đoạn sẽ dẩn đến các bệnh lý sau:

-Bệnh tâm thần kinh: mất ngủ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn phiền, cáu gắt, loạn trí nhớ, trầm cảm...

-Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, loạn nhịp tim, hồi hộp đánh trống ngực...

- Bệnh tiêu hóa: viêm loét dạ dày- tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở hôi, rối loạn chức năng đại tràng..

- Bệnh tình dục: giảm hoặc mất ham muốn, di tinh, mộng tinh, giao hợp đau.

- Bệnh phụ khoa: rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết...

- Bệnh cơ khớp: co cứng cơ, đau lưng, đau khớp, cảm giác kiến bò ở ngón tay, máy mắt, chuột rút, run rẩy...

- Toàn thân: suy sụp, mệt mỏi, dễ mắc các bệnh dị ứng hay bệnh truyền nhiễm.

Những biểu hiện của chứng bệnh do stress như thế nào?

description

Phổ biến là bệnh nhân tái hiện chấn thương. Tùy theo từng không gian, thời gian và trạng thái tinh thần của bệnh nhân, sự tái hiện có thể diễn ra dưới dạng trỗi dậy từng lúc, bệnh nhân không tự kìm chế được những ký ức về cơn ác mộng hay trạng thái căng thẳng mà ở đó tính cường điệu hay suy diễn theo xu hướng bệnh lý phân li ý thức, khi đó người bệnh có vẻ sống lại một cách sinh động những điều gây tổn thương như là sự việc vừa xảy ra.

Bệnh nhân biểu hiện tâm trạng sợ hãi lo âu, tăng cảm giác, đặc biệt là triệu chứng về thính giác ù tai, cảm giác đầu ồn ào, mất ngủ kéo dài, khó tập trung chú ý hay giảm trí nhớ. Nhiều trường hợp bệnh nhân biểu hiện trạng thái căng thẳng, hoảng sợ hoặc lo âu bi quan khi các tình huống nguy hiểm tái hiện lại trong ký ức. Khi đó có thể gây ra phản ứng kịch phát của các triệu chứng cấp tính: từ một trạng thái “ngây dại” “mù mờ”, đặc trưng bởi thu hẹp ý thức và mất khả năng chú ý, mất khả năng tiếp nhận các kích thích và mất định hướng, tình cảm bất định vui buồn lẫn lộn, đến trạng thái dễ kích thích và xung khắc với mọi người mà trước khi bị bệnh không có, bệnh nhân bồn chồn, đứng ngồi không yên, run rẩy, đôi khi họ bùng nổ dữ dội với thái độ hung hăng. Một số bệnh nhân uống rượu, hút thuốc hay các chất nghiện khác như một cách làm dịu tình trạng đau khổ bên trong sự tăng hưng phấn thiếu ức chế. Chứng bệnh tiến triển làm cho bệnh nhân mệt mỏi và thường than phiền về sự thờ ơ vô cảm của bệnh nhân đối với người thân, sự vật và các sự kiện ở môi trường xung quanh, bệnh nhân ngày càng trở nên lãnh đạm, mất sự lạc quan, tin tưởng vào người khác và chính cả bản thân mình, hoài nghi về mọi vấn đề mà trước đó bệnh nhân cho là đúng, nhiều lúc bệnh nhân cảm thấy như vắng ý thức và mất cảm xúc thực tại về tình cảm, bị tách rời và trở nên xa lạ với người thân, bạn bè. Ngoài ra, bệnh nhân còn kèm theo rối loạn thần kinh thực vật: tim đập nhanh, bệnh nhân có cảm giác đánh trống ngực, vã mồ hôi, cơn nóng bừng hay tê lạnh, dị cảm ở chi hay cảm giác châm chích da, tê bì...

Bệnh tiến triển có tính chất cấp tính, tự nhiên hết, các triệu chứng mất dần trong khoảng 6 tháng. Đối với những bệnh nhân có quá trình bệnh mạn tính, khởi phát chậm thì sự bình phục lâu hơn, một số trường hợp để lại di chứng về rối loạn hành vi hay loạn tâm thần.

Phòng tránh và hạn chế tác hại của stress như thế nào:

description

- Cải thiện điều kiện sinh hoạt và lao động: cần loại trừ tác động của stress trường diễn, cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tập thể, cơ quan, giảm kích thích xấu trong đời sống hàng ngày; lao động trí óc xen kẽ với lao động chân tay.

- Rèn luyện nhân cách: một nhân cách mạnh thì sang chấn tâm thần ác liệt đến đâu cũng mất tính gây bệnh, ngược lại một nhân cách yếu có thể bị bệnh dưới tác động của một sang chấn nhẹ. Cha, mẹ cần biết cách giáo dục con cái ngay từ bé để hình thành một nhân cách vững mạnh có nhiều tính cách tốt như: chịu đựng gian khổ, kiềm chế bản thân, có ý chí và tinh thần trách nhiệm, có khả năng thích nghi mềm dẻo.

- Bồi dưỡng cơ thể khỏe mạnh để tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống đỡ với stress: luyện tập hàng ngày, ăn uống điều độ, điều hòa hợp lý giữa lao động và giải trí... để luôn luôn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.

Làm gì để không bị stress?

description

Hãy luôn tạo cho mình một niền tin; nụ cười luôn là liều thuốc bổ; sự say mê, hứng thú lành mạnh: câu cá, đánh tennis... Nếu mệt mỏi nên nghỉ ngơi. Khi cần thiết phải giảm cường độ lao động cả về thể lực và trí lực, hãy tạo cho mình nghỉ ngơi tích cực như tham quan, du lịch.

- Cần biết hạn chế, loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến stress. Cần thích nghi với hoàn cảnh, hãy cố gắng giành thế chủ động trong tình huống, nhưng cần tránh bị kích thích.

Tập thể dục thể thao sẽ giúp ta quên đi phiền muộn.

Hãy tập thư giãn cả thể xác và tinh thần: suy tưởng là một hoạt động trí tuệ được tập trung cao độ, độc lập, làm con người cách ly với thế giới xung quanh trong trạng thái thư giãn sâu của thể xác và tinh thần. Thư giãn là một phương pháp cực kỳ hiệu quả đưa đến thư giãn tinh thần, loại trừ mọi cảm xúc thái quá, xóa bỏ nhiều kích thích có năng lượng âm tính.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để giúp cơ thể chóng bình phục, nên ăn tăng rau xanh, hoa quả tươi, tăng đạm. Ăn sáng để cung cấp dinh dưỡng trong 1 ngày làm việc của bạn. Không hút thuốc lá, hạn chế uống bia rượu, chè, sôcôla... sẽ giúp bạn đỡ mệt mỏi, tỉnh táo hơn. Hãy tạo cho mình một giấc ngủ sâu, ngủ đủ, đúng giờ.

Hãy coi stress là tác nhân để thích nghi, là biện pháp giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh sống.

Tăng cường các quan hệ bạn bè, hãy tạo nhịp tiếp xúc với bạn bè thân cận, được tâm sự là một hình thức giải tỏa stress tích cực. Hãy nhớ rằng bạn sẽ không đơn độc. Nên từ chối những cuộc tiếp xúc có thể gây phiền muộn cho mình. Quan hệ bạn bè, sự tương trợ xã hội là công cụ mạnh mẽ đấu tranh chống stress.

Bất cứ lúc nào, ngủ ngay tại phòng làm việc, hoặc trên giường ngủ bạn hãy tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng, tập thở bụng hoặc xoa bóp, bấm huyệt... sẽ giúp bạn thư giãn.

Hãy sống cho ngày hôm nay và cho tương lai! Xác định mục đích cho ngày hôm nay. Không nên đòi hỏi quá khả năng của bản thân mình, con người luôn có giới hạn nhất định.

Khi có bệnh, cần được khám bệnh, điều trị kịp thời. Thầy thuốc sẽ giúp nâng cao sức khỏe chống lại stress, khắc phục hậu quả của stress đã gây ra cho bạn. Các loại vitamin, khoáng chất, thuốc an thần sẽ giúp bạn vượt qua và chiến thắng stress.

Phải nhớ rằng stress là kẻ thù nguy hiểm của tuổi già, phải đề phòng, tránh xa nó để có cuôc sống vui vẻ, thoải mái.

Điều trị stress như thế ?

Điều trị tâm lý ( tâm lý liệu pháp)

Các liệu pháp tác động tập tính: như phương pháp giải tỏa cảm xúc một cách có hệ thống và phương pháp học tập xã hội (qua cách đối phó với những tình huống tương tự như tình huống stress hoặc qua cách đối phó với một tình huống tưởng tượng đóng vai trò là tình huống stress).

Điều chỉnh lối sống: Những bệnh nhân không biết sử dụng thời gian một cách hợp lý và những người gặp khó khăn khi phải thích nghi với các tình huống stress, cần làm cho họ ý thức rõ rệt về lợi ích của việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể với stress, sử dụng hài hòa, cân bằng thời gian dành cho việc thư giãn, chơi thể thao và thời gian dành cho công việc nghề nghiệp. Các thói quen ăn uống cũng cần phải thích hợp, tránh làm tăng trọng lượng cơ thể một cách quá mức.

Giúp người bệnh khẳng định bản thân: sẽ giúp cho bệnh nhân làm chủ được tình cảm, những thái độ thụ động, thù địch thường gây ra những phản ứng không thích hợp và quá mức. Những thái độ không thích hợp có thể do chủ thể có những suy nghĩ lệch lạc hoặc do những ức chế xã hội. Luyện tập cho bệnh nhân đối phó với các tình huống stress, bằng cách đưa họ vào những tình huống stress có cường độ tăng dần và thay đổi vai trò của họ từ bệnh nhân thành những người tham gia điều trị.
Liệu pháp nhận thức: Trong giai đoạn đầu: hướng dẫn bệnh nhân tìm ra những suy nghĩ lệch lạc của mình khi đánh giá tình huống stress. Sự đánh giá này được người bệnh nhận xét, phê phán với sự trợ giúp của thầy thuốc.Trong giai đoạn hai: giúp bệnh nhân đề xuất những suy nghĩ, những nhận thức thích hợp để chống lại các suy nghĩ lệch lạc. Trong giai đoạn ba: những suy nghĩ mới, những nhận thức thích hợp được người bệnh đem ra thử thách trong thực tế.

Phương pháp tiếp cận cơ thể: Một trong biểu hiện quan trọng của bệnh lý stress về cơ thể là rối loạn thần kinh thực vật và căng thẳng cơ bắp. Các liệu pháp cơ thể chủ yếu nhằm điều trị hai loại rối loạn này.

Liệu pháp luyện tập tự sinh của Schultz: Bệnh nhân ở tư thế nằm, tập trung suy nghĩ về những phần cơ thể được giãn cơ thoải mái. Lời hướng dẫn là những câu ám thị để bệnh nhân luyện tập và có những cảm giác như: tay phải nóng lên, chân phải rất nặng hoặc tim đập chậm, rất chậm... Thầy thuốc có thể hướng dẫn người bệnh qua băng ghi âm, ghi hình... Bệnh nhân sẽ có được khả năng tự thư giãn sau nhiều tháng luyện tập đều đặn (mỗi tuần ít nhất luyện tập một lần).

Liệu pháp thư giãn cơ bắp dần dần: Mục đích của liệu pháp là làm cho chủ thể có được một sự thư giãn mà trong đó chủ thể làm chủ được mình và sự thư giãn dần dần xuất hiện một cách thường xuyên, giúp cho cơ thể thích nghi tốt hơn với các tình huống stress.

Liệu pháp tác dụng ngược sinh học: Các phương tiện đo lường chỉ số sinh học của cơ thể như điện cơ, nhiệt độ da... sẽ thông báo cho người bệnh biết về các trạng thái sinh lý của cơ thể. Các thông tin này cho phép người bệnh học cách tự mình kiểm soát và điều chỉnh các quá trình sinh lý theo chiều hướng đáp ứng tốt hơn khi gặp các tình huống stress.

Liệu pháp dùng thuốc

Liệu pháp dùng thuốc chỉ được sử dụng khi có các biểu hiện stress bệnh lý. Ngoài ra, biện pháp này còn được sử dụng để góp phần phục hồi khả năng thích ứng của chủ thể và làm giảm nhẹ các rối loạn stress. Điều trị stress bằng thuốc thường cần phối hợp với các liệu pháp tâm lý.
Các thuốc thường được sử dụng: Thuốc bổ sung magiê, canxi; Các vitamin, glucocorticoid; Các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương: các thuốc giảm lo âu, các thuốc chống trầm cảm, các thuốc dưỡng não... Các thuốc chủ yếu tác dụng ngoại biên: các thuốc chẹn bêta, một số thuốc đặc hiệu khác...

Một số phương pháp cụ thể để giảm stress:

description

Nếu bạn bị nhức đầu trong khi đang có một nhiệm vụ phải hoàn thành, khối lượng công việc quá lớn hay quá nhiều vấn đề phát sinh ngoài ý muốn… thì hãy thử thực hiện một số động tác đơn giản nhưng rất hiệu quả dưới đây xem sao nhé!

Động tác 1

Nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay, ngồi trên ghế tựa hoặc đứng thẳng. Thả lỏng cơ bắp toàn thân, mắt nhắm hờ, tập trung ý nghĩ về vùng đan điền (vùng hạ vị), loại bỏ mọi ý nghĩ khác. Thở chậm, sâu, đều. Mỗi nhịp thở gồm các thì: hít vào từ từ hết sức, bụng phình ra, nín thở giữ hơi trong vài giây, thở ra từ từ hết sức, bụng thót lại, nín thở trong vài giây. Tốc độ hợp lý là 6-8 nhịp thở trong một phút. Mỗi lần tập từ 5 đến 10 phút.

Tác dụng: Thư giãn, xoa bóp nội tạng trong cơ thể.

Động tác 2

Đan hai bàn tay vào nhau, vòng ra sau đầu, ấp vào vùng gáy, xát lên xuống khoảng 20 lần.

Tác dụng: Làm nóng vùng gáy, giãn cơ và tăng tuần hoàn tại chỗ, tăng cường lưu thông máu lên não.

Động tác 3

Duỗi thẳng các ngón tay, khép lại. Áp hai lòng bàn tay vào nhau, xát cho nóng lên. Sau đó, áp các ngón tay vào mắt (2 mắt nhắm) vuốt từ trong ra ngoài 10 - 15 lần.

Dùng ngón cái và ngón trỏ véo da vùng gờ trên ổ mắt (dọc cung lông mày) từ trong ra ngoài 5 - 10 lần, làm 2 bên cùng lúc.

Tác dụng: Thư giãn vùng mắt, chống mỏi mắt, giảm căng thẳng.

Động tác 4

Dùng mu đầu ngón tay miết từ đầu trong gờ trên ổ mắt vòng lên trán, theo hình vòng cung ra đến thái dương rồi vòng lên trên ra sau tai, làm khoảng 15 đến 20 lần.

Tác dụng: Giảm căng thẳng, đau đầu.

Động tác 5

Khum các ngón tay lại như chiếc lược, chải tóc từ trước ra sau khoảng 20-30 lần, đầu các ngón tay miết mạnh xuống da đầu để thông kinh mạch vùng đầu.

Động tác 6

Đặt hai lòng bàn tay ở hai bên đầu đối xứng nhau, vỗ nhẹ vòng tròn xung quanh đầu theo chiều kim đồng hồ, hết tầm xoay của tay thì vỗ ngược lại. Khi vỗ, hai điểm tác động luôn phải đối xứng nhau. Làm khoảng 3 - 5 lần.

Khép bàn tay, dùng phần gan bốn ngón tay (trừ ngón cái) vỗ nhẹ trên toàn bộ da đầu theo hướng từ đỉnh đầu ra trước, sang hai bên, ra sau xuống vùng gáy. Làm khoảng 3 - 5 lần.

Thở sâu

Hít thở bằng mũi, căng bụng và cảm nhận không khí tràn qua lồng ngực. Khi thở ra, hãy tưởng tượng một khối sương mù khổng lồ đang thoát khỏi cơ thể bạn. Đó chính là khi sự căng thẳng bốc hơi và chỉ trong 5 nhịp thở, nó sẽ hoàn toàn biến mất.

Đánh thức giác quan quan thứ 6

description

Nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang nằm dài trên chiếc đi văng, nhấp từng ngụm rượu vang thơm ngon. Hãy cảm nhận hương vị rượu nồng nàn và lắng nghe một bản nhạc êm ái, cảm giác thư thái sẽ giúp bạn nhanh chóng quên đi mệt mỏi.

Nghĩ đến niềm vui

Cô bạn thân khen đôi giầy mới? Hôm nay bạn chỉ ăn 2 chiếc bánh quy thay vì ngốn hết cả gói to như mọi ngày? Tuyệt vời! Hãy lập danh sách những điều nho nhỏ khiến bạn mỉm cười, đó chính là khắc tinh của phiền muộn.

“Đập phá”

description


Mua một chiếc búa đồ chơi và đập thật lực vào ghế sofa nhà bạn. Đập phá được coi là một trong những cách xả stress hữu hiệu nhất. Tất nhiên, bạn chỉ nên thực hiện cách này khi đang ở một mình, nếu không bạn sẽ khiến những người xung quanh sợ hãi.

Hãy cho bản thân mình một cơ hội để có cuộc sống vui vẽ các bạn nhé!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases