Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Viêm Xoang - Căn Bệnh Khó Chịu Của Trẻ Em
Cũng như một số bộ phận khác của cơ thể, các xoang mặt chưa trưởng thành hết khi trẻ được sinh ra. Cho đến khi trưởng thành, các xoang này vẫn tiếp tục phát triển. Có thể hình dung, ở trẻ sơ sinh, xoang hàm rất bé, chỉ là một tổ chức xương xốp mong manh, vì thế tình trạng viêm nhiễm rất dễ xuất hiện.
Lúc này, đứng trước các triệu chứng điển hình, rất ít bác sĩ có thể đoán biết được đó là viêm xoang mặt cấp tính, mà chỉ nghĩ tới bệnh viêm tủy xương hàm trên cấp tính hoặc viêm xoang sàng cấp tính mà thôi. Chính vì thế, việc điều trị thường không đúng với tính chất của bệnh.
Khi bị viêm tủy xương hàm trên cấp tính, trẻ thường tắc ngạt mũi kèm theo chảy mủ, xương hàm trên bị sưng tấy, nóng đỏ và rất đau. Trẻ có thể bị sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn…
Đã có một số trẻ bị tử vong chỉ vì không được xử lý tốt khi xuất hiện tình trạng nhiễm độc tại chỗ và nuốt phải dịch mủ của vùng tổn thương. Đối với những trường hợp này, cách điều trị tốt nhất là dùng kháng sinh phổ rộng kết hợp với thuốc chống viêm; nếu đã thành ổ mủ thì phải chích rạch dẫn lưu hoặc nếu đã có lỗ rò thì mở rộng lỗ rò.
Viêm xoang sàng cấp ở trẻ em có đặc điểm là hoại tử rất nhanh. Trẻ có thể bị viêm màng phổi mủ, sốt cao trên 39oC. Khi mắc bệnh này, các triệu chứng của hốc mắt cũng xuất hiện sớm như phù nề mi dưới, vùng rễ mũi bị sưng phồng và rất đau, ngạt tắc mũi và chảy mũi lẫn mủ. ở trẻ đang bú, hay gặp nhất bệnh viêm mũi do biến chứng của viêm xoang sàng, ở trẻ lớn hơn thường gặp viêm xoang sàng và xoang trán, có thể lan xuống cả xoang hàm vì ở trẻ lớn, xoang hàm đã phát triển khá rộng.
Với những trường hợp này, việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng sinh phối hợp với thuốc chống viêm, nếu ở góc trong của mắt đã hình thành túi mủ thì phải chích rạch dẫn lưu. Nếu cả xoang trán cũng bị thì phải mở thông xoang trán với xoang sàng trước nhưng nên để sau một thời gian.
Viêm xoang mạn tính: rất dễ nhầm lẫn
Các bậc cha mẹ rất dễ nhầm tình trạng viêm xoang mạn tính của con mình với bệnh viêm mũi họng mạn tính - bệnh có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm do thiểu năng miễn dịch của đường thở trên hoặc mẫn cảm với dị ứng đặc hiệu.
Bởi, viêm xoang hàm mạn tính ở trẻ em thường ít được chú ý, và nó có biểu hiện giống bệnh viêm mũi mạn tính thường hay gặp về mùa đông: chảy nước mũi lẫn mủ, ngạt tắc mũi, ít khi đau, đôi khi có triệu chứng ho về đêm, có khi lại bị viêm thanh khí quản với các đợt sốt trên 38oC tái phát.
Để khẳng định chắc chắn bệnh, cần khám kỹ lưỡng và chụp phim để thấy các tổn thương. Điều trị viêm xoang mạn tính bằng cách chọc rửa xoang hàm, sau đó bơm vào xoang các thuốc kháng sinh, chống viêm phối hợp điều trị bằng thuốc uống, xông mũi. Nếu điều trị tích cực thì phần lớn trẻ đều khỏi bệnh.
Viêm xoang sàng mạn tính hay gặp ở trẻ em do có liên quan đến viêm mũi mạn tính hoặc viêm mũi họng hoặc liên quan đến cơ địa của trẻ. Nhiều trường hợp xoang hàm đã điều trị khỏi nhưng xoang sàng thì còn viêm dai dẳng do giảm thiểu sức đề kháng, miễn dịch của đường thở trên. ở một số trẻ thường kèm thêm bệnh của đường thở, hay gặp là giãn phế quản.
Điều trị bệnh này chủ yếu bằng cách dùng thuốc, dùng kỹ thuật hút mủ và xuất tiết ở xoang sàng ra, sau đó cho thuốc kháng sinh, chống viêm vào xoang sàng, kết hợp với xông mũi họng. Nếu trẻ bị giãn phế quản và có nhiều xuất tiết đặc, nhầy thì phải hút dịch qua nội soi, dẫn lưu bằng cách thay đổi tư thế của trẻ, khí dung. Có thể tắm và dùng các nước khoáng có chứa lưu huỳnh, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường sống, ăn, ở, sinh hoạt, nâng cao sức khỏe toàn thân…
Trong trường hợp cần thiết có thể dùng nội soi xoang sàng. Việc chỉ định phẫu thuật xoang hàm ở trẻ em cần hết sức thận trọng và chặt chẽ, vì lúc này, xoang hàm chưa phát triển hoàn chỉnh. Nếu thiếu kinh nghiệm trong chỉ định và kỹ thuật xử lý bằng phẫu thuật thì sẽ để lại những di chứng không thể lường trước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net