Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Cường giáp

Cường giáp

Cường giáp là tình trạng có quá nhiều hormon tuyến giáp trong cơ thể. Sự dư thừa nồng độ của hormon giáp làm tăng chuyển hóa (cách sử dụng năng lượng), và tăng nguy cơ bị những bệnh khác như bệnh tim, loãng xương, và những vấn đề gặp trong khi đang mang thai.

NGUYÊN NHÂN

Những nguyên nhân gây cường giáp thường gặp ở người lớn bao gồm:

  • Bướu giáp độc lan tỏa (bệnh Grave, bệnh Basdow)
    • Tăng hoạt toàn bộ tuyến giáp do các kháng thể trong máu kích thích tuyến giáp phát triển và tiết ra một lượng lớn hormon giáp.
  • U độc tuyến giáp:
    • Hiện diện một nốt, hoặc một khối, bên trong tuyến giáp trội hơn các nốt còn lại tăng hoạt động và tiết ra một lượng lớn hormon giáp.
  • Bướu giáp độc đa nhân (bệnh Plummer):
    • Một hoặc nhiều nốt hoặc khối trong tuyến giáp trở nên tăng hoạt.
  • Viêm tuyến giáp bán cấp:
    • Giai đoạn cường giáp trong bệnh viêm tuyến giáp bán cấp do nhiễm virus hoặc do quá trình viêm hậu sản.
    • Do tuyến giáp bị viêm nên nó chế tiết ra một lượng hormon lớn vào trong máu.
  • Cường giáp do thuốc:
    • Cường giáp do Iod
    • Amiodarone (Cordarone)
    • Những thuốc cản quang có chứa iod được dùng trong chẩn đoán hình ảnh.

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng và độ nặng của chúng tùy thuộc vào độ dài và độ lan rộng của tình trạng tăng tiết hormon giáp quá mức và tuổi của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng sau:

  • Căng thẳng và kích thích
  • Đánh trống ngực và tim đập nhanh
  • Không chịu được nóng hoặc tăng tiết mồ hôi
  • Run giật
  • Sụt cân hoặc tăng cân
  • Tăng cảm giác thèm ăn
  • Tăng số lần đi cầu hoặc bị tiêu chảy
  • Phù nề phần thấp ở chân
  • Bị liệt đột ngột
  • Khó thở khi gắng sức
  • Giảm kinh nguyệt
  • Giảm khả năng sinh sản
  • Rối loạn giấc ngủ (bao gồm mất ngủ)
  • Thay đổi thị giác:
    • Sợ ánh sáng hoặc nhạy cảm với ánh sáng
    • Kích ứng mắt kèm với tăng tiết nước mắt
    • Nhìn đôi
    • Lồi mắt
  • Mệt mỏi và yếu cơ
  • Phì đại tuyến giáp
  • Phù niêm trước xương chày (tích tụ dịch bên trong mô xung quanh xương cẳng chân, có thể gặp ở bệnh Basdow)

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Các triệu chứng điển hình và các dấu hiệu thực thể có thể giúp bác sĩ nghĩ đến cường giáp, tuy nhiên có thể cần đến một số xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán và nguyên nhân gây cường giáp.

Những xét nghiệm máu được làm bao gồm:

  • Hormon kích thích tuyến giáp (TSH - Thyroid Stimulating Hormone)
    • Nồng độ TSH sẽ thấp trong cường giáp
    • Xét nghiệm TSH là xét nghiệm nhạy cảm nhất để chẩn đoán cường giáp.
  • Thyroxine tự do (T4 tự do)
    • Hormon tuyến giáp hoạt động trong máu sẽ tăng.
    • Ở những bệnh nhân có tình trạng tuyến giáp không ổn định, nồng độ T4 giúp chẩn đoán chính xác tình trạng tuyến giáp hơn TSH
    • Đối với những trường hợp cường giáp nhẹ, nồng độ T4 sẽ vẫn giữ ở mức cao trong giới hạn bình thường.
  • Xét nghiệm miễn dịch phóng xạ (RIA) Triiodothyronine (T3) hoặc T3 tự do:
    • T3 thường tăng lên mức cao ở những trường hợp cường giáp nặng.
  • Thyroxine (T4)
  • Các tự kháng thể tuyến giáp: kháng thể kháng TSH receptor (TRAb - TSH receptor antibody) hoặc các globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI - Thyroid-stimulating immunoglobulin)
    • Những kháng thể này hiện diện ở hơn phân nửa bệnh nhân bị Basdow và kích thích tuyến giáp phát triển lớn hơn về kích thước.

Nếu các xét nghiệm giúp xác định cường giáp thì những khảo sát về hình ảnh có thể được dùng để xác định rõ hơn nguyên nhân của nó.

  • Chụp tuyến giáp bằng iod phóng xạ - bằng 123I hoặc 99mTc. Bạn sẽ được yêu cầu uống, hoặc nuốt một viên thuốc có chứa iod phóng xạ. Sau đó bạn sẽ chờ cho iod đi vào tuyến giáp, sau đó hình ảnh ghi nhận được sẽ cho biết lượng iod có trong tuyến giáp.
    • Giúp xác định nguyên nhân gây cường giáp và tìm xem có bất kỳ khối u hoặc hạch nào ở tuyến giáp đang sản xuất hormon giáp hay không.
    • Hiện tượng tăng hấp thu iod được phát hiện thấy ở hình ảnh chụp toàn thể trong bênh Basdow (xem hình 1 bên dưới) và ở hình ảnh chụp cục bộ trong nhân độc tuyến giáp (xem hình 2 bên dưới).
    • Hiện tượng giảm hấp thu iod xảy ra trong bệnh viêm giáp bán cấp (xem hình 3 bên dưới).

Cường giáp

Hình 1: Chụp tuyến giáp bằng Iod phóng xạ. So sánh giữa hình ảnh của một bệnh nhân bình thường với một bệnh nhân bị Basdow. Chú ý sự tăng hấp thu toàn thể ở khắp tuyến giáp bị phì đại trong bệnh Basdow.

Cường giáp

Hình 2: Chụp tuyến giáp bằng iod phóng xạ ở bệnh nhân bị bướu giáp độc đa nhân. Lưu ý hình ảnh loang lỗ và tối của các nốt đang chế tiết một lượng lớn hormon giáp. So sánh với hình ảnh bình thường ở hình 1.

Cường giáp

Hình 3: Chụp tuyến giáp bằng iod phóng xạ ở bệnh nhân bị viêm tuyến giáp bán cấp trong giai đoạn cường giáp. Lưu ý có rất ít iod được hấp thu trong tuyến giáp. Hiện tượng này là do quá trình viêm của tuyến giáp gây chế tiết những hormon giáp được dự trữ (gây tăng nồng độ hormon giáp trong máu) và giảm hấp thu iod.

  • Những xét nghiệm dương tính giả: tăng T3 toàn thể và T4 toàn thể hoặc giảm nồng độ TSH.
    • Sử dụng estrogen hoặc đang mang thai có thể làm tăng nồng độ TBG (thyroxine-binding globulin - Globulin gắn thyroxine) làm tăng nồng độ T4 toàn thể và T3 toàn thể, nhưng T4 tự do và T3 tự do bình thường và xét nghiệm độ nhạy cảm TSH cho kết quả bình thường.
    • Tăng thyroxine huyết trong tình trạng tuyến giáp bình thường (là tình trạng hormon giáp tăng mà không có sự hoạt động quá mức của hormon giáp) có thể được cho là tình trạng di truyền do bất thường cầu nối protein-albumin và tiền albumin.
    • Tình trạng đề kháng hormon giáp
      • Tăng nồng độ T4 trong huyết thanh mà không có cường giáp, thường là do di truyền.
    • Sử dụng corticoid, bệnh nặng, rối loạn tuyến yên.
      • Những tình trạng này có thể gây ức chế nồng độ TSH mà không cần có sự hiện diện của bệnh cường giáp.

ĐIỀU TRỊ

Những cách điều trị được nêu ra ở đây dùng để điều trị tất cả các nguyên nhân cường giáp ngoại trừ viêm giáp bán cấp. Viêm giáp bán cấp thường tự thuyên giảm mà không cần điều trị đặc hiệu.

Những phương pháp điều trị đối với cường giáp do bệnh Basdow hoặc bệnh u cục tuyến giáp được chia ra thành cách nhóm A) các phương pháp làm giảm sản xuất hormon giáp và B) các phương pháp điều trị triệu chứng để thay đổi những hiệu ứng gây ra do tình trạng hormon giáp được chế tiết quá nhiều. Mặc dù cách điều trị được phổ biến nhất đổi với bệnh tăng hoạt tuyến giáp là cắt bỏ tuyến giáp bằng iod phóng xạ, nhiều bệnh nhân ban đầu sẽ được điều trị bằng thuốc kháng giáp để làm nồng độ hormon giáp trở về bình thường trước khi cắt bỏ tuyến giáp bằng iod phóng xạ hoặc bằng phẫu thuật. Phẫu thuật được dùng để điều trị cường giáp nếu như bệnh nhân cần giảm nồng độ hormon giáp trong cơ thể xuống một cách nhanh chóng, chẳng hạn như trong trường hợp đang mang thai.

Những cách điều trị làm giảm hormon giáp

Thuốc kháng giáp

  • Methimazole (Tapazole)
  • Propylthiouracil (PTU)
  • Tác dụng: làm giảm sản xuất hormon giáp
  • Chỉ định:
    • Cường giáp do nhiều nguyên nhân
    • Dùng liều thấp để an toàn khi mang thai hoặc trong giai đoạn sau khi sinh lúc cho con bú.
    • Những bệnh nhân lớn tuổi hoặc những bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần phải được điều trị trước bằng thuốc kháng giáp trước khi dùng liệu pháp phóng xạ.
  • Nguy cơ: nổi mẩn da, giảm bạch cầu hạt (tổn thương hệ miễn dịch) và viêm gan.

Iod phóng xạ

  • Tác dụng: phá hủy các tế bào của tuyến giáp có chức năng sản xuất hormon. Đây là cách điều trị cường giáp thường được dùng nhất tại Hoa Kỳ.
  • Chỉ định:
    • Bệnh Basdow
    • Bướu giáp độc đa nhân
  • Chống chỉ định:
    • Trong thai kỳ, nếu sử dụng iod phóng xạ có thể làm phá hủy mô giáp của thai nhi.
    • Những phụ nữ đang cho con bú có thể truyền iod phóng xạ qua sữa đi vào cơ thể đứa trẻ.
    • Sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ được đề nghị không nên có thai trong vòng ít nhất 6 tháng sau.
  • Nguy cơ:
    • Hầu hết những bệnh nhân được điều trị sẽ bị suy giáp và cần phải dùng liệu pháp hormon thay thế đến suốt đời.
    • Những bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh tim sẽ bị gia tăng nguy cơ viêm giáp do 131I (Iod phóng xạ).

Phẫu thuật

  • Đối với những bệnh nhân bị tăng hoạt nốt tuyến giáp: cắt bỏ một phần tuyến giáp có chứa nốt tăng hoạt.
  • Đối với những bệnh nhân bị tăng hoạt toàn thể tuyến giáp có phì đại tuyến giáp kèm theo hoặc không: cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
  • Nguy cơ của phẫu thuật:
    • Hầu hết bệnh nhân sẽ trở nên suy giáp và cần phải điều trị bằng liệu pháp hormon giáp thay thế.
    • Có một tỷ lệ nguy cơ nhỏ bị cường giáp tái phát nếu còn chừa lại một phần lớn tuyến giáp không cắt bỏ.
    • Có một tỷ lệ nguy cơ nhỏ bị tổn thương các cấu trúc gần tuyến giáp, bao gồm các dây thần kinh đến thanh quản và các tuyến điều hòa nồng độ canxi trong máu.

Những cách điều trị làm giảm triệu chứng

Thuốc ức chế beta-adrenergic

  • Ức chế hoạt động của hormon giáp trong cơ thể, làm chậm nhịp tim và giảm triệu chứng run.
  • Không làm thay đổi nồng độ hormon giáp cao trong máu.
  • Các loại thuốc:
    • Propanolol (Inderal)
    • Atenolol (Tenormin)
    • Metoprolol (Lopressor)
    • Nadolol (Corgard)
    • Inderal-LA

Cường giáp do điều trị

Liệu pháp Amiodarone

  • Amiodarone là loại thuốc được dùng để điều trị loạn nhịp tim. Viên amiodarone có chứa iod, và trên 10% những bệnh nhân dùng loại thuốc này gặp những bất thường trong chức năng tuyến giáp.
    • Những bệnh nhân sử dụng amiodarone nên được kiểm tra cơ bản về chức năng tuyến giáp trước khi bắt đầu sử dụng thuốc.
    • Cường giáp do amiodarone type 1 (hiện tượng Jod-Basedow) làm tăng sản xuất hormon giáp do thành phần iod có trong amiodarone.
    • Cường giáp do amiodarone type 2 tương tự như viêm tuyến giáp phá hủy, làm tăng lượng hormon giáp được phóng thích ra ngoài.

Thuốc tương phản dùng trong CT

  • Quá nhiều iod có trong thuốc tương phản có thể làm tăng sản xuất hormon giáp.

TIÊN LƯỢNG

Bệnh cường giáp thường có thể chữa được và hiếm khi gây tử vong. Tuy nhiên có thể xuất hiện biến chứng trong các trường hợp:

  • Cường giáp không được điều trị.
  • Các tác dụng phụ do điều trị, bao gồm iod phóng xạ, phẫu thuật và các liệu pháp hormon giáp thay thế.

Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases