Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Testosterone

Testosterone

Testosterone là một loại hormon corticoid (androgen) được sản xuất bởi một loại mô nội tiết đặc biệt (các tế bào Leydig) của tinh hoàn nam giới.

Sự sản xuất này được kích thích và kiểm soát bởi hormon hoàng thể hóa (LH - Luteinizing Hormone) được tuyến yên sản xuất ra. Testosterone hoạt động theo cơ chế feedback âm tính: khi nồng độ testosterone gia tăng, nồng độ LH giảm xuống, ngược lại, khi làm tăng nồng độ LH sẽ làm giảm nồng độ testosterone xuống.

Nồng độ testosterone chiếm ưu thế vào ban ngày, đạt đến đỉnh điểm vào buổi sáng sớm (khoảng từ 4h00 am đến 8h00 am), và thấp nhất vào buổi tối (khoảng 4h00pm đến 8h00pm). Nồng độ của nó cũng có thể gia tăng sau khi tập thể thao nhưng lại giảm đi theo tuổi. Khoảng 2/3 lượng testosterone có trong máu đến gắn với protein-gắn-kết-hormon-sinh-dục, khoảng gần 1/3 gắn với albumin. Một tỷ lệ nhỏ (khoảng 1-4%) di chuyển tự do trong máu.

Ở nam giới, testosterone kích thích sự phát triển của những đặc điểm giới tính thứ phát, bao gồm sự lớn lên của dương vật, sự phát triển của hệ lông trên cơ thể, sự phát triển cơ, và làm vỡ giọng. Nó hiện diện với số lượng lớn ở nam giới trong suốt tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành để điều hòa ham muốn tình dục và duy trì khối lượng cơ. Testosterone cũng được sản xuất từ tuyến thượng thận ở cả nam và nữ và ở buồng trứng của nữ giới với số lượng thấp. Ở phụ nữ, testosterone được chuyển thành estradiol, là loại hormon giới tính chính của nữ.

Tại sao phải làm xét nghiệm này?
Để xác định xem nồng độ testosterone trong cơ thể có bất thường hay không; ở một người nam giới, giá trị testosterone bất thường có thể giúp giải thích nguyên nhân vì sao người này gặp khó khăn khi cương dương vật (rối loạn cương dương), không thể làm cho người bạn tình có thai (vô sinh nam), hoặc dậy thì sớm hay muộn; ở phụ nữ, giá trị testosterone bất thường có thể giúp giải thích nguyên nhân của sự xuất hiện những đặc điểm giới tính nam ở người này (sự nam hóa), không thể có thai, và nó còn là một marker (chất đánh dấu) chỉ điểm cho sự hiện diện của hội chứng buồng trứng đa nang.

Khi nào cần phải làm xét nghiệm này?
Bạn sẽ được cho đi làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ testosterone trong máu nếu như:

  • Bạn là nam giới và bác sĩ nghi ngờ bạn có thể bị vô sinh
  • Bạn không thể kiểm soát được khả năng cương dương vật của mình
  • Bạn là một thiếu niên chậm phát triển hay phát triển sớm những đặc điểm giới tính trưởng thành
  • Bạn là nữ giới nhưng lại có những đặc điểm của nam giới, chẳng hạn như giọng trầm, mọc lông nhiều, hoặc bị vô kinh hay vô sinh.

Mẫu xét nghiệm
Mẫu xét nghiệm là một mẫu máu được rút từ tĩnh mạch ở cánh tay.

Xét nghiệm này được dùng để làm gì?
Xét nghiệm testosterone được dùng để chẩn đoán một số bệnh ở nam giới, nữ giới, và nam thiếu niên. Những bệnh này bao gồm:

  • Chậm dậy thì hay dậy thì sớm.
  • Giảm ham muốn tình dục ở cả nam lẫn nữa,
  • Rối loạn cương dương ở nam giới
  • Vô sinh ở nam và nữ
  • U tinh hoàn ở nam
  • Những rối loạn ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên
  • Rậm lông và nam hóa ở nữ

Xét nghiệm này được thực hiện khi nào?
Ở nam giới, xét nghiệm thường được thực hiện, thường cùng lúc với xét nghiệm FSH và LH, ở những bệnh nhân có những đặc điểm tuổi dậy thì xuất hiện muộn hoặc chậm phát triển. Tuy rằng ở những người khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau khi bắt đầu dậy thì, thường vào khoảng 10 tuổi, nhưng sẽ có những biểu hiện chung về hormon và cơ thể đặc trưng cho thời điểm bắt đầu dậy thì. Một số triệu chứng biểu hiện tình trạng dậy thì muộn bao gồm:

  • Chậm phát triển khối cơ.
  • Không bị vỡ giọng hoặc không mọc lông trên người.
  • Tinh hoàn và dương vật chậm phát triển hoặc phát triển muộn.

Sự chậm trễ này có thể xảy ra nếu như tinh hoàn không sản xuất đủ progesterone hoặc nếu như tuyến yên không sản xuất đủ LH. Xét nghiệm này cũng có thể được thực hiện ở những trẻ em nam dậy thì sớm với những đặc điểm giới tính thứ phát xuất hiện một cách rõ ràng. Nguyên nhân của tình trạng dậy thì sớm này là do sự gia tăng testosterone từ nhiều loại u và tình trạng tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.

Ở nam giới, xét nghiệm này có thể được thực hiện ở những người nghi ngờ bị vô sinh hoặc ở những người giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn chức năng cương dương vật, tất cả những tình trạng trên đều có thể là kết quả của sự sụt giảm nồng độ testosterone. Một số triệu chứng khác bao gồm thiếu râu và lông trên cơ thể, giảm khối lượng cơ, và tăng sản tuyến vú (nữ hóa tuyến vú).

Ở phụ nữ, xét nghiệm testosterone có thể được thực hiện nếu bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc bị vô kinh, khó có thai, hoặc xuất hiện những đặc điểm giới tính của nam, chẳng hạn như mọc lông mặt và lông cơ thể, rụng tóc, và giọng trầm. Nồng độ testosterone có thể gia tăng do các khối u xuất hiện ở buồng trứng hoặc tuyến thượng thận, hoặc do những bệnh khác chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang.

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm
Giới hạn bình thường của nồng độ testosterone ở nam giới rất rộng và thay đổi tùy theo tình trạng trưởng thành và tuổi tác. Hiện tượng nồng độ testosterone giảm đi khi tuổi ngày càng tăng lên ở nam giới là bình thường. Giảm nồng độ hormon (thiểu năng sinh dục) ở nam giới có thể là do:

  • Những bệnh ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên.
  • Những bệnh di truyền có thể làm giảm sản xuất hormon ở nam giới trẻ (các hội chứng Klinefelter’s, Kallman’s, và Prader-Willi) hoặc suy tinh hoàn và vô sinh (loạn dưỡng trương lực cơ, là một dạng loạn dưỡng cơ).
  • Giảm sản xuất testosterone do những tổn thương mắc phải của tinh hoàn, chẳng hạn như trong những bệnh nhân nghiện rượu, tổn thương thực thể, hoặc bệnh do virus gây ra chẳng hạn như bệnh quai bị.

Sự gia tăng nồng độ testosterone ở nam giới có thể là do:

  • U tinh hoàn
  • U thượng thận sản xuất ra testosterone.
  • Sử dụng androgen (còn được gọi là corticoid đồng hóa)
  • Dậy thì sớm chưa rõ nguyên nhân ở nam giới.
  • Cường giáp
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh.

Ở phụ nữ, lúc bình thường thì testosterone có nồng độ thấp. Nồng độ testosterone gia tăng có thể là biểu hiện của:

  • Buồng trứng đa nang
  • U tuyến thượng thận hoặc u buồng trứng.
  • Tăng sản vỏ thượng thận bẩm sinh.

Những điều khác mà bạn nên biết
Nghiện rượu và bệnh gan ở nam giới có thể làm giảm nồng độ testosterone. Có những loại thuốc, bao gồm androgen và corticoid, cũng có thể làm giảm nồng độ testosterone.
Ung thư tiền liệt tuyến đáp ứng với androgen, do đó nhiều bệnh nhân nam bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn phát triển có thể dùng thuốc làm giảm nồng độ testosterone.
Những loại thuốc chống co giật, barbiturate, và clomiphne có thể làm nồng độ testosterone gia tăng. Những phụ nữ sử dụng liệu pháp estrogen cũng có thể có nồng độ testosterone cao.

1. Nếu nồng độ testosterone của tôi thấp, tôi có thể sử dụng những sản phẩm cung cấp testosterone hay không?
Có thể được. Những sản phẩm cung cấp testosterone, dưới dạng miếng dán hoặc dạng tiêm, có thể làm tăng nồng độ testosterone. Chúng có thể giúp làm giảm bớt một số triệu chứng, ngăn ngừa tình trạng mất cơ, xương ở nam giới khi lớn tuổi. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng và có một mối lo ngại rằng liệu pháp điều trị thay thế bằng testosterone có thể làm gia tăng nguy cơ bị ung thư tinh hoàn.

Mặc dù những bệnh nhân nam bị rối loạn cương dương vật có thể có nồng độ testosterone thấp nhưng trong nhiều trường hợp thì sử dụng testosterone cũng không làm cải thiện những triệu chứng trên do còn có những bệnh ẩn phía sau nữa. Do đó, hãy hỏi ý kiến bác sĩ và được khám đầy đủ để xác định xem cách điều trị nào là tốt nhất đối với bạn.

2. Tôi là phụ nữ, vậy tại sao tôi cần phải làm xét nghiệm testosterone?
Cơ thể phụ nữ cũng sản xuất ra testosterone nhưng với một lượng nhỏ. Nó cần thiết cho sự cân bằng hormon và giúp cơ thể phụ nữ hoạt động bình thường. Nếu cơ thể bạn sản xuất ra quá nhiều testosterone, bạn có thể bị mọc lông nhiều hơn bình thường, chu kỳ kinh không đều, hoặc hoàn toàn không có kinh, hoặc bị vô sinh. Xét nghiệm đo nồng độ testosterone, phối hợp với những xét nghiệm đo nồng độ các loại hormon khác có thể giúp bác sĩ hiểu được điều gì đã gây ra những triệu chứng của bạn.

3. Lượng lông mọc trên cơ thể có tương ứng với lượng testosterone có trong cơ thể tôi?
Có các nghiên cứu đã cho thấy có mối liên quan tương ứng giữa nồng độ testosterone với lượng lông trên cơ thể. Sự mọc lông đáp ứng với testosterone khác nhau ở những phần khác nhau trong cơ thể. Do đó, ở một số người đàn ông, testosterone có thể làm mọc lông ở bụng và lưng trong khi đó làm tóc ít mọc, dẫn đến hói.

Di truyền đóng một vai trò quan trong trong sự biểu hiện của enzyme 5-alpha reductase, là loại enzyme chuyển testosterone thành hợp chất dihydrotestosterone có tác động ảnh hưởng đến hệ lông, do đó đặc điểm hói đầu cũng mang tính di truyền. Thuốc finasteride (propecia) có thể ức chế hoạt động của enzyem 5-alpha reductase, và có thể làm đảo ngược tình trạng hói đầu ở một số nam giới.

4. Testosterone tự do và sinh khả dụng là gì?
Testosterone hiện diện trong máu dưới dạng testosterone tự do (1-4%) và testosterone liên kết. Dạng thứ hai có thể kết nối lỏng lẻo với albumin, là một loại protein huyết tương, hoặc nối kết với một loại protein nối kết đặc biệt được gọi là SSBG (Sex Steroid Binding Globulin - Globulin gắn kết hormon corticoid sinh dục) hoặc SHBG (Sex Hormone Binding Globulin).

Sự nối kết giữa testosterone và albumin không chặt chẽ lắm và có thể rời ra một cách dễ dàng, do đó thuật ngữ testosterone sinh khả dụng (bioavailable testosterone - BAT) dùng để chỉ testosterone tự do và testosterone gắn với albumin.

Hay nói cách khác, nó là những testosterone có trong máu nhưng không gắn kết với SHBG. Người ta đề nghị rằng thuật ngữ testosterone sinh khả dụng nên được dùng để chỉ phần testosterone lưu thông trong máu và sẵn sàng đi vào trong tế bào và phản ánh độ sinh khả dụng của testosterone tốt hơn là cách đo tổng lượng testosterone trong huyết tương thông thường. Ngoài ra, do sự thay đổi về nồng độ của SHBG có thể dẫn đến sự đo lường không chính xác lượng testosterone sinh khả dụng.

SHBG có thể giảm ở những người bị béo phì, nhược giáp, sử dụng androgen, và có hội chứng thận. Sự gia tăng nồng độ gặp ở những bệnh nhân xơ gan, cường giáp, và sử dụng estrogen. Trong những trường hợp đó, đo testosterone tự do tỏ ra có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì testosterone tự do rất khó đo chính xác.

Theo Lab Tests Online - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases