Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Hệ tiêu hóa

Hệ tiêu  hóa

Những thức ăn mà chúng ta ăn vào - táo, bánh pizza, salad - thường có vị rất ngon, nhưng cơ thể không thể sử dụng chúng khi vẫn còn ở trạng thái đó. Chất dinh dưỡng giúp các tế bào của cơ thể phát triển và hoạt động phải tồn tại ở một dạng đơn giản: amino acid, đường đơn và acid béo. Và nhiệm vụ của hệ tiêu hóa là tiếp nhận những chất có cấu trúc phân tử phức tạp trong thức ăn (protein, carbohydrate và chất béo) rồi phá vỡ chúng thành những cấu trúc đơn giản hơn. Tiến trình này được gọi là sự tiêu hóa. Khi sự tiêu hóa hoàn tất, những phân tử đơn giản (chất dinh dưỡng) được hấp thu từ hệ tiêu hóa qua hệ tim mạch và hệ bạch huyết để được chuyên chở đến các tế bào khắp cơ thể.

NHỮNG THÀNH PHẦN CỦA HỆ TIÊU HÓA

Hệ tiêu hóa có thể được chia ra làm 2 phần: một ống cơ dài, uốn khúc được đi theo bởi những cơ quan và tuyến hỗ trợ. Phần ống này được gọi là ống tiêu hóa hay đường tiêu hóa và bao gồm nhiều cơ quan khác nhau bao gồm (theo thứ tự từ trên xuống): miệng, họng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già. Trực tràng và hậu môn tạo nên đầu tận cùng của ruột già. Những cơ quan và tuyến hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa bao gồm: lưỡi, răng, tuyến nước bọt, tuyến tụy, gan và túi mật.

Thành của ống tiêu hóa từ thực quản đến ruột già bao gồm 4 lớp mô. Nằm trong cùng là lớp niêm mạc được bao phủ bởi lớp dịch nhầy có tác dụng bảo vệ ống tiêu hóa khỏi những chất hóa học và các enzyme (là những protein làm tăng tốc những phản ứng hóa học của cơ thể) có tác dụng phân hủy thức ăn và cả những vi sinh vật có trong thức ăn nữa. Bao xung quanh lớp niêm mạc là lớp dưới niêm chứa mạch máu, thần kinh và mạch bạch huyết. Bao xung quanh lớp dưới niêm là 2 lớp cơ giúp thức ăn di chuyển dọc theo ống tiêu hóa. Lớp ngoài cùng là lớp thanh mạc, là một lớp mô sợi ẩm có tác dụng bảo vệ ống tiêu hóa và giúp nó chuyển động trượt lên các cơ quan lân cận.

Miệng

Thức ăn đi vào cơ thể qua miệng, hay ổ họng. Hai môi hình thành và có tác dụng bảo vệ cửa vào của miệng, hai má tạo thành 2 thành bên, lưỡi tạo thành đáy và khẩu cái cứng, khẩu cái mềm hình thành trần của ổ miệng, khẩu cái cứng nằm phía trước, khẩu cái mềm nằm phía sau. Nối với khẩu cái mềm ở phía sau là một cấu trúc nhú ra ngoài giống như ngón tay được gọi là lưỡi gà. Hai hàng răng hình chữ U viền xung quanh miệng, một ở trên và một ở dưới. Ba cặp tuyến nước bọt có nhiều lỗ mở thông vào miệng.

Lưỡi

Lưỡi

Lưỡi dính với sàn miệng bằng một nếp niêm mạc. Ở mặt trên của lưỡi nhô ra nhiều nhú nhỏ chứa những núm vị giác. Gần như toàn bộ lưỡi nằm trong miệng nhưng sàn của nó thì mở rộng cho đến họng. Nằm tại sàn của lưỡi là amydal lưỡi, là một đám mô lympho nhỏ có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng.

Răng

Răng

Con người có 2 bộ răng: răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa nhú lên từ lợi bên trong miệng khi trẻ được 6 tháng tuổi. Vào khoảng 2 tuổi, toàn bộ răng sữa gồm 20 cái được mọc đầy đủ. Từ 6 đến 12 tuổi, chân răng bị hấp thu trở lại vào cơ thể và răng bắt đầu rụng. Chúng được thay thế một cách nhanh chóng bằng 32 chiếc răng vĩnh viễn (răng hàm thứ 3 hay còn gọi là răng khôn, có thể sẽ không mọc vì hàm không còn đủ khoảng trống. Trong những trường hợp này, chúng sẽ mọc ép vào xương hàm và có thể sẽ phải phẫu thuật để lấy ra.

Răng được phân loại dựa vào hình dạng và chức năng. Răng cửa, nằm ngay trước miệng có hình giống cái đục, được dùng để cắt. Răng nanh, nhọn, nằm ngay bên cạnh răng cửa, được dùng để xé hoặc đâm. Răng tiền hàm và răng hàm, nằm phía trong cùng, có đầu phẳng được dùng để nghiền thức ăn.

Mỗi răng bao gồm 2 phần chính: phần mũ và phần chân. Phần mũ là phần trồi ra ngoài khỏi nứu răng; phần chân răng là phần nằm trong hố răng của xương hàm. Lớp ngoài cùng của mũ răng là lớp men trắng được tạo thành bởi canci. Men răng là chất cứng nhất của cơ thể.

Phía dưới men răng là chất màu vàng giống như xương được gọi là ngà răng tạo nên kích thước của răng. Bên trong ngà răng là hốc tủy răng nhận mạch máu và dây thần kinh đi qua một ống hẹp để đến sàn răng.

Tuyến nước bọt

Tuyến nước bọt

Có 3 cặp tuyến sản xuất nước bọt liên tục để giữ cho miệng và họng được ẩm ướt. Cặp lớn nhất, tuyến mang tai, nằm ngay phía dưới và ở trước tai. Kế tiếp là cặp tuyến nước bọt dưới hàm, nằm ở hàm dưới. Cặp nhỏ nhất là tuyến nước bọt dưới lưỡi, nằm phía bên dưới lưỡi.

PAVLOV VÀ CON CHÓ TIẾT NƯỚC BỌT

Ivan Pavlov
Ivan Pavlov

Ivan Petrovich Pavlov (1849 - 1936) là một nhà sinh lý học người Nga (chuyên nghiên cứu và những hiện tượng sinh lý và hóa học trên cơ thể sống) và là người đã đứng đầu những nghiên cứu tiên phong về những hoạt động của hệ tiêu hóa trên động vật có vú. Một thí nghiệm nổi tiếng của ông với chó ("con chó của Pavlov") để tìm hiểu hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng đến sự tiêu hóa như thế nào đã mang về cho ông một giải Nobel về Y học vào năm 1904.

Bị lôi cuốn bởi những hoạt động của hệ tiêu hóa và sự chế tiết của các tuyến, ông đã thực hiện những thí nghiệm rất thú vị. Tại phòng thí nghiệm, ông cắt rời họng con chó ra. Khi nó ăn, thức ăn sẽ rơi vào họng trước khi đi đến dạ dày. Ông phát hiện ra rằng trong khi ăn thì hình ảnh, mùi và sự nuốt thức ăn đã kích thích chế tiết dịch dạ dày. Ông giải thích rằng những sự kiện trên đã kích thích dây thần kinh lang thang làm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến dạ dày.

Ở một nghiên cứu nổi tiếng khác, ông đã thử nghiệm xem có thể biến những phản xạ không điều kiện (diễn ra một cách tự nhiên) của hệ thần kinh trung ương thành những phản xạ có điều kiện được hay không. Ông để ý thấy những con chó thí nghiệm đôi khi chảy nước miếng chỉ vì chúng tiếp xúc với những nhân viên thường hay cho chúng ăn. Pavlov quyết định rung chuông mỗi lần cho chúng ăn. Sau một thời gian, ông rung chuông nhưng không cho ăn. Ông nhận thấy rằng chúng vẫn tiết nước bọt mỗi khi rung chuông cho dù không có đồ ăn. Qua thí nghiệm trên, Pavlov đã chứng minh được rằng những phản xạ không điều kiện (tiết nước bọt và dịch vị) có thể trở thành những phản xạ có điều kiện khi được kích thích bởi một tác nhân (tiếng chuông) mà trước đây không có mối liên hệ nào với sự kiện đó (ăn).

Có những ống tuyến nhỏ có tác dụng đưa nước bọt từ các tuyến đi vào miệng. Các ống từ tuyến nước bọt mang tai mở vào phần trên của miệng, các ống từ tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi đổ vào miệng ở dưới lưỡi.

Hoạt động của các tuyến nước bọt được kiểm soát bởi hện thần kinh tự động, một nhánh của hệ thần kinh có chức năng không ý thức (có nghĩa là những hoạt động mà nó kiểm soát xảy ra mà không cần có sự tham gia của ý thức của chủ thể). Các tuyến sản xuất từ 1 đến 1,5 lít nước bọt mỗi ngày. Mặc dù nước bọt được tiết ra liên tục nhưng số lượng thì khác nhau. Thức ăn (hoặc những thứ khác) bên trong miệng sẽ là tăng sản xuất nước bọt. Hình ảnh hoặc mùi vị của thức ăn cũng làm tăng sản xuất nước bọt.

Nước bọt có thành phần chủ yếu là nước (khoảng 99%) và những sản phẩm thừa, kháng thể và enzyme chiếm một phần nhỏ còn lại. Vào giờ ăn, nước bọt sẽ chứa một lượng lớn những enzyme tiêu hóa giúp phân rã thức ăn. Nước bọt cũng giúp kiểm soát nhiệt độ của thức ăn (làm cho nó nguội bớt hoặc ấm lên), làm sạch bề mặt của miệng và tiêu diệt một số loại vi trùng có trong miệng.

Họng

Hình nhìn từ phía trong của miệng và họng

Họng là một ống cơ nhỏ có chiều dài khoảng 12.7 cm kéo dài từ miệng xuống thực quản và khí quản. Nó chia ra làm 2 hệ thống riêng biệt: hệ tiêu hóa (cho phép thức ăn lỏng và đặc đi qua) và hệ hô hấp (cho phép khí đi qua).

Thực quản

Thực  quản

Là một ống cơ nối họng với dạ dày. Nó dài khoảng 25 cm và có đường kính khoảng 2.5 cm. Ở trong lồng ngực, thực quản nằm phía sau khí quản. Ở đoạn cuối của thực quản, nơi nối tiếp với dạ dày có một vòng cơ rất chặt được gọi là cơ vòng thực quản dưới. Bình thường thì vòng cơ này sẽ co lại để tránh không cho những chất chứa bên trong dạ dày trào ngược trở về thực quản.

Dạ dày

Dạ dày

Dạ dày nằm ở phía bên trái của ổ bụng, ngay phía dưới cơ hoành (một màng cơ chia tách lồng ngực và ổ bụng). Khi dạ dày trống rỗng, nó sẽ có hình dạng chữ J và thành trong của nó sẽ co lại thành những nếp gấp mềm và dài. Khi dạ dày nở ra, những nếp gấp này sẽ dãn ra và biến mất. Cơ chế này giúp cho dạ dày của một người trưởng thành trung bình có thể chứa được khoảng 1,5 lít thể tích.

Phần có dạng vòm đi về phía bên trái ở phía dưới cơ vòng thực quản được gọi là đáy vị. Phần trung tâm lớn nằm chính giữa dạ dày được gọi là thân vị. Phần nối với ruột non của dạ dày (phần cong của chữ J) được gọi là môn vị. Cơ vòng môn vị là một vòng cơ giúp điều hòa thức ăn đi từ dạ dày vào trong ruột non bằng những cử động co và mở khác nhau. Chất hỗn hợp giống như soup từ thức ăn đã được tiêu hóa và dịch tiết của dạ dày được gọi là dưỡng trấp.

Thành dạ dày gồm có 3 lớp cơ trơn. Những lớp cơ này co thắt theo một nhịp đều đặn - thường là 3 lần co trong một phút - để trộn và khuấy những chất có trong dạ dày. Lát mặt trong dạ dày là một lớp niêm mạc. Dịch nhầy, chất lỏng nhờn và đặc được sản xuất bởi các tế bào của lớp màng này giúp bảo vệ dạ dày khỏi sự phá hủy của những dịch tiết của chính nó. Những dịch tiết này - gồm có acid và các enzyme - đi vào dạ dày qua hàng triệu hố cạn mở ra mặt trong của dạ dày được gọi là những hố dịch vị. Các hố này dẫn đến tuyến dạ dày chế tiết khoảng 1,5 lít dịch vị mỗi ngày.

Dịch vị bao gồm HCl và pepsin. Pepsin là một loại enzyme có tác dụng phân rã các protein; HCl giết những vi sinh vật có trong thức ăn và phá vỡ màng tế bào và những mô liên kết trong thức ăn. Acid này đủ mạnh để có thể đục thủng 1 lỗ trên tấm thảm trải sàn, do đó các dịch nhầy được niêm mạc dạ dày sản xuất có tác dụng ngăn chúng không làm tan rã các thành của dạ dày. Ngay cả như vậy thì những tế bào của lớp màng này cũng bị hao mòn rất nhanh chóng, toàn bộ niêm mạc dạ dày được thay thế mới mỗi 3 ngày. Dịch nhầy cũng hỗ trợ cho tiêu hóa bằng cách giữ cho thức ăn luôn ẩm ướt.

HOẠT ĐỘNG CỦA DẠ DÀY

William Beaumont (1785-1853) là một bác sĩ ngoại khoa Hoa Kỳ đã từng phục vụ trong quân đội trong cuộc chiến năm 1812 (1812-1815) tại nhiều chốt ở hậu phương. Tại một trong những chốt mà ông đã làm việc, ông đã quan sát được một thứ mà có lẽ không một ai trước ông đã từng thấy: hình ảnh hoạt động của dạ dày được nhìn từ bên trong.

Vào năm 1882, khi đang làm việc tại pháo đài Mackinac tại bắc Michigan, Beaumont tiếp xúc với một bệnh nhân tên là Alexis St.Martin, lúc đó chỉ mới 19 tuổi, bị bắn vào dạ dày. Viên đạn tạo thành một vết rách sâu ở phía dưới ngực bên trái. Ban đầu, không ai nghĩ anh ta có thể sống sót, nhưng thật kỳ diệu, chuyện đó đã xảy ra. Tuy nhiên, vết thương của anh ta không bao giờ có thể lành hoàn toàn mà vẫn còn một lổ hở rộng khoảng 2.5 cm. Lổ hở này cho phép Beaumont đặt toàn bộ ngón tay vào dạ dày của St Martin.

Beaumont quyết định tận dụng cơ hội này để nghiên cứu hoạt động tiêu hóa của con người. Ông lấy một ít thức ăn, buộc vào một sợi dây rồi đặt nó trực tiếp vào dạ dày của anh lính trẻ nọ. Sau đó ông kéo thức ăn ra ngoài để quan sát những hoạt động tiêu hóa. Sau đó, ông dùng 1 chiếc kính lúp để quan sát dạ dày của St.Martin. Nhờ đó, ông đã quan sát được sự hoạt động của dạ dày con người qua các giai đoạn khác nhau và trong những tình huống khác nhau.

Beaumont đã thực hiện gần 240 cuộc thí nghiệm trên St. Martin. Vào năm 1833, ông công bố những phát hiện của mình trong cuốn Experiments and Observations on the Gastric Juice and the Physiology of Digestion. Đây là một cuốn sách cung cấp những thông tin vô giá về quá trình tiêu hóa của con người.

Ruột non

Ruột non

Ruột non là một cơ quan tiêu hóa quan trọng của cơ thể. Ruột non cuộn thành nhiều vòng trong ổ bụng, và nếu kéo dãn ra nó sẽ có chiều dài khoảng 6m tính từ dạ dày đến ruột già. Tại điểm nối với dạ dày, ruột non có đường kính khoảng 4cm. Đến khi nối với ruột già, đường kính của nó giảm xuống còn 2.5cm. Mặc dù nó dài hơn ruột già rất nhiều, nhưng vẫn bị gọi là "non" vì đường kính của nó nhỏ hơn ruột già.

Ruột non được chia ra làm 3 phần. Phần đầu tiên là tá tràng, có chiều dài khoảng 25cm, gần với dạ dày nhất. Dưỡng trấp từ dạ dày và các dịch tiết từ tụy và gan được đổ vào tá tràng. Phần giữa là hổng tràng, dài khoảng 2.5m. Sự tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng xảy ra chủ yếu ở đây. Phần cuối cùng là hồi tràng, nó là phần dài nhất, khoảng 3.4 m. Hồi tràng kết thúc bởi van hồi manh tràng, là một cơ vòng để kiểm soát lưu lượng dưỡng trấp đi từ hồi tràng đến ruột già.

Mặt trong của ruột non được phủ bởi những nhung mao có hình dạng giống như những sợi vải của khăn bông. Những nhung mao này làm gia tăng đáng kể bề mặt tiếp xúc của ruột non để hấp thu các chất dinh dưỡng. Trong mỗi nhung mao có các mao mạch và mạch bạch huyết. Các phân tử thức ăn đã được tiêu hóa sẽ được hấp thu qua thành của các nhung mao vào trong các mao mạch và mạch bạch huyết. Ở đáy các nhung mao có các tuyến tiết ra dịch ruột. Dịch này có chứa các enzyme tiêu hóa có khả năng chuyển thức ăn thành những dạng cấu tạo đơn giản hơn mà cơ thể có thể sử dụng được. Trung bình có khoảng 1.8 l dịch ruột được tiết ra vào ruột non mỗi ngày.

Cũng như trong dạ dày, lớp dịch nhầy bao phủ bên trên giúp bảo vệ niêm mạc của ruột non. Và vì các enzyme tiêu hóa có tác dụng quá mạnh nên các tế bào niêm mạc này được thay mới hoàn toàn sau mỗi 2 ngày.

Ruột già

Ruột già

Ruột già kéo dài từ đầu cuối của ruột non cho đến hậu môn và dài khoảng 1.5m, đường kính khoảng 7.5cm. Ruột già chia ra làm 3 phần chính: manh tràng, kết tràng và trực tràng.

Từ cecum (manh tràng) có nguồn gốc từ tiếng Latin: caecum, có nghĩa là "mù" (từ "manh" trong tiếng Hán Việt cũng có nghĩa là mù - Y học NET). Manh tràng có hình dạng giống như 1 cái túi tròn và nằm ngay phía dưới khu vực hổng tràng đổ vào ruột già. Dính với manh tràng là ruột thừa có hình dạng như ngón tay với chiều dài trung bình ở người lớn khoảng 9 cm. Ruột thừa vốn là một mô lympho ở tổ tiên loài người nhưng ở trong cơ thể con người ngày nay nó không còn có chức năng nào nữa.

Kết tràng là thành phần chính của ruột già, được chia làm 4 phần: kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng xích ma. Kết tràng lên đi từ manh tràng đi lên dọc theo bên trái ổ bụng cho đến khi gặp gan. Sau đó nó uốn vào trong và trở thành kết tràng ngang, đi ngang qua ổ bụng. Khi đi đến gần lách ở bên trái, nó quay xuống để tạo thành kết tràng xuống. Và khi đi vào khung chậu nó có hình chữ S tạo thành kết tràng xích ma.

Sau khi uốn cong 2 lần. kết tràng xích ma nối tiếp với trực tràng, là một ống thẳng, dài khoảng 15 cm và kết thúc ở hậu môn mở ra ngoài cơ thể. Có 2 cơ vòng để kiểm soát hoạt động đóng mở của hậu môn.

Có khoảng 1.5 lít vật chất dạng lỏng đi qua ruột già mỗi ngày. Ở ruột già không có các hoạt động tiêu hóa diễn ra mà chỉ có sự tái hấp thu nước. Những chất dịch nhầy được các tế bào niêm mạch của ruột già sản xuất giúp đẩy những chất cặn bã đi theo chúng. Do nước càng bị lấy đi khỏi những chất này ngày càng nhiều nên nó kết lại thành những khối mềm được gọi là phân. Phân bao gồm nước, cellulose và những chất không thể tiêu hóa được cùng với vi khuẩn còn sống hay đã chết. Những mảnh thừa của các tế bào hồng cầu bị hư hại làm cho phân có màu nâu. Chỉ có khoảng 85 đến 200 gram phân đặc còn sót lại sau khi ruột già đã hấp thu gần như toàn bộ nước. Chúng được tống xuất ra ngoài cơ thể qua hậu môn, quá trình này được gọi là đi đại tiện.

Tụy

Tụy là một tuyến có hình tam giác, màu hồng, mềm và dài khoảng 15 cm. Nó nằm phía sau dạ dày và kéo dài từ khúc cua của tá tràng cho đến lách. Tụy không chỉ là một thành phần của hệ tiêu hóa mà nó còn tham gia vào hoạt động của hệ nội tiết nữa, tụy sản xuất hormon insulin và glucagon.

Tụy sản xuất ra dịch dụy giúp phân giải cả 3 loại phân tử thức ăn phức tạp ở bên trong ruột non. Các enzyme có trong dịch tụy bao gồm amylase tụy, lipase tụy và trysinogen. Amylase giúp phân giải tinh bột ra thành đường đơn, chẳng hạn như maltose (đường mạch nha). Lipase giúp phân giải chất béo thành acid béo và glycerol (rượu). Trypsinogen là thể bất hoạt (tồn tại ở trạng thái chưa hoạt động) của enzyme trypsin, giúp phân giản protein ra thành các amino acid. Trypsin có tác dụng rất mạnh đến mức nếu như được sản xuất trực tiếp trong tụy thì nó sẽ phân hủy luôn cả cơ quan này, do đó để tránh chuyện này xảy ra, tụy sản xuất ra trypsinogen và sau đó sẽ chuyển thành thể hoạt động (trypsine) ở bên trong tá tràng.

Có các ống rất nhỏ bên trong tụy có nhiệm vụ thu thập dịch tụy ở khắp các mô tụy. Các ống này sau đó hợp lại thành những ổng lớn hơn và cuối cùng kết hợp với nhau tạo thành ống tụy chính chạy dọc chiều dài của tụy để vận chuyển dịch tụy đến tá tràng.

Gan

Gan là tuyến lớn nhất trong cơ thể, có cân nặng khoảng từ 1.4 đến 1.8 kg. Nó nằm bên trái ổ bụng ngay phía dưới cơ hoành. Ở vị trí này, nó nằm lên phía trên gần như toàn bộ dạ dày. Gan có màu nâu đỏ đậm và được chia ra làm 4 thùy không đều nhau: hai thùy trái và phải lớn; và 2 thùy nhỏ hơn nằm ở phía sau.

Gan là cơ quan tối quan trọng của cơ thể. Các nhà khoa học đã khám phá ra được rằng gan có trên 200 chức năng khác nhau trong cơ thể. Trong số các chức năng đó là góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn, tạo các protein huyết tương và các chất làm đông máu, chuyển rượu và thuốc, vốn là những những chất độc cho cơ thể, thành những chất ít có hại hơn, dự trữ vitamin và các nguyên tố kim loại và sản xuất cholesterol.

Một trong những chức năng thuộc về tiêu hóa của gan là sản xuất mật. Mật là một chất lỏng màu vàng xanh có thành phần chủ yếu là nước, muối mật, cholesterol và các loại lipid hay chất béo. Tế bào gan sản xuất khoảng 1 lít mật mỗi ngày. Mật sau đó sẽ di chuyển ra khỏi gan qua ống gan chung. Ống gan chung hợp với ống túi mật ở túi mật để tạo thành ống mật chủ để dẫn mật đến tá tràng.

Ở ruột non, muối mật làm biến đổi chất béo từ những khối cầu lớn thành những giọt nhỏ hơn nằm lơ lửng trong lớp dịch của ruột non. Muốn mật không phải là enzyme do đó nó không tiêu hóa chất béo mà chỉ phá với chất béo ra thành những kết cấu nhỏ hơn, muối mật chỉ có chức năng giúp các enzyme tiêu hóa chất béo trong ruột non.

Túi mật

Túi mật

Túi mật là một túi nhỏ, màu xanh, nằm ở mặt dưới của thùy gan phải, có kích thước khoảng 7.6 đến 10 cm. Chức năng của túi mật là chứa mật, nó có dung tích khoảng 35 đến 50 ml.

Gan sản xuất mật liên tục. Khi không diễn ra sự tiêu hóa, dịch mật sẽ quay ngược trở về túi mật qua ống túi mật. Khi mật đang nằm trong túi mật, nó sẽ bị lấy nước đi và trở nên cô đặc hơn. Khi chất béo đi vào tá tràng, túi mật bị kích thích đến co bóp và tống mật đi ra ngoài.

CHỨC NĂNG CỦA HỆ TIÊU HÓA

Hệ tiêu hóa giúp phân giải thức ăn thành những dạng mà cơ thể có thể sử dụng được qua các cơ chế cơ học và hóa học. Sự tiêu hóa cơ học là quá trình phá vỡ thức ăn ra thành những mảnh nhỏ hơn bằng cơ học, chẳng hạn như quá trình nhai. Những mảnh nhỏ này sẽ được các enzyme tiêu hóa biến đổi từ những phân tử hóa học phức tạp thành những phân tử đơn giản hơn mà cơ thể có thể sử dụng được dễ dàng, đây chính là sự tiêu hóa hóa học, quá trình này đòi hỏi sự có mặt của các enzyme.

Quá trình tiêu hóa diễn ra trong miệng

Thức ăn đưa vào miệng được phân hủy thành những mảnh nhỏ hơn bằng cả 2 cơ chế: cơ học và hóa học. Thông qua quá trình nhai, răng đã xé những mô thịt và sợi của rau quả thành những mảnh nhỏ. Lưỡi giúp thức ăn di chuyển quanh miệng để các loại răng khác nhau có thể cắt, xé hay nghiền chúng ra. Cơ nhai, có thể là một trong những loại cơ mạnh nhất trong cơ thể, giúp răng phân hủy thức ăn chỉ trong vòng vài giây.

Các tuyến nước bọt được kích thích mỗi khi có gì đó xuất hiện trong miệng và sẽ tăng tiết nước bọt (ngoài ra mùi, hình ảnh và vị của thức ăn cũng có thể làm tăng tiết nước bọt). Khi nước bọt trộn lẫn với thức ăn thì các amylase của nó sẽ bắt đầu quá trình tiêu hóa hóa học bằng cách chuyển tinh bột thành đường đơn (maltose).

Khi thức ăn được răng nghiền nát và trộn lẫn với nước bọt, lưỡi sẽ cuộn chúng lại thành những viên thức ăn tròn, mềm và nhão. Chỉ khi nào thức ăn được nén lại thành những viên có cấu trúc thích hợp rồi thì quá trình nuốt mới có thể diễn ra được.

Nuốt

Nuốt

Nuốt là một hành động có cả 2 tính chất: có ý thức và vô thức. Khi thức ăn được nhai và trộn lẫn với nước bọt để tạo thành viên, lưỡi sẽ để thức ăn ra phía sau miệng để vào họng. Đây là hành động có ý thức, con người có thể hoàn toàn kiểm soát được sự di chuyển của viên thức ăn khi nó đang ở trong miệng. Khi viên thức ăn đè lên khẩu cái mềm, khẩu cái mềm và lưỡi gà sẽ đẩy lên để đóng đường thông lên mũi lại giúp ngăn viên thức ăn không chạy lên mũi được.

Khi thức ăn đi vào họng thì quá trình nuốt trở thành 1 phản xạ tự động và không thể dừng lại được. Thanh quản (là phần phía trên của khí quản có chứa dây thanh âm) được đẩy lên, và khi đó một lá sụn có dạng như cái nắp, có tên là nắp thanh quản, sẽ gập lại để che kín lỗ trên cả thanh quản giúp ngăn không cho thức ăn đi vào khí quản.

Đôi khi, có những người cười hay nói trong khi ăn hoặc uống làm lưỡi gà và nắp thanh quản không đóng lại kịp thời được. Nếu lưỡi gà không đóng lại kịp thời, thức ăn hoặc nước sẽ chạy lên mũi. Nếu nắp thanh môn không được gấp lại kịp thời, thức ăn hoặc nước sẽ đi vào khí quản gây ho (là một phản ứng bảo vệ của cơ thể) cho đến khi thức ăn hay nước bị tống ra khỏi khí quản.

Khi thức ăn vào thực quản, các cơ vòng ở thành thực quản sẽ thay phiên nhau co và dãn để tạo thành những chuyển động dạng sóng, đẩy thức ăn đi sâu xuống dần phía dưới. Những chuỗi chuyển động dạng sóng như thế này được gọi là các nhu động. Thức ăn sẽ bị đẩy xuống phía dưới thực quản bất kể tư thế của cơ thể vào thời điểm đó: đang ngồi, đang nằm hoặc đang lộn ngược. Trọng lực giúp thức ăn di chuyển tốt hơn, nhưng nhu động vẫn diễn ra trong tình trạng trọng lực bằng 0.

Một viên thức ăn ẩm tiêu chuẩn cần khoảng 9 giây để di chuyển dọc theo hết chiều dài thực quản. Nếu thức ăn khô thì sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn. Chất lỏng thường di chuyển qua thực quản chỉ mất 1 vài giây, nhanh hơn cả sóng nhu động. Khi viên thức ăn hoặc chất lỏng chạm đến cơ vòng thực quản dưới, nó sẽ đè vào cơ vòng và làm cho nó mở ra. Sau đó thức ăn sẽ được đi vào dạ dày.

Quá trình tiêu hóa ở dạ dày

Dịch vị xuất hiện ở trong dạ dày ngay trước cả khi thức ăn vào đến nơi. Hình ảnh, mùi vị hay thậm chí chỉ cần những suy nghĩ về thức ăn cũng có thể kích thích hệ thần kinh trung ương truyền tín hiệu đến các tuyến của dạ dày để tiết dịch. Khi thức ăn vào đến dạ dày và chạm vào niêm mạc của nó, các tế bào niêm mạc tiết ra gastrin (một loại hormon). Gastrin kích thích sản xuất một lượng lớn dịch vị.

Khi thức ăn đổ đầy dạ dày, nó bắt đầu căng ra. Hiện tượng này kích thích quá trình tiêu hóa cơ học của dạ dày. Các cơ ở thành dạ dày bắt đầu co bóp để nhào trộn thức ăn. Cùng lúc đó, thức ăn cũng được trộn lẫn với dịch vị và quá trình tiêu hóa hóa học bắt đầu. Pepsin, một loại enzyme giúp tiêu hóa protein có trong dịch vị, bắt đầu phân rã những phân tử protein phức tạp. Tinh bột và chất béo ít được tiêu hóa trong dạ dày. Nước, rượu và thuốc, chẳng hạn như aspirin, được hấp thụ trực tiếp xuyên qua thành dạ dày để vào máu.

Khi thức ăn được trộn lẫn và phân giải ra thành dưỡng trấp, nhu động ruột bắt đầu xuất hiện ở phần dưới của dạ dày. Dưỡng trấp di chuyển xuống phía dưới môn vị. Sau mỗi nhát bóp của thành dạ dày, cơ vòng môn vị mở ra một ít giúp một lượng dưỡng trấp đi vào trong tá tràng. Khi tá tràng đầy, thành của nó sẽ căng ra và dạ dày sẽ nhận được một tín hiệu thần kinh để hoạt động chậm lại. Cần tốn khoảng 4 giờ để dạ dày tiêu hóa được hoàn toàn sau một bữa ăn cân bằng. Nếu bữa ăn có nhiều dầu mỡ thì quá trình tiêu hóa tốn khoảng 6 giờ hoặc lâu hơn.

Quá trình tiêu hóa ở ruột non

Khi dưỡng trấp đi từ dạ dày vào ruột non, nó chứa protein và tinh bột chỉ mới được tiêu hóa một phần. Chất béo rất khó tiêu hóa. Dưỡng trấp mất khoảng 3 đến 6 giờ để di chuyển qua hết các vòng và khúc quanh của ruột non, khi đó sự tiêu hóa hóa học bắt đầu gia tăng. Khi dưỡng trấp đi đến cuối ruột non, quá trình tiêu hóa đã hoàn thành được 80%.

Sự hiện diện của dưỡng trấp trong tá tràng kích thích tiết dịch ruột. Các tế bào niêm mạc của tá tràng cũng bị kích thích để tiết ra hormon, và các hormon này kích thích tuyến tụy sản xuất dịch tụy và gan sản xuất mật (túi mật cũng được kích thích để phóng thích mật). Cả hai loại dịch này đi vào trong tá tràng và kết hợp với dịch ruột để tham gia vào quá trình tiêu hóa hay phân rã protein, tinh bột và chất béo.

Nhu động ruột xuất hiện để trộn dưỡng trấp với dịch ruột và di chuyển chúng đi dọc theo ruột. Nước và thức ăn được hấp thu dọc theo chiều dài của ruột non, mà đặc biệt là hổng tràng. Tinh bột, chất béo, protein, và hầu hết vitamin, chất khoáng được hấp thu ở hổng tràng. Những chất dinh dưỡng này đi qua thành của các nhung mao để vào các mao mạch và mạch bạch huyết. Các mao mạch dẫn về những tĩnh mạch nối kết với tĩnh mạch cửa để di chuyển máu giàu chất dinh dưỡng về gan. Mạch bạch huyết mang chất béo dẫn về các mạch bạch huyết lớn hơn có nối kết với hệ thống tĩnh mạch.

Khi thức ăn di chuyển vào hồi tràng, là đoạn cuối cùng của ruột non thì chúngchỉ còn lại một ít nước, những thức ăn không tiêu hóa được (chẳng hạn như mô xơ trong trái cây, rau quả), và vi khuẩn. Chúng được di chuyển vào ruột già qua van hồi manh tràng, van này được đóng lại để ngăn các chất không di chuyển ngược về lại hồi tràng.

Hoạt động tiêu hóa ở ruột già

Ruột già không sản xuất ra các enzyme tiêu hóa, do đó không có hoạt động tiêu hóa diễn ra trong ruột già. Chức năng chính của nó là hấp thu nước và một ít chất khoáng từ những sản phẩm thừa của quá trình tiêu hóa. Nhu động diễn ra ở ruột già rất chậm chạp, các chất cần phải mấy từ 20 đến 24 giờ sau mới có thể di chuyển hết chiều dài của ruột già.

Hàng triệu vi khuẩn sống ở ruột già được nuôi dưỡng bởi những sản phẩm thừa. Chúng sản xuất ra vitamin K và một vài loại vitamin B rồi được hấp thu qua thành ruột già vào máu, sau đó được chuyển về gan. Các vi khuẩn của sản xuất ra hơi ruột - khí methan và hydro sulfide - tạo ra mùi đặc trưng của phân. Lượng khí này có thể gia tăng nếu trong đồ ăn có chứa nhiều tinh bột (chẳng hạn như các loại đậu).

Khi nhu động ruột co bóp tống phân hoặc những chất bã bị nén lại đi từ đại tràng xích ma vào trong trực tràng, thành của trực tràng sẽ căng ra làm kích thích phản xạ tống phân. Tín hiệu thần kinh đi từ tủy sống đến thành đại tràng xích ma và trực tràng làm chúng co lại và các cơ vòng dãn ra. Phân sẽ được tống ra ngoài qua lỗ hậu môn. Cơ vòng ngoài hậu môn có thể kiểm soát được, giúp cho con người có thể trì hoãn quá trình này nếu cần thiết.

MỘT SỐ BỆNH CỦA HỆ TIÊU HÓA

- Biếng ăn: diễn ra ở những phụ nữ trẻ có cảm giác sợ hãi một cách bất thường về chuyện mình có thể trở nên béo phì dẫn đến sự ác cảm đối với thức ăn và ước muốn giảm cân một cách quyết liệt.

- Viêm ruột thừa.

- Hẹp ống mật: tình trạng ống mật di chuyển mật từ gan vào tá tràng bị hẹp bẩm sinh.

- Cuồng ăn: ăn một cách say sưa, và tiếp theo là nôn ói và uống thuốc nhuận tràng quá mức.

- Xơ gan: là tình trạng các tế bào gan bình thường bị tổn thương và thay thế bởi mô xơ.

- Bệnh Crohn: viêm và loét toàn bộ các lớp của thành ruột, đặc biệt là ở ruột non.

- Viêm túi thừa: lớp trong của ruột già phình ra khỏi lớp cơ ở thành, và khi chỗ phình bị viêm dẫn đến tình trạng viêm túi thừa.

- Sỏi mật: những tinh thể rắn đọng lại tạo thành sỏi túi mật.

- Viêm gan: nguyên nhân chủ yếu là do virus.

- Không dung nạp Lactose: cơ thể không có khả năng tiêu hóa một lượng lactose lớn (lactose là một loại đường thường thấy trong sữa).

- Loét: những tổn thương niêm mạc xuất hiện ở phần dưới thực quản, dạ dày hay tá tràng.

- Viêm loét ruột già: viêm và loét ở mặt trong ruột già và trực tràng.

GIỮ CHO HỆ TIÊU HÓA ĐƯỢC MẠNH KHỎE

Cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào hệ tiêu hóa để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết - nước, tinh bột, protein, lipid, vitamin, và chất khoáng - để duy trì sự sống. Nếu hệ tiêu hóa không thực hiện được tốt chức năng này thì toàn bộ cơ thể sẽ gặp vấn đề.

Một lối sống lành mạnh sẽ giúp cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh. Lối sống lành mạnh bao gồm: dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể thao thường xuyên, kiểm soát cân nặng, không hút thuốc, không rượu vừa phải và giảm stress.

Sán xơ mít là một loại ký sinh trùng sống trong hệ tiêu hóa của một số loài động vật. Sán xơ mít có 3 nhóm chính có thể lây nhiễm cho con người. Thường sán xơ mít đi vào cơ thể người do ăn phải thịt bò, thịt heo hay cá sống hoặc nấu chưa chín.

Trứng của sán xơ mít theo phân đi ra khỏi cơ thể. Khi những chất thải chưa được xử lý đúng cách của con người được dùng để bón phân cho đồng cỏ, cây trồng, thì heo và gia súc sẽ bị nhiễm trứng. Chúng cũng có thể bị nhiễm khi uống phải nước đã bị nhiễm. Cá nước trong có thể trở nên bị nhiễm nếu như con người thải phân vào nguồn nước.

Các trứng của sán xơ mít phát triểu thành ấu trùng bên trong động vật và cá bị nhiễm. Khi con người ăn phải thịt của những động vật này mà không nấu kỹ thì họ cũng sẽ bị nhiễm. Sán xơ mít đi dọc theo ruột, bám vào thành trong của ruột bằng những cái móc ở đầu. Nếu không được điều trị, chúng sẽ sống trong đó hàng năm trời, hấp thụ các chất dinh dưỡng qua lớp vỏ ngoài của chúng. Nó có thể phát triển lên đến 9m.

Hầu hết những người nhiễm sán xơ mít không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một vài người cảm thấy đau bụng trên, tiêu chảy, sụt cân không rõ nguyên nhân và yếu ớt. Trứng sán xơ mít và các phần của cơ thể chúng xuất hiện trong phân cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Sán xơ mít có thể được điều trị một cách dễ dàng. Tập cách sống vệ sinh và tránh ăn những thức ăn sống hay nấu không kỹ là những bước quan trọng trong phòng ngừa.

"Tháp thức ăn", do U.S Departments of Agriculture and Health and Human Service phát triển, là một hướng dẫn dễ thực hiện để thực hiện một chế độ ăn hợp lý. Nói chung, chúng ta nên ăn những thức ăn ít chất béo (đặc biệt là những chất béo bão hòa), ít cholesterol và giàu chất xơ. Chất xơ đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa hoạt động của ruột. Chất béo chỉ nên chiếm ít hơn 30% trong tổng lượng calorie đưa vào cơ thể mỗi ngày. Bánh mì, ngũ cốc, mì sợi, trái cây và rau nên là thành phần chính trong bữa ăn hằng ngày; thịt, cá, đậu, phô mai và những loại khác nên chiếm tỷ lệ ít hơn. Uống nước, đặc biệt là nước trắng, có thể giúp thức ăn di chuyển bên trong hệ tiêu hóa dễ dàng hơn.

Tháp thức ăn

Hút thuốc lá kéo dài, uống rượu nhiều và những thức ăn giàu gia vị có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở hệ tiêu hóa. Những chất độc được đưa vào cơ thể qua đường miệng có thể hấp thu qua ống tiêu hóa và di chuyển đến gan làm cho gan có thể phải chịu những tổn thương vĩnh viễn. Nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương cho niêm mạc thực quản, dạ dày và ruột. Khi uống những loại thuốc viên hoặc viên con nhộng luôn cần phải uống thêm nhiều nước kèm theo.

Răng là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa mặc dù nó đôi khi lại bị bỏ qua. Răng bắt đầu toàn bộ chu trình tiêu hóa. Do đó, vệ sinh răng miệng phải được ưu tiên hàng đầu. Cách tốt nhất để tránh sâu răng là phải đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, tốt nhất là sau mỗi lần ăn cơm hoặc ăn vặt.

Theo Free health encyclopedia - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases