Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Suy hô hấp - triệu chứng gây tử vong ở trẻ sơ sinh
Suy hô hấp ở trẻ mới đẻ có tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, nó cần được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời. Các nguyên nhân gây suy hô hấp gồm:
Hội chứng màng trong
Thường gặp ở trẻ đẻ non, trẻ được đẻ mổ trước khi chuyển dạ hay bị ngạt, bị suy thai trong lúc chuyển dạ. Thường triệu chứng suy hô hấp xuất hiện sau đẻ vài giờ trở đi. Suy hô hấp do hội chứng màng trong thường gây những biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết đường tiêu hóa do thiếu ôxy kéo dài, viêm ruột, tắc mật...
Điều trị hội chứng màng trong rất khó khăn và tốn kém. Ở Việt Nam, tử vong do loại bệnh này rất cao. Vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng: quản lý tốt thai nghén, giảm tỷ lệ đẻ non, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những trường hợp suy thai, giảm đến mức tối đa những trường hợp ngạt sau đẻ.
Hít nước ối lẫn phân su
Hay gặp ở trẻ đủ tháng và già tháng, bị suy thai cấp trong lúc chuyển dạ khiến nhu động ruột tăng, thai nhi tống phân su vào nước ối ra. Vì thiếu ôxy nên thai nhi có những động tác ngáp mạnh và đã hít nước ối lẫn phân su vào khí quản, phổi. Với những trẻ đẻ ra trong tình trạng ngạt nặng, sau hồi sức, trẻ có thể thở trở lại nhưng dần dần xuất hiện triệu chứng suy hô hấp. Phân su vào phổi làm tắc các nhánh phế quản, gây xẹp phổi từng vùng. Nếu xử lý không kịp, trẻ dễ bị tử vong.
Nhiễm khuẩn phổi
Trẻ bị viêm phổi bẩm sinh do lây nhiễm từ mẹ hoặc nhiễm khuẩn trong quá trình chuyển dạ. Triệu chứng suy hô hấp xuất hiện phối hợp với bệnh cảnh nhiễm trùng huyết sơ sinh (vàng da sớm và đậm, gan to, lách to, sốt, suy tuần hoàn cấp...).
Tràn khí màng phổi
Thường xuất hiện do vỡ phế nang tiên phát (có liên quan tới bệnh bẩm sinh ở phổi) hay thứ phát (có thể xuất hiện sau các thao tác hồi sức như thông khí bằng mặt nạ - ambu với áp lực mạnh). Đây là một trong những biến chứng không mong muốn trong quá trình hồi sức cấp cứu cho trẻ.
Tắc thực quản, rò khí quản - thực quản
Triệu chứng suy hô hấp xuất hiện ngay lập tức khi trẻ hít nước bọt (nếu lỗ rò cao) hoặc dịch tiêu hóa (nếu lỗ rò thấp), đặc biệt là trong bữa bú đầu tiên. Trẻ tím tái, khó thở dữ dội, có khi ngừng thở vì dịch, thức ăn vào phổi qua lỗ rò. Nếu không chẩn đoán đúng nguyên nhân để xử lý, trẻ sẽ tử vong.
Thoát vị cơ hoành bẩm sinh
Qua lỗ bất thường của cơ hoành, các tạng trong bụng chui vào lồng ngực, chèn ép phổi và tim, đẩy tim sang phía đối diện. Triệu chứng suy hô hấp xuất hiện càng ngày càng nặng thêm, phụ thuộc vào mức độ chèn ép phổi. Đây là trường hợp cần can thiệp gấp bằng ngoại khoa.
Hẹp hoặc tắc lỗ mũi sau
Trong những ngày đầu sau đẻ, trẻ thở chủ yếu bằng mũi. Nếu lỗ mũi sau bị tắc, đường thở từ mũi không thông xuống họng, ở trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng suy hô hấp. Triệu chứng này sẽ mất nếu trẻ há miệng thở. Lúc ăn, trẻ sẽ khó thở hơn nên mút vài cái rồi ngừng để thở, không thể bú liên tục được. Trường hợp này cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng.
Triệu chứng suy hô hấp rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ nên cần được chẩn đoán sớm và xử lý để cứu lấy cuộc sống cho bé càng sớm càng tốt. Để phòng bệnh, các bà mẹ mang thai cần được khám thai và theo dõi thai định kỳ. Khi sinh, phải đến cơ sở y tế, được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên sâu đỡ đẻ. Sau đẻ, cần biết cách theo dõi trẻ, phát hiện những bất thường để xử lý kịp thời.
Theo benhphoi.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net