Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Ho kéo dài - Viêm Phổi Kẽ

Ho kéo dài là tình trạng ho quá 3 tuần. Hơn 90% nguyên nhân của ho kéo dài là do khói thuốc, chảy mũi sau, hen, trào ngược thực quản - dạ dày và viêm phế quản mạn. Ho kéo dài do một nguyên nhân chiếm 1/4 các trường hợp, còn đa số có nhiều nguyên nhân. Ðánh giá ho kéo dài đúng trình tự sẽ giúp hạn chế phải dùng đến các xét nghiệm đắt tiền và phức tạp.

Khi khám bệnh nhân ho kéo dài, trước tiên, bác sĩ cần hỏi xem họ có thói quen hút thuốc, nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất, tiền sử dùng các thuốc có tác dụng phụ gây ho, bệnh sử nhạy cảm đường hô hấp sau nhiễm trùng, viêm phế quản mạn cũng như biểu hiện của một số bệnh nội khoa khác. Sau khám, những bệnh nhân chưa được chẩn đoán xác định, sẽ được cho làm thêm các xét nghiệm, được điều trị theo kinh nghiệm với thứ tự ưu tiên:

(1) Chảy mũi sau,
(2) Suyễn,
(3) Trào ngược thực quản - dạ dày.
Chỉ cho soi phế quản khi bệnh nhân đã được điều trị như trên nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác.

ÐỊNH NGHĨA VÀ XUẤT ÐỘ
Ho kéo dài là khái niệm được dùng để chỉ tình trạng ho quá 3 tuần. Ở người trưởng thành không hút thuốc lá, ho kéo dài chiếm khoảng 14-23% và thường là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế.

Ở người trưởng thành có hút thuốc lá, ho kéo dài chiếm khoảng 17-24% và tần suất mắc bệnh gia tăng tỷ lệ thuận với số điếu thuốc hút trong ngày. Trong tổng số những người hút thuốc lá, có khoảng 25% người hút nửa gói/ngày và 50% người hút hơn 2 gói/ngày có bị ho kéo dài. Cần lưu ý bệnh nhân có thể không cho biết thói quen hút thuốc lá của mình khi đến khám bệnh.

NGUYÊN NHÂN CỦA HO KÉO DÀI
Bảng 1: Các nguyên nhân của ho kéo dài
- Các nguyên nhân thường gặp
Chảy mũi sau.

  • Suyễn.
  • Trào ngược thực quản - dạ dày.
  • Viêm phế quản mạn.
  • Bệnh sử nhạy cảm đường hô hấp sau nhiễm siêu vi.
  • Bệnh sử nhạy các với các thuốc chẹn bê-ta, thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors, beta blockers).
  • - Các nguyên nhân ít gặp
    • Suy tim.
    • Ung thư (thực quản hay phế quản).
    • Viêm phổi kẽ.
    • Giãn phế quản.
    • Lao và các viêm phổi mạn (kể cả nấm).
    • Bệnh phổi di truyền (xơ hóa dạng nang).
    • Viêm phổi do hít (ở người bị tai biến mạch máu não).
    • Tăng áp lực trong ngực: phình động mạch chủ ngực, phì đại tuyến ức, hạch trung thất).
    • Nút ráy tai, dị vật trong ống tai ngoài kích thích các thụ thể ho.
    • Nhiễm trùng cơ hội trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
    • Hạch di căn trung thất.
    • Dị vật đường thở.
    • Nghề nghiệp tiếp xúc chất kích thích.
    • Rối loạn tâm lý.
    Ho kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau ngoài thói quen hút thuốc lá (bảng 1). Một công trình nghiên cứu thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh hô hấp cho thấy nguyên nhân của ho kéo dài có đến 94% là:
    (1) Chảy mũi sau,
    (2) Suyễn,
    (3) Viêm phế quản mạn,
    (4) Trào ngược dạ dày - thực quản.

    Khoảng 82% bệnh nhân ho kéo dài chỉ do 1 nguyên nhân, 18% ho kéo dài do vài nguyên nhân. Ðiều trị đúng nguyên nhân sẽ giúp giải quyết tốt đến 97% các trường hợp ho kéo dài.

    Chúng tôi sẽ giới thiệu một phác đồ giúp tìm nguyên nhân và điều trị ho kéo dài nhanh chóng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp ho kéo dài có nguyên nhân ngoài phổi, tác giả E. Philp đề nghị nên điều trị thử trào ngược dạ dày-thực quản bằng Omeprazole trước khi cho làm các xét nghiệm đo pH để chẩn đoán xác định.

    Càng ngày, cơ chế bệnh sinh của 4 nguyên nhân gây ho kéo dài đã được hiểu rõ hơn, và từ đó hình thành nên một số thay đổi trong phác đồ điều trị; thí dụ, trong ho kéo dài sau viêm đường hô hấp trên, các xét nghiệm tìm nguyên nhân chỉ thực hiện khi bệnh nhân ho kéo dài hơn 8 tuần.
    Trong ho kéo dài, chúng tôi cho rằng việc đánh giá tình trạng bệnh và điều trị bệnh cần thường xuyên thực hiện song song với nhau. Tránh dùng các loại thuốc ho giải quyết triệu chứng và vội vã cho làm các xét nghiệm phức tạp đắt tiền.

    XỬ TRÍ HO KÉO DÀI
    Bệnh nhân ho kéo dài cần được hỏi kỹ bệnh sử liên quan đến các triệu chứng của 4 nguyên nhân thường gây ho kéo dài, cần được khám các vùng thường thể hiện sự liên quan đến phản xạ ho như mũi, vòm họng và phổi.
    Khám kỹ lưỡng đúng qui trình, tìm các nguyên nhân thường gặp lẫn các nguyên nhân hiếm gặp sẽ hạn chế bớt việc phải làm các xét nghiệm phức tạp và đắt tiền. Ða số các trường hợp khám và hỏi bệnh sử có thể tìm được nguyên nhân của ho kéo dài và cho phép bắt đầu điều trị ho theo phác đồ.

    CÁC TÁC NHÂN ÐỘC CHO PHỔI
    Thuốc lá
    Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ho kéo dài; khi ngưng hút thuốc, chứng ho sẽ giảm hẳn và chấm dứt trong vòng một tháng. Vì thế người bệnh nên tìm mọi cách để ngưng hút thuốc.
    Tiếp xúc các chất kích thích do nghề nghiệp

    Ðối với những người có bệnh sử giảm hoặc hết ho khi nghỉ phép hoặc khi rời khỏi môi trường làm việc (nhiều khói bụi, hoặc có hóa chất kích thích), điều này chứng tỏ các chất kích thích của môi trường nghề nghiệp đã gây ra ho. Vì vậy, cần cải thiện môi trường làm việc của bệnh nhân hoặc dùng thêm các dụng cụ bảo hộ lao động mới có hy vọng phòng chống hiệu quả chứng ho.

    Các thuốc có thể gây ho
    Các thuốc ức chế men chuyển (ACE) thường được dùng trong điều trị cao huyết áp và suy tim vì có ít tác dụng phụ. Tuy vậy, vào năm 1985, Sesoko K lần đầu tiên ghi nhận thuốc ACE có khả năng gây ho và ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu xác nhận điều này. Hiện nay, người ta ghi nhận ACE có khả năng gây ho với tỷ lệ 5-20% bệnh nhân sử dụng. Sau khi ngưng dùng ACE, triệu chứng ho giảm rõ rệt. Bệnh nhân bị ho do ACE nên được cho dùng thuốc khác vì ho sẽ tái xuất hiện rất nhanh nếu dùng lại.

    Các thuốc chẹn beta dùng điều trị cao huyết áp, đau thắt ngực, loạn nhịp tim, cường giáp trạng, điều trị dự phòng bệnh thiên đầu thống, tăng nhãn áp. Thuốc nhóm này có khả năng gây ho do làm tăng kháng lực đường hô hấp; điều này đặc biệt rõ rệt ở các bệnh nhân có các bệnh sử tắc nghẽn đường hô hấp (suyễn, khí phế thủng).

    Tình trạng tăng kích thích sau viêm đường hô hấp trên
    Sau viêm đường hô hấp trên thường có ho và ho sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên một số bệnh nhân có ho do tăng kích thích đường hô hấp, có thể kéo dài tới hơn 2 tháng. Nguyên nhân của ho là biểu mô đường hô hấp bị tổn thương khiến các thụ thể trên bề mặt biểu mô đường hô hấp trở nên dễ bị kích thích bởi các tác nhân xâm nhập. Ở các bệnh nhân này, có thể dùng các corticoid khí dung nếu các thuốc kháng histamin không đem lại hiệu quả.

    Tình trạng viêm phế quản mạn
    Trong viêm phế quản mạn, chất nhầy được chế tiết nhiều trên niêm mạc đường hô hấp. Bệnh nhân có bệnh sử ho đàm từ 3 tháng/năm trong ít nhất 2 năm trở lên được gọi là bị viêm phế quản mạn. Bệnh nhân bị viêm phế quản mạn lâu năm thường có biểu hiện của suyễn hay khí phế thủng. Ða số các trường hợp, khói thuốc lá là nguyên nhân chính, song cũng nên chú ý đến môi trường sống và làm việc. Các bệnh nhân này có đáp ứng với các thuốc khí dung Ipratropium (Adtrovent) và các thuốc giãn phế quản kháng Cholinergic. Thuốc có tác dụng giảm tiết chất nhầy, giảm ho tốt hơn các thuốc đối vận beta giãn phế quản.

    Cần chụp X-quang phổi và làm xét nghiệm chức năng hô hấp. Cần làm xét nghiệm lao cho những đối tượng có nguy cơ cao (SIDA, tiêm chích ma túy).

    Việc điều trị nên khởi đầu bằng ngưng hút thuốc, rèn luyện thể dục thể thao, chủng ngừa các bệnh nhiễm trùng phổi. Dùng kháng sinh thích hợp trong thời gian từ 7-10 ngày. Dùng thuốc giãn phế quản thích hợp, nghiệm pháp dẫn lưu chất tiết trong phổi, uống nhiều nước. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau các biện pháp trên, có thể dùng corticoid dạng uống. Trong một số tình huống, điều chỉnh chế độ ăn uống có hiệu quả trong điều trị vì đa số bệnh nhân bị bệnh phổi mạn có suy dinh dưỡng.

    Tình trạng sụt cân và biểu hiện ác tính
    Bệnh nhân bị bệnh nội khoa nặng ít khi chỉ có biểu hiện ho. Cần tìm hiểu các triệu chứng sốt lạnh run, vã mồ hôi đêm (lao), khạc ra máu, sụt cân (K phổi), khó thở khi nằm, phù chân (suy tim). Cần làm các xét nghiệm chẩn đoán hỗ trợ để kết luận bệnh.

    TS. BS. PHẠM KIÊN HỮU
    Theo benhphoi.com

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

    Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

    Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

    Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
    giangduongykhoa.net

    Thống kê truy cập

    Locations of visitors to this page

    MedicineNet Daily News

    Medscape Medical News Headlines

    WebMD Health

    National Institutes of Health (NIH) News Releases