Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs: Sexually transmitted infections) là tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh tật được truyền từ người nọ sang người kia do nhiều tác nhân. Thông thường thì các tác nhân này lây truyền hoặc lan truyền qua hoạt động tình dục (giao hợp qua đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn) không được bảo vệ với người đang mang bệnh STIs. Ngoài ra STIs còn lây qua mẹ truyền cho con khi có thai, khi cho con bú và các dụng cụ tiêm, chích vào da.
Cho đến nay người ta đã tìm thấy hơn 20 bệnh STIs. Các tác nhân gây bệnh rất đa dạng và dễ lây bao gồm: -
Vi khuẩn: Lậu, Giang mai, Hạ cam, Liên cầu B, Lỵ trực trùng…
-
Vi rút: HIV, Viêm gan B, Viêm gan C, Herper, Papilloma…
-
Liên thể vi khuẩn và vi rut: Chlammydia, Ureaplasma, Mycoplasma…
- Ký sinh trùng: trùng roi, rận mu, nấm men….
Dưới đây là Atlats tổng hợp một số hình ảnh và bài viết rõ hơn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục , hy vọng sẽ mang lại cho các bạn những cái nhìn sâu sắc hơn :
( Từ Megasharesvn )
Tham khảo bài viết từ Tư vấn tuổi hoa :
Bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục(STIs) rất dễ lây. Bệnh phổ biến trong mọi giới, mọi nơi, không phân biệt quan niệm và hành vi. Do đó những người dễ bị mắc bệnh STIs thường là:
-
Nam, nữ có hoạt động tình dục không bảo vệ (không sử dụng bao cao su), nhất là lứa tuổi vị thành niên và thanh niên.
-
Gái mại dâm và khách làng chơi.
-
Những người có nhiều bạn tình.
-
Người quan hệ tình dục đồng giới nam.
-
Những người thuộc nhóm dân cư biến động, xa nhà lâu.
- Người nghiện chích ma túy.
Nguồn gây nên các bệnh STIs phần lớn là các dịch sinh dục (Tinh dịch hoặc dịch do âm đạo tiết ra) hoặc máu của người bệnh. Một người lành sẽ bị lây bệnh nếu dịch sinh dục hoặc máu của người bệnh xâm nhập được vào trong cơ thể của người lành qua các hành vi nguy cơ sau:
-
Quan hệ tình dục qua đường âm đạo (dương vật đưa vào âm đạo) không sử dụng bao cao su.
-
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn (dương vật đưa vào hậu môn) không sử dụng bao cao su.
-
Quan hệ tình dục qua đường miệng (đưa dương vật vào miệng hoặc dùng miệng tiếp xúc với bộ phận sinh dục nữ) không dùng bao cao su.
Ngoài ra STIs còn có thể lây qua một số đường khác như:
Đường máu: Do truyền máu bị nhiễm bệnh, dùng chung bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ dùng để cắt, tỉa, xuyên chích qua da hoặc dụng cụ không được xử lý vô trùng với người mang bệnh STIs.
Lây từ mẹ sang con: Có thể xảy ra trong thời gian mang thai, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh (HIV/AIDS).
Tuy nhiên các bạn cũng đừng quá lo lắng vì có những hoạt động thông thường hàng ngày không làm lây lan căn bệnh này như: bắt tay, ôm, sử dụng chung bể bơi, qua mồ hôi, qua hắt xì hơi…
Có một số hành vi tình dục không bao giờ làm lây truyền STIs và tuyệt đối an toàn đó là: Chỉ có sự tiếp xúc phần ngoài của cơ thể - không truyền các chất dịch của cơ thể như tinh dịch, máu, dịch âm đạo hay nước bọt cho bạn tình. Hành vi tình dục này an toàn ngay cả với người bị nhiễm HIV. Các hành vi tình dục an toàn bao gồm cả hôn “khô” (không mở miệng) và ôm. Các bạn có thể thực hiện những hành vi này bao nhiêu cũng được mà không làm tăng nguy cơ lây nhiễm STIs.
Hành vi nguy cơ cao lây nhiễm STIs là những hành vi có khả năng làm lây truyền bệnh từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo, nước bọt hoặc các tổn thương loét của người đã bị mắc bệnh.
Trong đó:
Những hành vi cá nhân nguy cơ cao bao gồm:
-
Thường xuyên thay đổi bạn tình.
-
Có nhiều bạn tình.
-
Giao hợp với bạn tình ngẫu nhiên, với bạn tình của mình hoặc với người làm nghề mại dâm.
-
Đã từng mắc bệnh STIs trước đó.
-
Đổi tình dục lấy tiền bạc, hàng hóa hoặc sự biệt đãi (ưu tiên). Ví dụ như thư ký với xếp.
-
Đổi tình dục lấy ma túy hoặc đổi ma túy lấy tình dục.
-
Sử dụng thuốc làm khô âm đạo.
Những hành vi cá nhân liên kết với nguy cơ bao gồm:
-
Xăm chích da như: xăm mình, xăm mắt, xăm môi, dùng chung bơm kim tiêm, kim châm cứu, dao mổ không vô trùng…
-
Uống rượu bia hoặc dùng ma túy trước khi quan hệ tình dục - vì khi sử dụng các chất kích thích này có thể khiến bạn không sử dụng Bao cao su.
-
Truyền máu.
Những hành vi nguy cơ của bạn tình bao gồm:
-
Giao hợp với người khác. Bạn không có hành vi nguy cơ nhưng vẫn có thể bị nhiễm STIs nếu bạn tình của bạn bị mắc STIs hoặc có hành vi nguy cơ.
-
Bị bệnh STIs. Nếu bạn đã từng mắc bệnh STIs những năm trước, bạn có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh theo cùng cách trước đây nếu bạn chưa thay đổi hành vi của mình trong quan hệ tình dục.
-
Bị HIV/AIDS dương tính.
- Chích ma túy chung bơm kim tiêm.
Thông thường, các bệnh STIs không thể hiện dấu hiệu rõ ràng cho dù là giới nam hay giới nữ, vì thế người mắc có thể không biết rằng mình đã bị mắc bệnh, nhưng họ vẫn có thể làm lây bệnh cho người khác.
Có một số bệnh chỉ cho thấy dấu hiệu của bệnh sau khi đã nhiễm bệnh được hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm trí hàng năm.Ví như bệnh do Chlamydia tới 70% trường hợp không có triệu trứng hoặc người nhiễm vi rút viêm gan B, C hoặc nhiễm vi rút HIV, thường không thấy bất kỳ dấu hiệu gì của bệnh này trong nhiều năm sau khi bị lây nhiễm-Chỉ có làm xét nghiệm (thử máu) mới biết được mình có bị nhiễm bệnh hay không mà thôi!
Tuy nhiên, nếu bạn đã quan hệ tình dục với một người mà bạn không biết chắc là không có bệnh, hoặc sau khi có quan hệ tình dục không an toàn mà cơ quan sinh dục của bạn có những biểu hiện bất thường, bạn nên nghi ngờ tới khả năng là mình mắc bệnh.
Sau đây là một số triệu chứng thường thấy của một số bệnh STIs:
-
Có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật.
-
Hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị ngứa, đau, đỏ, rát hoặc có các nốt, các vết loét bất thường. Các tổn thương này có thể đau hoặc không đau.
-
Tiểu đau, buốt hoặc rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường.
-
Đau bất thường ở vùng bụng dưới mà không liên quan gì tới việc hành kinh.
-
Trên da có nhiều mụn cóc, hoặc các mụn phỏng rộp đau, chảy nước, hoặc có lốm đốm đỏ, hay các u nhọt quanh miệng hoặc cơ quan sinh dục hoặc nổi hạch ở vùng bẹn…
-
Đau nhiều khi giao hợp ở các thiếu nữ hoặc có ra máu sau quan hệ tình dục.
HÃY NHỚ: Nếu bạn có bất kỳ một trong những dấu hiệu trên, hãy lập tức đến các cơ sở y tế khám xem bạn có mắc STIs không, bạn nhé!
Sau đây là một số thông tin thông thường về STIs mà bạn nên biết. Hãy nhìn trong bản ghi nhận dưới đây để tìm ra những triệu chứng thông thường của STIs, hậu quả lâu dài cho giới nam và giới nữ, liệu nó có tăng nguy cơ nhiễm HIV không, và liệu nó có được chữa khỏi không.
Bệnh hạ cam
- Triệu chứng: Ban đầu là một hoặc nhiều mụn mủ hoặc săng rồi nhanh chóng trở thành vết loét đau, mềm, bờ nham nhở, đáy thường có mủ và chất tiết bẩn, dễ chảy máu. Vị trí thường gặp ở nam là bao da qui đầu và rãnh qui đầu, ở nữ thường thấy ở môi lớn, môi nhỏ, âm vật. Vết loét ở trong âm đạo thường không đau mà chỉ thấy có mủ. Hạch một bên sưng to, đỏ và đau (gặp khoảng 50% bệnhnhân), bên trong đầy mủ. có thể vỡ tự nhiên để lại một vết loét lâu lành.
- Thời gian ủ bệnh: Trong vòng 10 ngaỳ.
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Tắc nghẽn niệu đạo, gây khó tiểu.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có
- Nó có được chữa khỏi không?: Có - dùng thuốc kháng sinh.
Bệnh Chlamydia
Đối với Nam:Tiết dịch niệu đạo số lượng ít hoặc vừa, hiếm khi có nhiều. Dịch có thể trong, nhầy, trắng đục hoặc màu vàng. Có khi chỉ biểu hiện ướt hoặc dính ở miệng sáo hoặc không có triệu trứng gì. Thường kèm theo khó đi tiểu, ngứa, dấm dứt trong niệu đạo.
Đối với nữ: Thường không biểu hiện triệu chứng (70%). Thường là bệnh nhân có dịch tiết từ trong cổ tử cung màu vàng hoặc xanh, số lượng không nhiều hoặc có dấu hiệu ngứa âm đạo, đi tiểu khó.
- Thời gian ủ bệnh: Từ 7 đến 21 ngày.
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn.
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Các vết sẹo của ống dẫn trứng dẫn đến vô sinh, có thai ngoài dạ con hoặc gây vớ ối sớm hoặc nhiễm trùng trong khi có thai gây đẻ non, trẻ thiếu cân và trẻ chết.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có
- Nó có được chữa khỏi không?: Có - dùng thuốc kháng sinh.
Bệnh Mụn rộp
- Triệu chứng: Hơn một nửa số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu trứng rất nhẹ. Thường là bệnh nhân cảm thấy đau và ngứa ở sinh dục do có các mụn nước. Các mụn nước này nhanh chóng vỡ ra để lại vết loét nông, đau và các vết này liên kết với nhau thành vết lớn có bờ hình vòng cung. Khi các mụn nước này vỡ, đóng vẩy và mất đi tuy nhiên vi rut vẫn sống bên trong các dây thần kinh và thường tái phát. nhiều lần trong suốt quãng đời còn lại của bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân có tổn thương ở sinh dục ngoài, nhưng có khi tổn thương ở trong niệu đạo gây nên tiểu khó, đau và có dịch trong, nhày.
- Thời gian ủ bệnh: Từ 3-5 ngày.
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Có nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi, gây sẩy thai, viêm màng não- não…
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có
- Nó có được chữa khỏi không?: Không – các điều trị y khoa chỉ nhằm làm giảm đau và hạn chế thời gian bệnh bùng phát.
Bệnh lậu
- Triệu chứng: Đối với Nam thường có các triệu chứng: Mủ chảy từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu vàng đặc hay vàng xanh, đái buốt có thể kèm theo đái dắt. Viêm toàn bộ niệu đạo: đái dắt, đái khó kèm theo sốt, mệt mỏi. Bệnh lậu ở phụ nữ thường không thấy có triệu chứng; tuy nhiên, phụ nữ thường có nhiều dịch màu xanh hoặc trắng chảy ra từ âm đạo hoặc đau bụng dưới, đau khi giao hợp.
- Thời gian ủ bệnh: Từ 2-5 ngày
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh và ống dẫn tinh, vô sinh, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết.
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Viêm tuyến Skène, tuyến Bartholin, viêm vòi trứng, buồng trứng, viêm hố chậu có thể gây chửa ngoài tử cung, vô sinh, viêm hậu môn, trực tràng. Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh-gây mù loà ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có
- Nó có được chữa khỏi không?: Có - dùng thuốc kháng sinh.
Bệnh viêm gan siêu vi B
- Triệu chứng: Bạn có thể bị nhiễm vi rút mà không có biểu hiện gì. Cũng có thể sau khi nhiễm từ 6 tuần đến 6 tháng thì các triệu chứng bắt đầu một cách chậm chạp: Mệt mỏi, đau đầu, ăn không ngon, khó chịu ở bụng, gây buồn nôn, ối mửa và phát ban, sau đó gây nên vàng da vàng mắt, nước tiểu sậm màu…
- Thời gian ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 6 tuần đến 6 tháng
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Bệnh viêm gan mãn tính, sơ gan, ung thư gan, gan mất khả năng hoạt động và có thể gây tử vong.
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Sơ gan, ung thư gan, gan mất khả năng hoạt động, có thể gây tử vong. Có thể lây truyền từ mẹ sang con.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Không
- Nó có được chữa khỏi không?: Không – các triệu trứng có thể được điều trị (tiêm vaccine ngừa bệnh)
Bệnh trùng roi
- Triệu chứng: Thường không xuất hiện triệu chứng bệnh lý.
Giới nữ: Thường có dấu hiệu có khí hư ra với số lượng nhiều, loãng có bọt, màu vàng xanh mùi hôi có thể kèm theo ngứa, đi tiểu khó và đau khi giao hợp.
Giới nam: Đại đa số không có triệu chứng, tuy nhiên một số người bị ngứa dương vật, đi tiểu khó và đi tiểu nhiều lần.
- Thời gian ủ bệnh: Từ 3-28 ngày
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt. vô sinh
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Sinh non, trẻ sinh thấp cân
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có
- Nó có được chữa khỏi không?: Có - dùng thuốc kháng sinh.
Bệnh viêm hố chậu (tiểu khung)
- Triệu chứng: Triệu chứng chính là đau bụng dưới kèm theo đau ở sâu khi giao hợp, ra nhiều khí hư, rối loạn kinh nguyệt, ra máu bất thường không vào ngày có kinh.
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Vô sinh, viêm phúc mạc hố chậu, đau kéo dài, chửa ngoài tử cung, suy yếu cơ thể do viêm mạn tính.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có
- Nó có được chữa khỏi không?: Có - dùng thuốc kháng sinh.
Bệnh nhiễm Virut Papilloma (sùi mào gà)
- Triệu chứng: Thường không có triệu chứng nhưng đôi khi xuất hiện các mụn cóc trong vùng cơ quan sinh dục. Biểu hiện là các u nhú màu hồng tươi, mềm có chân hoặc có cuống, không đau, dễ chảy máu.
Ở nam: Sùi thường thấy ở rãnh qui đầu, bao da và thân dương vật.
Ở nữ: Hay gặp sùi ở âm vật, môi nhỏ, quanh lỗ niệu đạo, tầng sinh môn.
- Thời gian ủ bệnh: Từ 2-6 tháng.
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Ung thư dương vật.
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Không biết.
- Nó có được chữa khỏi không?: Không – Sùi mào gà có thể được lấy đi bằng cách đốt bỏ.
Bệnh giang mai
Triệu chứng: Xuất hiện vết loét không đau lúc đầu nhiễm bệnh (săng giang mai).
Săng có đặc điểm: Là vết chợt nông, đỏ như thịt tươi, không đau, không ngứa, không có bờ, giới hạn rõ, đáy rắn và sạch hình tròn hoặc bầu dục. Bao giờ cũng có viêm hạch kèm theo, hạch ở vùng lân cận, hạch rắn không đau, di động, không làm mủ. Trong đám hạch viêm có một hạch to trội lên (hạch chúa). Thường chỉ có một săng đơn độc và đại đa số là ở sinh dục như: Ở âm hộ, cổ tử cung, dương vật, mũi, miệng, hoặc phát ban không gây ngứa nơi lòng bàn tay và lòng bàn chân, gây sốt và ớn lạnh.
- Thời gian ủ bệnh: Từ 10-90 ngaỳ.
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Nếu không được điều trị, sẽ gây tổn thương ở da, tổ chức dưới da, cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh như: Bại liệt, điếc, mù loà, điên dại và tử vong.
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Nếu không được điều trị, sẽ gây tổn thương ở da, tổ chức dưới da, cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh, lây truyền sang con qua nhau thai gây sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, giang mai bẩm sinh, hoặc mắc các bệnh: Bại liệt, điếc, mù loà, điên dại và tử vong.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có – các vết đau tăng nguy cơ nhiễm HIV.
- Nó có được chữa khỏi không?: Có - dùng thuốc kháng sinh.
Bệnh nấm Candida đường sinh dục
Nữ giới: Bệnh nhân thường ngứa nhiều, do vậy bệnh nhân thường phải gãi làm xây xước âm hộ và làm nấm lan rộng cả tầng sinh môn, bẹn. Khí hư màu trắng đục như váng sữa, không hôi có thể kèm theo đi tiểu khó, đau khi giao hợp.
Nam giới: Thường ít bị bệnh này và cũng có ít biểu hiện triệu chứng. Biểu hiện thường gặp là cảm giác bỏng rát qui đầu, ngứa, qui đầu và bao da đỏ, có nhiều vết rạn nứt và nhiều chất nhày mà vàng trắng.
- Hậu quả lâu dài đối với đàn ông: Viêm niệu đạo
- Hậu quả lâu dài đối với phụ nữ: Viêm âm đạo, có thể lây truyền cho con khi sinh đẻ gây tưa miệng (lưỡi) làm cho trẻ khó bú.
- Nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không?: Có
- Nó có được chữa khỏi không? : Có - dùng thuốc kháng nấm.
Khi bị mắc các bệnh STIs chẳng có gì là vui vẻ vì:
|
Bạn nên biết một nửa số người nhiễm các bệnh STIs không có triệu chứng gì, do đó nếu vợ, chồng, bạn tình của bạn có bệnh ở cơ quan sinh dục, hoặc bạn đã có quan hệ tình dục với một người mà bạn không biết chắc là không có bệnh, hoặc cơ quan sinh dục của bạn có biểu hiện khác thường…bạn nên nghi ngờ là mình bị mắc bệnh.
Nếu như bị mắc bệnh hoặc nghi ngờ rằng mình có thể bị mắc STIs bạn cần:
-
Lập tức đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế (chuyên khoa Da Liễu như: Viện Da liễu, hoặc Bệnh viện Da Liễu, Trạm Da Liễu) để xác định chính xác bệnh lý và điều trị kịp thời bởi các cơ sở này có điều kiện xét nghiệm tốt, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, việc chẩn đoán bệnh chính xác, thuốc được sử dụng đúng, khả năng chữa khỏi bệnh cao.
-
Các bệnh STIs cần được chữa trị đúng cách - Không tự chữa lấy vì triệu chứng giống nhau không có nghĩa là cùng một bệnh, cách điều trị có thể khác nhau, nếu dùng thuốc không đúng, bệnh có thể trở nên nặng hơn không chữa được.
-
Nếu bạn có bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho đơn thuốc, bạn hãy dùng theo đúng chỉ dẫn, đúng liều, đủ thời gian, đừng bỏ thuốc khi thấy đỡ triệu chứng. Khi dùng hết thuốc bạn nên đi khám lại để biết mình đã hết bệnh chưa, nếu còn thì chữa tiếp.
-
Không quan hệ tình dục trong khi bạn đang điều trị bệnh (nếu có QHTD thì cần phải sử dụng bao cao su).
-
Hãy khuyên các bạn tình của mình đi khám và chữa bệnh. Nếu không chữa cả hai người và không dùng bao cao su thì bệnh sẽ lây đi, lây lại chữa sẽ không khỏi, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các bạn, đồng thời còn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người khác.
Để không bị mắc bệnh lại, khi quan hệ tình dục phải luôn sử dụng bao cao su và sử dụng bao cao su đúng cách.
Mặc dù bệnh STIs rất dễ lây nhưng không phải là không có cách phòng tránh chúng. Để tránh lây nhiễm STIs bạn cần phải tránh để dịch hay máu của người khác đi vào cơ thể mình bằng cách:
-
Không quan hệ tình dục trước hôn nhân.
-
Sống chung thủy, thực hiện một vợ một chồng, một bạn tình duy nhất. Không quan hệ tình dục với đối tượng làm nghề mại dâm, với nhiều bạn tình hoặc với bạn tình đang mắc STIs.
-
Luôn sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục.
-
Không truyền máu nếu như máu đó chưa được xét nghiệm sàng lọc virút viêm gan B, HIV/AIDS…
-
Cẩn thận khi phải tiếp xúc với những vật có dính máu tươi hay dịch tiết sinh dục. Không sờ trực tiếp vào máu, tinh dịch hay dịch tiết âm đạo, đặc biệt trong trường hợp tay bạn bị trầy xước, hoặc không để máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ vùng da nào của mình có vết trầy xước hay vết loét.
-
Không dùng bất cứ dụng cụ nào để tiêm, chích qua da nếu dụng cụ đó chưa khử trùng hoặc nghi ngờ chưa được khử trùng- Hãy luôn luôn sử dụng bơm kim tiêm sạch (bơm kim tiêm dùng 1 lần).
-
Đi khám và điều trị sớm khi có bệnh. Cần nhớ là phải điều trị cho cả hai người. Trong thời gian điều trị, tốt nhất không nên QHTD, nếu có phải sử dụng bao cao su. • Cần hiểu biết về cách thức tình dục an toàn.
-
Khám sức khỏe định kỳ 3 hay 4 tháng một lần nếu bạn thường xuyên có thêm bạn tình mới hoặc bạn có nhiều bạn tình mà lại không sử dụng bao cao su.
Hãy nhớ: STIs có thể được phòng ngừa nếu bạn biết cách bảo vệ mình! Hãy dùng bao cao su! Hãy đi xét nghiệm!