Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Nấm họng - thanh quản

Đây là một bệnh cơ hội thường gặp ở những nước nhiệt đới ẩm. Cũng như các bệnh do nấm khác, nấm họng - thanh quản khó chữa vì nấm có một lớp vỏ chitin, rất khó ngấm thuốc. Vì vậy, cần điều trị dài ngày, kết hợp dùng thuốc với việc loại bỏ các yếu tố thuận lợi để bệnh phát sinh.

Niêm mạc vùng họng miệng, thanh quản thường có nấm candida sống hoại sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút hoặc khi thay đổi điều kiện sống tại chỗ (như mất cân bằng vi khuẩn do lạm dụng kháng sinh), nấm sẽ gây bệnh. Bệnh nấm họng - thanh quản cũng có thể xuất hiện do hít phải các bào tử nấm trong không khí hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm nấm.

Bệnh nhân thường ho kéo dài; lúc đầu ho do phản ứng dị ứng của cơ thể với bào tử nấm xâm nhập. Sau đó, do viêm nhiễm, ho chuyển sang có đờm trắng đục rồi vàng xanh. Người bệnh ngứa họng, rát họng. Khàn tiếng xuất hiện thường đột ngột, khi nói không phát ra âm sắc, chỉ nghe thấy phều phào. Triệu chứng này đôi khi xuất hiện sau đợt cảm cúm có sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi. Các triệu chứng này thường không thuyên giảm khi sử dụng kháng sinh.

Bác sĩ khám sẽ thấy niêm mạc họng ít đỏ, lưỡi rất bẩn và hôi, rất nhiều chất nhầy phủ khắp họng, đôi khi có giả mạc. Soi thanh quản thấy có giả mạc trắng xốp dày, dai, bám chắc trên bề mặt dây thanh, khi bóc tách dễ gây chảy máu; hoặc giả mạc xám mủn giống như tổ chức hoại tử.

Có thể chẩn đoán bệnh bằng cách quệt lấy dịch ở vùng họng và lấy giả mạc ở thanh quản, soi tươi tìm bào tử nấm hoặc nuôi cấy. Trong một số trường hợp, cần sinh thiết để tìm tổn thương mô bệnh học.

Tùy theo mức độ bệnh, sức đề kháng của người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp và các thuốc điều trị. Dùng kháng sinh chống nấm toàn thân hoặc tại chỗ, hoặc phối hợp cả hai phương pháp (như dùng clotrimazol, nystatin, amphotericin B, fluconazol...). Tuy nhiên, hầu hết các chất có thể làm suy giảm sự xâm nhiễm của nấm cũng có tác dụng phụ nặng nề đối với cơ thể người bệnh. Vì vậy, việc sử dụng các thuốc chống nấm phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Hầu hết các chủng nấm hoại sinh trong đất và bệnh nấm không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, trừ nấm candida và các loại nấm da. Dịch bệnh có thể bùng phát nhưng thường do tiếp xúc với môi trường chung. Biện pháp phòng tránh chủ yếu là vệ sinh họng thường xuyên bằng các dung dịch kiềm để tránh sự thay đổi môi trường họng, thuận lợi cho sự phát triển của nấm, thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, sử dụng thuốc đúng và hợp lý.

( ThS Phạm Bích Đào, Sức Khỏe & Đời Sống)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases