Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Điếc và cách phát hiện

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bethoven nhà soạn nhạc nổi tiếng, cả thế giới ai cũng biết đến khi bị điếc đã thốt lên:”Sự bất hạnh này của tôi làm nỗi đau tăng lên gấp hai, không ai hiểu được tôi. Tôi không còn những cuộc vui, những cuộc nói chuyện thú vị, không còn những buổi trao đổi kinh nghiệm với các bạn đồng nghiệp. Tôi muốn được hòa nhập với xã hội nhưng căn bệnh của tôi bắt tôi sống như một người bị ruồng bỏ”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy
Trưởng khoa thanh thính học
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM



Ảnh hưởng điếc đối với người lớn đã vậy, nhưng đối với trẻ nhỏ còn nặng nề hơn nhiều, có thể ví như một thảm họa. Nó gây ra các hậu quả liên tiếp. Trẻ nghe kém thường chậm nói hoặc không nói được. Từ đó dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ và gây khó khăn cho việc học tập.

Theo số liệu thống kê của WHO năm 2000, trên thế giới có khoảng 250 triệu người điếc, chiếm 4,2 % dân số. WHO cũng ước tính số người điếc trên 14 tuổi của vùng Đông Nam Châu Á là 63 triệu người.

Riêng ở Việt Nam từ 12/2000 đến 12/2001 Trung tâm Tai Mũi Họng TP.HCM và Viện Tai Mũi Họng thực hiện điều tra “Bệnh tai và nghe kém” tại 6 tỉnh trên cả nước, 3 tỉnh phía Bắc và 3 tỉnh phía Nam, kết quả tỷ lệ điếc khoảng 6% tức là cứ 100 người có 6 người bị điếc. Đây là một tỷ lệ rất cao.


II. ĐIẾC VÀ ĐỘ ĐIẾC

1. Thế nào là điếc ?

- Người điếc là người không có khả năng nghe như người có sức nghe bình thường.

- Có nhiều mức độ điếc khác nhau :

· Nghe bình thường: có thể nghe được cả lời nói thầm

· Điếc nhẹ: chỉ nghe được lời nói bình thường khi đứng cách 1 mét

· Điếc trung bình: Chỉ có thể nghe nói lớn khi đứng cách 1mét

· Điếc nặng: chỉ có thể nghe khi được hét sát vào tai.

· Điếc sâu (rất nặng) : Không nghe được cả những từ hét sát tai = điếc

2. Điếc mức độ nào được coi là tàn tật ?

Người lớn: khi chỉ nghe được tiếng nói lớn hoặc các từ thét lên

Trẻ em: Khó khăn nghe khi giao tiếp bình thường

Vì sao mức độ điếc được coi là tàn tật của trẻ em so với người lớn lại nhẹ hơn ? vì trẻ em cần nghe tốt để học nói và phát triển ngôn ngữ

3. Để hiểu chúng ta nghe như thế nào, trước tiên xin nhắc lại

a. Giải phẫu tai:

- Tai ngoài: vành tai, ống tai ngoài, màng nhĩ

- Tai giữa: chuỗi 3 xương nhỏ (xương búa, xương đe, xương bàn đạp)

- Tai trong: ốc tai, hệ thống tiền đình, thần kinh thính giác

b. Vậy chúng ta nghe như thế nào?

1. Vành tai thu nhận âm thanh truyền qua ống tai ngoài đến màng nhĩ.

2. Âm thanh chạm vào màng nhĩ làm màng nhĩ rung động.

3. Sự rung động này chuyền qua chuỗi xương con đến ốc tai

4. Và làm cho dịch trong ốc tai chuyển động

5. Sự chuyển động của nước nội dịch làm cho các tế bào lông chuyển động từ đó tạo ra các tín hiệu điện rất nhỏ. Những tín hiệu điện này kích thích thần kinh thính giác. Các tế bào lông nằm ở đỉnh ốc tai tạo ra những thông tin âm trầm và các tế bào lông nằm ở đáy ốc tai tạo ra những thông tin âm cao

6. Các tín hiệu điện được truyền qua thần kinh thính giác đến não. Não có bộ phận phân tích những tín hiệu điện này thành các âm.

4. Có mấy loại điếc

4.1 Điếc dẫn truyền:

· Nguyên nhân: bệnh tích nằm ở tai ngoài và tai giữa, ngăn cản đường truyền của âm thanh đến tai trong như nút ráy tai, viêm tai giữa.v.v…

· Mức độ điếc: từ nhẹ đến vừa, có thể điếc tới 60-70 dB

· Một số trường hợp có thể chỉ bị điếc tạm thời.

· Điều trị:Nhiều trường hợp tùy theo nguyên nhân, có thể bằng thuốc hay phẫu thuật

· Máy nghe đối với dạng điếc này rất tốt

4.2 Điếc tiếp nhận ốc tai

· Nguyên nhân: bệnh tích nằm ở tai trong làm âm thanh truyền đến tai trong không biến đổi được thành các xung điện ví dụ như điếc già (lão thính) , Điếc nghề nghiệp (các tế bào của ốc tai bị hư hại do tiếng ồn), điếc do nhiễm khuẩn hoặc virus (quai bị, viêm màng não, giang mai…)

· Mức độ điếc: nhẹ, vừa, nặng, sâu, thậm chí điếc hoàn toàn

· Thường là điếc vĩnh viễn

· Điều trị: Tùy theo nguyên nhân, một số trường hợp có thể điều trị thuốc. Giải phẫu không tác dụng.

· Máy nghe: có thể giúp trong các trường hợp điếc nhẹ đến nặng

· Cấy điện ốc tai rất tốt trong các trường hợp điếc nặng và sâu

4.3 Điếc thần kinh sau ốc tai : rất hiếm

· Nguyên nhân: dây thần kinh thính giác không có hoặc bị hư hại vì thế tín hiệu không thể đưa lên não (u dây thần kinh thính giác. Tổn thương ở thân não (tắc mạch,u, nhiễm khuẩn, xơ cứng rải rác). Tổn thương ở vỏ não (viêm não, viêm màng não, chấn thương, xuất huyết, tắc mạch, u, thiếu máu…)

· Máy nghe: có tác dụng rất ít

· Cấy điện ốc tai: không ích lợi gì

· Cấy điện thân não: có thể giúp ở vài trường hợp

4.4 Điếc hỗn hợp: thường hay gặp

· Nguyên nhân: có thương tổn tai ngoài, hoặc tai giữa, hoặc cả tai ngoài và tai giữa với thương tổn tai trong

· Đặc điểm: có cả đặc điểm của điếc dẫn truyền lẫn đặc điểm của điếc thần kinh ốc tai.


III. NGUYÊN NHÂN ĐIẾC VÀ PHÒNG NGỪA

1. Các nguyên nhân trước và trong sanh

1.1.Di truyền: điếc truyền lại trong dòng họ và gia đình

1.2.Trong thời gian mang thai :

· Mẹ bị bệnh: sởi hoặc các bệnh virút khác

· Mẹ dùng thuốc có hại cho tai: quinin, streptomycin v.v

· Bệnh truyền qua đường sinh dục: giang mai

1.3.Trong sanh và ngay sau sanh

· Sanh: non, thiếu tháng

· Sanh khó: hút, mổ

· Sau sanh: ngạt, vàng da

Các biện pháp phòng ngừa điếc trước và trong sanh:

· Có chương trình thực hiện tiêm phòng một số bệnh trong cộng đồng trong đó có ngừa sởi

· Khám phát hiện và điều trị bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai,

· Cần phải thận trọng khi ghi đơn thuốc cho phụ nữ mang thai vì có một số loại thuốc gây ngộ độc tai.

· Chăm sóc tốt từ khi mới mang thai đến khi sanh sẽ là điều kiện tốt nhất để sanh ra một em bé khỏe mạnh.

· Trẻ sanh ra bị vàng da cần được điều trị

2. Các nguyên nhân sau sanh

Bệnh trẻ em

Sởi, quai bị, viêm màng não

Nhiễm trùng tai

Viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nhiễm trùng tai trong

Thuốc có thể gây ngộ độc tai

Thuốc kháng sinh: streptomycin, gentamycin

Thuốc chống sốt rét: Kinin, chloroquin

Tiếng ồn

Làm việc trong môi trường ồn liên tục, trong tiếng nhạc lớn, hoặc tiếp xúc các tiếng nổ lớn

Tai nạn

Chấn thương đầu, chấn thương tai

Tuổi già

Khi tuổi càng lớn, hệ thống thính giác cũng bị lão hóa và gây điếc

Nút ráy tai

Cản trở đường truyền âm thanh có thể gây điếc ở bất cứ tuổi nào

Tai có dịch

Viêm tai giữa thanh dịch là nguyên nhân thường gặp gây nghe kém ở trẻ em

Các biện pháp phòng ngừa điếc sau sanh:

· Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia

· Khám phát hiện và điều trị bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai,

· Cần phải thận trọng khi ghi đơn thuốc cho trẻ em vì có một số loại thuốc gây ngộ độc tai.

· Điều trị sớm các nhiễm trùng tai

· Gíáo dục cho cộng đồng về tác hại của tiếng ồn

· Trẻ sanh ra bị vàng da cần được điều trị

· Khuyến khích người dân mang nón bảo hộ khi đi xe máy


IV. ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC:

A. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHE ĐỐI VỚI TRẺ EM

1. Nghe tốt rất quan trọng trong việc học nói

2. Nghe tốt và nói tốt rất quan trọng trong giao tiếp

3. Giao tiếp tốt rất quan trọng đối với việc học ở nhà và ở trường

4. Học tốt giúp cho trẻ phát triển năng lực một cách toàn diện

Trẻ có sức nghe bình thường, lúc đầu phát ra những âm ngẫu nhiên, rồi uốn nắn dần theo khuôn mẫu các âm phát ra từ người xung quanh. Sau nhiều lần nghe, tập nói theo trẻ bắt đầu lập lại được những từ dễ nhất. Cứ như thế ngôn ngữ được hình thành theo chu kỳ nghe - phát âm.

Trẻ điếc nặng không nghe được các âm tự mình phát ra và các âm xung quanh mình vì vậy không học nói được. Không những tiếng nói không hình thành, ngôn ngữ không phát triển mà trẻ còn bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Trẻ điếc bị ngăn cách với bên ngoài vì không nghe được, nói được. Do thiếu giao tiếp trẻ bị cô lập với thế giới bên ngoài và dẫn tới rối loạn về tâm lý, thiếu quan hệ xã hội, kiến thức về thế giới bên ngoài nghèo nàn. Trẻ điếc thường bồn chồn, lo lắng, khổ sở trước các tình huống bất ngờ không được chuẩn bị, không hiểu nỗi ý nghĩ của người khác và cũng không bộc lộ được ý muốn của bản thân. Từ đó mỗi trẻ phản ứng một cách khác nhau: cáu kỉnh, hay gây gỗ, hoặc lãnh đạm thờ ơ, tính khí thất thường. Cách xử sự của gia đình như quá thương cảm rồi nuông chiều hay ghét bỏ lạnh nhạt đều làm cho tình trạng ngày càng xấu hơn

Vì những tầm quan trọng trên trẻ em từ khi mới sanh đến khi thành trẻ lớn phải thường xuyên được kiểm tra thính lực (sức nghe).

Nhà bảo sanh,trạm xá, khoa sản và khoa nhi của các bệnh viện huyện tỉnh là những địa diểm tốt để thực hiện việc đánh giá sức nghe cho trẻ.

Cần phải đưa các phương pháp đánh giá sức nghe đơn giản vào nội dung đào tạo nhân viên y tế và giáo viên

B. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ SỨC NGHE

Tổ chức y tế thế giới đề nghị sử dụng 2 phương pháp để đánh giá sức nghe

- Sử dụng máy đo thính lực (audiometer)

- Sử dụng giọng nói (voice test)

Độ điếc

Máy đo TL

Giọng nói

Xử trí

bình thường

£ 25 dB

Nghe được tiếng nói thầm


Nhẹ

26-40 dB

Nghe và nhắc lại giọng bình thường cách 1 mét

Có lúc cần máy nghe

Trung bình

41-60 dB

Nghe và nhắc lại giọng lớn cách 1mét

Cần máy nghe thường xuyên

Nặng

61-80 dB

Nghe 1 số từ hét lớn vào tai

Cần máy nghe thường xuyên. Nếu không có thì phải dạy đọc hình môi và ra dấu

Sâu

³ 81 dB

Không có khả năng nghe và hiểu cả tiếng hét vào tai

Máy nghe có thể giúp phần nào. Phải có huấn luyện phục hồi thêm. Đọc hình môi và ra dấu là chủ yếu


1. ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC BẰNG MÁY ĐO THÍNH LỰC

Máy để kiểm tra độ điếc gọi là máy đo thính lực (audiometer). Có nhiều loại máy đo thính lực khác nhau. Có loại đơn giản chỉ để khám tầm soát điếc. Có loại máy phức tạp để xác định không những mức độ điếc mà còn xác định các dạng điếc Hiện nay ở nước ta, chỉ có một số bệnh viện lớn có loại máy này.


2. ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC BẰNG GIỌNG NÓI

Tại gia đình và ở hầu hết các cơ sở y tế tuyến dưới không có dụng cụ để kiểm tra thính lực vì thế có thể dùng giọng nói để phát hiện điếc. Các bước tiến hành:

Đứng cách bệnh nhân 1 cánh tay ra phía sau,

chếch về 1 bên

¯

Yêu cầu bệnh nhân đè lên nắp tai bên kia

¯

Lần lượt nói thầm nhiều từ

¯

Nếu bệnh nhân nhắc lại đúng,

tai đang thử Þ nghe bình thường

¯

Đổi tai thử

¯

Nếu bệnh nhân không nhắc lại được, tiếp tục thử bằng cách phát ra nhiều từ ở giọng bình thường

¯

Nếu bệnh nhân nhắc lại đúng,

tai đang thử Þ điếc nhẹ

¯

Đổi tai thử

¯

Nếu bệnh nhân không nhắc lại được, tiếp tục thử bằng cách phát ra nhiều từ ở giọng nói lớn

¯

Nếu bệnh nhân nhắc lại đúng,

tai đang thử Þ điếc trung bình

¯

Đổi tai thử

¯

Nếu bệnh nhân không nhắc lại được tiếp tục thử bằng cách hét ra nhiều từ ở sát tai

¯

Nếu bệnh nhân nhắc lại đúng,

tai đang thửÞ điếc nặng

¯

Đổi tai thử

Bệnh nhân thậm chí tiếng hét lớn cũng không nghe thì bị điếc sâu hay còn gọi là điếc


3. ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC TRẺ EM NHỎ

Đối với trẻ em nhất là trẻ nhỏ, mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc là người có thể biết tốt nhất trẻ có nghe được hay không. Trẻ phát triển bình thường, ở mỗi độ tuổi khác nhau có thể có những biểu hiện khác nhau với âm thanh. Vì vậy, chúng ta cần phải nắm được quá trình này.

Tuổi (tháng)

Đáp ứng với âm thanh

<>

Một vài dấu hiệu như mở mắt, chớp mắt

6

Quay đầu hoặc mắt nhìn theo hướng phát âm thanh

9

Lắng nghe và tự phát ra các loại âm từ lớn đến nhỏ

12

Biết tên mình và một số từ, bắt đầu bập bẹ nói

18

Biết chỉ một số đồ vật quen thuộc khi được yêu cầu, biết nói một số từ đơn giản

24

Có thể nghe những từ rất nhỏ và hướng của nó, có khả năng nói những câu đơn giản

BẢNG CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ SỨC NGHE CỦA TRẺ

Từ đáp ứng của trẻ nghe bình thường đối với âm thanh chúng ta có bảng câu hỏi để đánh giá sức nghe của trẻ như sau:

Tuổi (tháng)

Câu hỏi

không


<>

Con của bạn có mở mắt, nhắm mắt khi nghe tiếng động? Bé có vẻ như lắng nghe khi bạn nói hoặc hát không?



6

Con của bạn có nhìn theo hoặc quay đầu theo hướng phát âm thanh không? Bé có vui khi bạn nói chuyện với nó không?



9

Con của bạn có nghe được âm rất nhỏ không? Có thích bập bẹ hay tạo ra các âm khác không?



12

Khi bạn gọi tên, con của bạn có biết không? khi bạn nói tên một số đồ chơi bé có biết không? Có bắt đầu bập bẹ vài từ không?



18

Khi bạn yêu cầu con của bạn cầm lên hay chỉ một đồ vật gì bé có làm theo không? Có biết sử dụng một số từ đơn giản không?



24

Con bạn có nghe được ngay cả khi bạn nói nhỏ không? Có biết nói những câu đơn giản với bạn không?



Nếu có câu hỏi nào trả lời không, có thể đứa trẻ này bị nghe kém. Cần giải thích với bố mẹ và giới thiệu trẻ đến nơi có máy móc đặc hiệu để chuẩn đoán xác định.


4. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC TRẺ SƠ SINH

Phương tiện: - Phòng yên tĩnh

- Dụng cụ: Gịong nói

- 01 người, tốt nhất là nữ, nếu là mẹ thì tốt nhất

Các bước tiến hành:

- Bé vừa mới ngủ không quá 5 phút

- Người thử: nói lần lượt năm chữ cái: A, I, M, X, S cách tai thử của bé 50 cm

- Đánh gíá bé nghe được hay không bằng cách quan sát phản ứng của bé với tiếng động: chớp mắt, mở mắt, vặn mình, cử động chân tay.

- Bé có phản ứng với âm thử có nghĩa bé nghe bình thường.


5. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC TRẺ 1-3 TUỔI

Phương tiện: - Phòng yên tĩnh

- Dụng cụ: lục lạc, ly, thìa, trống, chuông

Các bước tiến hành:

- Điều quan trọng là người thử phải đứng cách 1mét phía sau lưng bé không được để bé biết và tạo ra tiếng động từ các dụng cụ thử.

- Đánh gíá bé nghe được hay không bằng cách quan sát phản ứng của bé với tiếng động: chớp mắt, lắng nghe, quay đầu về nơi phát ra tiếng động.

- Bé có phản ứng với những tiếng động nhỏ của lục lạc hay tiếng cà ly có nghĩa bé nghe bình thường.


6. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC TRẺ 3-7 TUỔI

Phương tiện: - Phòng yên tĩnh

- Dụng cụ: một số tranh hình dơn giản

Các bước tiến hành:

- Người thử ngồi đối diện với bé, nói ra tên các hình để bé nghe và chỉ vào thực hiện cho đến lúc bé hiểu cách thử.

- Sau đó người thử đứng phía sau nói thì thầm tên các hình, mỗi hình nói từ 2-3 lần cho đến lúc chắc chắn bé nghe được .

- Đánh gíá bé nghe được hay không bằng cách quan sát bé có chỉ đúng hình được nói ra hay không.

- Nếu không có tranh, có thể yêu cầu bé chỉ đồ vật quen thuôc trong phòng thử như bàn, ghế, bút, cửa v.v…hay chỉ các bộ phận cơ thể như tóc, tai, tay, mũi, miệng v.v…

- Nếu nói thầm bé chỉ không đúng thì dùng giọng nói thường, nếu không đúng nữa thì dùng giọng nói lớn, rồi đến hét lớn gần tai. Từ đó, ta có thể đánh giá sơ bộ bé điếc nhẹ, trung bình, hay nặng ...


V. PHÁT HIỆH SỚM VÀ CAN THIỆP SỚM

Khi bị điếc, cần phải được can thiệp sớm. Muốn can thiệp sớm thì phải phát hiện được sớm. Can thiệp càng sớm bao nhiêu thì tác hại của điếc giảm đi bấy nhiêu. Tùy theo từng loại điếc và nguyên nhân gây ra mà chúng ta can thiệp.


1. Điều trị bằng thuốc hoặc thủ thuật, phẫu thuật


- Tai ngoài: Có nhiều bệnh nhân sau khi đi tắm biển về hoặc sau khi tắm gội bị điếc luôn một hoặc hai tai, đó là do ráy tai bị nở ra bít kín đường truyền âm thanh đến màng nhĩ. Đối với những trường hợp này chỉ cần lấy ráy tai ra bệnh nhân sẽ nghe lại bình thường.

- Tai giữa: tắc vòi nhĩ hoặc viêm tai giữa thanh dịch nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai giữa thủng nhĩ. Lúc này muốn tăng sức nghe lên không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn phải thực hiện phẫu thuật vá nhĩ.

- Tai trong
: Điếc đột ngột, bệnh nhân thường bị điếc sau một đêm ngủ dậy. Đây là bệnh không gây tử vong ngay như các bệnh cấp cứu khác nhưng cũng là một trong các bệnh cấp cứu tai mũi họng, vì kết quả điều trị rất khác nhau nếu ngay 1 ngày sau điếc hay một tuần sau mới điều trị.

Sau điều trị thuốc và phẫu thuật mà sức nghe đã cải thiện vẫn không đáp ứng được giao tiếp bình thường thì phải có thêm trợ thính bằng máy nghe hay cấy điện ốc tai


2. Cho bệnh nhân mang máy nghe.

Tất cả các trường hợp điếc nhẹ và điếc trung bình, thậm chí điếc nặng và điếc sâu mà không có đủ khả năng kinh tế để cấy điện ốc tai đều nên mang máy nghe càng sớm càng tốt. Những người điếc nhẹ và điếc vừa nếu không can thiệp sớm sẽ ảnh hương đến sinh hoạt và công tác hàng ngày vì không giao tiếp tốt. Nếu để lâu không can thiệp, tiếng nói có thể bị méo. Không nghe được tốt và hiểu người khác cũng không tốt, dần dần họ trở nên cô lập, tâm sinh lý thay đổi và sức khỏe cũng ảnh hưởng.


3. Cấy điện ốc tai:

Bệnh nhân điếc nặng và sâu, máy nghe cũng không giúp được cho họ nữa thì có chỉ định cấy điện ốc tai. Đối với trẻ điếc bẩm sinh và điếc trước ngôn ngữ, thời gian bắt đầu mang máy nghe hoặc cấy điện ốc tai rất quan trọng, muốn đạt kết quả tốt nhất phải thực hiện trước 5 tuổi, tuổi thích hợp nhất là từ 2 đến 3 tuổi vì đây là giai đoạn học nói của trẻ.

Đối với người điếc nặng và sâu, sau khi có ngôn ngữ nếu không được can thiệp sớm dây thần kinh thính giác 15-10 năm không hoạt động khi có âm thanh trở lại nó cũng không truyền tải thông tin tốt đến vỏ não vì vậy dù có được cấy điện ốc tai kết quả cũng kém xa những người được cấy ốc tai sau 1,2 năm điếc. Tại bệnh viện Tai mũi họng, trong 3 năm qua có thực hiện 9 trường hợp cấy điện ốc tai, kết quả khả quan. Trẻ nghe được tốt và đang trong thời gian tập nói.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases