Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
21 tháng 1, 2011 / Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Quả dứa có tác dụng chữa cao huyết áp
Phù thũng do viêm thận, viêm khí quản, cao huyết áp…, những bệnh này đều có thể được cải thiện nhờ quả dứa.
Chữa cao huyết áp, phù thũng: Dứa gọt vỏ vắt lấy nước, mỗi lần uống 30 ml với nước sôi để nguội, ngày 2 – 3 lần.
Chú ý: Dứa dễ gây phản ứng cho một số người quá mẫn cảm. Để tránh xảy ra ngộ độc dứa, trước khi ăn cần gọt sạch, cắt miếng, ngâm vào nước muối nồng độ 1%, sau 20 phút mới ăn, tuyệt đối không ăn quá nhiều dứa khi đói.
Những người viêm loét đường tiêu hoá, người mắc bệnh gan hoặc thận nặng, chức năng đông máu kém không nên ăn dứa
Theo caohuyetap.com
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
http://giangduongykhoa.net
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
6 mẹo hay trị bệnh huyết áp cao
1. Ăn sôcôla mỗi ngày
Các hạt cacao có chứa chất chống ôxy hóa flavanol làm tăng nitric oxide trong máu và kích thích tuần hoàn mạch máu. Những người ăn 1/3 thanh sôcôla mỗi ngày có thể giảm áp huyết và giảm nguy cơ tử vong tới 50% so với những người không ăn. Đây là thông tin mới mẻ cho những người nghiền kẹo sôcôla.
Họ cũng nhận thấy rằng, những người ăn nhiều sản phẩm làm từ cacao không hề to béo hơn những người ít ăn.
Còn phụ nữ thì sao? “Hiệu quả đối với nam giới và nữ giới là như nhau, kể cả người già hay còn trẻ”, ông Brian Buijsse, chuyên gia dinh dưỡng của trường đại học Wageningen của Hà Lan, người cùng tham gia nghiên cứu khẳng định.
2. Lạc quan hay cười
Kết quả điều tra trên 25.000 người có độ tuổi từ 65 trở lên cho thấy, những người càng lạc quan thì nguy cơ mắc bệnh huyết áp ở họ càng giảm đi bởi tâm trạng lạc quan có thể tạo sự cân bằng giữa phản ứng của hệ thần kinh cũng như phản ứng hóa học, đồng thời giúp bạn giảm căng thẳng.
Để có thể chứng minh được tâm trạng vui vẻ có liên quan tới huyết áp, các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra trên 2.654 người Mỹ gốc Mehicô, độ tuổi trung bình là 72,5. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người càng lạc quan thì nguy cơ mắc bệnh huyết ở họ càng giảm đi, đặc biệt là đối với những người không sử dụng thuốc hạ huyết áp. Tuy nhiên, tâm trạng lạc quan vẫn phát huy tác dụng đối với những người đang dùng dược phẩm chống tăng huyết áp.
3. Thường xuyên ăn khoai tây
Kết quả cuộc nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu thực phẩm (Anh) thực hiện cho thấy ăn khoai tây rất có lợi cho những người có huyết áp quá cao.
Theo các nhà khoa học, chất kukoamine có trong khoai tây có thể cải thiện sức khỏe, giúp ngủ ngon hơn và giúp hạ huyết áp. Cũng theo kết quả nghiên cứu, khoai tây luộc tốt cho sức khỏe hơn so với khoai tây chiên.
4. Ngủ đủ
Những người ở độ tuổi trung niên chỉ ngủ 5 tiếng/ngày dễ có nguy cơ bị chứng huyết áp cao. Các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đã khẳng định điều này sau khi nghiên cứu trên 4.810 người ở độ tuổi 32-86. Theo các chuyên gia, giấc ngủ giúp tim đập chậm lại và huyết áp giảm xuống.
5. Uống sữa ít béo
Nghiên cứu của TS Luc Djousse, Bệnh viện Brigham (Boston, Mỹ), với 4.797 người tham gia đã cho thấy mối liên quan giữa việc ăn các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua và sữa) với huyết áp. Đó là chỉ số áp suất máu tâm thu trung bình của nhóm người dùng nhiều sữa nhất là 2,6 mmHg, thấp hơn so với nhóm người dùng lượng sữa ít nhất.
Nghiên cứu cũng phát hiện những người tiêu thụ nhiều sữa ít chất béo nhất ít có nguy cơ bị cao huyết áp (đến 54%) so với nhóm còn lại.
6. Các sản phẩm từ đậu nành
Dùng protein phụ chất đậu nành có thể giúp giảm huyết áp cao, đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tulane ở New Orleans (Mỹ).
Sau khi chọn 302 người lớn tuổi bị cao huyết áp và cho họ dùng phụ chất đậu nành hoặc carbon hydrat khử hoạt tính trong vòng 12 tuần, các nhà khoa học nhận thấy huyết áp giảm ở những ai dùng đậu nành và sự thay đổi rõ nhất là ở những người có huyết áp ít nhất là 140/90.
Theo Dân trí
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Những hiểu biết sai lầm về cao huyết áp cần tránh
1. Có không ít người cho rằng: Huyết áp(HA) tăng cao cùng với tuổi tác là hiện tượng bình thường?
HA sẽ tăng tỷ lệ thuận với độ tuổi, đặc biệt là vào giai đoạn lão hóa, HA tối đa tăng rõ rệt nhất. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một hiện tượng bình thường, mà rất có hại sức khỏe. Người có HA tối đa cao có nguy cơ gặp phải các tai biến nguy hiểm cao hơn từ 3 – 6 lần so với người có HA tối đa bình thường, cần có biện pháp điều trị để phòng ngừa các bệnh về tim và mạch máu não.
2. Căng thẳng cao độ sẽ dẫn đến cao HA?
Có một số người cao tuổi cho rằng, “cao HA” dùng để chỉ những người bị kích thích về tinh thần và bị căng thẳng về thần kinh. Dựa trên quan điểm sai lầm đó, một số người mắc bệnh cao HA chỉ uống thuốc khi bản thân họ cảm thấy khó chịu, căng thẳng về tinh thần, kiểu uống thuốc này chẳng khác gì uống mấy viên tetracyclin khi cảm thấy nhức đầu. Nhưng nên biết rằng, cao HA không chỉ do đơn giản là sự căng thẳng về tinh thần, có rất nhiều người sống trong điều kiện thoải mái nhẹ nhàng mà vẫn bị cao HA, “cao” ở đây có ý là quá mức, “áp” là chỉ áp lực của dòng máu lưu thông lên trên thành mạch. Đối với áp lực máu lưu thông cao như vậy, nếu không giảm bớt sẽ làm giảm tuổi thọ của con người.
3. Đánh giá bệnh nặng nhẹ bằng cảm giác của mình?
Triệu chứng của bệnh cao HA và tình trạng bệnh tật đôi khi không giống nhau. Triệu chứng rất rõ ràng nhưng đôi khi HA lại không cao. Ngược lại, có những người HA rất cao nhưng triệu chứng lâm sàng rất nghèo nàn. Do không nhận biết được chính xác các triệu chứng của bệnh, nên họ sẽ không uống thuốc, dẫn tới các chứng bệnh khác cùng phát sinh như: tim phì đại, nhồi máu cơ tim… Còn với người cao HA mà triệu chứng lâm sàng không có cũng cần tiến hành điều trị giảm HA một cách tích cực, điều này phụ thuộc vào tuổi tác, chỉ số HA, tình trạng tổn thương của các phủ tạng như: tim, não, thận và các nhân tố gây nguy hiểm khác.
4. Tự chọn lấy biện pháp điều trị giảm HA cho bản thân?
Có một số người, khi bác sĩ khuyên song song với việc uống thuốc HA hàng ngày, cần phải chú ý thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt như: giảm béo, năng tập thể dục thể thao, ăn giảm muối thì lại cho rằng họ không cần uống thuốc mà chỉ cần chọn lấy một trong những cách như trên để thay thế cho phương pháp điều trị mà bác sĩ đã chỉ định. Trên thực tế, tuyệt đại đa số những phương pháp ngoài uống thuốc như vừa nêu trên chỉ là các phương pháp hỗ trợ, chứ không thể thay thế được việc điều trị bằng thuốc, cách làm như trên hoàn toàn sai lầm. Cho đến bây giờ, vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được rằng, các phương pháp hỗ trợ dùng điều trị cao HA có tác dụng làm giảm tỷ lệ hoặc phòng tránh được các bệnh về tim mạch do cao HA gây ra.
5. Lạc quan thái quá về kết quả điều trị, cho là bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, nên tự ý không uống thuốc?
Rất nhiều người bị bệnh cao HA, sau khi nhờ uống thuốc đã làm cho HA trở lại mức mà theo bác sĩ trực tiếp điều trị là bình thường, thế là họ tự cho phép mình ngừng không uống thuốc, với họ cho rằng mình đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại, không cần đến thuốc nữa. Trên thực tế, số lượng người mắc bệnh cao HA mà điều trị khỏi rất hiếm, cần phải cảnh giác, liên tục kiểm tra, điều chỉnh nhằm phòng chống những biến chứng do nó gây ra. Vì vậy, phần lớn những người cao HA đều phải uống thuốc HA suốt đời.
Qua một số những “hiểu biết” sai lầm về bệnh cao HA của bệnh nhân, chúng tôi muốn nhắc nhở tới tất cả mọi người, những người chưa, sẽ và đã mắc bệnh HA cao là luôn cảnh giác, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, duy trì mức độ HA bình thường là tốt nhất, huyết áp tăng cao sẽ dễ dẫn đến nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, không phải người HA 150mmHg thì sẽ an toàn hơn người có HA 200mmHg. Sự an toàn tính mạng chủ yếu là do ý thức bảo vệ sức khỏe. Người HA cao 200mmHg mà biết cách chú ý giữ gìn, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, sống điều độ tập luyện thường xuyên thì sẽ giúp HA ổn định lại. Ngược lại, người HA vốn chỉ ở mức 150mmHg mà không chịu giữ gìn, ăn uống “vô tội vạ”, không tập luyện thường xuyên thì rất dễ tiến triển thành bệnh nặng.
BS. THU HƯƠNG
Theo sức khỏe đời sống
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Người cao tuổi phòng tránh đỉnh huyết áp lúc sáng sớm
Sự tăng vọt huyết áp ở người cao tuổi sau khi thức dậy dẫn đến tình trạng “đỉnh huyết áp lúc sáng sớm”, làm tăng 70% nguy cơ bị các biến chứng trầm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Người cao tuổi phòng tránh đỉnh huyết áp lúc sáng sớm
Sự biến thiên của mức huyết áp 24 giờ
Huyết áp là một đại lượng thay đổi và luôn luôn tuân theo quy luật đặc trưng riêng của nó: Huyết áp hạ khi ngủ và tăng nhanh vào lúc thức dậy. Ở người bình thường, đỉnh huyết áp tâm thu hoặc tâm trương thường cao hơn đỉnh khi ngủ là 20mmHg và cao hơn đỉnh buổi chiều là 10mmHg. Trên nền biến thiên hàng ngày này, huyết áp còn chịu ảnh hưởng, có khi rất mạnh của hoạt động thể chất và những xúc cảm. Hơn nữa, ngoài sự biến thiên hàng ngày, còn có sự biến thiên hàng tuần (với mức huyết áp cao vào những ngày làm việc) và biến thiên theo mùa (với mức huyết áp cao vào mùa lạnh). Những thay đổi huyết áp này càng tăng nặng ở người bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp vào buổi sáng sớm nguy hiểm nhất
Theo một nghiên cứu mới thực hiện vào năm 2003 trên một quần thể người châu Á, cho thấy người cao tuổi có mức huyết áp tăng khi thức giấc là những người có nguy cơ cao bị TBMMN hoặc những biến chứng tim mạch khác. Sự gia tăng huyết áp có thể suy đoán được bằng cách đo huyết áp ở nhà và khi mức huyết áp buổi sáng > 140/90mmHg. Những người này nhất thiết phải được điều trị bằng loại thuốc hạ áp có tác dụng liên tục 24 giờ. Ðó là các thuốc thuộc nhóm kháng thụ thể Angiotesin II (như Micardis).
Ðiều cốt yếu là bảo vệ tim mạch lúc sáng sớm
Người cao tuổi bị tăng huyết áp vẫn có thể sống tốt và tích cực ở tuổi 70, 80 hay thậm chí 90. Ngoài việc khống chế huyết áp bằng loại thuốc tác dụng kéo dài, cần kiểm soát được cả thời điểm nguy cơ cao nhất vào lúc sáng sớm. Khi thức giấc, dù đêm hay ngày, người cao tuổi nên bình tĩnh nằm yên ở tư thế cũ khoảng 3-5 phút. Nếu tập thở nhịp nhàng thì càng tốt, sau đó hãy dậy. Như vậy, cơ thể sẽ thích nghi dần với nhu cầu tăng nhanh của hệ tuần hoàn; Tim, não không bị thiếu máu, thiếu oxygène, có thể tránh được biến cố cấp thời về tim mạch.
Theo kết luận gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới: “TBMMN có khả năng dự phòng hiệu quả”. Do vậy, vấn đề dự phòng TBMMN đã trở thành mục tiêu chỉ đạo ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh việc can thiệp làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh khác, việc phòng tránh “đỉnh huyết áp lúc sáng sớm” là biện pháp quan trọng trong kế hoạch dự phòng TBMMN.
BS. Bùi Nguyên Kiểm (BV. Xanh Pôn – Hà Nội)
Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Nguyên nhân và cách chữa bệnh tăng huyết áp thứ phát
1. Hẹp động mạch chủ
Khi động mạch chủ bị hẹp ở một đoạn nào đó (do bẩm sinh hoặc mắc phải) sẽ khiến tim phải co bóp mạnh hơn để tống máu đi qua được chỗ hẹp. Bằng cách này, máu sẽ đi đến được các cơ quan ở phía dưới chỗ hẹp nhưng lại làm tăng HA ở phía trên chỗ hẹp, trong đó có HA ở động mạch cánh tay. Điều trị có thể là phẫu thuật sửa chữa hoặc nong rộng chỗ hẹp, nếu thành công sẽ đưa được HA về bình thường.
2. Hẹp động mạch thận
Hẹp động mạch thận 1 hoặc 2 bên thường gây ra tăng HA nặng và kèm theo là tổn thương cấu trúc thận không hồi phục. Có 2 nguyên nhân chính là do mảng xơ vữa động mạch (giống như xơ vữa gây hẹp động mạch vành nuôi tim) hoặc do xơ hóa làm thành động mạch thận dày lên gây hẹp (gọi là loạn sản xơ cơ). Chẩn đoán bằng chụp động mạch thận. Nếu hẹp nhẹ, chức năng thận bình thường thì có thể điều trị tăng HA bằng chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc. Còn trong trường hợp hẹp nhiều thì có thể tiến hành điều trị bằng 1 trong 3 phương pháp giống như điều trị hẹp động mạch vành: Hoặc nong chỗ hẹp bằng bóng, hoặc đặt stent để giữ cho chỗ đó luôn được mở, hoặc phẫu thuật bắc cầu nối đi qua chỗ hẹp. Một khi dòng máu tới thận được đầy đủ, dễ dàng thì HA sẽ giảm về bình thường.
3. Ngừng thở lúc ngủ
Đây là bệnh không hiếm gặp nhưng hay bị bỏ qua. Những người bị bệnh này sẽ có các cơn ngừng thở trong lúc ngủ gây thiếu ôxy từng đợt. Hậu quả là các tế bào ở thành mạch máu bị tổn thương làm giảm (hoặc mất) tính đàn hồi vốn có tác dụng điều hòa HA, dẫn đến HA tăng lên. Bệnh hay gặp ở những người béo, người có bệnh về mũi xoang, triệu chứng hay gặp là ngáy to. Điều trị gồm giảm cân, phẫu thuật mũi họng, sử dụng các dụng cụ trợ giúp hô hấp… để điều hòa HA và phòng ngừa bị đột tử.
4. Béo phì hoặc thừa cân
Những người béo sẽ có lượng máu lưu thông trong cơ thể cao hơn, khiến áp lực tác động lên thành động mạch tăng lên. Đi kèm với béo thường là tăng nhịp tim và giảm khả năng vận chuyển máu của hệ thống mạch máu trong cơ thể… tất cả các yếu tố này đều làm tăng HA. Một nguyên nhân khác nữa là béo phì hoặc thừa cân thường phối hợp với bệnh đái tháo đường hoặc kháng insulin cũng gây tăng HA. Biện pháp điều trị đầu tiên và quan trọng nhất chính là giảm cân.
5. Tiền sản giật
Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa, đặc trưng là có protein trong nước tiểu và tăng HA xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Để điều trị có thể dùng các thuốc hạ HA như dopegyt, hydralazin… nhưng chỉ sau khi đẻ thì HA mới có thể trở về bình thường được.
6. Do thuốc
Theo các nghiên cứu, rất nhiều loại thuốc chữa bệnh lại có thể là nguyên nhân gây ra tăng HA. Các thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng HA hoặc làm HA tăng cao hơn. Các thuốc tránh thai dạng uống, thuốc chữa cảm cúm và nhiều loại thuốc thảo dược khác cũng có thể gây tăng HA, trong đó đáng chú ý có cam thảo và nhân sâm. Các chất gây nghiện và bị cấm dùng như cocain hoặc methamphetamin cũng đều làm tăng HA.
Điều trị tăng huyết áp thứ phát
Các biện pháp thay đổi lối sống như chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường tập thể dục thể thao, giảm cân… đóng vai trò quan trọng trong điều trị tăng HA thứ phát.
Phương pháp điều trị quan trọng nhất là phải phát hiện và loại bỏ nguyên nhân gây tăng HA, chỉ khi đó mới có thể làm giảm HA một cách bền vững và thậm chí đưa được HA về bình thường.
Trong hầu hết các trường hợp, trước khi điều trị nguyên nhân hoặc trong thời gian chuẩn bị điều trị nguyên nhân thì việc dùng các thuốc hạ HA là hết sức cần thiết, nhất là trường hợp HA rất cao như u tủy thượng thận, tiền sản giật…
Nhìn chung điều trị BN tăng HA thứ phát thường sau một thời gian mới có hiệu quả. Nhiều trường hợp điều trị khá phức tạp. Một số BN do tăng HA kéo dài và không được kiểm soát tốt HA nên đã có biến chứng thận, tim… vì thế HA có thể vẫn cao sau khi đã điều trị loại bỏ nguyên nhân.
ThS. Nguyễn Quang Bảy
Theo sức khỏe đời sống
----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Người cao huyết áp không nên nói nhiều
Sau hai chục năm nghiên cứu, bác sĩ James Lynch và cộng sự nhận thấy rằng, khi ta nói, không chỉ thanh quản hoạt động mà các cơ quan khác cũng chịu ảnh hưởng. Rõ nét nhất là hệ tim mạch với biểu hiện tăng huyết áp động mạch.
Khi cho một nhóm sinh viên đại học đọc to một trang sách và liên tục đo huyết áp của họ bằng máy vi tính, các nhà khoa học nhận thấy huyết áp tăng dần trong quá trình đọc. Sự gia tăng này biểu hiện rõ nét hơn ở những người bị xúc động hoặc bực tức khi đọc.
Thử nghiệm khác tiến hành trên 38 người câm tình nguyện cũng cho thấy, khi họ tranh luận với nhau bằng ngôn ngữ dấu hiệu, huyết áp cũng tăng. Theo dõi tiến hành trên trẻ nhỏ cũng cho thấy, khi trẻ khóc, huyết áp tăng cao hơn bình thường.
Như vậy, khi giao tiếp (dù bằng lời nói hay dấu hiệu); lúc bị xúc động, hồi hộp, tức giận, huyết áp động mạch đều tăng.
Từ đánh giá thực nghiệm, các tác giả khuyên những người bị cao huyết áp nên tự kiềm chế, im lặng để nghe nhiều hơn là nói. Ngoài ra, cũng nên luôn cố gắng tạo cho mình một môi trường ấm cúng, nhẹ nhàng, tránh gây cảm xúc mạnh hoặc bực tức để đề phòng cơn tăng huyết áp đột ngột.
Theo Sức Khỏe Đời Sống
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Cẩn thận với cao huyết áp do thai kỳ
Cao huyết áp do thai kỳ là một trong những vấn đề quan trọng trong sản khoa, đặc biệt là tiền sản giật và sản giật làm gia tăng các nguy cơ như nhau bong non, suy thận, các biến chứng tim mạch hay mạch máu não và thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, cao huyết áp do thai kỳ gây ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của thai nhi, tăng tỷ lệ bệnh suất và tử suất. Bên cạnh việc giải quyết nguyên nhân bằng cách chấm dứt thai kỳ, thì điều trị ổn định cao huyết áp là vấn đề tiên quyết, đóng vai trò thiết yếu trong điều trị cao huyết áp do thai kỳ.
1. Cơ chế của thuốc hạ áp có nguồn gốc patalazine
Hydralazine hydrochloride là thuốc hạ áp có nguồn gốc từ patalazine, với cơ chế tác dụng là tạo ra ocid nitric (NO) trong tế bào cơ trơn, giúp làm giãn các cơ trơn trong mạch máu. Hydralazine làm giãn mạch trực tiếp, cho tác dụng lên động mạch mạnh hơn là lên tĩnh mạch. Sau khi uống, nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt được sau 2 giờ là 1,6-3,2mcg/ml.
Thuốc bắt đầu có tác dụng hạ áp sau khi uống 20 phút và kéo dài 2-4 giờ (Bệnh nhân được theo dõi huyết áp mỗi 4-6 giờ/ngày). Labetalol hydrochloride là thuốc ức chế beta không chọn lọc và ức chế chọn lọc alpha-1, có tác dụng làm giảm sức căng mạch máu, hạ áp nhanh trong những trường hợp cao huyết áp cấp, nặng, có ưu điểm là không gây tăng nhịp tim như các thuốc hạ áp khác.
Sau uống, nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt được từ 40 phút đến 120 phút với nồng độ 323mg/ml. Thuốc có tác dụng sau uống là 20 phút, tối đa sau 1 giờ và kéo dài 8 giờ.
Chúng tôi đã sử dụng hydralazine để hạ áp cho 98 trường hợp và labetolol trong 97 trường hợp tiền sản giật nặng, kết quả có khoảng 1/3 trường hợp huyết áp không ổn định dù đã được điều trị bằng hydralazine và labetolol.
Tỷ lệ các biến chứng của thai phụ trong nhóm sử dụng labetalol (26,1%) cao gấp 2 lần so với nhóm dùng hydralazine (10,2%). 9% sản phụ sử dụng labetolol bị sản giật so với 1% trong nhóm sử dụng hydralazine (P.0,01). Ngoài ra, các biến chứng phù phổi cấp, băng huyết sau sinh cũng thường gặp trong nhóm sử dụng labetolol.
Tình trạng thai nhi giữa 2 nhóm không có sự khác biệt đáng kể, không ghi nhận có trường hợp nào mất tim thai trong chuyển dạ.
2. Nghiên cứu so sánh về các thuốc hạ áp
Điều trị ổn định huyết áp đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị biến chứng tiền sản giật. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hạ áp phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ lâm sàng, vì thực tế còn thiếu những bằng chứng khách quan làm cơ sở cho việc thiết lập phác đồ điều trị hiệu quả.
Sử dụng thuốc hạ áp để ổn định huyết áp không chỉ phụ thuộc vào liều thuốc, cách sử dụng mà còn vào tình trạng bệnh (đa số bệnh nhân có tổn thương thận với lượng đản bạch trung bình 5,23g/l). Do đó, việc ổn định huyết áp cho những trường hợp này thường rất khó khăn.
Xét về hiệu quả “ổn định huyết áp” trực tiếp, kết quả này một lần nữa khẳng định không có bằng chứng về hiệu quả vượt trội của hydralazine so với labetolol và ngược lại.
Trong một nghiên cứu gần đây nhất của nhóm bác sĩ Magee (LA, 2003): Qua phân tích số liệu từ 5 thử nghiệm lâm sàng so sánh labetolol và hydralazine trong điều trị cao huyết áp ở thai phụ, ghi nhận không có sự khác biệt về tỷ lệ cao huyết tồn tại sau điều trị giữa 2 nhóm.
Như vậy, vẫn chưa thể xác định thuốc hạ áp nào là tốt nhất vì cả hydralazine và labetolol đều có tỷ lệ điều trị thất bại tương tự nhau. Trong khi chưa có bằng chứng mới, hydralazine vẫn được xem là lựa chọn đầu tiên trong điều trị ổn định cao huyết áp thai kỳ.
Theo Sức Khoẻ Đời sống
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Thông Tin Y Học
Nghiên cứu mới ớt cay làm giảm huyết áp cao
Một công trình nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc, được đăng trên tạp chí khoa học Cell Metabolism, cho thấy các chất capsaicin, tạo nên vị cay của ớt, có vẻ như giúp giảm huyết áp.
Nghiên cứu mới ớt cay làm giảm huyết áp cao
Theo các nhà khoa học này, việc sử dụng dài hạn chất capsaicin trong ớt có thể giúp giảm huyết áp trong loài chuột. Chất này kích hoạt phần tiếp hợp của tế bào thành mạch máu.
Khi đã được kích hoạt, những tế bào này sản xuất ra ôxit nitơ, một phân tử có chức năng bảo vệ mạch máu chống viêm và giữ cho mạch máu hoạt động bình thường. Tác giả công trình nghiên cứu này, TS. Zhiming Zhu thuộc Trường Đại học Quân y 3 ở Trùng Khánh, Trung Quốc, nói rằng đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về tác dụng của việc sử dụng dài hạn chất capsaicin đối với huyết áp.
Tại miền Đông Bắc Trung Quốc, tỷ lệ người bị huyết áp cao trong dân số là 20%, còn miền Tây Nam Trung Quốc, tỷ lệ này là từ 10 – 14%. Zhu nói rằng người dân vùng Tây Nam Trung Quốc, trong đó có Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Hồ Nam thích ăn những món cay có nhiều ớt.
Theo sức khỏe đời sống
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Cổ Truyền
Quả táo mèo có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp
Táo mèo trong Đông y có tên là sơn tra, có tác dụng hạ huyết áp nhờ làm giãn mạch ngoại vi. Mặt khác, nó còn giúp hạ mỡ máu, chống huyết khối, làm giãn động mạch vành, cải thiện sức co bóp cơ tim, phòng chống tích cực các biến chứng do cao huyết áp gây ra.
Quả táo mèo có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp
Một số bài thuốc dùng táo mèo chữa bệnh cao huyết áp:
Bài 1: Sơn tra 15g, hà diệp (lá sen) 20 g. Hai thứ tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, thanh dẫn thông trệ, làm giãn mạch máu, dùng thích hợp cho người bị cao huyết áp và béo phì có kèm theo đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
Bài 2: Sơn tra 10 g, cúc hoa 10 g, lá trà tươi 10 g, ba thứ hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt trừ đàm, bình can tiềm dương, dùng cho người bị cao huyết áp, bệnh lý mạch vành và rối loạn lipid máu.
Bài 3: Sơn tra 24 g, cúc hoa 15 g, kim ngân hoa 15 g, tang diệp (lá dâu) 12 g. Tất cả sấy khô, tán nhỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Thanh can nhiệt, hóa ứ tích, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp thuộc thể can nhiệt ứ trở biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, dễ cáu giận, miệng khô họng khát, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ
Bài 4: Sơn tra 50 g, gạo tẻ 50 g, đường phèn vừa đủ. Sơn tra bỏ hạt, thái phiến, đem nấu với gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Khứ ứ huyết, tiêu thực tích, dùng cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu.
Bài 5: Sơn tra sao đen 12 g, thảo quyết minh 12 g, hoa cúc trắng 9 g. Ba thứ sấy khô, tán nhỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Sơ phong, tán nhiệt, bình can, giáng áp, nhuận tràng thông tiện, dùng rất tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo táo bón kéo dài.
Bài 6: Sơn tra 9-15 g, hoàng kỳ 30-60 g, cát căn 15-30 g, tang ký sinh 15-30 g, đan sâm 20-40 g. Tất cả đem sắc 2 lần, mỗi lần 30 phút, sau đó cô lại còn khoảng 300-400 ml, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Bổ khí hoạt huyết, ích tâm kiện não, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo rối loạn tuần hoàn não. Nó cũng cải thiện rối loạn nhịp tim thuộc thể khí hư huyết ứ, biểu hiện bằng các triệu chứng như: Tinh thần mệt mỏi, hay có cảm giác khó thở, ngại hoạt động, kém ăn, hay hoa mắt chóng mặt, dễ vã mồ hôi, đau tức hoặc đau nhói vùng ngực sườn, mạch có lúc không đều, đại tiện nát, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc thống kinh.
Bài 7: Sơn tra 16 g, sinh đỗ trọng 16 g, thảo quyết minh 16 g, tiên ngọc mễ tu (râu ngô tươi) 62 g, hoàng bá 6 g, sinh đại hoàng 3 g. Tất cả đem sắc với 6 bát nước, cô lại còn 3 bát, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Bổ can thận, thanh can nhiệt, giáng áp, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp, béo phì.
Bài 8: Hải đới 30 g, sơn tra 30 g, mã thầy 10 củ, chanh 3 quả. Hải đới rửa sạch, cắt ngắn; sơn tra bỏ hạt, thái miếng; mã thầy bóc vỏ, thái vụn; chanh cắt lát. Tất cả đem sắc kỹ, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, cường tim lợi thủy, giáng áp, dùng tốt cho người bị cao huyết áp.
Bài 9: Sơn tra 30 g, táo tây 30 g, rau cần tây 3 cây, đường phèn vừa đủ. Sơn tra và táo bỏ hạt, thái miếng; rau cần rửa sạch, cắt đoạn. Tất cả cho vào bát to, đổ thêm 300 ml nước rồi đem hấp cách thủy, sau chừng 30 phút là được, cho thêm đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết, giáng áp, dùng cho người bị cao huyết áp và rối loạn lipid máu.
Bài 10: Sơn tra 150 g, đậu xanh 150 g, đường phèn vừa đủ. Sơn tra bỏ hạt, thái miếng; đậu xanh rửa sạch, ngâm trong nước 30 phút. Hai thứ đem sắc kỹ, cho thêm đường phèn, chia uống hai lần trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, thanh nhiệt giáng áp, dùng thích hợp cho người bị cao huyết áp có các biểu hiện nhiệt chứng.
Bài 11: Sinh địa 200 g, sơn tra 500 g, đường trắng 100 g. Sinh địa rửa sạch, thái lát; sơn tra bỏ hạt, thái phiến. Hai thứ đem sắc trước cho thật nhừ, cho thêm đường rồi đánh nhuyễn thành dạng cao lỏng, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh.
Công dụng: Dưỡng âm lương huyết, hoạt huyết giáng áp và làm mềm mạch máu, dùng cho người bị cao huyết áp thuộc thể âm hư, biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, lòng bàn tay, bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt nhẹ về chiều, miệng khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ
Bài 12: Sơn tra 30 g, quyết minh tử 30 g, lá sen tươi nửa lá, đại táo 4 quả, thịt lợn nạc 250 g, gia vị vừa đủ. Sơn tra bỏ hạt, thái phiến; quyết minh tử rửa sạch; đại táo bỏ hạt; lá sen rửa sạch thái nhỏ; thịt lợn rửa sạch thái miếng. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, nêm đủ gia vị, chia ăn vài lần.
Công dụng: Thanh can tiết nhiệt, làm giãn mạch máu và giáng áp, dùng cho người bị cao huyết áp thuộc thể Can dương thượng xung, biểu hiện: mặt đỏ, mắt đỏ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tính tình nóng nảy, ngực sườn đầy tức, đại tiện táo, có thể hay chảy máu cam.
Theo Sức khoẻ đời sống
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Cổ Truyền
Nho có thể chống lại bệnh cao huyết áp
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Tim mạch của Đại học Michigan, Mỹ cho biết ăn nho có thể giúp bảo vệ tim chống lại bệnh huyết áp cao và làm giảm các bệnh về tim mạch.
Nho có thể chống lại bệnh cao huyết áp
Việc thử nghiệm đã được tiến hành trên một số loài động vật gặm nhấm, tất cả đều được áp dụng một chế độ ăn nhiều muối để tạo điều kiện cho bệnh tim mạch xuất hiện. Tuy nhiên, chỉ một nhóm được cho ăn thêm bột tổng hợp các loại nho (xanh, đỏ và đen), còn nhóm còn lại được dùng thuốc chống huyết áp cao.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, huyết áp của nhóm ăn bột nho giảm hơn so với nhóm kia, đồng thời tim cũng hoạt động tốt hơn và nhất là ít bị tổn thương hệ tim mạch.
Trong khi đó, nhóm còn lại dùng thuốc chống huyết áp cao cũng hạn chế được bệnh nhưng bị nhiều tổn thương hệ tim mạch hơn nhóm ăn bột nho.
Theo tiến sĩ Steve Bolling, chuyên gia về tim mạch của Đại học Michigan, kết quả này đã chứng minh rằng nho – giống như các loại rau và quả khác – có nhiều tác dụng, nhất là khả năng làm giảm nguy cơ huyết áp cao.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy trong tất cả các phần của quả nho (vỏ, phần thịt và hạt) đều có flavonoide, một chất chống oxy hoá và có khả năng giảm huyết áp.
Tiến sĩ Bolling cho biết: “Những động vật trong công trình nghiên cứu này, cũng giống như trường hợp của rất nhiều người, bị suy tim do bệnh huyết áp cao – hậu quả của chế độ ăn quá mặn”.
Ông khuyên rằng những người mắc bệnh huyết áp cao và các bệnh về tim mạch nên kết hợp việc ăn nhiều nho với các thuốc điều trị cũ.
Theo Vietnamplus
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Ba mẹ hút thuốc thì con bị tăng huyết áp
Ba mẹ hút thuốc trước mặt con có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp khi trẻ lớn lên. Theo các nhà khoa học, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên quan giữa việc tiếp xúc với môi trường có chứa nicotine và bệnh tăng huyết áp.
Ba mẹ hút thuốc thì con bị tăng huyết áp
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Heidelberg (Đức) đã tiến hành khảo sát 4.236 trẻ mẫu giáo trong độ tuổi 4-7.
Đồng thời phỏng vấn thói quen hút thuốc lá của ba mẹ những đứa trẻ này.
Kết quả cho thấy những trẻ có ba mẹ hút thuốc lá tăng 21% nguy cơ bị bệnh cao huyết áp so với những trẻ có ba mẹ không hút thuốc lá.
Điều này vẫn đúng sau khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh các yếu tố có thể làm sai lệch kết quả như giới tính, chỉ số khối cơ thể…
BS NGUYỄN TẤT BÌNH
Theo Circulation
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Thông Tin Y Học
Khói thuốc lá làm tăng huyết áp ở trẻ em
Kết quả nghiên cứu khoa học của trường Đại học Berne (Thụy Sỹ) vừa đăng trên Journal of the American Heart Association của Mỹ ngày 11-1 cho thấy thói quen hút thuốc lá gần trẻ nhỏ có thể làm gia tăng huyết áp ở chúng.
Khói thuốc lá làm tăng huyết áp ở trẻ em
Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra sức khỏe 4.236 trẻ em mẫu giáo (6 tuổi) ở Đức. Kết quả cho thấy những trẻ nhỏ có bố mẹ hút thuốc lá có 21% nguy cơ mắc chứng huyết áp tâm thu so với những trẻ có bố mẹ không hút thuốc.
Kết quả này đo được sau khi đã điều chỉnh các nhân tố nguy cơ tim mạch khác như cân nặng khi sinh, chỉ số cơ thể hay chứng tăng huyết áp ở bố mẹ. Việc bố mẹ hút thuốc không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng phổi của trẻ nhỏ, mà còn tạo ra nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch của chúng trong tương lai.
H.X. (Theo TTXVN)
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Cổ Truyền
Ăn tỏi để giảm bệnh huyết áp
Tỏi từng được xem là kháng sinh hiệu quả, nhưng giờ đây các nhà khoa học cho biết nó có thể giải quyết được một vấn nạn hiện đại – đó là bệnh cao huyết áp.
Ăn tỏi để giảm bệnh huyết áp
Các nhà khoa học thuộc Đại học Adelaide (Úc) phát hiện ra rằng chiết xuất từ tỏi có thể giúp giảm huyết áp.
Theo trang tin news.com.au, các chuyên gia đã tiến hành một cuộc thử nghiệm kéo dài 12 tuần trên 50 người và nhận thấy tỏi có thể được dùng phụ thêm vào các loại thuốc truyền thống trị huyết áp cao.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Karin Ried thuộc Đại học Adelaide, tỏi có đặc tính chống huyết áp cao là nhờ nó kích thích việc sản sinh nitric oxide và hydrogen sulphide, những hóa chất có tác dụng làm giãn nở mạch máu
Theo Thanh niên
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Nhiều bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một hội chứng tim mạch tiến triển được khẳng định khi: (1) huyết áp đo tại cơ sở y tế >/= 140/90 mm Hg hoặc khi đo tại nhà và khi theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ >/= 135/85 mm Hg hoặc (2) huyết áp không tăng nhưng có bằng chứng tăng huyết áp như đang dùng thuốc hạ huyết áp hoặc có biến chứng như bệnh tim do tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.
Nhiều bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp
PN – GS-BS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, thời tiết lạnh kéo dài làm tăng số lượng bệnh nhân nhập viện do những biến chứng của tăng huyết áp; đặc biệt là những biến chứng nặng như: đột quỵ, phình mạch máu não, tắc mạch máu não gây hôn mê…
Cũng theo GS Lân Việt, nguy hiểm nhất là lạnh đột ngột dẫn đến việc huyết áp tăng vọt bất ngờ (do co mạch). Đối với bệnh nhân có bệnh lý huyết áp cao, cần phải chú ý khi trời trở lạnh. Điều đáng lưu ý là người nhà bệnh nhân thường cho là trúng gió dẫn đến việc cấp cứu chậm trễ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ, ảnh hưởng đến gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ngày càng cao. Theo kết quả điều tra của Viện Tim mạch Quốc gia gần đây cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp là 25,1% ở người lớn (trên 25 tuổi). GS Lân Việt cho biết, kiến thức của người dân về bệnh tăng huyết áp còn hạn chế, đặc biệt ở vùng nông thôn. Cũng theo một điều tra của Viện Tim mạch Quốc gia, có tới 77% số người được hỏi hiểu sai về bệnh và các yếu tố liên quan đến tăng huyết áp, và hơn 51% người dân bị tăng huyết áp nhưng không biết mình bị bệnh.
Trúc Khuê
Theo phunuonline
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp
Ăn mặn là một trong những nguyên nhân làm tăng huyết áp. Mỗi người tập thói quen ăn giảm bớt muối từ bữa ăn hằng ngày. Bình thường chúng ta ăn 4.000 – 6.000mg natri tương đương với 15g muối. Đối với người tăng huyết áp, nên ăn ít hơn 6g muối mỗi ngày. Trong thực tế, lượng muối có trong nhiều thức ăn và đồ uống, chúng ta nên thực hiện các chế độ ăn giảm muối thích hợp.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp
Từ từ giảm lượng muối từ nguồn trên bàn ăn như nước mắm, xốt tương hột, muối tiêu, bột canh… hạn chế các thức ăn mặn như tương, chao, mắm các loại, dưa cà trứng muối, cá khô. Các thức ăn chế biến sẵn như cháo, mì ăn liền, giò chả. Bằng cách này có thể giảm 3 – 5g muối/ngày.
Trong nấu nướng không nên nêm muối, mắm, tương, bột canh, bột ngọt. Có thể luộc rau, thịt bỏ nước để loại bỏ muối. Tuy nhiên cách giảm này khó thực hiện và ngày nay các bệnh viện dùng thuốc lợi tiểu tăng huyết áp nên người bệnh không phải ăn lạt quá mức.
Người bị tăng huyết áp cần phải giảm dần hút thuốc lá và tiến tới bỏ hẳn hút thuốc lá. Hoạt động thể lực đều đặn như đi bộ nhanh ít nhất 30 phút/ngày. Nam giới nếu uống rượu thì uống ở mức độ vừa phải: uống 2 ly rượu nhỏ, 720ml bia, 90ml whisky 80 độ. Phụ nữ và người nhẹ cân uống một nửa lượng trên.
Chất béo làm tăng mỡ xấu trong cơ thể như mỡ, gan, tim, cật, óc của động vật. Chúng ta nên ăn các loại chất béo có lợi như các loại mỡ cá, đậu phộng, bắp, cải, mè và các sản phẩm bơ sữa ít béo.
Các loại rau , quả giúp hạ huyết áp như: Cần tây, cải cúc, rau muống, hành tây, nấm hương và nấm rơm, cà chua, cà tím, cà rốt, mộc nhĩ, tỏi, đậu Hà Lan và đậu xanh.
Sữa đậu nành: Là đồ uống lý tưởng cho người bị cao huyết áp, có công dụng phòng chống vữa xơ động mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và giáng áp. Mỗi ngày, bạn nên dùng 1.000ml sữa đậu nành pha với 100g đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.
Ngoài ra, việc ăn thêm lê, táo, chuối tiêu, dưa hấu, dưa chuột, nho, mã thầy, vừng, hạt sen, ngó sen, củ cải, đậu tương, cải xanh, bắp cải, dầu thực vật, trà tâm sen… và uống sữa đậu nành đều rất tốt cho những người bị cao huyết áp.
Người huyết áp cao nên hạn chế dùng một số thực phẩm như lòng đỏ trứng, não động vật, gan hê, thịt chim sẻ, thịt dê, thịt chó, thận lợn, mỡ động vật, rượu trắng, dưa hoặc cà muối mặn, thuốc lá, cà phê, trà đặc, hạt tiêu, ớt, gừng…
Theo 24h.com.vn
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
/ Chuyên khoa: Y Học Phổ Thông
Bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi
Tăng huyết áp ở người trẻ (dưới 35 tuổi) là dạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tỉ lệ người mắc khoảng 5% – 12%. Tình trạng huyết áp tăng cao gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe và hiệu quả công việc.
Phát hiện tình cờ
Tăng huyết áp ở người trẻ có đến 70% là không có triệu chứng điển hình như nhức đầu, chóng mặt… và được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì lý do khác.
Tăng huyết áp ở người trẻ thường bị cao số huyết áp dưới, ví dụ 120/95mmHg, trong khi tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp trên, ví dụ 170/80mmHg. Dấu hiệu không điển hình của tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp…
Tăng huyết áp gây các biến chứng trên tim mạch, tai biến mạch máu não… Ngoài ra, ở người trẻ bị tăng huyết áp thì tỉ lệ rối loạn chức năng tình dục cao gấp 2,5 lần so với người không bị tăng huyết áp. Tỉ lệ này còn cao hơn khi người trẻ bị tăng huyết áp kèm theo các bệnh khác như đái tháo đường, bệnh lý thận mạn… Ngoài ra, người bệnh cũng dễ bị rối loạn cảm xúc theo chiều hướng dễ nóng giận, mất kiềm chế…
Các yếu tố cản trở việc điều trị tăng huyết áp ở người trẻ xuất phát từ tâm lý không chấp nhận mình bị tăng huyết áp vì cảm thấy cơ thể khỏe mạnh bình thường, tâm lý che giấu bệnh vì sợ ảnh hưởng việc thăng tiến trong công việc.
Nguyên nhân chủ yếu gây tăng huyết áp ở người trẻ
Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người lớn tuổi có đến 95% trường hợp không có nguyên nhân, chỉ khoảng 5% có nguyên nhân. Tuy nhiên, ở người trẻ, tỉ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân cao hơn so với người lớn tuổi. Các nguyên nhân có thể gặp là bệnh lý thận mạn tính, mất thăng bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu … Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp là hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động), béo phì, stress, lối sống tĩnh tại, ăn quá mặn, uống nhiều rượu.
Để phòng ngừa tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần thực hiện giảm cân nếu bị béo phì. Nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ. Ngoài ra, nên giảm bớt khẩu phần trong mỗi bữa ăn chứ không nên giảm bớt số bữa ăn hằng ngày. Không nên ăn quà bánh vặt, nên ăn nhạt. Chỉ nên ăn không quá 2 – 4g muối mỗi ngày. Lượng muối này bao gồm cả lượng muối có trong thức ăn và nước chấm. Nên ăn thức ăn có chứa nhiều các chất kali (có nhiều trong chuối, nước dừa, đậu trắng…), can-xi (có nhiều trong sữa, tôm, cua…), ma-giê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định.
Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt heo, bò, gà…
Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị đái tháo đường…, hạn chế ăn mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu. Nên rèn luyện thân thể, thường xuyên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30 – 45 phút. Nên dùng các loại hình như dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ… và tuyệt đối không được gắng sức. Giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái xúc động, lo âu. Ngưng hút thuốc lá. Khi điều trị dùng thuốc, người bệnh nên tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc.
BS. Hạnh Trinh
Theo sức khỏe đời sống
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------