Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Hội chứng thắt lưng hông

Đau thắt lưng hông là hội chứng thường gặp trong nhiều bệnh khác nhau của vùng cột sống thắt lưng. Về triệu chứng học, hội chứng thắt lưng hông gồm 2 hội chứng nhỏ hợp thành là hội chứng cột sốnghội chứng rễ thần kinh.

1. Hội chứng cột sống.

Hội chứng cột sống nằm trong hội chứng thắt lưng hông về cơ bản giống như hội chứng thắt lưng cục bộ. Biểu hiện có thể cấp tính hoặc mạn tính gồm các triệu chứng đau và hạn chế vận động cột sống kèm theo hội chứng rễ thần kinh.

2. Hội chứng rễ thần kinh.

2.1. Đau rễ thần kinh:

Các rễ thần kinh vùng thắt lưng - cùng, đặc biệt là rễ L5 và S1 của dây thần kinh hông to thường bị ảnh hưởng trong các bệnh lý của đoạn vận động tương ứng, nhất là các đĩa đệm thắt lưng. Đau rễ thần kinh do các cơ chế: chèn ép cơ học (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, u cột sống và cạnh sống...), do viêm rễ, hay do u rễ.

Đau rễ thường xuất hiện sau giai đoạn đau lưng cục bộ và có đặc điểm: đau lan tỏa theo đường đi của dây thần kinh từ vùng thắt lưng dọc theo mặt sau chân xuống gót chân. Đau có tính chất cơ học, nghĩa là đau tăng khi đứng lâu, ngồi lâu, đi lại, khi ho, hắt hơi, rặn (dấu hiệu Déjerin), đau giảm khi nằm nghỉ ngơi trên giường. Nếu đau rễ dai dẳng, không giảm khi nghỉ, không đáp ứng với các phương pháp chống đau thông thường thì có thể gợi ý đến bệnh lý do u rễ thần kinh, viêm màng nhện tủy, chèn ép do xương.

Cùng với triệu chứng đau, có thể gặp các triệu chứng khác như dị cảm ở ngọn chi (tê buồn, kim châm, kiến bò...), trong những trường hợp nặng thậm chí có thể xuất hiện rối loạn co vòng.

2.2. Các triệu chứng thực thể:

- Dấu hiệu chuông bấm: khi ấn vào điểm đau cạnh sống thắt lưng, xuất hiện đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh, đây là dấu hiệu phản ánh sự xung đột đĩa đệm - rễ thần kinh đáng tin cậy.

- Điểm đau Walleix: ấn các điểm trên đường đi của dây thần kinh, bệnh nhân thấy đau như: điểm giữa ụ ngồi - mấu chuyển lớn, điểm giữa nếp lằn mông (huyệt Thừa phù), điểm giữa nếp gấp khoeo (huyệt Uỷ trung), điểm giữa cung cơ dép cẳng chân (huyệt Thừa sơn).

- Dấu hiệu Lasègue: người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi, người khám nâng chân bệnh nhân lên khỏi mặt giường trong khi vẫn giữ gối thẳng để làm căng rễ dây thần kinh, nếu có dấu hiệu đau rễ cùng bên thì dấu hiệu dương tính, nếu đau rễ bên đối diện thì gọi là Lasègue chéo, nói lên có tổn thương ở rễ. Mức độ của triệu chứng được đo bằng góc giữa chân tạo với mặt giường tại thời điểm xuất hiện đau.

- Giảm và mất cảm giác: ít khi mất hoàn toàn mà thường gặp giảm cảm giác nông ở khu vực khoanh da tương ứng với rễ thần kinh, cảm giác sâu thường không giảm rõ rệt. Giảm cảm giác xuất hiện ở giai đoạn tổn thương rễ nặng hơn giai đoạn kích thích rễ.

- Rối loạn vận động (bại, liệt cơ):

+ Nếu tổn thương rễ L5: giảm sức cơ khu trước ngoài cẳng chân, yếu động tác nhấc bàn chân lên khỏi mặt đất làm người bệnh không đi lại được bằng gót chân ở bên đó. Giảm sức cơ duỗi ngón cái là dấu hiệu thường gặp. Có thể teo cơ khu trước ngoài cẳng chân.

+ Nếu tổn thương rễ S1: giảm sức cơ khu sau cẳng chân, có thể gặp giảm trương lực cơ và teo cơ. Yếu động tác gấp bàn chân về phía gan chân và gấp ngón I, làm người bệnh không thể đi lại bằng mũi chân được mà phải đi kiễng gót chân.

+ Nếu tổn thương nhiều rễ thần kinh thắt lưng - cùng có thể gây bại, liệt hai chân trong bệnh cảnh lâm sàng của hội chứng đuôi ngựa.

- Rối loạn phản xạ: giảm hoặc mất các phản xạ gân:

+ Giảm và mất phản xạ gân bánh chè trong tổn thương rễ L3, L4.

+ Giảm và mất phản xạ gân gót trong tổn thương rễ S1.

+ Giảm và mất phản xạ da như phản xạ đùi - bìu (tổn thương rễ L1, L2), phản xạ da gan chân (tổn thương rễ S1, S2).

- Rối loạn cơ thắt: trong tổn thương các rễ S3, S4, S5 có thể rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi: lúc đầu thường bí đái, về sau đái dầm dề không chủ động do liệt cơ thắt.

- Rối loạn thần kinh thực vật: giảm nhiệt độ da, giảm tiết mồ hôi, rối loạn vận mạch, mất phản xạ dựng chân lông, rối loạn dinh dưỡng da... Các rối loạn này chủ yếu gặp trong tổn thương của dây thần kinh. Trong tổn thương rễ, rối loạn thần kinh thực vật không rõ và mang tính chất phản xạ.


Tác giả Bs Mai Trung Dũng

theo dieutridau.com

-----------------------------------

Giảng Đường Y Khoa

http://giangduongykhoa.blogspot.com

http://giangduongykhoa.net

-----------------------------------


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases