Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Nôn và buồn nôn

Nôn  và buồn nôn

Nôn và buồn nôn không phải là một bệnh mà là một triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh khác nhau. Vấn đề của chúng bắt nguồn từ các bệnh nguyên nhân. Nôn và buồn nôn có thể là do say tàu xe hoặc say sóng, hoặc do điều trị ung thư gây mất nước và các chất điện giải. Nôn và buồn nôn còn được biết đến dưới dạng những triệu chứng của ốm nghén ở những phụ nữ có thai.

  • Buồn nôn là cảm giác khó chịu rõ ràng ở cổ họng và dạ dày có thể dẫn đến nôn, nó là tín hiệu được gửi từ não để báo động cho bạn biết rằng cơ thể mình đang có gì đó không ổn.
  • Nôn là hành động làm trống dạ dày bằng những cơn co thắt mạnh để tống xuất những chất có trong dạ dày ra ngoài qua đường miệng. Nôn có thể dưới dạng những đợt sóng tương tự như những chuyển động tự nhiên của ruột (nhu động ruột) nhưng theo chiều ngược lại, và những co thắt không tự chủ của thành dạ dày và thực quản sẽ tống xuất những chất có trong dạ dày ra ngoài. Đôi khi ho hoặc khạc đàm từ phổi ra ngoài dễ bị lầm với nôn. Chỉ được gọi là nôn khi nó xuất phát từ dạ dày.
  • Ọe là những co thắt của dạ dày và thực quản những không nôn các chất ra ngoài. Đôi khi người ta gọi hiện tượng này là nôn khan.

NGUYÊN NHÂN

Cảm giác buồn nôn và nôn được điều khiển bởi cùng một vùng trên não kiểm soát những chức năng không tự chủ của cơ thể. Nôn thật chất là đáp ứng của cơ thể với tín hiệu đến từ não.

  • Những tín hiệu này có thể gây ra bởi những mùi, vị khó chịu, do bệnh hoặc cảm xúc (chẳng hạn như sự sợ hãi), đau, tổn thương, nhiễm trùng, sự kích thích của thức ăn, sự di chuyển, và những thay đổi khác của cơ thể, đặc biệt là:
    • Rối loạn ăn uống (chán ăn hay cuồng ăn)
    • Ngộ độc thức ăn
    • Một số loại virus
    • Say tàu xe và say sóng
    • Chóng mặt
    • Tổn thương đầu như chấn động hoặc chảy máu
    • Bệnh lý túi mật hoặc viêm ruột thừa
    • Nhức đầu migraine
    • U não
    • Nhiễm trùng não - màng não
    • Não úng thủy (tình trạng có quá nhiều dịch trong não)
  • Nôn và buồn nôn cũng có thể là tác dụng phụ của mọt số loại thuốc. Thường chúng không phải là do dị ứng thuốc, là một phản ứng của thuốc gây nổi mẩn hoặc khó thở, mà là những tác dụng không mong muốn của thuốc. Một số thuốc chẳng hạn như thuốc dùng trong điều trị ung thư (hóa trị) và thuốc giảm đau loại mạnh cũng được biết đến nhiều về tác dụng gây nôn ói của chúng.
  • Nhiều người bị buồn nôn hay nôn do tác dụng phụ của thuốc mê sau phẫu thuật.
  • Những bệnh của dạ dày như tắc nghẽn (hẹp môn vị gây nôn nhiều ở trẻ nhũ nhi) cũng có thể gây buồn nôn và nôn.
  • Chảy máu ở dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng có thể gây nôn. Đôi khi nuốt phải máu từ mũi chảy ra cũng có thể gây buồn nôn và nôn.
  • Ruột bị nhiễm trùng hoặc bị kích thích cũng là nguyên nhân gây buồn nôn và nôn
  • Khi những chất hóa học và chất khoáng trong cơ thể tăng hay giảm hoặc có sự xuất hiện của chất độc trong cơ thể cũng có thể gây buồn nôn và nôn.
  • Chất cồn có trong bia, rượu có thể chuyển thành những chất gây buồn nôn và nôn tạo ra cảm giác "lâng lâng" vào sáng ngày hôm sau.
  • Những phụ nữ ở trong giai đoạn đầu của thai kỳ cũng hay buồn nôn và nôn. Triệu chứng nghén này thường xuất hiện trong vài tháng đầu nhưng đôi khi có thể kéo dài suốt thai kỳ.

TRIỆU CHỨNG

  • Buồn nôn là một cảm giác mà hầu như mọi người đều đã có lần gặp phải. Đó là cảm giác khó chịu bao gồm nhộn nhạo ở dạ dày, chóng mặt và lo lắng. Chúng thường dẫn đến sự thôi thúc muốn nôn ra ngoài. Bạn thường cảm thấy như thể là những cảm giác trên xuất phát từ dạ dày nhưng thật ra chúng được kiểm soát hầu hết ở não.
  • Nôn là sự gia tăng mức độ của cảm giác buồn nôn, ít nhất là trong giai đoạn tạm thời. Nôn xảy ra khi dạ dày đẩy mạnh những chất chứa bên trong đi lên và đi ra ngoài miệng. Nếu cảm giác buồn nôn nặng, bệnh nhân có thể tiếp tục nôn sau khi đã tống tất cả dịch và thức ăn ra ngoài. Đó là hiện tượng nôn khan.
  • Khi nôn dẫn đến mất nước, bạn sẽ có cảm giác khát, khô môi và miệng, không đi tiểu thường xuyên. Ở trẻ em, triệu chứng mất nước bao gồm khô môi và miệng, mắt lõm, thở nhanh và tã khô là biểu hiện trẻ không đi tiểu.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH

Hãy gọi cho bác sĩ khi cảm giác buồn nôn nhiều đến mức bạn không thể tự chăm sóc mình được. Cũng nên gọi cho bác sĩ nếu như nôn nhiều đến mức bạn không thể uống thêm nước vào cơ thể trong vòng hơn 8 - 10 giờ.

  • Nôn ra máu là dấu hiệu báo động và là lý do khiến bạn nên đi khám bệnh. Máu co thể màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Đôi khi máu cũ có thể có màu nâu như cafe.
  • Nếu bạn đang trông trẻ, hãy gọi điện cho bác sĩ để tìm lời khuyên nếu như trẻ không tiểu được trong vòng 6 - 8 giờ (hoặc tã khô trong khoảng thời gian đó). Những dấu hiệu và triệu chứng mất nước ở trẻ em và người lớn (nặng) bao gồm: yếu ớt, chóng mặt, hoa mắt - những triệu chứng này có thể tệ hơn khi đứng dậy - khô miệng và môi, tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu vàng sậm và có mùi, và khát nước trầm trọng.

Đến khám tại khoa cấp cứu của bệnh viện trong những trường hợp sau:

  • Nếu bạn bị nôn hoặc buồn nôn và đau bụng nặng quanh rốn.
  • Nôn kèm với sốt, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Nếu bạn thấy máu trong chất nôn.
  • Nếu nôn không khỏi và bạn không thể giữ được nước trong cơ thể.
  • Nếu bạn bị chấn thương đầu.
  • Nếu có những bệnh khác như bệnh tim mạch hoặc bệnh đái tháo đường.
  • Nếu bạn cảm thấy lú lẫn hoặc mệt mỏi nặng
  • Nếu xuất hiện cơn đau đầu mới hoặc nặng.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám để tìm nguyên nhân gây khó chịu cho bạn và tìm những bệnh khác.

Bạn sẽ được làm một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu (để kiểm tra lượng chất khoáng và các thành phần hóa học trong cơ thể cùng với số lượng các tế bào máu).
  • Nước tiểu (để tìm bằng chứng của sự mất nước và nhiễm trùng).
  • CT scan não để tìm dấu hiệu tổn thương đầu hoặc chảy máu.

ĐIỀU TRỊ

Trong hầu hết các trường hợp, nôn và buồn nôn có thể khỏi cũng nhanh như khi nó xuất hiện vậy và có thể tự điều trị được tại nhà.

Cách điều trị bao gồm dùng thuốc để giảm buồn nôn và thay thế dịch để điều trị mất nước.

Tại nhà

Nguyên tắc chính là uống dịch lỏng. Lượng dịch lỏng uống vào sẽ giúp chỉnh lại sự mất cân bằng điện giải và do đó có thể sẽ làm ngừng nôn. Điều này có nghĩa là việc uống dịch có thể là điều cuối cùng mà bạn có thể nghĩ ra nhưng lại có tính sống còn trong việc bảo vệ bản thân khỏi bị mất nước.

  • Bắt đầu với một lượng nhỏ, chẳng hạn như 100 - 200 ml một lần đối với người lớn và khoảng 30ml/lần hay ít hơn đối với trẻ nhỏ. Chỉ nên dùng dịch trong (như súp thịt trong, nước ép, nước soda chanh). Nếu bạn không chắc là nó có trong hay không, hãy bỏ một lượng nhỏ vào chén thủy tinh trong suốt và cố đọc một thứ gì đó khi nhìn xuyên qua nó. Nếu bạn không thể đọc được thì có nghĩa là nó không trong.
  • Tránh uống sữa và bất kỳ thức uống hằng ngày nào. Chúng có thể làm triệu chứng nặng thêm.
  • Sau đó chuyển dần sang ăn thức ăn mềm, thạch, cháo, yaourt, và những thức ăn mềm tương tự, quay trở về dạng dịch nếu triệu chứng buồn nôn và nôn quay trở lại.

Mất nước ở trẻ em: Nên cho trẻ uống những dung dịch chống mất nước như Pedialyte, Rehydrate, Resol, và Rice-Lyte.

  • Nước cola, trà, trái cây em và những loại nước tăng lực không thay thể được đúng lượng dịch và các chất điện giải mất do nôn, ngay cả nước lọc cũng vậy. Ngoài ra, nước lọc không thể thay thế được các chất điện giải và có thể làm loãng chúng ra đến mức có thể gây ngất.
  • Ở những quốc gia chưa phát triển và những khu vực không có bán sẵn những loại dung dịch trên, Tổ Chức Y Tế Thế Giới thiết lập một công thức để chống mất nước như sau: hòa 2 muỗng canh đường (hoặc mật ong) với 1/4 muỗn trà muối và 1/4 muỗng trà banking soda (baking soda có thể được dùng để thay thế cho 1/4 muỗng trà muối). Hòa chúng với 1 lít nước sạch hoặc nước đun sôi để nguội.

Mất nước ở người lớn: Mặc dù người lớn và thanh niên có lượng dự trữ các chất điện giải lớn hơn trẻ em nhưng sự mất cân bằng điện giải và mất nước vẫn có thể xảy ra khi dịch bị thoát ra ngoài do ói. Những triệu chứng nặng và mất nước thường xuất hiện như là những biến chứng của thuốc hoặc những bệnh mạn tính như đái tháo được hay suy thận. Nhưng chúng cũng có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh.

  • Ban đầu, nên ăn những thức ăn lạnh và nước không chứa caffein như Gatorade, nước trà gừng, nước ép trái cây và Kool-Aid cũng như một số loại nước uống hỗn hợp khác được bán trên thị trường.
  • Sau 24 giờ ăn lỏng và không ói trở lại, bắt đầu ăn những thức ăn đặc mềm và nhạt như chuối, cơm, bánh mì, mì sợi, và khoai tây.

Tại bệnh viện

  • Cung cấp dịch qua đường uống nếu có thể uống được hoặc qua đường truyền tĩnh mạch. Đường truyền tĩnh mạch là cách thường được dùng để cung cấp dịch cho cơ thể trong những trường hợp mất nước từ trung bình đến nặng.
  • Điều trị những bệnh nguyên nhân nếu phát hiện ra.

Thuốc

Bạn có thể được kê toa cho thuốc chống ói sau khi phẫu thuật hoặc khi đang hóa trị. Hãy trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc điều trị say tàu xe trước khi chuẩn bị đi xa hay đi chơi biển.

Những cách điều trị khác

Gừng có thể được dùng để kiểm soát triệu chứng buồn nôn và nôn. Có một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của gừng đối với những triệu chứng này trên những bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc bị say tàu xe. Gừng có thể được cho dưới dạng viên con nhộng chứa 500mg bột gừng. Bạn cũng có thể pha trà gừng hoặc ngậm kẹo gừng. Để phòng say tàu xe, liều đề nghị là 2 viên vào 30 phút trước khi khởi hành và thêm 1-2 viên nữa nếu triệu chứng xảy ra khoảng mỗi 4 giờ.

LƯU Ý: Nếu bạn chọn cách sử dụng những phương pháp dân gian như cách điều trị vi lượng đồng căn, thuốc dân tộc, thức ăn và chất dinh dưỡng bổ sung, châm cứu, và những phương pháp chữa trị thay thế hoặc bổ sung khác, hãy nhớ rằng những sản phẩm và kỹ thuật này không phải lúc nào cũng được khoa học chứng minh là có thể chẩn đoán, điều trị, ngăn ngừa bất kỳ bệnh gì. Những phản ứng phụ nghiêm trọng giữa những thuốc được kê toa và không được kê toa luôn có thể xảy ra. Hãy bảo đảm rằng bác sĩ được thông báo về tất cả những loại thuốc và những chất tương tự thuốc mà bạn dùng, ngoài ra hãy tìm lời khuyên của bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc hay dùng những cách điều trị dân gian nào.

CÁC BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

Nghỉ ngơi và thường xuyên uống nhiều dịch. Uống thuốc nếu được kê toa để chống lại cảm giác buồn nôn. Tránh phải những cử động nhiều, những mùi nặng và những tình huống gây lo lắng.

Phòng ngừa

Ngừa buồn nôn

  • Tránh những chất hoặc những hoạt động được xem là có thể gây buồn nôn, chẳng hạn như uống rượu, bia.
  • Nếu bạn bị say tàu xe, có một cách thường cho hiệu quả tốt là chú ý đến một vật thể bất động ở đường chân trời. Di chuyển từ đầu đến giữa tàu và tập trung vào đường chân trời hoặc hàng ghế giữa máy bay, nơi mà ít có chuyển động lên xuống nhất. Ngồi ở xe hơi ngay ghế trước và tàu hỏa nhìn về phía trước để giữ mắt và tai có cùng một cảm giác giống nhau. Nhìn vào khoảng xa.
  • Một số loại thuốc thông dụng như Dramamine có thể giúp phòng say tàu xe. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

Ngừa nôn

  • Nôn là phản ứng tự nhiên trong nhiều trường hợp nhưng có thể trở nên rất nặng nề. Nhấp một lượng nhỏ dịch trong và nghỉ ngơi ở một khu vực tĩnh lặng.

Ngừa mất nước

  • Uống càng nhiều dịch trong trong mức có thể càng tốt khi nôn. Có thể sẽ cần phải uống mỗi lần một lượng rất nhỏ.
  • Đối với trẻ em, có thể cần được đút từng lượng nhỏ dịch hoặc kem vào miệng lập đi lập lại.

Tiên lượng

Hầu hết các trường hợp buồn nôn và nôn có thể khỏi mà không cần điều trị. Ngay cả nếu như dẫn đến mất nước, có thể dùng thuốc và dịch để giải quyết vấn đề một cách dễ dàng. Nếu mất nước không được điều trị sớm, bạn có thể sẽ phải cần nhập viện để điều trị.

Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases