Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Ngộ độc
Nếu như bạn có người thân hoặc bạn bè hay chính bản thân bạn nuốt hay hít phải chất độc và có những dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng (như nôn, ói, đau, khó thở, mệt mỏi, choáng váng, lẫn lộn hoặc da có màu bất thường) thì bạn nên gọi điện thoại để được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
Nếu như bệnh nhân không có triệu chứng gì nhưng bị ngộ độc bởi những chất có khả năng gây nguy hiểm thì cũng nên được đưa đến phòng cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá.
Chất độc là bất kỳ những chất gì có khả năng giết người hoặc gây tổn thương bằng cơ chế hóa học. Hầu hết những chất độc được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Từ poison (chất độc) có nguồn gốc từ tiếng Latin là potare - có nghĩa là "uống". Tuy nhiên, chất độc cũng có thể đi vào cơ thể qua những đường khác như:
- Đường thở
- Qua da
- Qua tiêm tĩnh mạch
- Do tiếp xúc với phóng xạ.
NGUYÊN NHÂN
Chúng ta vẫn thường hay nghĩ chất độc là những chất hóa học có độc tính cao mà con người không sử dụng được, như cyanide, chất màu, hoặc những hóa chất làm sạch nhà cửa.
Tuy nhiên, nhiều loại chất độc có khi lại chính là những chất mà người ta dùng để ăn, bao gồm thức ăn và thuốc.
- Thức ăn :
- Nấm độc.
- Nước uống bị nhiễm độc bởi những hóa chất công nghiệp hay nông nghiệp.
- Thức ăn chưa được chế biến kỹ.
- Thuốc :
-
Thuốc có thể rất có ích nếu được sử dụng đúng liều điều trị nhưng lại có thể gây tử vong nếu như uống quá liều. Một số ví dụ :
-
Thuốc chẹn beta: một loại thuốc dùng để làm ổn định và làm chậm hoạt động của tim.
-
Coumadin là một loại thuốc chống đông máu dùng để phòng ngừa huyết khối. Nó là thành phần hoạt động trong nhiều loại thuốc chuột và có thể gây chảy máu nặng nề cho đến chết nếu được sử dụng quá nhiều.
-
Các loại vitamin - đặc biệt là A và D - nếu được sử dụng với số lượng lớn có thể gây bệnh cho gan và tử vong.
-
TRIỆU CHỨNG
Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc rất nhiều và đa dạng do đó rất khó để có thể phân loại được chúng.
- Vài loại chất độc làm giãn đồng tử trong khi có một số khác lại làm co đồng tử.
- Một số loại gây tăng tiếng đàm nhớt trong khi đó một số loại khác lại làm khô miệng và da.
- Một số loại gây tăng nhịp tim, một số khác lại làm giảm nhịp tim.
- Một số loại làm tăng nhịp thở, một số khác làm bệnh nhân thở chậm lại.
- Một số loại gây đau, một số khác thì không.
- Một số gây hưng cảm, một số khác lại gây mệt mỏi, uể oải. Lú lẫn, hay quên là dấu hiệu thường thấy ở thể bệnh này.
- Khi nguyên nhân gây ngộ độc chưa được xác định
Cách xác định nguyên nhân gây độc phần lớn dựa vào phương pháp kết hợp các dấu hiệu và triệu chứng lại với nhau kèm thêm những thông tin hữu ích khác.
-
Chẳng hạn như hai loại chất độc khác nhau có thể cùng làm tim đập nhanh. Tuy nhiên, chỉ một loại trong số đó làm khô da và miệng. Cách phân biệt đơn giản này giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm lại.
-
Nếu có nhiều người gặp các triệu chứng và dấu hiệu bệnh giống nhau, và họ cùng tiếp xúc chung một yếu tố nào đó, chẳng hạn như thức ăn, nước uống bị nhiễm độc, môi trường làm việc thì khi đó có thể đặt nghi ngờ rằng họ đã bị nhiễm độc.
-
Khi 2 hoặc nhiều chất độc tương tác với nhau, chúng có thể gây ra những triệu chứng và dấu hiệu bệnh không điển hình.
- Các hội chứng nhiễm độc
Một số loại chất độc gây ra những hội chứng nhiễm độc đặc thù bao gồm những dấu hiệu và triệu chứng đi chung với nhau nếu nhiễm một loại chất độc cụ thể nào đó.
-
Cây cà độc dược, một loại thực vật được dùng để hút hoặc ăn để tạo ảo giác, gây ra hội chứng kháng cholinergic (kháng đối giao cảm): tăng nhịp tim, giãn đồng tử, da khô nóng, bí tiểu, lú lẫn, ảo giác, và hôn mê.
-
Hầu hết những chất độc thường không có hội chứng nhiễm độc đi kèm hay là chỉ có một vài triệu chứng gợi ý của hội chứng nhiễm độc mà thôi.
- Những triệu chứng khởi phát muộn :
Một số bệnh nhân bị nhiễm độc nhưng không xuất hiện triệu chứng trong vòng nhiều giờ, nhiều ngày hay thậm chí là nhiều tháng.
-
Acetaminophen (Tylenol, Panadol) được xem là một trong những loại thuốc an toàn nhất tuy nhiên nó có thể gây độc cho gan nếu như được sử dụng với số lượng lớn. Do tác dụng của nó rất chậm nên phải đến 7 - 12 giờ sau thì triệu chứng đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện (không thèm ăn khi đang đói, buồn nôn và nôn).
-
Một ví dụ cổ điển của trường hợp này là ngộ độc chì. Trước những năm 70 của thế kỷ trước, hầu hết các phẩm nhuộm đều có chứa chì. Trẻ em ăn những bánh snack được nhuộm màu và sau đó vài tháng bắt đầu xuất hiện những bất thường về thần kinh.
- Bệnh của bạn có phải là do ngộ độc hay không ?
Một số dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc có thể giống với một số bệnh thông thường khác.
-
Chẳng hạn như triệu chứng nôn ói của ngộ độc. Triệu chứng này cũng có thể tìm thấy ở nhiều loại bệnh khác không liên quan gì đến ngộ độc (như đột quỵ, cơn cấp của bệnh tim, loét dạ dày, bệnh về túi mật, viêm gan, viêm ruột thừa, chấn thương đầu và nhiều loại bệnh khác)
- Hầu hết những dấu hiệu và triệu chứng có thể nghi ngờ nhiễm độc đều có thể được gây ra bởi những bệnh không liên quan gì đến trúng độc cả.
KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP CỦA Y HỌC
Đến khám tại phòng mạch bác sĩ nếu như bạn nghi ngờ rằng mình đang bị trúng độc. Bạn cũng có thể đến trực tiếp phòng cấp cứu của bệnh viện.
- Đừng tự cho rằng những loại thuốc thông dụng (OTC - over-the-counter) là an toàn ngay cả khi dùng quá liều.
- Đối với nhiều loại thuốc, có thể sẽ phải mất vài giờ hoặc lâu hơn mới thấy triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Gọi ngay đến phòng cấp cứu của bệnh viện nếu như :
- Bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi bị/có thể bị ngộ độc.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ăn phải chất độc, ngay cả khi bé trông vẫn còn khỏe.
- Một người nào đó uống một chất gì đó để tự hủy hoại cơ thể mình, ngay cả khi bạn không biết chất đó là gì và có nguy hiểm hay không.
- Khi đến phòng cấp cứu, hãy mang luôn đến bệnh viện tất cả những lọ thuốc, chai lọ (chất tẩy rửa nhà cửa, lọ thuốc nhuộm, thuốc vitamin), hoặc mẫu độc chất (chẳng hạn như lá cây).
LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG
Kết hợp hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm có thể giúp tìm ra nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ngộ độc. Thường thì cần phải bắt đầu điều trị trước khi thu thập được hết tất cả các thông tin cần thiết.
- Bệnh sử: Nếu bạn là người thân hoặc bạn của bệnh nhân, bạn có thể rất có ích cho bác sĩ và cung cấp được những thông tin giá trị nếu như bạn nói cho ông ta biết những chi tiết sau:
-
Tất cả những thứ bệnh nhân đã ăn hay uống gần đây.
-
Tên những loại thuốc đã được kê toa và những loại thuốc thông dụng mà bệnh nhân đang sử dụng.
-
Những hóa chất mà bệnh nhân phải tiếp xúc khi ở nhà hay khi đi làm.
-
Người thân trong gia đình hay ở nơi làm việc có những triệu chứng tương tự hay là có tiếp xúc với những nguồn chất độc tương tự hay không.
-
Bệnh nhân có tiền sử về bệnh tâm thần hay trước đây đã từng tự tử hay không.
- Cận lâm sàng: nhiều loại chất độc có thể được tìm thấy trong máu và nước tiểu. Tuy nhiên bác sĩ không thể cho làm hết tất cả các xét nghiệm có thể được khi mà chẩn đoán vẫn chưa rõ ràng. Những xét nghiệm được cho làm dựa trên những thông tin thu thập được từ quá trình hỏi bệnh sử và khám.
-
Tầm soát chất độc để phát hiện ra những loại thuốc thường gặp. Hầu hết quá trình tầm soát sẽ phát hiện ra những loại thuốc như acetaminophen, aspirin, marijuana, chất gây nghiện (heroin, codeine), benzodiazepines (Valium, Librium), amphetamine, cocaine và rượu.
-
Một loại xét nghiệm máu chuyên biệt sẽ giúp xác định được nồng độ trong máu của một số loại thuốc, bao gồm Dilantin, theophylline, digoxin, lithium, và acetaminophen.
-
Một số loại thuốc ảnh hưởng lên hoạt động điện học của tim. Đo điện tâm đồ của thể giúp tìm ra được đặc tính của độc chất.
-
Đôi khi, bệnh nhân bị bất tỉnh với nguyên nhân không rõ ràng. Trong trường hợp này cần phải chụp CT-scan não để kiểm tra xem có sự thay đổi cấu trúc bên trong não hay không, chẳng hạn như bị sang chấn hay chảy máu.
ĐIỀU TRỊ
Tại nhà
Nếu như bạn có người thân hoặc bạn bè hay chính bản thân bạn nuốt hay hít phải chất độc và có những dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng (như nôn ói, đau, khó thở, mệt mỏi, choáng váng, lẫn lộn hoặc da có màu bất thường) thì bạn nên gọi điện thoại để được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
Theo nguyên tắc thì không được điều trị ngộ độc tại nhà.
- Xác định số điện thoại của cơ sở y tế gần nhất.
- Đặt số điện thoại này cạnh máy điện thoại của bạn (kế bên số điện thoại của cảnh sát, cứu hỏa v.v...)
- Nếu bạn gọi điện đến bệnh viện, hãy hỏi những câu hỏi sau:
-
Có cần giúp cho bệnh nhân nôn ra không ?
-
Có thuốc giải độc nào tôi có thể cho tại nhà không ?
-
Nôn: nôn chỉ giúp cơ thể tống chất độc ra ngoài nếu như nó vẫn còn nằm bên trong dạ dày. Nếu như bị ngộ độc trong khoảng từ 1 đến 2 giờ. Sau khoảng thời gian đó thì chất độc có thể thẩm thấu qua dạ dày mà đi vào máu hoặc trôi sâu hơn xuống ruột và không thể nôn ra được.
Siro ipecac là hợp chất có thể giúp bệnh nhân nôn ra sau khi uống khoảng 20-30 phút. Bạn chỉ có thể uống ipecac nếu như được bác sĩ khuyên như vậy. Uống ipecac theo hướng dẫn sau:
-
Cho bệnh nhân uống 1 cốc nước đầy (8-12 ounce) ngay trước khi hoặc sau khi uống ipecac.
-
Ipecac được đựng trong lọ có dung tích là 2 ounce. 1 ounce bằng 30ml; một muỗng lớn khoảng 15ml và một muỗng nhỏ (muỗng trà) bằng 5ml. Liều dùng cho người lớn và thiếu niên là từ 15-40ml. Liều cho trẻ em từ 1-12 tuổi là 15ml. Liều cho nhũ nhi từ 6 - 12 tháng là 5 ml.
-
Nếu như 20 - 30 phút sau mà bệnh nhân vẫn không nôn ra, lặp lại liều ban đầu thêm một lần duy nhất nữa.
-
Ipecac có thể mua được ở hầu hết các hiệu thuốc mà không cần toa bác sĩ. Một lọ apecac chưa được mở có thể giữ được vài năm ở nhiệt độ phòng. Do đó sẽ rất tốt nếu mua sẵn 1 lọ ipecac để tại nhà phòng trường hợp cấp cứu ngộ độc khẩn cấp.
-
Nếu không thể nôn ra được
Nếu bệnh nhân dùng thuốc ngủ hay thuốc an thần có thể gây mê man thì không cố làm cho bệnh nhân ói do đó không được sử dụng ipecac. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao bị hít sặc, nghĩa là bệnh nhân hít chất ói vào trong phổi và có thể gây ngạt thở.
-
Nếu bệnh nhân nuốt những chất gây ăn da, như thuốc giặt quần áo, nó sẽ làm bỏng miệng và thực quản trên đường đi xuống dạ dày, nếu như bị nôn ngược ra ngoài, nó sẽ làm bỏng lần thứ hai.
-
Nếu bệnh nhân nuốt những sản phẩm từ dầu hỏa, như xăng, dầu lửa, hoặc chất pha màu, những chất này có thể vào phổi một cách dễ dàng và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Nôn ói có thể làm tăng nguy cơ cho điều này xảy ra.
-
Nếu bệnh nhân đã bị nôn do triệu chứng của ngộ độc thì không cần phải sử dụng ipecac nữa.
-
Nếu bệnh nhân nuốt những vật cứng như pin, kim, lưỡi câu, tiền xu.
Tại cơ sở y tế:
- Loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể trước khi nó có thể gây ra bất kỳ tổn thương nào.
-
Trong một số hiếm trường hợp, bác sĩ có thể dùng ipecac để gây nôn.
-
Nếu bệnh nhân bị bất tỉnh, bác sĩ sẽ đặt một ống plastic, mềm và dẻo vào trong khí quản để tránh không cho bệnh nhân bị ngạt thở do hít phải chất nôn của chính mình.
-
Một khi chất độc di chuyển qua dạ dày, cần phải dùng một số phương pháp khác:
-
Than hoạt tính, đóng vai trò như một chất "siêu hút" đối với nhiều loại chất độc. Một khi chất độc bị mắc kẹt lại chung với than hoạt trong ruột, nó không thể thẩm thấu vào máu được. Than hoạt không có vị, nhưng do giống như sạn nên đôi khi có thể làm cho bệnh nhân nôn ói. Để hiệu quả thì than hoạt có thể được cho sau khi bị ngộ độc càng sớm càng tốt. Nó không có tác dụng với rượu, những chất ăn da, lithium hay xăng dầu.
-
Rửa toàn bộ ruột bằng cách uống một lượng lớn một chất dịch được gọi là GoLYTELY. Chất này rửa sạch toàn bộ ống tiêu hóa trước khi chất độc có thể phát tán vào máu.
-
- Chất giải độc: một số chất độc có chất giải đặc hiệu của nó. Chât giải chẳng những ngăn chặn không cho chất độc phát huy tác dụng mà còn đảo ngược quá trình tác dụng của chất độc nữa.
-
Atropin là chất giải độc cho một số loại khí độc với thần kinh và chất diệt côn trùng. Trong suốt chiến dịch Bão Táp Sa Mạc, tất cả binh lính Mỹ được phát cho những liều atropin tiêm để phòng ngừa Saddam Hussein có thể dùng khí độc.
-
Chất giải độc thường gặp là N-acetylcysteine (Mucomyst) được dùng để trung hòa hiệu ứng của Tylenol (Acetaminophen, còn có biệt dược khác là Panadol) khi dùng quá liều. Acetaminophen ở liều bình thường là một loại thuốc an toàn nhất từng được biết đến, nhưng nếu dùng quá liều có thể gây tổn thương gan, viêm gan và suy gan. Mycomyst đóng vai trò giải độc bằng cách hỗ trợ khả năng khử độc tự nhiên của cơ thể nếu như quá trình này đang bị chất độc lấn át.
-
Nó cũng có thể đảo ngược lại tác dụng gây độc của thuốc:
-
Bệnh nhân bị đái tháo đường sử dụng quá nhiều insulin có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm do hạ đường huyết có thể gây yếu ớt, mất ý thức, và thậm chí là tử vong. Cung cấp thêm đường qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch là phương pháp điều trị hiệu quả cho đến khi insulin mất hết tác dụng.
-
Nếu chất độc là những kim loại nặng, như chì, một loại thuốc đặc hiệu (chelator) dùng để "trói" chất độc lại trong máu và làm cho nó đào thải ra ngoài qua đường tiểu.
-
Một loại chất khác cũng có tác dụng tương tự là sodium polystyrene sulfonate (Kayexalate) có thể hấp thu Kali và những chất điện giải khác trong máu.
-
- Những biện pháp nâng đỡ khác: khi không có cách điều trị đặc hiệu nào, bác sĩ sẽ điều trị làm giảm bớt các dấu hiệu và triệu chứng của bạn.
-
Nếu bệnh nhân bị kích động hoặc ảo giác có thể cho thuốc an thần để bệnh nhân dịu lại cho đến khi chất độc hết tác dụng.
-
Máy thở giúp hỗ trợ hô hấp cho những bệnh nhân bị ngưng thở do chất độc.
Tiên lượng
Bí quyết để có một tiên lượng tốt là phát hiện sớm tình trạng nhiễm độc và di chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có chất lượng.
- Khi được điều trị nhanh chóng thì phần lớn những bệnh nhân bị ngộ độc đều sống sót.
- Tiên lượng xấu xảy ra trong những trường hợp sau:
-
Chất có độc tính cao như cyanide.
-
Chất gây tổn thương mô cơ thể ngay lập tức (chẳng hạn như chất tẩy rửa, acid)
-
Nhiễm độc do tiếp xúc trong một thời gian dài - thường là không được nhận ra (chẳng hạn như nước ô nhiễm, môi trường làm việc, chì)
Theo emedicinehealth - Y học NET dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net