Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Nạo buồng tử cung
Thủ thuật nạo buồng tử cung còn được gọi là thủ thuật D&C. Trong đó chữ D là viết tắt của chữ dilation (có nghĩa là làm dãn ra), chữ C là viết tắt của chữ curettage (nghĩa là nạo).
Như vậy, thủ thuật D&C nghĩa là làm dãn lớn đường vào của tử cung để cho một dụng cụ mỏng và bén có thể nạo hoặc hút lớp niêm mạc của tử cung ra ngoài và lấy ra các mẫu mô để nghiên cứu.
Ngày nay, thủ thuật này có thể thực hiện được thường quy và được xem là an toàn. Nó là một dạng tiểu phẫu được thực hiện ở bệnh viện hoặc phòng mổ cấp cứu. Thủ thuật nạo buồng tử cung thường dùng để chẩn đoán, đôi khi có thể dùng để điều trị.
Ở những thế hệ trước, các phụ nữ không được lựa chọn cách điều trị này cho những bệnh-của-phụ-nữ của họ. Thay vào đó, họ phải lựa chọn cách cắt tử cung hoặc những loại đại phẫu khác.
- Thủ thuật nạo buồng tử cung hiếm khi được thực hiện một mình. Nó thường được thực hiện dưới vai trò là một thủ thuật phụ thêm cho thủ thuật soi buồng tử cung và/hoặc cắt polyp. Thủ thuật nạo buồng tử cung thường được thực hiện trong những tình huống sau:
- Ra huyết không theo chu kỳ: đôi khi bạn có thể cảm thấy mình bị ra huyết âm đạo không theo chu kỳ, bao gồm những đốm máu xuất hiện giữa các chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng nếu như hiện tượng này tiến triển thành chảy máu đều đặn giữa chu kỳ kinh, bác sĩ có thể sẽ phải nạo buồng tử cung của bạn để tìm hiểu nguyên nhân gây chảy máu.
- Ra huyết quá nhiều: xuất huyết trong một chu kỳ kinh nặng nề và kéo dài, hoặc xuất huyết sau tuổi mãn kinh, có thể là dấu hiệu của một số bệnh. Những triệu chứng này có thể không cần phải được điều tra ngay lập tức. Bạn có thể quan sát và ghi nhận lại chúng. Ở một thời điểm nào đó, bác sĩ có thể sẽ tìm nguyên nhân bằng cách hiệu quả nhất là soi buồng tử cung.
- U xơ và polyp: đây là những tình trạng rất hay gặp. Thực tế, chúng được cho là xảy ra trong khoảng 20% tất cả phụ nữ. U xơ tử cung là một loại u không phải ung thư xuất hiện trong và trên tử cung. Một số loại thậm chí còn nhô ra ngoài thành tử cung nhờ có cuống. U xơ tử cung có thể gây đau kéo dài và chảy máu nặng nề. Polyp, cũng giống như u xơ tử cung, là một loại u không phải ung thư và là nguyên nhân thường gặp gây chảy máu ngoài chu kỳ. Polyp và u xơ có thể có những triệu chứng tương tự với những nguyên nhân nguy hiểm gây chảy máu khác. Bác sĩ có thể vẫn muốn thực hiện soi tử cung.
- Ung thư nội mạc tử cung. Ung thư là một từ rất đáng sợ, đặc biệt là nếu như nó nói về bạn. Nạo buồn tử cung và soi buồng tử cung thường được thực hiện để xác định những triệu chứng của bạn không phải gây ra do ung thư tử cung. Và đương nhiên nó rất quan trọng do có thể phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm nhất và có khả năng chữa được nhất.
- Nạo buồng tử cung để điều trị: Nạo buồng tử cung thường được làm để điều trị khi nguồn gốc của bệnh đã được phát hiện ra. Một trong những trường hợp cần nạo buồng tử cung là sẩy thai không hoàn toàn, hoặc thậm chí là đã sinh trọn khi vì một lý do nào đó tử cung không tống xuất hoàn toàn thai nhi hoặc các mô nhau nằm bên trong ra ngoài. Nếu mô vẫn còn nằm lại bên trong có thể dẫn đến chảy máu quá mức, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đây là lý do quan trọng khiến các bác sĩ muốn lấy ra toàn bộ các mô còn sót lại bên trong tử cung bằng thủ thuật này.
- Bác sĩ có thể không nạo buồng tử cung cho bệnh nhân trong một số trường hợp, ngoại trừ trong trường hợp tối cần thiết:
- Nhiễm trùng vùng chậu: nếu bạn bị nhiễm trùng đường sinh dục, sẽ có khả năng những dụng cụ phẫu thuật được đưa vào âm đạo và cổ tử cung có thể mang vi khuẩn từ âm đạo hoặc cổ tử cung đi vào bên trong tử cung. Ngoài ra thủ thuật này cũng làm tăng nguy cơ bị tổn thương và nhiễm trùng. Vì những lý do đó, bác sĩ có thể chờ cho đến khi tình trạng nhiễm trùng đã được điều trị khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật.
- Rối loạn đông máu: sau khi nạo buồng tử cung, quá trình cầm máu phụ thuộc vào khả năng đông máu tự nhiên của cơ thể bệnh nhân. Do đó những phụ nữ bị một số rối loạn về máu thường không được thực hiện thủ thuật này.
- Những bệnh nặng: chẳng hạn như bệnh tim và phổi có thể gây nguy cơ khi gây mê toàn thể, và đôi khi là gây mê cục bộ.
Thực tế, thủ thuật nạo buồng tử cung không còn được thực hiện thường xuyên như cách đây 1 thập kỷ trước do những tiến bộ trong kỹ thuật chẩn đoán (siêu âm và soi tử cung) và liệu pháp hormon không cần phẫu thuật (vd như thuốc tránh thai dùng qua đường uống) và liệu pháp kháng hormon (vd như Lupron).
NGUY CƠ
- Xuất huyết: hiếm khi nạo buồng tử cung gây xuất huyết nặng nhưng nó có thể xảy ra nếu như dụng cụ nạo làm tổn thương thành tử cung hoặc khối u xơ chưa bị phát hiện ra vô tình bị cắt đi khi nạo.
- Nhiễm trùng: luôn có một khả năng nhiễm trùng nhỏ có thể xảy ra khi có dụng cụ bên ngoài đưa vào buồng tử cung. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng có thể được chữa khỏi một cách dễ dàng bằng kháng sinh. Một số trường hợp có thể rất nặng.
- Thủng tử cung: biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng có khả năng xảy ra nhiều hơn ở những phụ nữ bị nhiễm trùng tử cung vào thời điểm thực hiện thủ thuật, hay ở những phụ nữ sau tuổi mãn kinh, và nếu thủ thuật này được thực hiện do bệnh nhân bị sẩy thai. Nếu bác sĩ nghi ngờ tình trạng này xảy ra, bạn sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viên để được theo dõi hoặc phẫu thuật lần hai.
- Hội chứng asherman: biến chứng này hiếm xảy ra, là sự hình thành mô sẹo bên trong tử cung do nạo mạnh tay hoặc phản ứng bất thường của cơ thể với quá trình nạo. Có thể dẫn đến sẹo dày, có thể lấp đầy tử cung hoàn toàn làm bạn không còn hành kinh nữa và trở nên vô sinh (không thể có con được).
- Những bệnh bị bỏ sót: các nghiên cứu cho thấy chỉ có 10-20% nội mạc tử cung thật sự được nạo khi thực hiện thủ thuật này, do đó có một tỷ lệ khả năng không phát hiện ra được bệnh. Đó là lý do vì sao hiện nay thủ thuật này hiếm khi được thực hiện mà không kèm theo soi buồng tử cung nữa.
CHUẨN BỊ
Tùy thuộc vào loại thuốc gây mê được sử dụng, những hướng dẫn của bác sĩ đối với bệnh nhân trước khi nạo thường sẽ bao gồm những điều sau:
- Tránh dùng những loại thuốc không cần thiết: một vài ngày trước khi nạo, ngừng dùng những loại thuốc như aspirin, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, và những thuốc phổ thông khác, chẳng hạn như thuốc cảm và thuốc nhuận trường. Tránh uống rượu và hút thuốc. Nhiều phẫu thuật viên hiện nay khuyến cáo bạn nên ngừng uống những loại thảo dược trong vòng ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật. Hãy thông báo với bác sĩ về tất cả những loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
- Những bệnh mạn tính: bác sĩ có thể sẽ muốn những bệnh mạn tính mà bạn đang có phải đang ở trong tình trạng được kiểm soát tốt trước khi phẫu thuật. Chẳng hạn như nếu bạn bị tăng huyết áp không kiểm soát, bạn có thể phải theo một chế độ điều trị chặt chẽ ở trong hoặc ngoài bệnh viện để cải thiện huyết áp của mình. Điều này rất quan trọng để tránh những biến chứng không đáng có xảy ra khi nạo.
- Ăn và uống. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn không ăn hoặc uống trong vòng 12 giờ trước khi nạo nếu bạn được gây mê toàn thể (ngủ hoàn toàn) hoặc trong vòng 8 giờ trước khi gây tê cục bộ (vd như gây tê tủy sống), khi đó chỉ phần thấp của cơ thể của bạn bị tê và không có cảm giác.
- Các xét nghiệm tiền phẫu: một ngày trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ có thể muốn bạn thực hiện một số xét nghiệm máu, nước tiểu thường quy và một số xét nghiệm khác để bảo đảm không có vấn đề nào bị bỏ sót.
TRONG KHI THỰC HIỆN THỦ THUẬT
Mỏ vịt
- Gây mê
- Gây tê cục bộ: nếu được gây tê cục bộ, bạn sẽ nằm ngửa theo tư thế khám sản tiêu chuẩn: hai chân dạng ra và đầu gối co lại. Bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ được gọi là mỏ vịt vào bên trong âm đạo để giữ âm đạo được mở rộng. Bác sĩ hoặc phụ tá sau đó sẽ làm sạch phần trong và phần ngoài của âm đạo bao gồm cả cổ tử cung bằng dung dịch rửa. Bác sĩ sau đó sẽ giữ cổ tử cung cố định bằng một cái kẹp rồi tiêm thuốc tê cục bộ vào mặt kia của cổ tử cung. Thủ thuật này được gọi là gây tê cạnh cổ tử cung để làm giảm đau do dãn cổ tử cung. Nó không làm tê bất kỳ phần nào còn lại của cơ thể.
- Gây tê tủy sống: một cây kim sẽ được chọc vào phía sau thắt lưng của bệnh nhân, thường khi bệnh nhân đang ở tư thế ngồi. Thuốc tê sẽ được bơm qua kim để vào dịch não tủy bao quanh tủy sống. Thủ thuật này thường sẽ làm tê từ rốn trở xuống và hết tác dụng trong vòng 1-3 giờ.
- Gây mê toàn thể: nếu bạn được gây mê toàn thể, bạn sẽ không nhận biết được bất kỳ điều gì kể cả quá trình làm sạch sau khi bạn đã bị mất ý thức. Bạn sẽ được nằm lên bàn với bác sĩ gây mê hoặc kỹ thuật viên gây mê đứng ở phía đầu. Bạn sẽ được tiêm một mũi thuốc để thư giãn và lau khô những chất tiết từ miệng chảy ra. Sau đó bạn sẽ được tiêm một mũi thuốc mê tác dụng nhanh qua đường tĩnh mạch và lập tức rơi vào giấc ngủ để có thể thực hiện được phẫu thuật.
- Làm dãn cổ tử cung (bước đầu tiên): trong khi đang gắp cổ tử cung bằng kẹp, bác sĩ sẽ đưa một mảnh kim loại mỏng và dẻo được gọi là que thăm dò để xác định độ sâu và góc của tử cung. Dụng cụ đo này cho phép bác sĩ có thể biết được có thể đưa thìa nạo vào sâu bao nhiêu là an toàn. Phương pháp thường được dùng để làm dãn cổ tử cung là đưa một que kim loại trơn và mỏng nhẹ nhàng và dọc theo ống âm đạo để đi đến lổ mở của cổ tử cung. Que này sẽ được đặt ở đó một lúc rồi sau đó rút ra và thay bằng một que lớn hơn một chút. Quá trình này sẽ được lập lại cho đến khi cổ tử cung dãn ra bằng chiều rộng của một ngón tay. Phương pháp này thường kéo dài khoảng 10 phút. Nếu bạn được gây tê cục bộ, bạn có thể cảm thấy cảm giác khó chịu do các cơ của cổ tử cung bị dãn ra để khớp với các que kim loại đưa vào. Một phương pháp khác đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn là đưa một nút gạc laminaria (một miếng rong biển khô có hình dạng xì gà) vào cổ tử cung 8-20 giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Miếng laminaria sẽ hấp thu nước từ các mô xung quanh và nở ra làm căng và dãn từ từ kênh cổ tử cung. Phương pháp này ít gây chấn thương hơn cách dùng thanh kim loại.
- Soi và nạo tử cung (bước thứ hai): sau khi làm dãn cổ tử cung, bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt để làm âm đạo mở ra một lần nữa. Bác sĩ có thể đưa một muỗng nhỏ vào buồng tử cung để lấy đi một mẫu của niêm mạc cổ tử cung. Vào thời điểm này, đèn soi tử cung sẽ được đưa vào để bác sĩ có thể nhìn thấy được bên trong tử cung. Bác sĩ có thể phát hiện ra u xơ, polyp hoặc quá phát nội mạc tử cung. Vào thời điểm này, các dụng cụ có thể sẽ được đưa qua đèn soi vào buồng tử cung để sinh thiết, hoặc lấy ra, những mẫu bất thường bên trong đó.
- Sau đó bác sĩ sẽ đặt một que nạo hơi lớn hơn một chút đi qua cổ tử cung đã được làm dãn để vào tử cung. Thìa nạo là một vòng kim loại nằm ở một đầu của tay cầm dài và mảnh. Bác sĩ sẽ nạo hoặc hút đều đặn và nhẹ nhàng thành tử cung. Sau đó mẫu mô thu được sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để được phân tích. Sau khi đã được nạo xong, các dụng cụ sẽ được lấy ra khỏi tử cung.
- Nếu được gây tê cục bộ, bạn có thế sẽ cảm thấy cảm giác bị kéo giật sâu bên trong bụng khi đang nạo. Nếu quá trình này làm bạn quá đau đớn, hay thông báo với bác sĩ để có thể được cho thêm thuốc giảm đau.
- Toàn bộ thủ thuật, bao gồm cả phần nạo chiếm khoảng 20 phút. Sau đó, bạn có thể cảm thấy bị co thắt, cảm giác này có thể kéo dài khoảng 30 phút.
SAU KHI THỰC HIỆN THỦ THUẬT
- Triệu chứng co thắt, giống các cơn co thắt bụng gây đau trong khi hành kinh, có thể sẽ là cảm giác mạnh mẽ nhất mà bạn cảm nhận được ngay sau khi thực hiện thủ thuật. Mặc dù hầu hết phụ nữ có thể thấy cơn đau này kéo dài không đến 1 giờ, nhưng một số khác có thể bị đau trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn.
- Bạn cũng có thể bị xuất huyết nhẹ trong vòng vài ngày tới.
- Bạn sẽ có thể được đưa đến phòng hồi sức ngay sau khi thực hiện thủ thuật. Hầu hết các bệnh viện và phòng khám ngoài giờ sẽ giữ bạn lại trong vòng 1 giờ hoặc cho đến khi bạn tỉnh táo hoàn toàn. Bạn cũng cần phải được có người chở về nhà.
- Bạn không nên tự lái xe trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi được gây mê. Lời khuyến cáo này được áp dụng cho cả trường hợp gây tê hoặc gây mê cục bộ do những loại thuốc này có thể làm giảm tạm thời khả năng phối hợp cũng như tốc độ phản ứng của bạn.
- Bạn cũng có thể được cho thuốc Naproxen hoặc ibuprofen để làm giảm co thắt. Đôi khi có thể cho các loại thuốc từ á phiện để làm giảm đau sau nạo tử cung.
KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ
Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu như một trong số những triệu chứng sau xuất hiện:
- Sốt trên 38 độ C.
- Đau nặng kéo dài hoặc co thắt không giảm khi dùng ibuprofen hoặc naproxen.
- Chảy máu nặng hoặc kéo dài (hơn 6 giờ hoặc cần thay băng vệ sinh 6, 7 lần trong 1 giờ).
- Chảy dịch có mùi hôi từ âm đạo.
Nếu bạn không thể liên lạc với bác sĩ khi gặp một trong những biến chứng trên, hãy đến phòng cấp cứu của bệnh viện. Nếu bạn cảm thấy hoa mắt hoặc ngất, bạn nên đến phòng cấp cứu vì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng mất máu quá nhiều. Nếu bạn cảm thấy rất mệt mỏi, sốt cao, hoặc đau bụng nhiều, tốt nhất là bạn nên đến trực tiếp phòng cấp cứu.
THEO DÕI
Sau khi thực hiện thủ thuật, bạn thường sẽ nhận được một danh sách những hướng dẫn với những đề nghi sau:
- Tránh quan hệ tình dục trong vòng 2 tuần. Do cổ tử cung bị dãn nên nó cần có thời gian để co lại kích thước bình thường. Trong khoảng thời gian này, vi khuẩn có thể dễ dàng đi vào tử cung gây nhiễm trùng.
- Chỉ dùng băng vệ sinh nếu bị chảy máu, tránh dùng que tampon trong vòng ít nhất 2 tuần. Không thụt rửa.
- Bảo đảm quay lại tái khám đúng hẹn. Vào lúc này, bác sĩ có thể thông báo với bạn về kết quả xét nghiệm mẫu mô của bạn. Bác sĩ cũng có thể muốn kiểm tra lại xem bạn có những dấu hiệu gì của nhiễm trùng hay không để bảo đảm cổ tử cung của bạn quay trở về kích thước bình thường.
Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net