Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Mãn kinh

Mãn  kinh

Mãn kinh là thời điểm phụ nữ không còn hành kinh nữa và không phải do bệnh tật. Mãn kinh là thời kỳ chuyển giao giữa 2 giai đoạn trong cuộc đời một người phụ nữ.

Nhiều phụ nữ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau do sự thay đổi hormon bởi hiện tượng chuyển giao trong thời kỳ mãn kinh. Trong khoảng thời gian mãn kinh, phụ nữ thường bị mất đậm độ xương và nồng độ cholesterol trong máu sẽ xấu đi làm tăng nguy cơ bị bệnh tim.

Mãn kinh sớm: độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Mỹ là 51 tuổi. Thông thường, phụ nữ mãn kinh trong giai đoạn từ 48 đến 55 tuổi. Mãn kinh xuất hiện ở phụ nữ trẻ hơn 40 tuổi được xem là mãn kinh sớm. Mãn kinh được xem là trễ khi xuất hiện ở phụ nữ lớn hơn 55 tuổi. Ở hầu hết phụ nữ, mãn kinh là một sự kiện bình thường.

  • Mãn kinh có thể xảy ra hơi sớm hơn ở những phụ nữ hút thuốc, chưa bao giờ có thai hoặc sống ở vùng cao.
  • Đối với những người bị mãn kinh sớm, các bác sĩ cần phải khám xem có vấn đề nào về sức khỏe hay không. Khoảng 1% phụ nữ bị mãn kinh sớm.

Cận mãn kinh. Những thay đổi hormon do mãn kinh thật sự bắt đầu trước chu kỳ kinh cuối cùng của phụ nữ, thời kỳ này kéo dài trong vòng 3 đến 5 năm và được gọi là thời kỳ cận mãn kinh. Trong giai đoạn chuyển đổi này, phụ nữ có thể bắt đầu cảm thấy các triệu chứng mãn kinh và mất đậm độ xương ngay cả khi họ vẫn còn đang có kinh.

Mãn kinh do phẫu thuật. Là mãn kinh xảy ra do cắt bỏ buồng trứng. Những phụ nữ bị mãn kinh do phẫu thuật thường sẽ có những triệu chứng mãn kinh xuất hiện một cách đột ngột và nặng nề.

NGUYÊN NHÂN

Mãn kinh xảy ra do một chuỗi những thay đổi hormon phức tạp. Đi kèm với mãn kinh là sự suy giảm số lượng trứng còn đủ chức năng trong 2 buồng trứng. Vào lúc mới ra đời, hầu hết các trẻ gái có khoảng 1-3 triệu trứng và sau đó mất dần trong suốt cuộc đời. Vào thời điểm một cô gái có kinh lần đầu tiên, cô ta có trung bình khoảng 400.000 trứng. Vào thời điểm mãn kinh, phụ nữ có thể có ít hơn 10.000 trứng. Một tỷ lệ nhỏ những trứng trên mất đi do sự rụng trứng bình thường (chu kỳ hằng tháng). Hầu hết trứng bị chết đi do quá trình tiêu hủy (sự thoái hóa và sau đó là sự tiêu hủy những nang trứng chưa trưởng thành - tạo thành những nang chứa đầy dịch chứa trứng bên trong).

  • Bình thường, FSH (follicle-stimulating hormone - hormon kích thích nang noãn), là một loại hormon sinh dục chịu trách nhiệm phát triển nang trứng trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt. Khi giai đoạn mãn kinh đến gần, những trứng còn lại trở nên đề kháng hơn với FSH và buồng trứng sẽ giảm mạnh sự sản xuất hormon estrogen của nó.
  • Estrogen ảnh hưởng đến nhiều phần trong cơ thể, trong đó có mạch máu, tim, xương, vú, tử cung, hệ niệu, da, và não. Người ta cho rằng mất estrogen là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng của mãn kinh. Vào thời điểm mãn kinh, buồng trứng cũng giảm sản xuất testosterone - một loại hormon có trong libido hay ham muốn tình dục.

TRIỆU CHỨNG

  • Nóng bừng: nóng bừng là triệu chứng mãn kinh thường gặp nhất. Theo một số nghiên cứu, triệu chứng này xảy ra ở khoảng 75% phụ nữ cận mãn kinh. Triệu chứng này thay đổi ở từng người khác nhau. Thông thường, đó là một cảm giác nóng ấm lan tỏa khắp cơ thể và kéo dài từ 30 giây đến vài phút. Đỏ ửng da, đánh trống ngực (cảm giác tim đập mạnh) và vã mồ hôi là những triệu chứng thường đi kèm với nóng bừng. Nóng bừng thường làm tăng nhiệt độ da và nhịp mạch, nó có thể gây mất ngủ. Triệu chứng này thường kéo dài khoảng 2-3 năm, nhưng nhiều phụ nữ có thể bị trên 5 năm. Thậm chí có một tỷ lệ nhỏ phụ nữ bị trên 15 năm.
  • Tiểu không kiềm chế hoặc tiểu rát.
  • Những thay đổi âm đạo: do estrogen ảnh hưởng đến niêm mạc âm đạo nên phụ nữ ở tuổi cận mãn kinh có thể bị đau khi giao hợp và chú ý thấy có sự thay đổi trong chức năng tiết dịch của âm đạo.
  • Những thay đổi của vú: mãn kinh có thể làm thay đổi hình dạng của vú.
  • Mỏng da
  • Loãng xương: Tình trạng mất chất xương xảy ra một cách nhanh chóng trong những năm cận mãn kinh. Hầu hết phụ nữ có đậm độ xương đạt đến mức cao nhất vào khoảng 25 đến 30 tuổi. Sau đó, chất xương sẽ mất đi trung bình khoảng 0.13% mỗi năm. Trong giai đoạn cận mãn kinh, tốc độ mất chất xương tăng lên đến khoảng 3% mỗi năm. Sau đó, nó giảm xuống khoảng 2% mỗi năm. Thông thường tình trạng này sẽ không gây đau. Tuy nhiên, mất chất xương có thể gây loãng xương và tình trạng này làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Những kiểu gãy xương này có thể gây đau rất dữ dội và cản trở đến sinh hoạt hằng ngày. Chúng cũng làm tăng nguy cơ tử vong.
  • Cholesterol: Cholesterol cũng thay đổi đáng kể trong giai đoạn mãn kinh. Cholesterol toàn phần và LDL (cholesterol "xấu") sẽ tăng. Tăng LDL cholesterol cũng đồng nghĩa với tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
  • Tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch sau mãn kinh: mặc dù người ta vẫn chưa biết được chính xác tuổi tác chịu trách nhiệm bao nhiêu phần và những thay đổi hormon trong thời kỳ mãn kinh chịu trách nhiệm bao nhiêu phần. Những phụ nữ ở giai đoạn cận mãn kinh hoặc bị cắt bỏ buồng trứng lúc còn trẻ đều bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Tăng cân: một nghiên cứu trong vòng 3 năm ở những phụ nữ khỏe mạnh gần mãn kinh đã tìm ra rằng họ bị tăng trung bình 5 pound (khoảng 2,27 kg) trong vòng 3 năm. Những thay đổi hormon và tuổi tác đều có thể là yếu tố gây ra hiện tượng tăng cân này.

KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ

  • Tất cả những phụ nữ ở giai đoạn cận mãn kinh và sau mãn kinh đều nên đến khám phụ khoa định kỳ mỗi năm. Quá trình khám có thể bao gồm khám vú, khám khung chậu và chụp nhũ ảnh.
  • Phụ nữ mãn kinh nên tìm hiểu về những nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư đại tràng từ các bác sĩ và xem xét theo dõi tầm soát những bệnh kể trên.
  • Những phụ nữ vẫn còn đang hành kinh và hoạt động tình dục đem lại nguy cơ mang thai (ngay cả khi kinh nguyệt không đều). Thuốc ngừa thai có chứa estrogen liều thấp có thể có ích đối với những phụ nữ ở tuổi cận mãn kinh để ngừa có thai và giảm những triệu chứng cận mãn kinh, chẳng hạn như những cơn nóng bừng.
  • Những thuốc bán tự do tại quầy, những thuốc bán theo toa, và những thay đổi lối sống chẳng hạn như chế độ ăn và tập thể dục có thể giúp kiểm soát triệu chứng nóng bừng và những triệu chứng mãn kinh khác bao gồm tăng cholesterol và mất chất xương.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Xét nghiệm máu: để xác định xem có phải bệnh nhân dang ở trong giai đoạn cận mãn kinh hay không, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra nồng độ hormon FSH qua xét nghiệm máu.

Kiểm tra xương: phương pháp chuẩn để đo lượng xương mất, hoặc loãng xương, có liên quan đến mãn kinh là DEXA (dual-energy x-ray absorptionmetry - đo độ hấp thụ tia x năng lượng kép). Khảo sát này đo được đậm độ khoáng của xương và so sánh với giá trị trung bình ở những phụ nữ khỏe mạnh. Tổ chức Y Tế Thế Giới định nghĩa loãng xương là thấp hơn giá trị trung bình trên 2.5 độ lệch chuẩn. Tình trạng giảm mật độ xương là tình trạng mất chất xương nhẹ hơn (từ 1 đến 2.5 độ lệch chuẩn dưới giá trị trung bình).

  • DEXA scan thường được thực hiện trước khi bác sĩ kê toa thuốc loãng xương để xây dựng lại đậm độ khoáng cho xương. Đây là một kiểu chụp X quang đặc biệt ở hông và ở phần thấp cột sống. Thường bệnh nhân được chụp lập lại 1 lần từ mỗi 1/2 năm đến 2 năm để đo mức độ đáp ứng điều trị.
  • Tầm soát xương đơn giản có thể thực hiện bằng một máy siêu âm để đo đậm độ xương ở gót chân. Đây chỉ đơn thuần là một thiết bị tầm soát. Nếu phát hiện giảm đậm độ xương, bệnh nhân có thể sẽ cần được thực hiện chụp DEXA hoàn chỉnh.

Kiểm tra các nguy cơ tim mạch: những phụ nữ sau mãn kinh có thể tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Bác sĩ có thể đo nồng độ cholesterol qua một xét nghiệm máu đơn giản. Nếu nồng độ cholesterol cao, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân những cách giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.

ĐIỀU TRỊ

Mãn kinh không phải là một bệnh nên cũng không có một cách điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên các bác sĩ có thể thực hiện một số biện pháp điều trị khác nhau đối với triệu chứng nóng bừng và những triệu chứng mãn kinh khác có thể gây phiền hà cho phụ nữ. Có nhiều loại thuốc bán theo toa để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng tăng cholesterol, mất chất xương có thể xảy ra khi bị mãn kinh. Một số người không cần điều trị, hoặc họ chọn cách hoàn toàn không dùng thuốc trong suốt những năm mãn kinh của mình.

Tại nhà

  • Nóng bừng: có một số cách điều trị không cần toa thuốc và lựa chọn lối sống có thể có ích.
    • Protein đậu nành là phương thuốc thông dụng để điều trị triệu chứng nóng bừng, mặc dù những dữ liệu và tính hiệu quả của chúng không có nhiều. Một số bác sĩ khuyên bệnh nhân của mình uống khoảng 60g protein đậu nành, hoặc 2 ly sữa đậu này mỗi ngày. Đậu nành có chứa phytoestrogen, hoặc estrogen thực vật tự nhiên (isoflavone), được cho là có tác dụng tương tự như cách điều trị bằng estrogen. Tính an toàn của đậu này ở phụ nữ đã từng bị ung thư vú vẫn chưa được bảo đảm, mặc dù đã có những nghiên cứu lâm sàng cho thấy đậu này không cho hiệu quả điều trị triệu chứng cao hơn là giả dược. Nguồn dinh dưỡng tốt nhất là hạt đậu nành thô hoặc được rang, bột đậu nành, sữa đậu nành, và đậu hũ. Nước tương và dầu nành không có chứa isoflavone.
    • Một số người cảm thấy tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm triệu chứng nóng bừng. Nhưng một số nghiên cứu nhỏ được kiểm soát không chứng minh được ích lợi của nó.
    • Nên tránh một số loại thức ăn có thể gây ra cảm giác nóng bừng, chẳng hạn như những thức ăn có nhiều gia vị, cafe, và rượu.
  • Bệnh tim mạch: ăn một bữa ăn ít chất béo và ít cholesterol giúp làm giảm nguy cơ bị tim mạch.
  • Tăng cân: tập thể dục thường xuyên rất có ích trong việc kiểm soát cân nặng.
  • Loãng xương: nhận đầy đủ canci và tập những bài tập nén xương là những yếu tố quan trọng.

Thuốc

  • Điều trị bằng estrogen: Estrogen là cách điều trị theo toa ổn định đối với triệu chứng nóng bừng. Estrogen còn giúp xây dựng chất nền xương, giảm nguy cơ gãy xương và cải thiện nồng độ cholesterol. Estrogen có thể có ích trong phòng ngừa những triệu chứng tiết niệu và điều trị những triệu chứng khó chịu ở âm đạo. Liệu pháp điều trị bằng hormon (HT - Hormone therapy) hay còn được gọ là liệu pháp điều trị bằng cách thay thế hormon (HRT - hormone replacement therapy), là phương pháp điều trị bằng estrogen hoặc phối hợp estrogen với progesterone (progestin).
    • Một số nghiên cứu dài hạn ở những phụ nữ sử dụng liệu pháp điều trị bằng hormon phối hợp giữa estrogenprogesterone cho thấy có sự gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ và ung thư vú khi so sánh với những phụ nữ không dùng liệu pháp hormon. Những nghiên cứu trên các phụ nữ chỉ điều trị duy nhất bằng estrogen cho thấy có sự gia tăng nguy cơ đột quỵ nhưng không gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và ung thư vú. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen đơn độc lại đi kèm với sự gia tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung.
    • Những nghiên cứu gần đây hơn cho thấy nguy cơ bị bệnh tim mạch đi kèm với liệu pháp hormon có thể có liên quan hơn ở những phụ nữ lớn tuổi hơn ở giai đoạn hậu mãn kinh so với những phụ nữ ở giai đoạn cận mãn kinh hoặc giai đoạn sớm của hậu mãn kinh. Do đó, quyết định sử dụng liệu pháp hormon là tùy theo từng cá nhân và bác sĩ dựa trên bệnh sử, độ nặng của triệu chứng và nguy cơ tiềm ẩn cùng với ích lợi của liệu pháp hormon trên từng bệnh nhân.
    • Estrogen có nhiều dạng, gồm viên đặt âm đạo và cream (có ích chủ yếu đối với những triệu chứng của âm đạo), miếng dán da (Vivelle, Climara, Estraderm, Esclim, Alora) và thuốc uống dạng viên.
    • Bệnh nhân nên được đi khám vú và chụp nhũ ảnh trước khi bắt đầu dùng estrogen. Khi đang dùng estrogen, bệnh nhân nên được theo dõi thường xuyên bằng cách khám vú và chụp nhũ ảnh.
    • Những bệnh nhân đã bị bệnh tim không nên dùng estrogen.
    • Liệu pháp estrogen không giúp ngừa thai được.
    • Những phụ nữ dùng estrogen cũng có khuynh hướng gia tăng nguy cơ bị:
      • Sỏi mật
      • Tăng nồng độ triglyceride
      • Huyết khối
      • Khô âm đạo và đau khi giao hợp
  • Liệu pháp hormon đồng dạng sinh học: trong những năm gần đây mọi người bắt đầu chú ý đến một phương pháp có tên là liệu pháp hormon đồng dạng sinh học dùng cho những phụ nữ cận mãn kinh. Những thuốc hormon đồng dạng sinh học có chứa những hormon có công thức hóa học tương tự như các hormon được cơ thể tạo ra. Những hormon này được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng cách thay đổi những hợp chất hóa học có nguồn gốc từ những sản phẩm thực vật thiên nhiên. Có một số loại thuốc hormon đồng dạng sinh học được bào chế đặc biệt tại khoa dược dựa trên từng cá thể bệnh nhân. Những loại thuốc được cá nhân hóa này không được quản lý bởi FDA do những sản phẩm pha chế này không được chuẩn hóa.
    • Những người bảo vệ cho liệu pháp hormon đồng dạng sinh học lập luận rằng những sản phẩm này do được sử dụng dưới dạng cream hoặc gel nên có thể hấp thu được vào cơ thể ở dạng hoạt động mà không cần phải chuyển hóa qua gan do đó có thể tránh được những tác dụng phụ nguy hiểm tiềm ẩn của những hormon nhân tạo được dùng trong những liệu pháp hormon quy ước. Tuy nhiên, những nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả lâu dài của những sản phẩm này vẫn chưa được thực hiện.
  • Những loại thuốc không phải estrogen:
    • Nhóm thuốc có tên là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI - Selective serotonin reuptake inhibitor) thường được dùng để điều trị trầm cảm và lo âu đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị triệu chứng nóng bừng do mãn kinh. Loại SSRI đã được khảo sát rộng nhất là venlafaxine (Effexor), tuy nhiên những loại thuốc SSRI khác cũng có thể có hiệu quả.
    • Clonidine (Catapres) là thuốc làm giảm huyết áp. Clonidine có thể làm giảm triệu chứng nóng bừng ở phụ nữ một cách hiệu quả. Tác dụng phụ của nó là khô miệng, táo bón, lơ mơ và khó ngủ.
    • Gabapentin (Neurontin), là loại thuốc ban đầu được sử dụng để điều trị động kinh cũng được dùng để điều trị triệu chứng nóng bừng thành công.
    • Thuốc Progestin cũng điều trị thành công triệu chứng nóng bừng. Megestrol acetate (Megace) đôi khi cũng được kê toa dùng trong một thời gian ngắn giúp làm giảm nóng bừng. Có thể xảy ra những tác dụng nghiêm trọng nếu thuốc bị ngưng lại bất ngờ, và megestrol thường không được dùng làm lựa chọn đầu tiên để điều trị triệu chứng nóng bừng. Tác dụng phụ khó chịu của Megestrol là nó có thể làm tăng cân. Một dạng khác của progesterone, medroxyprogesterone acetate (Depo - Provera) được cho qua được tiêm đôi khi cũng có thể có ích trong điều trị triệu chứng nóng bừng nhưng cũng có thể dẫn đến tăng cân cũng như mất chất xương.
  • Mất chất xương: một số thuốc có thể được sử dụng để phòng ngừa và điều trị loãng xương.
    • Bisphosphonate, bao gồm alendronate (Fosamax) và risedronate (Actonel), được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng rằng có khả năng giảm mất chất xương ở những phụ nữ sau mãn kinh và giảm nguy cơ gãy xương ở những phụ nữ bị loãng xương.
    • Raloxifene (Evista), chất điều chỉnh receptor estrogen có chọn lọc (selective estrogen receptor modulator - SERM), là một phương pháp điều trị loãng xương khác giúp làm giảm mất chất xương và giảm nguy cơ gãy lưng ở phụ nữ bị loãng xương.
    • Calcitonin (Miacalcin hoặc Calcimar) là thuốc xịt mũi đã được phát hiện ra có khả năng làm giảm nguy cơ gãy lưng ở phụ nữ bị loãng xương.
    • Một loại thuốc phòng ngừa khác cũng có thể có hiệu quả là PTH (parathyroid hormone - hormon tuyến cận giáp), nhưng thường nó không được sử dụng như là một lựa chọn đầu tiên.

Những cách điều trị khác

  • Black cohosh (Remifemin) là một loại thuốc làm từ dược thảo thường được dùng để làm giảm triệu chứng nóng bừng. Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ ở Đức khảo sát black cohosh chỉ theo dõi các phụ nữ trong một khoảng thời gian ngắn. Cơ quan quản lý thảo dược Đức không khuyến khích dùng black cohosh lâu hơn 6 tháng. Những tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm nôn, buồn nôn, chóng mặt, những vấn đề về thị giác, nhịp tim chậm, tăng tiết mồ hôi. Black cohosh không được quản lý bởi cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration), do đó cần phải cẩn thận về tính an toàn và sự trong sạch của sản phẩm này.
  • Estrogen thực vật (phytoestrogen) chẳng hạn như những protein đậu nành là một cách thông dụng để điều trị triệu chứng nóng bừng, mặc dù những dữ liệu về tính hiệu quả của nó vẫn còn hạn chế. Phytoestrogen là estrogen tự nhiên từ thực vật (isoflavone), được cho là có tác dụng tương tự như liệu pháp estrogen. Tính an toàn của đậu nành đối với những phụ nữ đã từng bị ung thư vú vẫn chưa được củng cố mặc dù có một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy đậu này không có hiệu quả hơn trong điều trị triệu chứng so với giả dược. Nguồn thức ăn tốt nhất là hạt đậu nành sống hoặc đã rang, bột đậu nành, sữa đậu nành và đậu hũ. Nước tương và dầu nành không có chứa isoflavone.
  • Thảo dược: nghiên cứu chưa đi đến kết luận hoặc vẫn còn mâu thuẫn cho thấy những loại thảo dược khác như dong quai, cỏ ba lá đỏ (Promensil), cây tầm quy (Vitex), kem khoai mỡ, những thuốc thảo dược Trung Hoa, dầu anh thảo buổi tối là những loại thuốc nên tránh hoặc dùng dưới sự giám sát cẩn thận của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ hay các phản ứng thuốc nguy hiểm và không mong muốn.
  • Thuốc bổ sung và thay thế: theo Trung tâm quốc gia về những cách điều trị bổ sung và thay thế Hoa Kỳ, những phương pháp điều trị không cần kê toa có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh bao gồm: thiền, châm cứu, thôi miên, phản hồi sinh học, những bài tập thở sâu và bài tập thở chậm bằng các cơ bụng.

PHÒNG NGỪA

Mãn kinh không thể phòng ngừa được, tuy nhiên có thể thực hiện một số bước để giảm các yếu tố nguy cơ dẫn đến những bệnh đi kèm với mãn kinh. Những phụ nữ ở độ tuổi sau mãn kinh nên uống 1200 đến 1500 mg canxi và 800 đơn vị vitamin D mỗi ngày.

Cách ít tốn tiền nhất là nhận canxi vào cơ thể qua bữa ăn. Bữa ăn có thể cung cấp 1000 đến 1500 mg canxi mỗi ngày cho cơ thể một cách dễ dàng. Những loại thức ăn sau có chứa canxi:

  • Một ly sữa (sữa thường hoặc sữa không béo) - 300 mg.
  • Một ly nước cam có canxi - 300 mg.
  • Một ly sữa chua (thường hoặc không béo) - trung bình khoảng 400 mg.
  • 3 ounce (khoảng 85g) cá hồi (gồm cả xương) - 205 mg.

Những thuốc bổ sung canxi là một lựa chon tốt cho những người không thể tiêu thụ đủ canxi qua bữa ăn. Calcium carbonate (Caltrate 600, Caltrate 600 Plus D, Caltrate Plus) là loại ít đắt tiền nhất, mặc dù một số người than phiền về tác dụng gây phù nề của nó. Calcium citrate có thể được hấp thu tốt hơn ở những phụ nữ dùng thuốc chặn acid như ranitidine (Zantac) hoặc cimetidine (Tagamet).

Những sản phẩm canxi làm từ bột xương, dolomite, vỏ hàu không tinh khiếu có thể chứa chì và nên tránh. Tại Mỹ, những sản phẩm có chữ USP trên nhãn là những sản phảm đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng của Dược Thư Hoa Kỳ (United States Pharmacopeia) và có khả năng không chứa những tạp chất nguy hiểm hơn.

Người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn hiệu của các sản phẩm bổ sung canxi để kiểm tra chính sách số milligram của canxi có trong sản phẩm. Thông thường ruột không thể hấp thu nhiều hơn 500mg canxi cùng một lúc, do đó cần phải uống canxi kéo dài trong cả ngày.

Không nên uống quá liều canxi vì có thể tăng nguy cơ sỏi thận. Những người có một số bệnh như sarcoid hoặc sỏi thận nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống canxi.

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong hấp thu canxi nhưng nên tránh dùng liều lớn.

Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

1 nhận xét:

  1. vaanthang says

    Cùng tìm hiểu thêm nguyên nhân , triệu chứng, các phương thức giúp cho cuộc sống của các chị em phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh ngày càng hạnh phúc hơn tại website: nutrisdaily.vn


Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases