Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
GIẢI PHẪU SƠ LƯỢC VỀ TAI
Tai gồm có ba phần : tai ngoài, tai giữa và tai trong. Riêng tai giữa còn có thêm hai bộ phận phụ là vòi O'xtasi và xương chũm.
Về mặt phôi thai học, tai ngoài và tai giữa xuất phát từ khe mang thứ nhất rãnh trong của khe mang sinh ra hòm nhĩ và vòi ơxtasi, rãnh ngoài của khe mang sinh ra ống tai ngoài và vành tai.
Màng nhĩ hình thành do sự hàn dính của đáy rãnh trong và rãnh ngoài.
Mê nhĩ được phát triển từ túi thính giác (vésicule auditive) tức là một bộ phận thoát vị của trục thần kinh phôi thai. Cuống của túi này sẽ trở thành dây thần kinh số VIII.
Khi nói đến giải phẫu tai, ta phải nói đến xương thái dương. Xương thái dương của bào thai gồm ba phần : phần trai, phần nhĩ, phần đá. Xương thái dương của người lớn cũng gồm ba phần nhưng bố trí khác : xương trai, xương đá, xương chũm.
Trong phần này chúng tôi chỉ đề cập đến những phần có liên quan nhiều với các phẫu thuật tai mũi họng.
TAI NGOÀI
Tai ngoài gồm có vành tai và ống tai ngoài.
VÀNH TAI
Vành tai là một cái loa bằng sụn, ngoài có da bao bọc.
Vành tai có những chỗ lồi và chỗ lõm. .
Những chỗ lồi, tính từ chu vi về trung tâm, là : luân nhĩ (hélix), gờ đối luân (anthélix), đôi bình tai (antitragus) và bình tai hay nắp tai (tragus).
Những chỗ lõm là hố thuyền (fossette. Naviculaire), rãnh luân nhĩ (scapha), loa tai (conque) và cửa tai (méal).
Phần dưới của vành tai không có sụn ; chỉ có da và mỡ, được gọi là dái tai (lobule).
ỐNG TAI NGOÀI
Ống tai ngoài là một cái ống tịt bắt đầu từ lỗ tai và tận cùng ở màng nhĩ.
Ống này gồm có hai đoạn : đoạn ngoài bằng sụn, đoạn trong bằng xương. Trong tư thế bình thường giữa đoạn sụn và đoạn xương có một cái khuỷu hơi cong. Thiết diện ngang của ống tai hình bầu dục, dẹp theo chiều trước sau.
Các quan hệ của ống tai ngoài .
Thành trước quan hệ vơi khớp thái dương hàm. Thành sau quan hệ với đường dây thần kinh số VII và với xương chũm.
Thành trên với hố não giữa.
Thành dưới vơi tuyến mang tai. Do những mối quan hệ đó sau này chúng ta thấy ảnh hưởng của viêm ống tai ngoài đối với nhai, hoặc ảnh hưởng của tuyến mang tai đối với ống tai khi tuyến này bị viêm.
TAI GIỮA
Tai giữa gồm có hòm nhĩ và hai bộ phận phụ : vòi ơxtasi và xương chũm.
HÒM NHĨ
Hòm nhĩ giống như một cái trống hình dẹp mà các sách kinh điển thường hay so sánh với cái thấu kính mặt lõm (lentille biconcave). Bộ phận chủ yếu trong hòm nhĩ là tiểu cốt. Hòm nhĩ được chia ra làm hai tầng : tầng trên gọi là thượng nhĩ (allique) chứa đựng tiểu cốt tầng dưới gọi là trung nhĩ (atrium) là một cái hang rỗng ăn thông trực tiếp với vòi nhĩ Ơxtasi.
Sự thông thương giữa tầng trên và tầng dưới bị thu hẹp bởi tiểu cốt và các mạc treo của nó : Phía trước có mạc treo cơ búa.
Phía sau có mạc treo đe-đạp.
Phía ngoài có đầu xương búa, thân và ngành trên của xương đe.
Người ta gọi chỗ hẹp này là cái eo thượng nhĩ - nhĩ.
Bản thân thượng nhĩ cũng bị mạc treo búa đe chia đọc từ trước ra sau thành thượng nhĩ trong và thượng nhĩ ngoài. Thượng nhĩ ngoài lại bị ngăn ra làm hai : phần trên gọi là túi Kretsơman (Kretsehmann) và phần dưới gọi là túi Prutxăc (Prussak).
1. Mặt ngoài.
Mặt ngoài của hòm nhĩ gồm có hai phần :
Phần trên là xương gọi là tường thượng nhĩ (mur de l'attique hay mur de la logette). Dây chằng ngoài của xương búa đe bám vào đấy để ngăn chia thượng nhĩ ngoài thành túi Kretsơman và túi Prutxăc.
Phần dưới là màng nhĩ.
Màng nhĩ hình bầu dục lõm ở giữa giống như cái nón và hơi ngã về phía trước và phía ngoài. Màng này bịt kín đầu trong ống tai ngoài và bám dọc theo rãnh nhĩ (sulcus tympanicus). Phần căng của màng nhĩ gồm có ba lớp : lớp ngoài là biểu mô, lớp giữa là tổ chức xơ và lớp trong là niêm mạc. Cán búa dính liền vào với tổ chức xơ của màng nhĩ. Màng nhĩ gồm có hai phần : phần trên là màng Srapnen (Shrapnell) quan hệ trực tiếp với túi Prutxăc, phần dưới là màng căng quan hệ trực tiếp với atrium.
2. Mặt trong.
Mặt này bị chia ra làm hai phần bởi đoạn nằm của ống Falôp (Fallope) chứa dây thần kinh mặt.
Phần trên là thành trong của thượng nhĩ.
Ở đấy chúng ta thấy có cái gờ của bán khuyên ngoài nằm ngay trên ống Falôp.
Phần dưới là thành trong của atrium. Ở mặt này có hai cái lỗ gọi là cửa sổ : cửa sổ bầu dục ở về phía trên và sau, ngay dưới ống Falôp, cửa sổ tròn ở về phía sau và dưới. Trong cửa sổ bầu dục có cái đế xương bàn đạp di động như cái píttông trong xilanh. Còn ở cửa sổ trên chỉ có cái màng mỏng bịt kín, cách ly tai giữa với vịn nhĩ.
3. Mặt sau.
Phần trên của mặt sau là hang tò vò (sào đạo) nối liền hòm nhĩ với sào bào. Phần dưới của mặt sau là tường dây VII, ngăn cách hòm nhĩ với sào bào. Mặt này được chia ra thành hai cái máng để đứng do gờ của ống Falôp : cái bên trong sát với mặt trong của hòm nhĩ được gọi là xoang nhĩ (sinus tympani), cái bên ngoài được gọi là xoang thần kinh mặt (sinus facial). Xoang thần kinh mặt lại được ngăn ra làm hai tầng. Tầng trên được gọi là ngăn trên tháp : đây là nơi mà người ta đục khoét để vào hòm nhĩ theo lối sau (tympanotomie postérieure) trong phẫu thuật mỡ hòm nhĩ kiểu phối hợp (combined approach tympanotomy).
4. Mặt trước.
Mặt trước rất hẹp ở phần trên (ngang tấm thượng nhĩ) và nở rộng ở phần dưới nơi mà vòi Ơxtasi bắt đầu. Ngay trên lỗ vòi ơxtasi còn có một cái lỗ thứ hai nhỏ hơn, đó là lỗ ống cơ búa.
5. Mặt trên.
Mặt trên hay trần nhĩ là một lớp xương mỏng ngăn cách tai giữa với hố não giữa, cụ thể là với thùy thái dương bướm. Trong một số ít trường hợp, lớp xương này bị hở dọc theo đường khớp đá trai trong và niêm mạc tai giữa quan hệ trực tiếp với màng não.
6. Mặt dưới
Mặt dưới của hòm nhĩ ở thấp hơn bờ dưới của ống tai ngoài độ ba bốn milimet, trong một cái hố lõm gọi là ngân hạ nhĩ (recessus hypo-tympanique). Mặt này có quan hệ với nóc vịnh cảnh. Thần kinh Giacôpsơn (Jacobson), nhánh của dây thần kinh số IX, chui qua mặt này để vào hòm nhĩ.
7. Nội dung.
Trong hòm nhĩ có các tiểu cốt và cơ.
Các tiểu cốt gồm có xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Cán xương búa thì dính vào màng nhĩ còn đầu xương búa khớp với xương đe. Xương đe có hai ngành, ngành trên tì vào thành sào đạo, ngành dưới khớp với xương bàn đạp thông qua mỏm đậu. Xương bàn đạp gồm có một cái đầu, hai cái gọng và cái đế. Đầu xương bàn đạp khớp với xương đe, còn đế khớp với cửa sổ bầu dục. Chung quanh khớp đại tiền đình có một dây chằng vòng giữ xương bàn đạp lại. Tất cả những xương con này đều được treo hoặc dính vào thượng nhĩ bằng mạc treo và dây chằng. Cơ búa xuất phát từ thành trước của thượng nhĩ và kéo cán búa về phía xương (căng màng nhĩ) tức là đẩy xương bàn đạp vào cửa sổ bầu dục.
Cơ bàn đạp xuất phát từ thành sau, kéo xương bàn đạp ra phía ngoài và đẩy cán búa ra phía ngoài (làm chùng màng nhĩ).
Sự tuần hoàn của hòm nhĩ và của nội sọ có liên quan chặt chẽ với nhau.
Máu động mạch được đưa đến từ các động mạch màng nhĩ trước, động mạch trâm chũm, động mạch màng não giữa, động mạch tai sau, động mạch chẩm. Máu tĩnh mạch đổ về các tĩnh mạch màng não giữa, tĩnh mạch đá trên, vịnh cảnh.
Mạng lưới thần kinh cảm giác ở hòm nhĩ thuộc vào dây thần kinh Giacopsơn dây IX). Sự phân bố thần kinh giao cảm thuộc về dây thần kinh cảnh nhĩ (đám rối cảnh).
Đầy thần kinh hàm dưới cho một nhánh vận động chi phối cơ xương búa.
Dây thần kinh số VII cho một nhánh chi phối cơ xương bàn đạp.
VÒI NHĨ ƠXTASI
Vòi nhĩ Ơxtasi Eustachi) nối liền hòm nhĩ với họng - mũi.
Đây là một cái ống dài độ 35mm và gồm có hai đoạn : đoạn sau bằng xương (1/3 chiều dài) và đoạn trước bằng sụn (2/3 chiều dài).
Hai đầu của vòi Ơxtasi thì rộng nhưng chỗ nối của hai đoạn thì hẹp và được gọi là eo vòi (2mm x 1mm).
Hướng đi của vòi Ơxtasi là nghiêng từ trên xuống dưới, từ sau ra trước và từ trong ra ngoài.Vòi ơxtasi tận cùng ở thành bên họng-mũi bằng một cái loa hình dấu mũ gọi là loa vòi. Loa này có hai mép : mép trước gọi là mép vòi-khẩu cái, mép sau gọi là mép vòi họng. Ở sau loa vòi có một cái hố gọi là hố Rôxenmule (Rosenmuller).
Bình thường vòi ơxtasi đóng kín do hai thành sụn khép lại. Nhưng khi cơ bao màn hầu co lại thì lòng của vòi ơxtasi mở ra.
Cơ bao màn hầu ngoài bám vào xương bướm và phần xơ-sụn của vòi, chạy xuống đến cái móc của cánh trong chân bướm rồi quặt ngang 90 độ và hòa mình vào lớp cân khẩu cái. Khi cơ này co lại, nó làm cho thành ngoài của vòi bị kéo xuống về phía ngoài và làm nở rộng đoạn sau ống sụn.
Cơ bao màn hầu trong xuất phát từ xương đá, từ đoạn xương của vòi ơxtasi và từ sàn của đoạn sụn, chạy dọc theo mặt dưới của sàn vòi đến loa vòi. Khi đến đây cơ bao màn hầu trong tạo ra cái gờ gọi là nẹp của cơ vén rồi rẽ vào phía trong và tận cùng trong màn hầu. Khi cơ này co lại nó làm cho lòng của vòi ơxtasi mở ra ở đoạn trước.
Niêm mạc vòi ơxtasi chứa đựng nhiều nang lymphô. Những nang này tập hợp lại ở chung quanh loa vòi thành khối gọi là amydan vòi của Gerlach.
XƯƠNG CHŨM
Xương chũm là một khối xương hình núm vú ở phía sau ống tai ngoài, sau hòm nhĩ và sau mê nhĩ.
Về mặt giải phẫu người ta coi khối xương chũm như là một cái tháp tam giác bị cắt ngọn và để ngược, nền lên trên, đỉnh xuống dưới. Khối này có năm mặt mà tầm quan trọng phẫu thuật khác nhau.
1. Mặt trên tức là nền của tháp liên hệ với tầng sọ giữa và thùy não thái dương
2. Mặt trước liên quan với xương nhĩ của ống tai ngoài và dây thần kinh mặt.
3. Mặt trong nối tiếp với xương đá.
4. Mặt ngoài là nơi mà chúng ta đục xương chũm. Mặt này có ranh giới như sau : phía trên là đường thái dương (Linea temporalis), phía trước là ống tai ngoài, phía sau là đường nối đá-chẩm, phía dưới là bờ tự do của xương chũm.
Mặt này bị chia ra làm hai phần bởi đường khớp đá-trai ngoài : phần trên trước có gai Henlê (ở bờ sau trên ống tai ngoài) có khu sàng Sipô (Chipault) và phần sau dưới là mặt gồ ghề làm chỗ bám cho cơ ức đòn chũm, cơ gối (splenius), cơ rối (complexus). Ở phía sau chỗ bám của cơ ức đòn chũm có một cái lỗ gọi là lỗ ngoài của ống chũm. Ống này chứa tĩnh mạch liên lạc nối liền xoang tĩnh mạch bên ở trong sọ với hệ thống tĩnh mạch cổ bên ngoài.
5. Mặt dưới nhìn thẳng xuống cổ và gồm có hai phần hình tam giác :
* Tam giác trong của mỏm tức là mặt trong của mỏm chũm. Tam giác này ở trong bình diện đứng, hướng từ sau ra trước và được coi như là bờ ngoài của rãnh cơ nhị thân.
* Tam giác nhị thân Murê (Mouret) là một diện tích gồ ghề, nhìn thẳng xuống cổ. Đỉnh của tam giác là lỗ trâm-chũm, hai cạnh là rãnh nhị thân ở bên ngoài và rãnh chẩm ở bên trong, đáy là một đường tưởng tượng nối liền cực sau rãnh nhị thân với cực sau rãnh chẩm. Phần sau của tam giác này nổi phồng lên và mang tên là bóng nhị thân (bulle digastrique) hay điểm lồi cạnh chũm (éminence justa -mastoiidienne). Cơ nhị thân bám vào xương tại chỗ này.
Phần trước của tam giác thì nhẵn, không có cơ bám nhưng có nhiều lỗ nhỏ li ti để cho mạch máu đi qua, gọi là vùng sàng nhị thần (zone criblée vasculaire digastrique). Tam giác nhị thân này có quan hệ với nhóm tế bào sâu dưới sào bào.
Ngoài ra khoảng cách giữa đường nối đá chẩm và bờ ngoài lỗ rách sau (tức là vùng mỏm cảnh của xươmg chẩm) cũng có quan hệ trực tiếp với nhóm tế bào sâu dưới sào bào.
Chúng ta thấy rằng mặt dưới của khối chũm hình thành cái nóc cho khoảng cách dưới tuyến mang tai sau của Sêbilô (Sébileau) (khoảng sau trâm) chứa động mạch cảnh trong, tĩnh mạch cảnh trong, các dây thần kinh sọ số IX, số X, số XI, số XII và thần kinh giao cảm cổ.
Tế bào xương chũm.
Trong khối chũm có nhiều hốc rỗng gọi là tế bào (cellule). Một trong những cái hốc rỗng đó phát triển to hơn những cái khác và mang tên là sào bào hay hang chũm (antre). Ở hài nhi sào bào khu trú ở ngay trên và sau ống tai ngoài.
Khi lớn lên sào bào sẽ phát triển về phía dưới và phía sau. Sào bào ăn thông với hòm nhĩ bằng một cái ống tò vò gọi là sào đạo hay ống thông hang (aditus adantrum).
Chung quanh sào bào có nhiều tế bào nhỏ hơn gọi là xoang chũm. Những tế bào này đều ăn thông với sào bào. Một đôi khi ở thành ngoài sào bào có một tế bào khá to (tế bào Lenoir) làm cho phẫu thuật viên mổ xương chũm dễ nhầm với sào bào. Tùy theo tế bào phát triển nhiều hay ít người ta chia xương chũm ra làm ba loại :
- Loại không thông bào : Xương bị đặc ngà hoặc đầy tổ chức xốp, sào bào nhỏ bằng hạt ngô. Trong loại này màng não và tĩnh mạch bên thường hay bị sa (procidence).
- Loại thông bào ít : có vài nhóm tế bào ở chung quanh sào bào. Tổ chức tủy sọ chiếm đại bộ phận.
- Loại thông bào nhiều : các nhóm tế bào phát triển đầy đủ. Thành của tế bào mỏng. Nội dung xương chũm rỗng như tổ ong.
Niêm mạc hòm nhĩ liên tiếp che phủ tất cả sào bào, sào đạo và các tế bào. Do đó khi hòm nhĩ bị viêm, niêm mạc trong xương chũm có phản ứng và đôi khi xương của xương chũm cũng bị viêm.
Chúng ta cần nắm vững sự phân bố của các nhóm tế bào. Murê chia khối xương chũm ra làm hai phần do một bình diện tiếp tuyến với mặt trước của tĩnh mạch bên : phần trước dày gọi là phần đá trai, phần sau mỏng gọi là phần tiểu não - tĩnh mạch .
a) Phần đá-trai : phần này rất dày và được chia làm hai lớp bởi một bình diện đứng thẳng zz' kéo từ mặt trong của mỏm chũm lên (hình 11). Lớp ngoài chứa đựng các nhóm tế bào :
- Nhóm sào bào nông.
- Nhóm dưới sào bào nông.
- Nhóm chỏm chũm.
Lớp trong chứa đựng các nhóm tế bào sau đây :
- Nhóm sào bào sâu ở sát màng não và các ống bán khuyên.
- Nhóm dưới sào bào sâu có quan hệ với tam giác nhị thân Murê ở mặt dưới xương chũm.
b) Phần tiểu não - tĩnh mạch :
Phần này mỏng và giống như cái máng ôm lấy mặt ngoài và sau của tĩnh mạch bên. Nó chứa đựng hai nhóm tế bào :
- Nhóm tĩnh mạch ở dọc theo mặt ngoài của tĩnh mạch bên và được phân ra cụm trên tĩnh mạch, cụm tĩnh mạch và cụm dưới tĩnh mạch (hình 10).
- Nhóm tiểu não : nhóm này nằm ở phía sau tĩnh mạch bên. Tĩnh mạch liên lạc của xương chũm xuất hiện ra tại vùng này, vì vậy người ta còn gọi là nhóm tĩnh mạch xương chũm hay nhóm sau dưới.
Ngoài bảy nhóm tế bào chính của xương chũm còn có những nhóm tế bào phụ sau đây :
- Nhóm thái dương-mỏm tiếp : tế bào phát triển ở chân và trai thái dương hoặc ở rễ của mỏm tiếp.
- Nhóm xương đá : tế bào có thể xâm nhập vào chung quanh mê nhĩ, hoặc vào đến mỏm xương đá.
- Các tế bào chũm ăn thông vào trong sọ bởi một ống con gọi là ống đá-chũm, ống này đi từ một tế bào nào đó ở gần nội sọ nhất, đến mặt sau xương đá, về phía trên lỗ tai trong. Do ống thông này mà viêm nhiễm ở xương chũm có thể đi trực tiếp vào nội sọ.
Trong xương chũm có hai bộ phận quan trọng mà phẫu thuật viên cần phải biết rõ để tránh làm thương tổn là tĩnh mạch bên và dây thần kinh số VII.
Xoang tĩnh mạnh bên.
Xoang tĩnh mạch bên bắt đầu từ hợp lưu sau (pressoir d'Hérophile) chảy về vịnh cảnh và gồm có ba đoạn : đoạn nằm ngang, đoạn xuống và đoạn ngược lên.
Đoạn hai và đoạn ba có quan hệ nhiều với xương chũm.
Xoang tĩnh mạch bên bắt đầu vào lĩnh vực xương chũm ở đoạn hai bằng một cái khuỷu cong lõm về phía sau. Tĩnh mạch đi từ trên xuống dưới và hơi nghiêng từ sau ra trước trong một cái máng ở mặt trong của xương chũm (phần tiểu não tĩnh mạch). Vị trí của tĩnh mạch đối với mặt ngoài của xương chũm thường không cố định. Có khi chúng ta gặp tĩnh mạch ở ngay dưới mặt ngoài xương chũm và che lấp bờ sau của sào bào (sa tĩnh mạch). Trái lại có khi tĩnh mạch ở trong sâu và cái khuỷu giữa đoạn một và đoạn hai ở ngang tầm với thành trong của sào bào.
Khi xuống đến cạnh dưới của xương đá, tĩnh mạch bên ngóc đầu trở lên hướng về phía trên, trước và trong. Đây là đoạn ba, dài độ 1cm. Ở đoạn này tĩnh mạch có quan hệ qua lớp xương sọ với nhóm tế bào dưới sào bào sâu Murê, với phần sau của rãnh nhị thân, và điểm lồi cạnh chũm với mỏm cảnh của xương chẩm.
Dây thần kinh mặt.
Sau khi đi hết đoạn một trong xương đá, dây thần kinh số VII nằm trong ống Falôp, rẽ về phía sau đi vắt ngang qua mặt trong của hòm nhĩ, sát trên cửa sổ bầu dục. Khi đến thành dưới của sào đạo thì ống Falôp rẽ thẳng xuống dưới.
Đoạn này gọi là đoạn hai dài độ khoảng 1cm.Quan hệ đáng chú ý là ống bán khuyên ngoài ở ngay trên đoạn khuỷu giữa đoạn hai và đoạn ba.
Đoạn ba bắt đầu từ khuỷu nói trên đến lỗ trâm - chũm và dài độ 18mm.
Ở đấy ống Falôp nằm trong một khối xương đặc, giữa ống tai ngoài và xương chũm, gọi là tường dây thần kinh VII của Gơlê.
Trong phẫu thuật xương chũm, dây thần kinh mặt có thể bị thương tổn ở những đoạn hai và ba.
TAI TRONG
Tai trong nằm toàn bộ trong xương đá, giữa hòm nhĩ và ống tai trong. Nó gồm có những cái hốc đào trong xương gọi là mê nhĩ xương và những cái bằng màng mềm gọi là mê nhĩ màng.
XƯƠNG ĐÁ
Xương đá hình tháp vuông, nằm ở nền sọ, giữa xương bướm và xương chẩm.
Tháp này có một nền, một đỉnh, bốn mặt và bốn cạnh.
1. Nền của xương đá gắn liền với xương chũm và trai thái dương. Ở đây có lỗ ống tai ngoài. ống tai ngoài được tạo ra bởi xương nhĩ và chân của trai thái dương. Về phía sau và trên của lỗ ống tai ngoài có gai Henlê. Gai Henlê là điểm mốc được dùng trong phẫu thuật đục xương chũm. Khu sàng Chipault ở sau gai Henlê là điểm mốc để tìm sào bào.
2. Chỏm của xương đá ở chếch về phía trước, giữa chỗ gặp nhau của thân xương bướm và cánh xương bướm. Ở giữa chỏm có lỗ trong của ống động mạch cảnh trong.
3. Bốn mặt của xương đá :
a) Mặt trên trước : mặt này tiếp xúc trực tiếp với màng não cứng của đại não. Trên mặt này chúng ta thấy từ ngoài vào trong : lồi bán khuyên (éminentia arcuata), trấn hòm nhĩ (tegmen tympani), khe Falôp chính và phụ (hiatus de Fallope và hiatus accessoire) của các dây thần kinh đá, hõm Meckel của hạch Gatxe (Gasser).
b) Mặt trên và sau : mặt này tiếp xúc với màng não cứng của tiểu não. Từ ngoài vào trong chúng ta thấy có bờ trước của máng xoang tĩnh mạch bên, lỗ của cống tiền đình (trong đó có ống nội dịch). Giữa bờ trước của móng tĩnh mạch bên và lỗ cống tiền đình có hố nội dịch chứa túi nội dịch. Về phía trong và trên có hố dưới vành cung (trong đó có lỗ của ống đá chũm). Sau cùng ở phần ba trong chúng ta thấy lỗ ống tai trong. Đáy ống tai trong được ngăn ra làm bốn góc tư : góc tư ngoài và trên là lỗ thoát của dây VII, góc tư ngoài dưới có dây ốc tai, góc tư trong trên có đây tiền đình, góc tư trong dưới có dây tiền đình.
c) Mặt dưới và trước nhìn ra phía ngoài hộp sọ : hai phần ba ngoài là thành của ống tai, do xương nhĩ tạo ra ; phần ba trong có vòi nhĩ xương và ống cơ búa do xương đá cấu tạo.
d) Mặt dưới và sau cũng nhìn ra phía ngoài hộp sọ. Nó gồm có ba đoạn :
- Đoạn ngoài có mỏm trâm, sau mỏm trâm có lỗ trâm chũm, trước mỏm trâm có mỏm bọc.
- Đoạn giữa có một hố sâu trong đó có vịnh tĩnh mạch cảnh trong.
- Đoạn trong có lỗ ngoài của ống động mạch cảnh. Ở gờ giữa ống động mạch cảnh và tĩnh mạch cảnh có lỗ ống Jacobson để dây thần kinh Jacobson đi qua. Về phía trong cũng có những gồ ghề để cơ bao vòi bám.
4. Bốn cạnh của xương đá :
- Cạnh trên có rãnh xoang tĩnh mạch đá trên.
- Cạnh dưới có mào đá (crista petrosa) và mỏm bọc (apophyse vaginale).
- Cạnh trước : nửa trong liên quan với lỗ rách trước, nửa ngoài tiếp xúc với cánh lớn của xương bướm.
- Cạnh sau : phần ngoài tiếp xúc với xương chẩm, phần trong tạo ra lỗ rách sau. Trong lỗ rách sau có vịnh cảnh và các dây IX, X, XI. Gai tĩnh mạch cảnh chia lỗ rách sau làm 2 phần, phần hẹp có dây IX, phần rộng có vịnh cảnh và hai dây X, XI. Trên bờ lỗ rách sau có hố đá hay hố tháp trong đó có hạch ăngđecsơ (Andersch) của dây IX.
5. Bên trong xương đá.
Trong xương đá có nhiều ống để cho thần kinh, mạch máu và bạch mạch đi qua.
- Ống tai trong chứa đựng các dây thần kinh mặt, thần kinh trung gian Vritbe (Wrisberg), thần kinh thính giác.
- Ống Falôp, nối tiếp ống tai trong, ống Falôp gồm có ba đoạn : đoạn thứ nhất dài 4mm, thẳng góc với trục xương đá, nằm giữa ốc tai và tiền đình, đoạn thứ hai 10mm, song song với trục xương đá nằm trong thành trong của hòm nhĩ đến tận ngưỡng sào đạo, đoạn ba dài 15mm đi từ bờ dưới ống bán khuyên ngoài xuống đến trâm chũm dọc trong tường dây VII (thành sau ống tai ngoài).
- Ống động mạch cảnh trong đi từ lỗ cảnh ngoài chạy dọc theo trục xương đá và chui ra ở đỉnh xương đá.
- Cống tiền đình là một cái ống nhỏ đi từ mặt trong của tiền đình đổ ra mặt trên sau của xương đá gần hố nội dịch (fossette endolymphatique hay fossette unguéale).
- Cống ốc tai là một cái ống nhỏ nối liền vịn tiền đình (gần cửa sổ tròn) với hố tháp (fossette pyramidale) ở cạnh sau xương đá. Trong hố tháp có hạch ăngđecsơ.
- Ống đá chũm nối liền hố dưới vành cung với một tế bào chũm sâu.
MÊ NHĨ XƯƠNG
Mê nhĩ xương là một khối xương rỗng có cấu trúc phức tạp, rất đặc và cứng, khi bị vỡ thì không hàn lại. Nó gồm có ba phần : phần giữa được gọi là tiền đình, phần sau là các ống bán khuyên và phần trước là ốc tai. Những bộ phận này đều có thông thương trực tiếp hoặc gián tiếp với ống tai trong.
1. Tiền đình.
Tiền đình xương là một cái hốc rỗng hình soan đứng thẳng góc với trục xương đá. Nó có sáu mặt :
- Mặt ngoài liên quan với hòm nhĩ, ở đấy có cửa sổ bầu dục và cửa sổ tròn.
- Mặt trong thông với đáy ống tai trong (góc sau-trên và góc sau-dưới).
- Mặt trước liên quan với ống Falôp (đoạn một) và ốc tai. Ở mặt này có lỗ thông tiền đình với ốc tai.
- Mặt sau có lỗ thông với ống bán khuyên.
- Mặt trên có lỗ thông với ống bán khuyên.
- Mặt dưới là mảnh xương nguyên ủy của mảnh xoắn ốc.
Tiền đình ăn thông với nội sọ bằng cống tiền đình (aqueduc du veslibule).
Cống này tận cùng ở mặt sau xương đá tại hố nội dịch (fossette endolymphatique).
2. Ống bán khuyên.
Có ba ống bán khuyên : ống bán khuyên trên, ống bán khuyên sau và ống bán khuyên ngoài.
Ống bán khuyên rất nhỏ, đường bán kính độ l,5mm, hình cung, ăn thông với tiền đình bằng hai lỗ, một lỗ phình và một lỗ không phình. Lỗ không phình của hai bán khuyên trên và sau chụm lại với nhau trước khi chui vào tiền đình.
Ống bán khuyên trên ở trong bình diện đứng và thẳng góc với trục xương đá.
Ống bán khuyên sau cũng trong bình diện đứng nhưng song song với trục xương đá.
Ống bán khuyên ngoài ở trong bình diện nằm và đến sát với thành trong của sào đạo, ngay trên cái khuỷu thứ hai của ống Falôp.
Người ta thường gọi ống này là ống bán khuyên nằm nhưng thật ra nó hơi chếch về phía trên và trước 30 độ khi mặt người ta nhìn thẳng về phía trước. Cho nên khi muốn đặt ống bán khuyên này vào đúng bình diện nằm chúng ta phải để đầu bệnh nhân cúi về phía trước 30 độ.
3. Ốc tai.
Ốc tai giống như cái vỏ ốc sên, ở về phía trước tiền đình và ống Falôp (đoạn một), đối diện với ụ mô của tai giữa. Đây là một cái ống đầu to đuôi nhỏ quấn xoắn hai vòng rưỡi chung quanh một cái trục hình nón gọi là trụ ốc (columelle).
Ống này được chia ra làm hai ngăn bởi mảnh xoắn (lame spirale) : ngăn trên mang tên là vịn tiền đình, ngăn dưới gọi là vịn nhĩ. Vịn tiền đình ăn thông với tiền đình, vịn nhĩ quan hệ với hòm nhĩ qua cửa sổ tròn, nơi đó có một cái màng xơ bịt lại. Đoạn đầu của vịn nhĩ lồi vào tai giữa tạo thành ụ mô. Hai vịn thông với nhau ở chỏm ốc tai (hélicotréma).
Ngoài ra vịn nhĩ còn thông ra ngoài sọ bằng cống ốc tai (aqueduc du limacon) đi từ cạnh cửa sổ tròn đến bờ dưới xương đá.
Ốc tai có liên quan đến góc tư dưới và trước của đáy ống tai trong. Ở đấy có hố ốc tai trong đó có nhiều lỗ nhỏ xếp thành hình xoắn ốc. Từ những lỗ nhỏ đó chạy ra những ống nhỏ rồi tập trung lại thành ống to gọi là ống xoắn Rosenthan (canal spiral de Rosenthal). Ống này đi vòng chung quanh trụ ốc, dọc theo chân của mảnh xoắn. Từ ống xoắn Rosenthan lại xuất phát những ống nhỏ nằm trong bề dày của mảnh xoắn, đi đến tận màng nền (membrane basilaire) của ốc tai (cochlée). Trong các ống này có những sợi của dây thần kinh ốc tai.
MÊ NHĨ MÀNG (Labyrinth membraneux)
Mê nhĩ màng nằm trong mê nhĩ xương như thân ốc sên nằm trong cái vỏ ốc.
Giữa mê nhĩ xương và mê nhĩ màng có một lớp dịch gọi là ngoại dịch (périlymphe) cách biệt. Trong mê nhĩ màng cũng có chất dịch thứ hai gọi là nội dịch (endolymphe). Thành của mê nhĩ màng gồm có hai lớp : lớp ngoài là tổ chức liên kết, lớp trong là tổ chức biểu mô. Ở một vài điểm, tổ chức biểu mô biệt hóa thành ra những bãi thạch nhĩ, những mào thính giác, những cơ quan Cocti. Cũng như mê nhĩ xương, mê nhĩ màng gồm có ba phần : tiền đình màng, ống bán khuyên màng và ốc lai màng (hình 14a). .
1. Tiền đình màng : Tiền đình màng gồm có hai cái bọng nằm trong tiền đình xương : bọng trên hình cái túi nằm dọc từ trước ra sau gọi là soan nang hay túi bầu dục (utricule), bọng dưới nhỏ và tròn gọi là cầu nang hay túi nhỏ (saccule). Từ cầu nang xuất phát một cái ống nhỏ, và từ soan nang cũng có một cái ống thứ hai đi ra. Hai ống này hợp lại thành ống nội dịch chạy vào cống tiền đình và tận cùng ở mặt sau xương đá bằng túi nội dịch.
Niêm mạc soan nang và cầu nang có những vùng biệt hóa cao độ có khả năng tiếp thu sự kích thích gọi là bãi thạch nhĩ (plages otolithiques). Đây là những vùng gồm có tế bào thần kinh và tế bào đệm. Trên những tế bào này có nhiều hạt đá rất nhỏ gọi là thạch nhĩ (hình 14d). Do trọng lượng, những thạch nhĩ này sẽ đè lên tế bào thần kinh nhiều hay ít và kích thích nó tùy theo vị trí của đầu. Chung quanh tế bào thần kinh có nhiều sợi chi nhánh của đây thần kinh tiền đình bao bọc.
2. Ống bán khuyên màng : ống bán khuyên màng ở trong bán khuyên xương. Ống bán khuyên màng bé hơn ống bán khuyên xương : đường kính chỉ bằng một phần tư đường kính ống xương. Khoảng cách giữa ống màng và ống xương chứa đựng chất ngoại dịch. Trong ống bán khuyên màng có chất nội dịch. Ở chỗ phình của mỗi ống bán khuyên có những bộ phận tiếp thu những kích thích gây ra bởi sự lưu động của nội dịch. Người ta gọi những bộ phận đó là mào thính giác (crêtes acoustiques).Mào thính giác có những tế bào thần kinh và những tế bào đệm. Ngay trên các tế bào thần kinh có một khối dạng thạch không có hình dáng rõ rệt, ngả nghiêng theo chiều lưu thông của nội dịch gọi là đài chén (cupule). Các tế bào thần kinh có quan hệ trực tiếp với các sợi chi nhánh của dây thần kinh tiền đình (hình 14c).
3. Ống ốc tai màng.
Ống ốc tai màng, còn được gọi là loa đạo (cochlée) là một cái ống hình lăng trụ 3 góc nằm trong vịn tiền đình, giữa bờ tự do của mảnh xoắn ốc và thành ngoài của ốc tai xương mà chúng ta gọi là dây chằng xoắn ngoài. Ống ốc tai tiếp tục ngăn cách vịn tiền đình với vịn nhĩ ; mặt trên của nó tiếp xúc với vịn tiền đình, mặt dưới với màng nhĩ (hình 15a).
Thiết diện dọc theo trụ ốc cho chúng ta thấy rằng ốc tai (loa đạo) hình tam giác cân :
- Cạnh trên là màng Resne (Reissner) bám một đầu vào mảnh vòng quanh (lame des contours) và một đầu vào mảnh xoắn ốc.
- Cạnh dưới là màng nền cũng đi từ mảnh xoắn ốc tới mảnh vòng quanh.
- Cạnh ngoài là mảnh vòng quanh. Ở đây cốt mạc dày và gồ lên thành dây chằng xoắn ốc ngoài (ligament spiral externe) được lớp vân mạch máu (stria vascularis) che phủ.
Trên màng nền có bộ phận tiếp thu các rung động âm thanh : đó là cơ quan Cocti (organe de Corti). Cơ quan Cocti gồm có tế bào thính giác, tế bào đệm và màng mái (membrana tectoria). Các sợi của dây thần kinh loa đạo bắt nguồn từ chung quanh tế bào thính giác, đi về phía trụ ốc, tập trung vào các hạch Cocti hay hạch xoắn ốc nằm trong ống xoắn Rosenthan (hình 14b).
Ốc tai thông với cầu nang bằng một cái ống nhỏ gọi là ống nối (canalis reuniens).
4. Chất dịch lỏng.
Trong tai trong có ngoại dịch, nội dịch và dịch Cocti.
a) Ngoại dịch nằm giữa mê nhĩ xương và mê nhĩ màng : tức là ở chung quanh ống bán khuyên màng chung quanh cầu nang xoang nang, ở vịn tiền đình và vịn nhĩ. Ngoại dịch ăn thông với khoảng dưới màng nhện ở bào thai bằng cống ốc tai, nhưng sau khi em bé ra đời thì cống này tắc lại.
b) Nội dịch khu tai trong các ống bán khuyên màng, trong cầu nang, xoang nang, trong ống và túi nội dịch, trong ống ốc tai. Nội dịch được sản xuất ở vân mạch và tiêu ở rãnh xoắn ngoài (phần màng đáy ở bên ngoài cơ quan Corti).
c) Dịch Corti ở trong đường hầm Corti, (ở giữa trụ trong và trụ ngoài của cơ quan Corti), trong khoảng Nuel (bên ngoài trụ ngoài).
DÂY THẦN KINH
Các sợi dây thần kinh xuất phát từ soan nang, cầu nang và ống bán khuyên tập trung về hạch Scacpa (Scarpa). Ở đáy ống tai trong và hình thành bó tiền đình của dây thần kinh số VIII (dây thần kinh thính giác).
Các sợi thần kinh xuất phát từ cơ quan Cocti tập trung về hạch Cocti và hình thành bó loa đạo của dây thần kinh số VIII. Hạch Scacpa và hạch Cocti là nơi tập trung những tế bào thần kinh (nơron). Từ hạch Scacpa trở đi bó tiền đình và bó loa đạo hợp nhất thành dây thân kinh số VIII. Dây thần kinh này đi trong ống tai trong bên cạnh dây thần kinh số VII, dây thần kinh trung gian Vrilbe (Wrisberg) và động mạch tai trong. Dây thần kinh số VIII chui vào hành não ngay tại hố bên cạnh, ở bên ngoài và ở phía sau dây số VII. Khi vào trong hành não hai bó tiền đình và loa đạo lại tách rời ra một lần nữa, mỗi bó đi về trung tâm riêng biệt của mình.
Bó loa đạo chui vào các trạm như : nhân ốc tai trước, củ bên cạnh (tức là nhân bụng và nhân lưng), nhân trám, cấu tạo lưới nhân hình thang (hình 15b). Từ những nhân này phát sinh ra các sợi dây thẳng và sợi bắt chéo chạy lên trên dọc theo dải Rây (ruban de Reil) hai bên. Khi đi ngang qua củ não sinh tư sau, có một nhóm rẽ vào đấy còn đa số đi thẳng lên các hồi thái dương số một và số hai (Vùng thính giác Hesehli ở bờ dưới rãnh Sylvius).
Bó tiền đình đi vào hành não ngay ở phía sau bó loa đạo và chui vào các nhân tiền đình ở sàn não thất thứ tư (nhân tam giác, nhân Deiters), nhân của rễ xuống Rsler, nhân Bectơriu (Bechterew). Từ các nhân này xuất phát những bó thần kinh nối liền với các nhân cầu não ở phía trên (nhân dây vận động nhãn cầu chung, nhân dây cảm xúc, nhân dây vận động nhãn cầu ngoài, nhân dây phế vị) với tiểu não, với đại não và tủy sống.
Bộ Môn Tai Mũi Họng Đại Học Y Dược Tp.HCM
-----------------------------------
Giảng Đường Y Khoa
http://giangduongykhoa.blogspot.com
-----------------------------------
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net