Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

TIỂU MÁU

Tiểu máu là một vấn đề sức khỏe rất thường gặp. Theo y khoa, tình trạng có hồng cầu trong nước tiểu được gọi là tiểu máu.

Đôi khi tiểu máu là biểu hiện của một tình trạng bệnh nặng nề của đường tiết niệu, nhưng cũng có một số trường hợp khác không nguy hiểm và có thể không cần điều trị. Các bác sĩ chỉ có thể khẳng định được tình trạng tiểu máu được gây ra bởi những nguyên nhân không nghiêm trọng sau khi khám và đánh giá bệnh nhân đầy đủ.

Hệ tiết niệu bao gồm những bộ phận sau:

  • Thận: một người có 2 quả thận, chúng ở nằm ở phía sau, ở khoảng thắt lưng. Thận lọc máu cho cơ thể và sản xuất nước tiểu.
  • Niệu quản: Hai ống rỗng và hẹp dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
  • Bàng quang: hình dạng giống một quả bóng, chứa nước tiểu cho đến khi bạn có điều kiện thuận lợi có thể thải nước tiểu ra ngoài.
  • Niệu đạo: một ống rỗng, hẹp, mang nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Dòng nước tiểu được kiểm soát bởi các cơ thắt trong và ngoài có thể xiết và giãn xung quanh niệu đạo để giữ và thải nước tiểu ra ngoài.
  • Ở nam, cơ quan sinh dục và tuyến tiền liệt cũng thuộc một phần của hệ tiết niệu. Tuyến tiệt liệt bao bọc xung quanh niệu đạo. Nó tập hợp những tuyến tiết ra một chất dịch là thành phần của tinh dịch. Tuyến tiền liệt sẽ trở nên to hơn khi lớn tuổi.

Máu trong nước tiểu không phải lúc nào cũng nhìn thấy được bằng mắt thường. Nếu lượng máu nhỏ, nước tiểu trông có vẻ bình thường. Trường hợp này được gọi là tiểu máu vi thể vì những hồng cầu chỉ có thể nhận thấy được qua kính hiển vi, thường được tình cờ phát hiện ra khi bệnh nhân xét nghiệm nước tiểu vì những nguyên nhân khác.

Khi số lượng hồng cầu đủ để có thể nhìn thấy được, nước tiểu sẽ có màu hồng nhạt, đỏ hoặc màu nâu đậm ( như trà hoặc cola). Đây được gọi là tiểu máu đại thể. Chỉ cần một lượng máu nhỏ trong nước tiểu là đủ có thể nhìn thấy được – khoảng 1/5 muỗng trà trong khoảng nửa lít nước tiểu.

Một lượng nhỏ máu trong nước tiểu là bình thường. Trung bình ở một người khỏe mạnh không có vấn đề về đường niệu tiết ra khoảng 1,000 hồng cầu trong nước tiểu mỗi ngày. Với số lượng này thì không thể nhìn thấy bằng mắt thường được và cũng không được xem là tiểu máu.

Tình trạng máu xuất hiện với số lượng bất thường trong nước tiểu có thể cấp tính (mới, xảy ra đột ngột) hoặc mạn tính (đang diễn ra, trong một thời gian dài). Tiểu máu cấp tính có thể xuất hiện một lần duy nhất hoặc cũng có thể tái phát nhiều lần.

Thỉnh thoảng nước tiểu có thể có màu như tiểu máu nhưng thật sự trong nước tiểu không có hồng cầu mà là do thức ăn hoặc thuốc làm đổi màu nước tiểu.

Trên 10% dân số bị tiểu máu và khoảng 3% phát triển thành tiểu máu đại thể.

  • Phụ nữ thường bị tiểu máu nhiều hơn nam giới vì phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn.
  • Người lớn tuổi đặc biệt là nam giới tiểu máu nhiều hơn vì họ sử dụng nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến thận và kích thích đường niệu, sự to lên của tiền liệt tuyến hoặc ung thư.

NGUYÊN NHÂN

Tiểu máu do nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Tiểu máu có thể do bất kỳ nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng, viêm hoặc tổn thương hệ niệu.
  • Thông thường thì tiểu máu vi thể là biểu hiện của tổn thương của đường tiểu trên (thận) trong khi tiểu máu đại thể là do tổn thương đường tiểu dưới (niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Nhưng điều này không chính xác trong mọi trường hợp.
  • Sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiểu là nguyên nhân thường gặp ở những người trẻ hơn 40 tuổi.
  • Chúng cũng có thể là nguyên nhân gây tiểu máu ở những người lớn tuổi hơn, tuy nhiên, ung thư thận, bàng quang và tiền liệt tuyến lại trở thành mối quan tâm phổ biến hơn ở những người trên 40 tuổi.
  • Nhiều tình trạng bệnh nặng gây tiểu máu khác cũng có thể tồn tại cùng một lúc.
  • Tiểu máu có thể gây ra bởi những bệnh nặng hoặc nhẹ. Các bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp để giúp phân biệt chúng với nhau.

Những nguyên nhân phổ biến gây tiểu máu bao gồm:

  • Sỏi thận
  • Nhiễm trùng hệ niệu hay sinh dục
  • Tắc nghẽn đường tiểu thường ở niệu đạo do sỏi, u, hẹp lỗ tiểu hoặc do sự đè ép của các cấu trức xung quanh.
  • Ung thư thận, bàng quang hoặc tiền liệt tuyết
  • Các bệnh lý của thận
  • Rối loạn đông máu
  • Tổn thương đường tiểu trên và dưới, chẳng hạn như tai nạn xe hơi hoặc té ngã.
  • Thuốc – kháng sinh [rifampin (Rifadin)], thuốc giảm đau (aspirin), thuốc kháng đông (warfarin), phenytoin (Dilantin), quinine (Quinerva, Quinite, QM-260).
  • U lành (không phải ung thư) làm tuyền liệt tuyến to lên - được gọi là phì đại tiền liệt tuyến, là một bệnh lý thường gặp ở nam lớn tuổi.
  • Những bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áphồng cầu hình liềm
  • Nhiễm virus
  • Viêm thận – thường không rõ nguyên nhân
  • Vận động quá sức đặc biệt là chạy bộ gây ra những chấn động lên bàng quang.

Thỉnh thoảng tiểu máu không có nguyên nhân

  • Nếu như loại trừ được những bệnh nặng như ung thư, các bệnh lý của thận hoặc những bệnh mãn tính khác gây tổn thương thận hoặc chảy máu thì những nguyên nhân gây tiểu máu còn lại thường không nguy hiểm.
  • Tiểu máu có thể tự biến mất hoặc vẫn tiếp tục thành một tình trạng mãn tính mà không gây hại. Nếu bạn thấy bất kỳ một sự thay đổi nào, bạn cũng nên đến khám để được các bác sĩ đánh giá.
  • Nước tiểu có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu do những nguyên nhân mà có thể không liên quan gì đến việc chảy máu ở đường niệu như:
  • Thức ăn – ăn củ cải, những quả mọng có màu đỏ (dâu), cây đại hoàng với số lượng nhiều.
  • Thức ăn có màu đỏ
  • Thuốc – thuốc nhuận tràng và thuốc giảm đau
  • Máu kinh
  • Bệnh lý của gan trong trường hợp nặng.

TRIỆU CHỨNG

Bản thân tiểu máu là một triệu chứng chứ không phải là một bệnh lý.

  • Ở tiểu máu đại thể, nước tiểu có màu hồng nhạt, đỏ hoặc nâu sậm (như nước cola hoặc trà), cũng cũng có thể có máu cục nhỏ. Số lượng máu trong nước tiểu không nói lên được mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.
  • Ở tiểu máu vi thể, nước tiểu bình thường.

Nhiều người tiểu máu không có những triệu chứng khác. Những triệu chứng khác có liên quan đến nguyên nhân của tiểu máu là:

  • Đau hông, lưng, dưới thắt lưng hoặc háng
  • Cảm giác nóng đau khi đi tiểu (tiểu khó)
  • Sốt
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Giảm cân
  • Ăn uống kém

Sỏi thận: không phải tất cả những bệnh nhân bị sỏi thận đều có đầy đủ những triệu chứng này.

  • Đau, thường là dữ dội, ở hông, lưng hoặc bụng dưới có thể lan xuống vùng háng, đùi.
  • Buồn nôn và nôn
  • Thông thường thì nhiệt độ bình thường
  • Tiểu lắt nhắt
  • Cảm giác nóng khi đi tiểu
  • Không có tư thế giảm đau – liên tục thay đổi tư thế (lăn lộn, quằn quại) để tìm cách giảm đau.

Nhiễm trùng tiểu: Triệu chứng có thể tương tự như sỏi thận

  • Đau ở vùng lưng, hông, bụng dưới hoặc háng, có thể đau dữ dội nhưng không đủ để làm cho bệnh nhân lăn lộn.
  • Sốt có thể có ớn lạnh
  • Tiếu lắt nhắt nhiều hơn
  • Có cảm giác mắc tiểu nhưng thường chỉ tiểu ra được một ít
  • Cảm giác nóng hoặc đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục – có mủ trong nước tiểu

KHI NÀO CẦN NHẬP VIỆN

Bất cứ lúc nào bị tiểu máu hoặc có những triệu chứng liên quan đến bệnh lý của hệ niệu, hãy đi khám bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay. Nếu bạn không thể liên lạc được với bác sĩ, hãy đến phòng cấp cứu của bệnh viện.

Bất cứ lúc nào bạn tiểu máu và kết hợp với những triệu chứng như sốt, đau hông, bạn nên đến phòng cấp cứu bệnh viện vì đây có thể là tình trạng nhiễm trùng nặng của thận.

KHÁM VÀ CẬN LÂM SÀNG

Dù bạn tiểu máu đại thể hay vi thể, bác sĩ cũng sẽ đưa ra những câu hỏi để tìm ra nguyên nhân.

  • Bạn sẽ được hỏi về tình trạng bệnh lý của mình và tiền sử bệnh, đặc biệt là nếu như bạn đã từng bị tiểu máu trước đây.
  • Bạn đã và đang uống những loại thuốc nào, bao gồm những loại thuốc thông thường, thuốc trong toa, thuốc tự mua, những loại thuốc bất hợp pháp hoặc thuốc gây nghiện, thảo dược, thuốc nam, thuốc bắc, những loại thuốc bổ, những sản phẩm thay thế …
  • Gần đây bạn có bị bệnh, tai nạn, phải trải qua những cuộc phẫu thuật, thủ thuật hoặc những biện pháp kiểm tra y học khác ?
  • Bạn có đi đâu xa nơi mình đang sống không?
  • Những công việc mà bạn đã làm, có tiếp xúc với chất độc hóa học không?
  • Bạn sẽ được hỏi về những thói quen và cách sống như hút thuốc lá, ăn kiêng, và tập thể dục.
  • Những thói quen đi tiểu của bạn.

Xét nghiệm: sau khi đươc khám bệnh, bạn sẽ được làm những xét nghiệm và hình ảnh học.

  • Dipstick: đây có thể là xét nghiệm đâu tiên được thực hiện ở phòng khám hoặc phòng cấp cứu. Một miếng giấy nhỏ được nhúng vào cốc có chứa mẫu nước tiểu. Giấy sẽ cho những màu khác nhau để báo hiệu sự hiện diện của protein, đường máu hoặc có nhiễm trùng trong nước tiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xét nghiệm này cũng có thể cho kết quả dương tính giả.
  • Tổng phân tích nước tiểu (TPTNT): thường được thực hiện sau dipstick. TPTNT chính xác hơn và có thể gợi ý tốt hơn để tìm nguyên nhân gây chảy máu. TPTNT không được làm ở phòng khám mà ở phòng xét nghiệm nơi mà các bác sĩ gửi mẫu nước tiểu của các bạn đến. Ví dụ có protein trong nước tiểu cho gợi ý rằng thận là nguyên nhân gây tiểu máu. Nước tiểu được soi dưới kính hiển vi để tìm hồng cầu và bạch cầu, là dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng.
  • Cấy nước tiểu: bạn sẽ lấy mẫu nước tiểu giữa dòng (không lấy nước tiểu khi vừa mới tiểu). Một lượng nhỏ nước tiểu được chải lên trên 1 cái đĩa đặc biệt và đặt trong lò hấp. Vi trùng mọc lên bất thường chứng tỏ có nhiễm trùng đường niệu.

Hình ảnh học: có một số cách thường được sử dụng để khảo sát đường tiểu bao gồm siêu âm thận, CT scan và chụp bể thận có chất cản quang

  • Siêu âm: dùng sóng âm với tần số cao để nhìn thấy được những cấu trúc bên trong cơ thể.
    • Thường là một trong những phương tiện hình ảnh học đầu tiên được dùng vì nó đơn giản và phổ biến.
    • Siêu âm cũng được sử dụng trong sản khoa vì sóng siêu âm không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
    • Rất có ích khi tầm soát sự phì đại của thận do tắc nghẽn như sỏi, ung thư, phì đại tiền liệt tuyến hoặc hẹp.
  • Chụp bể thận có cản quang: hoặc làm IVP ((Intravenous pyelogram) là một phương pháp chụp X – quang đường tiểu.
    • Đầu tiên chất cản quang sẽ được tiêm vào tĩnh mạch, nó sẽ được thận lọc và do đó cung cấp được hình ảnh cản quang của đường niệu một cách rõ ràng.
    • Một loạt ảnh được chụp liên tục mỗi 30 phút 1 lần để tìm ra chỗ tắc nghẽn hoặc bệnh lý.
    • Đây là phương pháp đặc biệt hữu ích trong việc đánh giá thận và niệu quản nhưng kém hiệu quả hơn đối với bàng quang, tiền liệt tuyến hoặc niệu đạo.
    • Nó có thể xác định vị trí tắc nghẽn, sỏi hoặc khối u.
    • Cẩn thận khi sử dụng phương pháp này đối với người lớn tuổi, những nguời bị đái tháo đường hoặc những bệnh lý về thận trước đây vì chất cản quang có thể gây suy thận.
  • CT scan: giống như x quang nhưng cho hình ảnh chi tiết hơn.
    • Nó rất tuyệt vời trong việc tìm ra sỏi trong hệ niệu
    • CT scan có thể được thực hiện mà không cần dùng đến thuốc cản quan và do đó nó đặc biệt hữu ích đối với những người đã bị bệnh lý về thận trước đây.

Nếu có thể loại trừ được sỏi và nhiễm trùng, có thể sẽ phải cần đến những xét nghiệm khác để tìm những nguyên nhân gây tiểu máu ít gặp hơn. Đặc biệt, những người lớn tuổi có sự gia tăng nguy cơ bị những nguyên nhân nghiêm trọng gây ra tiểu máu. Bất kỳ bệnh nhân nào trên 40 tuổi cũng nên được khảo sát kỹ lưỡng xem có ung thư ở hệ niệu hay không. Việc khảo sát có thể được thực hiện ở những bệnh nhân ngoại trú.

Nội soi bàng quang: do bác sĩ niệu khoa thực hiện.

  • Một ống đường kính nhỏ với camera ở cuối được đưa từ lỗ tiểu đi xuyên qua niệu đạo để có thể nhìn thấy được bàng quang, tiền liệt tuyến (ở nam) và niệu quản. Trước đó bạn sẽ được uống thuốc giảm đau và an thần.
  • Thủ thuật thường kéo dài trong khoảng 10 phút.
  • Nội soi bàng quang có thể phát hiện ra hầu hết những vấn đề của đường tiểu dưới, đặc biệt là ung thư của bàng quang và tiền liệt tuyến.

Tế bào học: các bác sĩ sẽ khảo sát những tế bào của đường tiểu dưới trong mẫu nước tiểu của bạn.

  • Nếu bạn bị ung thư, thường sẽ thấy được các tế bào có hình ảnh đặc trưng của khối u ác tính.
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra chúng dưới kính hiển vi và so sánh chúng với những tế bào bình thường của hệ niệu.

ĐIỀU TRỊ

Tự chăm sóc tại nhà

Nếu bạn nhìn thấy được có máu trong nước tiểu, không nên cố tự điều trị tại nhà. Hãy đi khám bệnh lập tức chứ không nên chần chờ gì cả.

Nếu bạn bị nhiễm trùng tiểu, bạn sẽ được dùng kháng sinh từ 3 – 14 ngày phụ thuộc vào cơ quan nào của đường tiểu bị nhiễm trùng.

Nếu bạn bị sỏi thận, uống nước nhiều sẽ giúp di chuyển cục sỏi và phòng ngừa hình thành những cục sỏi khác. Có thể bạn cần phải uống thuốc giảm đau.

Tại bệnh viện

Nhiều nguyên nhân có thể gây ra tiểu máu. Một số không đáng lo ngại và không cần điều trị. Chúng thường tự khỏi. Một số khác có thể rất nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chảy máu. Bất kỳ lúc nào bạn nhận ra có máu xuất hiện trong nước tiểu, bạn cần đi khám bệnh ngay để kiểm tra.

Sỏi thận: trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ được khuyên uống nhiều nước hoặc những thức uống khác và sử dụng thuốc giảm đau.

  • Hầu hết các cục sỏi có thể tự di chuyển qua đường niệu. Trong một số trường hợp cần phải thực hiện những biện pháp khác.
  • Có một phương pháp điều trị là sử dụng sóng âm để tán sỏi. Sỏi sẽ được phá ra thành những mẫu nhỏ hơn và do đó có thể di chuyển qua đường tiểu dễ dàng hơn mặc dù đôi khi có thể làm đau một chút sau đó.
  • Một phương pháp điều trị khác là sử dụng nội soi bàng quang để tìm sỏi ở niệu quản để gắp nó ra.

Nhiễm trùng đường tiểu: mục tiêu điều trị là tìm các tống khứ những loại vi trùng gây nhiễm trùng. Nếu bạn không có những bệnh lý khác, bạn sẽ được dùng một đợt kháng sinh từ 3 – 14 ngày phụ thuộc vào nguồn gốc gây nhiễm trùng.

Phì đại tiền liệt tuyến: đôi khi việc kiêng ăn một số loại thức ăn và tránh một số loại thuốc kích thích tiền liệt tuyến có thể làm cho nó nhỏ lại. Tuy nhiên cũng có lúc phải cần điều trị bằng thuốc.

Thuốc: nếu thuốc gây ra tiểu máu, bạn nên ngưng sử dụng thuốc đó. Có một số loại thuốc chỉ làm đổi màu nước tiểu nhưng không gây tiểu máu thật sự. Bác sĩ có thể giúp xác định được xem có nên tiếp tục uống loại thuốc đang sử dụng hay không. Do đó bạn không nên ngưng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Tắc nghẽn đường tiểu: thường cần phải phẫu thuật hoặc sử dụng các phương pháp khác để thông nối.

Tổn thương: có thể sẽ tự lành theo thời gian hoặc có thể phải phẫu thuật hay những thủ thuật khác để giúp sửa chữ lại những thương tổn hay lấy bỏ đi những mô bị tổn thương.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Theo dõi

Đối với những bệnh nhân bị tiểu máu thì việc theo dõi là rất quan trọng:

  • Thông thường bạn sẽ phải quay lại phòng khám sau 1 đến 2 tuần để được phân tích lại nước tiểu để chắc chắn rằng tiểu máu đã hết.
  • Nếu tiểu máu còn tiếp tục, bạn có thể được thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu hơn.
  • Bạn nên uống nước nhiều và uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ nếu như tiểu máu đã hết.

Nam giới trên 50 tuổi không tìm ra nguyên nhân cần phải khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến hằng năm

Tiên lượng

Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu. Hầu hết các bệnh nhân đều có tiên lượng tốt vì hầu hết các nguyên nhân của tiểu máu đều có thể điều trị được. Những bệnh nhân có sức khỏe tốt có thể được điều trị ngoại trú không cần nằm viện.

Dịch từ: emedicinehealth

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases